Nha Trang: Dân TQ Mua Nhà, Mua Doanh Nghiep Ở Tràn Lan
NHA TRANG, VN -- Một hiện tượng rất nguy hiểm cho nền kinh tế, quốc phòng tại Việt Nam vì nhiều người Trung Quốc đã tìm đủ mọi cách, gồm việc mua nhà cửa, mua đất đai, để ở lại sinh sống, và có khoảng 173 cơ sở kinh doanh bỗng nhiên thay đổi cổ đông qua sự chuyển nhượng từ người Việt sang người Hoa, theo bản tin của trang mạng Sputnik cho biết hôm 28 tháng 2.
Bản tin Sputnik viết rằng, “Dễ dàng bắt gặp từng tốp người Trung Quốc đi khắp TP Nha Trang sinh sống, làm ăn trong khi đó công tác quản lý của các cơ quan chức năng dường như đang lúng túng.
“Sau khi phản ánh tình trạng người Trung Quốc (TQ) mua đất đai, nhà cửa ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) diễn ra khá phức tạp thì mới đây, văn phòng Thừa phát lại (TPL) Nha Trang cho biết sẽ đứng ra làm vi bằng cho các trường hợp người Việt đứng tên cho người nước ngoài mua bán bất động sản.”
Bản tin Sputnik cũng cho biết thêm rằng, “Hiện nay ở TP Nha Trang, người TQ không chỉ hiện diện ở đô thị mà còn len lỏi về các làng xã ngoại ô để sinh sống. Cách trụ sở UBND xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang không xa là một căn nhà 3 tầng kín cổng cao tường, hằng ngày có nhiều tốp người TQ ra vào nói chuyện rôm rả.
“Ở xã Vĩnh Trung, nhiều người TQ thuê nhà ở hợp tác làm ăn với người Việt rồi lưu trú tại địa phương. Như trường hợp doanh nghiệp Đ.T.P (thôn Võ Cang) có 5 người TQ trú ngụ tại đây làm ăn, thậm chí định mua lại cổ phần để hoạt động lâu dài.
“Tại căn nhà ở đường Nguyễn Khoái (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang), một số người TQ cũng đang trú ngụ để làm việc cho tiệm bán quần áo ở đường Điện Biên Phủ…
“Bà H.Q, giám đốc một công ty môi giới nhà đất, cho biết tình trạng người TQ thuê nhà ở TP Nha Trang rất phổ biến, những người này thường có thị thực du lịch rồi ở lại làm quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên bán hàng hoặc thu mua hải sản.
“Trong khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng trong việc quản lý các thành phần này. Ông Trịnh Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, cho biết có một nhóm người TQ thuê nhà ở địa phương. Công an xã đến kiểm tra thì do bất đồng ngôn ngữ nên không thể biết được họ thuê nhà để ở hay để làm gì.
“Khi hỏi chủ nhà thì người này cho biết chỉ hợp đồng với một người Việt thuê nguyên căn, còn người này dẫn người TQ về ở. "Có khả năng là người Việt Nam hoặc công ty du lịch đứng ra thuê hộ. Việc kiểm tra rất khó. Chúng tôi đã báo với công an TP, thời gian tới mới có thể kiểm tra, nắm lại được" — ông Tuấn giãi bày.”
Ngoài ra, theo bản tin Sputnik cho biết thì, “Ngày 26-2, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đang rà soát lại 173 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động có thay đổi cổ đông do chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài. Sở đang chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh rà soát có bao nhiêu doanh nghiệp đã bán cổ phần cho người TQ, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh quản lý lao động nước ngoài.
“Sở dĩ phải làm như vậy vì hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa nhận thấy điều bất thường là người Việt đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau đó trong thời gian rất ngắn đã chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài.”
Bản tin Sputnik nhấn mạnh rằng, “Tình trạng người TQ gom đất thông qua người Việt Nam đứng tên giùm để hưởng "thù lao" trong các giao dịch kinh doanh bất động sản tại TP Nha Trang là vi phạm pháp luật và đây là giao dịch dân sự vô hiệu.”
Wednesday, February 28, 2018
Tuổi Chó Tuổi Mèo
- Đoàn Thị
Anh Tín, anh hàng xóm cũ của chị em tôi thập niên sáu mươi, anh nhập ngũ sau khi đậu tú tài, ngày tốt nghiệp khóa sĩ quan Thủ Đức anh được cả xóm chào đón trong bộ quân phục rất oai.
Anh thích chị tôi nhưng không dám ngỏ lời vì chúng tôi chơi với anh từ nhỏ coi nhau như người nhà, chị và em tôi gọi anh là “anh Cả”.
Tôi tặng anh biệt danh “Cả Tin” và chỉ một mình tôi gọi anh như thế, có lần anh véo tai tôi, nói:
- Con Ty này lém lắm, ý mi nói anh dễ dụ đấy à?
Đúng vậy, tôi hay dụ anh bao chúng tôi ăn cà rem, kẹo kéo… những thứ mẹ tôi nghiêm cấm vì tôi bị sâu răng từ nhỏ, anh thì lúc nào cũng hào sảng chiều chị em tôi, vòi anh cái gì cũng được.
Anh là con độc nhất của bác Dự, gia đình anh di cư năm 54, cũng đạo Công Giáo nên hai gia đình rất thân, hơn nữa bố tôi từng sống ngoài Hà Nội thời trẻ nên thỉnh thoảng bố cũng “đánh chén” với ba anh.
Trước ngày nhận đơn vị ngoài Nha Trang, anh gặp riêng chị tôi trao bức thư tỏ tình, ngắn ngủn.
Sàigòn, ngày…tháng… 1970
Hương thương,
Anh ra đơn vị rất xa Sàigòn, lần đầu tiên xa nhà anh sẽ nhớ gia đình và nhớ em lắm, chắc em không nghĩ anh thương em nhưng không dám lên tiếng vì anh em mình thân như người nhà, ước gì anh đủ tự tin để nói với em điều này.
Trong lúc anh vắng nhà, anh nhờ em thỉnh thoảng qua nhà trò chuyện với má anh cho bà bớt buồn nhớ anh, anh nghĩ việc này không khó với em.
Vài hàng để em rõ lòng anh, tùy em quyết định, hãy hứa với anh là em sẽ hồi âm những lá thư của anh sau này nhé.
Anh Tín.
Đọc thư của anh xong, chị đưa cho tôi và nói:
- Mi nghĩ sao, tao coi anh Tín như anh thôi.
Tôi không trả lời chị vì lúc đó ông anh rể tương lai của tôi đang ve vãn chị, chị đang chìm đắm trong tiếng đàn réo rắt của anh, “anh cả Tin” cù lần quá làm sao chinh phục nổi bà chị đang yêu cuồng si của tôi.
Sau đó thỉnh thoảng về phép anh Tín đều có quà tặng chị tôi, mấy chiếc vòng đeo tay bằng vỏ ốc, đặc sản Nha Trang…, anh trở về đơn vị, chị “bàn giao” mớ quà đó cho tôi tùy nghi sử dụng.
Năm 72 chị tôi sang ngang, từ Nha Trang anh Tín gửi thiệp mừng, tôi hơi tiếc anh Tín vì tính hào phóng, hiền lành, nhất là mối tình đầu anh dành cho chị, nhưng lựa chọn của chị lại khác.
Những lần về phép sau này anh mang đặc sản Nha Trang như nem chua Ninh Hòa, cá khô, mực khô để ba anh và bố tôi nhâm nhi, chả cá chiên má anh nấu bún cá Nha Trang mang sang cho mẹ tôi.
Vòng đeo tay bằng vỏ ốc giờ đây là kỷ vật một thời anh mộng mơ, tôi luôn cảm kích mối tình trong veo của anh, tình chỉ đẹp khi còn dang dở, không sai một ly ông cụ.
Năm 73 anh mang cô Thoa từ Nha Trang về nhà ra mắt ba má anh, cô có nước da bánh mật rất duyên dáng, tóc xõa bờ vai dáng thục nữ, tôi nhìn cô còn thích, anh không mê mới lạ.
Tôi khen:
- Anh cả khéo chọn, chị Thoa xinh thật, chắc hiền ngoan lắm đây.
Anh cười cười:
- Mi khéo đoán mò, trông mặt bắt hình dong y như thầy bói dỏm.
Tôi chất vấn anh:
- Không hiền ngoan, xinh đẹp dễ gì anh mang về đây trình làng.
Anh buông một câu làm tôi suy tư:
- Ừ, tới tuổi thì lấy vợ đó thôi.
Anh đi rồi má anh than thở với mẹ tôi:
- Thằng Tín nhà tôi khờ quá, chọn ngay đứa tuổi Tuất, bà nghĩ xem thể nào con Thoa chả vồ thằng Mão của tôi.
Mẹ tôi giải hòa:
- Thời nay mà bà còn tin mấy con giáp đó sao, nếu có duyên phận thì chúng nó thành vợ chồng, mình có can cũng không được, mà thằng Tín quyết cưới cô Thoa?
Bác Dự khó chịu:
- Bà bảo không cưới được à, chúng nó... , mà con Thoa tự nguyện chứ thằng Tín có ép uổng chi đâu, đấy Chó vờn Mèo đấy, tôi sợ sau này nó nhai xương thằng nhỏ.
Tôi cũng nghĩ như má anh Tín vì tôi biết anh lành như cục bột, mà cô Thoa này lém lắm, nhìn mắt môi cô lia lịa tôi tin tính lém lỉnh của tôi không bằng một góc của cô, chỉ mong cô có thế nào thì anh cũng sẽ hạnh phúc bên cô.
Sau đám cưới anh ở luôn ngoài Nha Trang không trở về xóm cũ, mỗi lần chị Thoa sinh con, má anh khăn gói ra ngoài đó thăm nuôi cháu nội.
Hai gia đình chúng tôi bặt tin nhau ngày Sàigòn bị đổi tên, sau đó từ San Diego ba anh viết thư cho bố tôi kể chuyện ba má anh ra Nha Trang những ngày Sàigòn hấp hối, rồi cùng gia đình chị Thoa theo tàu Hải quân lên chiến hạm Mỹ ngoài hải phận quốc tế.
Sau này khi chị tôi định cư bên Mỹ, hai gia đình liên lạc với nhau, đúng hơn là bác Dự gái điện thoại nói chuyện với chị Hương chứ anh Tín không hề lên tiếng.
Bác gái cho biết bác trai đã mất vài năm nay, hai anh chị vẫn ở San Diego, bác ở nhà housing gần đó nhưng ít qua lại tránh gặp chị Thoa.
Vừa rồi bác lên Vegas để dự Đại Hội La Vang Las Vegas, ghé nhà chị tôi chơi, chị nấu món thịt bò xào lá quế, món chị mới chế biến từ vườn rau thơm sau hè, thịt bò xào gần chín cho rổ rau quế vào đảo sơ đổ ra dĩa là xong.
Món lạ miệng bác ăn hai chén cơm và khen:
- Món đơn giản mà ngon, bác ăn tham đến hai bát no cứng bụng, ăn không nổi chén chè đậu, bác ăn quả chuối tráng miệng là đủ rồi.
