Friday, February 9, 2018

Hoa Kỳ: thân phận người nghèo trong một nước giàu!



Nói đến người nghèo, nhất là những cảnh nghèo nàn cùng cực, ai cũng liên tưởng trước tiên đến các nước nghèo ở Phi Châu hay Á Châu. Đệ nhất siêu cường như Hoa Kỳ làm gì có tên trong các bản phúc trình về nghèo khổ của Liên Hiệp Quốc. Nhưng mới đây, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình trạng nghèo cùng và nhân quyền là ông Philip Alston đã làm một vòng nước Mỹ.
Bản phúc trình của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình trạng nghèo khổ tại Hoa Kỳ cho thấy đây là một vấn đề mà đệ nhất siêu cường này không thể che giấu được nữa. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã diễn ra vào lúc chính phủ của Tổng thống Donald Trump đưa ra một số chính sách mới có liên quan đến tinh trạng bất bình đẳng và nghèo cùng tại Hoa Kỳ. 
Trong bản báo cáo được cho công bố ngày 15 tháng Mười Hai năm 2017 vừa qua, ông Alston nhận định rằng luật cải tổ thuế má mới qua đó Chính phủ Mỹ giảm thuế cho các giới doanh nghiệp và người giàu nói chung vừa được Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Trump ký ban hành đã biến Hoa Kỳ thành một trong những xã hội bất bình đẳng nhất trên thế giới. Hố ngăn cách giữa 1 một phần trăm những người giàu nhất và 50 phần trăm những người Mỹ nghèo nhất đã trở thành vực thẳm! Hoa Kỳ là một trong những nước giàu nhất, hùng mạnh nhất và tiến bộ nhất về mặt kỹ thuật, nhưng lại không có khả năng hoặc không muốn chấm dứt tình trạng ngày càng nghèo cùng của 40 triệu người Mỹ. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc kể lại rằng tại Thành phố San Francisco, ông đã chứng kiến cảnh một cảnh sát viên yêu cầu một nhóm người vô gia cư phải rời bỏ nơi họ đang sống lây lất. Nhưng khi được hỏi những người vô gia cư này phải đi đâu thì viên cảnh sát không có được câu trả lời.
Trong bản phúc trình, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã làm một cuộc so sánh giữa Hoa Kỳ và các nước khác. Theo ông, theo nhiều chỉ số, Hoa Kỳ là một trong những nước giàu nhất thế giới. Ngân sách quốc phòng của nước này nhiều hơn của Trung Cộng, Á Rập Saudi, Nga, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Pháp cộng lại. Tính theo đầu người, Hoa Kỳ chi cho y tế gấp hai lần mức trung bình của các nước thuộc khối Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Nhưng tính theo đầu người, Hoa Kỳ lại có ít bác sĩ và số giường trong bệnh viện hơn so với các nước thuộc khối OECD. Trong năm 2013, Hoa Kỳ bị xem là nước có tử xuất của trẻ em cao nhất trong các nước phát triển. So với người dân đang sống trong bất cứ quốc gia giàu và dân chủ nào, người Mỹ có tuổi thọ thấp hơn và sức khỏe của họ cũng yếu kém hơn.
Theo bản phúc trình của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ là nước có tỷ lệ người béo phì hơn cả trong thế giới phát triển. Hoa Kỳ cũng là quốc gia trong đó tỷ lệ người dân bị giam tù cao nhất thế giới, hơn cả các nước như Turkmenistan, El Salvador, Cuba, Thái Lan và Liên bang Nga. Tỷ lệ bị giam tù của người Mỹ cao gấp 5 lần so với mức trung bình của các nước trong khối OECD. Xét về tình trạng nghèo nàn và bất bình đẳng trong 37 nước thuộc khối OECD, Hoa Kỳ đứng hàng thứ 35! Theo Tổ chức “World Income Inequality Database” (Dữ liệu về bất bình đẳng), Hoa Kỳ là nước có mức bất bình đẳng Gini cao nhất trong các nước Tây Phương (x. http://www. ohchr. org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews)
Trên đây chỉ là một vài con số về Hoa Kỳ được báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc ghi nhận trong bản phúc trình của ông.
Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2013, trên toàn thế giới có 769 triệu người không kiếm được mỗi ngày 1.90 Mỹ kim để sống.769 triệu người này được xem là những người nghèo nhất thế giới. Trong số này, có 3.2 triệu người sống tại Hoa Kỳ và 3.3 triệu khác sống tại các nước có thu nhập cao, đa số tại Ý, Nhật Bản và Tây Ban Nha.
