Saturday, November 4, 2023

 Tây Du Ký 2

Tiếp tục báo cáo quý độc giả những nơi kẻ này lang thang 'tíu ngạo giang hồ' để diễn đàn này bớt khô khan, lần này xin viết thêm vài hàng về xứ Tây, gọi là 'Tây Du Ký', ký sự đi Tây. Thật ra, đây là bài 'Tây Du Ký' thứ hai, tháng 10 năm ngoái đã viết về đề tài này rồi.

Năm ngoái, kẻ này cũng đã có chương trình đi qua Paris du ngoạn, nhưng đã phạm sai lầm lớn là muốn đi đúng lúc cả nước đang làm reo, đình công toàn diện, là thú vui giải trí của dân Pháp trong khoảng 8-9 tháng mỗi năm. Nên giờ chót chuyến đi phải hủy. Dân Pháp luôn luôn ưu tiên cho sức khỏe cá nhân, làm việc tốt nhất là 1/3 một năm thôi, làm 1/2 là bắt đầu hại cho sức khỏe, làm 2/3 chết sớm, làm việc 11 tháng một năm sẽ bị các đồng nghiệp xúm lại đánh tới chết ngay. Năm nay, rút kinh nghiệm xương máu, tính toán theo số tử vi kỹ càng, nên chọn được ngày lành tháng tốt, tưởng đi Paris được mà không phải hủy bỏ giờ chót vì đình công.

Thế nhưng trước khi đi, nói chuyện với anh em bạn bè bên Âu Châu, người nào cũng hỏi "Bộ điên sao mà đi Paris? Paris bây giờ là thủ đô của trộm cướp, nhất là móc túi và giựt đồ. Đi chỗ đông người, bị người khác đụng vào, là y như rằng đã mất bóp hay giây chuyền đeo cổ, đồng hồ đeo tay rồi. Đi khách sạn phải mang theo ga mền, chứ giường khách sạn toàn là rận rệp bò lổn ngổn. Ngay cả đi xe điện metro cũng nên đứng, chớ có ngồi lên đám rận trên ghế.... Còn nhiều chuyện rùng rợn lắm". Khiến kẻ này nghe rét quá, đến tuổi càng già thì con người lại càng nhát gan, sợ chết. Đổi chương trình, đi Colmar và Lyon thay vì đi Paris, cũng là Pháp nhưng nghe nói an toàn hơn Paris hay Marseilles.

Chuyện về Colmar và Alsace
Colmar là một thành phố rất nhỏ nhưng lại hết sức nổi tiếng về du lịch. Đó là một thành phố nằm trong vùng Alsace, là vùng đông-bắc của Pháp giáp giới với Đức, với sông Rhine làm ranh giới hiện tại.

Alsace là vùng khá đặc biệt. Trong lịch sử Âu Châu, đã đổi 'chủ' 4-5 lần, từ đất Pháp thành đất Đức, rồi từ Đức qua Pháp, đổi qua đổi lại suốt quá trình cả ngàn năm chiến tranh giữa Pháp và Đức. Trong vùng, hầu hết các thành phố đều mang tên Đức rất khó đọc như Boersh, Mittelbergheim, Wintzenheim, Orschwihr,... tuy dân trong vùng nói tiếng Pháp. Trong vùng, cũng có nhiều thành phố và lâu đài như Koenigsburg, Kayserberg,... còn giữ nguyên nét huy hoàng cũ xì của thời trung cổ.
Koenigsburg