Bên tách trà nóng, bác gái tâm tình:
- Tội nghiệp thằng Tín ăn chay trường mấy năm nay từ lúc nó về hưu, khổ thật, bác đã can ngay từ đầu mà nó có nghe đâu, cả đời bị con vợ vồ bầm dập, đã bảo Chó – Mèo không sống chung với nhau được mà nó không tin.
Chị tôi ngạc nhiên, hỏi:
- Có chuyện gì nghiêm trọng mà anh Tín ăn chay, mình Công giáo mà bác.
Giọng bác buồn hiu:
- Thế mới khổ, ngay từ đầu thằng Tín giấu bác, con Thoa xấc láo hỗn xược lắm, nó mà giận lên là mày tao với chồng ngay, lại có tật ghen bóng ghen gió bạ đâu chửi đó.
Vì lỡ ăn ở với con Thoa trước nên phải cưới, mà có phải lỗi thằng Tín đâu, con Thoa cứ cơm nước mang sang trại lính, rồi lửa gần rơm, cái thằng cục mịch đờ đẫn khi con Thoa tấn công, thế là xong đời. Cưới rồi nó mới nhe nanh, hồi còn ở Nha Trang, con Thoa tìm thấy mấy bức thư thằng Tín viết cho cháu lúc trước mà không dám gửi, thế là thành chuyện ầm ĩ ỏm tỏi. Lâu lâu nó lại mang ra hạch tội rồi cấm thằng Tín, không cho về Sàigòn sợ nó gặp lại cháu.
À, thì ra đó là lý do hồi sau đám cưới chúng tôi không còn thấy anh Tín lai vãng. Chị tôi hơi choáng khi nghe bác tới mấy lá thư anh Tín viết cho chị mà không dám gửi. Bác gái được thể kể tiếp:
- Ôi dào, ngay thời còn ở Nha Trang, sau khi sinh hai đứa con, nó ăn uống vô chừng, người béo phì như bà bành, thế mà cứ tự mãn, nghĩ mình xinh mình giỏi mới chết chồng con. Nhân một bữa tiệc thăng chức của Long, thằng bạn thân, Tín uống rượu say mèm đêm đó ngủ lại nhà Long. Sáng hôm sau con Thoa sục sạo tung toé cư xá sĩ quan, thấy thằng Tín mặc đồ lót ngái ngủ trên giường vợ chồng Long, chưa rõ đầu đuôi nó nổi cơn lôi đình ngay. Trở ra phòng khách, nó chỉ mặt vợ thằng Long, lớn giọng hỏi sao chị dám để chồng tôi ngủ trong phòng anh chị mà không ngượng. Sao chị không gọi tôi sang đưa chồng tôi về nhà, chị tệ quá.
Một lần khác, có anh phi công trong cư xá bồ bịch lăng nhăng với một cô ở Sàigòn, rồi cô ta ra Nha Trang du hí với anh. Tội nghiệp bà vợ, con nhà gia giáo, lại sợ đánh đấm ồn ào “xấu chàng, hổ nàng”, chỉ biết than thở với con Thoa cho vơi sầu. Vậy là con Thoa cũng nhảy dựng lên. Nó rình rập, bày binh bố trận, lôi vợ anh phi công đi đến bắt tại trận. Tới nơi, bà vợ ú ớ muốn xỉu chưa biết phản ứng ra sao thì con Thoa bay vào quán. Trận đánh ghen nổ lớn đưa nhau đến cảnh sát. Vậy là từ đó cả cư xá sĩ quan cạch mặt vợ chồng thằng Tín.
Sang định cư bên này mười mấy năm đầu vợ chồng bù đầu ca đêm ca ngày ít gặp mặt, chỉ cuối tuần gia đình mới sống chung với nhau. Vậy mà rồi chứng nào vẫn tật nấy.
Thấy bác Dự miên man chuyện dài nhà anh Tí chị Hương sốt ruột:
- Cháu không ngờ anh Tín quá khổ. Nhưng anh Tín đã ăn chay trường, mọi chuyện rồi sẽ yên mà bác.
Bác thở dài:
- Thì bác cũng tưởng thế. Nhưng khổ lắm. Nếu chúng yên được thì thì đâu đến nỗi bác phải sống lủi thủi cả năm rồi không thể về thăm con thăm cháu.
- Ô hay, mình đang ở nước Mỹ mà bác. Chị Hương kêu.
Bác Dự ngao ngán:
- Thì nước Mỹ chớ sao. Ly dị là việc nhà có đạo không thể chấp nhận. Mục đích thằng Tín khi ăn chay chắc là để cố có một đời sống chay tịnh riêng. Nó dọn sang phòng thằng Tiến, ăn ở luôn trong đó. Nhưng con Thoa đâu có chịu buông tha. Có lần thằng chồng đóng cửa không mở, nó đập cửa ầm ầm rồi vật mình vật mẩy, tự làm cho xây xát đổ máu rồi la hét nói thằng Tín muốn giết nó, rồi dọa gọi 911. Đến nước này thì thằng Tín đành thua. Sau này cứ thế mà nó sách nhiễu rồi thằng Tín nhắm mắt chịu trận. Luật lệ nước Mỹ mà. Ở cái xứ văn minh này đàn ông thiệt thòi thế đấy, bị bạo hành mà lên tiếng có được đâu. Bố bảo thằng Tín cũng không dám gọi 911 xin cứu giúp vì bị vợ “hành xác”. Vậy đó, bác nói từ đầu rồi, thằng tuổi mèo sức bao lăm mà kham nổi con vợ tuổi chó. Cháu bảo bác phải làm gì bây giờ.
- Ông tuổi mèo muốn chắc ăn bác phải kiếm cho anh vợ tuổi chuột, bác há. Tôi chọc bác Dự.
Cả chị Hương lẫn tôi phải khó khăn lắm mới dỗ cho Bác ngừng được câu chuyện về nàng dâu tuổi chó. Khi Bác về rồi, hai chị em bùi ngùi thương ông anh hàng xóm thời tuổi thơ. Chị Hương nói:
- Lành như anh ấy, tao e có kiếm được bà vợ tuổi Tý, con vợ chuột nó vẫn leo lên đầu anh chồng mèo như thường.
Nghe chị nói, tôi thấy tội ngiệp anh Tín, đời trai năm chìm bẩy nổi, bèo dạt mây trôi, mười hai bến nước, anh xấu số tắp vào bến có “chó dữ” bị “xơi tái” dài dài, đành chịu cho hết kiếp này vậy.
Tôi vốn không tin chuyện mấy con giáp choảng nhau như ông bà ta nói. Đâu phải chỉ bên Mỹ mà cả bên mình ngày xưa, đâu thiếu cảnh chó mèo cùng ở chung một nhà. Tôi có cô bạn quen tuổi Tuất, năm nay đã quá tuổi trung niên mà vẫn mình hạc xương mai, yểu điệu thơ mộng, vợ chồng hạnh phúc.
Chẳng hiểu anh chồng cô bạn tuổi gì, nhưng hôm sinh nhật nó năm kia, tôi thấy anh chồng ôm đàn hát mừng vợ bài “Hạnh phúc lang thang”.
Ngày ấy em như hoa sen
Mang nhiều dáng hiền
Ngày ấy em như cung tơ
Cho đời thẫn thờ, cho tôi dệt mơ
Vừa hát, anh ta vừa cười tươi nhìn bà vợ tuổi Tuất.
Năm nay lại thêm một năm Tuất, năm tuổi của chị Tín. Mong Chó thôi không vờn Mèo, mà giống như mấy chú thú cưng bên này chung sống vui vẻ với nhau. Mong ông anh tuổi Mão của chúng tôi gặp hên, không còn lang thang đi tìm hạnh phúc,
Mong tất cả các anh chị tuổi Tuất quanh năm hạnh phúc.
Xin Chúc Mừng Năm Mới Mậu Tuất.
Đoàn Thị
Cuối tháng Hai bi thương huyết lệ
Tình Hoài Hương
Mấy con kiến dương, con cánh cam từ đâu bay vù vào tầng hầm đã bị bể những ô kính, chúng liệng đi liệng lại vài vòng, rồi đâm sầm vào vách tường đá, nghe cái "cộp", lớp vỏ cứng bóng láng ánh lên màu xanh biếc, lẫn màu cánh cam lóng lánh xoè ra, che phủ hai cánh bên trong mỏng te rất duyên dáng hài hòa có nhiều sợi gân nổi trên lớp vỏ mềm mại khép dần. Thế rồi chúng loay hoay cố tìm chỗ thoát ra ngoài, nên bò đi bò lại trên vuông cửa bể.
Tôi chợt nhớ ngày xưa ấy, tôi ưa ngồi dựa lưng vào cây thông chạc hai, chạc ba, tôi đong đưa đôi chân trên cây thông lùn tách chẽ thân ra làm đôi, để rình bắt cho bằng được con cánh cam, và bụm nó ở trong hai bàn tay, khum khum mà nương nhẹ, nâng niu. Lúc ấy tôi ngó lên bầu trời xanh lồng lộng gió, nhìn chiếc máy bay lượn trên cao, tôi hy vọng hão huyền, vui vẻ hát nho nhỏ những bài tình ca, khi hai bàn tay tôi thoăng thoắt đan áo thật đều, sợi len lướt nhanh và thành thạo trên cây kim mà tôi chẳng thèm nhìn.
Ngày nay, tại tụ điểm lánh nạn có nhiều phi cơ không nhìn thấy rõ vụt bay trên bầu trời, qua khung kính bể dưới vòm mái cao. Thì, câu chuyện hứng khởi về các kỳ công, thành tích của chiến binh giàu kinh nghiệm chiến trường, thường là đề tài bàn thảo đầy hấp dẫn, hứng thú, nuôi dưỡng trong lòng người dân đen niềm sung sướng, hứng khởi và kiêu hãnh khác thường. Chúng tôi đang ăn không ngồi rỗi ở dưới tầng hầm của nhà thờ Domain de Marie nầy. Những chiếc phi cơ thi nhau gào rú trên bầu trời, khẩu minigun sáu nòng có bốn ngàn viên đạn nhấp nháy chỉ vài phút đã khạc lửa ra khỏi nòng đang vút bay đến mục tiêu, khiến lòng tôi càng nôn nao, bồn chồn, cuống quít, lo lắng, sợ hãi xiết bao. Quá khứ rồi sẽ giống như cánh cửa sắt đóng chặt lại sau lưng tôi. Rồi cũng giống như thau nước hứng mưa dột dưới góc nhà vừa bị sập, tôi đã cong cong lưng bưng thau nước đầy sóng sánh bóng mình trong thau, nhanh nhẹn bước ra hiên nhà, tôi hắt mạnh nước vào màn mưa đục ngầu, cho nước hoà tan trong mưa, mất hút, như hắt cả hiện tại và tương lai lui về với quá khứ muộn phiền.