Dĩ nhiên, trên đây chỉ là những con số. Điều đáng quan tâm là đàng sau những con số ấy là một thực tại ít được biết đến: đó là những nhu cầu căn bản của con người tại những nước giàu hoàn toàn khác với những nhu cầu căn bản của con người tại những nước nghèo. Hãy thử làm một cuộc so sánh: một người dân quê nghèo tại Ấn Độ chắc chắn không phải tốn kém nhiều cho nhà cửa, điện nước hay gởi con đi nhà trẻ cho bằng một người nghèo tại một nước giàu; một người nông dân nghèo tại vùng nhiệt đới không phải tốn nhiều tiền cho quần áo hay việc đi lại. Ngay cả bên trong Hoa Kỳ, cuộc sống của người nghèo tại Thành phố Los Angeles, Tiểu bang California nắng ấm, cũng khác với người nghèo tại một thành phố có mùa đông giá rét như New York: tại Los Angeles, có nhiều người vô gia cư ngủ ngoài đường hơn tại New York!
Mới đây, một giáo sư kinh tế tại trường đại học Oxford là ông Robert Allen cũng đã làm một phép tính: với 1.90 Mỹ kim, một người nghèo ở những nước nghèo xem ra có cuộc sống dễ thở hơn một người nghèo mỗi ngày kiếm được 4 Mỹ kim tại các nước giàu.
Nếu 4 Mỹ kim tại Hoa Kỳ tương đương với 1.90 Mỹ kim tại Ấn Độ hay tại các nước nghèo ở Phi Châu và Á Châu, thì tại Hoa Kỳ không chỉ có 3. 2 triệu người nghèo. Con số này phải lên đến 5.3 triệu người. Dĩ nhiên, nếu so với Ấn Độ là quốc gia mà dân số đã vượt qua một tỷ người, thì 5.3 triệungười nghèo tại Hoa Kỳ chỉ là một con số không đáng kể. Nhưng nếu so với một số nước nghèo khác tại Phi Châu và Á Châu thì đây quả là một con số đáng kể: Hoa Kỳ có nhiều người nghèo hơn Sierra Leone hay Nepal và cuộc sống của người nghèo tại Hoa Kỳ có khi còn tồi tệ hơn tại các nước nghèo.
Theo một thiên phóng sự do hai ký giả Mỹ Kathryn Edin và Luke Shaefer thực hiện (http://www. twodollarsaday. com/), tại một số vùng nông thôn và nhất là tại một số thành phố Mỹ, nhiều người nghèo chỉ sống với thu nhập mỗi ngày là 2 Mỹ kim. Giá sinh hoạt cao, nhất là nhà ở tại Hoa Kỳ, khiến cho nhiều người nghèo không thể có được nơi trú ngụ và thực phẩm mỗi ngày. Gia đình bà Jessica Campton là một điển hình. Gia đình gồm 4 người này không có bất cứ một thu nhập nào nếu mỗi tuần bà Campton không đến một trung tâm tại Tennessee để hiến máu. Tại Thành phố Chicago, bà Madonna Harris và đứa con gái vị thành niên của bà đã từng sống cầm hơi nhiều ngày chỉ bằng một ít sữa quá hạn.
Sau 2 thập niên nghiên cứu về người nghèo trong xã hội Mỹ, bà Kathryn Edin đã ghi nhận một điều mà bà chưa từng thấy trước đó: nhiều gia đình sống qua ngày mà hầu như không có lấy một xu trong túi! Cuộc khảo sát của bà Edin và ông Shaefer cho thấy: con số những gia đình Mỹ sống chỉ bằng 2 Mỹ kim cho mỗi đầu người đã lên đến một triệu rưỡi và sống trong những gia đình như thế có đến 3 triệu trẻ em.
Nhưng bức tranh về thực trạng của những gia đình này sẽ không đầy đủ nếu người ta không nhìn thấy nơi cư ngụ của họ, hoàn cảnh đã đẩy đưa họ vào cảnh khốn cùng và cách họ bương chải để sống còn.
Về phần mình, Giáo sư Matthew Desmond, một nhà xã hội học thuộc trường Đại họ Harvard cũng đã cung cấp một bức tranh rất sống động về tình trạng nghèo cùng của người Mỹ hiện nay. Trong cuộc khảo sát của ông, Giáo sư Desmond mô tả cuộc sống tại những khu phố nghèo nhất của Thành phố Milwaukey. Đây là thành phố lớn nhất của Tiểu bang Wisconsin. 
