Monday, February 26, 2018

Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình – Cùng số nhưng khác phận   

https://i2.wp.com/www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2018/02/0_6-696x393.jpg
Trong mấy tuần qua, sư kiện Việt Khang được đến Mỹ làm xôn xao dư luận hải ngoại, khiến lòng tôi không khỏi bùi ngùi khi nghĩ đến một người bạn cùng đấu tranh với anh, bị bắt cùng anh, hiện đang còn sống ở Việt Nam với ước mơ một lần được đặt chân đến Mỹ. Nhưng hình như anh đã bị lãng quên. Đó là nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình.

Việt Khang là một thanh niên có tài, và có lòng yêu nước. Điều đó chứng tỏ trong những ca khúc đấu tranh của anh mà trong đó “Anh Là Ai?” và “Việt Nam Tôi Đâu? là hai bản nhạc dậy lên tình yêu nước tha thiết, rúng động hàng triệu con tim trong cũng như ngoài nước. ”Anh Là Ai?” được sáng tác vào khoảng tháng 8/2011, trong thời điểm chống Trung Cộng của người dân Việt đang lên cao và đã bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp dã man. Hình ảnh đó đã chạm vào trái tim chàng nhạc sĩ yêu nước, thương dân. Đồng hành với anh còn có nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, cũng sáng tác rất nhiều ca khúc đa dạng hơn. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm được ra đời, như những đứa con, đều có số phận riêng của nó.

“Anh Là Ai? và “Việt Nam Tôi Đâu?” đã ra đời bởi nhiều trắc trở và số phận cũng khá hẩm hiu, trước khi lớn mạnh và được nhiều người biết đến như bây giờ. Chúng ra đời vào thời điểm mà nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước do Vũ Trực chủ xướng để liên kết với những thanh niên trẻ đấu tranh trong nước. Việt Khang liên lạc được với Vũ Trực, hát cho Vũ Trực nghe bài hát mà anh vừa mới sáng tác. Vũ Trực là người đặt tên cho bài hát đó, chính là bài “Việt Nam Tôi Đâu?. Để tránh gặp nguy hiểm, Vũ Trực đặt tên Việt Khang cho Võ Minh Trí (Khang là tên con trai của Võ Minh Trí).

“Anh Là Ai?”, “Việt Nam Tôi Đâu?” của Việt Khang cùng 12 bài hát khác của Trần Vũ Anh Bình (trong đó có 3 bài viết chung với Việt Khang) được chuyển ra hải ngoại cho Vũ Trực. Vũ Trực giao cho Thu Sương ở Pháp Quốc (Hạt Sương Khuya, người yểm trợ cho Tuổi Trẻ Yêu Nước). Thu Sương là người trình bày hai nhạc phẩm này đầu tiên ở hải ngoại. 

Sau đó Thu Sương gửi cho Trúc Hồ, nhưng hai bài hát này bị Trúc Hồ làm ngơ (Trúc Hồ không trả lời). Khi chiến dịch thỉnh nguyện thư của đài SBTN được tung ra vào đầu tháng 3 năm 2012, Vũ Trực có tham dự cùng Trúc Hồ và Việt Dũng. Vũ Trực cũng nhờ Trúc Hồ và Việt Dzũng giúp phổ biến những nhạc phẩm này nhưng không thành. 

Sau đó, Vũ Trực tìm đến Phong Trào Hưng Ca Việt Nam (PTHCVN) nhờ phổ biến chung với những nhạc phẩm đấu tranh khác của Hưng Ca. Phong Trào Hưng ca ra thông cáo sẵn sàng cùng đồng hành với Tuổi Trẻ Yêu Nước muốn phổ biến và ra CD chung với những nhạc phẩm của Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình. Trong lúc anh em Hưng Ca đang còn thảo luận thì Việt Dzũng lên tiếng, “Nếu nhạc hay thì Trúc Hồ đã làm rồi chứ đâu cần tới PTHCVN”. Vì chuyện này PTHCVN có chút lủng củng nội bộ. Vũ Trực tự ái rút lại lời yêu cầu. Và mang những nhạc phẩm này nhờ ban Tù Ca Xuân Điềm, nhưng cũng không thành. 

