Tuesday, February 20, 2018

Tình Xuân






Image result for tet images
Ông Hai nhâm nhi ly trà sâm Đại Hàn, mùi sâm thơm thơm, vị đăng đắng, hơi ngòn ngọt, màu nâu cánh dán. Từ Bắc Mỹ, nhân dịp Xuân về , ông bạn thân của ông Hai sai cháu mang đến tặng ông một thùng sâm  kèm theo lời dặn “Này, sâm này uống vào ông ...rượt bà chạy tóe khói đấy nhá. Ngày một gói thôi. Nóng thì hai, ba ngày một gói. Cao huyết áp thì đừng dùng. Ba ngày xuân ông phải...xung lên một tí chứ.”.

“Xung” ? Cái tuổi sắp lên hàng...tám mà còn xung thì có mà... ngủm cù đeo sớm. Cứ nhìn vào cái thân này thì biết nó thay đổi nhiều lắm. Chỉ mới năm ngoái thôi, năm nay đã mọc hai cục bé bằng hạt đậu trong cái tuyến tiền liệt (prostate) mà có lúc ông nghĩ sao nó không “liệt ” đi cho khỏe cái thân già. Bác sĩ bảo chả sao. Nó hiền, không quậy phá bạn bè, hàng xóm thì cần quái gì phải xạ trị, hóa trị. Cứ để yên thế cho nó ngủ. Ba tháng đi thăm nó một lần. Bắt chước ông Mai Thảo “Dỗ Bệnh”, “Bệnh ở trong người thành bệnh bạn. Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân”. Cứ thế, ông Hai sống thoải mái, vô tư với hai người “bạn”.

Năm năm về trước, ông Hai nhớ bà Hai kể câu chuyện “Tư Ếch Học Nhảy Đầm”. Bà con đọc ai cũng biết Tư Ếch “xung” là ông. Ông khoái trá về cái chuyện “dở chứng” rủ bà Hai và hai cặp bạn mời thầy về nhà học nhảy. Năm nay cái chân phải của ông yếu rồi. Lên cầu thang ông phải bước chậm, sợ vấp té. Đi bộ lâu thì nó mỏi dần, đêm về rêm nhức không ngủ nổi. Còn nói chi đến chuyện dìu bà Hai quay vòng vòng điệu Valse, lắc Twist, đánh mông Cha- cha- cha hay uốn éo Tango. Có vớt vát chăng là điệu Slow -Mông -Cổ.

Chuyện ăn uống, ông vẫn biết mình ăn uống ngon miệng đấy. Có điều cái bao tử của ông bây giờ nó teo lại. Ông ăn vặt, rỉ rả cả ngày như mấy mụ đàn bà lúc nào cái miệng cũng ươn ướt. Ông không ăn nhiều, ăn vừa đủ no, ăn kiêng dầu mỡ, bớt đường bớt muối cho ba cái cao nó xuống thấp, hợp với sức khỏe của người già. Chuyện ngủ thì tội cho ông lắm. Đêm đêm, cái tuyến tiền liệt nó hành ông thức dậy  vài ba lần để xả. Ông phải nằm thở sâu, tập Thiền để dỗ giấc ngủ trở lại. Dỗ mãi vẫn không ngủ được thì ông thức. Ông đọc, viết ba cái lăng nhăng cho cái bộ não làm việc mệt rồi nó mới tha cho ông. Ông dậy muộn. Cộng với giấc ngủ trưa tính ra cũng tròm trèm gần tám tiếng một ngày.Ông có thói quen tính con số xem mỗi ngày mình ngủ bao nhiêu tiếng. Đủ con số tám là ông vui lắm.

Còn “đôi mắt là cửa sổ của linh hồn” thì nó không còn “linh hồn” từ khi ông mổ cườm, thay giác mạc mới. Ông hết lái freeway, chỉ quanh quẩn khu lô-cồ ở quận Cam. Chừng nào hết lái nổi thì ông bảo lo gì, đã có tài xế Mỹ chở ông vòng vòng  quận Cam, khu Little Saigon hoặc ông đi bộ. Nhà ông ở phố Bolsa, chỉ cần qua một lốc đường là có  phở đêm cho ông... xơi tái mỗi khi bất ngờ “hương gây mùi nhớ”...phở.