Đời có lắm chuyện tôi không hiểu, không thể hiểu nỗi. Từ lúc có “bọn giặc đỏ” về, mỗi ngày chúng tôi phải bồng bế con đội nắng mưa mà đi, vì căn hầm của nhà thờ Domain sẽ đóng khoá cửa. Mấy người trong xóm và gia đình tôi cùng nhau đi ngang qua Tiểu-đoàn lính trấn thủ Thị Xã Đà Lạt, tôi ngẩng nhìn anh hiệu thính viên giữ máy truyền tin AN/PRC 25 đang liên lạc giữa Tiểu-đoàn và Đại-đội. Các chiến sĩ có người cài lựu đạn M 26, mang súng colt 45, có người mặc áo poncho ướt đang mở nắp bi đông uống nước, anh vác khẩu M 16. Bên chiến xa M 48 trọng pháo cơ động, mấy quân nhân nằm lăn lóc trên các nẽo đường, dưới ngọn đồi chiếm đóng, trên cành cây còn ngái ngủ. Người choàng áo ca pốt ngồi sưởi lửa trong cái chốt dựng tạm vài hôm nay, mấy anh hong đôi bàn tay sạm nắng trên bếp than hồng, từ những trái thông khô xẹt tia lửa ly ti nổ tí tách. Cành lá thông tươi chất thêm vào lửa, tỏa khói mù mịt và phả ra mùi nhựa thông thơm hăng hắc, nhưng thật dễ chịu. Họ hong lửa mong xua tan bớt gió rét vì cơn mưa trái mùa. Giá lạnh ban mai làm tê cóng người lính phong sương dãi dầu mưa nắng.
Tôi rất quý mến và kính trọng những người lính không quản ngại gian khổ, vì bản tính chiến sĩ đa số thích phóng khoáng, tự do, hăng hái, nhiệt thành, nhất là trọng danh dự lo bổn phận có trách nhiệm. Thời gian lạnh lùng nghiệt ngã trôi qua, họ không tính bằng gian lao cay cực, khó nhọc, hạnh phúc hay hoài bão, ước vọng. Khi mùa hạ tới, thu đi, đông về, xuân đến... đời chiến sĩ phong sương, dãi dầu nắng gió khuya chiều, không gian bàng quan chả nương nhẹ đôi tay: dù phũ phàng, cay nghiệt, và buốt giá. Niềm nhớ thương da diết mỗi lúc một hao gầy trong đớn đau thầm lặng. Khóe mắt lính choáng đọng huyết lệ bi ai cảnh chiến tranh quyết liệt. Chiến sĩ ấy chấp nhận chết ngoài sa trường vì quê hương, vì dân tộc, thì có sá gì cái lạnh rét run run ngoài da và gió buốt vã vô mặt. Nhưng chiến sĩ ấy đã chết lịm trong lòng, vì cảnh huyết nhục tương tàn thật vô nghĩa trước tiên do bọn khát máu “đều têu” gây ra. Họ phải dấn thân, vì rằng:
Bất dâng cao sơn, bất tri thiên chi cao.
Bất lâm thâm cốc, bất tri điạ chi hậu
(không lên núi cao, không biết trời cao đến mức nào.
Không xuống hang sâu thì không biết đất dày ra sao) (tục ngữ)
Lần đầu tiên vấp phải sức kháng cự không tương xứng với đối phương, các chiến binh không dám ra tay càn quét cộng quân. Bởi vì, nơi vùng sẽ giao tranh tại khu Số 6 và khu Số 4 nầy, còn kẹt lại khá nhiều người dân vô tội trong tầm tay kềm tỏa. Khiến anh lính chiến có chiếc nón sắt rộng, thỉnh thoảng úp xuống tận sóng mũi, che cả cằm đến nồng ngộp nghẹt thở, hơi mỏi mệt, ngỡ ngàng, và bồn chồn xôn xao bâng khuâng làm sao ấy. Lính nằm ngửa trên đám cỏ bồng chờ đợi quyết định của chính phủ, anh bực tức, vác súng đi lui đi tới, bồn chồn đứng ngồi không yên. Người lính chiến biết nghe đạn xoáy rít bên mang tai ù ù, mà không có mũ sắt đội đầu thì e rằng đời đi đon. Anh biết bổn phận làm trai phải trả nợ núi sông. Lính gồm đủ mọi thành phần phong tục khác nhau, đã sống trên miền đất quê hương khác nhau, với hoàn cảnh gia phong và ước muốn càng khác xa nhau hơn.
Khung trời Đà Lạt se lạnh giữa lưng núi gom từng phiến mây bạc ùn ùn trôi dưới nắng vàng tươi rói. Mây phơi phới hào phóng bay bay khắp đỉnh đồi thông, quyện lẫn mùi hương hoa ngâu, hoa lý, hoa lài, hoa bưởi tỏa ra thơm thơm. Gió lồng lộng vỗ vào hàng hiên bên giại nứa sau hè nhà ba má tôi, phối hợp cùng bầy chim én lý lắc ríu rít vút vút bay lên bay xuống. Nắng và gió vô tình lùa tới, thi nhau đẩy khói lửa bốc cao vào cuộc chiến. Cho đến lúc chết vẫn tranh chấp kịch liệt những con đường nhấp nhô trồng nhiều hàng hoa anh đào, hoa xá lị, hoa mimosa óng ả lả lơi uốn khúc, lượn sóng vòng vòng quanh co ven đồi núi Đà Lạt. Khiến ta thèm những đồng bằng ruộng dâu, vườn bông cải su hào, đất đai phì nhiêu, cả những luống hoa muôn màu tươi đẹp, bao đồi thông ngút ngàn xanh um bóng mát.
Thế nên ta phải giành lại những gì đúng thuộc về riêng ta. Lính VNCH lũ lượt kéo nhau lên đây quyết giữ gìn thành phố Đà Lạt nho nhỏ; nhưng nổi tiếng xinh lịch nên thơ, nơi có những ông già bà lão chất phát thật thà, hiền hậu chăm chỉ làm việc. Nơi ươm nhiều mộng đèn sách chuyên cần và hải hồ phong sương của những chàng trai đơn sơ ôn nhu chớm lớn. Những nữ sinh nề nếp ngoan hiền “một dạ hai thưa”... thùy mị và đặc biệt đa số các cô hồn nhiên với… nụ cười duyên nồng nàn chúm chím, với… đôi mắt hồ thu long lanh tia nhìn trìu mến, với… hai “má hoa đào” có lúm đồng tiền rất xinh. Những em bé mủm mỉm dễ thương, tay chân mềm mại, các em có đôi mắt đen lay láy, hàng mi cong dài lưa thưa như đôi mắt nai, hai má em phúng phính trắng hồng. Nhìn thấy các em bé, không mấy ai mà chẳng có cảm tình với người Đà Lạt.
***
Ngày cuối tháng Hai, cả nhà tôi dù lo lắng sợ hãi trăm bề, nhưng phải lò mò đến chân khu nghĩa trang số 4, vì bị bọn Việt+ lẽn về thành phố quậy phá, nên chúng tôi không thể đi viếng nghiã trang. (Không cứ gì riêng chúng tôi lo sợ, mà phải kể như toàn miền Nam Việt Nam ai nấy đều bàng hoàng thảng thốt lo lắng, khi người dân đang vui vẻ sum họp gia đình để đón Tết). Lâm lúi húi đốt hương trầm trên những nấm mồ tiên tổ; nào ngờ có nơi đã phơi ra thi hài lõa lồ lắc lẽo, rửa nát, tanh hôi, sình bủng, không trọn vẹn hình dáng ai rải rác bên vệ đường ở thành phố cao nguyên Lâm Viên chưa có người kịp nhặt đi chôn. Bỗng nhiên tiếng súng bên kia rau ráu ầm vang nhức nhối nổ thật rát tai, quá kinh thiên động địa, tạo thành một chiến trường bi phẫn, bạt ngàn khói lửa tuông về, chết chóc, rùng rợn, thê thảm sẽ ập đến nữa mà thôi! Chiến tranh ngang nhiên ngốn đi biết bao thanh niên trai tráng, và ông già bà lão trẻ thơ vô tội; kể cả động vật có hai chân, bốn chân, hoặc không có chân nào như giun, rắn... và bất động vật. Bất kể “chủng loại” nào, thế mà “bọn chúng nó” cũng chẳng từ nan. Chiến sự không tốt đẹp gì.
Phía Việt Nam Cộng Hòa chưa thể ra tay! Nếu có đề phòng trước, không bị bất ngờ, và có quyền quyết định như người xưa “tiền trảm hậu tấu”, vị tất bên phe ở miền Nam chẳng nhường cho “kẻ dị tộc” tràn vô Nam xâm lăng một tất đất. Lẽ nào chính phủ Việt Nam Cộng Hoà để “người lạ phương xa” tự do ra vào tung hoành, tranh phần lãnh thổ của riêng ta, mặc cho nó thao túng!? Vì chính bọn họ đã ngang nhiên vi phạm quy ước hiệp định “The 1954 Geneva Cease-fire Agreements” đã ấn định: chia đôi đất nước Việt Nam ra làm hai phần: miền Bắc – miền Nam tách bạch (riêng rẽ chủ quyền lãnh thổ). Lấy cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, con sông Gianh làm mốc chuẩn mực. Dù phải chia lìa quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn - Ngăn cách đôi bờ xót xa, tủi nhục, một sự tủi hờn điếng lặng đớn đau muôn đời khắc in vết chàm, không bao giờ kỳ cọ gột rửa sạch! Chính phủ Miền Nam Việt Nam Cộng Hoà vẫn tôn trọng quy ước, tuyệt nhiên không xâm phạm lãnh thổ của ai. Cũng không so đo chịu chút “lép vế” do đã “nhường & nhịn”… là rõ lòng nhân đạo ra sao! Ấy vậy mà, những tên “bố tổ cha bác kia” đã làm động mồ động mả, động những ngôi cổ mộ tôn kính từ lăng Nguyễn Hữu Hào xa tít trên triền núi Cam Ly Thượng, chạy dài xuống nghĩa trang… động cả thánh thần muốn yên nghỉ giấc nghìn thu ngoài nghiã trang khu số 4. Ngay trên bàn thờ mọi gia đình cũng bị lật tung, ông bà tổ tiên bị dựng đứng dậy! Nhất là hương hoa đèn nến nghi ngút toả ra tại các chùa chiền linh thiêng, am tự, nhà thờ, nơi đình đám hội hè, mọi nhà cư dân yên ấm vui vẻ ba ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền, đâu đâu cũng bị bốc cháy, rụi tàn.
Thảng thốt. Bàng hoàng tột độ. Thật phi đạo đức! Tôi thương những người chân thật, mềm yếu rụt rè, phần nữa là họ cùng tôi có những nét tương giao đồng cảnh ngộ. Mặc dù sự phòng tránh bom đạn ở trong nhà tôi chẳng chắc chắn chu đáo gì, Lâm đã kê ở bốn chân giường lên những cục táp lô, rồi chất bao đất cát ở bốn phiá chung quanh giường đôi, làm thành căn hầm tạm trú. Nền xi măng lạnh lẽo được quét sạch và lau đi lau lại bằng khăn lông vắt khô nước. Tôi trải tấm nệm xuống nền nhà để ngả lưng. Mới bốn giờ chiều mà cả nhà lo chui vô “hầm trú” nầy. Buồn không nói nên lời! Ở thời buổi chiến tranh không biết nghỉ mệt, làm sao bây giờ? Không sáng tối nào mà tôi khỏi thấy đầu đạn mới, mìn cày xới trong vườn hoa trước sân nhà, trong phòng ngủ, phòng ăn. Có nhiều hôm đạn ghim vào nệm, vào gối. Dễ sợ chưa! Đầu đạn ghim vào vách ván thì không kể xiết. Tất cả cửa kính bể nát, tha hồ cho gió lạnh lộng hành rít vù vù, lật tung hết mọi trật tự trong gia đình. Mấy cái phuy chứa đầy nước uống đạn xuyên qua, nước chảy cạn xuống đáy thùng. Sáu bóng đèn điện trong nhà cứ vài hôm bị đạn "xơi tái" đi. Riết rồi trong nhà tôi, ngoài ngỏ, nơi đường cái tối thui, không còn một bóng đèn nào, Đà Lạt bấy giờ gần giống như "thành phố chết" ở nghĩa trang buồn khu số 4. Không ai có thì giờ nghĩ đến chuyện dọn dẹp nhà cửa khang trang tươm tất hơn.
