Friday, February 9, 2018

Trưởng ban VOA Việt ngữ hay an ninh cộng sản?


Thông qua sự giới thiệu của Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, tôi bắt đầu cộng tác với Ban Tiếng Việt của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ – cơ quan truyền thông chính thức của chính phủ Hoa Kỳ – từ tháng 7 năm 2013. Từ đó cho đến tháng 3/2016, tôi đều đặn đóng góp bài vở cho chuyên mục Diễn Đàn (trước kia là Bạn Đọc Làm Báo) của VOA Tiếng Việt trên tinh thần tự nguyện.
Bắt đầu từ tháng 3/2016, tôi được Ban Biên tập VOA Tiếng Việt ký hợp đồng viết blog cho Đài (blog Lê Anh Hùng trên VOA ở địa chỉ https://www.voatiengviet.com/author/23311.html). Theo hợp đồng, mỗi tháng tôi viết 4 bài cho VOA, nhuận bút mỗi bài là 100$, thời hạn hợp đồng 1 năm rưỡi.
Đến tháng 9/2017, tôi được tái ký hợp đồng, với khác biệt duy nhất là theo hợp đồng mới, mỗi tháng tôi viết 8 bài cho VOA. (Ban đầu, hợp đồng cũ của tôi cũng theo khung 8 bài, nhưng vì mới ký hợp đồng viết lách chuyên nghiệp lần đầu nên tôi đề nghị chuyển sang khung 4 bài.)
Nhìn chung các bài viết của tôi trên VOA Tiếng Việt đều được độc giả quan tâm, đón nhận; gần như bài nào cũng được các trang mạng độc lập uy tín đăng lại; phần lớn các bài đều rơi vào nhóm “Bài được xem nhiều nhất” của VOA.
Việc tôi cộng tác với VOA nằm trong quãng thời gian VOA Tiếng Việt nằm dưới sự điều hành của 3 vị Trưởng ban là bà Judy Nguyen (từ 7/2013 đến 8/2016), ông Đỗ Hải (từ 8/2016 đến 1/2017) và ông Phạm Phú Thiện Giao (từ 1/2017 đến nay). Nếu tính cả ông Vinh Nguyễn, Trưởng ban VOA Tiếng Việt giai đoạn 2007-2010, người sau khi về hưu vẫn phụ trách biên tập trang Blog và mục Diễn đàn và trực tiếp biên tập bài của tôi cho đến tháng 4/2017, thì tôi đã vinh dự được làm việc với 4 vị Trưởng ban VOA Tiếng Việt.
Quãng thời gian từ khi tôi bắt đầu cộng tác với VOA Tiếng Việt cho đến tháng 4/2017, thời gian mà các bài của tôi do cô Stephanie Tu và đặc biệt là ông Vinh Nguyễn biên tập, tất cả các bài viết của tôi gửi đến đều được đăng tải. Các bài viết đều trải qua khâu biên tập, nhưng hầu như không đáng kể, bởi những ai đọc bài của tôi hẳn đều thấy là tôi viết lách rất cẩn thận, từ việc dẫn nguồn dữ liệu cho bài viết cho đến từng dấu chấm, dấu phẩy trong bài.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2017 đến nay lại xẩy ra nhiều chuyện rất khó giải thích liên quan đến các bài viết của tôi. Đây là thời gian mà ông Vinh Nguyễn mắc bệnh rồi mất và các bài viết của tôi được vị tân Trưởng ban VOA Tiếng Việt trực tiếp biên tập và xét duyệt. (Chính ông Phạm Phú Thiện Giao đã cho tôi biết như vậy.) Kể từ đấy, các bài viết của tôi không còn có thể xem là “được biên tập” nữa, mà chính xác hơn là “bị can thiệp”, và bị can thiệp một cách thô bạo, đến mức không thể hiểu nổi. (Những gì tôi nêu ra đây đều có hình ảnh làm bằng chứng.)