Đáng ngưỡng mộ nhất là ông chịu khó nghiên cứu và tập tành đều đặn ngày một tiếng đồng hồ. Ông xem sách Yoga, Taichi, Dịch Cân Kinh, học khí công Hồng gia, Hoàng Hạc, Càn Khôn Thập Linh ...Ông thu thập các “pháp môn” rồi tự chế một cách tập “không giống ai” miễn sao thích hợp với cơ thể mình. Nhờ tập đều mà ông còn đi đứng được nếu không thì ...sụm bà chè lâu rồi.

Bây giờ có thêm thùng sâm Cao Ly sáu tuổi, loại đỏ, có chữ “gold” ông uống mỗi ngày.  Người rành thuốc bắc tính theo tuổi sâm nói đây là loại sâm khá ...già, giống như đời người đã dày dạn kinh nghiệm sống. Ông bạn bảo uống vào “xung” lắm. “Khỏe ra”. “Làm việc không biết mệt”. Khỏe là khỏe làm việc hay khỏe cái vụ ...kia? Bà Hai bực bội đặt ngay cái tên “Sâm” cho ông bạn : “Cái lão Sâm này không thuộc loại “già dê” thì cũng “già dịch”. Ông Hai kể chuyện ông bạn cười sằng sặc nói với ông Hai “xung” phải có đối tượng cùng “xung” thì mới “đồng hội đồng thuyền” mà “tát cạn biển Đông”, để “mấy sông em cũng lội”, “mấy đèo em cũng qua” chứ. Bà Hai nghe vậy hầm “cái lão Sâm mắc dịch ” từ dạo có thùng sâm.

Mấy năm nay bà Hai..  tu tại gia. Bà tuyên bố ...nhỏ với ông thôi tụi mình từ đây “cắt ái từ thân” ông nhá. “Thân” đây không phải là người thân vì bà vẫn có ông bên cạnh hai mươi bốn giờ trong ngày. “Thân” đây là cái “thân” “tứ đại” đất, nước, gió, lửa này. Cái thân đang bình yên như thế bất ngờ có thùng sâm tới làm thay đổi đời sống êm đềm của hai ông bà. Bà bối rối và thắc mắc hoài về công hiệu của nó.  Ông cứ uống sâm này mỗi ngày như thế liệu “ông rượt bà chạy” không? 

Bà nhớ sau khi thỏ thẻ “cắt ái từ thân” xong bà làm liền không đợi ông “yes” hay “no”. Cái phòng lớn “master bedroom” thông với cái “den”, bà cho sửa sang lại làm thành cái phòng ngủ nhỏ, làm tường ngăn đôi và trổ cánh cửa ra vào bên ngoài. Bà chiếm cái phòng lớn. Cái phòng nhỏ kê thêm cái giường, cái bàn viết, cái ti-vi, kệ sách ra vẻ một thư phòng và phòng ngủ ấm áp cho ông. Thế là từ đó hai ông bà cách ly. Ngủ riêng. Sinh hoạt riêng. Thế giới riêng. Riêng thì riêng chứ cửa hai phòng vẫn mở để đêm đêm ông còn ra vào thăm cái toa-lét bên phòng bà hoặc thỉnh thoảng ...  mát-xa cho bà.

Ly trà sâm làm ông mơ màng, nghĩ ngợi. Ông nghe tiếng bà Hai trên lầu đi xuống:
  -Ông ơi, mười giờ ông chở tui đi chợ mua bông nha ông. Tết này tui nghe nói có cái chợ bán bông mới mở gần tiệm “Gà Nấu Rượu”. Nhóm bạn CVA của ông hẹn họp tất niên ở đó lúc mười một giờ. Đi sớm để tui còn ta bà. Ông sửa soạn đi là vừa. Sao ông cứ bay bổng như người đi trên mây thế.

Ông quay đầu nhìn bà đang ôm một mớ áo gối, khăn trải giường đi giặt. Chỉ còn vài ngày nữa là Tết rồi. Tội nghiệp bà. Mấy ngày nay bà lo dọn dẹp nhà cửa,vườn tược, giặt giũ quần áo. “Ăn Tết’ thì cái gì cũng phải sạch, phải mới. Bà thì sạch “đều”. Cái sạch của bà nhiều lúc làm khổ ông không ít.
  -Tùy em, em muốn đi mấy giờ thì anh chở đi. Em muốn ta bà cỡ nào cũng được miễn sao mình có mặt lúc mười một giờ, đừng để họ đợi.

