Mai Vàng trên đảo Bidong
Sau khi nhận được cú điện thoại của Hoà, thằng con của mình, vào lúc 12 giờ 30 sáng thứ Năm, ông bà Hân mới chợp mắt ngủ được vài tiếng đồng hồ. Hoà và vợ con nó dọn nhà xuống Florida vào tháng Sáu năm rồi và dự định mua nhà ở gần ông bà, cha mẹ. Nhưng, vì ảnh hưởng của trận dịch Vũ Hán, vật giá đắt đỏ, nhà cửa lên giá, vợ chồng nó phải mua một ngôi nhà ở Punta Gorda, cách nhà của ông bà hơn một giờ lái xe. May thay, vì là kỹ sư điện toán như cha của mình, Hoà được phép làm việc tại nhà qua wifi, nên không có chút trở ngại nào về tài chánh.
Cách nay hai năm, vào năm 2020, sau khi Hiền và Hoà, hai người con của mình có gia đình và công việc làm ổn định, ông bà Hân quyết định rời Minnesota, dời nhà xuống Tampa, Florida, vùng nắng ấm, để nghỉ hưu cho thoải mái với cha mẹ của ông tuổi đã vào bát thập mấy năm rồi. Tưởng mình phải sống dè sẻn với số tiền dành dụm cho đến lúc 62 tuổi mới nhận được lương an sinh xã hội, ông Hân không ngờ công ty đề nghị ông tiếp tục làm việc tại nhà, lương bỗng và bảo hiểm sức khoẻ không thay đổi. Hạnh và Hà, hai người em của ông, và Hiền cũng muốn dời nhà về vùng nắng ấm. Nhưng, vì công việc của vợ chồng chúng nó trong ngành Y Tế, nên không được phép làm việc tại nhà. Vì thế, Hạnh, Hà và Hiền vẫn còn ở Minnesota với gia đình.
Hôm thứ Bảy tuần rồi, Hoà gọi điện thoại cho cha mẹ, hỏi thăm sức khoẻ ông bà nội, và hỏi cha mình có chuẩn bị đón trận bão Ian chưa. Ông Hân ngạc nhiên vì trời vẫn nắng, thỉnh thoảng mưa như thường lệ và ông thành thật trả lời thằng con, “Ủa, vậy hả? Ba đâu có biết!”. Gần hai năm qua, ông bà không xem tin tức trên TV nữa. Ông bà chỉ đọc tin tức, bài vở trên tuần báo Trẻ hay các bản tin do bạn bè chuyển đến qua điện thư mà thôi. Đài TV nào cũng quá nặng chính trị làm cho ông nhức đầu. Vì thế, Hoà chụp hình một trang thời tiết đáng tin cậy của Florida trên Facebook, gởi cho cha mình và đề nghị cha mẹ theo dõi trang này để hiểu biết tình hình trận bão và phải làm gì để chuẩn bị hay phải di tản tránh bão cho an toàn.
Ông Hân xem trang Facebook ấy, mới biết bão Ian đang ở vùng Caribbean và họ tiên đoán nó sẽ bay ngang qua Tampa khoảng bốn ngày nữa. Các chi tiết khác cho biết nơi ông bà Hân và cha mẹ đang cư ngụ được xếp loại E, đất cao, rất an toàn, không thể bị ngập lụt, vì cách vịnh Tampa khoảng 30 phút lái xe. Thêm vào đó là ngôi nhà của ông bà vách xây bằng gạch nên khó bị bão gây nguy hại. Tuy nhiên, các cửa sổ kính cần phải được che lại và các chậu hoa, chậu kiểng nên dời vào nhà. Gió lớn có thể tung các đồ vật, làm bể cửa, gây thương tích.