Thế rồi chúng tôi không thể nằm lì ở nhà, mà phải bồng bế nhau chạy lên khu nhà Dòng Domain lánh nạn, vì đạn nổ réo rát tai, tức lồng ngực kinh khủng, cư dân trong thành phố tôi ai ai cũng đi đi về về lánh nạn (người dân ở vùng nào, thì tạm lánh ở những cao ốc an toàn nhất của vùng đó, (ví dụ khu ở nhà Chung, nhà Bò… họ sẽ chạy vô núp trong nhà thờ Chánh Toà). Dưới khu Điạ Dư thì dân vô ngủ nhờ ở trường Grand Lyce’), vân vân... Bảy gia đình ở khu Mai Hắc Đế cuả chúng tôi cư ngụ gần dòng tu Domain de Marie (dòng tu có biệt hiệu là: “Dòng Bà Xơ Xanh”, còn có tên là “dòng Nữ Tu Mai Anh”, vì trên khu đồi nầy trồng toàn hoa Mai Anh Đào”). Sau vài ngày sửng sốt bàng hoàng dáo dác lấp ló nhìn nhau; thì mấy ông mồ côi (con nuôi của các Bà Mẹ Dòng) không cho “cánh đàn ông ở ngoài Đời” (đây là “từ” mà các con nuôi cuả bà mẹ dòng Domain muốn ám chỉ về: -Những người ngoài đời ấy không phải là con nuôi, con mồ côi “thuộc quyền cai trị” của các bà mẹ dòng tu-). Mấy “ông mồ côi” không cho mấy “ông ở ngoài đời”, vào ngủ nhờ dưới tầng hầm.
Mấy “tướng mồ côi” nầy được các bà mẹ dòng Domain đi nhặt nhạnh ở đâu đó trong thành phố, hoặc vài nơi: Tỉnh, Thành nào… đã bị cha mẹ họ dã tâm bỏ rơi con. Rồi các bà dòng bác ái ấy cưu mang, ra tay làm phúc, gây đức, lụm khụm tay bồng tay dắt đùm túm tha nhặt mang trẻ không cha mẹ, tứ cố vô thân về nhà dòng, mà nuôi dạy cho nên người hữu dụng. Khi các bà có “cục cưng” thì ôi thôi họ lo nuôi nấng, ấp ủ cho “đàn con côi cút” có cơm ăn áo ấm mặc, học hành tử tế. Dĩ nhiên “các cưng” được các bà cho ăn cơm ngon và không khỏi với… ăn đòn (khi các con ưa quậy tưng trời)! Đàn con nuôi dần dà lớn lên thành nhân, thành tài, các mẹ dòng lại đứng ra dựng vợ gã chồng “hợp tác” cho con mồ côi có tổ ấm riêng. Các bà dòng làm một dãy nhà gỗ, hoặc nhà xây ở tít dưới thung lũng (khu đất rộng trong khuôn viên dòng). Các bà mong họ sống ấm no thoải mái, sanh con đẻ cháu ở đó cho tới già, tới chết. Khi họ lìa đời, mẹ dòng lại bưng họ đi chôn trong một góc tư điền tư thổ xa xa dòng Domain nầy. Đúng là bác ái Mai Anh!
Trở lại chuyện mấy ông: Mặc dù “mấy ông tướng mồ côi” dư biết bảy gia trưởng “ở ngoài đời” là những cư dân sống đàng hoàng, lương thiện, có công ăn việc làm cố định, có nhà cửa, đồng thời họ là hàng xóm láng giềng thân cận với khu đất dòng Domain. Ngày ngày mấy “tướng gia mồ côi” thường lui tới, ra vào nhà mấy ông “láng giềng bạn dân” ngoài kia; đôi bên vui vẻ la cà tưng bừng ăn nhậu lai rai. Chưa say, không đã, không xỉn, không quên nghêu ngao ca hát, đưa lui đưa tới: “anh hân hoan đưa em về, rồi thì em lại dùng dằng chẳng chịu chia tay, lôi kéo nhau… em đưa anh ra”. Họ “khắng khít” với đàn anh ngoài đời thắm thiết, chả chịu bò lết trở về nhà.
Thế mà hôm nay lúc bên ngoài súng đạn bay vèo vèo, nhưng “bạn mồ côi ấy” phớt lờ khoá chặt cửa nẽo, bình thản và tàn nhẫn đứng ở trong cửa hầm, vô tư lự nhìn ra nhóm đàn ông ở ngoài cửa. Dù mấy tay đàn ông đứng ở ngoài cửa hết hơi năn nỉ ba ông mồ côi thân quen gác cửa muốn gãy lưỡi, họ vẫn không cho mấy ông ở ngoài trời vào. Lâm giận run đã chưởi họ một trận. Anh nổi cộc dùng tay không đấm rõ mạnh vào một ô cửa kính, khiến nó bể nát, mảnh kính ghim vô bàn tay Lâm, máu tươi chảy ròng ròng.
Tôi xanh mặt, ớn lạnh và run lẩy bẩy không thốt nên lời. Lâm xỉ tay vào bên trong cửa kính vừa bể, hét to:
- Không cho chúng tôi vào. Hãy mở cửa cho vợ con tôi ra ngay.
Bác Hải chống hai tay lên sườn:
- Ông không sợ lũ hèn nhát chúng mày. Nhớ nhá!
Báu rung mạnh cánh cửa bể:
- Bà dòng cho mọi người vào đó ở tạm. Chứ nào phải nơi nầy là của riêng bố tổ ...tổ cha chúng mầy, mà không cho ông vào. Hử?
- Chúng mầy là loài liu điu, nở ra dòng liu điu, mà cứ tưởng mình là chó sói, nên thị oai ở rừng ha. Có ngon, thì chúng mầy mở cửa ra đây. Sẽ biết tay ta.
May mà mấy cha nội mồ côi đứng lấp ló ở bên trong hầm. Chứ nếu họ đứng gần cánh cửa bể, thể nào cũng bị Lâm thộp ngực áo lôi sát tới ngoài tầng hầm, thì... thể nào họ cũng bị “các ông ngoài đời” thẳng tay "nện, dần, đục, tộn" cho một trận nên thân. Kẹt lại bên trong hầm không ra được, mẹ con tôi thấy cảnh tượng Lâm bị máu chảy ruột mềm, thì tôi đã chưởi vu vơ nhoi trời đất. Tôi bắt họ mở cửa lớn cho mấy gia đình chúng tôi (ở chung dưới xóm) đi ra. Nhưng tên giữ chìa khóa cửa lớn đã lủi trốn đi đâu, lúc nào không rõ. Đêm đó, bác Hải, Báu và Lâm nằm tơ hơ trống huếch trống hoác ngoài trời mà co quắp dưới chân bàn thờ bên hang đá Đức Mẹ, không mền chiếu. Vì có thiết quân luật sau 7giờ tối là không ai được phép đi loạng quạng ra ngoài đường. Trời Đà Lạt lạnh vào khoảng 10/o C. Họ cứng đơ như bị ướp đá. Lâm giơ tay vuốt bầy muỗi rơi khỏi khuôn mặt sưng vù, dày cộm, muỗi tha hồ hút máu đông. Họ không còn cảm giác, gần như chết cóng. Dù cuống họng, lưỡi và môi không trỗi nhạc, mà hai hàm răng va lộp cộp từng cơn run. Họ thức trắng đêm thì thầm cầu nguyện, mong bình an và cầu trời mau sáng. Nhìn chiến trường bốc lửa từ phía Khu Số 4. Khu Số 6, họ lo sợ kinh khủng!
Thỉnh thoảng hoả châu đỏ rực bầu trời suốt từ chập tối đến rạng sáng. Cứ mươi lăm phút thì súng lớn từ hướng Bắc câu đi đâu đó vút vút ầm ầm ầm. Súng nhỏ gần gần trong địa bàn thành phố lại nổ từng hồi pằng pằng pằng… Tạch tạch tạch… đùng đùng đùng. Ầm! Oành! Bầu trời rực sáng màu đỏ tía, do trực thăng bay vòng vòng rất gần đỉnh đầu chúng tôi đã khạc ra những tràng lửa đỏ lòm, những tia đạn dài ngoẵng vút vút lao xuống dưới, rồi bầu trời bỗng tối đen như đêm ba mươi. Trong đêm tối mà chứng kiến tận mắt những tia lửa từ nòng súng khạc ra, mới cảm thấy sự vô tri bạo tàn không kém phần oai dũng cuả súng ống lạnh tanh tua tủa bắn ra, để trừ kẻ gian đi xâm lăng. Khói bay toả trên tít tầng mây xám, không trung quyện lẫn màu khói pha sương mù mịt mùng. Mùi hôi theo gió lùa về khét lẹt, chua chua, thum thủm, hôi chịu không nổi.
Suốt thời gian chiến cuộc, sau vụ Lâm đã đấm bể ô kính cửa ở nhà dòng Domain, dù bàn tay anh băng bó rồi, nhưng máu vẫn rỉ ra, ban ngày Lâm đi làm việc, chiều chiều một mình anh đến nhà bác Chiểu ở đường Phan đình Phùng ngủ nhờ. Khi nào không có phiên trực ở Tiểu khu, choạng vạng tối Lâm ghé tạt về nhà thăm chừng mẹ con chút xiú, là đi. Nơi chốn nầy khá hẻo lánh, ai nấy đều cảm thấy sợ.
* * *
Hôm nay thì chúng tôi bồng bế nhau lên ngủ nhờ trong dãy hành lang của Dân Y Viện Đà Lạt. Vào bệnh viện ngưởi thấy mùi nồng nồng, hôi hôi, tanh tanh, mùi thuốc sát trùng thật khó chịu, hầu như ai nấy muốn nôn ọe. Nhưng gia đình chúng tôi phải ráng chịu đựng. Mẹ chồng, tôi và hai con trai nằm đất ẩm ướt lạnh lẽo luôn luôn. Các con bị ho, sỗ mũi, nóng lạnh. Nhất là bé Tuấn ọc sữa thường xuyên. Mặc dù tôi đã mặc cho bé Dzũng và bé Tuấn áo lót, áo cánh, hai áo ấm, quần nỉ dày, mũ len, bít tất, mền bông ủ kín cả người. Nhưng các con bé bỏng đã chịu cảnh gió sương, lạnh lẽo quá chừng không thể ấm hơn, vì hiên ngoài lồng lộng gió và sương muối đặc sệt giăng mắc. Tôi quá đổi buồn phiền, thương các con, lo lắng vô cùng. Tôi thương bé Tuấn chưa tròn hai tháng, con nhỏ xíu, còn đỏ hỏn mà ngày ngày tôi bế con đi ngủ nhờ ngoài hành lang lạnh lẽo lắm. Sáng sáng tôi lại bế con về nhà, giữa nắng mưa sương gió khuya chiều lạnh buốt xương sống.
