Xoàn
Bà Thủy Ngô Nguyễn vừa tặng cho Bảo Tàng Viện Field Museum ở Chicago bộ sưu tập nữ trang quý giá của bà gồm kim cương, ngọc quý, cẩm thạch và hạt trai. Khi sang Mỹ vào năm 1975, sau cơn quốc nạn, bà Thủy là một người tay trắng. Tuy chồng bà là một bác sĩ nhưng bà giàu có là nhờ kinh doanh trong ngành địa ốc. Các món nữ trang quý giá của bà Thủy hiện được trưng bày tại phòng Grainger Hall of Gems trong Field Museum. Kèm theo tin tức đầy…đá này là những hình chụp các món nữ trang được tặng dữ trong đó nổi bật nhất là viên ngọc topaz nặng tới 5899,5 carats. Như vậy là nặng bao nhiêu, tôi bù trất. May thay bản tin có kèm theo số kí tương đương. Một kí hai! Vậy thì tôi có thể hình dung ra độ lớn của viên ngọc này. Nếu dùng để ném chó, chó sẽ bị thương nặng!
Đọc xong cái tin giật gân này, các bà bạn tôi vội bắt phôn gọi lòng vòng. Bà nọ thông báo cho bà kia. Bà kia thông báo cho bà nớ. Bà nớ thông báo cho bà nọ. Nguồn tin đụng nhau côm cốp. Dĩ nhiên các bà không chỉ thông tin cho nhau mà còn bình luận. Bà nào cũng…tiếc. Tiếc ngẩn ngơ. Làm như tai, cổ và tay của các bà vừa hụt đi mất sự lóng lánh! Tôi không thể chia sẻ sự nuối tiếc vô cùng lớn lao của các bà được vì đối với tôi đá là đá, có lóng lánh hay không mặc xác nó.
Tháng 8 năm 2008, tôi tới một hãng sản xuất kim cương ở thủ đô Amsterdam của Hòa Lan và được coi chu trình hoàn chỉnh một viên kim cương từ khi là một hòn đá tới khi thành một… hòn đá cao cấp! Những ông thợ mập mạp, tay u nần, hành hạ những viên đá nhỏ. Họ giải thích từng bước trước những cặp mắt đăm chiêu và hứng khởi của các bà du khách. Cuối cùng, họ đưa chúng tôi vào ngồi bàn để giới thiệu các sản phẩm của họ. Họ giải thích cách đánh giá hột xoàn theo màu sắc, cách cắt, độ lóng lánh. Sau khi giải thích, họ đưa cục hột xoàn cho khách luân lưu chuyển cho nhau coi. Đầu tiên là cục nhỏ rồi lớn dần. Giá tiền cũng tăng tiến theo. Tôi không nhìn hột xoàn mà nhìn vào mắt các bà. Tôi thấy hột xoàn nằm trong những đôi mắt rộng mở lóng lánh. Cặp mắt nào cũng như vừa reo vui vừa thèm thuồng. Viên kim cương xuất hiện sau cùng với cái giá lên tới sáu con số dưới mắt tôi cũng vẫn cứ là đá. Nhưng quả thật đó là lần duy nhất trong đời tôi nhìn thấy kim cương khi còn là…đá.
Cô người mẫu nổi danh quốc tế Naomi Campbell cũng vậy. Cô này hơn tôi một bậc khi được nhìn kim cương…máu! Đừng rùng mình vội. Gọi là kim cương máu nhưng thứ kim cương này không hề có tí máu nào dính vào. Kim cương mang cái tên rợn người như vậy vì tại một số nước châu Phi, các lãnh tụ độc tài đã bắt dân chúng khai thác kim cương trong tình trạng tồi tệ để đổi lấy vũ khí dùng trong các cuộc nội chiến. Theo xác định thành văn của Liên Hiệp Quốc thì kim cương máu là “những viên kim cương có nguồn gốc từ các khu vực dưới quyền kiểm soát của những lực lượng, phe phái chống đối chính phủ hợp pháp, và được sử dụng để tài trợ cho những hành động quân sự chống đối chính phủ, hoặc trái với các quyết định của Hội Đồng Bảo An”. Hành động này đã bị quốc tế liệt vào loại tội ác chiến tranh.
