Một Giao Thừa trong đời
Vương Mộng Long
Trại tù Suối Máu - Biên Hòa
Từ cuối năm 1975, hàng ngàn tù nhân Sĩ quan cấp tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ nhiều trại tập trung quanh Sài Gòn đã bị chuyển về nhốt tại trại tù Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hòa.
Vào một đêm giữa tháng 10, 1975, từ Long Giao, tôi bị chuyển tới đây trên một chiếc Molotova bít bùng kín mít. Tôi bị dẫn vào khu K2. Hai tuần sau có lệnh “biên chế,” tôi lại bị chuyển sang khu K3. K3 chỉ chứa Sĩ quan cấp Thiếu tá. Tôi bị giam ở đây từ ngày 1 tháng 11, 1975 cho tới ngày lên tàu Sông Hương ra Bắc (Tháng 7, 1976). Thời gian này, tin tức truyền thanh, truyền hình về tình hình thế giới càng lúc càng xấu đi. Người ta đồn rằng, hình như Cộng Sản Việt Nam đang trên đường tiến chiếm Thái Lan. Thế Giới Tự Do như càng lúc càng xa chúng tôi hơn.
Anh em chúng tôi gặp nhau thường ngày, tụ tập từng nhóm, đánh cờ tướng, tán gẫu, bàn chuyện nhà cửa, gia đình, nước non, thời quá khứ. Trong những lúc tụ tập chuyện trò, chúng tôi nghe bạn bè rỉ tai rằng, chính quyền giải phóng đang nghiên cứu hồ sơ cá nhân của từng người, để xét tha (?).Cũng có tin bi quan, cho rằng chúng tôi sắp bị đưa ra Tòa án Nhân dân để xử tội. Chúng tôi thực sự hoang mang, chẳng biết tương lai mình sẽ đi về đâu.
Tôi ở lán 24 thuộc K3 (Lán là nhà, K là Khối, danh từ VC). Mỗi lán chứa khoảng hơn 40 tù nhân, trong lán 24 đó có vài cựu Sĩ quan Ðà Lạt gồm anh Trần Ngọc Dương (K10), Nguyễn Lành (K16), Hoàng Thế Bình (K18), Tạ Mạnh Huy (K19), khóa 20 có Ngô Văn Niếu và tôi (Vương Mộng Long). Lán tôi cách lán 17 vài thước. Lán 17 có ba anh Biệt Ðộng Quân K20 Võ Bị là Nguyễn Cảnh Nguyên, Trịnh Trân, và Quách Thưởng. Trong cảnh thiếu đói thường xuyên, chúng tôi phải chia nhau từng mớ rau rền, tán đường thẻ, miếng cơm cháy.
Lán 24 lúc nào cũng hôi thối đầy ruồi nhặng, vì nó nằm trên đường đi ra cầu tiêu, mà bệnh kiết lỵ của tù ở đây hầu như bất trị. Anh trưởng lán 24 tên Trần Thành Trai nguyên là Y sĩ Thiếu tá làm việc tại Quân y viện Duy Tân, Ðà Nẵng. Bác Sĩ Trai luôn luôn xác định lập trường của anh là quyết tâm “Học tập tốt” để được tha về với vợ con, vì vậy mỗi lệnh của ban chỉ huy trại đưa xuống, anh luôn luôn tìm cách thi hành đúng đắn.
Thằng Niếu, bạn tôi, được một chân làm bếp, nó ăn uống dưới bếp, nên phần cơm của nó dư, được mang về tiếp tế cho tôi và anh Nguyễn Phong Cảnh (K10/TÐ) người nằm cạnh tôi.
Vào những ngày cuối năm Ất Mẹo, không khí ở đây trở nên rộn rịp vô cùng. Những người liên lạc được với gia đình thì có những gói quà nhỏ gởi vào cho ăn Tết, những kẻ ít may mắn hơn thì đành trông chờ vào những gì ban chỉ huy trại ban cho. Thời gian này, các lán gấp rút tập văn nghệ để trình diễn đêm giao thừa.
Ðể khỏi tập ca hát nhảy múa, tôi tình nguyện làm công tác tạp dịch, quét tước. Trong khi mọi người ca múa, xả rác, tôi đi lượm rác và xách nước về cho bạn cùng lán rửa mặt rửa tay.
Hai ngày trước Tết, lán tôi phải tập họp đi làm cỏ ngoài rào K3.