Trong lịch sử Âu Châu, Alsace là một chiến trường thường trực. Những trận đánh lớn nhất của Napoleon hay Đệ Nhất Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến đều xẩy ra trong vùng Alsace hay phiá bắc của Alsace là nước Bỉ. Sau Đệ Nhất Thế Chiến, Pháp chiếm được vùng này từ Đức, bỏ ra bạc ngàn tỷ đô (tính theo thời giá năm 2023) để xây cái gọi là 'tuyến phòng thủ Maginot' để chống xâm lăng của Đức, dài gần 500 miles từ biên giới Bỉ tới biên giới Thụy Sỹ, gồm chiến hào, tường bê-tông, lô-cốt bê-tông, rào chống chiến xa,... Cái ngớ ngẩn của các chiến lược gia nhà binh Pháp là bỏ không biết bao nhiêu tiền ra xây tuyến Maginot, sau đó, chùm mền ngủ, yên chí Đức sẽ bị chặn đứng. Đệ Nhị Thế Chiến, Hitler tung thiết giáp qua chiếm Bỉ trong vòng 3 phút, sau đó cho chiến xa panzer tiếp tục chạy băng đồng không cần xa lộ, thẳng tới chiếm Paris trong vòng 5 phút. Tên hạ sĩ Hitler của Đức nhìn bản đồ thấy chẳng có gì bắt buộc phải đánh qua Maginot, và hắn cũng hiểu rõ công dụng kinh hoàng của xe tăng trong khi các tướng tá Pháp mù tịt, nghĩ xe tăng chỉ là loại xe vận tải không có công dụng xung kích. Pháp không dám xây tuyến Maginot trong vùng biên giới với Luxembourg và Bỉ vì đó là các quốc gia 'đồng minh', xây tuyến phòng thủ sợ mích lòng.
Tuyến Maginot

Alsace nổi tiếng là vùng rượu vang lớn của Pháp. Quốc lộ chính chạy dọc từ bắc (biên giới Đức) tới nam (biên giới Thụy Sỹ) được cả thế giới biết như 'Route des Vins' -con đường rượu vang-. Những người nào thích uống rượu vang nên đi thăm Alsace một lần để thử đủ loại vang đặc sắc, nhất là vang trắng, white wine. Rất nhiều vườn nho cho thử rượu với giá 5 Euros cho 4 loại rượu. Ở đây, tôi nói về những người biết thưởng thức rượu vang thật sự, không nói tới những người uống rượu vang vì chạy theo xu thế thời thượng, trong quan điểm trí thức thượng lưu là phải uống vang, cao bồi Mỹ ruộng uống bia.

Rượu vang bên Pháp có điểm khác biệt lớn với vang Mỹ: đó là tên rượu được đặt theo vùng địa dư như rượu Bordeaux, Côtes du Rhône, Beaujolais,... trong khi vang của Mỹ lại đặt tên theo loại nho như Merlot, Pinot, Cabernet,... Dân Pháp chê vang Mỹ có thêm nhiều hóa chất, có khi sản xuất theo công thức hóa học qua đêm, dân Mỹ chê vang Pháp làm từ nho trồng trên những miền đất cằn cỗi, quá già, bị khai thác từ cả ngàn năm nay. Với kẻ này chưa đủ trình độ, vang nào cũng ngon, ít nhất ngon hơn ... vang Đà Lạt!

Colmar có con sông nhỏ giống như kinh đào nhân tạo chạy ngang các khu nhà xây kiểu trung cổ, chỗ nào cũng trồng hoa, rất đẹp để chụp hình, chụp hình cảnh cũng như chụp hình mình nhe răng cười mang về nổ với bạn bè.
Hình ảnh tiêu biểu của Alsace la một cô đầm rất sexy, mặc váy ngắn đang đứng đạp nho làm rượu. Trên thực tế, mấy bà đầm đạp nho thường là các bà tuổi xồn xồn, nhà quê, trông không mấy sexy hay hấp dẫn. Miễn bàn thêm về bàn chân các bà này.
Hình ảnh và thực tế

Alsace cũng là một vùng nổi tiếng về ẩm thực, với món đặc sản nổi tiếng là 'choucroute au porc', -sauerkraut with pork hay cải chua với thịt heo. Món này rất thông thường bên Đức, với cải chua và hai cây xúc xích lớn, giống như dồi trường của ta, nhưng nổi tiếng hơn vẫn là 'choucroute alsacienne', cải chua với cái mà Mỹ gọi là 'hot dog', và vài lát thịt heo có mỡ và da (ba chỉ?), và khoai tây, ăn với 'mù-tạc' -mustard- của Dijon là vùng sát phía nam của Alsace. Tuyệt ngon với bia của vùng.
Choucroute alsacienne