Một trong những phạm nhân quốc tế này là cựu Tổng Thống xứ Liberia Charles Taylor. Taylor là một lãnh chúa nổi loạn, kẻ đã chiến đấu chống lại chính phủ của cựu đồng minh Samuel Doe trong cuộc nội chiến đầu tiên ở Liberia từ năm 1989 đến giữa những năm 1990. Năm 1997, Taylor trở thành Tổng Thống nước này mặc cho trong nước vẫn còn nhiều phe phái đối lập. Sau một thời gian tương đối hòa bình, Liberia lại rơi vào cuộc nội chiến thứ hai năm 1999 kéo dài đến tận năm 2003 khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết và Taylor bị buộc phải lưu vong ở Nigeria. Taylor bị lên án với 5 tội ác chống lại nhân loại bao gồm cả tội giết người, nô lệ tình dục, bạo lực và nô lệ; 5 tội ác chiến tranh bao gồm cả hành động khủng bố và tra tấn và tội vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế.
Nhưng tại sao cô người mẫu xinh đẹp lại dính vào kim cương máu? Tại vì ông Nelson Mandela, nguyên Tổng Thống Nam Phi mà tên tuổi trở nên quen thuộc với quốc tế khi World Cup 2010 được tổ chức tại xứ sở này. Cô này là bạn với ông Mandela. Vào tối ngày 26 tháng 9 năm 1997, ông Mandela tổ chức một bữa tiệc với sự tham dự của ông Charles Taylor lúc đó vừa nhậm chức Tổng Thống Liberia. Cô người mẫu Naomi Campbell là bạn thân của ông Mandela nên cũng được mời tham dự và được xếp ngồi cạnh ông Charles Taylor. Sau bữa tiệc, ông Charles Taylor đã cho người đưa tới phòng của cô người mẫu một số kim cương làm quà tặng sơ giao.
Trong vụ xử tội phạm quốc tế Charles Taylor tại Tòa Án Quốc Tế The Hague vào ngày 5 tháng 8 vừa qua, vụ tặng quà này đã được mang ra và cô Naomi Campbell đã được mời tới với tư cách nhân chứng. Thoạt đầu cô này chối phắt là chẳng nhận được chi cả. Nhưng sau khi các nhân chứng, trong đó có nữ diễn viên màn bạc Mia Farrow, khai ra thì cô người mẫu hết đường chối. Cô phải khai ra sự thật. “Họ đến phòng tôi lúc nửa đêm và gõ cửa khi tôi đang say ngủ. Hai người đàn ông đưa cho tôi một cái túi và nói: ‘Đây là món quà dành cho cô’”. Theo lời khai trước tòa thì khi thoạt nhìn gói quà, cô thấy chúng đựng những viên sỏi bẩn và cô không hề nghĩ đó là kim cương vì cô quen nhìn kim cương lóng lánh trong các hộp sang trọng.
Đó, kim cương mà các bà coi trọng hơn bất cứ thứ gì khác trên đời chỉ là thứ đá bẩn thỉu. Tự thân chúng bẩn chứ không cần phải là kim cương máu! Có điều chúng là thứ đá có gốc gác, một loại đá “con nhà”, được tôi luyện bằng một sức nóng khủng khiếp và với áp suất cực cao, nằm sâu dưới mặt đất. từ dưới âm ty địa ngục, chúng nhoi đầu lên hưởng ánh sáng mặt trời là nhờ ăn có theo nham thạch núi lửa. Sau mỗi cơn thịnh nộ của núi lửa, nham thạch được phun lên để lại một hình trụ bằng đá có hình dáng tựa củ cà rốt gọi là kimberlite. Trong ruột của hình trụ này chứa toàn đá quý như kim cương, ngọc hồng lựu…Mang thân đá nên chúng cũng lem luốc như những viên đá nằm lăn lóc nơi bờ bụi. Nhưng sau khi được…tắm rửa và làm đẹp, chúng bỗng trở thành nhan sắc. Về điểm này kim cương có thể ví như người, đang chân quê mà được xài xà bông thơm, xức nước hoa lừng lẫy, cắt chỗ nọ, độn chỗ kia biến mình từ một con lọ lem thành một trang tuyệt thế giai nhân dễ làm mê hoặc lòng người. Nhan sắc có thứ hạng. Nhan sắc của em hột xoàn cũng có thứ hạng. Thứ hạng này nằm trong bốn yếu tố thường được gọi là 4 chữ C. Trong thị trường kim cương người ta còn thêm vào một C nữa là Cost (Giá cả). C này được các ông móc túi chi địa chú ý nhất. Các bà ít chú ý tới chữ C thứ năm này, coi như thứ phụ chỉ cần một cái liếc mắt đưa tình là thông qua chữ C khó chịu này! Để rắc rối thêm cuộc đời, người ta còn bày ra một chữ C thứ sáu nữa. Đó là Certification (Giấy chứng nhận). Giấy chứng nhận này thường do các công ty uy tín trên thế giới như GIA, AGS, EGL hay IGL cấp phát. Đây là thứ giấy khai sinh chứng tỏ đứa bé sáng láng này đúng là con nhà nòi có bảo chứng đàng hoàng! Mấy chữ tôi kể trên là chữ viết tắt, nếu muốn biết nó là cái gì thì cứ việc chi tiền mua kim cương sẽ biết ngay. Người kính nhi viễn chi với kim cương chẳng nên nghía vào cái sự rắc rối này.
