Friday, February 16, 2024

MỖI NĂM HOA ĐÀO NỞ.

Hoa đào VN (Prunus persica = Prunus vulgaris)

Câu thơ đặc biệt của Vũ đình Liên hình như đã được ghi khắc trong tâm tư của người Việt, để mỗi khi Xuân về, Tết đến là hình ảnh Ông Đồ già và Cành hoa Đào lại hiện ra ngay trước mắt. Đối với những người sinh ra trong các thập niên từ 40 về sau, di cư vào Miền Nam năm 1954, chắc chỉ biết đến Đào qua thi văn, và Xuân về tại Miền Nam chỉ rực rỡ cành hoa Mai.. Tại Đà lạt, tuy cũng có đào, nhưng đây lại là hoa Anh đào, khác với cành Đào ngày xuân tại Miền Bắc..

Ngày nay, tại Hoa Kỳ.. chắc ít người biết rằng.. Đào mọc khắp nơi, đủ mọi loại hoa đơn, hoa kép và quả đào (peach) bán đầy chợ lại là .. từ cây đào “quý” và hiếm tại Việt Nam..

Tên gọi của Đào có thể gây nhiều nhầm lẫn vì trong tiếng Việt có khá nhiều loại đào như Hồ đào (là câyJuglans regia), Dương đào (cây Kiwi), Đào lộn hột (cây điều), đào Kim cương (sim)..nhưng thật ra, ngay đối với những nhà thực vật và những nhà dược học..việc phân biệt các loại đào cũng thật rắc rối vì giá trị dinh dưỡng cũng như tác dụng chữa bệnh của mỗi loài..cũng khác nhau..

Những cây Đào đều thuộc chi thực vật Prunus, gia đình Rosaceae . Prunus được chia thành 2 nhóm chính:

Nhóm cho quả ăn được: Bao gồm các cây Đào (peach, nectarine), Hạnh nhân (almond), Mơ (apricot), Mận (Plum, Prune).. Cherry.. Cây Đào Việt Nam = Prunus persica) thuộc nhóm peach này..
Cây và trái đào (peach = pêche)

Cây và trái nectarine


     
Cây, hoa, trái hạnh nhân (almond = amande)


Cây, hoa và trái mơ (apricot = abricot)

Nhóm cho hoa làm cảnh: Nhóm này lại chia thêm thành 2 nhóm phụ: nhóm phụ chỉ trồng làm cảnh, lá xanh quanh năm, hoa nở rất đẹp, trồng ven đường, bờ rào và nhóm phụ vừa cho hoa lẫn quả.. (Cây mai trắng = Japanese Flowering plum – Prunus mume thuộc nhóm phụ này). Cây Anh đào Nhật = Prunus cerasoides cũng có thể được xếp trong nhóm này..
Prunus mume – Japanese Flowering plum 

Cây Anh đào Nhật = Prunus cerasoides

Hoa đào VN (Prunus persica)

Cây Đào Việt Nam: Prunus persica = Prunus vulgaris.
Cây được xem là có nguồn gốc từ Trung Hoa, Mông cổ, từ hơn 2000 năm trước và sau đó được trồng tại nhiều nơi trên thế giới để lấy quả (peach) ăn.. Cây có hoa đẹp, nở vào đầu mùa Xuân nên rất được ưa chuộng tại Việt Nam, cắt cành cắm chưng ngày Tết Nguyên đán..

Đào đã được ghi nhận trong sách vở và văn chương Trung Hoa từ năm 550 trước Tây lịch và được dùng làm biểu tượng cho sự Trường sinh, bất tử. Thực phẩm chính của ‘bát Tiên’ trong truyện Tàu chính là Đào. Đào đã được Khổng Tử ghi trong kinh sách từ thế kỷ thứ 5 (trước Tây Lịch). Truyện Tây Du Ký có kể về Tôn ngộ Không lén vào vườn đào của Tây Vuơng Mẫu, ăn trộm đào tiên, loại cây chỉ sinh quả 3000 năm một lần và chỉ dành cho Ngọc Hoàng thưởng lãm!