Ngày hôm sau, Hoà lái xe, chở vợ con đến thăm ông bà, cha mẹ và giúp cha bắt ốc, gắn các miếng sắt do công ty xây cất cung cấp vào các cửa sổ và dời tất cả các chậu bông, chậu kiểng vào nhà để xe. Trong lúc làm công việc này, Hoà đề nghị cha đưa ông bà và mẹ đi Georgia hay Tennessee, hoặc đến nhà vợ chồng nó ở vài ngày để trốn bão. Nghe thằng con nói vậy ông Hân cảm thấy thật hạnh phúc. Ông cám ơn nó nhưng mềm mỏng từ chối lời đề nghị ấy vì ông bà nội của nó đã già rồi, đi đứng rất khó khăn. Ông hy vọng rằng cơn bão sẽ tan đi trước khi đến vùng Tampa, hay chuyển hướng về phía Tây như lần trước. Sau đó, cha con ông Hân đi Costco mua nước đóng chai và thức ăn dự trử, chuẩn bị đón cơn bão Ian.
Kể từ hôm ấy, thời tiết không thay đổi, vẫn nắng, không có một giọt mưa. Hoà thiết lập một nhóm, đặt tên là Gia Đình Họ Lê trên Messenger gồm có cha, chú Ba, Cô Tư và anh em của nó, để mỗi buổi chiều gọi hỏi thăm nhau, nhất là trò chuyện cùng ông bà nội và bàn về trận bão. Ông Hân vẫn tiếp tục theo dõi trận bão như lời thằng con căn dặn. Vào trưa thứ Ba, trời bắt đầu âm u, ông Hân tưởng nó sẽ đến Tampa, nhưng trang Facebook thông báo nó đã đổi chiều, có thể sẽ bay qua vùng Fort Myers, cách nhà thằng con của ông khoảng 30 dặm. Khi ông Hân gọi nhóm Gia Đình Họ Lê trên Messenger, Hoà trả lời rằng nhà nó thuộc vùng D, vách gạch, nó đã bọc các cửa sổ, đã mua thức ăn, nước uống đầy đủ cho gia đình và đổ đầy xăng cho xe và máy phát điện nhà của nó. Ông Hân yên tâm vì nhà của thằng con cũng không gần bờ biển, cho đến chiều hôm sau, thứ Tư, gió bắt đầu thổi mạnh và mưa nặng hột.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hân phải trải qua một cơn bão. Cách nay hơn 40 năm, khi vượt biên, ông và chú em sống sót sau bảy ngày lênh đênh trên biển, bị bão táp trong hai ngày. Tuy nhiên, tiếng mưa gió đập ầm ầm vào mái nhà và các miếng sắt bọc cửa sổ cùng với tiếng gió hú liên tục làm cho ông Hân rất lo ngại cho vợ chồng thằng con và mấy đứa cháu nội của ông bà. Ngôi nhà của ông bà nằm ở vùng ven bão mà mưa gió khủng khiếp như vậy thì nhà cửa ở gần vùng tâm bão chắc chắn sẽ rùng rợn hơn. Ông Hân gọi Nhóm Gia Đình Họ Lê trên Messenger. Mọi người đều lo âu và cầu nguyện xin Chúa ban ơn, cứu người dân Florida sống sót qua cơn bão này. Hoà cám ơn mọi người, rồi mở cửa nhà, lấy chiếc iPhone quay cảnh mưa gió trước nhà nó. Mưa to, gió lớn, cây cối quằn quại gần như trốc gốc, nhưng Hoà nói bão còn ở xa, khoảng hai tiếng đồng hồ nữa mới đến vùng ven biển. Khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, Hiền gọi Nhóm Gia Đình Họ Lê trên Messenger, mọi người đều lên tiếng, ngoại trừ Hoà. Ông Hân lập tức gọi Hoà qua số điện thoại nhưng nó không bắt máy.
Kể từ lúc ấy, ông Hân và cả gia đình đứng ngồi không yên trong khi trời tiếp tục mưa to, gió lớn. Vào khoảng nửa đêm, mưa chỉ còn rỉ rả nhưng gió vẫn cứ hú. Bỗng dưng điện thoại của ông Hân reo lên, nhìn thấy tên Hoà trên màn ảnh, ông lập tức bắt điện thoại, tim ông đập thình thịch cho đến lúc ông nghe thằng con nói bão đã đi qua, cả nhà nó bình yên, nhà bị mất điện, mất wifi nhưng không bị ngập nước và, may thay, làn sóng điện thoại di động vừa có trở lại. Ông Hân cho bà xã và cha mẹ ông hay tin vui, trước khi ông gọi Nhóm Gia Đình Họ Lê trên Messenger. Mọi người đều nói lên câu Tạ Ơn Chúa và Đức Mẹ. Đêm hôm ấy, hơn nửa giờ sau ông Hân mới chợp mắt ngủ yên.
