Buồn vương màu áo trận!
Ngô Văn Định
- Thời thơ ấu tôi sống ở làng quê, hình ảnh đình làng, lũy tre xanh, cánh đồng lúa, gắn liền câu Ca dao mộc mạc Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Một bài thơ vẫn còn trong ký ức của thuở học trò mà tác giả tôi không rõ.
Trên dải đất chạy ven bờ biển cả,
Dưới trời Đông Nam Á rạng màu xanh,
Một giống người nhỏ bé nhưng tinh anh,
Đã xây đắp một sơn hà gấm vóc.
Quê tôi làng Viêm Xá cổ kính thuộc vùng Quan họ Kinh Bắc, cách thị xã Bắc Ninh 3 cây số và về Hà Nội phải theo Quốc lộ 1A trên 30 cây số nữa, Đặc trưng quê tôi có ngôi đình được xây cất vào năm 1692 (Trên ba trăm năm) là một trong những ngôi đình có hạng trong hàng trăm ngôi đình trong vùng Kinh Bắc qua câu Ca dao:
Thứ nhứt là đình Đông Khang (Nay không còn)
Thứ nhì đình Bảng vẻ vang đình Diềm (Viêm xá)
Phía Tây Bắc và Đông Bắc có sông Ngũ Huyện chảy vòng như dải lụa rồi nhập với sông Cầu soi bóng núi Kim Sơn đầu làng tạo nên một thế đất vừa sơn thủy hữu tình vừa im đìm trù mật, cùng điệu hò Quan Họ Kinh Bắc thắm tình dân tộc được lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay.
Tôi theo học trường Trung học Hàn Thuyên ở Bắc Lý, có Giáo sư Song An Hoàng ngọc Phách, Giáo sư Nguyễn ngọc Cư, hầu hết học sinh đều đều từ Hà Nội, Bắc Ninh và Thị Cầu. Vì tình hình an ninh lúc bấy giờ, nhiều trường phải di tản và học sinh cũng bị ảnh hưởng theo. Năm 1951 gia đình tôi về sống ở Hà nội 36 phố Phường, hàng năm bốn mùa rõ rệt. Mỗi ngày đi qua đường phố đến trường Trung học Dũng Lạc cạnh nhà thờ lớn Hà nội, học hết Trung học đệ Nhị cấp với các thầy như Cha Nguyễn văn Mai, Giáo sư Vũ hoàng Chương, Nguyễn văn Huyền, Nguyễn văn Nghị, Đoàn viết Lưu, Nguyễn gia Tường, Lê bá Khanh, Lê bá Kông v.v… Lộ trình quen thuộc, tôi thường đạp xe ngang qua một trại lính Nhảy dù ở đường hàng Chuối gần trường Đại học Y khoa và Viện Pasteur, thỉnh thoảng tôi dừng lại xem sự sinh hoạt của họ và dần dần nó ăn sâu vào tiềm thức. Từ đó đã ảnh hưởng đến quyết định tương lai của tôi khi chọn đời sống Quân ngũ trong lúc tuổi đời đôi mươi. Ngày 19 tháng 3 năm 1954 tôi bước vào ngưỡng cửa Trường Võ bị Liên Quân Đà lạt. Hiệp định Geneve chia đôi đất nước ngày 20 tháng 7 năm 1954, tôi tưởng rằng sẽ khó gặp lại gia đình, nhưng “Nào ai biết số phận ngày sau ông trời sẽ trao?” Gia đình tôi theo dòng người di cư vào Nam và chúng tôi được may mắn đoàn tụ.
Tốt nghiệp trường Võ Bị Liên Quân Đà lạt ngày 01 tháng 10 năm 1954. Tôi được Đại tá Lê văn Tỵ Tư lệnh Đệ Nhứt Quân khu bổ nhiệm về Đại đội 7 tuần giang tức Tème Compagnie Fluviale tại Thạnh Mỹ Tây, Thị Nghè, Gia Định. Bạn cùng khóa về đơn vị này cùng tôi có Thiếu úy Bùi văn Phẩm và Hoàng ngọc Bảo, còn về Đại đội 1 tuần giang ở Khánh Hội thì có Thiếu úy Phạm ngọc Thụy.Trước năm 1975 ba vị này là Trung tá trong Binh chủng TQLCVN.Trung tá Phẩm và Thụy hiện ở Hoa kỳ, Trung tá Bảo ở Việt Nam.
Đại đội 7 Tuần giang do người Pháp chỉ huy và đa số Quân nhân trong đơn vị đều là người Pháp, một người Việt Nam duy nhứt là Hạ sĩ Kiếm chịu trách nhiệm về dọn dẹp khu nhà bếp. Riêng lực lượng Commandos của Pháp có khoảng một Trung đội người Việt Nam. Tôi được cử đi học khóa Sĩ quan truyền tin ở trường truyền tin bên Gia định, còn hai anh Phẩm và Bảo thì mỗi anh được nhận một Trung đội tàu FOM là loại Giang đĩnh xung kích bằng sắt mũi nhọn để dễ dàng di chuyển nhanh, truy kích trên các sông rạch nhỏ. Đơn vị này thường đi hành quân ở vùng Cà Mau và Sóc Trăng. Lúc này đại đội chuẩn bị chuyển giao cho Sĩ quan VN Chỉ huy. Trung úy Nguyễn thúc Phụng khóa 6 trường Võ bị được chỉ định về làm Đại Đội Trưởng.
Giữa năm 1955 tôi tình nguyện về Tiểu đoàn 1 TQLC đang được thành lập từ các đại đội Commandos ở Bắc Việt di chuyển vô khi hiệp định Geneve chia đôi đất nước, đơn vị tạm thời đóng tại Cồn Dương ở giữa Trung tâm Huấn luyện Sĩ quan Hải quân và Trung tâm huấn luyện Sĩ quan Không quân. Về TĐ1 trình diện Tiểu đoàn phó là Đại úy Roger Bùi phó Chí. Khi quân đội Pháp bàn giao Tiểu đoàn cho Việt Nam thì Đại úy Roger lên thay Đại úy Delayen làm Tiểu đoàn trưởng. Các sĩ quan Việt Nam đã hoàn toàn thay thế người Pháp trong các Đại đội của Tiểu đoàn. Khi tôi mới về thì các Đại đội trưởng còn là người Pháp, sau họ lần lượt bàn giao Đại đội 1 cho Thiếu úy Trần văn Nhựt, Đại đội 2 Trung úy Vũ kinh Luân, Đại đội 3 Trung úy Trần văn Thọ, Đại đội 4 Trung úy Võ công Trí, Đại đội chỉ huy Trung úy Nguyễn văn Tính, Trung úy Nguyễn xuân Ái thuyên chuyển về làm Tiểu đoàn phó cho Đại úy Bùi phó Chí. Ngoài ra còn một số SQ khác đã có mặt trong Tiểu đoàn trước tôi, Thiếu úy Lê đình Quế, Nguyễn hữu Nhơn, Nguyễn quang Cử, Cao tấn Hạp, Bùi đắc Thuận, Nguyễn văn Nho, Lê bá Cường, Nguyễn ngọc Vinh, Chuẩn úy Nguyễn xuân Khang, Nguyễn hữu Cát, Y sĩ Trung úy Nguyễn văn Hoàng..Khi thành lập TĐ2 thì Y sĩ Trung úy Nguyễn văn Chất là em ruột của Y sĩ Hoàng cũng tình nguyện về TQLC. Hai ông là Y sĩ đầu tiên của TQLCVN. Bác sĩ Hoàng sau khi đi tù cải tạo về đã định cư tại Canada, còn Bác sĩ Chất thì qua đời tại Indiana năm 2006. Hạ sĩ quan thì nhiều nhưng tôi nhớ nhứt là Trung sĩ Nguyễn văn Hiển và Đào ngọc Kỳ, hai người này hàng ngày dạy Nhu đạo cho anh em Sĩ quan trong Tiểu đoàn. Đại úy Đào ngọc Kỳ hiện ở San Diego, Đại úy Kỳ và Hiển cùng Trung tá Ân có đến thăm chúng tôi vào dịp Đại hội TQLC ở San José cách đây mười năm.
