Người đào thoát Bắc Hàn gửi tiền về nước: ly ky hơn phim gián điệp
Tác giả : Jungmin Choi
Nguồn: BBC
Người môi giới Hwang Ji-sung đào tẩu sang miền Nam năm 2009
"Nó giống như phim gián điệp vậy và mọi người đều phải đặt cược mạng sống của mình," ông Hwang Ji-sung, một người môi giới người Hàn Quốc đã giúp những người đào tẩu khỏi Bắc Hàn gửi tiền về quê trong hơn một thập nien qua, cho biết.
Nhiều năm trước, người Bắc Hàn đã tạo ra thuật ngữ "gốc Hallasan" nhằm chỉ những người nhận sự trợ cấp từ những người đào tẩu sống ở miền Nam, ông Hwang nói.
Hallasan là tên một ngọn núi lửa nổi tiếng trên đảo Jeju xinh đẹp của Hàn Quốc.
"Một người xuất thân từ gia đình gốc Hallasan được coi là đối tượng đáng để kết hôn nhất, thậm chí còn sáng giá hơn cả đảng viên Cộng sản," ông nói.
Một cuộc khảo sát năm 2023 của Trung tâm Dữ liệu về Nhân quyền Bắc Hàn có trụ sở tại Seoul trên khoảng 400 người đào thoát khỏi Bắc Hàn cho thấy, khoảng 63% người đã gửi tiền về cho gia đình ở miền Bắc.
Nhưng hiện nay, với việc cả hai miền Bắc lẫn Nam đều truy quét mạnh tay, việc chuyển kiều hối từ miền Nam sang miền Bắc đang ngày càng trở nên rủi ro.
Đây vốn đã là một công việc phức tạp và khó khăn, đòi hỏi một mạng lưới môi giới và người chuyển phát linh hoạt dàn trải khắp Hàn Quốc, Trung Quốc và Bắc Hàn.
Những cuộc gọi bí mật bằng điện thoại lậu Trung Quốc được thực hiện ở những địa điểm xa xôi. Người ta phải dùng bí danh.
Mức độ rủi ro vô cùng cao vì việc chuyển kiều hối này bị cấm ở cả Hàn Quốc lẫn Bắc Hàn.
Từ năm 2020, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã tăng cường trấn áp các nhà môi giới để ngăn dòng tiền và "hệ ý thức và văn hóa phản động" từ Hàn Quốc.
Họ có nguy cơ bị đưa đến các trại giam chính trị khét tiếng của Bắc Hàn, được gọi là kwan-li-so, nơi người ta tin rằng hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng.
Cặp đôi Hwang Ji-sung (trái) và Joo Soo-yeon làm nghề chuyển tiền về Bắc Hàn hơn chục năm nay
"Số người làm môi giới ở Bắc Hàn đã sụt giảm hơn 70% so với vài năm trước," bà Joo Soo-yeon, vợ ông Hwang, cũng là một người môi giới, đánh giá.
Hàn Quốc cũng cấm các hình thức chuyển tiền như vậy, nhưng trong quá khứ, chính quyền hầu như nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, hiện tại thì điều đó đang thay đổi.
Tháng Tư năm ngoái, nhà của ông Hwang và bà Joo ở tỉnh Gyeonggi gần Seoul đã bị bốn cảnh sát ập vào, họ buộc tội bà vi phạm luật giao dịch ngoại hối.
Ít nhất bảy người môi giới khác cũng đang bị điều tra.
Cảnh sát chưa trả lời yêu cầu bình luận của BBC về vụ việc của bà Joo.
Chính quyền Hàn Quốc nói với ông Hwang rằng bất kỳ khoản chuyển tiền nào cho Bắc Hàn cũng nên được thực hiện thông qua một "ngân hàng hợp pháp".
"Nếu có ngân hàng nào làm được, hãy cho tôi biết!" ông nói và thông tin thêm rằng, không có tổ chức nào có thể nhận tiền ở Bắc Hàn một cách hợp pháp vì về mặt kỹ thuật, hai miền Bắc Nam vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều đã xấu đi kể từ khi miền Bắc phá hủy văn phòng liên lạc chung với miền Nam vào năm 2020.
Đầu tháng này, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un thậm chí còn nói rằng không thể đạt được mục tiêu thống nhất với miền Nam nữa - một mục tiêu vốn được ghi trong hiến pháp.
Những cuộc gọi bí mật
Tất cả bắt đầu bằng một cú điện thoại giữa những người đào tẩu ở miền Nam và gia đình họ ở miền Bắc - điều này trở nên khả thi nhờ vào làn sóng nhập lậu điện thoại từ Trung Quốc tại các tỉnh giáp biên giới mà có thể truy cập vào mạng viễn thông Trung Quốc.
Các nhà môi giới ở Bắc Hàn là những người thực hiện cuộc gọi. Họ phải đi quãng đường dài, thậm chí có khi phải leo lên núi để sắp xếp các cuộc gọi như vậy.
Sau nhiều giờ chờ đợi, cuộc gọi được kết nối và người đào tẩu sẽ thống nhất số tiền với gia đình. Nhưng cuộc trò chuyện phải diễn ra nhanh gọn để tránh sự giám sát của Bộ An ninh Nhà nước.
Sau đó, người đào tẩu sẽ gửi tiền vào tài khoản Trung Quốc thông qua các nhà môi giới ở Hàn Quốc. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi Trung Quốc cũng đang giám sát chặt chẽ dòng ngoại tệ.
Việc đưa tiền vào Bắc Hàn là tùy thuộc vào các nhà môi giới Trung Quốc.
