Friday, November 17, 2023

XIN CHIA BUỒN CÙNG HỦ TÍU GÕ SÀI GÒN...!

Hủ tiếu gõ "phải chất" Sài Gòn nhưng nhìn lại thì không phải kiểu Sài Gòn. Nhìn chiếc xe được sơn phết, được dán chữ, người bán mặc đồng phục, đeo tạp dề. Nhưng xin khẳng định đây không phải hủ tíu gõ Sài Gòn

1. Lịch sử hủ tíu gõ
Nói về hủ tíu, chúng ta phải viết chữ đúng là hủ tíu, cái nghĩa của nó là hủ tíu, không được viết "hủ tiếu" vì chữ "tiếu" qua một cái nghĩa khác rồi.

Hủ tíu gõ là một món xuất phát từ thành đô Sài Gòn trước 1975. Hủ tíu gõ phải bán xe đẩy vì người bán cũng nghèo và không có chỗ bán cố định trong tiệm hay trong nhà.

Hủ tíu gõ có sư phụ trước năm 1975 là những ông Ba Tàu, Cắc Chú ở trần mặc quần xà lỏn cột dây mà trên vai vắt cái khăn đứng bán, có một người chuyên đi rao bằng hai thanh tre dẹp gõ vào nhau.

Tếng gõ lốc cốc, lốc cốc, có khi lắc cắc lắc cắc kêu là “xực tắc, xực tắc" (ăn được, ăn được).

Hủ tíu gõ khác hủ tíu tiệm là nó di động, nó đi khắp hang cùng hẻm hốc Sài Gòn, nó bưng tới tận nhà cho người ăn, cái kiểu ship đồ ăn tận giường.

Ổng đi khắp các hẻm, ai ăn cứ kêu ổng sẽ nhớ, lát mang lại, đưa tô là trả tiền, ăn xong cứ để tô không trước hiên nhà lát ổng đi qua dọn tô.

Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ tiếng gõ lốc cốc vào mỗi chiều tối của những người bán.

Nhưng thực ra xe "xực tắc" không chỉ bán có món hủ tíu, món vua của ẩm thực Nam Kỳ chúng ta, nó còn có mì, hoành thánh nữa.

Người Hoa xài xá xíu, tức thịt nạc heo luộc tạo màu gạch tôm khi nhuộm dầu điều vào miếng thịt, có hành hẹ, ớt thì ớt sừng trâu xắt mỏng, đúng cách người Hoa, xài dấm chứ không xài chanh.

Hủ tíu gõ bán từ chiều tới khuya, không bán buổi sáng, chuyên đóng đô ở hẻm hóc, đường vắng phục vụ cho người bình dân, thợ thuyền đi làm ca khuya, học trò học bài khuya, công nhân, người quét đường và du đãng cùng gái ăn sương.

Cuối tháng hết tiền mà chưa có lương thì hầu như ai ở Sài Gòn cũng đều ăn tiện tặn lợi, ăn xôi, hủ tíu gõ.

Đất Sài Gòn, những ngày cuối tháng mà mưa dầm, thì tiền bạc nó cũng sợ lạnh, không hề dám ló ra ngoài.

Thằng hết tiền cũng nằm lì trong phòng không dám cục cựa bước ra ngoài đường, khỏi ghệ gộc, cuối tuần, thứ bảy, Chúa Nhựt gì ráo.

Cuối tháng mà còn đụng tiền nhà thì còn nguy hiểm hơn với con mẹ chủ nhà mặt như Hà Bá.

Vậy là làm bạn với hủ tíu gõ. Ra hẻm kêu "Ê gõ!" là 5 phút sau có người bưng một tô bốc khói lại liền.

Vì bán khuya nên nước lèo của hủ tíu gõ lúc nào cũng sôi sùng sục, sôi bốc khói, có đêm gần Tết ăn khuya mà khói bốc lên ướt luôn cặp kiếng cận.

Buồn thất tình lơn tơn xách cái thây thiu nhớt lon ton ra ngoài đường hửi khói bụi. Đêm về dần dà trời lạnh hơi sương, tấp vô cái hốc bên đường kêu tô hủ tíu gõ. Húp nhiều quá nước lèo nó cạn mà hủ tíu cái còn nhiều thì xin thêm nước lèo, ông chủ Ba Tàu gật gù cái đầu "Dòi, dòi, chờ ngộ chúc".