Giáo sư Desmond ghi lại câu chuyện của 8 gia đình nghèo tại một khu phố nghèo. Aileen là một bà mẹ đơn chiếc đang cố gắng nuôi dạy 2 đứa con trai chỉ bằng 20 Mỹ kim mỗi tháng, sau khi trang trải tiền thuê nhà. Scott là một y tá nghiện ma túy. Lamar, một người tàn tật không chân, đang sống trong một khu phố có nhiều thiếu niên mà ông phải chăm sóc, mặc dù chính ông đang phải lây lất vì nợ nần chồng chất. Vanetta là một phụ nữ đang phải thêu thùa thêm để đắp đổi qua ngày sau khi bị bớt giờ làm việc ở sở. Tất cả những người này đều có một mẫu số chung: phần lớn thu nhập của họ đều dồn vào việc trả tiền thuê nhà. Số phận của họ nằm trong tay của hai người chủ nhà: một là bà Sherrna Tarver, một cựu giáo viên hiện đang kinh doanh trong nội thành, hai là ông Tobin Charney, người đang làm chủ một một bãi đất cho đậu xe tại Milwaukee. Hai người chủ nhà này không tỏ ra một chút xót thương nào đối với những người thuê nhà. Bà Sherrena đã tìm cách tống cổ bà Arleen và 2 cậu con trai ra khỏi nhà chỉ vài ngày trước lễ Giáng Sinh.
Trước kia, bị đuổi ra khỏi nhà là điều ít khi xảy ra tại Mỹ. Nhưng ngày nay, phần lớn những gia đình nghèo phải thuê nhà phải dùng hơn một nửa thu nhập của họ để trả tiền nhà và chuyện bị đuổi ra khỏi nhà rất thường xảy ra, nhất là đối với những bà mẹ đơn chiếc. Vì bị đuổi ra khỏi nhà, nhiều gia đình bị buộc phải chạy đến các trung tâm tạm cư của các tổ chức từ thiện hoặc những khu phố không an toàn. Hiện tượng này cho thấy tình trạng bất bình đẳng ngày càng sâu rộng trong xã hội Mỹ.
Dĩ nhiên, ngày nay người dân của các nước giàu sống thọ hơn và khỏe mạnh hơn. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, người dân tại các nước giàu nhìn chung có nguồn nước uống lành mạnh, thực phẩm an toàn để ăn cũng như hưởng được sự chăm sóc y tế đầy đủ. Tuy nhiên, tất cả những phương tiện tối thiểu này hiện vẫn còn nằm ngoài tầm tay với của rất nhiều người nghèo tại Hoa Kỳ. Ngay cả nhìn trong một bức tranh toàn cảnh, tuổi thọ của người dân Mỹ cũng không tương xứng với thu nhập tính theo đầu người tại nước này. Tại một số nơi, như vùng châu thổ sông Mississipi và rặng núi Appalachia, tuổi thọ của người dân còn thấp hơn cả người dân tại Bangladesh và Việt Nam.
Ngoài ra tình trạng sức khỏe của nhiều người Mỹ, nhất là dân Mỹ trắng chưa học xong trung học, cũng ngày càng tồi tệ. Angus Deaton, giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Princeton và khôi nguyên Giải Nobel về Kinh tế năm 2015, cùng với vợ là bà Anne Case, hiện cũng đang là một giáo sư kinh tế tại trường Đại học Princeton, đã thực hiện một cuộc khảo sát về cuộc sống của những người da trắng thất học tại Hoa Kỳ. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy tuổi thọ của nhóm người da trắng này ngày càng giảm, tử xuất do ma túy, rượu và tự tử ngày càng cao. Đó là chưa kể đến những cái chết do những chứng bệnh về tim mạch gây ra.
Theo Giáo sư Deaton, từ nhiều năm qua, các nhu cầu của người nghèo tại Hoa Kỳ không được quan tâm bằng người nghèo tại Phi Châu và Á Châu. Giáo sư Deaton cho rằng hiện đang có hàng triệu người Mỹ vì nghèo và sức khỏe yếu kém phải đau khổ nhiều hơn so với những người nghèo tại Phi Châu và Á Châu.
Liệu đây có phải là vấn đề được Tổng thống Trump quan tâm đến khi ông tung ra khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) không?
Đoàn Thi
(Theo:https://www.nytimes.com/2018/01/24/opinion/poverty-united-states.)

No comments:

Blog Archive