Sáng hôm sau, thứ Năm, khoảng bảy giờ sáng ông bà Hân thức dậy, thấy cha mẹ ngồi uống trà ở phòng khách. Cha ông nói, “Hơn một tiếng đồng hồ rồi, ba má không còn nghe tiếng mưa rơi, gió hú nữa. Con hãy mở cửa nhà, ra xem cây cối, nhà cửa mình có bị hư hại gì không.” Ông Hân đáp lời cha, “Dạ, để con mở cửa nhà xe, bước ra ngoài, xem sao.” Ông thấy sân nhà mình đầy cành nhỏ và lá cây, chỉ có vài nhánh cây to bị gió thổi gãy, nằm xa nhà. Đi vòng nhà mình, ông không thấy vách, cửa nẻo bị hư hại gì hết. Nhìn lên mái nhà, ông thấy nó vẫn còn nguyên vẹn. Khi ông Hân thì thầm cảm ơn Chúa, mắt ông chợt thấy hai bụi Huỳnh Anh ông trồng trước nhà bị quặt quại vì gió nhưng bông vẫn còn vàng ươm trên cây.
Ông Hân móc túi, lấy chiếc máy điện thoại di động, chụp hình một cành bông Huỳnh Anh và đăng trên Facebook với câu: “Sáng hôm nay, sau khi cơn bão Ian đã bay xa, tôi mở cửa, bước ra sân nhà, và thấy cành bông này. Nó sống sót qua trận bão và chúng tôi cũng vậy. Tạ Ơn Thượng Đế.” Ông thấy mình cần phải thông báo cho bạn bè, thân quyến biết gia đình mình bình yên. Mấy hôm qua, ai cũng gọi điện thoại hay nhắn tin hỏi thăm ông bà. Sau đó, ông chia sẻ tấm hình và câu nói ấy với Nhóm Gia Đình Họ Lê trên Messenger.
Không đầy một phút sau, Hạnh, chú em của ông, nhắn tin với hai câu thơ lục bát như sau:
Mai vàng trên đảo Bidong
Nắng Xuân toả sáng ấm lòng thuyền nhân...
Câu thơ này lập tức đem tâm tư của ông Hân trở về ngày mùng một Tết năm ấy, Tết Kỷ Mùi vào cuối tháng Giêng năm 1979, ngày anh em ông bước chân lên đảo Pulau Bidong, xứ Mã Lai. Người dân của quốc gia này đã cứu vớt, giúp đỡ biết bao thuyền nhân người Việt trong những năm gian khổ ấy.
o 0 o
1978, năm Hân 18 tuổi, anh học thật giỏi, nhất là môn Toán, thi đậu bằng Tú Tài II, nhưng anh không được phép vào đại học vì mình là con của lính “nguỵ”. Ông giáo Hạo, cha của Hân, sau khi tốt nghiệp trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, được biệt phái trở về trường dạy học. Tháng Sáu năm 1975, ông bị đi tù cải tạo vì hai chữ “biệt phái”. Vì thế, Hân phải đi phụ hồ, giúp mẹ nuôi hai em và thăm nuôi cha. Vào ngày lễ Giáng Sinh năm ấy, chiến tranh Việt-Miên nổi lên. Trước đó, nhiều bạn học trên Hân một, hai lớp bị động viên. Sau ba tháng quân trường, họ bị đưa lên Cao Miên và kể từ đó gia đình không biết số phận họ ra sao. Trong hai ba năm qua, Hân nghe tin đồn có nhiều người vượt biên, kẻ chết, người sống sót đến Mã Lai, Thái Lan, hay Phi Luật Tân rồi họ được phép tỵ nạn tại các quốc gia khác, nhất là ở Mỹ, Úc và Canada. Hân cũng muốn vượt biên lắm vì anh chưa bao giờ ưa thích chế độ cộng sản, một chế độ kềm kẹp, bất công, không có chút tự do. Nhưng, quê anh xa biển, nhà quá nghèo thì làm sao anh có cơ hội vượt biên.