Biên giới cũng có chút lỗ hổng vì Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Bắc Hàn. Tiền kiều hối từ những người đào tẩu đôi khi được ngụy trang dưới dạng giao dịch giữa các công ty thương mại Trung Quốc và Bắc Hàn.
Họ thuê một số người chuyển phát ở Bắc Hàn để giao tiền tới tay các gia đình.
Kim Jin-seok là người chuyển phát nhanh ở Bắc Hàn trước khi đào tẩu khỏi đất nước vào năm 2013
"Những người giao tiền không biết nhau và họ không nên biết gì về nhau vì mạng sống của họ đang trong vòng nguy hiểm," Kim Jin-seok, người từng làm người chuyển phát ở Bắc Hàn trước khi trốn khỏi nước này vào năm 2013, cho biết.
Người môi giới phải sử dụng bí danh và phát triển các loại mã hóa ký tự để thông báo về thời điểm an toàn cho gia đình nhận tiền.
Ông Hwang, với khoảng 800 khách hàng, kể rằng ông thậm chí đã gặp những gia đình từ chối nhận tiền.
"Họ sợ rằng đó có thể là một cái bẫy do lực lượng an ninh giăng ra và sẽ nói những điều như, 'Chúng tôi sẽ không nhận tiền từ những kẻ phản quốc.'"
Một khi tiền được giao, môi giới sẽ lấy khoảng 50% tiền hoa hồng.
"Môi giới Bắc Hàn liều cả mạng sống để kiếm được 500.000 đến 600.000 won cho mỗi lần giao dịch," ông Hwang nói.
"Bây giờ, nếu bị an ninh bắt và kết án, bạn sẽ phải đối mặt với mức án 15 năm tù. Nếu bị kết tội gián điệp, bạn sẽ bị đưa đến một kwan-li-so."
Ông Hwang cho chúng tôi xem lời khai của những người Bắc Hàn đã nhận được tiền thông qua mạng lưới môi giới của ông.
Một người Bắc Hàn đếm số tiền nhận được từ người môi giới
Trong một video, một cụ bà với đôi bàn tay phồng rộp vì lượm thức ăn trong rừng khóc nức nở: "Ngày nào tôi cũng đói, phải ăn cả cỏ."
Cũng trong video đó, một phụ nữ khác than: "Ở đây cực khổ lắm, xin trăm lần, ngàn lần cảm ơn."
Bà Joo nói trái tim bà tan nát mỗi khi xem những video này.
"Một số người đào tẩu đã bỏ lại cha mẹ, con cái ở lại. Họ chỉ đơn giản muốn đảm bảo rằng gia đình họ ở Bắc Hàn sẽ sống sót để một ngày nào đó có thể đoàn tụ."
Bà nói rằng một triệu won đủ để nuôi một gia đình ba người trong một năm ở miền Bắc.
Cắt nguồn trợ cấp
Không rõ lý do tại sao Hàn Quốc bắt đầu truy quét những người môi giới, nhưng luật sư Park Won-yeon, người đã hỗ trợ pháp lý cho những người đào tẩu, tin rằng sự hăng hái quá độ có thể là một yếu tố, vì thẩm quyền điều tra các vụ án an ninh quốc gia, chẳng hạn như gián điệp, đã được chuyển từ Cơ quan Tình báo Quốc gia sang cho cảnh sát vào năm nay.
Ông nói: “Nếu cảnh sát không chứng minh được cáo buộc gián điệp, họ sẽ truy tố những người này theo Đạo luật Giao dịch ngoại hối”.
Dưới áp lực ngày càng tăng từ cả hai chính phủ, mạch sống dành cho gia đình những người đào thoát Bắc Hàn có thể bị cắt đứt.
Ông Hwang sẵn sàng đưa vụ việc của vợ lên Tòa án Tối cao nếu bà bị kết án. Ông tin rằng số tiền gửi từ những người đào tẩu không chỉ là tiền.
Ông nói: “Đó là cách duy nhất để lật đổ Bắc Hàn mà không cần chiến đấu. Cùng với tiền, nó còn đi kèm tin tức miền Nam thịnh vượng và giàu có… Đó là điều mà Kim Jong-un lo sợ”.
Ông Kim tin rằng những người đào thoát như ông sẽ không ngừng gửi tiền về cho người thân ở quê nhà, dù chính quyền cả hai bên đều muốn ngăn cản họ. Ông nói rằng mình sẽ tự đến Trung Quốc để chuyển tiền nếu cần thiết.
Ông nói: “Tôi đã mạo hiểm với khả năng là tôi sẽ không bao giờ gặp lại các con nữa, nhưng ít nhất các con tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp”.
"Chúng tôi sẽ gửi tiền bằng mọi cách có thể và dù thế nào đi chăng nữa."
Hiện ông làm tài xế xe tải ở Hàn Quốc và ngủ trong xe 5 ngày mỗi tuần.
Ông đang tiết kiệm hết mức có thể để có thể gửi bốn triệu won cho vợ và hai con trai ở miền Bắc mỗi năm. Ông đã nghe đi nghe lại một tin nhắn thoại từ gia đình mình.
Một trong những người con trai của ông nói: "Bố ơi, bố có khỏe không? Chắc bố đã chịu cực khổ nhiều lắm rồi phải không? Khó khăn của mẹ con con chắc chẳng thấm vào đâu so với bố cả."
Kim Jin-seok là tên giả để bảo vệ danh tính và sự an toàn cho nhân vật.
No comments:
Post a Comment