Lượm rác bên Tây
Qua bên Tây, thỉnh thoảng thấy có người ngủ vỉa hè, người đi lượm rác. Khó khăn đến mức lượm rác mà sống chứ không chịu đánh đổi lòng tự trọng bằng cách “ngồi đồng”, đóng giả tật bệnh… đặt cái lon hay ngửa cái mũ trên lề đường, chờ người thương hại bố thí vài đồng lẻ.
Hầu hết là nam giới …
Trên đường phố Berlin, Frankfurt, Munich (CHLB Đức) … khá nhiều người đi bộ hoặc đi xe đạp, mang ba lô hoặc xách cái giỏ nhựa thong dong… đi lượm rác. Hầu hết là nam giới, trung niên đến cao tuổi. Nữ giới cũng có nhưng ít hơn … Ai cũng ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, áo bỏ trong quần, mang giày thể thao…Họ rảo quanh khắp phố, lượm vỏ chai bia rượu, nước ngọt, vỏ chai nhựa nước tinh khiết, vỏ lon bia hoặc lục tìm trong thùng rác. Có người ngồi bên chiếc xe đẩy … ở nơi đông người qua lại hoặc trạm chờ tàu điện, xe buýt … Mắt đảo lia lịa, dớn dác, chờ lượm vỏ chai, vỏ lon do ai đó …”vô tư” vứt bỏ!
Ai vứt vỏ chai, vỏ lon … thì vứt vào đây!
Một buổi chiều, ngay trạm chờ tàu điện tại Quảng trường Antonplatz, quận Weissensee, Berlin, tôi thấy 2 thanh niên vừa uống xong 2 chai bia. Nhưng họ không bỏ vào nơi quy định mà lại để dưới chân thùng rác. Loại thùng rác màu cam treo trên cao, cách mặt đất gần 1 mét! Tôi kêu cô con gái và chỉ, tỏ ý không bằng lòng. Bất ngờ, tôi “sáng” ra, khi nghe con mình giải thích. “Không đâu ba ơi! Hai thanh niên đó thay vì bỏ vào thùng rác thì để dưới chân thùng rác là có ý tốt đó! Những người nhặt rác thay vì sục tay vào thùng thì nhặt luôn 2 vỏ chai đó cho đỡ nhớp tay, đỡ trầy xước nếu lục lọi trong thùng gặp phải mảnh chai vỡ!”.
Thật là cách đối xử với ai đó đầy tình nhân ái, ấm áp. Sáng sớm hôm nọ, tôi đến siêu thị ALDI trên đường Langhansstr, quận Weissensee mua bánh mì. Thật ngạc nhiên khi thấy một dãy 16 vỏ chai bia xếp ngay ngắn ở khu vực bãi đỗ xe. Có thể đêm hôm qua, ai đó nhậu đã ngà say nhưng vẫn gắng xếp vỏ chai thẳng thớm cho người lượm rác thay vì bỏ vào thùng rác! Cũng một lần tôi thấy một thanh niên da đen, thay vì sục tay vào thùng rác hoặc dòm trước, anh ta mở nắp đáy thùng, mặc cho rác văng tung tóe trên nền đường. Khi nhìn không có cái cần lượm, anh ta hối hả bỏ đi …
Có thể là một hành động đẹp
Bên này người ta coi trọng bảo vệ môi trường nên thu lại vỏ chai và sẽ trả lại “tiền ứng trước” của người mua. Trước đó người mua đã trả luôn tiền vỏ chai khi mua bia, nước … Sau khi dùng hết nước sẽ dồn các loại vỏ lại đem ra siêu thị cho vào máy đổi. Không phải loại vỏ chai, vỏ lon nào cũng đổi được. Máy sẽ nhận biết qua dấu hiệu, mã vạch phân loại vỏ lon, vỏ chai rồi mới in phiếu tính tiền. Nếu muốn dùng phiếu đó mua hàng hoặc không muốn thì đổi lại tiền. Một cái vỏ chai bia, vỏ lon bia… sẽ nhận lại 8 cent, 15 cent hoặc 25 cent. Trong khi ổ bánh mì mua ở siêu thị chưa tới 20 cent! Nếu bét nhất, chỉ cần lượm được 5 cái vỏ lon hoặc vỏ chai (loại vỏ có dấu hiệu) là có bánh mì và một chai nước tinh khiết … đủ qua một ngày, mai tính tiếp!
Có một vỏ chai bia!
Sống không nhờ “ruột bên trong” mà nhờ “vỏ bên ngoài”!