Một điểm đặc biệt mà dân Mỹ để ý là trong vùng Alsace của Đức, phiá bắc của Alsace của Pháp, qua biên giới Pháp-Đức chừng 50 km về phía bắc, có thành phố nhỏ xíu Kallstadt, chính là quê của ông Donald Trump, nơi còn mộ của ông bà nội ông Trump.
Chuyện về Lyon
Lyon là thành phố lớn thứ nhì của Pháp, với gần một triệu dân kể cả vùng ngoại ô, với hơn 2.000 năm lịch sử (từ trước thời đế chế La Mã), nằm cách Genève chừng hơn 100 km, có 2 con sông lớn Rhône và Saone cắt ngang, cũng như hầu hết các thành phố Âu Châu, là loại thành phố đồng hồ chết đứng, không chạy, thời gian không nhúc nhích. Nghĩa là nếu bạn rời khỏi Lyon -hay Paris- cách đây nửa thế kỷ, bây giờ có trở lại, mọi sự vẫn vậy, chẳng có gì thay đổi hết. Thật ra, có thay đổi, nhưng chỉ thay đổi vùng ngoại ô với cả lô chung cư mới và đường xa lộ chằng chịt, còn trung tâm thành phố thì vẫn như xưa.
Vẫn những dẫy nhà xây từ thời vua Louis XIV, vẫn những đường phố chật hẹp lúc nào cũng kẹt xe, vẫn những đường đá gồ ghề xây từ hai thế kỷ trước cho xe ngựa, lề đường vẫn ít người đi dạo vì sợ đạp trúng phân chó. Chuyện chó này rất đặc biệt, tiêu biểu cho các thành phố lớn của Pháp hay ngay cả Âu Châu nói chung. Dân Pháp trong các thành phố lớn, có lẽ 99% sống trong các chung cư -apartment buildings- không có vườn. Muốn có một căn nhà riêng nhỏ, cỡ 1.000 sqf, có vườn, phải ra khu ngoại ô. Trong khi đó, dân Pháp lại rất mê chó, gần như nhà nào cũng nuôi chó, mà chó thì dĩ nhiên cũng có nhu cầu vệ sinh như người thôi. Do đó dân Tây trung lưu trong các thành phố lớn đều có 'mốt' coi lề đường các đường xá thành phố như cầu tiêu công cộng của chó, nhưng không rảnh mang theo bao ni-lông hốt phân.

Lyon trước đây là 'thủ đô' của kỹ nghệ dệt của Pháp nói riêng và thế giới nói chung. Nhưng bây giờ ngành dệt đã lọt vào tay Ấn độ, Bangladesh và Trung Cộng, kỹ nghệ dệt của Pháp và Lyon chết tiêu, các trường đại học dệt và xưởng dệt lớn của Lyon đã biến mất hết.

Lyon có một khu gọi là 'Vieux Lyon' -Lyon cổ- là khu phố vẫn còn từ thời Trung Cổ -Middle Age-, rất tiêu biểu cho Pháp nói riêng và Âu Châu nói chung của thời Trung Cổ, với những nhà đá, lụp xụp, tối tăm, đường phố nhỏ xiú, lát đá cục gồ ghề, đi một chập rất mỏi chân. Đây là một nơi rất đáng đi xem để biết nước Pháp thời Trung Cổ như thế nào. Tuy nhiên, phải đi sâu vào các ngõ hẻm, chứ các phố chính bây giờ toàn là tiệm ăn, quán bar, tiệm bán quà kỷ niệm cho du khách, chém chặt mệt nghỉ, tối đến là đông nghẹt giới trẻ ăn nhậu.

