Kiêm Ái
Tôi không phải người Huế, tôi người Quảng Trị lại "sinh ra trên gốc rạ" của một làng "chuyên trị làm ruộng" nên rất quê mùa, uống nước sông Ô Lâu, con sông ranh giới giữa Thừa Thiên và Quảng Trị, (đặc biệt giọng nói của làng tôi giống tiếng Huế hơn là Quảng Trị, do đó, mỗi khi bọn bưng bô VC, Việt gian giận tôi chúng thường chưởi tôi: Tiên sư thằng Huế !!! (Oan cho Huế lắm). Tuy đẻ trên gốc rạ, tôi cũng được cắp sách đến trường từ nhỏ, cho đến một ngày, trong khi lớp học buổi chiều mới bắt đầu thì ông Cái, phu trường, hớt hơ hớt hãi chạy vào lớp nói với thầy:
- Thưa thầy, mấy người đi chợ Diên Sanh về cho biết người Nhựt Bổn đã làm "đảo lộn", Pháp lăng sa phải "xếp vó" từ hồi hôm rồi.
Thế là thầy vội vả bải lớp. Ông đứng trước cửa, đứa nào ra ông cũng xoa đầu, có đứa ông ôm vào lòng, có đứa không, mặt ông "như mặt đưa đám ma" theo lời ông Cái nói lại sau này. Và thầy về nhà trên chiếc xe đạp, thầy ở gần Diên Sanh. Từ đó không ai dạy nữa. Cá nhân tôi được tự do đi bắt ổ chim, câu cá, chơi ô làng, đánh căng cù u chịu, ù mọi, đá banh bằng trái bưởi non, v.v... sướng chi lạ. Cho đến khi phải đi học giáo lý do "các O Nhà Phúc" (Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Cổ Vưu) dạy. Rồi "các o" mở lớp dạy học Việt ngữ cho mấy em, ban đầu chỉ dạy cho mấy đứa "mù chữ" để chúng đọc sách Giáo Lý, nếu không, các O phải đọc từng câu cho chúng lập lại, khổ lắm. Sau dó, các O thừa thắng xông lên, dạy chúng tôi, nghe đâu chương trình lớp ba với 4 phép tính cội rễ rồi làm toán đố, làm luận v.v...
Rồi Việt Minh lên họ cấm, không được dạy nữa. Nhưng lúc đó tôi lại bắt đầu thích đọc sách, sách Đạo phần nhiều, Sấm Truyền Cũ (Cựu Ước), Sấm Truyền Mới (Tân Ước), Tứ Chung Yếu Lý, và những sách báo của cha tôi để lại, và của cậu bà con xa để lại mà mợ tôi cho... mượn.
Một bữa, cha sở (cha chánh xứ) cho người kêu mạ tôi và tôi lên. Ngài nói:
- Bữa trước cha Hiền (sau này là Giám Mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền) ra hạch và cho Thêm Sức, có biểu cho biết có mấy đứa được "đi nhà trường" (đi học ở tiểu chủng viện), có thằng Ấn (là tôi). Mụ (tức mẹ tôi) lo sắm sửa cho nó và bắt đầu tuần sau đưa nó lên đây học "cách thức đi nhà trường".
Thế là tôi và 4 cậu nữa được dạy chương trình toán, luận v.v... do "Chú Xích và "Thầy Ái" mới vào trường trong dạy. Mấy tháng sau 2 ông Thầy và Chú phúc trình cho cha sở chỉ có tôi và một chú đã ở giúp lễ cho cha 2 năm là đủ điều kiện để "đi nhà trường".
Mọi sự đã sẵn sàng lên đường ra Cửa Tùng Quảng Trị thì cha sở cho tôi biết:
- Con học giỏi, nhưng người con còn nhỏ nên yếu đuối quá, phải ở lại 2 năm sau cha cho đi. Bây giờ ở giúp lễ cho cha vì thằng Th. nó không chịu giúp.
Tôi rất buồn, nhưng "cha dạy thì phải nghe, con phải biết như vậy" Mẹ tôi dặn đi dặn lại. Không biết vì xử ép tôi hay vì ngài cũng rãnh rổi, mỗi tuần, thứ Hai, Thứ Tư, mỗi ngày 2 giờ cha sở dạy tôi về toán, luận, nhứt là tiếng Tây và những kinh Latin thông thường. Tôi thích thú với những bài toán đố trong sách của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, như "đố vui để học" sau này, ví dụ: Vừa gà, vừa thỏ bỏ một chuồng, một trăm cái cẳng, 42 cái đầu. Mấy gà mấy thỏ? ...