Thi ca Trung Hoa đã có rất nhiều tác phẩm ca tụng hoa Đào như:

“..Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong..” (Thôi Hộ)

Đào đã theo chân các đoàn thương buôn, lữ hành từ Trung Hoa đến Ấn độ rồi Ba Tư và phát triển mạnh tại xứ này.. Khi La Mã xâm chiếm Ba tư, đào được đặt cho tên là Malus persica = “Persia apples”. Vua Claudius đưa Đào về trồng tại Hy lạp và rồi khắp Âu châu (Pháp là quốc gia Âu châu trồng nhiều Đào nhất).

Người Tây ban Nha đưa đào vào Mexico cách đây khoảng 400 năm, và sau đó cũng theo chân họ đến với Florida vào thế kỷ 16. Đào được thuần hóa, và mọc hoang rất mạnh khắp Mexico, Nam và Đông Nam Hoa Kỳ, biến đổi để có tên là “Indian peaches”.. và các nhà thực vật đã từng nhầm khi cho rằng Đào có nguồn gốc từ Tân lục địa. Những giống Đào đầu tiên cho quả có thịt màu đỏ, dính với hột như Crawford, Oldmixon.. rồi đến thời Nội chiến, đào điạ phương bắt đầu được cho lai tạo với những giống mới du nhập từ Trung Hoa. Năm 1850, Charles Downing đã lai tạo Đào địa phương với giống “Cling” của Trung Hoa để tạo được 2 giống đặc biệt rất nổi tiếng “Elberta”, Redhaven.. những giống này hiện vẫn rất được ưa chuộng và ngày nay đã có đến hơn 400 chủng loại đào khác nhau.

Hiện nay giống Đào cho thịt màu trắng (white-fleshed) đang rất được ưa chuộng tại Hoa Kỳ và một giống Đào khác cho quả “dẹp” hình dạng như bánh doghnut cũng đang được phát triển (dựa theo cách ăn của các vị Vua Tàu, có thể dùng tay cầm quả để ăn phần thịt quanh hột mà không phải..cắn cả quả). Các nhà trồng tỉa tại Texas, Georgia, New Jersey, Florida đã nghĩ được phương thức trồng các giống cho quả tuy chín nhưng vẫn đủ cứng để dễ thu hoạch, chuyên chở và phân phối mà không bị hư hại..

Peach white-fleshed

Pêche plate ( Đào “dẹp”)

(Đào Nectarine: Tên nectarine do người Anh đặt ra vào giữa thế kỷ 17 để phân biệt nectarine và peach, cho rằng nectarine là một trái cây riêng hay là lai tạo giữa đào và mận (plum) nhưng thật sự chỉ là sự biến dạng gen của Đào. Trước đây nectarine được nhập vào Hoa Kỳ từ Âu châu nhưng đến giữa thập niên 1940-1950, Fred Anderson tại California đã tạo được nhiều giống nectarine có giá trị thương mãi cao và Nectarine trở thành một cây ăn trái đặc biệt cho California..hiện có khoảng 150 giống nectarine).

Đào (peach) và Nectarine đều là Prunus persica (Nectarine có tên khoa học là Prunus persica var. nucipersica hay var. nectarina), chỉ khác biệt nhau ở một gene (Peach có mang gen nên vỏ có lông còn nectarine thiếu gen này nên da láng hơn)

Hiện nay, tại Hoa Kỳ, Đào là loại trái cây được sản xuất với số lượng khá cao, đứng vào hàng thứ ba, chỉ sau Táo và Cam. Georgia hiện là ‘thủ đô’ sản xuất Đào..

Hoa đào

Đặc tính thực vật:
Cây thuộc loại tiểu mộc, cao 8-10m, mọc lâu năm. Thân nhẵn có vỏ màu nâu-hồng hay xám, phân cành dài và nhiều, mềm nhẵn dễ uốn.Lá hình mũi giáo hay bầu dục, hẹp, dài 8-15cm, rộng 2-3cm, thuôn ở đầu, mép lá có răng cưa nhỏ, đều, lá màu xanh lục sậm hay nhạt tùy giống; cuống mảnh.

Lá đào

Hoa màu hồng, mọc đơn độc, nở cùng một lúc với chồi lá; hoa hầu như không có cuống. Các cánh đài họp ở gốc hình chuông. Nhị khá nhiều dài bằng cánh hoa. 

