Monday, February 26, 2018

Tâm Sự Ngày Xuân




Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018.
Tam su Ngay Xuan_Song LamĐón xuân Đinh Dậu tại Việt Báo. Từ trái, Hòa Bình, Phùng Annie Kim, T.N. Bảo Xuân, Song Lam, Phong Đào, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Xuân Nghĩa.

*** 
Cho đến bây giờ, tôi thật sự không hiểu trong lòng tôi sao có sự nôn nao, bâng khuâng mỗi lần Tết đến. Tôi đã có một quá khứ ấu thơ trong một gia đình đông con không lụa là nhung gấm, nhưng bù lại, chúng tôi có không khí đầm ấm, vui tươi mỗi độ xuân về. Những mong ước ngây ngô mong chờ ngày Tết vẫn âm thầm hiện hữu trong tâm trí trẻ thơ. Làm sao nói hết được nỗi vui của chị em chúng tôi khi thấy ba tôi cẩn thận treo bộ tứ thời lên vách? Bộ tứ thời đó nói về hai mươi bốn gương hiếu thảo bên Tàu, gọi là "Thập Nhị Tứ Hiếu", mấy chị em leo lên bộ ván gõ, đọc lầm thầm nội dung, có khi chưa hiểu hết tác giả nói gì. Đó là khoảng thời gian tôi 9, 10 tuổi gì đó, đọc chữ đã trôi chảy và thuộc lòng nhiều thơ ca ba tôi hay đọc cho chị em tôi nghe.

Cái cảm giác nôn nao ấy tôi vẫn còn có được mỗi khi Tết về, dù cuộc đời tôi đã thăng trầm nhiều nỗi. Ngày Tết Việt Nam, với tôi, có điều gì thiêng liêng lắm mà ai ai cũng ngóng đợi, chờ mong. Tôi có mười bảy năm sống với người chủ mới miền Nam, là mười bảy năm đau đớn, thiếu hụt, xót xa. Chúng tôi ở Sài Gòn, điều kiện sống còn "dễ thở" hơn muôn ngàn người Việt Nam ở vùng xa, vùng sâu, nhưng thật sự là không có Tết.

Điều này, hiện nay, trong giấc ngủ mơ màng, đôi lúc tôi còn giật mình, bàng hoàng tỉnh giấc. Lúc đó, tay chân tôi lạnh ngắt, tim đập liên hồi. Khi hoàn hồn tôi nói với chính mình: "mình đang ở Mỹ mà, ngày ấy đã qua rồi". Phải, ngày ấy đã qua, đã xa tôi không muốn nhắc tới những mãnh đời giông bão của chính tôi, của đồng bào tôi từ 1975.

Chúng tôi là người Sài Gòn, sinh ra và lớn lên ở quận 4, một quận nghèo của thành phố. Đó là khu vực còn hoang sơ, trống hoác với nhiều ruộng rẫy, sông ngòi. Ngày Tết xuồng ghe từ nhiều nơi chở dừa xiêm, dưa hấu cập bến cầu Kinh Tẻ rao bán hàng Tết. Có những chiếc ghe chở đầy hoa sáng rực một khoảng sông. Hồi đó, những bông hoa ngoại nhập chưa có, chỉ có bông vạn thọ, bông cúc, bông mai. Các bạn trẻ ở Mỹ bây giờ không có cái cảm giác rạo rực của chúng tôi thời đó được cha mẹ cho đi chợ Tết. Chúng tôi ra chợ Sài Gòn ban đêm thấy hình ông chà-và cười hàm răng trắng bóng để quảng cáo kem Hynos, và kem Leyna "Kem trắng chỉ hồng". Mỗi quầy bánh mứt đi qua, chúng tôi đều được chủ sạp cho thử. Vui quá là vui!