Nhưng chỉ một năm sau, trong lúc "Tây về" có cả lính Việt Binh Đoàn (?) cùng di "opération" (hành quân), lúc đó mạ tôi và đứa em gái út cũng như một số giáo dân chạy lên nhà thờ họ chánh (có cha sở), tránh bom bay, đạn lạc. Mẹ tôi nói:
- mạ và con út nhân cơ hội này theo đoàn quân chạy vô Huế có 3 anh chị con đã ở trong đó, con theo mạ và em.
Tôi nói :
- còn một năm nữa thì con được cha cho vô nhà trường, mạ và út đi đi.
Mạ tôi nói
- không được, để mạ xin phép cha sở cho, vào Huế cũng có cha sở xin đi nhà trường dễ hơn nhiều.
- mạ và con út nhân cơ hội này theo đoàn quân chạy vô Huế có 3 anh chị con đã ở trong đó, con theo mạ và em.
Tôi nói :
- còn một năm nữa thì con được cha cho vô nhà trường, mạ và út đi đi.
Mạ tôi nói
- không được, để mạ xin phép cha sở cho, vào Huế cũng có cha sở xin đi nhà trường dễ hơn nhiều.
Cha sở rất giận dữ, ngài la oang oang vang cả nhà:
- Tôi không đồng ý, còn bà muốn mang nó đi đâu tùy ý bà.
- Tôi không đồng ý, còn bà muốn mang nó đi đâu tùy ý bà.
Trong khi nói vậy, ngài nhét vào tay tôi tờ giấy bạc 50 đồng Đông Dương. Ngài la om sòm chỉ vì ngài sợ Việt Minh bắt đền ngài đã cho tôi đi.
Thời gian này, vùng nào Việt Minh kiểm soát thì chúng gọi là "vùng Tự Do", vùng nào có đồn bót sinh hoạt theo Quốc Gia chúng gọi là "Vùng Tề". Vùng Tự Do không được tự tiện qua vùng Tề, chúng bắt được là ở tù, chỉ khi nào có lực lượng Pháp Việt đi Ốp (Opération) thì chạy theo họ vào vùng Quốc Gia.
Chúng tôi theo chân đoàn quân Pháp Việt qua U Điềm rồi lên Mỹ Chánh, lên xe nhà binh tới An Lỗ là trời tối, gặp được anh T. con đỡ đầu của cha tôi, đang là y tá quân đội, anh rất mừng và nói anh sẽ đưa tới tận nhà anh rễ và chị tôi. Ba mẹ con tôi và anh T. ngồi trên 2 xe kéo. Lần đầu tiên ngồi xe để người khác kéo tôi hết sức khó chịu trong người khi thấy bác phu xe mồ hôi mồ kê nhỏ giọt, tôi chỉ muốn nhảy xuống đi bộ.
Thế là tôi vào ... Huế.
Đến Chủ Nhựt thấy tôi bận áo dài đen, quần dài trắng đi lễ, dì dượng (con ông chú ruột của mạ tôi) nói nhỏ với nhau điều gì đó và mắt thì cứ nhìn tôi, tôi chẳng hiểu.
- Anh Ấn, anh còn mấy bộ áo đen dài quần trắng nữa? Con gái dì Ngh. hỏi.
- Eng (anh, nói theo giọng nhà quê) có 3 bộ, khi đi một bộ mặc trong người, một bộ đang phơi trên dây mạ eng cuốn đem theo, còn một bộ và đồ lặt vặt để dưới nhà của cha sở, mạ eng không cho xuống lấy, bà sợ cái gì không biết.
Chiều thứ Hai, dượng tôi ghé nhà và nói Ấn đi với dượng một chút. Khi đến một tiệm may, dượng nói "Con ở giữ xe đạp, dượng vào đây một chút". Độ mười phút sau dượng ra khóa xe và kéo tôi vào. Một anh thợ may biểu tôi đứng để anh đo "kích thước".
Mấy ngày sau, dượng lại ghé nhà với một xách tay: 4 cái sơ mi trắng 2 cái dài tay, 2 cái cụt tay, 4 cái quần xanh 2 cái dài, 2 cái "sọt" cho tôi.
- Hết mấy để chị trả tiền lại cho dượng.