Chữ C thứ nhất là Colour. Thông thường thì kim cương có màu trắng và giá trị càng cao nếu màu càng trắng. Để xếp hạng độ trắng của kim cương, người ta dùng một mẫu tự, cứ như thang điểm của các Đại học! Thang điểm màu bắt đầu bằng chữ D. D có nghĩa là không màu (colourless). Tiếp tục đi xuống có E, F, G, H ,I J… xuống tới Z.
Chữ C thứ hai là Clarity (độ trong), được dùng để mô tả mật độ khuyết điểm trong viên kim cương. Người ta không dùng thứ tự ABC để đánh giá thứ bậc mà dùng chữ viết tắt theo Anh ngữ. Ngon lành nhất là FL viết tắt của chữ Flawless, không có khuyết điểm. Tiếp theo là IF (Internally Flawless), VVS (Very Very Slightly Included), VS (Very Slightly Included), SI (Slightly Included), I (Imperfect).
Chữ C thứ ba là Carat. Chữ này các bà rất rành sáu câu. Đó là trọng lượng của viên…đá. Càng nặng tay càng chứng tỏ sự được yêu nhiều hay yêu ít. Nếu ông chồng hay ông bồ chi cho một viên tới gãy tay luôn thì tình yêu càng mặn nồng. Mỗi carat tương đương với 200 milligram. Giá trị carat một viên kim cương không tăng theo cấp số cộng mà tăng theo cấp số nhân. Giả dụ như một viên nặng nửa carat có giá là 3 ngàn đô thì viên một carat, nặng gấp đôi, không phải chỉ có giá gấp đôi là 6 ngàn đô mà leo tuốt lên tới 10 ngàn đô!
Chữ C thứ tư là Cut. Đây là một chữ Hồng Mao bắt chước quốc ngữ chữ nước ta. Cut nghĩa là…cắt! Hồi mới học vỡ lòng Anh ngữ tôi khoái nhất chữ này. Sao mà tiếng Anh dễ thương thế! Ba chữ C trên là việc của thiên nhiên nhưng chữ C cuối cùng này là bàn tay của con người. Sự góp phần của con người vào giá trị một viên kim cương rất quan trọng. Chính cách cắt mới làm tôn lên vẻ đẹp của hột xoàn. Nếu cắt chuẩn, viên kim cương sẽ trở nên sáng hơn, trắng hơn, lấp lánh hơn vì tất cả ánh sáng chiếu vào nó đều được khúc xạ và phản xạ hoàn toàn lên mặt trên chứ không bị thất thoát xuống phía dưới. Cách cắt được đánh giá bằng ba cấp độ: Good, Very Good và Excellent. Ngày nay, với những máy móc tối tân, kỹ thuật cắt đã có thể đạt tới trình độ thượng thừa nên Excellent vẫn chưa phải là tuyệt hảo. Người ta phải đặt thêm một cấp độ cao hơn nữa: Super-Ideal ( Tuyệt Hảo)! Để cắt được một viên kim cương tuyệt hảo phải tốn công và tốn nguyên liệu. Đáng lẽ người ta có thể hà tiện được kim cương thô thì vì muốn tuyệt hảo sự phí phạm nguyên liệu thô là cần thiết. Đẳng cấp Tuyệt Hảo được kiểm nghiệm bằng hiệu ứng ánh sáng Hearts & Arrows mà chúng ta có thể dịch là “Trái Tim và Mũi Tên”. Nghe như chuyện tình hận! Người ta có thể quan sát được hiệu ứng này bằng một loại kính đặc dụng. Khi nhìn vào mặt trên của viên kim cương người ta sẽ thấy 8 mũi tên cân đối một cách tuyệt chính xác. Cùng một lúc, khi nhìn vào mặt sau của viên kim cương người ta sẽ thấy 8 trái tim.
