Xâu chuỗi Mân Côi
Viết lại để nhớ hai chị Hoài và Đại úy nữ quân nhân Phạm Nguyệt Quỳ, nếu còn sống và đọc bài viết này thì xin lên tiếng.
Tiểu Đĩnh
Khi nhận lệnh động viên, tôi về thăm gia đình trước khi lên đường nhập ngũ.
Ngày tôi ra đi, mẹ tôi cho tôi một chuỗi Mân Côi, nói: “Biết con không tin gì ở những lời cầu nguyện với chuỗi Mân Côi, nhưng mẹ cho con chuỗi này và xin con một điều là luôn để chuỗi trong túi áo. Biết có chuỗi này trong túi áo con thì mẹ được an tâm.”
Đó là loại chuỗi rất đẹp, dây bằng kim loại óng ánh, hạt bằng ngà trắng trong. Nghe lời mẹ, tôi để chuỗi vào túi áo và xem đó như một món trang sức kín đáo luôn mang theo người.
Khi vào lính thì cuộc sống thành khác xưa. Áp lực cộng việc, những chuyến đi xa, những hiểm nguy về thời tiết, về đối phương lúc nào cũng rình rập quanh mình khiến lòng trí tôi luôn bị chi phối và dính chặt vào thực tế hàng ngày. Xâu chuỗi lúc nào cũng nằm trong túi áo.
Nhiều năm sau, tôi đến Cam Ranh làm việc chung với người Hoa Kỳ ở đó. Về phía Việt Nam, đơn vị trưởng của tôi là một đàn anh cũng dày dạn phong trần. Hai tôi hồi nhỏ có lần học cùng trường nhưng ông học trên tôi hai lớp. Với tình huống như thế, giữa ông và tôi có một sự thông cảm nhau đặc biệt, tương kính, và thương yêu.
Về công vụ thì ngoài những gì phải làm thường xuyên trong quân đội, chúng tôi còn phải tiếp xúc, đối xử với hàng trăm người Mỹ từ các sĩ quan mang phù hiệu con ó, phù hiệu lá nho bạc cũng như lá nho vàng trên bâu áo đến từng người lính, giải quyết những va chạm về văn hóa thường xảy ra giữa đôi bên. Công việc như thế tạo ra nhiều căng thẳng, nhưng nói chung cũng gọi là tạm ổn cho đến ngày có việc lạ xảy ra.
Hôm đó có một sĩ quan cấp Thiếu úy vừa đáo nhận đơn vị. Ông trình diện nhận việc buổi sáng thì buổi trưa liền đó ông theo anh em ra biển tắm chung với hàng trăm người khác, Mỹ có, Việt có. Rồi thình lình ông bị dòng nước ngầm cuốn ra xa bờ biệt tăm. Được báo tin hai phút sau đó, tôi ra tận nơi thấy dưới nước là người nhái, mặt nước tàu tuần, trên không trực thăng đổ xô quay quần tìm người mất tích. Một chiếc bè gỗ to bằng người được cấp tốc thực hiện, mang thả ngay nơi lần cuối nhìn thấy vị sĩ quan xấu số đó, xem dòng nước ngầm chảy về đâu rồi theo đó mà tìm xác. Nhưng mỗi giờ trôi qua mỗi tăng thêm tuyệt vọng cho việc kiếm tìm. Đến đêm thì đơn vị phải gửi tin thiệt hại đó trên về Sài Gòn để thông báo cho gia đình nạn nhân.
Hôm sau hai thân nhân người quá cố đáp phi cơ quân sự Hoa Kỳ đến Cam Ranh. Đó là người chị ruột, một nữ quân nhân có tên là Q. và một người chị bà con tên là H. Khi đến nơi, họ được đưa ra bãi biển mục kích cảnh tìm kiếm lúc đó sang ngày thứ hai. Rồi buổi chiều, kết quả cũng vẫn là con số không buồn bã.
Ngày kế đó chấm dứt công tác mò tìm. Đơn vị trưởng kêu sĩ quan Tham mưu phó hành quân thi hành ba việc. Một là lo cấp phương tiện đưa thân nhân đến ngôi chùa gần đó xin thỉnh bài vị người quá cố mang về nhà lập bàn thờ. Hai là lo phương tiện phi cơ đưa thân nhân về lại Sài Gòn sáng hôm sau, và ba là làm một bữa cơm đãi hai thân nhân buổi chiều cùng ngày. Thực khách gồm sáu người: hai nữ khách, đơn vị trưởng đang trong tình trạng độc thân tạm thời, vợ chồng ông Tham mưu phó và cuối cùng là tôi.