Sau vài tháng làm Sĩ quan Truyền tin, tôi được thuyên chuyển về Đại Đôi 3 của Trung úy Phan hồng Chi Đại đội trưởng. Lúc này Trung úy Luân, Trí, Thọ đã thuyên chuyển đi khỏi Tiểu đoàn. Tiểu đoàn dưới quyền của Đại úy Chí tham dự hành quân Hoàng Diệu ở Rừng sát. Chấm dứt hành quân, Trung úy Nguyễn xuân Ái cũng thuyên chuyển đi khỏi Tiểu đoàn, Trung úy Trần văn Đức và Phan thanh Đàn bổ sung về. Khi Trung úy Phan hồng Chi thuyên chuyển đi thì Trung úy Đàn thay thế. Tháng 12 năm 1955 Tiểu đoàn tham dự chiến dịch Nguyễn Huệ ở Giồng riềng Rạch giá, Trung úy Đức làm Sĩ quan phụ tá Tiểu đoàn trưởng. Thiếu úy Trần văn Nhựt ĐĐ1, Thiếu úy Cao tấn Hạp ĐĐ2, Trung úy Phan thanh Đàn ĐĐ3, Thiếu úy Nguyễn hữu Nhơn ĐĐ4 lúc bấy giờ còn có tên là Đại đội súng nặng.
Giữa năm 1956 Trung úy Bùi thế Lân ở Bộ binh về coi ĐĐCH thay Trung úy Tính. Lúc này Tiểu Đoàn có thêm Trung úy Bùi văn Phẩm, Dương hạnh Phước, Nguyễn đức Ân, Phạm văn Chung, Trần xuân Đàm thuyên chuyển về. Trung úy Ngụy văn Thanh về thay Đại úy Chí trong trọng trách Quyền TĐT, Trung úy Thanh được thăng cấp Đại úy. Năm 1957 Đại úy Nguyễn văn Tài thay Đại úy Thanh. Trung úy Nguyễn Bá Liên, Thiếu úy Hoàng văn Nam, Phan văn Thắng và Chuẩn úy Nguyễn năng Bảo, 4 vị này là Huấn luyện viên của trường Biệt động đội ở Nha trang thuyên chuyển về, mới được 3 ngày thì Chuẩn úy Nguyễn năng Bảo được đi trấn giữ Hoàng Sa 4 tháng, vài ngày sau khi trở về thì anh được thuyên chuyển qua TĐ2. Năm 1958 thì có thêm Trung úy Lê hằng Minh về trình diện lúc Tiểu đoàn đang hành quân ở Cà Mau, có thể còn một số anh em khác mà lâu quá rồi tôi không nhớ hết, mong thứ lỗi.
Trung úy Phan thanh Đàn tử nạn ở trường Hạ sĩ quan Nha trang khi Huấn luyện về mìn và lựu đạn. Trung úy Nguyễn bá Liên thay thế Trung úy Đàn làm Đại đội trưởng ĐĐ3.
Sau khi tham dự hành quân Giồng riềng ngày 6 tháng 12 năm 55, tôi là Đại đội phó ĐĐ3 bị thương nặng, Thiếu úy Nho Đại đội phó ĐĐ2 cũng bị đạn vào mặt, xuyên qua gò má lên tai. Chúng tôi nằm tại khu vực giao tranh qua đêm. Ngày hôm sau ĐĐ1 đi tìm kiếm được chúng tôi, băng bó và đưa chúng tôi về BCH/TĐ và sau đó tản thương bằng xuồng về Quân y viện tại Rạch giá. (Tất cả tử sĩ của TĐ1 đổ bộ hy sinh tại Giồng riềng ngày 6 tháng 12 năm 1955 được chôn cất tại nghĩa trang bên cạnh phi trường Rạch Sỏi. Đã trên nửa thế kỷ không biết bây giờ tình trạng ra sao. Viết lại để cho anh em Quái Điểu biết, nếu có dịp về quê hương thì ghé thăm anh em ở đó.
Nằm nhà thương nhiều tháng, tôi trở về lại Tiểu đoàn giữa năm 1956, Đại úy Thanh làm Tiểu đoàn trưởng. Lúc này có một lớp đi du học làm người Nhái (Frogman) ở San Diego, được đi du học Hoa Kỳ là điều ước muốn chung, nhưng có lẽ khóa học này gian nan và nhiệm vụ nguy hiểm nên không ai tình nguyện, chỉ một mình tôi ghi tên. Sau khi thi đậu phần Anh ngữ, được Ban Cố vấn và Bộ chỉ huy TQLC ở Sài Gòn chấp thuận. tôi rời TĐ1 về Saigon đầu năm 1957. Hàng ngày sang Hải quân đeo bình dưỡng khí đi học lặn. Lúc này còn độc thân nên tan giờ học là ra dạo phố Saigon. Mấy tháng sau thì khóa học bị hủy bỏ, may mắn có khóa Sĩ quan Basic TQLC Hoa Kỳ mới mở. Thế là tôi lại được chuyển qua khóa học này.
Có thêm Trung úy Tôn thất Soạn, Hoàng Lãm, Phạm ngọc Thụy, Giang khánh Tước, Nguyễn văn Nho và Chuẩn úy Nguyễn hữu Cát cũng về Saigon để theo học khóa này. Hàng ngày chúng tôi cùng đi học thêm Anh ngữ và đến ngày 27 tháng 12 năm 1957 thì tất cả lên đường học khóa Căn bản Sĩ quan TQLC Hoa kỳ đầu tiên tại Quantico, Virginia. Trung úy Tôn thất Soạn được chỉ định làm Trưởng toán. Về nước tháng 8 năm 1958, tôi trở về TĐ1, nhưng lúc này Đại úy Nguyễn văn Tài làm TĐT.
Tôi được chỉ định làm Đại đội trưởng ĐĐCH/ TĐ1/ TQLC thay thế Trung úy Lê đình Quế. Đại úy Nguyễn văn Tài TĐT, cũng là bạn cùng khóa 4 phụ Sĩ quan Trừ bị Thủ đức. Tháng 4 năm 1960 Đại úy Tài được Tổng Thống Ngô đình Diệm bổ nhiệm Tỉnh trưởng Lâm Đồng.
Đại úy Lê nguyên Khang ở Bộ chỉ huy TQLC đang hành quận ở Kiến hoà thuyên chuyển về làm Tiểu đoàn trưởng. Sau đó vài ngày, tôi bị thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 3. Và Trung úy Nguyễn ngọc Vinh thay tôi.