Nhà toán học Marcel Tolkowsky đã nghiên cứu để bày ra một cách cắt để có lượng ánh sáng phản xạ nhiều nhất. Đó là cách cắt hình tròn. Tôi có những thông số của tỉ lệ này nhưng, như cô gái đi chơi chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, em chả chép vào đây! Chép làm chi khi chẳng muốn làm thợ cắt kim cương. Còn nếu đã có tay nghề cắt thì biết quá đi rồi, chép làm chi cho quê! Đại khái là một viên kim cương được cắt theo kiểu hình tròn hiện đại thì trên bề mặt có tất cả 57 mặt, phần trên có 33 mặt và phần dưới có 24 mặt. Phần trên có nhiệm vụ tán xạ ánh sáng thành nhiều màu sắc khác nhau trong khi phần bên có nhiệm vụ phản xạ ánh sáng. Ngoài ra ở chóp dưới viên kim cương phải nhọn, nếu không ánh sáng sẽ đi qua dễ dàng.
Kim cương là chuyện của nữ nhân. Nam nhi như tôi mà đi sâu vào đến đây là hết cỡ, chẳng nên dấn thêm nữa. Tôi dừng lại nhưng bị ông Michael Roach đẩy đi tiếp. Đối với ông Roach, kim cương là lẽ sống của ông. Ông sư mê kim cương này có một cuộc đời li kỳ không giống ai. Ông sanh năm 1952 tại Los Angeles. Cha mẹ ông theo Anh giáo hệ phái Episcopal. Nhưng ông trải qua tuổi thơ tại Phoenix, tiểu bang Arizona. Ông giúp lễ tại nhà thờ trong vùng. Roach học rất xuất sắc. Năm tốt nghiệp trung học ông nhận được huy chương Presidential Scholars Medallion do Tổng Thống Richard Nixon tặng. Năm 1974 ông tốt nghiệp Đại học Princeton. Trước đó cha mẹ ông ly dị và rồi bệnh ung thư đã tiễn cả hai người ra khỏi cõi đời này. Thêm vào đó người anh ông lại tự vận chết. Ông dọn về ở trong một tu viện Phật giáo ở New Jersey. Từ năm 1981, ông rao giảng Phật pháp trên đài phát thanh WBAI ở Nữu Ước đồng thời bước vào niềm say mê hột xoàn của ông.
Nghề làm kim cương là một nghề khép kín. Chỉ những người trong gia tộc làm việc với nhau. Người ta tránh mượn người ngoài vào làm vì một viên kim cương bạc triệu có thể bị đánh cắp và dấu mang đi một cách dễ dàng. Roach bị vướng trong cái vòng kim cô này. Ông xin việc tại ba chục công ty và đều bị từ chối. May mắn ông gặp một người Do Thái có nghề kim cương mới tới Mỹ, không quen biết một ai, nên bằng lòng thu dụng ông làm đệ tử. Ông bắt đầu bằng những công việc lặt vặt như đưa thư, quét dọn. Rồi ông được đưa vào phòng chứa kim cương để bắt đầu học cách phân loại…xoàn. Ông học nghể từ con số không trong sự say mê cùng cực. Mỗi ngày ông làm việc tới 18 tiếng. Cộng thêm với 3 tiếng rưỡi đi về bằng phương tiện chuyên chở công cộng. Ông không phí phạm thời gian di chuyển này. Trên xe ông đọc sách về Phật pháp và đọc kinh nhật tụng. Khi được lên chức trông coi một phân xưởng của công ty, ông đặt điều kiện phải để cho ông điều hành theo lối riêng của ông. “Trong 5 năm trời, không ai biết tôi là một tu sĩ vì tôi để tóc, mặc đồ lớn. Tôi khuyến khích mọi người làm điều lành, thực tập điều thiện mà không nói đó là Phật pháp. Còn sếp tôi? Ông ta biết phân xưởng của tôi làm lời hàng triệu Mỹ kim nhưng không biết tại sao!” Tại sao vậy? Theo ông thày tu Roach thì một trong những lý do quan trọng khiến các công ty không thành công là sự thiếu hòa thuận nội bộ, điều mà ông cố tránh cho nhân viên của ông. Nếu một nhân viên nào đó có thái độ giận dữ hay ganh ghét, ông sẽ mời đi ăn trưa để giải thích cho họ biết ảnh hưởng của cái tâm trên công việc. Lối tu giữa đời này làm ông tốn khá nhiều tiền cơm trưa!