Phố cổ Lyon

Lịch sử ghi nhận Âu Châu rất chậm tiến so với Tầu và ngay cả VN. Chẳng hạn nước Đức được chính thức thành lập năm 1870 vài chục năm trước Đệ Nhất Thế Chiến; Thụy Sỹ năm 1815, sau khi Napoleon thất bại lần thứ nhì, thua liên minh Anh-Phổ-Nga tại Waterloo. Pháp 'văn minh' hơn nhiều, được coi như chính thức thành vương quốc thống nhất từ thời vua Charlemagne năm 768, chỉ trước Ngô Quyền chừng hơn 100 năm. Trước đó, Đức, Pháp, và cả Âu Châu, tuốt qua tới Nga và Bắc Âu, chỉ là những 'tiểu quốc' của các công tước, bá tước, hầu tước, lung tung tước, phần lớn đều bà con với nhau qua các hôn nhân trong đám quý tộc, là loại hôn nhân vì quyền lợi vây cánh, dù vậy, vẫn đánh nhau cả ngàn năm không ngừng. Chẳng hạn Napoleon đánh Nga vì bị Nga đánh trước, mà Nga đánh trước vì Napoleon chê không lấy con của vua Nga làm vợ thứ nhì sau khi ly dị với bà vợ đầu Josephine. Trong khi Tần Thủy Hoàng đã thống nhất nước Tầu, thiết lập hệ thống nhà nước hành chánh, tái chánh, tư pháp, giáo dục,... từ 300 năm trước khi Công niên.

Chậm tiến về chính trị nhưng không chậm tiến về nhiều phương diện khác như văn hóa, văn chương, âm nhạc,... Âu Châu là quê hương của những vĩ nhân của nhân loại như Voltaire, Jean Jacques Rousseau, Adam Smith, Karl Marx, Beethoven, Chopin,... Và nhất là ẩm thực, khi ai cũng phải nhìn nhận Pháp là thủ đô ẩm thực thế giới, trong khi Lyon là thủ đô ẩm thực của Pháp. Dân tị nạn ta không có tiền đi ăn những tiệm sang vì cực kỳ đắt, đắt một cách vô lý luôn. Ngay cả các tiệm ăn Việt cũng đắt bá thở luôn, tính tiền từng chén cơm nhỏ xíu và từng ly nước lạnh là nước máy từ máy nước trong nhà bếp, không có đá, chưa kể phần lớn trong các tiệm này, vừa ăn vừa phải nhìn hình già Hồ, cờ máu, mất ngon, tuy được cái là không phải 'boa' tới 18% như bên Mỹ!

Bù lại, ta có lựa chọn khác. Chỉ cần vào một tiệm cà phê Pháp nào đó, gọi một ly 'panache' -bia với limonade, rất nhẹ-, và món 'bánh mì ba-ghét với dăm-bông', là đã ngon hết xẩy rồi. Chỉ là bánh mì với miếng jambon là đùi heo hấp, với một tí bơ mặn (Bretel?) và 'ma-dzi' -maggi. Nhưng đó là loại dăm-bông bên Mỹ không có, hay có mà không thể ngon bằng.

Pháp có cái đặc biệt rất Pháp là có những tiệm ăn nhỏ, gọi là bistrot, thường có tính cách tiểu thương gia đình, có được năm ba cái bàn, mỗi bàn nhỏ xíu cho bốn người khách là nhiều. Thực đơn giản dị, có nửa tá món chính là nhiều. Nhưng đặc biệt là nhiều tiệm rất ngon, có những món đặc sản gia đình truyền từ đời ông bà cố, vừa lạ vừa ngon. Vấn đề là loại bistrot này rất nhiều, nhất là dọc các đường liên tỉnh lớn, hay vùng ngoại ô Paris, chẳng biết tiệm nào ngon, tiệm nào dở, tuy phần lớn là ngon, xui lắm mới gặp tiệm dở.

