Tuesday, February 13, 2024

Phiếm

Nam Du buổi sáng. Cảnh quan cũng đắt giá đó chớ. Nhưng không đắt bằng Sơn Trà (Đà Nẵng). Tại sao?

Tại vì, tôi nghĩ, giá trị của một thực thể hay đối tượng nó gắn liền với một thực thể khác. Cái đồng hồ Rolex, nếu là thường dân đeo, nó chỉ chừng x đôla; nhưng nếu nó là từng là tài sản của vua Bảo Đại thì giá trị sẽ gấp trăm ngàn x đôla. Đó là hiện tượng ‘gắn bó’; cái này phải đi với cái kia (và ‘cái kia’ nổi tiếng) thì ‘cái này’ mới tăng giá trị.

Năm 2017 bức tranh nổi tiếng Christ (về Chúa Jesus) được bán với giá 450 triệu USD. Nhưng lần bán trước đó vào năm 2005, bức tranh đó trị giá chỉ … 10,000 USD. Điều gì giải thích cho sự gia tăng giá trị của bức tranh? Trước đó và cho đến năm 2005, người ta nghĩ rằng tác giả của bức tranh là học trò của danh hoạ Leonardo da Vinci, thế nhưng sau này thì qua đánh giá khoa học người ta mới biết tác giả là Leonardo da Vinci. Đó chính là ly' do giải thích tại sao bức tranh có giá trị cao như thế.

Tương tự, nếu cái khách sạn địa phương này gắn cái tên (ví dụ như) Sheraton, Intercontinental, hay đại loại như vậy, thì cái quang cảnh này sẽ rất mắc tiền. Và, lúc đó nó sẽ không còn là nơi cho người địa phương, cho tôi và cho các bạn.

Kinh nghiệm ở Phú Quốc cho thấy cái mô hình phát triển kiểu Pattaya bên Thái Lan đã là một thảm hoạ. Người địa phương đã ‘mất’ Phú Quốc. Tôi cũng đã mất Phú Quốc. Những người đi mở mang và gìn giữ Phú Quốc ngày xưa (và cả gần đây) chắc không bao giờ nghĩ tới cái tình cảnh ngày nay.

Trên khắp đất nước này, tôi nghĩ nhiều người cũng có cảm giác như tôi: bê tông hoá và qui hoạch kiểu chụp giựt đã làm chúng ta mất nhiều địa phương. Tôi đi từ Bà Rịa, Phan Thiết, Nha Trang, tới Đà Nẵng, người địa phương đều lắc đầu ngao ngán. Sau vài năm ‘phát triển’ với khách sạn có sao mọc lên như nấm, người địa phương cũng nhận ra mình đã mất. May ra chỉ còn Hội An. Hi vọng rằng Nam Du sẽ không là một phiên bản thứ hai của Phú Quốc.

Thành ra, tôi lại thích nó cứ là Nam Du, là Củ Tron hơn. Chỉ cần cải tiến dịch vụ và … vệ sinh. Hãy cứ là hương đồng gió biển của Củ Tron

Nguyen Tuan


No comments:

Blog Archive