Tác giả Lê Anh Hùng
Điển hình cho việc bài viết của tôi bị can thiệp một cách thô bạo là bài “Thế lực nào ngăn cản trả nhà ông bà Trịnh Văn Bô”. Bài viết đã được “biên tập” bằng cách thêm vào cả một đoạn dài (mà tôi không hề gửi cho VOA) dưới đây:
Còn bà Trịnh Văn Bô, mặc dù phải liều chết mới lấy lại được ngôi nhà thân yêu của mình, nhưng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5/11 vừa qua, vẫn chưa được chính quyền cấp sổ đỏ. Tận dụng khi gia đình người ở ngôi nhà đi vắng, chỉ có một bộ đội gác gần đó, con cháu bà Bô cõng bà (lúc này đã 90 tuổi già yếu) liều đột nhập vào ngôi nhà, mang "Bằng khoán điền thổ" gốc trưng ra, với dải lụa mang dòng chữ "Vui mừng trở về ngôi nhà cũ", kèm theo một can xăng đầy để liều sống chết với lũ cướp cộng sản.
Bài “Vũ đi liệu Vũ có về?” là một ví dụ khác. Nó bị can thiệp nhiều đến mức gần như bị biến tướng, đặc biệt là những thông tin giúp phơi bày bộ mặt nhơ nhuốc của bộ máy an ninh cộng sản Việt Nam đều bị cắt bỏ. (Xin đối chiếu với bài gốc của tác giả ở đây https://goo.gl/tyQiza, hoặc ở đây https://goo.gl/wSpCPc.)
Bài cuối cùng của tác giả trên blog VOA cũng vậy. Nhan đề bài gốc là “‘Biến đối tượng thành đối tác’: sai lầm chiến lược hay mưu đồ bán nước của CSVN?”, nhưng khi đăng trên VOA thì nó đã trở thành “Nguy hiểm chết người khi ‘biến đối tượng thành đối tác’”. Hai câu cuối cùng của bài gốc là “Không còn nghi ngờ gì, chủ trương biến đối tượng thành đối tác trên thực tế đã trở thành chủ trương ‘cõng rắn cắn gà nhà’, ‘rước voi về dày mả tổ’.  Và nếu không phải là mưu đồ bán nước thì đó cũng là sai lầm chiến lược vô cùng nguy hiểm của ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam.” đã được “biên tập” thành một câu là “Không còn nghi ngờ gì, chủ trương biến đối tượng thành đối tác trên thực tế đã trở thành sai lầm chiến lược vô cùng nguy hiểm của ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam.”  
Trưởng ban Việt ngữ VOA, ông Phạm Phú Thiện Giao
Chưa dừng lại ở đó, điều thậm chí còn khó hiểu hơn nữa là những bài viết “nhạy cảm”, đụng chạm đến bộ máy an ninh hay các ông trùm an ninh thì lại bị loại bỏ thẳng tay mà tác giả không hề nhận được một câu giải thích:
  1. Sự nhân đạo của một hệ thống tội ác – do Việt Nam Thời Báo đăng ngày 11/1/2018 https://goo.gl/KhqeL5(bài này tôi gửi cho VOA ngày 3/1/2018 nhưng  không được đăng).
  2. Có nên hợp tác với cơ quan an ninh? – do Việt Nam Thời Báo đăng ngày 6/1/2018  https://goo.gl/FrMnUm (bài này tôi gửi cho VOA ngày 22/12/2017).
  3. Bộ Chính trị có nguỵ tạo một cuộc họp quan trọng? – do Việt Nam Thời Báo đăng ngày 26/12/2017  https://goo.gl/ipMUvj (bài này tôi gửi cho VOA ngày 12/12/2017).