Trại Suối Máu vốn dĩ là trại tù Phiến Cộng Tam Hiệp của Quân Ðoàn 3. Trại có hai khu, hai hệ thống hàng rào. Lớp rào trong nhốt tù, rồi tới khu canh tù, ngoài cùng là rào mìn phòng thủ. Trại tù Phiến Cộng này có sáu khối. Mỗi khối cách biệt nhau bởi một khoảng đất trống, có rào mìn. Từ khối này muốn liên lạc với khối kia chúng tôi phải hét lên mới nghe tiếng nhau. Ra khỏi hàng rào thứ nhất, tôi chứng kiến vài sự đổi đời.
Cái miếu thờ Thổ Ðịa trở thành cái chuồng nuôi heo. Nhà Thờ và Niệm Phật Ðường của trại tù binh đã thành chuồng gà sản xuất. Sư và Cha, Tuyên úy của trại này, chắc cũng đi tù đâu đây không xa! Ngoài xa, bên kia hàng rào mìn là bãi cỏ trống rồi tới đường Quốc lộ 1.
Trên Quốc lộ, xe Lam chạy xuôi ngược; người người vội vàng buổi chợ cuối năm. Có vài bàn tay giơ lên ngoắc ngoắc về hướng trại tù, đôi người dân có liên hệ, hoặc ai đó còn nhớ tới chúng tôi, những Sĩ quan cấp tá của QLVNCH, những người bảo vệ chế độ đến giờ cuối cùng, và những người chậm chân, chạy không kịp, đang bị nhốt ở đây, trong khu nhà tù do chính tay Công Binh Việt Nam Cộng Hòa xây dựng lên trước đó nhiều năm.
Sáng nay bầu trời mầu xanh, không một gợn mây. Từ hướng phi trường Biên Hòa, bên kia cánh đồng trồng khoai mì, những chiếc F5 thực tập lên, xuống, lượn vòng.
Ðưa tay chỉ những cánh chim sắt đang bay trên trời cao, anh bạn Thiếu Tá Không Quân, Trần Chiêu Quân nói với tôi rằng, sau 30 tháng 4, có một số phi công của Việt Nam Cộng Hòa bị trưng dụng để huấn luyện cho phi công Bắc Việt lái những máy bay chúng ta còn để lại. Những chiếc F5 sáng như bạc đảo lộn trong không gian. Tiếng rít của phi cơ làm cho tâm hồn người cựu chiến binh nao nao.
Làm sao quên được? Lần đầu ra trận (Tháng 2, 1966). Hôm đó, cũng vào một sáng đầu Xuân, đơn vị tôi án binh dưới chân núi Trà Kiệu (Quảng Nam) chờ lệnh xuất phát. Tôi ngồi bên bờ Nam sông Thu Bồn, say sưa nhìn những cánh F-4C, F-5A Hoa Kỳ đan nhau trên vùng trời Bắc. Bên kia sông, vùng trách nhiệm của Trung Ðoàn 51 Biệt Lập, khói đạn bom cuồn cuộn…
Rồi tới trận Mậu Thân (1968) với những chiếc AD 6 Skyrader dềnh dàng, chậm rãi phóng từng trái Napalm dài như chiếc xuồng màu trắng, lướt trên đỉnh 1632 cuối phi đạo Cam Ly, Ðà Lạt. Khi bom chạm mục tiêu, từ đó, những sợi lửa lân tinh trắng xanh, trông giống như những cái vòi bạch tuộc, vươn cao…
Còn nữa…
Nhớ thời chống giữ Pleime, ngày ngày, tôi nghe quen tiếng L19 lè xè của Võ Ý (K17). Chiếc L19 như cánh diều mảnh khảnh, lững lờ quanh đỉnh Chư Gô, hay trên Ya Drang, thung lũng Tử Thần. Chúng tôi trông chờ đôi lúc trời trong, những phi tuần A-37 theo nhau tuôn bom… chờ những chiếc trực thăng rà sát đọt cây, lướt trên ngọn cột cờ căn cứ. Xạ thủ trên tàu chỉ kịp đạp vội xuống sân trại vài thùng pin, đạn, gạo sấy, con tàu đã lật bụng đảo một vòng, thoát chạy về Đông. Phòng không như lưới, thảy xuống cho nhau được thùng nào, hay thùng nấy! Thảy đồ xong là chạy. Ðồ tiếp tế, có thùng còn nguyên dạng, có thùng vỡ tan, có thùng bay vào bãi mìn. Như thế cũng quý hóa lắm rồi! Cám ơn người anh em Nguyễn Công Cẩn (K21) và phi đoàn 229 Lạc Long.