Ly trà sâm đã nguội rồi mà ông vẫn một mình độc ẩm trong khu vườn nhỏ đầy hoa và cây lá xanh. Năm nay vườn của bà Hai nổi trội hai màu vàng của mai, cúc và màu đỏ của hoa lồng đèn, dâm bụt. À còn màu trắng của hoa lan nữa. Chưa Tết mà đâu đó lác đác những tiếng pháo tì tạch. Ông lại mơ màng, nghĩ ngợi xa xôi....

Bà vừa nói câu gì mà có “ông ông tui tui” ? Bà gọi ông Hai là “ông và xưng “tui” từ hồi nào vậy cà ? Lâu quá rồi ông không còn nghe tiếng  “anh anh em em” thân mật và ngọt ngào như ngày xưa nữa ? Bà thay đổi cách xưng hô “tui tui ông ông” theo giọng người miền Nam thay cho tiếng “ em em anh anh” từ lúc nào ? Hai chữ “ông”, “tui” bà quen gọi bấy lâu nhưng chả bao bao giờ ông để ý.  Mãi đến sáng hôm nay, ngồi uống ly trà sâm của người bạn, ông mới cảm nhận hai chữ “ông” “tui” sao mà xa lạ quá, khô khan quá, chẳng có chút  tình tứ, mùi mẫn gì của vợ chồng. Ông đâm ra buồn... Ông  nhơ nhớ...Phải chăng tuổi già đang đến dần và làm cho ông có những suy nghĩ lẩm cẩm của người già. Ông thấy bấy lâu nay ông  thiếu vắng một cái gì rất quen và dễ thương. Hay tại chậu mai vàng trong vườn hoa nở rực rỡ làm ông nôn nao nghĩ đến mùa Xuân sắp về. Cái tình Xuân ấm áp đầy sức sống gợi cho ông cái tình già trong cái thân gầy của ông giờ tóp lại chỉ có  trăm mười pounds. Ông vào nhà lấy miếng giấy viết vài giòng thơ con cóc.

Hôm nay là ngày họp mặt tất niên của nhóm CVA bạn của ông Hai nên bà trang điểm kỹ càng, quần áo tươm tất. Chiếc áo bà mặc là một rừng hoa đào. Trời vẫn se lạnh mặc dù nắng đã lên rồi. Bà khoác thêm chiếc khăn quàng hợp với màu áo hồng. Đặc biệt sau buổi ăn uống phủ phê ở quán "Gà Nấu Rượu”, các bạn CVA sẽ về nhà một anh chị  trong nhóm để tiếp tục màn văn nghệ bỏ túi nên bà chưng diện điệu đàng lắm.

Bà đặt tờ báo trên chiếc bàn ngoài sân vườn, ngồi ở chiếc ghế đối diện với ông. Bà hối ông:
-  Gần mười giờ rồi. Ông lên lầu thay quần áo ngay đi. Nhanh lên nha ông. Tui đọc báo chờ ông đó.

Lại “tui” “tui “ông” “ông”. Tưởng gì, ông vào nhà, lát sau mang cho bà một ly trà sâm nóng hổi còn bốc khói và đưa cho bà tờ giấy “thơ”. Bà ngạc nhiên và đọc một lèo bốn câu:

“ Em đã “ông”, “tui” tự lúc nào?
“Anh”, “Em”, tình đã nhạt rồi sao?
Em ơi đừng gọi bằng “ông” nữa
Hãy cứ  “anh”, “em” tình biết bao!
                                                              ***
Ly trà có mùi thơm của sâm và mật ong, có mùi hương thoang thoảng giống như mùi thuốc Bắc, có vị hơi ngọt như cam thảo, có chút vị đăng đắng đọng lại ở cuống họng không biết là vị của trà hay vị của... thơ. Cầm tờ giấy “thơ” trong tay, bà đọc đi đọc lại mấy lần. Thơ này không phải là thơ tỏ tình mà là thơ trách móc và “request something”. Bốn câu thơ ám ảnh bà. Bà mơ màng nhấp ly trà sâm còn âm ấm.

Ông hỏi bà đổi cách xưng hô “ông” “tui” từ lúc nào. “Em đã “ông’ “tui” tự lúc nào? Lúc nào? Ai mà biết.  Bà đâu có nhớ. Làm sao bà nhớ nổi mấy cái chuyện lẩm cẩm, lặt vặt đó. Ông lại hỏi tiếp “Anh”, “Em”  tình đã  nhạt rồi sao” ? “Nhạt” là “nhạt” thế nào. Bà bỏ bê ông, xa lánh ông hay vì bà không gọi “ông” bằng  “anh” và xưng là “em” như thời còn trẻ. Già rồi. Gọi là gì mà chẳng được. Bà có thấy... đậm, “nhạt” gì đâu. Ông bèn “request”  “Em ơi đừng gọi bằng “ông” nữa”. Đến câu cuối ông muốn chúng mình hãy cứ xưng hô “anh”, “em” như “ngày xửa ngày xưa đôi ta chung lối đôi ta chung đường” í . Thế mới tình! 