 
Hoa đào

Quả thuộc loại hạch, hình cầu, đường kính 50-70mm có một rãnh bên khá rõ, phủ lông tơ mịn, khi chín màu đỏ, mùi thơm dịu, vị ngọt..
Quả đào

Đào, cây hoa ngày Tết:
Truyền thống Việt Nam đã xem việc trồng đào và thưởng ngoạn đào vào dịp Tết Nguyên đán là một nghệ thuật đặc biệt.. Tỉa đào, bóc vỏ, cắt ngọn.. để có cành đào nở hoa đúng ngày Tết đòi hỏi khá nhiều công đoạn và mỗi công đoạn cũng rất công phu chưa kể đến tuốt lá, xem nụ để hãm khi cần hay thúc khi hoa nở muộn..

Đào được chia thành nhiều loại khác nhau:

– Đào phai: Hoa màu hồng, lá màu xanh nhạt..

– Đào bạch: Hoa thưa, màu trắng..

– Đào quả: Hoa hồng nhạt, cánh đơn, nhỏ..
Hoa đào quả

– Đào bích: được cho là đẹp nhất, hoa màu đỏ sậm, dày đặc, nở sát nhau, cánh kép. Lá màu xanh đậm (Đây là giống Prunus persica var.amelliaflora)

Tại các Tiểu Bang miền Tây Bắc Hoa Kỳ, có thể có được cành Đào ngày Tết tương đối dễ dàng và có thể trồng đào vừa lấy quả và cành cắm theo phương thức sau:

Đào ưa khí hậu lạnh, mát và ẩm nhưng không được úng nước, nên chọn chỗ đất trồng vừa ẩm vừa cao ráo, dễ thoát nước. Trồng bằng cây ghép dễ  hơn từ hạt, có thể mua thẳng cây từ nhà vườn.

Muốn có cành Đào nở đúng ngày Tết nên cắt cành ngay khi cây bắt đầu ra chồi non, lần đầu cắt thật nhiều để cây đâm ra thêm nhiều cành. Sau đó mỗi tháng cắt tỉa một lần (tỉa nhẹ, bỏ các cành yếu). Đào sẽ có hình dáng khá đẹp sau khoảng 6 lần tỉa. Muốn cây trổ hoa đúng dịp xuân về, dùng dao thật sắc cắt bỏ 1 vòng vỏ nơi gần gốc thân : Lá cây sẽ chuyển từ màu xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rũ xuống. (Nếu lá vẫn giữ màu xanh đậm, cần cắt bỏ thêm 1 vòng vỏ ở cao hơn, gọi là ‘thiến đào). Nên thiến đào vào khoảng tháng 10 (October), và sau đó tuốt lá để thúc cây ra nụ..(thời gian tuốt lá tùy thuộc thời tiết, thường trong khoảng cuối tháng 12 (December). Khi gần đến ngày nụ hoa nhú to, có thể phải hãm bớt bằng cách che bớt ánh sáng, ngưng tưới hay cắt bớt rễ và cắt bỏ vỏ quanh thân đễ làm hoa chậm nở..

(Tại Oregon và Washington, nên chọn các loại Springgold, Elberta chịu được nhiệt độ lạnh khá tốt).
Hoa đào

Đặc tính dược học:
Các bộ phận của Đào có chứa những hoạt chất khác nhau:

– Lá: Chứa glucosides khi thủy giải cho hydrocyanic acid (Amygdalin), Tanin, Coumadin, phloretin.

– Hoa: Chứa glucosides, trifolin, coumarins, flavonoids..

– Quả: Phần thịt của quả có các sắc tố như lycopen, carotenoids, criptoxanthin, zeaxanthin, đường hữu cơ, acid hữu cơ (tartric, malic.., chlorogenic).

– Hạt: chứa chất béo (50%), amygdalin, tinh dầu dễ bay hơi, prussic acid, choline, acetylcholine..

Một số bộ phận của cây Đào được dùng trong Dược học Tây Phương như dầu ép từ nhân hạt (peach kernel oil), vỏ cây, lá cây và hạt.. Một số thành phẩm được bán dưới các tên thương mại như Laetrile, Vitamin B17..

Dầu ép từ nhân được dùng làm dầu dược dụng, có hoạt tính kháng nấm khi thử in vitro (Hindustan Antibiotic Bulletin Số 32-1990).