Rồi đêm xuống, cứ như “Đúng hẹn lại lên,”
“Thái Sơn đây Hỏa Long gọi!”
Chiếc AC-47 của anh Trần Bạch Thanh (K16) đã có mặt trên vùng. Những đóm hỏa châu lập lòe, vừa trải rộng tầm quan sát cho người trấn giữ tiền đồn, vừa làm cho họ cảm thấy ấm lòng.
Ðã mất rồi, ngày xưa ấy!
Giờ này tôi đang đứng nhìn những cánh chim sắt chao lượn trên đầu, người lái không phải là quân bạn.
Tiếng động cơ F5 nghe sao quá xót xa!
* * *
Tôi đang nhổ cỏ thì thấy một đoàn người từ hướng ban Chỉ huy trại hò nhau khiêng một cái cổng gỗ rất to vừa đóng xong.
Tấm bảng nền đỏ chữ vàng “Không Có Gì Quí Hơn Ðộc Lập Tự Do” được nâng niu như trứng trên vai những người tù nhễ nhại mồ hôi. Những người tù đang bị sức nặng của cái cổng đè trĩu trên vai. Họ phải lên gân chân mỗi lúc bước tới trước.
Mới vài tháng trước đây họ còn là những vị Chỉ huy oai phong lẫm liệt. Giờ đây đành cam thân sống cảnh đọa đày, đóng vai những anh thợ mộc bất đắc dĩ không công. Ngày nào họ cũng ra đi rất sớm, chiều tối mới trở về trại. Họ dựng những cái cổng chào. Họ tu sửa, sơn phết những khẩu hiệu trên tường. Họ trồng lại hàng rào trại.
Mọi việc làm này là để chào đón ngày Quốc Hội Việt Nam Thống Nhất ra đời. Những vị Sĩ quan cao cấp này đã khởi đầu nghề thợ mộc của họ bằng những cái bảng “Không Có Gì Quí” ở trại tù Tam-Hiệp.
Tôi có quen vài người trong số những người hằng ngày xuất trại làm mộc, như cựu CHT/BÐQ/ QLVNCH là Ðại Tá Trần Công Liễu (K8 VB) và cựu Tiểu Ðoàn Phó Nhảy Dù là Thiếu Tá Trương Văn Vân (K20 VB). Cả hai vị đó, sau này nơi đất Bắc, đã thành hai ông đội trưởng nổi tiếng. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh!
Chín tháng sau ngày chế độ Cộng Hòa sụp đổ, tôi đang chứng kiến một hoạt cảnh chẳng bao giờ ngờ:
Trên trời, phi công Việt Cộng đang lái F5, trước cổng trại tù, Sĩ quan cấp tá VNCH đang dựng cổng chào, quanh rào trại tù, Sĩ quan cấp tá VNCH đang làm cỏ. Nơi nơi, người người, chuẩn bị đón Xuân. Mỗi người mang một tâm sự riêng…
Tới trưa, khi nghe tiếng kẻng phát cơm của nhà bếp, chúng tôi được dẫn trở lại trong vòng rào trại K3. Khi đi ngang qua sân bóng chuyền, tôi thấy người ta đang cá độ nhau trận đấu tay đôi đang diễn, một bên là Thiếu Tá Trần Ðạo Hàm, Thủ khoa K17/VB, bên kia là một tay Thiếu Tá Không Quân. Anh Lê Hữu Khái (K15) và thằng bạn tôi, thằng Nguyễn Bích (K20) đang nhảy tưng tưng cổ vũ cho anh Hàm. Cái miệng thằng Bích lớn lắm, nó la hét vỗ tay, bình luận ào ào. Anh Hàm thật là may mắn, có cái loa phóng thanh cỡ bự Nguyễn Bích cổ vũ nên anh có vẻ như đang dẫn điểm.
Tôi thấy nhiều người đã để ghế “xí” chỗ tốt cho buổi TV văn nghệ tối; ngày nào cũng thế, cứ đến trưa là bà con đem ghế ra đặt sẵn trên sân bóng để “xí” chỗ xem phim TV của đài Sài Gòn Giải Phóng. Ai chậm chân thì không còn chỗ tốt. Thời gian này TV Sài Gòn Giải Phóng liên tiếp chiếu bộ phim nhiều tập “Trên Từng Cây Số” và “Ðại úy Ðen” của Ba Lan.