Cuối cùng, Vũ Trưc liên lạc với phóng viên Nghê Lữ tại San Jose và được phóng viên Nghê Lữ cùng cô Hạ Vân và ông Mai Khuyên tình nguyện đứng ra làm ban tổ chức giới thiệu Dòng Nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước tại San Jose, California. Vì nhu cầu cần nghệ sĩ chuyển tải nhạc đấu tranh, Vũ Trực gửi thư mời tổ chức Liên Kết tham gia. Lời yêu cầu duy nhất của Tuổi Trẻ Yêu Nước là chuyển tải miễn phí những ca khúc trong bản cáo trạng của hai nhạc sĩ trẻ đến đồng hương khắp nơi ở hải ngoại và chuyển ngược về trong nước. Liên Kết nhận lời. 

Thế là phóng viên Nghê Lữ ở San José đứng ra tổ chức một buổi ca nhạc để hát những ca khúc của Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, với sự tham gia của anh em trong Liên Kết, gồm nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh, Kim Sơn, Như Hoa và Thu Sương từ Pháp qua. Chính vì thế nhóm “Liên Kết Văn Nghệ Sĩ, Thanh Niên, Sinh Viên Việt Nam Tự Do” (gọi tắt là Liên Kết) ra đời do nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh (anh cũng là thành viên trong PTHCVN) và một số anh chị em sáng lập. Sau đó, Liên Kết có tổ chức nhiều buổi trình diễn miễn phí các nơi, để phổ biến những nhạc phẩm này. Tiền túi tự bỏ ra, kể cả chi phí di chuyển và chi phí tổ chức. Kèm theo đó, Liên Kết cho ra mắt sách và CD để lấy tất cả những số tiền thu được (không trừ chi phí) giúp Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình và các anh em đấu tranh khác trong nước.

Vì phương tiện hạn chế, Liên Kết không “đẩy” những bài hát của Trần Vũ Anh Bình lên được. Tuy nhiên, tháng 12/2011, Võ Minh Trí (Việt Khang) và Trần Vũ Anh Bình bị kết án tù vì 14 ca khúc (Trần Vũ Anh Bình có tên trong 12 nhạc phẩm với bút hiệu Trần Nhật Phong). Trong bản cáo trạng, có bài “Quê Hương Ngày Về” được sáng tác tháng 7/2011, bởi ba người Vũ Trực, Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình (theo người viết được biết lời ca khúc này là của Vũ Trực, vì Vũ Trực không có khả năng viết nhạc, hơn nữa lời của bài hát này mở đầu bằng “Ta là người xa Quê Hương, ta là người đang tha phương…”. 

Đây là ca khúc bị kết án nặng nề nhất vì có câu “Dựng cờ vàng sọc đỏ quê hương, màu cờ vàng sọc đỏ yêu thương…”. Việt Khang bị tù 4 năm và 2 năm quản chế (Việt Khang xác định trong cuộc phỏng vấn của SBTN là 3 năm quản chế chứ không phải 2 năm). Trong khi Trần Vũ Anh Bình bị tới 6 năm tù và 3 năm quản chế.

Thế mới thấy cái “tội” của Trần Vũ Anh Bình nặng hơn Việt Khang nhiều. Vì những lời lẽ bốc lửa không những chống Trung Cộng, còn chống trực diện CSVN trong 12 ca khúc anh viết, làm nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giận tái mặt.

Tháng 8/2011 Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị bắt lần thứ nhất. Đến tháng 12/2011 cả hai bị bắt lại. Và tháng 12/2012 bị tuyên án tù. Khi Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị bắt lại lần thứ hai (tháng 12/2011), dư luận lại nổi lên một làn sóng ủng hộ hai nhạc sĩ bị bắt giam vì những tác phẩm của mình. 