Một số bộ phận của cây như vỏ, lá.. được ghi nhận là kích thích đường tiêu hóa.

Phloretin, trích từ vỏ và lá có hoạt tính kháng sinh chống lại các vi khuẩn gram dương và gram âm.

Laetrile hay Amygdalin hay Vitamin B17.. đã từng được quảng cáo là có các hoạt tính ngừa và trị ung thư. Tuy nhiên các nghiên cứu thực hiện tại National Cancer Institute đã không chứng minh được tác dụng này (New England Journal of Medicine Số 306-1982) và FDA đã cấm sử dụng Laetrile vì có thể gây ngộ độc do cyanide..

Vỏ, lá, hoa và hạt Đào đều có thể gây ngộ độc: Một hạch quả (pit) chứa khoảng 2.6mg hydrocyanic acid cho mổi gram hạt. Liều hydrocyanic acid gây tử vong cho người lớn là 50-60mg, tương ứng với chừng 20g hạch nhân.

Giá trị dinh dưỡng:
100g phần thịt ăn được (quả tươi) chứa:

Đào Nectarine

– Calories 43 49

– Chất đạm 0.70g 0.94g

– Chất béo 0.09g 0.46g

– Chất sơ 0.64g 0.40g

– Calcium 5mg 5mg

– Sắt 0.11mg 0.15mg

– Magnesium 7mg 8mg

– Phosphorus 12mg 16mg

– Potassium 197mg 212mg

– Kẽm 0.140mg 0.090mg

– Đồng 0.068mg 0.073mg

– Manganese 0.047mg 0.044mg

– Beta-Carotene (A) 535 IU   736 IU

– Thiamine (B1) 0.017mg   0.017mg

– Riboflavine (B2) 0.041mg   0.041mg

– Niacin (B3) 0.990mg 0.990mg

– Pantothenic acid 0.170mg 0.158mg

– Pyridoxine 0.018mg 0.025mg

– Folic acid 3.4µg 3.7µg

– Vitamin C 6.6mg 5.4mg

Về phương diện dinh dưỡng, tuy không phải là loại trái cây giúp trường sinh như trong truyện Tàu nhưng Đào và Nectarine được xem là các thực phẩm giúp lợi tiểu, long đờm, nhuận trường, giúp làm dịu đau. Đào rất dễ tiêu hóa và gây phản ứng kiềm mạnh cho cơ thể, kích thích sự bài tiết các dịch tiêu hóa, giúp làm đẹp làn da, tăng vẻ rực rỡ cho da. Do hai tác dụng lợi tiểu cùng nhuận trường, Đào giúp loại trừ độc chất khỏi cơ thể nhất là khi thận và bàng quang suy yếu. Đào cung cấp lượng calories tương đối thấp, chứa lượng nước cao hơn táo, lê.. nên có thể là trái cây giải khát lý tưởng.

Ngoài vai trò thực phẩm, Đào còn được dùng làm mỹ phẩm nuôi da rất tốt. Có thể dùng công thức nuôi da sau đây:

Dùng hỗn hợp các trái tươi gồm Đào, Đu đủ, Chuối và Avocado, mỗi thứ 50g, trộn trong máy blender thành một khối nhão vừa đủ, đắp lên da mặt (như facial mask), giữ trong 30 phút, rồi rửa sạch bằng nước ấm và sau đó dùng dầu hướng dương thoa nhẹ đều trên mặt đễ giúp da mặt giữ được vẻ tươi mát..

Khoa dinh dưỡng mới tại Trung Hoa dùng đào tươi để giúp trị một số bệnh như:

– Trị ho, ho do suyễn, do tạng phủ suy nhược: Dùng 3 quả đào tươi, bỏ vỏ, thêm 30g đường. Thêm nước và nấu trong bình kín. Ăn (bỏ hột) mỗi ngày.

– Trị đau do hernia: Dùng 30g đào còn xanh và 1 quả xoài tươi. Nấu với nước vừa đủ đến chín. Ăn ngày 2 lần: sáng và chiều.

– Trị Hoạt tinh (Xuất tinh bất thường), đổ mồ hôi đêm: Dùng 30g đào xanh đã phơi khô, sao đến khi khô. Thêm nước và 30g Táo tàu. Hấp cách thủy đến chín. Ăn mỗi ngày trước khi đi ngủ..