- Chị nói chi lạ rứa, em cho cháu không được răng mà chị phải trả? Nhà em nghe được giận chị đó. Còn nữa, chị Ngh. mua cho Ấn đây: 3 bộ quần cụt, áo may dô., bàn chải đánh răng, khăn mặt v.v... để Ấn tập làm "Chú Nhà Trường" cho quen ! ("chú" là cách gọi dành cho những người đi tu ở chủng viện).
Từ đó, tôi từ giả áo dài đen quần trắng. Khi biết đứa em gái con dì Ngh. ngạo tôi chuyện "áo quần nhà quê" tôi chỉ phát nhẹ vào vai nó một cái, nhẹ còn hơn phủi bụi, thế mà nó bù lu bù loa bắt đền, phải đãi nó 3 chén chè đậu xanh đánh nó mới không mét mạ tôi. Mười mấy năm sau, lúc tôi từ Đalạt về ăn cưới nó, thằng em rễ tương lai cũng quen biết, tôi nháy mắt cho thằng em mấy cái rồi nhảy tới "thộp ngực" la lớn:
- Mi muốn cưới em gái tau phải trả cho tau... Con em tôi hốt hoảng:
- Buông người ta ra, trả cái chi tui trả cho, mừng (làm) cái chi lạ rứa anh Ấn? Trả cái chi?
- Ba chén chè đậu xanh đánh.
- Trời !
Thế rồi nó nhảy tới một tay nắm bâu áo tôi, tay kia đấm túi bụi:
- Một chén này, 2 chén này... mười chén này... cho chừa cái tội làm tui hết hồn.
- Một chén này, 2 chén này... mười chén này... cho chừa cái tội làm tui hết hồn.
Thứ Năm, Thầy Ái đạp xe đạp tới chỡ tôi đến trường Tiểu học Công giáo tư thục, do các nữ tu phụ trách. Thầy tự ý ghi tôi học lớp Nhứt. "Ráng học lớp Nhứt, sang năm mới đủ trình độ vào nhà trường" - Thày giải thích.
May là không đến nỗi cao quá, tôi ráng. Tất cả các môn học không khó, chỉ có "phép đo lường" là tôi chịu thua, vì chưa bao giờ tôi biết nó là môn gì.
Không biết Thầy nói gì mà khi tôi nhận giấy trả tiền thì học phí tới 53 đồng/tháng. Nhưng đến khi tôi trả tiền Ma soeur (chị nữ tu) phụ trách trả lại 40 đồng và nói.
- Em mới "hồi cư" nhà trường bớt cho, chỉ nhận 13 đồng. Chị ghi vậy chứ mỗi tháng em chỉ trả 13 đồng.
Một đứa bé nhà quê lên kinh đô mọi cái đều xa lạ, bở ngở không biết phải mua dụng cụ học sinh ở đâu, bình mực, vở, viết, thước... chuyện này nhờ con em con dì Ngh.giúp. Ở Huế mà học trường tư thục thì chỉ cần sắm viết, mực thì nhà trường lo, còn vở, thước... bán ngoài chợ Đông Ba không thiếu gì. Cái khổ nhứt và cũng thích nhứt là "tập xe đạp". Tôi khổ ít, ông dượng tôi chạy theo sau mồ hôi mồ kê nhễ nhại, khổ hơn tôi nhiều.
Nhưng rồi cũng xong, mất độ 30 đồng thuê xe mỗi giờ 3 đồng. Ông anh rễ con ông bác từ Hội An gởi cho tôi mấy trăm đồng cũng đủ mua chiếc xe đạp cũ.
Năm đó tôi đậu Tiểu học rồi nhưng số tôi không "hạp" với chuyện đi tu. Năm đó nhà trường nhận chủng sinh mới, tôi lại không gặp được Thầy Ái vì thân phụ ngài bị Việt Minh bắt, ngài phải về lo liệu cho mạ và mấy em ngài. Đến khi Thầy trở lại Đại chủng viện thì các chú đã tựu trường lâu rồi. Năm sau nữa Thầy dọn mình chịu chức cha. Đường tu của tôi từ đây khép kín.
Mẹ tôi muốn cho tôi học trường Dòng Pellerin nhưng tôi không chịu vì với cái quán bán hàng xén của mẹ làm sao đủ chi phí cho tôi học trường "con nhà giàu". Tôi an ủi mạ: "Mạ để con thi vào Công Lập Nguyễn Tri Phương cho chắc cái đã, khó mà đậu concours lắm mạ.
Nhưng tôi đã đậu và học luôn. Hai năm sau tình cờ gặp lại cô bạn lúc học tiểu học:
- Nghe nói "ấy" không muốn học Pellerin mà thi vào Việt Anh (Việt Anh là tên cũ của trường Nguyễn Tri Phương) phải không ?
