Friday, November 17, 2023

MỘT GÓC TRỜI QUÊ - VÓ TÉP BẦU

Người thành phố ít phân biệt được tép và tôm. Tôm có nhiều loại tôm nhưng tên gọi đơn giản hơn tép. Thời nuôi tôm công nghiệp phát triển người ta thường quen con tôm sú, rồi chuyển qua tôm thẻ chân trắng. Nhưng nói về kích cỡ để phân loại tôm và tép thì hai con “tôm” này chỉ đáng gọi là tép. Và nếu gọi cho đúng tên của con tôm thì chí có “tôm Hùm”, “tôm càng xanh”, “tôm lóng” tôm này đích thị là tôm càng xanh” nhưng chưa trưởng thành. Một loại tôm dân dã, ngày xưa quê tôi ít ai ăn, vì chỉ để làm phân bón dưa hấu. Đó là con “tôm tích”, sau này trở thành “đặc sản” trong các nhà hàng, cùng với “tôm mũ ni”.

Tép thì có tép chong (còn gọi là tép rong), tép này nhỏ xíu, thường sống trong rong, rêu bám theo những bụi lúa ruộng. Ngày nhỏ tôi lấy rổ xúc (Một loại rổ lớn đan bằng tre) nhảy xuống ruộng ngập nước quơ vài vòng trong các bụi lúa thì có cả chén Tép chong về kho khô hay rang với muối. Dưới hạng Tép chong thì tép mòng (tép muỗi), tép này sống theo lỗ chân trâu, khá hơn thì tép bạc, đẳng cấp thì tép đất (tép này thường chạy nò vào mùa lúa trổ đòng đòng), ngoài chuyện làm tép khô (tôm khô), rang dừa, còn làm mắp tép vì rất ngon. Nhưng tôi vẫn thích nhất là tép bầu.

Con tép bầu dân dã rang muối mặn là món ăn trường kỳ của tôi ngày thơ ấu, không chỉ ăn thường xuyên trong các bữa cơm ngày thường mà còn được bỏ vào cà-mèn cơm khi đi học trường xa ở lại lớp buổi trưa để học tiếp buổi chiều. Con tép bầu sống trong kinh, rạch ven bờ có nhiều dừa nước, ô rô, cóc kèn. Muốn bắt tép bầu phải lên kinh hay xuống rạch và phải canh theo con nước. Dễ bắt tép bầu nhất là lúc nước ròng, cứ theo mấy chỗ trũng, nước sâu hay mấy cái “Búng” ven bờ kinh, rạch sẽ bắt được nhiều tép bầu. Muốn bắt được con tép bầu chỉ có cách nhanh nhất là vó.

Cái vó tép làm rất đơn giản, chỉ là một miếng vải mùng hình vuông, mỗi cạnh 60cm, vót nang tre làm 4 cái gọng, cột túm bốn góc, cáng vó cũng bằng cành tre tròn cỡ ngón chân cái, dài khoảng 1,2m-1,5m. Khoảng cách từ đầu cáng vó tới gọng vó cột bằng sợi dây thừng dài 70cm, vừa đủ độ sâu cho tép vào mà khi thoát ra rất khó. Mồi nhữ chỉ là cám rang vàng cho thơm đựng trong chén, cho ít nước vào “nhồi” cho dẻo. Canh con nước ròng dưới kinh, rạch đã rút thì vác vó, xách thùng đi vó tép bầu.

Cùng họ nhà tép nhưng tép bầu thân tròn, ngắn, vỏ trắng, cứng, con to nhất cỡ ngón tay út, con cái luôn mang trứng đầy bụng. Tép bầu ngắt đầu, đuôi, rang muối, nấu canh chua rau muống, canh chua bông so đũa, rang muối, rang dừa đều rất ngon.

Lúc nhỏ ở quê tôi rất thích vó tép bầu, cứ tìm chỗ cái búng hoặc đoạn bờ rạch bị khuyết vào rồi bỏ cục mồi cám như vắt cơm, thả vó ngập sâu trong dòng nước, vó đã cột sẵn cục chì dằn đáy cho khỏi trôi, canh khoảng 5-10 phút thì cất vó.

Lũ tép bầu mê mồi lao vào tranh nhau rỉa cám, khi bị cất vó chúng nhanh chân thoát ra nhưng người cất vó còn nhanh hơn, thoát cái cất vó khỏi mặt nước, những chú tép bầu nhảy lao xao trong vó liền bị bắt bỏ hết vào thùng.
Ngày nhỏ tôi vó tép bầu thuộc loại “cao thủ”, thả vó khoảng non tiếng đồng hồ được cả lít tép mang về hì hụi làm, chế biến những món ăn đơn giản cây nhà lá vườn mà cực ngon. Có thể ở lứa tuổi của tôi ngày đó và bây giờ nhiều người xa xứ khi hồi tưởng lại kỷ niệm thơ ấu của mình nơi quê nhà vẫn còn nhớ con Tép bầu và thú vui lội kinh rạch đi vó tép.

Điều lạ là bây giờ đi chợ quê tôi cố ý tìm mua tép bầu về chế biến những món ăn đơn sơ để nhớ lại thời tuổi nhỏ nhưng hầu như không thấy loại tép này. Còn kinh rạch quê tôi bây giờ thì khác xưa nhiều quá, đã bị thu hẹp dòng chảy do dừa nước mọc um tùm lấn ra hết bãi bùn, các loại cây tạp không ai dọn dẹp nên mọc thành rừng. Những con kinh, con rạch trong tuổi thơ tôi không còn nữa thì làm gì còn thú vui đi... Vó tép bầu?

TỪ KẾ TƯỜNG

No comments:

Blog Archive