Trong buổi ăn này, chủ và khách nói chuyện với nhau về những chuyện trên trời dưới đất, tránh đề cập đến tin buồn vừa qua.
Qua những câu trao đổi nhau, chúng tôi biết cô nữ quân nhân lúc đó còn độc thân, còn bà chị họ thì có gia đình sáu con mọn. Hiện sống ly thân với ông chồng, một kỹ sư làm việc cho hãng đường tại Quảng Ngãi, nhưng đã có vợ bé và ba con riêng.
Đang nói chuyện thì lòi ra vụ cô H. là người đồng hương với ông đơn vị trưởng của tôi. Thôi thì “tha hương ngộ cố tri” thì có nỗi vui nào bằng. Trong bữa cơm lúc đó chỉ có hai người bạn cố tri nói chuyện với nhau.
Khi cơm xong, ông bà tham mưu phó đứng lên xin phép về, vì ông còn chút việc cần làm tại văn phòng. Còn lại bốn người, hai nam hai nữ. Ông đơn vị trưởng mời mọi người sang phòng khách uống rượu trợ tiêu hóa.
Ông mang ra nhiều loại rượu và hỏi ý thích từng người. Cô nữ quân nhân xin Cognac. Ông rót một ly nhỏ loại rượu này đưa cho cô. Cô cầm lấy, nâng cốc lên môi, nhè nhẹ ngả đầu ra phía sau rồi bật lại một cái: ly rượu không còn một giọt. Đó là một thành tích tôi không sao theo kịp. Đến phiên cô H. thì cô xin một ly nhỏ Cointreau. Tôi thì tự rót một ly nhỏ Crème de Cacao, nhẹ, có mùi ngọt ngọt, béo béo. Mắt tôi nhìn hai nữ khách, bỗng thấy cô H. vừa nâng ly lên môi thì buông ly, ngả nằm trên ghế sofa. Hai mắt cô nhắm kín, hai hàm răng của cô nghiến vào nhau thành tiếng nghe rất dễ sợ.
Sợ cô tự cắn phải lưỡi mình, tôi nhảy xuống bếp, lấy một cái muỗng sắt, chạy lên, nhét cán muỗng vào miệng cô. Toàn thân cô lạnh như cây nước đá đang bốc hơi. Ông đơn vị trưởng nhìn cô em, cô nữ quân nhân, hỏi: “ Có bao giờ cô H. bị như thế này chưa, hả?”
Cô nữ quân nhân nói là “Chưa bao giờ.” Rồi cô đến ôm đầu cô H., đưa tay nắm hai lọn tóc ở hai màng tang cô chị mà giựt liên hồi, miệng thì kêu:” Chị H. ơi, tỉnh dậy…”
Đơn vị trưởng nhờ tôi chạy tìm linh mục tuyên úy, thiếu tá O’Neil Casey. Ra bên ngoài, tôi nhảy lên xe Jeep, mở máy, rồ ga phóng đến khu cư xá sĩ quan.
Bỏ xe bên ngoài, tôi chạy vào gõ cửa phòng ông Casey. Một sĩ quan Mỹ ở phòng bên cạnh mở cửa thò đầu ra nói, “Linh mục Casey đi Sài Gòn hai hôm mới về.” Tôi nói hai tiếng “Cám ơn” rồi chạy ra xe, lái về tư thất đơn vị trưởng của tôi.
Ông đang đứng trước hiên nhà miệng cắn móng tay, suy nghĩ dữ dội. Ban đêm trong nhà vắng có hai cặp nam nữ mà một người nữ ngả ra bất tỉnh thì đâu phải chuyện không mang tai tiếng xa gần.
Khi biết linh mục tuyên úy đi vắng, ông nhờ tôi đến nhà nguyện trong trại lấy một ít nước Thánh. Tôi lái xe đến phòng trực, mượn chìa khóa nhà nguyện. Mở cửa vào nhà nguyện, bật đèn sáng, thì thấy nước Thánh thường ngày đã bị thằn lằn hay con gì uống khô. Ra phía sau bàn thờ cũng chẳng thấy chai lọ gì để gọi là chứa nước Thánh. Tôi đành chạy về báo tin không vui thứ hai.