Trong cuộc chính biến ngày 01 tháng 11 năm 1960, Tiểu đoàn 3 TQLC do không đủ phương tiện vận chuyển phải tách làm đôi, đoàn đầu tiên chở cánh A do Đại úy Tiểu đoàn trưởng Nguyễn kiên Hùng chỉ huy vào Bộ Tổng Tham Mưu ủng hộ phe đảo chánh. Đoàn xe trở về chở cánh B do Đại úy Tiểu đoàn phó Mã viết Bằng chỉ huy lại đổi ý theo Đại tá Hồ tấn Quyền vào Dinh Độc Lập bảo vệ Tổng Thống Ngô đình Diệm. Cuộc đảo chánh thất bại, cấp Chỉ huy đầu não bay qua nước láng giềng Cam Bốt tỵ nạn chánh trị, tôi là Sĩ quan Ban 3 trong bộ chỉ huy Tiểu đoàn ở lại bị bắt, bị thẩm vấn, điều tra trong vòng 5 năm... Nha An ninh Quân đội thì không làm gì phiền tôi nhiều, vì họ biết rằng tôi cũng chỉ là người thừa hành mà thôi. Sau khi từ phòng giam ở Nha An ninh Quân đội tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi được dẫn lên phòng thẩm vấn, may quá, trời thương tôi gặp Trung tá Nguyễn xuân Sinh Trưởng khối điều tra, ông là Thầy dạy tôi ở trường Sinh ngữ Quân đội. Ông nhận ngay ra tôi là học trò cũ của ông, Sau khi hỏi qua loa vài câu, ông gọi tài xế của ông lấy xe Traction 15 chở tôi về. Nhà tôi lúc này đang có bầu đứa con đầu lòng. Trong khi đó thì An ninh của TQLC theo dõi tôi nhiều năm. Tôi bị đề nghị thuyên chuyển từ Tiểu đoàn này đến Tiểu đoàn nọ cứ vài ba tháng một lần. Đi hành quân liên tục, chức vụ Đại Đội Trưởng với hai lần bị thương nặng, mang cấp bậc Trung úy 8 năm, được ân thưởng Đệ Ngũ đẳng BQHC, lúc này thì trong Quân Đội cũng không có nhiều. (Đại úy Nguyễn Thành Yên đề nghị cho bốn Đại Đội trưởng TĐ2 trong trận Đầm Dơi, được Tổng thống Diệm phê chuẩn ký vào tháng 10 năm 1963, thời điểm này ngoài bốn anh em của TĐ2 và Đại úy Nguyễn Thành Yên TĐT, binh chủng TQLC chưa có sĩ quan nào có BQHC Đệ Ngũ Đẳng kèm theo Anh Dũng Bội Tinh với Ngành Dương Liễu), Thật là bất ngờ trong thời gian tôi tham dự khoá Tham mưu trung cấp, Trung Tường Lê Văn Nghiêm chỉ huy trưởng trường Đại học quân sự tổ chức lễ gắn Huy chương Đệ ngũ đẳng cho tôi tại Hội trường của trường vào tháng 4 năm 1964 trước sự hiện diện của toàn thể Sĩ quan Huấn luyện viên, Sĩ quan sinh viên thuộc các Quân binh chủng. Tôi vô cùng cảm động. Mãi tới khi Tổng Thống Ngô đình Diệm qua đời thì những người nào mang Trung úy trên 7 năm thì được tự động thăng cấp Đại úy. Tôi ở trong trường hợp này.
Tháng 5 năm 1965 trong trận Phụng Dư của TĐ2, tôi được ân thưởng Đệ tứ đẳng BQHC, (cũng do Trung tá Nguyễn thành Yên Chiến đoàn trưởng đề nghị cho cả 4 Đại đội trưởng và được Bộ tư lệnh Sư đoàn 22 chấp thuận), Tiểu đoàn 2 thời gian này Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Hoàng tích Thông.
Sau trận này nhà tôi bị bịnh nặng, tôi được thuyên chuyển về làm Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện TQLC ở trại Yết Kiêu Thủ Đức tháng 8 năm 1965. Thời gian đủ để tôi quen với công việc mới, tuy không nguy hiểm như đi tác chiến nhưng có rất nhiều khó khăn không liên quan gì đến việc Huấn luyện mặc dù thời gian này TTHL còn quá nhỏ, chỉ có vài Đại đội Tân binh, văn phòng và những dãy nhà tôn cho anh em và các Sĩ quan Huấn luyện viên rất sơ sài.
Sinh hoạt tại trung tâm chưa tròn sáu tháng, trong lúc thiên hạ đang đón Xuân, hưởng gió mát của sông Saigon, thì tôi lại được lịnh bàn giao TTHL cho Đại úy Hoàng văn Nam để khăn gói quả mướp đi ra Tiểu Đoàn 3 đang hành quân ở Đà nẵng để làm Tiểu Đoàn phó cho Thiếu tá Nguyễn thế Lương. Nhà tôi đang bịnh và hai đứa con thơ, một 4 tuổi và một 2 tuổi tại căn nhà một phòng, thuê mướn ở bên hông quận Thủ Đức, đường đi lên Tam Hà. Dãy nhà có 3 căn, bên trái là Ông Bà Giáo sư Lạc, cả hai Ông Bà đều dạy ở Thủ Đức, bên phải là Trung úy Nguyễn văn Hàm Bộ binh QLVNCH, cùng thuê chung dãy với chúng tôi. Tôi nhờ 2 gia đình này gíúp nhà tôi và các cháu khi cần. Họ sẵn lòng giúp đỡ nên tôi cũng tạm yên tâm lên đường.
Làm việc ở TĐ3 nhưng chưa có dịp thăm viếng và gặp mặt hết các Đại đội vì TĐ đóng quân ở nhiều nơi. Hai Đại đội trưởng mà tôi có dịp gặp trong thời gian này là Trung úy Lê bá Bình, và Đại úy Nguyễn minh Châu. Tôi đến thăm Đại đội của Trung úy Bình khi đơn vị anh đang hoạt động trên đèo Hải Vân. Anh có mời tôi ăn bánh xèo ở Hải Vân, còn anh Minh Châu thì tôi có mời anh và vài anh em đi Đà Nẵng ăn sáng bánh mì thịt nguội. Tuy có một số anh em chưa gặp mặt lần này, nhưng đa số tôi đã biết trước vì đây đã là lần thứ năm tôi thuyên chuyển về TĐ3 trong vòng 5 năm. Tràn đầy kỷ niệm với TĐ3 thời gian đơn vị ở Gò Công và hành quân dẹp biểu tình tại Sài Gòn với Thiếu tá Nguyễn thế Lương TĐT.
Ngày 29 tháng 6 năm 1966, Cố Trung tá Lê hằng Minh tử trận tại quận Phong Điền tỉnh Thừa Thiên... Tôi mới ở Đà Nẵng về phép được mấy ngày vì có việc gia đình, hôm ấy tôi đang ở Thủ Đức thì nhận lịnh ra ngay TĐ2, Phòng 4 của Sư đoàn mua cho tôi vé phi cơ Cessna khởi hành từ Tân Sơn Nhứt đến Đà Nẵng sau mấy giờ bay. Tại phi trường dân sự Đà Nẵng đã có xe của TĐ2 chờ sẵn đưa tôi về Tiểu đoàn, Trước khi ra TĐ2, tôi có ghé thăm ngắn ngủi Đại tá Nguyễn thảnh Yên. ông là người tôi thương mến và quý trọng nhứt trong binh chủng TQLC, nhiều kỷ niệm vui buồn với ông trên khắp các chiến trường, đặc biệt là Cà Mâu, Tam Quan Bồng Sơn và Kontum, tôi luôn luôn làm việc hết sức mình trong thời gian dài phục vụ dưới quyền ông. Đã hai lần tôi chứng kiến ông thoát chết trong gang tấc, lần thứ nhứt khi ông ngồi trên một quả mìn được che dấu, may mà tôi phát hiện, lần thứ hai khi ông và tôi đi trên một cái xuồng, vì có nhiều cỏ cản trở không thể chèo nhanh được, ông cố kéo cỏ để giúp người chèo, ông kéo lên hai cây súng do 2 tên cộng quân núp dưới cỏ ở ven sông, may mà chúng nó sợ quá không kịp trở tay thì đã bị anh em TQLC cận vệ của ông Già bắt.