Trong các lán, có nhiều bạn tụ tập bóc lột nhau bằng những con bài. Xì phé, sập xám và mạt chược là những môn chơi phổ thông khắp nơi trong trại. Tôi đã chứng kiến nhiều anh thua bạc phải bán cả những quà cáp từ gia đình gởi vào, như kem đánh răng, thuốc lào, thuốc tây để trừ nợ.
Sau Tết ít lâu, tôi nghe một câu chuyện đau lòng ở K3 năm ấy: có một vị Thiếu tá Quận trưởng khi cắt bánh thuốc lào làm đôi để chi cho chủ nợ một nửa, thì phát hiện ra một bức thư “chui” của người nhà giấu trong ruột bánh thuốc lào. Bức thư vắn tắt đôi lời làm đau lòng người đọc,
“Chị ấy đã gởi hai đứa con của anh cho bà nội của chúng nuôi. Chị đã đi lấy chồng rồi! Anh đừng buồn, ráng học tập lao động cho tiến bộ để sớm được thả về mà nuôi dạy con anh.”
Cái tin bất ngờ sét đánh ấy đã làm cho ông Quận sững sờ, buông rơi những con bài cơ, rô, chuồn, bích. Từ đấy, tôi thấy ông suốt ngày thẫn thờ bên rào, nhìn về phía xa xôi. Ðôi lúc tỉnh táo, ông ôm cây đàn Guitar Solo những bài nhạc xưa, buồn đứt ruột.
Tôi bồi hồi nhớ lại lời tổng thống nói ngày nào:
- “Ðất nước còn, còn tất cả. Ðất nước mất, mất tất cả!”
Ôi! Lời Tổng thống nói thật là hữu lý!
Tổng thống ơi! Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình để giữ nước, nhưng chúng tôi đã không thể giữ nổi.
Chúng tôi lấy làm xấu hổ vô cùng.
Sao Tổng thống không ở lại giữ nước với chúng tôi?
Lúc này chúng tôi đã mất tất cả rồi Tổng thống ơi!
Về tới lán tôi nhận được một vỉ thuốc ho, một nắm xôi đậu xanh, và mười cục đường tán do anh bạn BÐQ Bắc Hải (Phan Văn Hải) ở lán 22 gởi cho. Tôi, Phan Văn Hải, cùng Phan Ðộ (K20), Huỳnh Bá An (K20), Trần Hữu Bảo (K20), xuất thân từ trường Nam Tiểu Học Ðà Nẵng. Chúng tôi là học trò của cô giáo Phạm Thị Tịnh Hoài, lớp Nhất C.
Hải là Sĩ quan khóa Đặc biệt Thủ Ðức, anh về phục vụ cùng đơn vị BÐQ của tôi ở Pleiku. Những ngày cuối của cuộc chiến, Thiếu Tá Phan Văn Hải giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng TÐ89/BÐQ. Khi đi tù, bạn tôi không có ai thư từ, tiếp tế, nhưng hắn bài bạc rất giỏi, nên lúc nào cũng sung túc.
Chiều hôm đó, anh lán phó hậu cần, Hải Quân Thiếu Tá Bùi Tiết Quý thâu tiền của trại viên trong lán, gởi cán bộ trại mua giùm mì gói, tương, chao, xì dầu và đường tán để ăn bồi bổ thêm trong ba ngày Tết. Tối đến, sau khi đã chia hết phần đường cho người mua, anh Quý cạo được một chén đường chảy dính trong thùng giấy và bao giấy gói đường. Anh ung dung ngồi thưởng thức nồi chè đặc biệt, nấu bằng đường mót được với hột su su và mấy hạt bắp non anh trồng được bên rào. Làm đội phó hậu cần cũng có chút bổng lộc!
Sáng ba mươi Tết, lại gặp ngày tổ tôi trực lán, tôi và một số bạn bị chỉ định xuống làm việc tăng cường cho lán 9 nhà bếp. Tôi phụ việc vo gạo cho thằng Niếu và anh Cung. Những tạ gạo đựng trong bao viền chỉ xanh rất cũ được chuyển về từ bưng biền. Gạo thì mốc vàng, mốc xanh. Những tổ sâu gạo to như nắm tay.