Bà nhìn vào nhà trong thấy mặt mày ông ...căng thẳng quá, tự nhiên bà tội nghiệp. Sao “bố mày” hôm nay lại sinh tật làm thơ ..dã chiến thế ? Bài thơ này “dí tận tay, day tận mặt” đích thị là “lão gia” làm thơ cho bà đọc. Hay là “lão gia” muốn “Do me a favor” vào cuối năm. Hay ông bất mãn cái chuyện ngăn phòng, ngủ riêng, “cắt ái từ thân”. Tính đến nay đã bốn mưới sáu năm bà sống với ông, thế đôi ta không tình thì là gì? Không “chung lối chung đường” là gì ! Hay là ông lại “dở chứng” muốn chung... giường ?

Bà nhớ lại từ khi ông về hưu, ông rủ  bà cùng về hưu non với ông, vợ chồng lớn tuổi càng về già sống với nhau, càng khám phá ra có nhiều điều khác nhau trong sinh hoạt cá nhân mà hồi trẻ họ không quan tâm. Chẳng hạn như ông hay tiểu đêm, ngáy to. Bà trằn trọc, hay trở mình. Ông ngủ sớm dậy trễ. Bà ngủ trễ dậy sớm. Bà sạch sẽ. Ông sạch...sơ sơ. Bà ngăn nắp. Ông bừa bộn. Ông thích ăn cơm nóng. Bà thích ăn cơm nguội. Ông làm gì cũng từ tốn, tà tà, chậm rãi tới đâu hay tới đó. Bà giải quyết gọn, nhẹ, nhanh, dứt điểm. Và còn bao nhiêu cái khác biệt tinh tế khác nữa. Thế mà phải sống chung thì chỉ còn cách mỗi người một phòng, tôn trọng tự do và sở thích cá nhân của nhau là hợp với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Vả lại, vợ chồng già ngủ riêng cũng tốt cho sức khỏe. (Cậu em bác sĩ của bà bảo thế!).

Bà còn nhớ từ khi bà tìm được một đời sống tâm linh cho mình, bà chuyển đổi  cách xưng hô với ông. Từ hai chữ “anh” “em”, tiếng gọi thông dụng của hầu hết các cặp vợ chồng, bà chuyển  thành “ông” “tui”. Gọi riết thành quen. Tuy nhiên, những suy nghĩ và tình cảm của bà với ông đâu có gì thay đổi. Có lần bà nói về tình vợ chồng, về già có thêm một thứ tình sâu sắc hơn đó là tình bạn. Tình yêu thời tuổi trẻ trở thành tình nghĩa của tuổi già. Có khác chăng tình yêu sôi nổi, mặn nồng của thời trẻ được thay vào đó là tình sâu, nghĩa nặng, là ơn với nhau của bốn mươi năm sống bên nhau. Ngẫm lại bốn mươi năm bà đã  “cùng bước, cùng mòn”, cùng “lên thảm nhung xuống cát bụi ”(1) với ông. Thời gian đã cho thấy “Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác”.(1) Bảy năm ông đi tù cải tạo, bà kiên nhẫn chờ ông về để cùng hai con đoàn tụ “quy mã”. Đó không phải là tình, là ơn, là nghĩa chứ là gì. “Nhạt” là nhạt cái chỗ nào?

Không gọi là “ông” thì lấy tiếng gọi của con. Người ta đã “request” thơ như thế “Hãy cứ “anh”, “em ” tình biết bao !” chả lẽ  bà lại xưng “tui” nghe kỳ kỳ. Thôi thì xưng “em” .Từ bỏ một thói quen và tập lại một thói quen đã bỏ cũng không phải là dễ.

Bà quay đầu ngắm nghía ông:
- Chà, “bố” mình hôm nay sao diện...oách thế. Sơ mi tay dài màu nâu lại thêm cái “đờ- mi se- dông” màu beige khoác ngoài trông “tông suyệt tông” lắm. Tóc mới cắt, nhuộm hôm qua thảo nào đen thủi đen thui. Hôm nay bố trẻ đi mười tuổi nhé.