Nhận Tiểu Đoàn 2 ngay tại mặt trận, nơi Trung tá Minh hy sinh, khói lửa còn mịt mù. Gặp Đại úy Nguyễn văn Hay Tiểu đoàn phó và Đại úy Thomas E. Campbell cố vấn trưởng Tiểu Đoàn, (Ông bị thương nhưng từ chối tản thương. Khi ông về Mỹ thì chức vụ sau cùng của ông là Đại tá Trung đoàn trưởng. Giải ngũ và làm giảng sư dạy môn Lãnh đạo chỉ huy tại trường đại học ở Austin, Texas. Ông có viết mấy cuốn sách, trong đó có một cuốn nói về những kỷ niệm của một cố vấn với TQLCVN “Memorìes of a Covan My with the Vietnamese Marines”. Tập sách gồm 120 trang. Ông đã chuẩn bị sẵn sàng để xuất bản. Nhưng không biết lý do nào ông lại gửi tặng tôi và cho tôi được hoàn toàn xử dụng bản quyền in ấn. Sau Đại hội TQLC ở Nam Cali 2008 thì phái đoàn MX ở Úc châu có lên San José thăm tôi trước khi về lại Úc. Tôi có giao lại tập sách này cho Ó Biển Trần như Hùng để dịch ra Việt ngữ, và nếu có tiền thì sẽ in ra cho anh em TQLC đọc. Cuốn sách ghi lại nhiều kỷ niệm của cố vấn trong khi đi hành quân vói các đơn vị TQLCVN. Ông mới qua đời đầu năm 2008 tại tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ.
Thu dọn Quân trang vũ khí, Thương binh tử sĩ, rồi đưa Tiểu đoàn về tạm trú tại Trung Tâm Huấn luyện Đống Đa để nghỉ ngơi, tái trang bị và sẵn sàng lên đường trở về Hậu cứ ở Tam Hà, Thủ Đức.
Tiểu đoàn vào Trung tâm huấn luyện quốc gia Vạn Kiếp ở Bà Rịa. Huấn luyện xong lại trở ra vùng I đặt thuộc quyền sử dụng của Quân đoàn I hành quân vùng giới tuyến Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh.
Thời gian 1966 trở đi có nhiều cuộc chạm súng lớn với các đơn vị chính quy của Cộng sản Bắc Việt.
- Trận đánh vào mật khu An Lão đầu năm 1967 của TĐ2 và TĐ3 do Trung tá Tôn Thất Soạn Chiến Đoàn Trưởng CĐB chỉ huy đã đánh tan Trung đoàn chính quy Bắc Việt thuộc Sư đoàn 10, tịch thu nhiều vũ khí và bắt sống nhiều tù binh.
- Trận hành quân đi giải cứu đơn vị Hoa Kỳ tại chiến khu D. TĐ2 đánh vào Hậu cần việt cộng. Tiểu đoàn đã đánh tan các đơn vị hậu cần tịch thu được nhiều kho gạo, trên 300 tạ gạo và đem xác một số Quân nhân Mỹ ra khỏi vùng hành quân. Gạo xuất phát từ Biên Hoà bán ra cho địch, nay mình tich thu được đem giao trả về cho Quân Đoàn III. Trực thăng vận Chinook chở 2 ngày mới hết. Mai mốt đi hành quân có thể lại gặp những bao gạo này bán ra lần nữa. Thật vô cùng buồn nản cho người lính chiến...
- Trận đêm hưu chiến ngày 31 tháng 12 năm 1967. Chiến Đoàn B gốm TĐ1 và TĐ2 đã tạo chiến thắng lớn. TĐ1 thu nhiều kho vũ khí. Tại rạch Cái Thia quận Giáo Đức tỉnh Định Tường, TĐ2 đã đánh tan Tiểu Đoàn 261 chủ lưc và các đơn vị đặc công đánh vào Bộ chỉ huy TĐ2 không có pháo binh và không quân yểm trợ. Chỉ có yểm trợ soi sáng mà thôi. Vì phía VNCH đang thi hành lịnh ngưng bắn.
- Tết Mậu Thân đợt 1 và đợt 2 năm 1968 tại các khu vực như Bộ Tổng Tham Mưu, Bình Hòa, Sài gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Phú Lâm, Phú Thọ,TĐ2 và các Tiểu đoàn tham dự đánh tan các đơn vị Việt cộng đã xâm nhập vào những khu vực nói trên.
Tiểu đoàn 2 lập nhiều chiến công tại Giáo Đức, Tết Mậu Thân và Tây Ninh. là đơn vị đầu tiên trong TQLC được mang dây biểu chương mầu BQHC sau trận Mậu Thân đợt 1 (1968)
Tháng 9 năm 1968 TĐ2 gồm các Đại đội trưởng ĐĐ1 Đại úy Tô văn Cấp, ĐĐ2 Đại úy Trần kim Đệ. ĐĐ3 Đại úy Trần văn Thương, ĐĐ4 Đại úy Vũ đoàn Dzoan cùng Chiến Đoàn /B của Trung tá Tôn thất Soạn đi hành quân ở Tây Ninh. Ngày 14 tháng 9 năm 1968, TĐ2 đã đánh tan TĐ 14Đ chủ lực Tây Ninh và ít ngày sau đó tấn công vào nơi đồn trú và dưỡng quân của Trung đoàn 33 Chính quy Bắc Việt ở mật khu Bời Lời gây cho chúng nhiều tổn thất về sinh mạng khi chúng tấn công vào vị trí của ĐĐ1 trong đêm. Trung tướng Dư quốc Đống Tư lệnh SĐ Nhảy Dù là một cấp Chỉ huy mà tôi kính phục, đêm hôm qua TĐ chạm súng mạnh, mặc dù chúng tôi là đơn vị tăng phái nhưng ngay sáng sớm hôm sau, nghĩa là chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, ông đã có mặt ngay tại vùng giao tranh quan sát trận địa thăm hỏi anh em chúng tôi. Ông đã ân cần thăm hỏi anh em, chúng tôi rất cảm động. Anh em bên Nhảy Dù gặp nhiều may mắn trong đời quân ngũ hơn chúng tôi. Trong cuộc hành quân này, Trung tá Tôn thất Soạn Chiến Đoàn Trưởng/CĐB và tôi đã ở trên không phận Tây Ninh suốt 24 giờ trong ngày, để tìm những vị trí pháo binh và súng cối của địch. Chúng tôi chỉ mấy tiếng xuồng đổ xăng một lần và sẵn dịp đó làm những nhu cầu cần thiết. Ban đêm lạnh nhưng phải bay cả đêm, vì ban đêm mới dễ nhận ra vị trí của các khẩu 82 và 61 của cộng quân.
Đầu năm 1969 TĐ về vùng IV với CĐ/ B tham dự cuộc hành quân Giải Phóng U Minh do Sư Đoàn 21 BB tổ chức. TĐ3 TQLC được tàu Hải Quân yểm trợ theo sông Cán Gáo đổ bộ chiếm mục tiêu, lục soát xong rồi lại xuống tàu, tiến dần dần tử chợ thứ Ba đến Đông Hòa. Tiểu đoàn 2 trực thăng vận xuống vùng Đông Hưng. Mấy ngày sau đó tôi bị thương nặng, Thiếu tá Nguyễn kim Đễ Tiểu đoàn phó và anh em trong Bộ chỉ huy Tiểu đoàn nhanh chóng chích thuốc và băng bó rồi đem ra bãi đáp, Cố vấn Tiểu đoàn là Thiếu tá Jack Sheehan cấp tốc gọi trực thăng tải thương đến bốc ngay lập tức, Tôi được phi công TQLC Hoa kỳ chở thẳng ra Bệnh Viện Hạm USS Sanctuary của Hoa kỳ ngoài biển khơi, nếu không nhờ những người kể trên giúp đỡ thì chắc gì tính mạng của tôi được bảo toàn. Tôi không bao giờ quên ơn quý vị và các anh em đó. Sau lưng bị 24 mảnh đạn B40, mỗi miếng chừng 1 inch. Nằm bịnh viện nổi của Mỹ trên 1 tháng. Thiếu tá Sheehan sau này là Đại tướng 4 sao của TQLC Hoa kỳ. Ông cho tôi biết đã đem về Mỹ và còn giữ mảnh đạn B40 gây thương tích cho tôi.
