Tết Ơi! Thôi Hết Rồi!
Tết Nguyên Đán lại về đây trên xứ người. Bốn mươi ba năm đã trôi qua ở nước Úc là bốn mươi ba cái Tết tha hương vô vị buồn tênh, gượng gạo chẳng mang đến cho tôi chút náo nức hân hoan nào như những cái Tết xa xưa nơi quê cha đất tổ bên kia bờ đại dương.
Quê người chẳng có ngày xuân
Chẳng hương hơi Tết, chẳng xuân trong lòng
Cách ngăn cả một biển đông
Quê hương bỏ lại, xuân hồng chẳng sang
Thương về xuân cũ bẽ bàng
Thiêng liêng truyền thống son vàng đã xa
Từ ngày bỏ xứ ra đi, Tết đối với tôi chỉ còn là hoài niệm.Tôi không còn cảm nhận được nữa cái không khí thiêng liêng ngày Tết dù rằng ở các chợ Việt Nam, người đi tấp nập đông vui, các tiệm buôn chưng đầy quà Tết như bao lì xì, những phong pháo tiểu pháo đại dài thườn thượt hứa hẹn cho một cái Tết tưng bừng, phấn khích. Bánh mứt trái cây đủ loại, bánh tét bánh chưng bánh tổ ê hề chẳng khác gì ở VN, và những chậu thược dược tím, đỏ, hồng, cúc vạn thọ vàng hực sáng rỡ như tươi cười mời mọc người mua.
Thêm vào đó, cộng đồng Người Việt Tự Do năm nào cũng tổ chức ba ngày hội chợ Tết với những biểu tượng tình tự dân tộc thân quen. Cây nêu trước cổng tam quan được treo đầy những dây pháo đỏ và những câu đối mừng xuân đầy ý nghĩa. Hai bên là những chậu hoa mai hoa đào, dấu chỉ ngày xuân không thể thiếu nhưng tiếc thay đây chỉ là hoa nylon hoa giả mà thôi chớ làm sao tìm được một cành mai bằng xương bằng thịt với dáng vẻ yêu kiều thanh thoát, tiêu biểu cho mùa xuân phương nam hiền hòa nhân bản.
Lễ hội thường bắt đầu bằng một màn múa lân ngoạn mục sôi động đầy khí thế trước khi mở ra những tiết mục đặc sắc vui chơi như ca múa hát hò, đố vui có thưởng, những trò chơi dân gian thú vị như kêu loto, lắc xí ngầu và những trò chơi hào hứng cho trẻ con. Ẩm thực thì có những gian hàng bán thức ăn truyền thống ba miền đủ mùi vị đặc trưng gợi thèm hấp dẫn khách du xuân.
Chùa chiền cũng nườm nượp bá tánh vào ra, khói hương nghi ngút, kẻ hái lộc đầu xuân, người thì xin xăm gieo quẻ, xem bói đoán vận mạng tương lai...
Nhưng tất cả những hoạt cảnh đó đối với tôi như một vở tuồng trên sân khấu mà mỗi năm cộng đồng người Việt đều diễn lại một lần để nhớ về nguồn cội, giữ gìn truyền thống quê hương sưởi ấm lòng người xa xứ. Mà tuồng tích thì chỉ là mua vui và nhắc nhớ chớ không có hồn, cái hồn thiêng liêng trang trọng của ngày Tết Nguyên Đán khi xưa mà chỉ người trong cảnh mới cảm nhận được thôi.
Giờ đây biết tìm đâu nữa cái cảm giác nôn nao háo hức của những ngày cận tết sắm sửa trang hoàng nhà cửa đón xuân và làm bánh mứt, dưa chua, thịt đông, nấu cổ chuẩn bị cho ba ngày tết đãi đằng lối xóm bà con.
Còn đâu nữa đêm ba mươi bên mâm cúng giao thừa hương trầm thoang thoảng, cả gia đình quây quần đón đợi cái giây phút giao mùa thiêng liêng vỡ òa năm mới trong tiếng pháo đì đùng nổ dòn vang vọng khắp nơi nơi, tiếng pháo tống cựu nghinh tân, xua đi những tai ương xui xẻo của năm cũ để đón về một năm mới tinh khôi tràn đầy phước lộc ơn trời. Và đâu đó trong những ngôi chùa hay giáo đường, các thầy các cha gióng chuông cầu kinh tụng niệm, cầu cho nước Việt thôi hết tương tàn cho quốc thái dân an, để người lính chiến sum họp gia đình, nhà nhà yên vui hạnh phúc.