Không ngờ vào một ngày nọ, vài ngày sau Tết Dương lịch năm 1979, bác Sáu Cường đến thăm và trò truyện rất lâu với mẹ của Hân. Bác Sáu là một người bạn đồng nghiệp vong niên của cha Hân. Quê nhà của bác ở tận Sóc Trăng. Tối hôm ấy, mẹ đóng cửa nhà, gọi ba anh em của Hân đến, thì thầm cho biết mẹ đã quyết định cho Hân và Hạnh vượt biên để tránh bị động viên, chết trận. Mẹ hy vọng anh em Hân có thể được tỵ nạn ở Úc, ở Mỹ hay ở Canada, được sống tự do và có cơ hội tiến thân như nhiều người Việt bỏ xứ ra đi vào ngày 30 tháng Tư, năm 1975. Riêng em Hà là con gái, vượt biên rất nguy hiểm, có thể bị hải tặc bắt hiếp, vì thế em nên ở lại với mẹ, giúp mẹ thăm nuôi cha.
Quá ngạc nhiên, Hân lặp bặp hỏi mẹ:
“Tụi... tụi con sẽ vượt biên với ai và... và ở... ở đâu hả mẹ? Tiền... tiền đâu mẹ có... có để trả cho người ta... người tổ chức vượt... vượt biên.”
Mẹ Hân giải thích rằng bác Sáu Cường có người em ở Sóc Trăng học và làm nghề đánh cá hơn hai năm qua để có cơ hội vượt biên. Chuyến đi được dự tính vào khoảng một tuần lễ trước Tết Nguyên Đán vì khi ấy biển đã yên lặng và bọn công an lo ăn Tết, ít để ý đến chuyện bắt bớ người vượt biên. Hơn nữa, gần Tết ai mà đi vượt biên. Bác Sáu cho mẹ Hân biết chuyến vượt biên của người em còn hai chỗ trống vì có hai người rút lui. Họ lo sợ vì chuyến vượt biên bắt đầu vào đêm 23 rạng 24 tháng Chạp. 23 tháng Chạp là ngày đưa Ông Táo, một ngày xui xẻo. Nếu mẹ Hân bằng lòng, khoảng hai tuần nữa bác Sáu sẽ đưa Hân và Hạnh đến Sóc Trăng bằng xe đò, rồi anh em Hân sẽ được ghe taxi đưa đến chỗ đậu của chiếc ghe vượt biên. Bác Sáu cũng thành thật cho biết chi phí vượt biên là 12 cây vàng cho mỗi đầu người. Chiếc ghe chiều dài 12 thước, chiều rộng 3 thước, nhưng chỉ chở 20 người thôi cho an toàn.
Nghe mẹ nói đến đó, Hân lên tiếng:
“Chúa ơi! Tiền đâu mẹ có mà cho tụi con vượt biên?”
“Con không nhớ à? Trước ngày Cộng Sản chiếm miền Nam mình, ba con đi dạy học, còn mẹ thì nuôi gà, nuôi heo, rồi buôn bán thức ăn gà cả năm sáu năm. Ba mẹ để dành được gần 30 cây vàng. Tốn hết số vàng nầy cho hai con có tương lai xán lạn mẹ không bao giờ tiếc. Ba con cũng vậy. Và, biết đâu hai con sẽ được tỵ nạn ở Mỹ, Canada hay Úc, rồi ngày nào đó ba con ra tù, hai con bảo lãnh ba, mẹ và em Hà sang bên đó sống với hai con, gia đình mình sum họp với nhau. Má mong, má hy vọng, má cầu xin Chúa và Đức Mẹ xót thương, ban ơn cho hai con vượt biên thành công...”