Người Việt Nam đầu tiên đến thăm tôi tại tàu Bịnh viện là bà Đốc phủ sứ Huỳnh văn Liêm. Bà đến thăm tôi vì trước khi bị thương tôi có xin đóng quân ở khu vườn nhà ông bà ở Cần Thơ để nghỉ quân một thời gian, nên ông bà coi tôi như người trong gia đình. Tôi có dịp đến nhà thăm ông bà đôi lần khi ông bà dọn nhà lên Sài gòn. Sau này con gái của ông bà là phu nhơn của Đại tá Tôn thất Soạn TQLC, cựu Tỉnh Trưởng Hậu Nghĩa 1972-1975.Trước khi tôi rời tàu Bịnh viện để về Tổng Y Viện Cộng Hòa thì Thiếu tá Nguyễn đức Ân thuộc BTL có đến tàu Bịnh Viện thăm tôi và mang cho tôi vài bộ quần áo trận.Về dưỡng thương tại Tổng Y Viện Công Hòa vài tháng các miểng đạn nhỏ còn rất nhiều trong người, nhưng tôi được cho xuất viện về đơn vị. Suốt thời gian bị trọng thương và thời gian về dưỡng thương ở TYV Cộng hoà tôi không có hân hạnh được gặp các cấp chỉ huy TQLC. Nhớ lại khi trực thăng tản thương tôi về đến Cộng Hòa, máy bay để tôi xuống rồi bay đi, lúc này là 12 giờ trưa, chắc các Bác sĩ và y tá đi ăn cơm hết, nên tôi đươc nằm ở bãi đáp trực thăng mấy tiếng đồng hồ phơi nắng mà cũng chẳng thấy ai ra mang vào. Uất ức tột cùng. Trung tá mà còn được ưu ái như vậy thì cấp dưới chết oan cũng là chuyện xẩy ra. Ngày hôm nay sau 33 năm ở Hoa Kỳ, đi chụp hình phổi hàng năm, sau lưng và trên đầu tôi cũng còn cả nhiều trăm mảnh đạn li ti như hột tấm.
Tôi đuợc thuyên chuyển về làm TĐT Tiểu đoàn công vụ TQLC thay Thiếu tá Nguyễn xuân Phúc. Thiếu tá Phúc bị tai nạn xe trong trận Mậu Thân 1968, nay bình phục ra chỉ huy TĐ2 Trâu Điên thay tôi. Được sống gần gia đình 5 tháng, vào tháng 11 năm 1969 thì tôi đươc lịnh bàn giao TĐ công vụ cho
Thành lập và trang bị xong xuôi, BCH/LĐ xuất quân sang tham chiến tai Cam bốt vào tháng 4 năm 1970. Cùng đi với BCH/LĐ có TĐ8 và TĐ 3 Pháo binh, theo Quốc lộ 1 qua Gò dầu hạ sang Miên tiếp nhận TĐ9 và TĐ5 hiện đã có mặt ở Cam Bốt với LĐ 147 trước đó. Lữ đoàn tăng phái cho BTL Quân Đoàn IV. Trung tướng Ngô quang Trưởng TL/QĐ. Trung tướng Trưởng cũng gốc Nhẩy Dù. Bên ND có nhiều Tướng tài. Mới sang Miên, hành quân giải tỏa QL4, TĐ8 Thiếu tá Nguyễn văn Phán TĐT và TĐ 9 Thiếu tá Nguyễn kim Đễ đụng địch mạnh, Trung tướng Ngô quang Trưởng ở Cần thơ đã bay sang ngay mặt trận đang mịt mù khói lửa, Tinh thần anh em lên cao, TĐ8 đã tạo chiến thắng lớn, Trung tướng đã tặng nhiều Huy chương cho anh em trong đó có tôi và Thiếu tá Nguyễn văn Phán, Đại úy Trần Ba được ân thưởng ADBT với nhành dương liễu.
Đại tá Bùi Thế Lân Tư lệnh phó Sư đoàn cũng từ Saigon bay sang Cao Miên nơi khu vực TĐ 9 đang hành quân thăm hỏi anh em và trao tặng một số Anh dũng bội tinh cấp Sư đoàn cho anh em TĐ9. Sau đó ông về Bịnh viện Neak Luong thăm anh em thương binh nằm tại đó.
Tháng 12 năm 1970 Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu sang thăm BCH/LĐ 369 tại Neak Luong, phái đoàn của TT có mang theo nhiều phần ăn cho tất cả những người tùy tùng, nhưng Đề Đốc Trần văn Chơn người tháp tùng TT, mời tất cả phái đoàn xuống chiến hạm đậu trên sông gần bộ Chỉ huy Lữ đoàn. Tất cả mọi người xuống Chiến hạm Hải Quân dùng cơm, Tôi không biết nguyên nhân nào mà Trung Tướng Lê nguyên Khang Tư lệnh TQLC không xuống tàu dùng cơm với phái đoàn của Tổng thống mà ở lại trên BCH/LĐ. Tôi thấy Tổng thống có vẻ đăm chiêu. Tôi cũng được mời nhưng Trung Tướng Khang không đi thì tôi phải ở lại BCH để tiếp ông. Khi phái đoàn Tổng Thống ra về, tôi tiễn Trung Tướng Khang ra trực thăng, ông nói với tôi “ Ông chuẩn bị bàn giao Lữ Đoàn cho Trung tá Phạm văn Chung, và trở về Saigon để tham dự khóa Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại trường Đại Học Quân Sự Đà Lạt”. Trước khi bàn giao Lữ đoàn cuối năm ấy, lễ Giáng sinh cũng sắp đến. Buổi chiều của đêm Giáng Sinh, anh em phi công trực thăng xin về Cần Thơ với gia đình sáng ngày mai sẽ có mặt sớm. Lúc này BCH/LĐ thường được tăng phái một phi đoàn trực thăng (Thiếu tá Trương Thanh Tâm Phi đoàn trưởng) túc trực ở Phi Trường Nam Vang, để sẵn sàng đổ quân theo lịnh của Quân Đoàn.
Tôi có linh tính là sẽ có những điều tốt xảy ra nhưng không rõ là gì. Tôi đồng ý để anh em về Cần Thơ nhưng phải có vài chiếc ở lại nơi BCH./LĐ. Đêm hôm đó đặc công tấn công vào Phi trường Nam Vang đốt và làm thiệt hại nhiều phi cơ dân sự ở phi trường. Nếu đêm hôm ấy mà những trực thăng của VN đậu trên phi trường thì chắc chắn bị phá hủy hoặc cháy hết. Mừng cho anh em Không Quân và mừng cho cả tôi, vì làm một việc không xin lệnh Quân đoàn, may mà chuyện xẩy ra tốt. Nếu như trực thăng về Cần Thơ mà đêm đó đặc công đánh vào phi trường Cần Thơ cháy hết trực thăng thì chắc chắn tôi sẽ bị nhiều phiền phức.