2. Hủ tíu gõ sau 1975 đã bị mất mùi Sài Gòn
Những xe hủ tíu gõ mà mọi người thấy ở Sài Gòn sau này đã ít nhiều bay màu Sài Gòn, Chợ Lớn.

Sau 1975 khi Bắc Việt vô "giải phóng" và "cải tạo" Sài Gòn thì Sài Gòn bị mất mẹ nó luôn cái tên, Thành phố Hồ Chí Minh một thời tối thui ban đêm không còn sự sống vì dân không ra đường, ban đêm ngoài đường chỉ còn súng AK và cán bộ với cái điếu cày và đôi dép râu.

Thành phố không còn ban đêm, dân khổ quá không có khoai mì mà ăn thì hủ tíu gõ bán cho ai, xe hủ tíu gõ vắng bóng ở Sài Gòn, người ta đi vượt biên và kinh tế mới.

Những năm 1985 lớp người Hoa hủ tíu gõ trước 1975 già yếu, con cái họ cũng bán hủ tíu mì nhưng là bán ở trong nhà, xe hủ tíu gõ vắng bóng.

3. Hủ tíu gõ bán ở Sài Gòn nhưng đậm mùi vị Quảng Ngãi
Những năm 1986-1987 hàng loạt dân Quảng Ngãi tràn vô Tp HCM tìm đường mưu sinh và họ lượm được những chiếc xe hủ tíu gõ cũ còn lại, họ bắt đầu bán hủ tíu gõ, dân Quảng Ngãi đi tha phương nguyên dòng họ, nguyên làng, một người làm được là cả họ làm theo.

Vậy là hủ tíu gõ lại nở rộ ở Sài Gòn. Đại đa số người bán món này có gốc gác Quảng Ngãi.

Thiệt ra tô hủ tíu gõ của người Quảng Ngãi không phải là phiên bản của hủ tíu mì xực tắc trước 1975 của người Hoa.

Tô hủ tíu gõ của người Tàu trước 1975 có vị ngọt thanh của xí quách. Tô hủ tíu gõ của dân Quảng Ngãi có mùi ngọt lợ, ngọt mẳn mẳn của bột ngọt.

Vậy là mùi vị nó khác, mùi nước lèo khác, cách thức cũng khác, tức là trước 1975 ngon hơn.

Tô mì gõ hay hủ tíu gõ sau 1975 có miếng thịt trắng nhách mỏng như lá lúa, người bán keo kiệt léo con dao như bác sĩ phẩu thuật, léo được 2 miếng, có chừng 5 cục bò viên mà họ xài nguyên đêm, léo được 2 lát mỏng như giấy quyến hút thuốc. Nước lèo xài bột ngọt đậm đà, thêm bó mía lao dưới đáy nồi, có năm đồn bỏ trùn chỉ, chuột cống vô hầm.

Mấy xe hủ tíu gõ Quảng Ngãi có bịnh chung là ở dơ, có hai thau nước rửa chén mà làm nguyên đêm. Nhiều người rửa tô qua loa, nhún nhún rồi lau, hà tiện tới từng miếng nước, từng miếng bột rửa chén. Nhún xong cái lấy khăn lau qua hai cái rồi xài. Nhiều khi cái tô rít chịt dầu mỡ.

Bạn thử xin thêm miếng nước lèo coi được hôn, ông chủ sẽ cằn nhằn rất khó chịu.

Những năm 1995 khi tôi về Sài Gòn còn thấy hủ tíu đi gõ, gõ bằng thanh tre. Sau đó gõ bằng hai cái muỗng, hai cái đập nước đá, gõ cho ra âm thanh thôi chứ xực tắc cái gì.

Sau này bỏ gõ luôn, ông bà chủ keo kiệt đuổi cổ thằng gõ, xe hủ tíu gõ chiếm góc hẻm bán luôn kiểu tiệm hủ tíu, tiệm mì, ai muốn ăn lết qua ăn, một tô giờ đã là 35.000 đồng.

Có lần ăn bên Nguyễn Thiện Thuật kêu cục giò cũng không ngon gì bà chủ tính tiền tô hủ tíu gõ của tôi là ....70.000 đồng. Hủ tíu gõ 70.000 đồng để đi ăn hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Cả Cần.