Ở Lyon, ngoài khu Lyon cổ, còn một nơi có rất nhiều tiệm ăn vừa đặc biệt Pháp, vừa ngon, vừa tương đối rẻ là khu công viên sát nhà ga chính của Lyon -Gare Perrache de Lyon-, không phải là nhà ga được thơ mộng hóa qua bài hát "ga Lyon đèn vàng", là nhà ga ở Paris. Các cụ nào không còn răng, chỉ muốn húp nước 'súp' có thể gọi món 'soupe bouillabaisse' là món súp hổ lốn với cả chục loại tôm, cua, cá biển. Các cụ nào gan lì không sợ thịt bò sống nên kêu món 'steak tartare' ăn thử cho biết, rất ngon, bảo đảm không sao, cùng lắm ăn xong uống hai viên thuốc đau bụng là phẻ ru. Cũng có nhiều món bình thường không có ở Mỹ như gà nấu vang -coq au vin-, hay thịt thỏ -civet de lapin- hay thịt ngựa -chevaline-, không có gì đặc sắc, dai hơn thịt bò, nhưng ăn cho biết. Về chuyện thịt ngựa, người ta kể ăn thịt ngựa đã có từ ngàn xưa nhưng được bình dân hóa từ thời Nã Phá Luân. Ông này chuyên đánh nhau bằng lính cưỡi ngựa -cavalerie-, mỗi lần hành quân, mang theo cả chục ngàn con ngựa vì ngựa bị bắn hay chém chết rất nhiều, nên thịt ngựa cũng được dùng làm món ăn chính cho lính của Napoleon, khỏi mất công vận chuyển thực phẩm theo các đoàn quân viễn chinh.

Theo ý kiến cá nhân kẻ này, đồ ăn Tây có lẽ ngon nhất Âu Châu, hơn xa các món ăn vội ăn gấp, fast foods của Mỹ. Trong câu chuyện ăn uống này, Việt Nam ta có cái 'may' là hưởng được gia tài nấu nướng của hai văn hoá ẩm thực hạng nhất của nhân loại là Pháp và Tầu, nên các món ăn Việt cũng rất có hạng trên thế giới ngày nay.

Chuyện về Paris và Pháp nói chung
Paris mới đây vừa được trúng số mà thật ra chẳng ai biết số trúng là tốt hay xấu. Paris sẽ được tổ chức Thế Vận Hội năm 2024. Bình thường, thành phố nào hay xứ nào được chọn để tổ chức Thế Vận Hội cũng hể hả ăn mừng vì tên tuổi, uy tín quốc gia được nổi bật. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là 10 lần được tổ chức thế vận hội là 8 lần lỗ tiền khẩm, ngân sách quốc gia lũng lỗ khổng lồ, dân thành phố khốn đốn vì nạn du khách tràn ngập, trộm cướp, móc túi, kinh doanh chém chặt thả giàn, kẹt xe liên tu bất tận, tìm được một chỗ đậu xe khó hơn trúng Power Ball, chưa kể dân Paris lợi dụng cơ hội làm khó dễ chính quyền bằng cách đình công lung tung, tất cả đều là những đại họa mà Paris đã hứng chịu từ hồi nào đến giờ, qua năm 2024, dân Paris sẽ bị hoành hành tới phát điên luôn. Quý độc giả muốn tránh những đại họa trên, đừng nên đi Paris mùa hè năm tới, chịu khó coi Thế Vận Hội ở nhà, qua TV đỡ buồn, không phải bỏ cả ngàn đô đi mua chuyện phiền toái.

Về chuyện nhà cửa ở Paris, theo tin của một bà tị nạn bên Pháp, muốn có một căn hộ 40m hay 400sqf ở Paris, phải trả 400.000 Euros hay 420.000 đô. Ở Mỹ, căn hộ hay nhà 400sqf không ai mua kể cả dân tị nạn; trung bình nhà nhỏ nhất cũng phải có 2 phòng ngủ, khoảng 800sqf hay 1.000sqf, dân Mỹ mới mua. Ở Houston, với 420.000 đô, có thể mua nhà hai tầng, 4.000sqf với ít nhất 2.000sqf vườn trước hay sau nhà.

