Ra nước ngoài chữa bệnh
Theo thống kê sơ bộ của ngành y tế Việt Nam cho biết mỗi năm có gần 50,000 lượt bệnh nhân tự ra nước ngoài khám chữa bệnh như ung thư, tim mạch, thần kinh (tai biến mạch máu não, u não), tiêu hoá, giải phẫu thẩm mỹ … ước tính chi phí từ 2.5 đến 3 tỷ USD.
Bệnh viện quá tải
Cuối tháng 10/2023 chúng tôi tìm tới Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 (Bình Thạnh) và thấy tình trạng số lượng bệnh nhân quá đông. Là trung tâm điều trị ung bướu của phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên với quy mô khoảng 1,000 giường bệnh nhưng nơi đây hiện bệnh nhân nằm viện trung bình từ 2,500-3,000 người. Vì thế chuyện bệnh nhân phải nằm ghép chung nhau 2-3 người/giường là không lạ. Mặc dù bệnh viện có thêm cơ sở 2 từ tháng 2/2023 (quy mô 1,000 giường bệnh) nhưng tình hình vẫn chưa thay đổi. Một bác sĩ bệnh viện (giấu tên) cho biết:
“Toàn bộ tiến trình khám chữa bệnh của một bệnh nhân tại đây trong một lần khám mất khoảng 2 giờ. Trong đó việc bốc số thứ tự chừng 5 phút nhưng thời gian chờ đến lượt làm thủ tục mất 40-60 phút. Sau đó, bệnh nhân phải chờ thêm 30-60 phút nữa mới đến lượt vào khám bệnh, lấy thuốc hoặc được sắp xếp cho nội trú…”
Nhiều bác sĩ ở các bệnh viện lớn chúng tôi gặp cũng cho rằng, tuy chất lượng chữa bệnh ở VN cũng thuộc loại khá chứ không tồi, nhưng do tình trạng quá tải ở các bệnh viện luôn ám ảnh, cơ sở chật chội, khiến bệnh nhân rất mệt mỏi.
Như trường hợp Anh Quân, 44 tuổi (quận 2, Sài Gòn) có vợ bị ung thư ngực. Sau khi cân nhắc, anh đã đưa vợ qua Singapore điều trị. Anh nói:
“Không hẳn mình không tin tưởng bác sĩ VN nhưng bệnh viện ở ta quá nhiều bệnh nhân. Nhìn cảnh vợ ốm đau bệnh hoạn còn phải vật vã chờ suốt mấy tiếng đồng hồ khiến tôi rất sốt ruột. Trong khi Singapore chi phí chỉ cỡ bệnh viện 5 sao VN, nhưng họ giải quyết mọi việc rất nhanh và chu đáo!”.
Đó là chưa kể một số bệnh nhân mắc ung thư, cần điều trị tế bào gốc hoặc những bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt buộc phải ra nước ngoài vì hầu hết cơ sở y tế trong nước chưa có độ tin tưởng về xét nghiệm gen, tế bào miễn dịch…
Như vợ chồng anh Bình, chị Hương, hành nghề bán phở ở Thủ Đức cũng quyết định con trai 12 tuổi sang Hàn quốc chữa bệnh lao màng não biến chứng mù mắt bẩm sinh. Nghe đâu bố mẹ của Bình đều là người có khuyết tật về mắt nên không muốn con mình cũng gặp phải căn bệnh này có thể do gen di truyền. Vì vậy họ quyết định gom góp tài sản dành dụm với hy vọng cứu đôi mắt cho con. Anh Bình nói:
“Tôi không tin các bác sĩ trong nước có thể chữa được bệnh này. Tôi sợ phải chờ đợi, hy vọng rồi thất vọng mà con tôi không có nhiều cơ hội. Do đó chúng tôi quyết đưa cháu xuất ngoại chữa bệnh!”
Tình trạng thường xuyên quá tải ở nhiều bệnh viện Việt Nam
Phẩm chất phục vụ
Còn một thực tế khác nữa ở Việt Nam là người dân không hài lòng lắm về chất lượng phục vụ ở nhiều bệnh viện. Ví dụ thái độ phục vụ của một số y bác sĩ, nhân viên gây cho người bệnh cảm giác kém tôn trọng trong khi số tiền họ bỏ ra không nhỏ.
Bà Tuyết, 71 tuổi (Gò Vấp) bị ung thư phổi giai đoạn cuối nhưng vẫn chọn bệnh viện ung bướu Quảng Châu (Trung Quốc) làm nơi điều trị. Bà nói:
“Ở Việt Nam mỗi lần đi khám bệnh phải chờ rất lâu. Nghe nói bên này dịch vụ tốt, cơ sở vật chất đầy đủ. Họ còn biết cách thu hút người nước ngoài bằng cách tính luôn cho ít nhất 1 người thăm nuôi trong giá tiền giường bệnh. Như vậy con cái tôi chỉ tốn tiền vé máy bay và ăn uống chứ không phải lo việc thuê khách sạn”.
Chẩn đoán y khoa
Số ca bác sĩ chẩn đoán sai cũng không ít.
Chẳng hạn ngày 20/3/2022, sản phụ N đến bệnh viện H để sinh. Khi sản phụ rặn đẻ quá đau nhưng chưa sinh được, gia đình đã yêu cầu kíp trực giải quyết mổ đẻ nhưng kíp trực cho rằng vẫn sinh thường được. Tuy nhiên sau khi mổ lấy ra ngoài, bé bị tím tái, không cử động nên bệnh viện cho thở oxy và tiếp đó thở máy. Hôm sau, bác sĩ cho biết trẻ bị tổn thương não nặng, là trường hợp không có thuốc điều trị. Phía gia đình cho rằng kíp bác sĩ trực tắc trách, không tiên lượng đỡ đẻ kịp thời đã khiến bé tổn thương nên làm đơn kiện … Không riêng chuyện này mà nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong cũng do tắc trách và tay nghề kém của bác sĩ và đây cũng là một nguyên do khiến nhiều người VN ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Hiện nay Thái Lan, Singapore và Malaysia là 3 nước dẫn đầu về thu hút bệnh nhân người nước ngoài tại ASEAN. Số liệu năm 2022, Thái Lan thu hút 4.1 triệu khách du lịch y tế mỗi năm, chủ yếu đến từ Châu Á như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Kế đến, Singapore 2 triệu khách/năm và thứ ba là Malaysia với khoảng 1.5 triệu khách/năm … Quay lại con số 50,000 lượt người Việt đi ra nước ngoài chữa bệnh. Rõ ràng con số này sẽ tăng hơn khi người dân có điều kiện kinh tế, cuộc sống ngày càng tốt, chắc chắn khi đó họ càng có nhu cầu bảo vệ sức khỏe của mình ở mức cao.
No comments:
Post a Comment