Nghe mẹ nói đến đó, ba anh em Hân cùng nhau ôm mẹ, im thin thít nhưng nước mắt chảy dài trên má, rồi cả bốn người làm dấu Thánh Giá, đọc kinh.
o 0 o
Khoảng hai tuần lễ sau đó, Hân và Hạnh từ giã mẹ và em, chứ đâu có dám từ giã ai khác, đón xe đò đi Sài Gòn, rồi Sóc Trăng với bác Sáu Cường. Cả ba người xuống xe trước khi đến tỉnh lỵ Sóc Trăng, lội bộ đến một ngôi nhà tranh giữa đồng ruộng, gần một con rạch. Bác Sáu giao anh em Hân cho chú Năm Chì rồi bác chúc hai đứa bình yên trước khi bác ra về. Tối hôm ấy, chú Năm chèo ghe đưa anh em Hân đến chỗ đậu của ghe vượt biên vào khoảng nửa đêm.
Chuyến đi êm xuôi, không gặp trở ngại nào, cho đến khi gặp bão sau hai ngày lênh đênh trên biển. Đó là lần đầu tiên anh em Hân đi ghe trên biển, nhưng may thay, hai đứa không hề bị say sóng như cả chục người trên ghe. Đó cũng là lần đầu tiên anh em Hân gặp cơn bão tố. Sóng to, gió lớn, sấm sét rân trời, chiếc ghe liên tục nghiêng ngả theo từng cơn sóng và nước tràn vào ghe. Anh em Hân chỉ biết phụ mọi người trên ghe tát nước và đọc kinh cầu nguyện. Nhiều lúc, nhất là đêm hôm ấy, trời tối om, gió mưa đập vào mặt, sét chói loè vào mắt, sấm nổ ầm vào tai, Hân tưởng đời mình đang chấm dứt và anh chỉ biết trao hồn xác mình trong tay Chúa mà thôi.
Gần hai ngày sau, biển mới yên lặng trở lại và người tài công cho mọi người biết anh ta không cho máy nổ trong cơn bão tố vì sợ ghe bị chìm. Vì thế, chiếc ghe bị bão đưa đi xa hải trình, và anh ta tiên đoán ghe sẽ đến Pulau Bidong khoảng ba hôm nữa, chuyến vượt biên gần bảy ngày chứ không ba, bốn ngày như dự tính.
Thật vậy, chiếc ghe vượt biên đến đảo Pulao Bidong vào trưa Chúa Nhật, 28 tháng Giêng năm 1979, tức mùng Một Tết Kỷ Mùi. Hân nắm tay em, nhảy xuống nước, chạy lên bãi cát rồi hai anh em Hân tự động quỳ gối, làm dấu Thánh Giá, đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã xót thương, cứu sống anh em Hân và mọi người trên ghe, trên con đường tìm tự do.
Sau gần một tuần lễ trên ghe, ăn uống thiếu thốn, bị sóng gió vật vã, mọi người lếch thếch bước trên bãi cát, đi về xóm nhà trên đảo và được một nhóm người chạy ra tiếp đón. Hân chợt nghe ai đó gọi tên mình:
“Hân! Trời đất! Mầy đó hả?”
Hân ngó qua ngó lại, thấy một người đưa tay chạy đến gần anh. Trong tích tắc, Hân nhận ra đó là anh Phúc, một người học trò cũ của cha anh, lớn hơn anh gần chục tuổi. Hân chưa kịp nói gì, anh Phúc đã ôm Hân, nói:
“Mầy không nhớ tao à?! Tao là Phúc, học trò của thầy Hạo. Hồi đó, tao thường đến nhà thầy học thêm để thi Tú Tài.”
“Dạ, em nhớ chứ, em nhìn ra anh liền. Còn đây là Hạnh, thằng em của em.”