Khi tôi tách những cái tổ sâu ra từng phần nhỏ thì những con sâu gạo trắng ngần có khoang, béo núc, to gần bằng đầu đũa và dài cả phân, ngo ngoe, ngo ngoe…Anh Cung không cho phép tôi vứt bỏ những cái tổ sâu ấy, anh nói rằng nếu vứt bỏ sâu đi thì hết gạo.
“Nếu vứt sâu đi thì còn cái gì mà ăn? Cứ nấu tưới đi! Sâu cũng bổ béo, cũng nhiều ‘Prồ-tê-in’, sâu gạo chứ có phải là dòi ở ngoài chuồng xí đâu mà ngán!”
Khi chảo cơm bắt đầu sôi thì nhiều khách khất thực nước cơm đã cầm ca đứng đợi. Anh Cung cho vài người, mà cũng từ chối đôi người. Người có phần, thì riu ríu cám ơn, người không có phần tiu nghỉu ra về, miệng lầm bầm, “đ.m, đ.m…”
Những trại viên nhà bếp gọi đám người chờ xin nước cơm là “Đội quân cầm ca.” Chữ “cầm ca” ở đây không có nghĩa là ca sĩ, ca hát, hay ca kỹ mà có nghĩa đen chỉ sự cầm cái ca U.S dùng để đựng nước uống, cái ca nằm dưới cái bi-đông bộ binh ấy mà! Dân cầm ca phải đứng xếp hàng cả giờ đồng hồ trước cửa lò cơm để chờ xin một ly nước cơm. Chuyện xếp hàng trước, xếp hàng sau, đôi lúc cũng gây ra ẩu đả. Nước cơm có Vitamin B1 chữa được bệnh phù thũng (?).
Sau này, khi ở trại tù Phú Sơn 4, Thái Nguyên, tôi có đọc một tài liệu nói về cái chất độc của nấm cúc vàng từ gạo mục, gạo mốc. Nấm cúc vàng có chứa một loại chất độc nguyên nhân gây ung thư gan. Nước cơm lại là phần đậm đặc nhất của chất độc nấm cúc vàng từ gạo mốc. Không biết có bao nhiêu nạn nhân của bệnh xơ gan sau này có mặt trong đội quân “cầm ca” ngày ấy?
Chiều ba mươi Tết, bữa ăn có thịt heo kho. Thằng Niếu đem thêm về cả phần lòng heo bồi dưỡng nhà bếp của nó.
Thời buổi khó khăn, thuốc lá bắt đầu khan, những tay nghiền miền Nam bắt đầu nói chuyện thuốc lào.
Những danh từ “điếu cày,” “điếu bát,” “Cái Sắn,” “Hố Nai,” “Vĩnh Phúc,” “Tiên Lãng” nghe mãi cũng quen tai.
Anh Hoàng kim Thanh, Liên Ðoàn Trưởng LÐ24/ BÐQ của tôi, từ bên K4 nhờ ai đó chuyển cho tôi được một bao 555 và một lạng cà phê.
Trong khi thằng Niếu và anh Cảnh lo bếp núc cúng Tất Niên thì tôi đi vòng vòng tán dóc với Lưu Văn Ngọc (K20), cựu Sĩ quan Quân Pháp Quân Ðoàn 2.
* * *
Tối ba mươi Tết ở K3 Suối Máu không khí thật là rộn rã tưng bừng. Mọi lán đều đã chuẩn bị sẵn sàng chương trình văn nghệ chào đón Chúa Xuân. Sân khấu văn nghệ được thiết lập giữa sân tập họp. Ðèn điện sáng choang. Cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam che kín cả sân khấu.
Trước giờ văn nghệ, loa phóng thanh truyền đi những bản nhạc từ đài Sài Gòn Giải Phóng mà Tô lan Phương là giọng ca chính. Những nghệ sĩ tù cũng ăn mặc tươm tất để sẵn sàng trình diễn giúp vui. Ðàn ghi ta, trống, sáo đều làm bằng vật liệu lấy từ kho của nhà bếp như tôle, củi, ván gỗ…các nghệ nhân tự đẽo gọt, cắt xén, dán, ghép thành các nhạc cụ.
Tám giờ tối, buổi “Liên hoan Văn nghệ” đêm ba mươi Tết bắt đầu.
Mở màn chương trình là bài đồng ca “Như Có Bác” tôi không nhớ do lán nào trình diễn.