  4. Bài “Vì sao ông Trần Đại Quang ‘đánh trống bỏ dùi’ vụ Formosa Hà Tĩnh” mà tôi gửi từ hôm 5/1 cũng chưa được đăng, mà lý do có lẽ là vì tôi đã nêu rõ trách nhiệm của cựu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (cũng như cả bộ máy an ninh cộng sản Việt Nam) đối với đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường mang tên Formosa Hà Tĩnh cùng vô số thảm hoạ khác mà “nhóm lợi ích Tàu” do Hoàng Trung Hải cầm đầu đã và đang gây ra cho Việt Nam.
(Một bài đề cập đến công an Việt Nam được đăng là “Ông Trọng đã nắm được công an chưa?”, nhưng đây lại là bài viết có lợi cho lực lượng an ninh cộng sản.)
Ông Vinh Nguyễn, người gửi email trên cho tôi, nguyên là Trưởng ban VOA Việt ngữ
giai đoạn 2007-2010.
Độc giả thậm chí có thể phải đặt dấu hỏi về sự logic trong tư duy của tôi khi gặp phải những câu như: “Nói ‘chừng nào’ là bởi Nguyễn Phú Trọng không phải không có ‘tử huyệt’ mà chỉ là do ‘tử huyệt’ của ông ta quá ư nhạy cảm, nhạy cảm đến mức đủ sức xô đổ cả hệ thống: đó là Hoàng Trung Hải, kẻ quá thân với Bắc Kinh” trong bài “Tử huyệt’ của Nguyễn Phú Trọng ở đâu?”. (Trong khi đó, nhan đề bài viết gốc là “Vì sao Nguyễn Phú Trọng quyết bắt Đinh La Thăng?”, còn câu văn gốc là: “Nói ‘chừng nào’ là bởi Nguyễn Phú Trọng không phải không có ‘tử huyệt’ mà chỉ là do ‘tử huyệt’ của ông ta quá ư nhạy cảm, nhạy cảm đến mức đủ sức xô đổ cả hệ thống: đó là Hoàng Trung Hải, nhân vật cầm đầu ‘nhóm lợi ích Tàu’ tại Việt Nam suốt bao năm qua.” Xin lưu ý, tôi luôn khẳng định Hoàng Trung Hải là người Hán trá hình, “con ngựa thành Troy”, hay kẻ cầm đầu “nhóm lợi ích Tàu” ở Việt Nam. Có độc giả đã thắc mắc với tôi là tại sao lại cho rằng Hoàng Trung Hải chỉ đơn giản là một kẻ “quá thân với Bắc Kinh” – nếu chỉ vậy thì sao Hoàng Trung Hải đáng được xem là “tử huyệt” của Nguyễn Phú Trọng, một kẻ vốn dĩ đã không thèm che dấu lập trường thân Tàu?)
Nói ra sự thật như thế này, tôi có thể sẽ phải trả giá bằng việc bị chấm dứt hợp đồng, dù những gì tôi nêu lên là không thể bác bỏ. Nhưng im lặng là điều mà lương tâm tôi không cho phép. Tôi thà chết đói chứ không thể bẻ cong ngòi bút, hay chấp nhận thực tế các bài viết của mình tiếp tục bị can thiệp theo cách không thể giải thích nổi như trên. Tôi nghĩ không chỉ tôi mà bất cứ cây bút chính trực nào cũng sẽ chọn cách ứng xử như tôi.
Inline image 1
Chủ bút Phạm Phú Thiện Giao của  báo Người Việt từng cho đăng những bài như thế.  
Tôi không tin là sự phản hồi qua kênh nội bộ sẽ giải quyết được vấn đề mang tính hệ thống như thế này nên buộc lòng phải lên tiếng công khai. Rất mong các thành viên Ban Việt ngữ VOA thông cảm và chia sẻ. Đây cũng là trách nhiệm của tôi đối với VOA Tiếng Việt, bởi nó đã trở thành một phần máu thịt của tôi.
Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất của mình đối với VOA Tiếng Việt. Dù thế nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận được thực tế là suốt gần 5 năm qua, VOA Tiếng Việt đã dành cho tôi một diễn đàn đặc biệt hiệu quả để cất lên tiếng nói của mình trong cuộc chiến chống lại bè lũ cướp nước và bán nước, đồng thời qua đó thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ cũng như lợi ích của Mỹ ở Việt Nam. Điều này quả thực là vô cùng ý nghĩa, không chỉ với riêng cá nhân tôi, mà với cả công cuộc “thoát Trung” và dân chủ hoá xã hội của Việt Nam.
Tôi chưa bao giờ khẳng định các bài viết của mình là “mẫu mực” hay “toàn bích”. Sự biên tập lúc nào cũng cần thiết, chỉ có điều đó không phải là kiểu “biên tập” như tôi đã trình bày trên đây. (Được biết, trước khi trở thành Trưởng ban Việt ngữ VOA, ông Phạm Phú Thiện Giao là chủ bút báo Người Việt, một tờ báo với nhiều tai tiếng về khuynh hướng “thân cộng” và bị nhiều cộng đồng người Việt tại Mỹ tẩy chay.)
Ở Việt Nam, những người lên tiếng mạnh mẽ trước các vấn đề của xã hội và đất nước thường bị nhà cầm quyền bao vây về kinh tế, trong khi tôi lại là đối tượng mà các thế lực hắc ám luôn tìm mọi cách thức bẩn thỉu nhất để bịt miệng. (Trong bản phúc trình thường niên năm 2014 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Lê Anh Hùng là cái tên đầu tiên trong danh sách những người bị nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền năm 2013.)
Nếu bị VOA chấm dứt hợp đồng, tôi sẽ gần như thất nghiệp. Mặc dù tôi còn một lựa chọn khác là gửi bài cho trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, song chế độ nhuận bút của VNTB lại hết sức khiêm tốn, mà không phải bài nào họ cũng dám đăng, nhất là khi các bài viết của tôi lại thường rất “nhạy cảm” và đụng chạm. Chẳng hạn, khi tôi tham khảo Ban Biên tập VNTB về bài “Vì sao ông Trần Đại Quang ‘đánh trống bỏ dùi’ vụ Formosa Hà Tĩnh” thì được hồi âm: “Bài này ‘nhạy’ quá, khó đăng Hùng à.”
Trong khi đó, để gây áp lực với tôi, những kẻ bị tôi tố cáo đã nhiều lần cướp đoạt điện thoại, tiền bạc và tài sản của cô Lê Thị Phương Anh, vợ cũ và là người đang nuôi những đứa con còn thơ dại của tôi. Họ còn phá hoại việc làm ăn, hành hung và cướp cả chứng minh nhân dân của cô. Khi cô đi làm lại CMND thì họ cứ lần lữa, viện đủ lý do để không cấp. Thậm chí, dịp sinh nhật con gái đầu lòng vào ngày 2/11/2017 vừa qua, tôi không thể vào Đông Hà với con. Vợ cũ của tôi cầu xin tôi đừng vào, bởi không muốn lại bị chúng cướp phá.
Trong trường hợp không thể đấu tranh bằng ngòi bút, tôi sẽ phải lựa chọn hình thức khác, dù có thể cực đoan, để tiếp tục đánh động dư luận và ngăn chặn bàn tay tội ác của bè lũ cướp nước và bán nước do cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Phú Trọng cầm đầu, điều tôi luôn tâm niệm là “sứ mạng” mà số phận đã run rủi “phó thác” cho mình trong cuộc đời này.
Một lần nữa, xin chân thành cám ơn VOA Tiếng Việt cũng như toàn thể quý vị độc giả đã dành cho tôi sự quan tâm, chia sẻ và khích lệ trong suốt những năm qua.
Nhân dịp năm mới, xin kính chúc quý vị một năm 2018 tràn đầy sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Hà Nội, ngày 14/1/2018
Lê Anh Hùng
Mobile Phone: 01292091829 

No comments:

Blog Archive