Năm 1995 ông là người Tây phương đầu tiên được cấp bằng Tiến sĩ phật học và được mang danh hiệu geshe. Ngoài những hoạt động truyền thanh và giáo dục giáo lý Phật, ông còn lập ra Tu Viện Kim Cương (Diamond Abbey) ở Nữu Ước để huấn luyện các tăng ni. Vui hơn nữa, ông dựng lên Viện Enlightened Business Institute để huấn luyện người ta làm thương mại trong ánh sáng Phật pháp! Đời ông có hai niềm say mê: Phật và hột xoàn. Ông có lẽ là ông sư duy nhất kinh doanh kim cương. Ông lập ra một công ty hột xoàn đàng hoàng với số vốn khởi đầu vỏn vẹn chỉ có 50 ngàn đô. Chỉ trong một thời gian ngắn, công ty của ông thày tu này vươn lên thành một công ty phát đạt với vốn đầu tư cả trăm triệu đô!
Tháng 3 năm 2000, bước vào thiên niên kỷ mới, ông tu tịnh khẩu trong sa mạc Arizona trong hơn ba năm. Tháng 6 năm 2003 ông mới xuất hiện lại. Điều ngộ là cùng tu với ông là một nữ đệ tử tên Christie McNally. Tu như vậy ai tu mà chẳng được, tôi nghĩ thế. Nhưng nhà sư không trọc đầu Roach nghĩ khác. Còn lâu một người trần mắt thịt như tôi mới ngộ được như ông. Ông cho biết khi đã quyết tâm rời xa thế tục thì tâm trí sẽ bận rộn với những điều cao siêu hơn. Ngay trong việc kinh doanh kim cương, một công việc dính dáng nhiều tới nữ giới, ông đã từng bị các em xinh như mộng theo đuổi một cách nhiệt tình. Vậy mà tu vẫn cứ tu. Ông nói: “Phật giáo có những phương thức mà các tu sĩ có thể sử dụng để ứng phó với những hoàn cảnh như vậy. Và trong những trường hợp này, tôi phải nói thẳng với họ là tôi đã xuất gia”.
Lối tu phóng khoáng của Geshe Michael Roach không được các vị tu sĩ khác trong giáo phái đồng ý. Họ nghi ngờ về sự tu hành lạ lùng của ông. Giáo sư Robert Thurman của giáo phái đã cho biết là tu như vậy mà không xúc phạm tới các lời tuyên thệ của một người tu hành thì Roach phải là một siêu nhân! Văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng không muốn geshe Michael Roach tham dự những buổi thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma vì “lối hành xử bất thường không tương hợp với lời giảng và lối hành xử của Đức Lạt Ma”.
Phật pháp và kim cương nơi ông Roach là có thể sống chung với nhau được. Geshe Roach say mê cả hai. Ông bị kim cương ám ảnh đến mức khủng khiếp. Răng bị hư, ông trám bằng kim cương thay vì người khác trám bằng vàng. Ông bày tỏ ý định sẽ gắn một viên kim cương thật lớn vào ngay giữa tam tinh, chỗ mà theo kinh Phật là huệ nhãn, con mắt thứ ba. Chưa hết, ông còn dự tính sẽ xâm toàn bộ kinh Kim Cương lên khắp thân mình! Theo ông, kim cương có những đặc tính rắn chắc, trong suốt không bụi bậm hay tì vết. Đó cũng phải là những đặc điểm của con người, của một doanh gia: tâm trong sáng, mạnh mẽ, quyết đoán.
Ông không kiếm tìm tiền bạc trong việc kinh doanh thứ đá quý này. Đó chỉ thuần túy là mơ ước tinh thần của ông. Tiền bạc kiếm được ông giúp các tu sĩ Tây Tạng không trốn được ra ngoại quốc phải sống ẩn dật thiếu thốn trong rừng núi. Hiện ông đang bảo trợ cho hơn hai ngàn tu sĩ. Ông cho biết: “Tôi làm ra tiền nhưng tôi không giữ tiền. Tôi tặng luôn cả tiền lương cho các tu viện và các trại tỵ nạn của dân Tây Tạng”.
Tôi có vẻ khoái ông geshe này. Phải chăng ông ngộ được những cái mà chúng ta không ngộ ra. Chúng ta không nhìn ra được sự liên hệ giữa kim cương và Phật pháp. Nhưng ông nhận ra. Tôi nhớ tới dáng điệu của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong một giờ triết tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn gần nửa thế kỷ trước đây. Khi dạy về Phật giáo, người thày học giả này đã làm lũ sinh viên chúng tôi hoang mang khi ông lớn tiếng, mặt đỏ gay, chỉ vào một hòn đá ngoài lớp học: “Phật đó!”.
Xoàn cũng là đá!
Song Thao
09/2010
No comments:
Post a Comment