Giá xăng ở Pháp trung bình 2 đô một lít, hay 7,5 đô một ga-lông. Kẻ này thuê một xe SUV đi chơi, gần cạn xăng nên đổ đầy bình, phải trả 103 đô, nhìn đồng hồ tiền nhẩy mà toát mồ hôi hột dù trời lạnh căm. Ở Houston, kẻ này đi xe Hyundai, mỗi lần đổ xăng đầy bình, tốn chừng hơn 30 đô. Đã vậy, trung bình dân Pháp lãnh lương ít hơn bên Mỹ, lại phải trả thuế lợi tức có thể tới gần một nửa mức lương (47%), trong khi trung bình dân Mỹ đóng thuế khoảng 15%-20% lợi tức, không kể 45% dân Mỹ vì lợi tức thấp, không đóng một xu thuế nào hết. Dân Pháp mua hàng còn phải trả thuế gọi là TVA (Tax sur la Valeur Ajoutée; tiếng Anh là VAT, Value-Added Tax) là 20%, trong khi dân Mỹ trả 'sales tax' tối đa 7%-8% như tại Cali, trong khi nhiều tiểu bang không có sales tax hay thấp hơn Cali nhiều, chẳng hạn 6% ở Texas.

Bên Pháp, muốn mượn tiền nhà băng mua nhà trong trường hợp trên, phải down payment ít nhất cash 100.000 Euros (20%), và phải có lương tối thiểu là 110.000 Euros. Ở mức lương đó, sẽ phải đóng thuế 41% hay là 40.000 Euros.

Thuế lợi tức Pháp

Nói chung, đời sống bên Pháp hết sức đắt đỏ, trong khi thuế rất cao.

Bên Pháp, thuế rất cao, dựa trên lý cớ là cần tiền để cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí cho cả nước. Nghĩa là bên Pháp, không có bệnh vẫn phải trả tiền dịch vụ y tế, bác sĩ, nhà thương; không đi học vẫn phải trả học phí đại học rất cao cho người khác, trả trước cho Nhà Nước dưới hình thức thuế. Bên Mỹ, có đi học mới phải trả học phí, có bệnh đi chữa mới phải trả tiền, không kể người nghèo có Medicaid miễn phí và người già có Medicare cũng gần như miễn phí.

Thành thật khai báo: mới đây, kẻ này phải nằm bệnh viện 5 ngày, không mổ xẻ gì, chỉ tiếp nước biển và máu, thử máu vài lần, bị đút vào 'lò bánh mì' CAT scanner hai lần, bảo hiểm người già Medicare trả 120.000 đô cho bệnh viện, kẻ này trả tổng cộng 1.000 đô, mức tối đa; nếu ở Pháp, kẻ này không phải trả một xu, nhưng trong cả mấy chục năm trước, đã đóng gần một nửa tiền lương hay đóng tích lũy trước cả trăm ngàn đô thuế rồi. Rồi sau đó, tiếp tục đóng tiền bảo hiểm y tế và học đại học cho thiên hạ cho tới khi vào hòm. Tiền hưu bên Pháp cũng phải chịu thuế rất nặng, có thể lên tới 45% tiền hưu!

Nói bên Pháp sướng lắm, đi học miễn phí, đi chữa bệnh miễn phí, vì Nhà Nước quá thương dân nếu không phải là nói láo thô bạo nhất thì cũng chỉ là... nói mà không biết mình nói gì. Trên cõi đời ô trọc này, chẳng có gì miễn phí hết, các cụ ơi! Như dân Mỹ vẫn thường nói "There is NO free lunch". Một là người khác è cổ trả cho mình, hai là mình bị gạt phải trả nhưng cứ ngớ ngẩn tưởng mình không phải trả gì hết. Ngây thơ cũng vừa vừa thôi, các cụ ơi.

Khách du lịch từ Mỹ qua Pháp phải biết... kiên nhẫn, vì việc phục vụ khách hàng bên Pháp nói riêng và cả Âu Châu nói chung thua rất xa bên Mỹ. Bên Mỹ, thời giờ là vàng bạc, ai cũng ăn nhanh chạy vội. Bên Âu Châu, ai cũng tà tà, ngày dài tháng rộng.