Như bà tiên gỏ nhẹ vào thân phận bị tù tội, bị vùi dập của hàng trăm ngàn người lính Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền Mỹ thực hiện chương trình di dân H.O. giúp chúng tôi qua Mỹ năm 1992. Thành phố đầu tiên gia đình tôi đặt chân đến là New York, cách phi trường John F. Kennedy gần 50 dặm. Đó là thành phố biển Brooklyn, mà từ xưa, nơi này có nhiều mafia Ý. Ngày Tết đầu tiên, cả vợ cả chồng đều khóc. Nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ anh em. Lúc đó, hai chúng tôi còn hai bà mẹ tuổi hãy còn trẻ hơn chúng tôi bây giờ. Rồi trôi, rồi nổi, rồi di chuyển khắp các tiểu bang của vùng Đông Bắc, chủ yếu là tìm việc làm nuôi con. Hai mươi sáu năm, chúng tôi không hề có Tết, vì vùng này lạnh quá, người Việt không thích lưu trú. Đa số họ di chuyển về các vùng đất ấm như Texas, Cali. Người Việt Nam ngày càng đông đảo nên giá nhà, giá đất ở đây tăng lên chóng mặt.

Mới đó, chúng tôi đã già. Già hồi nào không hay, không biết. Nhiều lúc, tôi tư lự một mình, thầm nghĩ: "Trời ơi, ta đã làm chi đời ta?"

Chúng tôi không phải là "thanh mai trúc mã", không có thời gian yêu đương lãng mạn: chàng không phải là người "viết thư tình em đọc", nàng không là thiếu nữ đài các "áo lụa khăn quàng". Chiến tranh ngày càng khốc liệt, chàng vào lính, từ giã sân trường đại học, nàng trách nhiệm với bầy em khốn khó, thì giờ đâu mà trau chuốt, mộng mơ? Những năm gần đây, khi các con đã xong việc học, đã thành gia thất, chúng tôi mới có thì giờ nghĩ đến chuyện mình. Tôi trở lại với việc viết lách, dàn trải tâm tư mình với bạn hữu gần xa qua chương trình Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo thành lập từ năm 2000. Trời ơi, tôi là người "sanh sau đẻ muộn" nên hối hả, gấp rút lắm. Ông xã và các con chế nhạo tôi. Kệ. Mọi người chê tôi "ăn cơm nhà, vác ngà voi"- Mặc. Miễn là tôi vui với chính mình, tìm được cho mình chút hạnh phúc mong manh!

Đứa con gái lớn của tôi ngạc nhiên lắm về việc tôi hay lui tới Cali. Nó nói:

- Con không hiểu má nghĩ gì, vui gì khi mỗi năm đi vacation cứ chọn Cali. Năm nay lại đến đó hai lần nữa chứ? Sao má không đi Pháp, Nhật, Đại Hàn, Úc... để du lịch?

Tôi cười trả lời nó:

- Vì Cali, má có partner, có bạn bè, có học trò cũ... có nhiều tình thân. Và, Cali có... Tết.

Ngày Tết là ngày thiêng liêng cao quý để mọi người "ôn cố tri tân" để mọi người có dịp gần nhau, chia xẻ, cảm thông và yêu thương hơn nữa. Ngày Tết để con cháu hiểu được truyền thống quý báu, lâu đời của người Việt Nam: "uống nước nhớ nguồn", nhớ ơn ông bà tổ tiên, là dịp thể hiện văn hóa ngàn đời của dân tộc. Ngày Tết, mọi người ở Cali trang trọng mặc áo dài đi lễ nhà thờ, đi lễ chùa đêm giao thừa, chúc tụng nhau những gì tốt đẹp, may mắn hơn năm cũ. Đó là văn hóa thuần Việt.

Chính điều này thôi thúc tôi tìm lại cái Tết truyền thống cũ khi về thăm lại Sài Gòn vài năm trước. Hai tuần lễ về nhà, về thăm lại những con đường xưa, những khu phố cũ với những kỷ niệm trôi bềnh bồng trong ký ức già nua của mình, nhưng tôi hoàn toàn thất vọng. Văn hóa Sài Gòn của tôi méo mó, biến dạng thành thứ "lai căng chú kiết", và người Sài Gòn hôm nay là những gương mặt vô cảm, vô hồn! Ca từ của Nam Lộc vẫn còn đúng dù ta đã mất Sài Gòn 42 năm: "Sài Gòn ơi ta đã mất người trong cuộc đời. Sài Gòn ơi thôi đã hết thời gian tuyệt vời".