- Ai nói cho ấy biết rứa?
- Anh rễ của Ấn nói cho cậu mình hay. Ấn thiệt lạ. Không chịu học trường Dòng là sai rồi.
- Còn ấy học ở mô?
- Mình học Jeanne d'Arc.
- Jeanne d'Arc đi chung với Pellerin, còn Nguyễn Tri Phương, Khải Định thì đi chung với Đồng Khánh.
- Ấy nói bậy chi rứa? Ấy giận mình há?
- Mô dám. Mình xin lỗi.
Từ khi lên Trung học và với chiếc xe đạp cà tàng, thành phố Huế nằm trong lòng bàn tay, tất cả tôi đã ghi lại trong truyện ngắn "Huế của Ai". Mấy năm sau có dịp về lại Huế gặp những bạn học cũ mừng mừng tủi tủi.
Một lần gặp Th. ở chợ Đông Ba, bạn học hồi Tiểu học. Cô thấy mình trước:
- Ê Ấn, trốn đâu biệt tăm, lâu ngày không gặp. Mình có chồng rồi...
- Hay quá ta. Mình cũng đang kiếm một ông chồng mà chưa có.
- Đồ quỷ. Đập chết cái nết "ba dẻm" cũng không chừa.
- Đùa chơi chứ vợ mình khuất núi rồi.
Th. rất vui vẽ, tính tình rất tốt, chồng của cô ta lại là bạn lúc trung học với tôi. Hai vợ chồng đã có 3 con, hai trai một gái rất xinh, mình được mời ăn một bữa cơm tại nhà. Qua Th, cũng như Vui mình biết được hầu hết "bước đi, bước chạy, bước nhảy và cả bước nằm của mỗi người.
Người nằm xuống oai hùng nhứt là Ân. Hắn thi không đậu vào trường công, phải ở nhà, đi giúp việc bán hàng cho người bà con. Có bao nhiêu tiền mua sách về tự học, học hết chương trình trước tụi mình. Nhưng không làm sao có "học bạ" để đi thi, Ân vào lính làm "đơ dèm cùi bắp" tức binh nhì, nhờ là có giấy chứng nhận quân nhân được dự thi không cần học bạ. Ân thi đậu tú tài một ngay khóa đầu và nộp đơn đi Sĩ quan "ngay tức khắc" (lời của Vui). Lên Đại úy chỉ mấy năm sau nhưng lại "được truy thăng Thiếu Tá" trong một trận một chống mười. Còn những đứa khác thì cũng long đong lận đận như mình.
Năm 1969 (một năm sau thảm sát Tết Mậu Thân) tôi trở về Huế nhân dịp đi công tác, ghé thăm nhà nào không đọc kinh "Chúng tôi cậy vì danh Chúa..." (câu kinh Công Giáo dành cho linh hồn người đã chết) thì cũng thắp hương tưởng niệm. Huế của tôi bây giờ thay đổi quá chừng.
Người gặp đầu tiên cũng là Th. nhưng Th. của tôi không còn vui vẽ, nhí nhảnh như chim sơn ca, yêu đời như ngày xưa. Một tay 4 đứa con dại, chồng thì lên núi (theo VC) sau Tết Mậu Thân.
- Là vợ chồng mà mình cũng không biết Vui hoạt động cho bên tê. Đến Tết Mậu Thân Vui mới lộ mặt chỉ VC bắt cả bà con của mình và chỉ điểm hại nhiều người nữa, hết nói nỗi. Khi hắn đi, mình không cho gặp các con của mình. Mình ghê tởm.
Không có lời nào an ủi được người bạn thuở ấu thơ. Cách nay mấy năm tôi gặp lại Th. cũng ở Quê người. Mấy con bây giờ đã thành tài, Th. thành bà nội, bà ngoại, sắp làm bà cố. Mừng cho Th. mà cũng buồn cho số phận bạn.
- Hắn có nhắn xin mình tha thứ, theo tụi ác ôn chỉ vì bị gái dụ. Nay thì đã về hưu sống với "vợ bé". Thứ đó mà để con cháu thấy mặt thiệt là "dớp giấy" (nhơ nhớp), mình cự tuyệt.
Huế trong lòng tôi bao giờ cũng đẹp, cũng thơ mộng và rồi đây thế nào ông Trời cũng trả lại Huế cho tôi.
Kiêm Ái.
No comments:
Post a Comment