Rồi sáng mùng một, ngủ dậy, cả nhà ai cũng diện vào bộ đồ mới, mở cassette nghe bản nhạc Câu Chuyện Đầu Năm
"Trên đường đi lễ xuân đầu năm, Qua một năm ruột rối tơ tằm.
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong, May nhiều rủi ít ngóng trông, Vui cùng pháo đỏ rượu hồng..."
mà nghe lòng lâng lâng phơi phới yêu đời yêu người và tràn đầy hy vọng ở tương lai. Trước nhất chúng tôi mừng tuổi ba má, chúc ba má an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, gia đình êm ấm. Ba má lì xì cho chị em chúng tôi, cả ông xả tôi là con rể cũng được lì xì lấy hên năm mới.
Sau đó chúng tôi theo ba má xuất hành đi mừng tuổi ông bà nội đang sống chung với chú thiếm. Trên đường đi, đâu đâu cũng nghe rộn rã tiếng cười tiếng nói vui vẻ, thăm hỏi, chúc tụng nhau toàn những sự lành. Bận về, ghé nhà bà Dì Ba, chị của má, chúc tết và ở lại ăn trưa với gia đình Dì. Dì chiên bánh củ cải cho ăn với dưa món và thịt đông của Dì làm. Mấy ngày Tết, nhà nào cũng dự trữ đầy ắp thức ăn với niềm tin là trọn năm sẽ được cái huông sung túc dư ăn dư để. Do đó ai mời thì cứ ăn không sợ thiếu.
Qua mùng hai, vài ông bạn làm ăn của ba tới nhà chúc Tết. Má chiên bánh tét, bánh phồng, làm dĩa tôm khô củ kiệu, cắt giò thủ ra dọn lên cho mấy ổng nhâm nhi nói chuyện trời trăng mây gió hỉ hả vui cười. Ngày tư ngày tết dù có phiền muộn lo lắng chi chi, ai ai cũng dẹp qua một bên để tạo cho mình một bộ mặt thư thái tươi vui đối với mọi người để cả năm luôn được hanh thông may mắn, thuận gió xuôi buồm.
Ông xã tôi là thầy giáo, trước khi nghỉ tết, đám học sinh lớp 11 và 12 đã nói trước là tụi em sẽ tới thăm thầy để được lì xì dù rằng tụi em không còn bé nữa. Vì vậy, chúng tôi phải chuẩn bị một số tiền giấy 5 đồng để sẵn trong các phong bao đỏ.
Và các em đã tới thật, hết tốp này đến tốp khác, tôi đem bánh mứt hạt dưa, nước ngọt ân cần mời các em. Thầy trò chuyện trò rôm rả như pháo tết và ai ai cũng vui...như tết, ngồi mãi không muốn về. Tình thầy trò ngày xưa sao mà gần gũi thân thiết quá đổi.
Đã hết rồi những cái Tết xưa thiêng liêng đẹp như huyền thoại mà giờ đây đã trở thành cổ tích. Tết đã chết trong tôi như một người bạn thiết đã qua đời. Rất thương rất nhớ nhưng không làm sao còn gặp lại nữa ở cõi đời này, nhớ thương chỉ biết ngậm ngùi tưởng niệm mà thôi. Hơn nữa nhiều khi tết rơi vào ngày trong tuần, cả nước ai ai cũng đi làm, tết mình chớ đâu phải tết chung của cả quốc gia, riêng mình ăn tết hỏi sao không thấy chơ vơ lạc lõng bẽ bàng.
Và rồi đây khi thế hệ chúng ta nằm xuống hết, Tết đối với thế hệ con cháu sinh ra ở Mỹ, Canada, Pháp hay Úc biết có còn ai nhớ tới hay sẽ lùi vào dĩ vãng, khép lại một thời vàng son thuở thái bình thạnh trị chưa thấy bóng cộng quân giặc thù.
Nước mất nhà tan lưu vong xứ người, còn gì nữa mà Tết với xuân!! Tết ơi! Thôi hết rồi...
Xuân xưa cả một quốc gia
Tết này riêng chỉ mình ta cộng đồng
Lạc loài xuân chẳng ấm nồng
Bồi hồi quê cũ chạnh lòng tết xưa…
No comments:
Post a Comment