Do vậy, tôi về lại Cali lần thứ tư Tết năm ngoái, đã có "những đêm mất ngủ ở nơi này". Trong mười ngày rong chơi của tôi ở San Jose, San Diego, và nhất là Nam Cali- Little Sài Gòn khiến ai cũng trố mắt kinh ngạc: Trời ơi, bà già gần 70 mà chạy sô như ngựa phi đường xa. Tôi sợ ngày Tết qua mau nên hối hả “enjoy”. Đêm Giao thừa lạnh căm căm ở chùa Điều Ngự hay trận pháo Tết không dứt ở chùa Huệ Quang khiến tôi thấy lòng ấm áp quá. Người Việt Nam ở đâu mà đông đến chóng mặt vậy cà? Tôi ôm cái hạnh phúc đơn sơ ấy lào lòng vì nghĩ rằng không còn nhiều giờ với Cali. Tôi được cười thật nhiều với mọi người, kể cả người chưa quen, vừa gặp ở sân chùa. Cái gì ấm áp lòng già như thế?

Phải, tôi đang tìm kiếm tình yêu đích thực qua văn chương, qua những tâm hồn Việt tha hương đang muốn "xích lại gần nhau". Con người Việt Nam muôn thuở có tính chân thật, bao dung, nhân ái, chia sẻ, cảm thông... Làm sao, có thể nào tôi tìm được ở Việt Nam trong lúc này, khi mọi giá trị tinh thần đã rơi vào vực thẳm?

Bây giờ, tôi đang thập thò ở tuổi 70. Ở vào tuổi này, tiền bạc lợi danh không còn có trong tôi. Tôi đã buông bỏ mọi thứ, chỉ mong tìm hạnh phúc tuổi già. Tôi thấy mình trong ánh mắt trẻ thơ, sự thành đạt của giới trẻ ở Hải ngoại và hơn hết là sự lớn mạnh của cộng đồng. Đã từ rất lâu, tôi nức lòng khen ngợi và hãnh diện về thành tựu đó. Hạnh phúc của riêng tôi là như vậy.

Quan niệm về hạnh phúc tùy lứa tuổi, tùy mỗi người. Hạnh phúc thật đơn sơ như trong Kinh thánh có viết: "Hạnh phúc của người không theo đường lối quân gian ác. Hạnh phúc cho ai tuân giữ điều chính trực" và "Hãy thỏa lòng khi đã có thức ăn, áo mặc và chỗ ở." Từ điểm này, tôi thấy mình còn hạnh phúc hơn hàng triệu người đã lâm vấp vào thiên tai và nhân tai ở Houston, Key West, hay ở Nha Trang, Huế Việt Nam.

Năm 2017, năm Đinh Dậu đã qua. Lịch sử thêm trang mới năm 2018, năm Mậu Tuất. Một năm trôi qua với những biến động chính trị, biến động thời tiết, cảnh thương vong, thương tật tràn lan ở nước Mỹ và thế giới, mà trận động đất ở Iran và Iraq là một ví dụ. Những tấm lòng nhân ái của người Việt Nam luôn được mở rộng cứu giúp nhiệt tình đồng bào, đồng hương và cả người lầm

than trên thế giới. Người Mỹ hết sức kinh ngạc về lòng biết ơn của đồng bào Hải ngoại dành cho thương phế binh VNCH với số tiền hàng triệu đô la mỗi năm, dù chiến tranh đã chấm dứt gần nửa thế kỷ.

Ngày Tết truyền thống lại về với chúng ta. Tôi được thêm một lần nhìn lại mình. Tuổi già thêm già và mọi ước mơ cũng giản dị hơn. Thời gian ở bên nhau không còn nhiều nữa, sống cho trọn kiếp người để khi qua đời mình không ân hận là sống thừa, "khi không có cái gì mình thích, hãy thích cái gì mình có" để sống vui từng ngày, để khỏi băn khoăn, để khỏi so sánh "cỏ nhà hàng xóm xanh hơn cỏ nhà mình", mình sẽ không thể hạnh phúc khi thấy một hạnh phúc lớn hơn, hãy bằng lòng với những gì mình đang có như người xưa thường nói: "Tri túc, tri túc, đãi túc hà thời túc?" (biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ).

Trong gần 50 năm làm việc, từ lúc thanh niên đến lúc nhận ra mình đã già, đã thật sự già, tôi đã làm hết những gì mình có thể cho cha mẹ, anh em, con cháu. Tôi không dám nói đến sự hy sinh, chỉ coi đó là hạnh phúc vì: "Những người bắt gặp hạnh phúc là những kẻ biết quên mình".