Đêm đêm súng đạn vang rền, tại bệnh viện tôi vẫn chứng kiến quá nhiều cảnh đau đớn, rên siết, chết chóc của người già có, trẻ có, đang mang bệnh tật, kể cả thương binh trào máu tươi. Cảnh nào cũng đau đớn khổ sở, đắng cay như nhau. Tôi cảm thấy sợ kinh khủng! tuy suy nghĩ thà ngủ gần người bệnh, ngủ gần nhà xác, còn hơn ngủ chung với người đang dẫy đùng đùng vặn mình chờ chết. Khi nghe tiếng súng, mọi người với phản ứng tự vệ tự nhiên, ai ai cũng ngồi bật dậy, lao xuống đất và chui vào gầm giường, gầm bàn. Trước muôn vàn chinh chiến điêu linh tang tóc, khổ sở đã vỡ bung ra trên mọi miền đất nước thân yêu, không một ai vô tình trong cơn quặn đau thắt ruột lịch sử dân tộc Việt Nam, là nỗi nhục nhã ê chề, đớn đau gớm ghiết, tủi hổ tột cùng. Triệu triệu người từng chứng kiến qua nhiều góc cạnh cuộc đời khác nhau, nơi bề trái lịch sử: Tham tàn, cuồng loạn vụng về núp bóng dưới lớp mây đen u tối nghịt trời, đang tỏa sức sống trên vòm trần kính.
Thời gian thấm thoát trôi qua… bé Tuấn vừa được ba tháng, con biết lật vào một buổi tối nằm ngủ nhờ ở góc hiên ngoài bệnh viện. Mẹ chồng, tôi và bé Dzũng vui mừng sảng khoái cười la thật to, vỗ tay reo vui hoan hỉ. Đó là niềm vui mừng trong veo, duy nhất có tiếng cười hồn nhiên thoải mái kể từ hôm chạy giặc! Tôi vui mừng hết sức. Tôi cầu mong cho các con hay ăn chóng lớn, gia đình an mạnh một phần. Phần lớn nữa là mong quê hương sớm yên ổn, để chúng tôi và mọi người trở về ngủ dưới căn nhà bé nhỏ đơn sơ, tránh khỏi cảnh ăn đậu ở nhờ nơi đầu đường, xó xỉnh bẩn thỉu và buồn da diết thế nầy. Do vui mừng cười to khi bé Tuấn biết lật, chúng tôi đã quên chuyện đi ngủ nhờ ngoài hành lang bệnh viện, khiến mấy cô y tá trực bệnh viện không hiểu chuyện gì, họ lo sợ mở cửa dáo dác nhìn quanh. Mẹ con bà cháu im bặt, chúng tôi sợ họ bực mình, sẽ đuổi chúng tôi đi không cho tá túc ở xó góc nầy, thì biết trông cậy nương nhờ vào đâu!
Kẻ xâm lăng thành phố Đà Lạt như thế đã chiếm tới cuối tháng Hai ròng rã trôi qua… Chiến cuộc cứ thế bên thủ bên nằm, đôi khi quân lực Việt Nam Cộng Hoà tiến lên từng bước, từng bước tiến vào cửa ngỏ loạn ly. Dù lính có kế hoạch quy mô, có sách lược điều quân, và nguyên tắc phối hợp hành quân từ lăng kính thuần tuý quân sự. Nói nôm na hơn là sự tranh giành đất đai, quyền lực “với nhau”, việc nầy không phải đỗ lỗi là vì do chiến tranh, hay không chiến tranh! Phía nào không củng cố, không bảo vệ, không cẩn trọng, là mất! Nói một cách thẳng thắng lạnh lùng hơn: nếu không có bổn phận trách nhiệm, mất cảnh giác– thì sẽ mất tất cả! Nhưng bắt buộc quân nhân Việt Nam Cộng Hoà phải uể oải nằm ù lì phơi nắng phơi sương, dầm mưa nướng mình trên đất cỏ, để chờ đợi lệnh trên ban xuống. Lính ngao ngán mỏi mòn chờ đợi… rồi đợi chờ… lệnh tổng tấn công. “Trò đánh giặc” nầy tương tự như “trò chơi đánh bạc”, ta cay cú vì thua mất tiền trong ván bài ấy, do ta không đoán biết trong lòng cuả cái tô úp trên diã đặt ở manh chiếu kia là: chẵn hay lẻ!? Thì khi ta thua, ta phải nghỉ vài ván, để tìm “đối sách”. Tất nhiên người cầm cái tuyệt đối không muốn nghỉ, (nghỉ là đồng nghiã với thua). Họ nghỉ tức là buông mất cơ hội tốt lành vơ vét tiền khi “con bạc” đang say nước cờ đen đỏ!
Lính nằm dưỡng sức trên đám cỏ bồng cũng thế! Muốn thắng địch quân, người Lính TRUNG, TRÍ, NHÂN, DŨNG không những cần có vũ khí, mà còn cần: Kiên nhẫn, dũng khí và ý chí. Từng đường máu cộm phồng co giật bên mang tai người lính phong sương dãi dầu mưa nắng, có một sự kiên định và vững chãi. Một số Lính Thủy Quân Lục Chiến các vùng khác biệt phái, Bộ-Binh, Biệt Động Quân nằm ép bụng sát đất, họ xã láng cuộc đời trên những thăng trầm đen đỏ số phận, xây dựng tình yêu nơi hoang tàn quê hương đổ nát. Mặc bao mưu toan đen đỏ trong cơn lốc chính trị lịch sử dùng dằng đẩy đưa, đầy cay đắng.
Về phần dân thị thành Đà Lạt thì bị cô lập mọi mặt, mọi ngã đường ở nơi “khỉ ho cò gáy” chỉ có thông reo triền miên, có một đường “lả lướt lên đào nguyên”, mà khi muốn về… thành phố, ngộ lỡ như con đường “độc đạo” bị “cách trở mấy nhịp cầu bị gãy”, thì kể như thành phố Đà Lạt đã “bế quan”, sẽ đói dài dài… vì không có lối đi tiếp tế lương thực! Cả bầu trời Đà lạt dường như thu gọn lại trong chiếc máy xay sinh tố cũ khô khan kêu cót két, rít rít, ù ù rột rột quay lông lốc, nghe điếc ù cả tai, xốn xang, nghẽn nghẹt buồng tim lá phổi. Ưu điểm của Đà Lạt là thành phố thơ mộng kiều diễm trong lành mát mẻ. Yếu điểm của Đà Lạt là con đường “độc đạo” đi và về một lối quanh co uốn lượn lên đào nguyên trong vũng sương mù!
Bầu trời bao la càng trống trải, trực thăng bay lừ đừ như con chuồn chuồn ốm, dễ làm mục tiêu cho các họng súng cối ở nơi xa xa dựng đứng dưới đất chĩa thẳng lên trời, súng bắn từng phát (nghe dường như về hướng khu Số 6 hay Tùng Lâm thì phải). Suốt hai ngày đêm, loa phóng thanh trên phi cơ chĩa xuống đất, kêu gọi người dân ai còn mắc kẹt giữa hai lằn đạn, hãy cố gắng di tản ra khỏi mục tiêu sẽ quầng thảo. Họ (Việt Cộng) tự động tổ chức nhân sự bị kẹt lại ở đây, thành từng tổ tam tam. Họ vừa xoa, vừa tuyên truyền, vừa đánh đập, để kích động tâm lý trong lòng “kẻ bại”!? Trong khu Số 4, Số 6 đó, đa số dân lành còn bị kẹt lại vô tình làm bình phong, làm mấu chốt đỡ đạn. Họ bắt dân đen khiêng vác đất đá, đào hầm hố trú ẩn, rất cực khổ, ngỏ hầu trốn bom đạn, mà dân bị nhịn ăn. Vã lại ở trong vùng tạm chiếm nầy, làm gì có họp hành chợ búa, không ai có thể mua lương thực ăn uống!
Trời đổ mưa tầm tã, mưa trái mùa suốt từ trưa tới chiều, hạt mưa xiên xiên to tròn nặng hạt rơi lộp độp trên mái ngói mãi hoài không dứt, gió lồng lộng thổi vun vút theo dọc hai hàng hiên. Non vài giờ sau là cả đỉnh núi Lâm Viên tuyệt diệu xứ hoa đào thơ mộng cũng không được chú ý bằng mỏm đồi khu Số 4.
“Khu Số Bốn”! Đại danh ngữ ấy mới thoảng nghe qua thiệt “quê quê”, nhưng đầy nồng ấm ngọt ngào mật thiết tình quê, dịu dàng êm ả thân mến, chất phác, mộc mạc, đơn sơ gần gũi như tính ngữ danh xưng. Thân thương làm sao! Nồng thắm trìu mến dường bao! Ấy thế mà suốt bao ngày qua chiến tranh tàn ác đang bám riết lấy nó. “Kẻ lạ” nhanh như sóc, lủi như chuột chù, chuột hôi len lỏi vào mọi ngóc ngách, họ ở lì trong nhiều nhà. Bắt dân đào hầm hố, len lén trèo qua những hàng rào, lủi sâu vào vườn tượt nhà dân. Họ leo trèo lên cây quả, vụng trộm thập thò rình mò dáo dác dòm ngó, coi rất gian, rù rì to nhỏ, nhìn trước ngó sau, lấm la lấm lét như kẻ cướp cạn. Chiến tranh không tốt đẹp gì. Chưa thể phân định đâu đúng đâu sai, đâu là điều hay lẽ phải. Chưa thể, chứ không phải là không thể. Nhưng chắc chắn một điều chính xác là “bên kia” đã hoàn toàn sai trái luật -do vi phạm hiệp định công ước quốc tế-, họ đã cố tình loang vết nhơ, sóng thần cào cuộn từng dòng máu chảy ruột mềm.
Trực thăng bay lượn chậm chạp, từ trong lòng phi cơ tung thả vô số truyền đơn xuống đất, che mờ một góc trời miền núi. Thỉnh thoảng có nhiều tiếng súng rời rạc. Ùm… ùm… Ầm ầm… cắt… bụp… xè… rào rạo. Thật chói tai dễ sợ. Thế mà đằng góc trời nầy, mấy chú chuồn chuồn sắt cứ điềm nhiên, tỉnh bơ lượn qua lượn lại trên đầu chúng tôi. Dường như họ coi đó là chuyện nhỏ, chả có gì quan trọng khi cơn binh lửa bừng bừng thổi về! Vì, phi vụ của họ là ủy lạo đồng bào, dùng truyền đơn từ trong lòng phi cơ vừa rải xuống đất, ngỏ hầu chỉ dẫn dân về cách di tản. Ấy là những tấm giấy phép có uy tín, hiệu lực, để mọi người dân còn mắc kẹt trong khu vực Số 4, Số 6, Tùng Lâm... vân vân… bị tạm chiếm, “dân ta” có thể đi ra an toàn khỏi vùng phong tỏa. Đồng thời loa trên trực thăng vẫn kêu gọi “hàng binh” ra đầu thú, thì sẽ được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà khoan hồng ưu đãi. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà luôn khuyên "Vi ci":
- Hãy buông tha người dân vô tội đi.
