TÌM GẶP BÓNG PHƯỢNG HOÀNG CUỐI CÙNG.
Cuộc nói chuyện với anh Nguyễn Trung Vinh, tay trống của ban nhạc Phượng Hoàng, đã giúp xác định thêm vài chi tiết rất đáng quý cho lịch sử nhạc trẻ Việt Nam trước năm 1975.
Chủ trương chơi nhạc trẻ Việt hóa là khởi động từ suy nghĩ của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và sau đó bắt gặp một người sáng tác đồng điệu với khuynh hướng đó, là Lê Hựu Hà. Những buổi tập đầu tiên của ban Phượng Hoàng đã diễn ra tại nhà của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang tại đường Trương Minh Giảng, nay là đường Lê Văn Sỹ, quận 3, Đô thành Saigon.
Cần một tay chơi trống có đủ chất nhạc trẻ, Nguyễn Trung Cang đi tìm Nguyễn Trung Vinh để mời vào chơi với ban nhạc. Lúc đó dù đang đánh trống kiếm sống ở nhà hàng Arc En Ciel (quận 5) nhưng Nguyễn Trung Vinh quyết định tham gia vì quá thích kiểu chơi mới này.
Dù Nguyễn Trung Cang và Nguyễn Trung Vinh có cùng họ và tên đệm, khiến cho nhiều người nghĩ đó là hai anh em, nhưng thực ra, họ hoàn toàn không có họ hàng gì cả.
Ban nhạc Phượng Hoàng tập với nhau trong vòng vài tuần, thử qua nhiều ca sĩ nhưng đều không thích hợp (bạn bè cùng trường cho đến Thanh Lan, Duy Quang...) nhưng chưa có ai đủ lực để thể hiện những bài hát của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang. Chính Nguyễn Trung Vinh là người giới thiệu ca sĩ Elvis Phương để tập thử (cả hai quen biết nhau vì đều học chung trường Lasan Taberd). Ngay từ lần ráp với nhau đầu tiên, tất cả mọi người đều cùng xác nhận rằng Elvis Phương chính là mảnh ghép cuối cùng cho Phượng Hoàng cất cánh.
Bài hát đầu tiên mà nhóm Phượng Hoàng bắt đầu tập với nhau để trình diễn, là bài Tôi Muốn của nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Điều này lại càng khẳng định rõ hơn ý chí quyết tâm đi con đường nhạc trẻ Việt hóa của nhóm Phượng Hoàng, chứ không như nhiều ban nhạc ở Sài Gòn lúc đó thường phải pha trộn những bài hát của Mỹ và Pháp trong chương trình biểu diễn của mình. Việc chọn bài hát của Lê Hựu Hà là bài đầu tiên để tập, cũng cho thấy tính cách rất đàn anh của Nguyễn Trung Cang.
Chi tiết cuối cùng cho thấy, những thành viên trong ban nhạc Phượng Hoàng sau năm 1975 phần lớn đều rơi vào nghèo khổ, bế tắc con đường sáng tác và biểu diễn bởi xã hội mới và chế độ kiểm duyệt.
Với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, theo lời của người mẹ kể lại, thì đã bệnh mà chết do một điều đơn giản là anh bị cảm nặng, mà ở nhà không còn đồng nào để mua thuốc.
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà thì càng về sau, càng bị trầm uất nặng với thời thế và cuộc đời riêng. Anh trở về nhà vào một tối khuya và chết lặng lẽ, đến mấy ngày sau mới có người biết đến.
Nhạc sĩ Nguyễn Trung Vinh sau khi đi học tập về (vì là lính nhảy dù VNCH) thì kể từ đó lang thang rày đây mai đó, không biết làm gì để sống. Có giai đoạn anh được nhạc sĩ Mặc Thế Nhân cưu mang và suýt nữa đã đi tu. Ở tuổi 45, khi có gia đình lần 2, ông thử làm qua nhiều nghề nhưng thất bại, bao gồm cả đi bán vé số và lơ ngơ bị gạt tiền, lỗ vốn. Cho đến hôm nay, trên 70 tuổi ông và vợ vẫn ở căn phòng chưa đến 16m2 thuê tại Lái Thiêu, với sự tương trợ của xóm giềng. Điều thú vị là người vợ hiện nay của Nguyễn Trung Vinh cũng là quân nhân VNCH, trước đây bà làm thư ký tại Bộ Tổng Tham mưu.
-------
Ghé đến thăm sau chuyến của nhà thơ Lý Đợi, gởi ít quà để cho vợ chồng anh Nguyễn Trung Vinh ăn Tết Tân Sửu, nhưng khi tận mắt chứng kiến mới thấy, tất cả chỉ là muối bỏ biển với một đời người đã quá đỗi nhọc nhằn.
Vì vậy sau bài viết này, nếu quý anh chị nào có lòng tương trợ xin nhắn tin riêng để lấy cách liên lạc, nhằm quý vị có thể tận tay giúp đỡ. Trên những bức ảnh để trên FB, chỉ có thể thấy nụ cười tượng hình của đôi vợ chồng già đang đùm bọc đi về ngày tháng tận, nhưng nếu có dịp đến tận nơi các anh chị sẽ thấy được những giọt nước mắt vui mừng đầy cảm động của những người Saigon năm tháng cũ.
* đánh dấu trong ảnh cũ, là nhạc sĩ Nguyễn Trung Vinh thời trẻ, lúc ấy ông 31 tuổi.
No comments:
Post a Comment