Sau đó, đến năm 2012 Trúc Hồ mới chú ý và lên Youtube tìm lại hai bản bản nhạc của Việt Khang (mà Trúc Hồ đã lãng quên) do chính Việt Khang trình bày (*). Và “Anh Là Ai?”, “Việt Nam Tôi Đâu?” được hát trên sân khấu Asia, được đầu tư, phối khí kỹ càng và với giàn ca sĩ hùng hậu, cùng với bản án tù của Việt Khang đã làm hai bài hát này bay cao hơn, xa hơn đến với đồng bào đang ủng hộ Việt Khang khắp nơi trên thế giới.

Còn Trần Vũ Anh Bình cùng chung số tù với Việt Khang nhưng khác phận, những bài hát của anh cũng thế, cũng lu mờ như số phận của anh. Trong khi Việt Khang được báo chí và truyền thông hải ngoại thổi bùng lên như một ngọn lửa tỏa sáng, thì Trần Vũ Anh Bình vẫn phải sống trong bóng tối với ước mơ nhỏ nhoi là được qua Mỹ một lần để được đứng dưới tượng dài Việt Mỹ mà tri ân những người lính Việt Nam Cộng Hòa, tri ân đồng bào hải ngoại đã từng đứng đây cầu nguyện cho anh và Việt Khang khi cả hai bị bắt vào tù. Anh cũng còn một ước mơ nữa là được thực hiện một cuốn CD nhạc của anh ở hải ngoại, kiếm chút tiền về hát ở nhà thờ Chúa Cứu Thế cho các anh Thương Phế Binh VNCH nghe, và giúp đỡ các anh ấy chút vật chất cũng như tinh thần.

Ước mơ ấy tưởng là bình thường, nhưng đối với anh chỉ là ước mơ không bao giờ với tới được, vì lấy ai vận động cho anh? Trong khi báo chí và các phương tiện truyền thông thì như con dao hai lưỡi. Nó có sự bất công và tàn nhẫn của nó. Nó có thể nâng người này lên cao, gạt người khác ra ngoài hoặc có thể đưa người khác xuống tận bùn dơ bằng những màn chụp mũ, mạ lị….

Ngày ra tù Trần Vũ Anh Bình tìm đủ mọi cách để Liên lạc Việt Khang, rủ Việt Khang đi uống cà phê, nhưng không thấy Việt Khang trả lời. Qua tới Mỹ, Việt Khang mới nhắc sơ một chút về Trần Vũ Anh Bình trong một cuộc phỏng vấn do đài SBTN thực hiện.

Việt Khang là tay chơi trống trong nhóm. Nhạc lý không vững bằng Trần Vũ Anh Bình. Chính Trần Vũ Anh Bình đã khuyên Việt Khang nên học thêm về nhạc. Hai người đã từng sáng tác chung với nhau mấy bài, trong đó có bài “Dòng Máu Anh Hùng” (sáng tác vào tháng 7/2011) có những câu “Quê hương mình đang rướm máu. Xin hãy góp lại giọt máu tuổi trẻ Việt Nam. Cùng lên tiếng Việt Nam Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền”. 

Và bài “Oai Hùng Đất Việt” (7/2011) là bài hát nhằm kêu gọi thanh niên đứng lên bảo vệ đất nước trước nguy cơ xâm lược của giặc Tàu: “.. Khi giọt máu đào Việt Nam tuôn đổ. Tuổi trẻ hỡi đứng lên theo gương tổ tiên… Khi nước non giờ đây đang bị xâm lấn….