* * *
Quê hương đầm ấm dịu ngọt cuả tôi đó, cũng như nhiều nơi khác trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam đã không thoát khỏi cảnh xâm lược nghịch lý hung tàn của bè lũ Việt+. Khi vấn đề chiến tranh thật sự phức tạp, làm điên đầu các vị nguyên thủ quốc gia. Người khôn ngoan (của người khôn ngoan nhất), bình tĩnh sáng suốt, có lập trường dứt khoát, kiên định, cần giành lại từng tất đất, từng thành phố. Tất nhiên họ nhanh chóng đánh đuổi “bè lũ khát máu” đi khuất dạng (mỉa mai thay người dân da vàng mũi tẹt, đầu đen máu đỏ, sống từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ phương Bắc họ chuyên mò mẫm đi đêm, xâm phạm qua vĩ tuyến 17, để xâm lăng phần đất của miền Nam Việt Nam. Gây nên cảnh chiến tranh tàn khốc, chém giết, nồi da xáo thịt quá kinh hoàng thế nầy ư!? Dân chúng nhìn chiến cuộc xảy ra rất gần, với vẻ tò mò nhút nhát, hiếu kỳ không chịu nỗi. Phải! Bên muôn nấm mồ tàn rụi hương nhang, là sự gặp gỡ giữa trùng trùng lớp lớp khuôn mặt lạ xa, hiện diện trong cuộc chiến phức tạp quá cay đắng. Lính miền Nam Việt Nam Cộng-hoà mang đến cho ta sự hy vọng và niềm tin tưởng bừng sáng, nụ cười rộng mở, ước mong an bình, thư thái, ôn hòa, từng ngày, từng giờ, lẫn trong chung cuộc sớm kết thúc. Dù chắc chắc cuộc sống không hứa hẹn an thư dễ chịu chút nào.
Ngoài dãy hành lang của khu bệnh viện Đà Lạt, người người tới tấp tha bùn sình, bê bết đất đỏ bẩn thỉu lê vào trên thềm nhà thương, nền xi măng ướt nhẹp nước mưa bì bỏm, lủng bủng, tanh tanh. Chúng tôi không thể ngủ nhờ ở góc hành lang nầy như mấy ngày qua, nên gia đình tôi đành phải “làm mặt mo” xách chiếu mền lết bết, lội đồi cỏ trũng nước mưa băng qua đường Trần Bình Trọng, để xin vô ngủ nhờ. Vừa chân ướt chân ráo lọt vào được trong khu tầng hầm, tôi mệt mỏi đứng thẫn thờ nhìn quanh. Chưa tìm thấy có chỗ nào còn trống, thì hai cánh cửa lớn kiên cố dẫn vào hội trường sau lưng tôi bị ai đó đóng ập nhanh, khóa chặt. Người giữ chìa khóa đã lủi vào trốn núp trong nhà dòng. Ông ta chẳng bao giờ nở nụ cười thân thiện với người chung quanh, có lẽ do ông nhát hơn cáy! Hoặc không muốn chứa thêm người lạ, các bà sợ "bọn lạ" trà trộn vào ẩn nấp, sẽ thừa cơ hoạt động bí mật chăng?
Ba khu tầng lầu của nhà dòng Domain: tất cả cửa sổ nhà thờ có những bức ảnh kính màu thủy tinh trang trí hình tuyệt đẹp, đều vỡ nát, rơi loảng xoảng khắp mọi nơi, rơi xuống tận khu tầng hầm. Từ dưới mặt đất của tầng hầm khu Domain ngó lên hàng cửa kính, (cao khoảng chừng bốn mét), tường đá phẳng lì, không có thể với tay lên hàng cửa sổ nhỏ ở tít chóp trần trên cao. Dù mấy tay đàn ông cao lớn kia đã chồng chất hai cái bàn, họ hy vọng trèo lên đó, dáo dác nhìn ngó lung tung ra bên ngoài, thăm chừng. Người ta, nhất là tôi cảm thấy vô cùng hối hận, vì tại sao ta không tìm nơi thuận tiện; hay mình tự đào hầm đào hố ở nhà riêng, mà ẩn nấp cho an toàn? Hoặc trốn núp tại tư gia nhà ai có hầm hào kiên cố. Có phải là hơn không, mà dồn cục một chỗ đông người như kiến thế nầy. Mình tự chui vào cái hầm nhốt người kín bưng, to khổng lồ, chẳng khác chi tự đem thân vô cửa tử.
Dưới tầng hầm thì người đạo Thiên Chúa đang lâm râm đọc kinh cầu nguyện, sám hối, đấm ngực ăn năn tội thống thiết. Đạo Tin Lành úp mặt trên hai bàn tay, run rẩy đọc kinh thánh. Phật Giáo niệm Phật, tụng kinh cầu khẩn Đức Phật Thích Mô Ni Ca rất chân thành. Cao Đài, Hòa Hảo bi thiết gọi tên Trời Phật, gọi tên các giáo chủ. Trong nguy cơ bị hủy diệt tập thể thì lành ít dữ nhiều, người ta không phân biệt giàu nghèo, đảng phái, tôn giáo. Vì tôn giáo nào cũng khuyên con người hướng thiện, luôn làm lành lánh dữ, chia sẻ, dùm bọc, bác ái, yêu thương. Tôn giáo cũng như gia đình là nền tảng của xã hội: có nề nếp gia phong, có tôn ty trật tự, biết tôn trọng tự do và nhân phẩm. Giờ phút thập tử nhất sinh gần kề cửa tử thần, họ tự động mở rộng vòng tay thân ái, ngỏ hầu chia sẻ, tìm đến với nhau, mong vơi hận sầu, thân thiết ôm chặt nhau, tựa vào nhau vỗ về an ủi. Họ thành tâm khẩn cầu van vái xin bình an rót xuống mọi nơi, nồng nhiệt kêu xin ơn Trên hãy ra tay cứu giúp tất cả mọi người.
Bây giờ là mười hai giờ trưa, trên trời trực thăng luôn bay lượn ì ầm, loa phóng thanh liên tục gọi đồng bào nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp an toàn, vì tụ điểm giao chiến kịch liệt sẽ là chung quanh khu vực nhà thờ Domain de Marie. Ôi Trời ơi! Vậy chết là cái chắc rồi! Non giờ sau… Không thể tưởng tượng nỗi khi lựu đạn ì ì ầm ầm nổ, súng lớn, súng nhỏ rào rạo bay. Đạn vun vút vèo vèo bay xuống, bay lên, bay qua, bay lại: Đùng đùng đùng… Pằng pằng pằng… Róc róc róc… Ùm ùm ùm… Oằng ùm… bay tới tấp trên đỉnh đầu người dân đang ẩn nấp dưới tầng hầm cuả ngôi giáo đường kiên cố, ép lồng ngực mọi người như vỡ tan ra từng mãnh. Ngoài sân nhà thờ đã có tàn quân “Vi ci” nép bên hông trên nhà thờ đang cố tìm đường trốn chạy tháo thân về khu Số Bốn.
Thỉnh thoảng mấy tay Việt+ chĩa súng lên trời bắn vài chiếc phi cơ trực thăng, bắn lép tép cắt cắt… bụp bụp… xè xè… từng phát súng nhát gừng nổ vu vơ. Qua trần kính tôi thấy rõ trực thăng bay ầm ầm, tràng đại liên tóe lửa nổ rền rất to. Phi cơ lượn qua lượn lại vòng vòng quanh nóc nhà thờ Domain. Những viên xạ thủ đeo mặt nạ mặc áo giáp ngồi trên ghế chiã họng súng xuống đất, khạc từng tràng rocket róc róc róc… xíu xíu… xít xịt… Dù ban ngày mà toé lửa qua họng sung đỏ lòm, đạn vùn vụt bay xuống hông nhà thờ. Vô cùng chát tai rùng rợn kinh khủng! Thế là trong tầng hầm người ta đồng loạt nhốn nháo, hỗn độn, bừng bừng dâng cao nỗi lo sợ tột cùng: Già trẻ lớn bé đều rú to, kêu khóc inh ỏi, không chừa một ai. Tiếng la, khóc, gào, kêu cứu, rên rú, hét tướng lên to hết biết. Người ta dồn chặt cứng vào một góc chật như nêm, rồi đùn lại với nhau ở cuối tường hầm nhà đá. Họ dày xéo lên nhau, dẫm đạp lên nhau, bất kể người khác tắt thở, chết ngạt. Vài ngàn người dồn cục trong góc kẹt xó vách, họ đè nhau bẹp dí thành một đống, chồng chất lên nhau tại một chỗ. Người ta không còn liêm sĩ, chả cư xử nhã nhặn làm gì. Mặc xác! Người nào đang đứng ở bên ngoài, thì cố dằng kéo người đứng ở giữa ra, để họ chui tọt vào giữa đám đông mà ẩn nấp, cho an toàn chính thân, cần riêng bản thân ta an toàn thôi.
Nơi xó xỉnh ngột ngạt tối mờ khói thuốc súng, họ không muốn súng đạn nhìn thấy, chỉ cần súng đạn và Việt-cộng trên kia đừng nhìn thấy mình. Bản năng tự phát cần tự bảo vệ sinh tồn là điều tiên quyết, nếu có ai đối xử với đồng loại tàn nhẫn, có tỏ ra thô lỗ, hỗn loạn đến bàng hoàng, âu đó là tất nhiên, cũng đành. Mặc kệ. Ai ai cũng sợ súng đạn hơn cả mọi thứ trên đời! Là đủ. Lạy Trời xin tha thứ. Ấy thế mà súng đạn vô tình cứ bắn càng lúc càng rát bỏng, tai ù ù, điếc đặc. Rồi đạn cay, đạn ói, đạn khói, đạn mữa, khói thuốc súng, lựu đạn hoả mù tuông theo các khung cửa sổ bể tới tấp bay vào dưới tầng hầm. Tại tầng hầm nầy không có ngườI nào có kinh nghiệm trong chiến tranh để hướng dẫn, vã lại giờ nầy không ai chịu nghe ai chỉ huy, mạnh ai nấy bon chen, hầu mong sống còn với đời. Đoàn người ty nạn hỗn độn hết biết (như bầy gà vịt nhốn nháo, bay lung tung, kêu quang quác khi con sói đến cửa chuồng). Nước mắt nước mũi ai ai cũng chảy tùm lum tà la. Họ ói mửa nôn ọe, hỉ mũi sột sột lên đầu lên cổ nhau. Thật kinh khủng và kinh tởm vô cùng.
Tôi thật giận Lâm, vì hôm ấy tự dưng anh nổi sùng đấm bể một ô khung cửa kính làm chi, (khi anh không được mấy ông con mồ côi cuả mẹ dòng Bác Ái Mai Anh cho Lâm vô trong hầm trú ẩn), anh trét máu cục đông cứng trên miếng kính bể, còn đó; vô tình anh đã làm “đầu têu” làm gì, mà bây giờ mọi cửa kính cuả nhà dòng Domain đã vỡ toang, mùi khét cuốn theo chiều gió bay vào, càng hôi kinh khủng vậy!? Cạnh đống đồ đạc ngổn ngang trong tầng hầm có từng dòng máu tươi của ai đó trây trét bừa bãi; cũng do những bàn chân ai đó vừa đạp lên mãnh kính vỡ, họ tha lê lết đi khắp mọi xó, máu tươi loang ra, loang ra... trộn với nước đái và phân trẻ con ị vãi ra bừa bãi. Người ta lớn giọng la hét, tru hú, rú rên, khóc hụ hụ hụ từng cơn. Nghe rùng mình dựng đứng tóc gáy.