Bàn giao cho Trung tá Phạm văn Chung xong, tôi về nước và lên Đà Lạt nhập học. Vài tuần sau cuộc Hành quân Lam Sơn 719 sang Hạ Lào khởi diễn, trong đó cả Sư đoàn TQLC tham dự dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Hoàng xuân Lãm Tư lệnh Quân Đoàn I. Tôi được nghe là Đại tá Tôn thất Soạn đi ra Khe Sanh trước cùng Bộ tham mưu Sư Đoàn TQLC, thiết lập phòng thủ và sắp xếp xong thì Đại tá Soạn được lệnh về Sài gòn làm Trưởng phòng thanh tra Sư Đoàn. Trung tướng Tư lệnh Sư đoàn TQLC lấy lý do thâm niên hơn Tướng Lãm nên ông về Sài Gòn và ủy nhiệm cho Đại tá Bùi thế Lân tư lệnh phó chỉ huy SĐ hành quân sang Hạ lào. Đây là cuộc hành quân đầu tiên cấp SĐ của binh chủng TQLCVN, nhưng không do Tư lệnh Sư đoàn Chỉ huy mà là Đại tá tư lệnh phó Bùi thế Lân.
Phần tôi sau khi bàn giao, đi học, không được vinh dự tham dự hành quân Hạ lào. Sau khi mãn khóa thì tôi được lịnh ra thẳng Quảng Trị, xã Mai Lộc quận Hương Hoá để nhận chỉ huy LĐ 258 thay thế cho Đại tá Nguyễn thành Trí được đi du hoc khóa CHTM cao cấp tại Hoa Kỳ.
Thời gian này bắt đầu có những cuộc chạm súng cấp Trung đoàn của quân Cộng sản Bắc Việt xâm nhập.
Ngày 01 tháng 4 năm 1972 chiến dịch tổng tấn công của quân Bắc việt bắt đầu vào miền Nam qua 3 ngả, Quảng Trị, Kontum và Bình Long.
Ngày 01 tháng 4 năm 1972 là ngày đầu tiên Quân đội Cộng sản Bắc Việt vượt vĩ tuyến 17 nơi sông Bến Hải mở màn bằng những cuộc tấn công vào các căn cứ của Sư Đoàn 3 Bộ Binh tại vùng phi Quân sự có sự tham dự của những Trung Đoàn chiến xa, phòng không hạng nặng và nhiều Sư Đoàn để tiến về hướng Quảng Trị.
Vùng Đông Hà và Ái Tử lúc này rất sôi động, các Trung Đoàn BB thuộc SĐ3 đã rút khỏi Gio Linh và các căn cứ C2, Cồn thiên, căn cứ Tân Lâm thì Trung Đoàn 56 BB đã đầu hàng. Tiểu Đoàn 3 TQLC đã chặn được lực lượng Bắc Việt tràn xuống Đông Hà. 2 chiến xa của Bắc Việt đã bị TĐ3 bắn hạ nằm ngay đầu cầu. Nếu cầu Đông Hà không được giựt sập thì xe tăng của Bắc Việt cũng không qua cầu được, Vì có 2 Chiến xa cộng quân bị bắn hạ ở trên cầu, nên đoàn chiến xa chưa qua được còn tập trung ở đầu cầu cũng sẽ bị Phi cơ và Hải pháo tiêu diệt mà thôi. Không cần phá cầu trong lúc này khi TĐ3 còn cần xử dụng.
Việc Cố vấn TĐ3 làm công việc phá cầu là một việc hại nhiều hơn lợi. Nếu Cố vấn này bị chết thì tôi là người đầu tiên bị khiển trách và báo chí Mỹ sẽ nói gì về TQLCVN? Vì tình hình lúc bấy giờ quá nghiêm trọng nên không có thời giờ nghĩ đến việc Tiểu Đoàn 3 làm như vậy là Sai hay Đúng. Nếu tình hình lắng đọng thì chắc sẽ không êm suôi như vậy. Nhiệm vụ đó không phải là một nhiệm vụ của Sĩ quan Cố Vấn, chỉ cần một chuyên viên giỏi là hoàn thành ngay. Sách báo Mỹ đã ca tụng và thổi phồng quá nhiều về câu chuyện anh hùng cầu Đông Hà. Họ ca tụng bao nhiêu thì mình thấy khó chịu nhiều hơn. Vì một việc nhỏ bé như vậy mà Công Binh TQLC và Công Binh Bộ Binh không làm được thì khó mà giải thích.
Sau khi đơn vị của Sư Đoàn 308 Bắc Việt bị TĐ3 chặn đánh ở Đông Hà và B52 làm tan tác đội hình, quân Bắc việt và 1 Trung đoàn CX di chuyển về hướng Mai Lộc và vượt khúc sông cạn để vào Quảng Trị qua ngã căn cứ Phương Hoàng (Pedro) ngày 9 tháng 4 nhưng bị bãi mìn trên 500 quả làm đoàn Xe tăng và Bộ binh địch phải ngừng lại và bị TĐ1,TĐ3, TĐ6 cùng TĐ3 pháo binh 105 ly TQLC thuộc Lữ đoàn 258 tại vùng Phượng Hoàng và Ái Tử đánh tan, không một Chiến xa nào chạy thoát. Hai chiếc bị bắt còn nguyên vẹn. Một chiếc được đưa về Huế triển lãm, sau đó được đưa về Sài Gòn để trước Tòa Đô Chánh cho đồng bào xem. Các phi tuần của Không Quân VNCH, các đơn vị Thiết Giáp tăng phái yểm trợ đã cùng các đơn vị TQLC lập chiến công lớn trong vùng Quảng Trị vào thời điểm này, anh hùng Đại úy Không Quân Trần thế Vinh yểm trợ cho TQLC đã hy sinh trong trận này. Về phía ta thì ngày 12 tháng 4 Thiếu tá Đoàn đức Nghi Tiểu Đoàn Phó TĐ1 đã hy sinh trên đường đi truy kích quân Bắc Việt trở về. Một tuần sau khi các đơn vị BV xâm nhập vào vùng Ái Tử đã bị tiêu diệt hoàn toàn thì Trung Tướng Hoàng xuân Lãm Tư lệnh Quân Đoàn mới đi đường bộ ra Quảng Trị. Ông cũng là người có can đảm.
Một cuộc diễn binh đã được tổ chức tại Huế cùng với chiến xa tịch thu được, làm yên lòng người dân sông Hương núi Ngự.
Sau trận này LĐ 258 đuợc về phía sau nghỉ quân. LĐ 147 của Đại tá Nguyễn năng Bảo đến Áí Tử thay thế chúng tôi. Ðược một tuần lễ thì Ái Tử bị pháo rất nặng nề, LĐ 147 di tản vào Thị xã QT, và ngày 1 tháng 5, Chuẩn Tướng Vũ văn Giai ra lệnh các đơn vị ở Quảng Trị di tản khỏi Thị xã để tránh pháo, không ngờ đã trở thành cuộc lui quân về phía sau, để thị xã bỏ ngỏ và quân Bắc việt tiến vào Quảng Trị ngày 1 tháng 5 năm 1972.
Lúc này Lữ Đoàn 369 của Đại tá Phạm văn Chung, Lữ đoàn trưởng đang ở khu vực sông Mỹ Chánh phía Nam quận lỵ Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.
Đại tá Bùi thế Lân tư lệnh phó SĐ đươc bổ nhiệm làm TL/SĐTQLC thay thế Tướng Lê nguyên Khang. Tướng Khang được Tổng Thống chỉ định giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II, nhưng ông từ chối, sau đó ông về Bộ TTM làm Tham mưu phó cho Đại tướng Cao văn Viên.