Thấy ông đơn vị trưởng vẫn đứng yên chỗ cũ, hơi thất thần vì bị dồn vào thế hoàn toàn bất lực. Tôi hỏi tình hình ra sao. Ông đáp, đưa tay chỉ vào bên trong nhà: “ Moa mang cô vào phòng đặt trên giường rồi. Toa vào coi giùm chút. Có gì cho moa biết.”
Tôi bước vào phòng ngủ của ông đơn vị trưởng. Cô H. đang nằm thiêm thiếp trên giường, người đắp chăn kéo tận càm. Cô Q. ngồi bên cạnh khóc tấm tức.
Người em trai ruột vừa bị nước cuốn không tìm được xác. Rồi đến người chị thân thương lâm vào tình trạng hôn mê chưa từng thấy. Hoa vô đơn chí là đây chăng?
Bước đến gần, vừa đưa tay thử sờ đôi bàn chân người đang nửa sống nửa chết xem có bớt lạnh chút nào hay không thì cô H., nạn nhân, bỗng nói lớn, giọng hơi lạc: “Ê, không chơi à. Nóng lắm. Không chịu được. Tôi vào chơi chút tôi đi mà.”
Cái gì nóng trong khi toàn thân cô lạnh như tuyết đóng thành băng? Tôi cúi xuống định xem phần trên mặt cô nóng lạnh ra sao thì cô bật ngồi lên như cái lò xo thịt, tung chăn nhảy ra khỏi giường, nhanh như một chàng thanh niên. Sau đó thì cô bước đi như người đang mộng du. Khi ngang qua nơi tôi đang đứng thì cô bỏ chạy, đầu, tay, gối va vào tường vang thành tiếng nhưng cô không kêu đau mà chỉ kêu là “Nóng quá. Nóng quá!”
Lúc đó tôi nhớ đến xâu chuỗi tôi đang có trong túi. Tôi thò tay vào lấy chuỗi Mân Côi ra. Lúc đó tiếng la của cô H. thành to hơn, thất thanh hơn, và cô chạy nhanh hơn. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Chính tác năng mầu nhiệm của xâu chuỗi Mân Côi đã kiến xảy ra hiện tượng đó.
Nghe tiếng la to, ông đơn vị trưởng từ ngoài chạy vào. Thấy cảnh đó, ông hiểu ra ngay. Ông nói: “ Đưa chuỗi cho moa. Toa đưa chuỗi cho moa ngay.”
Ông cầm lấy xâu chuỗi đang trong tay tôi, chạy đến tròng chuỗi vào cổ cô H. lúc đó đứng ngay góc phòng, thở dữ dội. Khi xâu chuỗi được tròng vào cổ cô, cô lại la lên, kêu bị phỏng. Rồi thình lình, cô rướn người lên như con ếch bị cắt cổ lột da, vặn vẹo toàn thân, đưa hai tay lên cổ bứt xâu chuỗi ném ra xa. Tôi chạy đến nhặt chuỗi lên. Liền đó ông đơn vị trưởng một lần nữa, giành lấy chuỗi bị đứt chưa nối lại được. Ông nắm xâu chuỗi trong tay, hươi hươi trước mặt cô H.
Ông nói: “Mày không xuất là tao đánh nữa. Xuất mau, loài quỉ chết.”
Sau câu đó, cô H. bỗng mở mắt ra nhìn ngơ ngác, thân thể trần truồng vì gần trước đó cô kêu bị nóng mà xé cả áo cả quần mà vứt ra xa.
Đưa chuỗi lại cho tôi, ông đơn vị trưởng lấy cái mền phủ lên người cô H., dìu cô lại ngồi trên chiếc giường. Cô bàng hoàng đảo mắt nhìn chúng tôi từng người. Cô hỏi ông đơn vị trưởng: “Sao em ra thế này?”
Ông đơn vị trưởng nói: “Chúng tôi phải hỏi chị câu đó mới phải. Tại sao đang vui với tụi này mà chị …như vậy? Chị còn nhớ gì không?”
Cô H. nói: “Em không nhớ gì cả.”
Hỏi tiếp: “Thế chị có nhớ chị và cô Q. ra Cam Ranh làm gì không?”