Tôi tới khách sạn ở Lyon, mặc dù đã giữ phòng trước, và nhận được xác nhận của khách sạn, vẫn mất nửa tiếng làm thủ tục nhận phòng khi tới nơi, cho dù chúng tôi là những người khách duy nhất ở quầy tiếp tân khi đó. Đi ăn một tiệm vừa vừa, có khoảng hơn một chục người khách, chỉ có đúng một cô nhân viên phục vụ, chờ nửa tiếng mới có ăn, lại mang lộn món ăn, chờ thêm hai chục phút nữa, bữa ăn mất hơn hai tiếng. Đi ăn một tiệm khác, ăn xong, người phục vụ đưa giấy tính tiền ... lộn, của một bàn khác. Được cái khỏi phải boa gì hết.

Một chuyện không đẹp nhưng nên biết. Tới Lyon, tôi ở khách sạn tương đối khá, trong một ngõ hẻm, đi bộ hai phút là ra tới đại lộ chính của Lyon, Rue De La République, trong một khu rất nhiều tiệm ăn loại sang. Sáng ra đi dạo. Ngay trong ngõ hẻm, cạnh cửa vào khách sạn, thấy có 3-4 anh 'homeless' chùm mền ngủ trên lề đường, một anh hiên ngang đứng tè ngay trên chậu kiểng để trước cửa một tiệm ăn sang chưa mở cửa. Ngay trên đường La Republique, có hai ba nhúm homeless, tỉnh bơ nằm ngủ trên lề đường, trước các cửa tiệm sang như Omega, Vuitton, Au Printemps, Dinh Van (một tiệm bán nữ trang siêu sang của một ông Tây gốc Việt).

Đặc biệt Paris và cả nước Pháp hiện nay cũng đang trực diện những nan đề mà những thành phố cấp tiến nhất Mỹ đụng phải: đó là nạn dân vô gia cư. Khác với nạn vô gia cư ở Mỹ chỉ toàn là dân Mỹ thứ thiệt, vô gia cư ở Pháp phần lớn là do di dân từ Phi Châu và Trung Đông tràn qua. Mỹ gọi là 'undocumented aliens', trong khi Tây gọi là 'étrangers sans papier'. Không khác gì đa số các quốc gia Tây Âu, dân Pháp ham vui nhưng trốn trách nhiệm, phá thai thả giàn hay ngừa thai, không chịu đẻ, nước Pháp thiếu nhân công lao động, nên chấp nhận mở cửa đón nhận cả triệu di dân từ Phi Châu và Trung Đông vào làm 'lính thợ' giống như toàn thể Âu Châu nói chung, nhưng lại không đủ phương tiện lo đầy đủ cho họ. Đưa đến tình trạng di dân này ngủ lang ngoài đường, vừa mất thẩm mỹ của những 'Kinh Đô Ánh Sáng', vừa mất vệ sinh, vừa thiếu an toàn, trộm cướp tràn lan, trong khi Nhà Nước bó tay không biết phải làm gì hay có thể làm gì.

Mỹ cho di dân Nam Mỹ tràn vào vì lý do chính trị, muốn lấy phiếu. Âu Châu cho di dân Phi Châu tràn vào vì lý do kinh tế, cần lao động.
Dân Tây từ cả trăm năm trước tới giờ vẫn vậy, sáng chưa chiều tối, lúc nào cũng không 'un petit rouge' -rượu đỏ- thì cũng một ly 'Ricard' -rượu hồi anis-, cuối tuần không ngồi nhà coi đá banh thì cũng đi đánh cá ngựa gọi là chơi tiercé. Trả lời câu hỏi "Paris có gì lạ không em?": chẳng có gì lạ hết. Có đáng đi coi không? Coi hình đẹp hơn ngoài thật.