Lữ Đoàn 147 cũng rút về phía Nam sông Mỹ Chánh. Trung tá Nguyễn thế Lương mới đi học về được Đại tá Bùi thế Lân tân Tư lệnh chỉ định giữ chức vụ LĐT 369 thay thế Đại tá Phạm văn Chung được thuyên chuyển về BTL/SĐ/HQ giữ chức Tham mưu trưởng hành quân Sư đoàn.
Kế hoạch tái chiếm Quảng Trị được Tướng Ngô quang Trưởng Tư lệnh Quân Khu I giao trách nhiệm cho SĐ Nhảy Dù và SĐ/ TQLC thi hành. TQLC và Nhẩy Dù song song tiến về Quảng Trị. TQLC bên phải quốc lộ 1, Nhảy dù bên trái. Nhưng mục tiêu cuối cùng là Thị xã và Cổ thành QT nằm về phía tiến quân của TQLC thì Tướng Trưởng lại giao cho Binh chủng Nhảy Dù. Đây là câu hỏi mà tôi nghĩ chỉ có ba người có thể trả lời được là Tướng Ngô quang Trưởng, Tướng Lê quang Lưỡng TL/ ND và Tướng Bùi thế Lân TL/TQLC. Chúng tôi chỉ là những người thừa hành.
Ngày 27 tháng 7, TQLC được lịnh thay ND để đánh chiếm Thị xã và Cổ thành. Sau 48 ngày chiến đấu gian khổ, tất cả các Tiểu đoàn TQLC đã thay phiên cùng nhau thi hành nhiệm vụ, và ngày 15 tháng 9 năm 1972 TĐ3 thuộc LĐ147 và TĐ6 thuộc LĐ 258 đã chiếm được phần trách nhiệm của lữ đoàn mình và cùng cắm cờ vàng 3 sọc đỏ trên tường thành Nam và Bắc Cổ thành. Lễ kéo cờ được tổ chức hồi 12 giở 45 ngày 16 tháng 9 năm 1972 dưới sự quan sát của những phóng viên ngoại quốc.
Sau khi chiếm lại được Thị xã và Cổ thành Quảng trị là giai đọan phải giữ vững Quảng trị.
Tháng 3 ngày 8 năm 73 tôi đươc Bộ TTM chỉ định làm trưởng phái đoàn Chiến sĩ Xuất sắc của QLVNCH đi viếng thăm Đài bắc theo lời mời của chính phủ Đài bắc. Trung tá Đỗ đình Vượng Lữ đoàn phó XLTV Lữ đoàn thời gian tôi đi công tác. Sau 3 tuần thì phái đoàn trở về, Tôi trở về lại LĐ 258. Lúc này BCH/LĐ vẫn đóng tại Hội Yên thuộc quận Hải Lăng. Một chuyện khó tin nhưng có thật là TQLC và Chiến xa M48 đã bắn hạ một tàu Vận tải của Trung đoàn 5 Hải Quân Bắc Việt từ cảng Cửa Việt xâm phạm vào vùng biển Quảng Trị hướng về Thừa Thiên. Tàu này bị bắn chìm. Đây là một tầu chở lương khô tiếp tế cho các đơn vị của chúng. Trong thời gian này trên bộ yên tĩnh.
Tháng 12 năm 1974 tôi được lệnh bàn giao LĐ 258 cho Đại tá Nguyễn năng Bảo để đi thành lập Lữ đoàn mới có danh hiệu là LĐ 468 là LĐ thứ 4 của SĐTQLC. Thành lập chưa hoàn tất chỉ mới xong được BCH và 2 Tiểu đoàn. Sau khi xuất quân đi Long An hành quân khoảng một tuần. Hành quân ở Long An chấm dứt LĐ đuợc không vận ra Đà nẵng để thay thế LĐ Nhảy dù trách nhiệm khu vực đèo Hải Vân.
Ngày 28 tháng 3 đi họp để nhận lịnh rút bỏ Đà Nẵng. Tôi rất lo lắng vì đóng trên đèo Hải Vân thì việc rút quân thật là khó khăn, rất khó mà có thể thi hành tốt được. Hai Lữ đoàn 147 và 369 lựa bãi biển trong Thành phố để tập trung rút quân. Còn tôi, tôi xin cho LĐ đuợc rút quân xuống chân đèo Hải Vân và lên tầu tại khu vực làng Cùi ở chân đèo. Thiếu tá Nguyễn cao Nghiêm trưởng ban 3 đi họp với tôi. Trên đường về thì anh Nghiêm nói là người ta rút về thành phố mà mình lại đi ngược ra. Tôi không giải thích. Ngày 29 rút quân thì nhờ trời thương mà tàu Hải Quân vào bốc được cả LĐ 468 với 99% quân số và vũ khí lên tàu về Cam Ranh. Mưu sự tại nhân, mà thành sự là do Trời định.
Trong khi cập bến Cam Ranh thì Lữ đoàn được lịnh là có thể sẽ đi Phan Rang để thay thế cho Lữ Đoàn Nhảy Dù của Đại tá Nguyễn thu Lương Lữ đoàn trưởng tại phi trường Phan Rang. Cuối cùng thì lệnh thay đổi, LĐ vẫn trực chỉ Vũng Tàu. Ở được ít ngày, vào ngày 8 tháng 4 Lữ đoàn cùng TĐ8 và TĐ16 được lịnh về Sài gòn tăng phái cho Biệt Khu Thủ Đô. Khi đoàn xe đến Bà Rịa thì Lữ đoàn bị ông Trung tá Tỉnh trưởng Bà Rịa và một chiếc xe Commando car của Tỉnh cùng một số Địa phương quân ra chặn đoàn xe lại và cho biết Dinh Độc Lập bị ném bom, ông được lịnh chận đoàn xe của LĐ 468. Có lẽ ở Sài gòn nghĩ rằng chúng tôi về Sài gòn đảo chánh, tuy ông ta không nói ra nhưng tôi đoán chắc trong đầu ông ta nghĩ như vậy. Tôi nói ông về đi, chúng tôi không có đi đảo chánh đâu mà ông lo. Nếu thực sự chúng tôi đi thì lực lượng này có đủ sức chặn đường chúng tôi không. Lữ Đoàn được lịnh quay lại Vũng Tàu chờ lịnh. Sáng ngày hôm sau lại lên đường về Sài gòn tăng phái cho BKTĐ. Về đến Biên Hòa được lịnh về Sài gòn tăng phái cho Biệt Khu Thủ Đô. Khi đoàn xe đến Bà Rịa thì Lữ đoàn bị ông Trung tá Tỉnh trưởng Bà Rịa và một chiếc xe Commando car của Tỉnh cùng một số Địa phương quân ra chặn đoàn xe lại và cho biết Dinh Độc Lập bị ném bom, ông được lệnh chặn đoàn xe của LĐ 468. Có lẽ ở Sài gòn nghĩ rằng chúng tôi về Sàigòn đảo chánh, tuy ông ta không nói ra nhưng tôi đoán chắc trong đầu ông ta nghĩ như vậy. Tôi nói ông về đi, chúng tôi không có đi đảo chánh đâu mà ông lo. Nếu thực sự chúng tôi đi thì lực lượng này có đủ sức chặn đường chúng tôi không. Lữ Đoàn được lệnh quay lại Vũng Tàu chờ lịnh. Sáng ngày hôm sau lại lên đường về Sài gòn tăng phái cho BKTĐ. Về đến Biên Hòa thì lịnh thay đổi, Tôi để anh em chờ ở đây, mình tôi về trình diện Trung tướng Nguyễn văn Minh, Tư lệnh BKTĐ nhận lịnh. Trung Tướng cho biết Lữ đoàn tăng phái cho Quân Đoàn III. Tôi trở về Biên Hòa ngay và vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III trình diện Trung Tướng Nguyễn văn Toàn. Bộ chỉ huy Lữ Đoàn và các đơn vị yểm trợ đóng tại căn cứ Long Bình, hai Tiểu đoàn 8 và 16 chận đường tiến quân của địch vào hướng Biên Hòa.