Trường hợp này chắc chúng ta phải thán phục tỷ phú Chuck Feeney khi ông quan niệm rằng từ thiện là một phần của cuộc sống. "Cho thì hạnh phúc hơn nhận." (Kinh Thánh Công vụ 20:35) Ông đã cho đi 8 tỷ đô la ở Mỹ, Australia, Việt Nam, Nam Phi và Ireland nhưng ẩn danh không muốn ai biết đến tên mình. Và, hiện nay, vợ chồng ông vẫn ở nhà thuê ở San Francisco, Ông nói rằng: "chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi. Không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đau khổ tìm kiếm cả đời." Thật đáng ngưỡng mộ cho tấm lòng vị tha của người tỷ phú này.

Năm nào cũng thế, ngày Tết truyền thống của người Việt Nam chúng ta lại rơi vào năm mới dương lịch. Do năm nhuần, năm nay Tết về giữa tháng 2/2018. Đây là thời gian miền Đông Bắc lạnh khinh khủng với bầu trời luôn luôn xám xịt và tuyết rơi trắng trời. Cây cảnh trơ xương, tiếng chim vắng bặt, người người co ro trong giá lạnh, buồn hắt buồn hiu. Đồng hương ở những tiểu bang quanh năm nắng ấm như Cali, Texas ăn Tết vui tươi trong khi chúng tôi ngậm ngùi đón tuyết! Ở đây không có hoa mai, không có hoa đào, không có những tà áo dài xuống đường ngập phố. Điều này khiến tôi buồn xo. Nếu ngày Tết rơi vào cuối tuần, các chợ Tàu, chợ Việt Nam còn có chút không khí Tết là cảnh múa lân để cầu may, cầu phước. Nhưng, có mấy người Việt Nam tham dự đâu? Lạnh quá! Mọi người ra đường khăn áo dày cộm che kín mặt mày trông giống như người ở Eskimo hay Alaska!

Bài viết này đến với bạn đọc như là lời tâm sự, diễn đạt tấm lòng của người viết trước hơi hướm mùa xuân đang thập thò ngoài cửa. Dù chỉ vài phút bâng khuâng nghĩ ngợi về mình, về cuộc đời thoáng chốc vụt tàn phai của mình, tôi đã buông bỏ mọi thứ, chỉ giữ lại cho mình sự tận tụy, ân cần.

Phải, sự tận tụy và ân cần đó đã theo tôi gần hết quãng đời. Tôi muốn dừng lại bên tâm tình của mọi người, của bằng hữu để cảm thông, chia xẻ và cúi xuống những mãnh đời bất hạnh hơn mình để an ủi, cứu giúp.

Xin chân thành cảm ơn cuộc đời đã cho tôi còn đủ sức khỏe để làm việc, còn biết cảm nhận xúc cảm của mình khi nghe bài nhạc hay, hoặc đọc được bài văn ý đẹp, còn đủ minh mẫn để nhận ra cái thiện, cái ác; còn nghe lòng rung động, reo vui vì một ngày nắng đẹp hay thấy nụ hoa hồng nở muộn sau vườn. Đó chính là hạnh phúc, là tình yêu!

Mùa xuân của đất trời sẽ trở về theo vận hành của năm tháng, còn mùa xuân cuộc đời của mọi người chỉ một lần đến mà thôi. "Tôi biết em đi chẳng trở về. Dặm ngàn liễu rũ với sương che." (Thơ Thái Can).

Vì lẽ đó, quà xuân hôm nay gởi đến muôn phương chắc cũng chỉ là tấm lòng chân thật của riêng tôi.

Tôi đang mường tượng đến Cali, với chợ hoa Phước Lộc Thọ, với ngàn hoa đua sắc mừng xuân: những cành mai vàng trĩu nụ, cành đào chi chít sắc hồng, cành lay-ơn đỏ thắm mà nghe lòng rộn rã, reo vui...

Giữa phút giao mùa của tình xuân, hoa xuân, tôi xin gởi đến quý bạn đọc, bạn văn lời chúc tốt đẹp nhất: vạn sự cát tường, thân tâm thường lạc...

Song Lam


No comments:

Blog Archive