Nói như thế, bạn bè cùng chung hoạn nạn không hẳn là cùng chung phú qúi. Mỗi người một phận số. Tôi thương Việt Khang ở chỗ kẻ có lòng, nhưng một khi đã bước vào thế giới rộng lớn hơn, lòng người không đo lường được, không biết anh sẽ xoay trở ra sao? Anh được săn đón như vị anh hùng dân tộc, nhưng bản thân anh có thích thế không? Người nhạc sĩ có tâm không cần những hào quang mà mọi người vội vã chiếu vào anh. Tôi thấy đám đông vây quanh anh tại phi trường Los Angeles, mà sao trông anh vẫn lạc lõng đến tội nghiệp. Tôi mừng vì anh đã đến được bến bờ tự do, nhưng lại lo cho anh đang bước vào một con đường khó đi hơn, bởi bao nhiêu trắc trở lẫn thị phi.

Trong 14 ca khúc của hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị mang ra xét án, “Anh Là Ai?” và “Việt Nam Tôi Đâu?” của Việt Khang thì chúng ta đã biết và nghe nhiều rồi. Ba ca khúc viết chung với nhau như tôi đã trình bày ở trên. Còn lại 9 ca khúc khác của Trần Vũ Anh Bình, tôi xin đơn cử một số bài hát dưới đây. Những bài hát này đã khiến Trần Vũ Anh Bình đi tù lâu hơn Việt Khang. Vì sức phản kháng mãnh liệt của nó:

Mẹ hỏi sao quê hương bị đọa đầy? Cha hỏi con sao dân oan thán đêm ngày? Xin trả lời vì tay sai bán nước, vung tay đánh đập xâu xé từng người dân… Hoàng Sa nay đâu sao biển máu dâng tràn. Trường Sa nay đâu, nhuộm thắm giọt máu đào, Thân con, một đời nợ nước, Nói lên nỗi lòng, xá gì ngục tù kia…” (Nỗi Đau Quê Hương, 07/2011). 

Hoặc “Ai đan tâm xâu xé cướp ruộng đồng…? Hỏi ai? Hỏi ai? Con dân chết một trời là vì ai?… Quê hương ơi! Máu đổ khắp mọi miền, nấc nghẹn lời.. Quê hương ơi giải phóng đã lâu rồi nhưng được gì? Được gì ngoài thân xác ốm gầy mòn người em thơ?” (Còn Đó Nỗi Đau, 7/2011). 

Anh trực diện với CSVN. Không sợ hãi. Mỗi câu hát của anh như cào cấu vào vết thương dân tộc. Những lời ca nhẹ nhàng nhưng đào sâu vào nỗi đau của người dân oan cô thế. Mỗi bài hát là mỗi cái tát vào mặt nhà cầm quyền CSVN.

Ra khỏi tù, Trần Vũ Anh Bình vẫn không sợ hãi. Anh bày tỏ ý muốn tuyển lựa ca sĩ hát nhạc đấu tranh, tiếp tục ca hát đấu tranh tại Việt Nam.

Tôi yêu những ca khúc anh đã viết. Lời lẽ không trau chuốt, không ẩn dụ, nhưng đánh thẳng vào nhà cầm quyền CSVN. Thế cho nên anh bị kêu án tới 6 năm tù giam và 3 năm quản chế. Chín năm. Hỏi xem chúng ta có bao nhiêu cái 9 năm cho tuổi trẻ?

Thấy Việt Khang qua được bến bờ tự do, tôi mừng cho Việt Khang, nhưng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới Trần Vũ Anh Bình. Đời sống vốn dĩ không công bằng. Tôi mong một ngày rất gần Trần Vũ Anh Bình sẽ đến được Hoa Kỳ, dù chỉ là để viếng thăm và tri ân đồng bào hải ngoại đã từng quan tâm đến anh khi anh bị cầm tù.

Lữ Anh Thư

————————————-
(*) Trúc Hồ trong chương trình phỏng vấn Việt Khang của SBTN (Việt Khang tâm tình & Cám ơn cộng đồng người Việt 2/2018)

No comments:

Blog Archive