– Trị Huyết áp cao: Dùng 1-2 quả đào tươi, bỏ vỏ, bỏ hột, ăn mỗi ngày sáng và chiều; đồng thời dùng 30g đào xanh đã phơi khô, nấu nước uống thay nước trà..

(Đào xanh phơi khô, được thu hái khi quả còn non, bỏ hột và phơi dướí nắng đến khi khô hẳn)

Đào trong Dược học cổ truyền:
Dược học cổ truyền Trung Hoa dùng hạch quả, đập vỡ bỏ vỏ lấy hạt, thường gọi là nhân để làm thuốc. Vị thuốc được gọi là Đào nhân (tao-ren).

Đào nhân được chép trong “Thần nông bàn thảo kinh” dưới tên Đào-hạch nhân = Tao-ho-jen và xếp vào loại dược liệu hạng thấp. Sau đó Lý thời Trân đã chép lại trong Bản thảo cương mục. (Nhật dược, Kempo gọi là tònin).

Đào nhân được xem là có vị đắng, tính bình, có tác dụng “phá huyết ứ”, “khử tích trệ”, nhuận táo, hoạt trường, lợi tiểu và tác động vào các kinh mạch thuộc Tâm, Can, Phế, Đại trường..

Do hoạt tính phá được huyết ứ, Đào nhân là một vị thuốc quan trọng để trị các chứng bệnh liên hệ đến huyết tụ như rối loạn về kinh nguyệt, đau bụng dưới, đau do chấn thương, đau ngang sườn, tụ huyết nơi phổi và đau bụng nổi cục hòn.. Thường được phối hợp với Hồng hoa (hong-hua= Flos Carthami Tinctorii) để trị bế kinh và bặt kinh kèm theo đau bụng; phối hợp với Đương quy (Dang-gui = Radix Angelicae Sinensis) và Xích thược (Chi Shao = Radix Paeoniae Rubreae) để trị đau nhức do chấn thương.. Dùng chung với Đại hoàng (da-huang = Radix et Rhizoma Rhei) và Mang tiêu (Mang-xiao=Mirabilitum) để trị sưng ruột..

Do tính nhuận táo nên dùng để trị các chứng bón uất..

* Cây Anh đào: Đào Nhật.
Bên cạnh cây Đào cho quả đã trình bày, tại Việt Nam còn có cây Anh đào hay đúng hơn Đào Đà lạt cũng cho hoa khá đẹp vào dịp Tết. Anh đào thường được xem là biễu tượng cho nước Nhật và hoa Anh đào Nhật ngày nay đã được lai tạo để cho hoa rất đẹp cũng nở đúng lúc xuân về..

* Anh đào Đà lạt: Tên khoa học: Prunus cerasoides
Cây Anh đào Prunus cerasoides có nguồn gốc từ vùng Hymalaya, Tây tạng sau đó phân bố xuống Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên..cũng gặp tại các vùng núi cao Bắc Việt Nam và được trồng tại Đà lạt..

Anh đào thuộc loại tiểu mộc, cao 5-10m; thân có vỏ màu xám, phân cành, nhánh nhiều, dài và thẳng, nhẵn. Lá nhỏ, mềm, hình trái xoan hay ngọn giáo, hơi hẹp về phía gốc, mũi ngọn, mép lá răng cưa dài 5-12cm, rộng 2.5-5cm, cuống lá nhỏ và nhẵn. Hoa màu hồng đỏ hay hơi trắng, cánh đài họp thành ống hẹp. Tràng hoa dạng bầu dục thuôn. Hoa trổ trước khi có lá. Hoa mọc thành cụm gần như dạng tán, thường mọc chung 3 hoa. Quả thuộc loại hạch quả, hình cầu đường kính 10-12mm màu đỏ.

Anh đào ra hoa vào tháng 12 hay tháng Giêng và có quả từ tháng 2

* Anh đào Nhật hay Anh đào đôi: Tên khoa học Prunus lannesiana.
Nguồn gốc từ Nhật, được trồng nhiều tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới để làm cây cảnh.