Ở bên ta, đi lượm rác, hầu hết là phụ nữ trung niên đến cao tuổi. Rất ít thấy nam giới làm việc này vì có nhiều việc cần làm khác phù hợp sức khỏe như phụ hồ, chạy xe ôm … thu nhập khá hơn. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch cúm Tàu, bên ta, nhiều công ty, xí nghiệp không có đơn hàng đã giảm giờ làm, đóng cửa, sa thải công nhân … Công nhân lao động mất việc. Để giải quyết tình thế, cũng có một số nữ công nhân, hầu hết ở nơi khác đến thành phố, đi nhặt rác vào ban đêm, chờ qua cơn khủng hoảng. Người đi lượm rác thì trang bị khẩu trang, bao tay, que sắt; đi xe đạp hoặc đẩy xe thùng, đầu đội nón, rất dễ … nhận diện.
Còn như ở bên Tây thì hơi khó! Khó biết người thuộc dân của nước nào. Cách ăn mặc thì bảnh bao, nghiêm chỉnh, vai đeo ba lô cứ như đi làm, đi dạo phố vậy. Chỉ khi nào họ dừng lại trước thùng rác, nhòm vào thùng thì mới biết … họ làm công việc gì!
Sau một ngày thu được … chiến lợi phẩm
Những người lượm rác hằng ngày phần đông là người tị nạn hoặc đang xin tị nạn, sống tạm ở gầm cầu tàu điện … chờ làm giấy tờ, muốn làm thêm để đỡ đần cuộc sống. Cũng khó phân biệt người da trắng là Ba Lan, Hungary hay Đức nhưng qua màu da, để râu hoặc trùm đầu có thể đoán biết là người Nam Á hoặc Tây Á … Tôi sang Đức thăm chơi mỗi lần 3 tháng, từ năm 2019 và sau đó 2 năm liên tiếp, 2022, 2023. Nơi tôi ở, trên đường Langhansstr., thường thấy một ông Tây, mặc quần lửng, đi xe đạp, chở theo sau cái ba lô, móc ở ghi-đông đến 2, 3 cái giỏ xách bằng vải có, bằng nhựa có. Ông ta đạp xe đi rất sớm, khoảng từ 5 giờ cho đến 7 giờ, cứ như được … lập trình.
Gặp gì lượm nấy, từ cái vỏ lon nước ngọt, vỏ chai bia trong thùng rác hay tại trạm chờ tàu điện đến áo quần cũ, giày, ly, soong chảo …trước cửa nhà. Chị người Việt, hàng xóm chỗ tôi ở, cho biết ông là người Ba Lan. Có thể ông ta là dân tị nạn. Xuất hiện chừng vài năm nay ở khu vực này. Chắc ông ta sống cũng ổn nhờ đi lượm rác!
Thùng đựng rác vỏ chai bia, rượu kiểu này thì người lượm rác có nước chào thua!
Bên Đức có nhiều loại thùng đựng rác được phân biệt theo màu. Thùng đựng rác giấy, thùng đựng chất thải tổng hợp, thùng đựng các sản phẩm nhựa, vỏ kim loạị, chai thủy tinh… Có loại thùng đựng rác vỏ chai rất lớn. Người ta đặt một loạt 4 – 5 thùng cùng tại một điểm. Người lượm rác chỉ biết nhìn và … bó tay thôi vì nó chỉ khoét có một lỗ tròn trên cao để bỏ vỏ chai vào. Thùng rác có nắp đậy, mở hoặc thùng rác treo mới là nơi người lượm rác “khai thác” vỏ lon, vỏ chai trong đó. Các loại thùng này thấy đặt nhiều ở Quảng trường Alexanderplatz, nơi thu hút nhiều du khách…Tôi chứng kiến một cụ già da màu, tay xách cái giỏ nhựa khá nặng, vai đeo ba lô căng phồng, chắc là “chiến lợi phẩm” thu được trong ngày. Cụ ta thấy một thanh niên vừa đi vừa uống bia là cười cầu tài, xin vỏ chai mặc dù người ấy uống chưa hết bia!
Bên mình rác thải đủ loại từ giấy bìa tới nhựa, nhôm, sắt … Loại vứt đi nào cũng lượm bán được nên người sống bằng nghề lượm rác…sống không đến nỗi nào. Không ít người nhờ rác mà … đổi đời! Có người nhờ lượm rác trở thành người đi mua gom rác từ những người lượm rác, những cửa hàng, siêu thị mi-ni đến mở điểm mua phế liệu. Bên Tây chỉ có lượm vỏ lon, vỏ chai mà đôi lúc phải xin, nên có thể chỉ đủ sống thôi.
Không biết có bao nhiêu quốc gia Châu Âu chú trọng bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải như ở Đức. Và hơn hết là mang đậm tính nhân văn khi dành cho những người gặp khó khăn, một con đường sống nhờ vỏ lon, vỏ chai … Thật là trong bước đường cùng, sống không phải nhờ “ruột” mà là nhờ “vỏ” – vỏ chai bia, vỏ lon bia, vỏ chai nước … bởi có giá tính bằng tiền!
Lê Kung Diễm
No comments:
Post a Comment