Ngày 24 tháng 4 thì tôi được lịnh bàn giao LĐ cho Trung tá Nguyễn đăng Tống để ra Vũng Tàu nhận chức LĐT/147 thay thế Đại tá Nguyễn thế Lương đi nằm Bệnh viện. Trách nhiệm tái tổ chức LĐ/147, việc này nghe thì dễ nhưng làm thì thật là khó khi đơn vị đã có quá nhiều tổn thất sau cuộc lui quân ở Thuận An.
Thủy Quân Lục Chiến đánh đâu cũng thắng, nhưng chúng ta thua vì cấp lãnh đạo ở Sài gòn và quan thầy ở Hoa Thịnh Đốn. Chấm dứt cuộc chiến, người vào tù sống tủi hận trong trại tù cộng sản, còn những người thoát được thì cũng có những nỗi nhục riêng của những người đến xứ tạm dung này.
Nhìn lại cuộc đời như một giấc mơ, bao nhiêu biến cố xảy ra nào mấy ai định trước. Như một vở kịch khi màn nhung hạ xuống thì vở kịch kết thúc. Chính bản thân tôi không tưởng tượng được đã hai lần rời xa quê hương mà giấc mơ hồi hương không biết đến bao giờ xảy ra. Đến ngày hôm nay con cái đã trưởng thành, người bạn đời đã ra đi vĩnh viễn còn lại một mình trong căn nhà trống vắng tràn đầy kỷ niệm của những năm lưu vong, định tâm nhìn lại những việc đã làm một cách rất thành thật và nghiêm khắc để tự đánh giá mình.
Nay đang ở lúc hoàng hôn của cuộc đời. Ngồi viết lại những dòng này để cho tâm hồn thanh thản, để nhớ lại những niềm vui và quên đi những nỗi buồn đời lính trận.
Đối với các cấp Chỉ huy tôi đã hết sức mình làm tròn trách nhiệm và tận dụng tất cả khả năng để hoàn thành. Đối với vài chuyện tình đời xảy ra trong cuộc sống Quân ngũ của tôi mà tôi nghĩ cũng đã xẩy ra cho nhiều người cũng là chuyện nhắc lại trong lúc trà dư tửu hậu nói lên một sự thực của cuộc đời không có ý hờn trách bất cứ ai cũng như để trong tâm bất cứ chuyện gì nữa trong buổi chiều tà xế bóng. Đối với những Chiến hữu dưới quyền tôi lúc nào cũng đối xử một cách công bằng, công minh với những người có tài, có đức và tôn trọng kỷ luật. Đối với cấp trên tôi luôn luôn tranh đấu cho quyền lợi anh em. Trong tập thể, không ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người, kiểm điểm lại tôi thấy những việc tôi làm tốt nhiều hơn xấu cho nên đến giờ đa số anh em cũng còn đối với tôi trong sự tương kính và thắm tình chiến hữu như xưa, tình cảm trân quý. Trong những năm trước đây khi tôi không đến sinh hoạt với anh em được thì hầu như tất cả đã nghĩ đến và về thăm chúng tôi, hình ảnh dưới đây cũng là niềm vui và an ủi nhất cho tôi vào lúc cuối đời. Tôi xin ghi nhận và trân trọng những ơn tình đó.
Hôm nay tôi viết bài này, tôi nghĩ tuy chậm trễ còn hơn không, Nếu sự việc để đi vào lãng quên là một thiếu sót vì tôi có đề cập đến nhiều Sĩ quan TQLC hồi sơ khai mà đa số anh em chưa bao giờ biết mặt hoặc nghe tên. Tôi sợ sau này con em họ không được biết tới ông cha của họ là những người đã góp công, mồ hôi, nước mắt và máu cho việc phát triển Binh chủng. Vì thời gian đã trên 50 năm, xin quý vị có mặt ở TQLC thời đó bổ túc cho tôi những khiếm khuyết nếu có trong phạm vi bài này. Tôi xin chân thành cảm tạ và sẽ bổ túc ngay.
Đồ Sơn Ngô Văn Định
San José, California
PS: ai ở TQLC chắc cũng biết danh hiệu của Đồ Sơn
-------------------------------------
Ðại Tá Ngô Văn Định
ĐỒ SƠN là biệt danh của cựu Đại tá TQLC NGÔ VĂN ĐỊNH.
Anh sanh ngày 6/12/1935 tại làng Viêm xá, huyện Yên phong, tỉnh Bắc Ninh.
Nhập ngũ ngày 19/3/1954 Khóa CƯƠNG QUYẾT tại trường Võ Bị Liên Quân Đà lạt. Ra trường ngày 01 /10 /1954, cũng là Sanh Nhựt của Binh chủng TQLC.
Đơn vị đầu tiên là Đại đội 7 Tuần Giang (7ème Company Fluviale). Đầu năm 1955, Anh được thuyên chuyển Tiểu đoàn 1/Đổ bộ TQLC đang được thành lập tại Nha trang. Rồi từ đó suốt 21 năm liên tục, phục vụ Binh chủng TQLC từ Thiếu úy đến Đại tá, từ chức vụ Đại đội phó ĐĐ3/TĐ1 đến ĐĐT/ĐĐ4/TĐ2TQLC, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/TQLC (Trâu Điên), Tiểu đoàn Công vụ thuộc Bộ Tư Lịnh / Sư Đoàn TQLC, thành lập hai Lữ đoàn 369, LĐ 468 và chỉ huy lần lượt các Lữ đoàn 369, LĐ258, LĐ468 và sau cùng là LĐ 147/TQLC. Các cấp bậc đều được vinh thăng tại mật trận, 4 lần bị thương với 4 ngôi sao đỏ.
Nhận Bảo quốc Huân chương Đệ ngủ đẳng với cấp bậc Trung úy(1963), dưới thời Tổng thống Ngô đình Diệm ; Đệ Tứ Đẳng Bảo quốc Huân Chương ở cấp bực Đại úy (1965) và Đệ tam Đẳng Bảo quốc Huân Chương sau trận tái chiếm Cổ thàng Quảng Trị 1972. Cả hai huy chương sau đều dưới thời Tổng thống Nguyễn văn Thiệu.
Anh đã tham dự các khóa học: Khóa 1 Sĩ quan căn bản TQLC /Hoa kỳ tại Quantico, Virginia (1/1/1958) +Khóa 1 Chiến tranh trong Rừng rậm tại Panama (1962) + Khóa Tham mưu Trung cấp (1964)+ Khóa Chỉ huy Tham mưu Cao cấp (1971).
21 năm quân ngũ, Anh được tuyên dương nhiều lần với 22 Anh dũng Bội tinh với Nhành Dương liễu…
Anh qua Mỹ năm 1975 cùng với vợ (chị Nguyễn Mậu Nhung) và 4 con gồm 1 trai và 3 gái. Hiện đang định cư tại San Jose (California). Từ 8 năm qua, Anh tình nguyện làm Y tá săn sóc cho một Bịnh nhơn duy nhứt. Đó là người vợ, là cô bạn gái Hà nội, học Trưng Vương Sài gòn, làm công chức tại Gò Công.
Đồ Sơn NGÔ VĂN ĐỊNH, Một Đời Mũ Xanh.
Anh là người chung thủy với Binh chủng và thủy chung với Gia Đình.
No comments:
Post a Comment