Cây cũng thuộc loại tiểu mộc, cao 4-6m, cành nhánh dài, nhẵn màu nâu đen. Lá thuôn dài có đầu nhọn, mép lá khía răng cưa nhỏ, đều, màu xanh nhạt. Hoa mọc trên các cành già, có thể mọc đơn độc hay thành từng đôi; hoa lớn cỡ 3-4cm, màu đỏ hồng có hương thơm. Đài hoa có lông mịn..

Ngoài ra còn có 1 chủng cho hoa màu trắng, rất thơm (Prinus lannensiana form. donarium).
Prunus lannesiana

* Anh đào Nhật tại Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ:
Tại vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, các nhà vườn đã du nhập một số loài Anh đào Nhật, biến đổi để cây chỉ trổ hoa và không kết quả nhằm mục đích cho hoa làm cảnh. Các cây đào này được gọi chung là Japanese Flowering Cherry, có tên khoa học Prunus serrulata.

Prunus serrulata được cải biến để tạo ra nhiều loại Đào từ mọc bình thường đến mọc thành tán, mọc rũ, và mọc thành cột ..
Japanese Flowering Cherry

* Đào Nhật mọc thẳng bình thường gồm:

– Prunus “Accolade”: Hoa kép, màu hồng nhạt, cây cao đến 8m.
Prunus Accolade

– Prinus serrulata “Kwanzan”: Hoa kép màu hồng đậm, cao đến 10m, tán rộng 6m
.
Prinus serrulata Kwanzan

– Prunus serrulata “Shirofugen”: Hoa kép, bắt đầu màu hồng rồi phai dần về trắng, hoa xuất hiện cùng một lúc với lá màu đồng đỏ. Cao chừng 10m.
Prunus serrulata Shirofugen

– Prunus x yedoensis (Yoshino Cherry): Đây là loại Đào nổi tiếng, trồng trong vùng Tidal Basin tại Washington DC. Hoa đơn, lớn màu hồng nhạt. Cây cao đến 10-15m, tán rộng đến 10m.
Prunus x yedoensis (Yoshino Cherry)

* Đào Nhật mọc rũ gồm:

– Prunus serrulata “Snow Fountain”: Hoa trắng, đơn; cành mọc rũ.


– Prunus serrulata “Yae-shidare-higan”: Hoa kép, hồng lợt.
Prunus serrulata “Yae-shidare-higan”

* Đào Nhật mọc thành tán:
– Prunus serrulata “Shirotae”: Giống đào nổi tiếng “Mt Fuji”, mọc thành dạng chiếc ô ngược. Hoa trắng rất thơm, nở từ nụ màu hồng, sau đó chuyển sang màu hồng đỏ. Đến mùa Thu, lá đổi sang màu vàng rồi đỏ cam. Mọc cao đến 7m, tán rộng đến 12-15m.
 

* Đào mọc thành trụ:
– Prunus serrulata “Amanogawa” (Đào Ngân hà): Hoa màu hồng nhạt, mọc cao đến 8-14m chỉ rộng chừng 1m thành cột thằng khá đẹp..
Prunus serrulata Amanogawa

Dược tính của Anh đào:
Nhật dược dùng vỏ Anh-đào làm thuốc với tên gọi Ouhi. Ouhi không được dùng tại Trung Hoa. Dược liệu được lấy từ các cây:

– Prunus jamasakura

– Prunus yedoenisis

Ouhi được xem có những hoạt tính trị ho và long đờm.

Thành phần hóa học của vỏ gồm:

– Primus jamarsakura: Eriodyctylol, Narangenin, Genkwanin, Glucogen kwanin, Sakuranetin, Sakuranin..

– Prinus yedoenisis: Phloridzin, Sakuranin, Tannins.

Tại Việt Nam, quả Anh đào Đà lạt được dùng làm thực phẩm và chế biến thành rượu Anh đào.


DS.Trần Việt Hưng 12/2008


Tài liệu sử dụng:

– Taylor’s Guide to Fruits and Berries
– The Oxford Encyclopedia of Food and Drink in America (Smith)
– Whole Foods Companion (Dianne Onstad)
– Fruits as Medicine (Dai Yin-fang & Liu Cheng-jun)
– Thuốc Nam trên Đất Mỹ (tập 3)

No comments:

Blog Archive