Kế tiếp, người Thiếu Tá Không Quân Hoàng Ðình Ngoạn (K17 VB) lên đài trong tiếng hoan hô vỗ tay của “đồng bọn” tù Võ Bị. Anh vừa hát được nửa bài tình ca, nhạc vàng “Mùa Xuân Trên Ðỉnh Bình Yên” thì bị “Cán bộ” chặn lại, đuổi xuống đài. Lý do, “Nhạc Ngụy ủy mị!” Sau đó, chỉ những bài hát “giải phóng” được phép trình diễn.
Tiếng sáo trúc Tô Kiều Ngân lâm ly bài “Mùa Xuân Trên Thành Phố HCM” hòa ca cùng tiếng sáo miệng của Nguyễn Tuyên Thùy. Tôi nghe vọng lại từ các khu khác, đại để, bạn tù cũng chỉ hát những bài ca eo éo, nghe rợn tóc gáy, như “Cô Gái Vót Chông,” “Tiếng Ðàn Ta Lư,” “Năm Anh Em Trên Chiếc Xe Tăng” vân vân… Khắp sáu K sáng rực ánh đèn, vang rền tiếng nhạc…
Năm mới đang từ từ tiến về…
Ðến khi màn trình diễn của lán 24 vừa được giới thiệu, thì tôi bỏ chạy về lán. Tôi ngồi một mình trong cái nhà tôle vắng tanh. Nỗi đau đớn nhói tim tôi!
Ngoài kia, bạn cùng lán của tôi, không tự nguyện, đang phải đóng vai “dân quân chống Tầu, chống Tây, chống Mỹ, chống Ngụy” trong một vở trường kịch. Khi họ tập bài bản trong lán, tôi biết họ cũng đau lòng lắm.
Bạn Võ Bị của tôi, Tạ Mạnh Huy vì là Tây lai phải đóng giả làm Tây cho người ta trói. Thằng Niếu phải đóng vai BÐQ “Ngụy” giơ tay đầu hàng để anh Dương Bắc Kỳ đóng vai ông bô lão nông dân Việt Nam “đả đảo”. Mỗi lần tập xong, các bạn tôi đều buồn, họ đề nghị anh lán trưởng Trần Thành Trai cho tập một kịch bản lịch sử “Vua Quang Trung diệt quân Thanh” nhưng anh lán trưởng không đồng ý.
Anh Trai nói, “ban chỉ huy trại đã ra lệnh” cho anh phải thực hiện cho được trường kịch này để mừng Giao Thừa, vì nó có tính cách “Lô gích lịch sử”(?). Và đêm ấy, anh Đội trưởng Trần thành Trai đã thực hiện thành công xuất sắc vở trường kịch “Việt Nam 4000 năm anh hùng.”
Ngay sau khi bế mạc buổi văn nghệ mừng xuân Bính Thìn, mùa xuân đầu tiên của nước “Việt Nam Thống Nhất” (Mùa xuân đầu tiên quân và dân Miền Nam mất nước) anh đội trưởng Trần Thành Trai đã được “ban Chỉ huy trại tuyên dương công lao” trước trại.
Khi trên sân khấu người diễn kịch bắt đầu hát bài “Tiến Quân Ca” thì tôi bật khóc. Một mình, ngồi trong đêm tối, tôi nức nở khóc vùi. Tôi chưa bao giờ thấy cái khóc lại có hiệu lực chữa đau đớn hiệu nghiệm như đêm ấy! Chợt tôi nghe tiếng chân ai ngoài cửa lán. Rối tiếng lên đạn súng AK…
Thình lình, tia đèn pin chiếu ngay mặt tôi, làm mắt tôi chói lóa.
- “Anh kia! làm gì ngồi khóc đấy? Sao không đi “rự nễ” mừng Xuân?”
Tên bộ đội đi tuần tra lớn tiếng hỏi.
Tôi lấy tay che mắt, nhưng không nhìn thấy gì. Tôi lặng thinh. Tiếng quát lại tiếp:
- “Anh có mồm không thì bảo? Câm à? Sao không giả nhời tôi?”
Tôi vẫn ngồi im. Ánh đèn đảo một vòng quanh vách lán rồi tắt. Căn phòng tối om. Tôi nghe tiếng chửi:
“Ðịt mẹ thằng câm! Mới xa nhà có mấy tháng mà đã nhớ nhà phải khóc. Ông đây xa nhà hai ‘lăm’ rồi mà ông có khóc đâu! Ðồ không biết xấu hổ!”