Nói chung đừng nghĩ mấy người Quảng Ngãi bán hủ tíu gõ là nghèo, họ có thâu nhập rất khá, thậm chí là giàu, vài năm mua nhà Sài Gòn, mua nhà chung quanh Bình Dương, Long An hết trọi.

Xóm làng Miền Nam xuất hiện những hàng xóm "chảnh" kinh khủng, nhăn nhó, khó chịu, gây sự, chỉ biết mình đách biết người, xét nét hàng xóm như cha mẹ xét nét con dù họ mới dọn nhà vô ở, chảnh hủ tíu gõ, nhà đó bán hủ tíu gõ. Nhiều khi một số người Miền Nam nẹt "ĐM cái thứ hủ tíu gõ sao mà khó chịu dữ vậy bây?"

Cái tâm lý người ăn nghĩ hủ tíu gõ là "bình dân" và giá rẻ nhưng thực tế chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh và giá thành ngược nhau, chất lượng thì ít thịt nhưng giá cả từ 30.000 đồng tới 70.0000 đồng cho tô hủ tíu gõ lề đường là không hề rẻ.

Một đêm bán mấy trăm tô với một xe hủ tíu gõ là có thiệt, doanh thu cao hơn một tiệm thuốc tây lai rai khách.

Vì là món làm giàu thành ra hủ tíu gõ Quảng Ngãi phải nói là một "tập đoàn" dân Quảng Ngãi có quan hệ dây mơ rể má rất đông, mục đích là thoát nghèo và làm giàu.

Các bạn đừng nói tôi bôi bác hay ghét gì người hủ tíu gõ Quảng Ngãi nghen! Tui ăn hủ tíu gõ ở Tp HCM cũng nhiều lắm à! Tụi bị động chạm với "nhà giàu hủ tíu gõ" cũng nhiều lắm á! sự thiệt nói thôi.

4.Trở lại chiếc xe hủi tíu gõ sơn xanh, dán chữ "hủ tiếu gõ "phải chất Sài Gòn"
Một lần nữa hủ tíu gõ mất mùi Sài Gòn, nó mang mùi Bắc.

Chắc giọng khẳng định đây không phải hủ tíu gõ Sài Gòn.

- Sài Gòn không xài ngôn ngữ kiểu "chất" , kiểu "đỉnh", kiểu "cực". Cách nói kiểu này là của người Miền Bắc.

-Hủ tíu gõ xưa xe luôn để màu mộc, không dán chữ gì, nếu dán chữ là hủ tiếu tiệm, hủ tíu trong nhà rồi.

Cái danh hủ tiu gõ là chỉ chung của món này, không ai có quyền lấy "hủ tíu gõ" làm thương hiệu của riêng mình.

- Người bán mặc đồng phục, đeo tạp dề không phải là phong cách Sài Gòn
Người Sài Gòn, người Miền Nam bán đồ không đeo tạp dề. Người Miền Bắc bán đồ mới hay đeo tạp dề.

Hủ tíu gõ bản chất nó là món lề đường. Những món lề đường cơ bản là không thể sạch 100% vì khói bụi ngoài đường, rồi chén bát rửa cũng mất vệ sinh ở lề đường.

Thành ra đeo tạp dề để làm màu, chưa kể ngoài đường, thời tiết Tp HCM nóng lột da. Đeo tạp dề, mang bao tay mà không mang khẩu trang che cái miệng cũng vậy thôi hà.

Còn xài tô nhựa melamine nữa là quá lỗi thời. Ra coi mấy xe hủ tíu gõ ở các tỉnh kế bên Tp HCM đi, giờ xài toàn tô kiểu, tô sứ.

Kết luận:
Hủ tíu gõ sau 1975 đã bị mất mùi Sài Gòn gần hết trước khi nó được trét lên mùi Quảng Ngãi.

Và giờ lại sơn phết, dán chữ, màu mè, tạp dề mà xài chữ kiểu Miền Bắc thì nó lại mất mẹ luôn cái mùi hủ tíu gõ rồi.

Phải chất có bà con phải gió hem?

Xin chia buồn hủ tíu gõ...!

Nguyễn Gia Việt

No comments:

Blog Archive