Bỗng cánh cửa chính (khu nhà hầm có hai lớp cửa sắt chắc chắn) là cửa ngoài của khu từng hầm bằng sắt dày cui, vừa bị ai đó gài mìn ở phía bên ngoài, đã nổ tung. Toà nhà thờ đồ sộ rung rinh, tiếng rền rền âm âm nghe rất hãi hùng, mái ngói nhô lên hụp xuống rêm rêm, gầm gừ tha hồ rớt xuống rào rạo, loảng xoảng. Gạch đá vôi vữa rơi rào rào, dường như ngôi nhà đồ sộ đang tự đào hố để chôn vùi tập thể dân lành di trú xuống đáy mồ!? Thế nhưng sao tôi thấy cánh cửa sắt trong lớp thứ hai nầy vẫn chưa chịu bung ra? Cảnh ồn ào huyên náo, càng sôi sục, nhốn nháo cồn cào, náo loạn gấp ngàn lần trước. Kinh khủng! Kinh khủng trầm trọng! Người ta lại dày xéo lên nhau, dẫm đạp lên nhau, lôi kéo, giành giựt chỗ trốn, nên họ húc bừa vào nhau. Họ xô nhau chạy qua bên góc tường phía trái của căn hầm, nơi chưa bị rớt gạch và ngói, có cánh cửa phụ. Cửa hông nầy cũng làm bằng sắt dày kín mít. Tự dưng họ lại ùn ùn kéo nhau chạy qua bên phải. Họ cứ huà nhau chạy qua, rồi ùn ùn chạy lại. Xô nhau chạy theo sau lưng nhau, bất kể đàn bà trẻ con ốm yếu chết ngạt dưới chân. Bất kể tiếng la khóc, gào thét vang lên chát chúa. Tôi nghe thật hãi hùng, rùng rợn như nghe con dê, con heo, con bò, con trâu, con cừu bị chọc tiết, đang trợn mắt le lưỡi, rống rú man dại trong khu lò mổ ở ba toa.
Gia đình tôi (và mấy gia đình bạn cùng xóm) biết khôn hơn, chúng tôi không chen lấn đến chỗ đông người, nhưng trong lòng cảm thấy rất ân hận, vì mấy mẹ con tôi hôm nay xui rủi làm sao, tự dưng lại chui vào ẩn núp trong hầm nầy. Sao tôi không đi qua trú nhờ trong hành lang khu bệnh viện như mấy ngày trước hỉ!? Thế mới đau khổ. Chúng tôi ngồi bệt dưới gầm bàn, lỏ hai con mắt ra thật to, miệng há hốc, hai hàm răng va vô nhau lộp cộp, hai đầu gối nhịp nhàng run rẩy, mà thấp thỏm nhìn người đàn ông đang nhảy lên bàn để đánh trống, tiếng trống dù làm chúng tôi điếc tai nhức óc và choáng váng. Nhưng chúng tôi tránh được cảnh tượng xô đẩy vùi dập nhau đằng kia vô cùng dã man và ác ôn. Đó là người đàn ông trung niên sĩ khí dáng vóc khỏe mạnh, mặc áo sọc xanh, quần tây đen, dù qua nhiều đêm âu lo thức trắng, mái tóc nhuốm bạc. Ông ta thấy cảnh xô xát cuồng nộ thật đáng xấu hổ, nên ông ta bèn nhảy lên mấy cái bàn gỗ chất đầy ghế dựa. Ông ta cầm trên tay một cái vồ, và đánh rất mạnh vào chiếc trống trường học đang treo lơ lửng trên đà ngang. Tiếng trống nghe rất tức ngực và điếc con ráy. Mọi người đứng ở góc tường quay lại, trợn mắt, im bặt, lo sợ rợn tóc gáy, sửng sốt ngó quanh. Họ không biết chuyện gì xảy ra. Ở đâu? Ông ta kêu gọi mọi người cố giữ trật tự, im lặng ngồi xuống tại chỗ, không ồn ào chen lấn. Ông giải thích về sự lâm nguy:
- Việt-cộng đang đứng rải rác trên sân nhà thờ. Tui đã thấy có người chết cháy đen thùi lùi ở trển. Khi qúy ông bà anh chị em ở trong khu hầm trú nầy dồn nén xô đẩy, dẫm đạp lên nhau, ồn ào. Ta không nghe được động tĩnh bên ngoài kia, thì chẳng khác nào: "lạy ông tui ở bụi nầy", sẽ tạo cơ hội thuận tiện cho Việt-cộng đã đứng trên sân nhà thờ, họ sẽ phá một cánh cửa nữa, là tràn vào đây. Họ sẽ lấy dân làm bình phong mà đỡ đạn. Thì chết hết cả đám.
Nghe thế, mọi người càng nhốn nháo, xì xào, dáo dác, tiếng ồn ào đồng loạt rộ to. Bỗng im bặt như ngọn đèn dầu phụt tắt trước gió. Mặt mày ai nấy xanh lè, tay chân run rẩy, họ cố bám bíu vào nhau… lết nhè nhẹ đến gần chỗ khuất kín hơn, và im thin thít. Khi đó, tôi nghe bên dãy nhà của các mẹ dòng có những đọc đoạn kinh lạy cha, rồi nhiều tiếng hát nhạc thánh ca cầu xin bình an vang lên. Sự im lặng bao trùm cả căn hầm kéo dài dường như rất lâu, lâu lắm.
Hai giờ chiều, lính Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Thuỷ Quân Lục Chiến mặc quân phục, chân đi giày botte de saut, đầu đội nón sắt, lưng đeo đầy đạn, ngực móc hai quả lựu đạn. Họ mang súng máy lên đạn trên nòng, lăm le chĩa mũi súng về đằng trước, ngón trỏ đặt trong nòng. Đoàn quân nhanh chóng leo lên từ hướng nhà Thương, từ hướng Mai Hắc Đế, đường Hai Bà Trưng và Ngô Quyền. Họ tràn lên khu đồi Domain, chia ra bọc hết toàn diện khuôn viên nhà thờ Domain. Sau cùng họ vào hầm trú đang chứa lương dân. Những người lính đi một vòng lục soát mọi cửa nẽo, ngỏ ngách, xó xỉnh. Rồi lính giàn ra thành hai hàng ngang, một toán lính khác sung vẫn chỉa về hướng chúng tôi, bạn của họ cấp tốc cứu nguy những người bị thương, chết nghẹt, hoặc đã chết. Họ làm việc gọn gàng và nhanh thoăn thoắt.
Tất cả dân chúng ở trong căn hầm nầy đều im phăng phắc. Chả bù cho lúc nãy căn hầm ồn ào muốn đinh tai nhức óc. Vị sĩ quan chỉ huy dõng dạc kêu từng gia đình ở trong hầm hãy xếp thành hàng dọc, từ từ từng tốp một, từng người bước chầm chậm ra ở ngoài khu chỗ trống, ngay tại trong tầng hầm của nhà thờ. Khi vị sĩ quan đã đếm tất cả đầu người trong hầm xong, ông ta bảo cánh đàn ông, thanh niên, thiếu nữ, tuần tự đi qua bên góc trái căn hầm. Từng người một riu ríu trình báo giấy tờ tuỳ thân, thì làm ơn vui lòng lấy hai tay đan lại, giơ cao để trên đầu, tay ôm ra sau cổ. Ông già bà lão lụm khụm và trẻ con: thì đứng qua bên phía phải, theo hướng chỉ của anh lính phụ tá. Lính yêu cầu những đàn ông trai tráng nam nữ và đàn bà không có con thơ bận rộn ở trong hầm của nhà thờ, sau khi trình diện, từng người một đi ra khỏi tầng hầm của khu nhà thờ Domain.
Đồng bào đông đúc đi giữa hai hàng quân lính nghiêm trang đứng bồng súng gác ở ngoài sân. Mọi người tay xách tay mang. Tay bế tay bồng. Họ lục tục ríu rít và trật tự kéo nhau ra cửa. Họ chạy xuống ngồi bên cạnh hang đá Đức Mẹ. Hoặc dân bò từ từ xuống chân nhà thờ, lủi nhanh về hướng Cẩm Đô. Họ chạy qua lối bệnh viện Đà Lạt. Một tay bế con trai Tuấn ba tháng tuổi, khuỷu tay tôi lại kẹp chặt cánh tay bé Dzũng lôi con xềnh xệch theo mình!?: ba mẹ con chạy ra ngoài sân sao nhanh đến thế!. Quả thật tôi tự khen tôi tài tình khi quắp hai đứa con nhỏ vào lòng, và cả "gánh” thức ăn, đồ dùng nữa. Từ trên dốc đồi cỏ Domain cao gần như thẳng đứng, tôi ngồi thụp xuống, hai chân chuồi thẳng về trước, lăn như khúc cây tròn.
Trước khi tuột dốc, đầu tôi trùm khăn, tôi mặc hết ba bộ đồ, với áo len lông xù, áo manteau, nên mới thoạt nhìn ai cũng có thể nghĩ là tôi mập ú tét. Toàn thân tôi toát mồ hôi hột giữa nắng xế oi ả, (nhưng tôi lạnh run vì sợ hãi). Chân tôi mang bít tất, chiếc giày thấp run lẩy bẩy trong cổ chân. Còn chiếc kia bay mất lúc nào không rõ. Tôi mặc cả thảy năm chiếc quần mỏng, bị vướng móc vào thép gai, đã rách toạt ra tự bao giờ không biết. Khi cùng những người khác ngồi yên ổn dưới hang đá, lúc đó tôi cảm thấy đau nhức rần rần ở hai mông. Rờ tay vào, tôi mới biết là mông tôi bị chảy máu khá nhiều. Một bàn chân rơi mất chiếc giày, tôi đã đạp lên xác chết ở trên sân nhà thờ. Chiếc tất trắng nõn dính đầy máu tươi. Ui trời ơi! Tôi sợ mất hồn, mất vía. Tôi đã thấy hai xác người trợn mắt phơi thây lúc nãy mà. Có một ông co quắp. Một ông nằm ngửa tênh hênh trên vũng máu. Chiếc áo màu cải úa chỗ thâm đỏ, chỗ tím bầm. Khô đọng. Ruồi bu đen nghịt trên thân thể họ. Cạnh đấy có hai cây khiêng bằng tầm dông luồng qua lớp võng vải bố, (loại vải bố của bao gạo). Họ dùng mấy thứ nầy làm đòn tải thương. Có lẽ khi vừa đến đây họ bị đại liên trên trực thăng nả cho, nên chết tươi.