Tôi vẫn lặng thinh.
“Rầm!”
“Chảng!”
Tên bộ đội giận dữ, đóng sập cửa lán. Nó còn bồi thêm một cái đá cật lực vào vách tôle. Vài giây sau, tôi nghe tiếng dép râu bước đi xa dần về hướng sân. Tôi nhìn đồng hồ tay (Khi đó chưa có lệnh thu giữ tư trang của tù) lúc ấy hai cái kim lân tinh chập nhau trên số 12: Giao Thừa!
Ngoài sân tiếng ca hát còn đang tiếp tục. Tôi mồi một điếu thuốc 555. Trong trí óc tôi, hình ảnh những Giao Thừa đã qua trong đời hiện về, mờ nhạt như từ thế giới nào rất xa…
Ngày xưa, mỗi độ Giao Thừa, cho dù lúc đó tôi đang đi hành quân với một toán Biên Vụ (Viễn Thám) quân số chỉ có năm người, lần mò trên những nhánh của hệ thống “đường mòn Hồ chí Minh” trên đất Lào, hoặc len lỏi trong rừng tre gai Plei-Trap Valley, hay lúc tôi đang chỉ huy cả năm, sáu trăm quân trấn giữ Pleime, hoặc ải địa đầu Bu-Prang miền biên giới Việt Miên, tôi không lần nào quên nghe chương trình Giao Thừa của Ðài Phát Thanh Quân Ðội.
Giao Thừa Xuân Bính Thìn là Giao Thừa đầu tiên trong đời, tôi không tìm thấy lá cờ nước tôi, không nghe được câu hát: “Này công dân ơi! Ðứng lên đáp lời sông núi…”
Bài quốc ca này đã đi vào lịch sử.
Một thế hệ đã hát nó với cả bầu máu nóng trong tim. Bao nhiêu người thân của tôi, bao nhiêu bạn bè của tôi đã cống hiến tuổi trẻ và cả thân xác mình cho bài ca đó.
Một thế hệ đã lớn lên thành người với bài ca đó.
Một thế hệ sẽ mang theo nó xuống tuyền đài…
Chợt tiếng anh lán trưởng Trần Thành Trai vọng lại trên loa phóng thanh,
“Ðổi đời đã tới! Cách mạng đã thành công!”
Tiếng hô lặp lại hai chữ “Thành công!” của trại viên vang dội đêm Trừ Tịch. Tôi cảm thấy tiếng hoan hô đã làm rung những tấm tôle trên mái.
Trời đêm Trừ Tịch tối đen.
Tôi không biết những vạt đen ẩn hiện sau hè, là bóng những bụi rau rền, giàn mùng tơi hay những hồn ma đói cuối năm chập chờn.
Ngoài xa vẳng lại, từ bên K4, ai đó bắt đầu hát bài “Lá Ðỏ”...
* * *
Vài năm sau, tôi nghe tin, cựu Y sĩ Thiếu tá quân y viện Duy Tân, Ðà Nẵng, Trần Thành Trai đã được tha khỏi trại cải tạo. Bác Sĩ Trai đã cùng Bác Sĩ Trần đông A, cựu Y sĩ Thiếu tá Nhảy Dù, nổi tiếng sau những ca mổ tách rời trẻ song sinh ở Sài Gòn. Tôi cũng đã nghe tin, giờ này, Bác Sĩ Trai đang là một “Dân biểu” của “Quốc Hội nước CHXHCNVN”.
Nhân ngày đầu Xuân Ất Dậu (2005), tôi nhớ lại chuyện xưa, ba mươi năm trước. Nhớ những bạn Võ Bị, cựu tù lán 24 K3 Tam Hiệp. Trong số những người bạn đó, thì hai người đã qua đời, là Hoàng Thế Bình và Ngô Văn Niếu. Còn những bạn khác như Dương, Lành, và Huy thì đang ở Mỹ, không rõ họ có còn nhớ chuyện ngày xưa hay không? Riêng tôi, cái đêm Giao Thừa ba mươi năm trước ấy đã trở thành không thể nào quên, vì đó là lần đầu trong đời, tôi đón năm mới với thân phận một người tù mất nước…!!!
(Seattle, Lập Xuân)
Vương Mộng Long (K20)
No comments:
Post a Comment