Trả lời: “Không nhớ gì cả.”
Lại hỏi: “Thế chị có nhớ chị ra tìm xác em. Tìm không thấy, rồi tôi mời cơm chị không?”
Tiếng cô trả lời: “Nhớ.”
Chờ một chút, ông đơn vị trưởng hỏi tiếp: “Thế tại sao cơm xong, thì chị…như vậy?”
Trả lời: “Em không biết. Chỉ nhớ khi cầm ly rượu anh đưa cho, em vừa đưa lên môi liền thấy tối sầm. Khi mở mắt ra thấy…như vậy đó. Em có biết gì đâu. Không nhớ mình đã nói cũng như đã làm những gì nữa.”
Tôi bỏ xâu chuỗi lại vào túi và từ lúc đó tôi bắt đầu hiểu lý do vì sao mỗi khi về thăm nhà, mẹ tôi mãi nhắc tôi giữ xâu chuỗi đó trong túi áo tôi đang mặc, giữ mà không một lần nhớ đọc kinh cũng được.
Bài học tôi học hôm đó là quá đắc vì phải mất đến một cái một cái chết thật và một cái chết nửa chừng, mới cho bốn người chúng tôi thấy sức mạnh vô hình của chuỗi Mân Côi.
Hai cô Q. và cô H. bắt đầu để ý đến xâu chuỗi từ đó, hỏi tôi làm sao mà có được. Còn ông đơn vị trưởng của tôi, người theo công giáo từ nhiều đời, từng học trường tu dòng, nhưng đến lúc đó mới thấy trong túi ông không có xâu chuỗi, một thứ bảo vật linh thiêng mà mẹ tôi muốn tôi không bao giờ rời xa đó dù cho một bước. Tôi nói bảo vật vì sau đó không lâu, nhân gặp nói chuyện với một tu sĩ một tôn giáo bạn, ông nói: “Bên đạo anh có một món vô cùng quí giá mà bên tôi không có. Đó là chuỗi Mân Côi.”
Xâu chuỗi Mân Côi, món quà mẹ tôi cho, từ đó đến nay luôn theo tôi hơn ba mươi năm dài, trong đó có khá nhiều năm tôi phải sống rất gần rừng gần núi, sống trong một tinh thần lạc quan, vô úy vì trong tôi luôn có chuỗi Mân Côi. Trong thời gian này, có lần lên rừng lao động, vô ý làm sao mà khi lấy cây đủ chỉ tiêu xong, ngồi xuống nghỉ, đưa tay nắn túi thì lạ thay, không thấy chuỗi đâu, trong khi nấp túi vẫn còn gài nút. Tôi tái mặt vì không biết mình đã bỏ quên chuỗi ở đâu. Sáng nào trước khi rời trại đi lao động, tôi cũng nắm túi kiểm tra có xâu chuỗi rồi mới đi.
Quên cơn mệt, cơn khát, tôi quay đi tìm chuỗi. Định thần nhớ lại những nơi tôi đã đi qua trên đường tìm cây để đốn hạ, mang về cho trại, nhưng không sao tìm thấy lại xâu chuỗi của mẹ cho. Tôi tiếc xâu chuỗi đó hơn tiếc bất cứ thứ gì quí nhất trên đời.
Cảm giác liền đó là tôi cảm thấy mình như thành tật nguyền, thiếu tự tin, rất giận mình đã lơ đễnh đến mức không thể chấp nhận. Rồi chắc chắn đời tôi rồi sẽ héo hon.
Tôi vác củi xuống núi. Lúc đi đến một khúc quanh, thì y như có ai quay mặt tôi nhìn về bên cạnh để thấy xâu chuỗi đang treo lủng lẳng ngang mắt tôi, trên một cành cây chổm vệ đường. Tôi đã làm gì mà chuỗi vướng phải cành cây thay vì rơi xuống đất đầy lá rừng xào xạc theo mỗi bước chân tôi đi?
Giữa cảnh âm u của núi rừng, tôi dừng chân, để bó củi trên mặt đất rồi ngồi lên đó, suy nghĩ tìm câu trả lời cho câu tôi tự hỏi tôi. Nhưng chỉ hoài công. Chuyện linh thiêng chỉ có thể được hiểu bằng đức tin mà không bằng bộ óc con người.
Tiểu Đĩnh
No comments:
Post a Comment