Bà nội (của các con tôi), mặt mày hốc hác, bà đờ đẫn, mắt đã lạc thần. Bà muốn chết đứng, tay chân bà lắc lư đung đưa run rẩy như cầy sấy. Tay bà ôm bình thủy đựng đầy nước sôi, bà chạy theo đoàn người sơ tán. Chiếc bình thủy vỏ mây mà bà đang ôm trên ngực, bị bể tan, nước sôi chảy ra, hơi nóng bốc lên từ đám cỏ hoa vàng không tên, tàn úa héo dần. Ấy vậy, thật may mắn vì bà không bị phỏng nước sôi. Bà sợ Việt-cộng kinh khủng. Sợ quá chừng! Bà đã bỏ quê hương tận ngoài miền Bắc, bỏ làng xóm thân quyến, bà vất hết của cải, bà chạy bán sống thừa chết từ Bắc vào Nam. Bà trốn tránh họ bao năm nay, bà sống hiu hiu mong an vui nhàn hạ đôi chút cho qua kiếp già:
“Tân niên vạn phúc bình an đến.
Xuân nhật vinh hoa, phú quý lai”,
cho khỏi bỏ những ngày lao đao lận đận nơi quê xưa. Bà tưởng thoát nạn, tưởng đã yên ổn tấm thân còm, bà sẽ hạnh phúc nhờ “phước thâm tự hải, lộc cao như sơn”, do ông cha cố tổ của bà ưu ái để lại. Nào ngờ... giờ đây họ đùng đùng xách súng đến bên đít, đuổi bà vắt giò lên cổ mà chạy có cờ! Bà ngồi thụp xuống đất, giống như em bé lên sáu tuổi chơi trò cầu tuột. Bà xoạt hai chân lướt phom phom trên đồi cỏ. Bà bị té nhào hai ba vòng, đầu bù tóc rối xổ ra dài lết thết trên đất cỏ. Tôi sợ thắt họng, tưởng bà sẽ bị u đầu bể trán chảy máu, hay ít ra cũng gãy cần cổ, lặt lìa lặt lọi tay chân. Thế mà bà tỉnh bơ không việc gì. Bà chỉ hốt hoảng dáo dác nhìn quanh, đau khổ lo sợ tột cùng, không sao chịu thấu:
“Sông sâu có thể bắc cầu.
Lòng người nham hiểm, biết đâu mà mò”.
Vì, “Thà rằng chả biết cho xong.
Biết ra, như xúc, như đong lấy sầu”.
Bà than như thế! Tôi phải kính phục bà mẹ chồng vô biên, vì bà thuộc về lớp người từ đầu thế kỷ thứ 19, ở nơi vùng quê Hưng Hiền tận ngoài Yên Mô miền Bắc, thuở xưa ấy ông bà cố đã cho bà đi học chữ quốc ngữ. Bà viết chữ thông thạo, đọc chữ làu làu, đúng là mẹ chồng tôi được đi học có “văn hay chữ tốt”. Bà nói những câu văn hoa tinh tế. Nhất là bà hát những câu ca đồng dao, quan họ trữ tình luyến nhớ quê hương, thì hay hết biết. Sau khi bà cháu mẹ con chúng tôi an toàn tuột dốc Domain De Marie nầy cùng đồng bào trong Thị-Xã Đà Lạt bị dồn vào ngỏ cụt không lối thoát. Tôi và họ cũng bỏ lại sau lưng những gì quý giá nhất, hầu thoát thân mưu cuộc sống còn. Dù cùng cực đắng cay, lo toan, đớn hèn, đau khổ đối mặt với nỗi cô quạnh muộn phiền bất ngờ không lường trước được, hãi hùng giữa cuộc đời muôn mặt. Nhưng xin cám ơn Trời đã cho thoát khỏi nanh vuốt cái người tôi không muốn xác nhận, mà đành phải coi như quân thù.
Nếu không lầm, thì hơn ba tuần sau ngày bé Tuấn biết lật, Quân đoàn II gởi một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân. Tiểu Ðoàn của Trung Ðoàn 53 Bộ Binh tăng cường cho Thị-xã Ðà Lạt, để tiêu diệt tàn quân Việt Cộng ẩn nấp trong Khu Số 4. Khu số 6. Tùng Lâm, v.v… Kể từ sau vụ “càng quét” đó, mọi người đã yên ổn bình an. Toàn dân ở Đà Lạt Tuyên Đức nói chung, và riêng khu xóm cùng gia đình tôi nói riêng trân trọng cám ơn qúy quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hoà.
Tình Hoài Hương
Subscribe to:
Posts (Atom)
Blog Archive
-
▼
2018
(1940)
-
▼
February
(85)
- Nha Trang: Dân TQ Mua Nhà, Mua Doanh Nghiep Ở Tràn...
- Tuổi Chó Tuổi Mèo Đoàn Thị Anh Tín, anh hàn...
- Cuối tháng Hai bi thương huyết lệ Tình Hoài H...
- Con trai Mục sư Tôn ‘nói thay cha’ tại Thượng đỉn...
- Nỗi Lòng Người Vợ Lính H.O. Chú Chín Cali ...
- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã qua đời Theo tin t...
- CÔNG TỐ MUELLER CHƠI TRÒ GÌ?Vũ Linh Công tố Robert...
- Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình – Cùng số nhưng khá...
- Tạ Phong Tần: Nhắn ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày)...
- Tâm Sự Ngày Xuân Song Lam Tác giả đã nhận...
- Mậu Thân Năm Xưa Trương Ngọc Bảo Xuân Anh...
- Xâu chuỗi Mân Côi Viết lại để nhớ hai chị Hoài...
- Mùa Xuân Thần Thoại Nguyễn Thị Thêm/sour...
- Ông Dương Trần Năng Khiếu Ông tên là Trần v...
- Nhặt Tiếng Chim Rơi Phan Anh bạn lớn hơn tôi ...
- Tổ chức đánh bạc ở Little Saigon Hình chụp bên ...
- PHÁT HIỆN ĐÁNG KINH NGẠC Có thể bạn chưa tin...
- Một Giao Thừa trong đời Vương Mộng Long Trạ...
- Hái lộc đầu năm Phi Trang Cảnh vật giao hòa...
- Bắt Chước Người Việt Nam Thanh Mai
- PHIM "ILE DE LUMIÈRE" ...
- Đoc lại lá thư của Hoàng Phủ Ngọc Tường LÊ CÔN...
- Tình Xuân Phùng Annie Kim
- Chuyện vui ngày Valentine. 1- Anh thủ thỉ ...
- Câu chuyện về một nữ quân nhân và một lời cám ơn...
- Chùa thiêng Tây Tạng chìm trong lửa BBC Lửa bùng...
- Mừng Năm Mậu Tuất: Chó và Người Lê Nguyễn Hằ...
- Lời nói dối của Barack Obama và sự cuồng tín nguy ...
- Mùa Xuân Đến Muộn Chuyện bắt đầu vào những nă...
- Ăn Tết Nguyễn Thị Thêm Không biết từ ngữ...
- Hannity Fox News về truy tố Nga: “Chính quyền Obam...
- Đêm Giao Thừa, Theo Má Đi Chùa Bà Dong Trinh...
- Xuất Hành Đầu Năm
- Ai thuê Arthur Kelekolio – “Contract Killer” giết ...
- “GIÀ KHÚ ĐẾ!” Bs Đỗ Hồng Ngọc Ghi chú : Có bạn trá...
- TT Trump nói về tình yêu Thiên Chúa hùng hồn như m...
- Thảm sát 1968: Hoàng Phủ Ngọc Tường chửi Mỹ Ngụy s...
- Hoàng Phủ Ngọc Tường sắp chết vẫn nói dối BS Tr...
- Hiện tượng Donald Trump Nguyễn Thùy Ghi chú c...
- Công Việc Cho Người Việt Hồ Nguyễn Hôm rồ...
- Hương Xuân Gợi Nhớ Orchid Thanh Lê
- EM VẪN ĐỢI MÙA XUÂN Kiêm Ái “Ai lên xứ hoa đào...
- ĐIỀU TRA NGA TỚI ĐÂU RỒI? Vũ Linh Cách đây 9...
- "Tiến Thoái Lưỡng Nan" băng đảng Việt Tân
- Hoa Kỳ: thân phận người nghèo trong một nước giàu!...
- Cà phê và má tui Mấy hôm nay lang thang ở quá...
- LUẬT SƯ LÊ ĐÌNH HỒ: SINH NGHỀ TỬ NGHIỆP? Buổi...
- Những công trình của người Nhật Bản xưa không cần...
- SỰ TRUNG THỰC VÀ LÒNG TỰ TRỌNG TRONG XÃ HỘI HIỆN ...
- Trưởng ban VOA Việt ngữ hay an ninh cộng sản?
- Tình báo viên FBI chứng thật bà Loretta Lynch áp...
- 10 công dụng của aspirin Aspirin không chỉ được sử...
- Vì sao người xưa nói: Mọi bệnh tật đều khởi phát t...
- Người Xây Lò Nguyễn Thụy Long Nhà vă...
- “Chứng cứ về thiê...
- Những Ngày Cuối Năm Ở Chiêu Nam Đảo Quê nhà x...
- Một chút hương Xuân Kiêm Ái Vừa qua khỏi cầu Trư...
- Mãn nhãn với bộ tranh thiết kế thời trang thể hiệ...
- "Đào hoa là do hoàn cảnh đưa đến" (Báo Xuân Người ...
- Bạn cẩn thận, đừng chụp hình ở những điểm đến dướ...
- Nay là Việt Mới nực cười lắm thay February 4...
- 9 Kiểu Người Tưởng Dại Dột Nhưng Thực Ra Lại Là Th...
- Công Chúa Triều Nguyễn Minh Nguyệt Graves ...
- BS Vũ Ngọc Tấn chống LS Lê Đình Hồ Bs. Trần Văn ...
- Cuộc Tình Đã Lỡ Hương Trần Vào một chiều ...
- “Đó là lỗi của ta” Con người thường không chịu...
- TỪ RUSSELL TICE, EDWARD SNOWDEN ĐẾN BẢN GHI CHÉP C...
- Cuộc “SĂN PHÙ THỦY” của ông Mueller phải chấm dứt ...
- 15 năm thành lập Xe đò Long Thành: Cà Mau, Long Th...
- Con Gà Chọi và Ước Mơ Đi Mỹ Phùng Annie Kim ...
- Nhà đấu tranh dân chủ Hong Kong được đề cử Nobel...
- WHEY PROTEIN CHO NGƯỜI CAO TUỔI - BS PHẠM HIẾU L...
- MỘT GIAI THOẠI NHỎ, MỘT BÀI HỌC LỚNTừ ThứcVăn phòn...
- Đảng Dân chủ vạch kế hoạch 16 năm hủy hoại nước Mỹ...
- Tiếng Sét Ái Tình - Truyện ngắn. Hồ Thụy Mỹ Hạ...
- Ðêm Giao Thừa Của Những Người Lính Mất Nước
- Bắc Cali: Bắt Nhóm 9 Người Trộm 2,000 Laptop Chở V...
- PHỐ HỘI CỦA TÔI ...
- TÔI VÀ HUẾ Kiêm Ái Tôi không phải người Huế, t...
- Hồng y Hongkong cáo buộc Vatican ‘bán đứng’ giáo d...
- Ba điều sướng nhất? Ngày xưa, có ông lão cứ vui cư...
- SINH - LÃO - BỆNH - TỬ là Quy Luật Của Đời Người. ...
- Tuyên truyền chống Nhà nước, bác sĩ đa khoa lãnh 4...
- Nguyễn Văn Đông & Một Thoáng Xuân Phai ...
- Mậu Thân 1968: Sức mạnh của một bức ảnh Hai ng...
-
▼
February
(85)