Sau khi lấy túi đồ của mình trên ghe, Hân và Hạnh theo anh Phúc tản bộ về túp lều của anh. Vừa đi, ba anh em vừa kể cho nhau nghe chuyến vượt biên của mình. Anh Phúc trốn tù cải tạo, rồi vượt biên một mình, tỵ nạn trên đảo Bidong gần sáu tháng qua. Anh nói ngày mai anh sẽ đưa anh em Hân lên văn phòng làm giấy tờ, trước là để nhận thực phẩm cứu trợ của Liên Hiệp Quốc, sau là nộp đơn xin định cư. Về đến lều, anh Phúc bảo anh em Hân nằm nghỉ cho khoẻ, anh sẽ nấu cơm cho hai đứa ăn Tết với nồi cá kho anh câu và nấu hôm qua. Hân ngồi xuống chiếc giường ọp ẹp, thấy trên chiếc bàn xiêu vẹo của anh Phúc một chai đựng nước, có cắm một cành bông màu vàng. Nhìn kỹ, Hân nhận ra đó là bông Huỳnh Anh. Nhớ đến hôm nay là mùng Một Tết, Hân lên tiếng hỏi anh Phúc:
“Trên đảo Bidong này Tết có bông Mai không hả anh?”
“Làm gì mà có! Hôm kia tao vô rừng lùng kiếm đâu có thấy cây Mai nào, chỉ thấy một bụi Huỳnh Anh đang trổ bông nên tao hái về vài cành, cắm một cành vào cái chai đó, rồi cho bà con lối xóm các cành kia để chưng ăn Tết. Nhìn màu vàng của bông Huỳnh Anh tao cảm thấy sau gần bốn năm khốn đốn dưới chế độ cộng sản, dù đang sống chật vật ở đảo Bidong nầy, nhưng tao thấy mùa Xuân đã trở lại với đời mình.”
Chăm chú nhìn cành bông Huỳnh Anh, Hân cũng nhận ra mùa Xuân đã trở về với mình. Anh nhìn thằng em mình, rồi lầm thầm nói, “Mai vàng trên đảo Bidong.”
Hạnh ngồi im lặng, mắt nhìn quanh, rồi khoảng một phút sau nó mỉm cười và nói, “Nắng Xuân toả sáng ấm lòng thuyền nhân.”
Nghe câu thơ tám chữ của thằng em, Hân cảm thấy nhớ cha mình, nhớ sao là nhớ. Năm ấy, Hân học lớp 8, Hạnh học lớp 6, cha dạy anh em Hân làm thơ Lục Bát bằng cách đọc một câu thơ sáu chữ, cho anh em Hân vài ý nghĩ rồi bảo mỗi đứa làm một câu thơ tám chữ có chữ thứ sáu hiệp vận với chữ cuối của câu thơ sáu chữ. Lần nào Hạnh cũng thắng, làm ra câu thơ tám chữ trước Hân. Nó đúng là một thi sĩ.
o 0 o
“Sao? Nhà mình có hư hại gì không con?
Ông Hân giật mình, thấy cha mẹ ông đứng trước cửa nhà, không biết từ lúc nào. Ông trả lời, “Dạ, không có gì hư hại ba má ơi, chỉ có vài cành cây bị gãy thôi.”
Cha mẹ ông Hân lầm thầm câu gì đó, hình như là “Tạ Ơn Chúa!” nhưng ông không nghe rõ vì điện thoại của ông “Ping! Ping!” lên. Đó là một tấm hình bông Huỳnh Anh và câu nhắn tin của thằng Hoà, “Bông Huỳnh Anh nhà con cũng không sao cả. Nhà tụi con chỉ bị tróc vài tấm ngói thôi. Ba má, ông bà nội, chú thím Ba, cô dượng Tư và anh chị Hai đừng lo cho tụi con.”
Ngay sau đó là tin nhắn của thằng Hiền, “Hai câu thơ của chú Ba nghĩa là gì vậy chú Ba?”
Ông Hân chưa kịp trả lời thì tin nhắn của Hà, em ông, hiện lên, “Vui quá, sau cơn bão mà nhà nào cũng còn bông, còn hoa! Hiền ơi, chuyện hai câu thơ để ba con kể cho con nghe. Cô đã nghe ba con kể mấy chục năm nay rồi.”
Đào Anh Dũng
Riverview, Florida
Một tuần lễ sau trận bão Ian
No comments:
Post a Comment