Được gọi “bố” nghe như tiếng con gọi mình, lại thêm tiếng “mình”, tiếng “em” ngọt ngào mát đến tận xương  tủy làm mặt “bố mày”  tươi hẳn ra. Chưa biết bài thơ hay dở thế nào nhưng đã có ...hồi âm tích cực. “Bố mày” cười tít mắt:

- Anh đi với em mà không ăn mặc nghiêm túc, thơm tho, sạch sẽ thì em đâu có cho anh đi cùng. Nhất là hôm nay cuối năm gặp bạn. Vui quá nên anh diện “luýt” một tí cho đời lên hương.

 -A, lại nói kháy nhé. Bố thơm, bố sạch thì bố nhờ cho ….thân bố chứ em có nhờ đâu.

- Thì...tại em không...nhờ chứ...

Bà xuống xe, tạt vào chợ hoa, vừa đi vừa tủm tỉm cười một mình. “Lão gia’ nhà ta thỉnh thoảng hay nói dỗi. Còn bài thơ. Cứ đợi đấy. Để qua Tết ...tính. Bây giờ bà phải chuẩn bị cho cái Tết Mậu Tuất đang đến gần kìa.
                                                    ***
Chợ hoa Tết năm nay vẫn tập trung ở thương xá Phước Lộc Thọ. Thêm một cái chợ hoa khác nhỏ hơn gần quán “Gà Nấu Rượu”. Dọc theo con đường Bolsa, chỗ nào có hàng quán thuận lợi là có bán hoa Tết. Hoa Tết có đủ loại, mai, lan, đào, cúc, hồng... Sắc hoa đủ màu đậm nhạt nở tưng bừng như đón chào mùa Xuân sắp về.  Pháo, bao phong đỏ và các lọai mứt bày bán ê hề. Trái cây đủ mặt hàng “cầu, dừa , đủ, xài” dọc theo chợ ABC bày la liệt trên vỉa hè không còn lối đi. Chợ búa đông nghẹt người mua sắm. Xe cộ và chỗ đậu xe tắc tị ra vào như cái cổ chai nghẹt kín. Đường phố đông người qua lại. Ai cũng vội vã mua bán, sắm sửa cho cái Tết gần kề. Tiếng loa phát thanh vang lên những liên khúc nhạc Xuân “ Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời…”

Bà Hai đang ngồi gõ những dòng chữ khai bút nhân dịp đầu năm Mậu Tuất thì hai bàn tay của ông Hai đặt lên vai bà bóp nhẹ. Ông biết vai, cổ của bà đang nhức mỏi, ê ẩm lắm, rất cần được hai bàn tay ông xoa bóp cho thư giãn. Bà làm mứt, kho thịt, làm dưa món, dưa giá, gói giò chay… từ mấy ngày nay và còn bao nhiêu việc linh tinh khác chuẩn bị cho mâm cơm cúng Ông Bà vào trưa ba mươi Tết và mâm trái cây cúng giao thừa. Bà rút dưới cái lap- top tờ giấy “thơ” để trước mặt ông:

Anh ơi tường vách có xa đâu
Tình tuổi… bảy mươi như lúc đầu
“Ông”, “tui” hai chữ đâu ngăn, ngại
“Em”gọi “Anh” từ đã bao lâu.”
                                                       ***
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui. Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về… Xuân trong ta đã bao ngàn lần đã qua. Mặc cho mặc cho những cơn buồn thương những cơn giận hờn…”      
                                              
Tiếng con chó Sugar sủa ầm ỷ đưới nhà làm át đi bài hát “Xuân Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy. Thằng con mang chó về ăn Tết với bố mẹ. Ba mươi bảy năm trước, thằng con là “tác phẩm” của người tù  trở về vào ngày hai mươi ba ộng Táo sau gần bảy năm lây lất ăn Tết trong trại cải tạo. Một “tác phẩm” khá hoàn chỉnh nhờ cả nhà ông bà Hai được qua Mỹ theo diện HO. Hai mươi bảy mùa Xuân trên đất Mỹ, mối tình già của ông bà Hai đã trải qua biết bao nhiêu sóng gió, bao nỗi  thăng trầm, bao nỗi “buồn thương”, bao nhiêu “cơn giận hờn” nhưng với ông bà Hai, mỗi mùa Xuân qua đi, mối tình già “ông ông tui tui” vẫn mãi mãi là mối tình Xuân bất diệt. 

Phùng Annie Kim 

No comments:

Blog Archive