Dân Việt tại Pháp sống rải rác, không có tập trung như ở Bolsa/Wesminster hay Bellaire. Trong quận 13 tại Paris, có một thương xá các tiệm Việt, nhưng nhỏ bằng một góc thương xá Phước Lộc Thọ của Bolsa. Tại Lyon, trước đây có một khu phố Việt, sau khu đại học Lyon, nhưng sau này phân tán hết, không rõ vì lý do gì. Dân Việt tuy rất đông ở Pháp, nhưng cũng không tham gia vào chính trị Pháp. Hình như chẳng có quan to, tướng tá, hay dân biểu, nghị sĩ gốc Mít nào trong các chính quyền Pháp, từ địa phương đến trung ương. Người Pháp gốc Việt nổi tiếng nhất có lẽ là nữ tài tử Phạm Linh Đan, là cô bé đóng phim Indochine chung với Catherine Deneuve. Thế hệ trước, có ca sĩ Bạch Yến khá nổi tiếng.

Tóm lại, cộng đồng Việt tại Paris khá đa dạng và phức tạp, tuy có thể nói là đại đa số thân cộng, còn lại thân Tây, và gần hết ghét Mỹ, kể cả mấy ông bà tị nạn VC qua Pháp sau 75. Đám thân cộng sau này còn được tăng cường mạnh bởi một khối dân Việt mới, là nhóm gọi là du sinh, là sinh viên con ông cháu cha VC, và một số đại gia đỏ, chuyển tiền tham nhũng qua Paris mua nhà, mở kinh doanh, hầu hết là tiệm ăn, đưa đến tình trạng rất nhiều tiệm ăn VN ở Paris treo cờ máu và hình 'bác'.

Quan điểm ghét Mỹ, thân cộng cũng được hậu thuẫn bởi chính sách của Pháp bất kể dưới TT nào, Macron, Mitterand, Sarkozy, Hollande, Chirac,..., luôn luôn hận Mỹ vì tội đã đá Pháp ra khỏi Đông Dương, thân VC vì vẫn ôm mộng hoang tưởng phục hưng ảnh hưởng của Pháp ở VN.

Nếu nói về Trump thì có thể nói cộng đồng Việt tại Paris và cả nước Pháp hoàn toàn nhất trí 'chăm phần chăm' thù ghét Trump dù Trump chẳng đụng đến lông chân của họ, vì mấy chục năm qua, đọc báo Pháp, coi TV Pháp, chỉ thấy toàn những bôi bác, miệt thị, sỉ vả Trump, không có một tiếng nói 'trái chiều' nào. Ngay cả báo thiên hữu nhất, Le Figaro, cũng chỉ toàn là những công kích và chửi rủa chống Trump. Lý do quan trọng nhất khiến dân Pháp ghét Trump là vì Trump đòi hỏi Pháp cũng như các quốc gia Âu Châu khác, phải cắt bớt tiền trợ cấp để tăng ngân sách quốc phòng cho NATO, chứ không thể ù lỳ ăn nhậu dưới cái dù quốc phòng Mỹ. Các cụ tị nạn tại Pháp cũng đồng thanh tương ứng, nhục mạ Trump hết gân, thỉnh thoảng còn gửi bài viết qua Mỹ, sỉ vả Trump cho dù ngồi tuốt bên trời Âu, tiếng Anh mù tịt, chỉ biết đọc báo thiên tả chống Mỹ Le Monde, được đặt lên bàn thờ như... Thánh Kinh của truyền thông. Các cụ sợ ở lại VN bị VC tẩy não, xách dép trốn chạy qua Âu Châu để có quyền... tự tẩy não chính mình, rồi hãnh diện đấm ngực khoe mình là trí thức, có hiểu biết sâu rộng vì đã đọc báo... Tây!

Cả nước Pháp hiện đang run như cầy sấy, sợ Trump sẽ tái đắc cử, làm TT thì sẽ là... tận thế. Sợ Trump sẽ chấm dứt ngay viện trợ cho Ukraine và hoan nghênh hay thậm chí giúp Putin đánh Belarus, Ba Lan, Lithuania,..., phục hưng lại đế chế Liên Bang Xô Viết, và ức hiếp cả Âu Châu, là chuyện rất dễ vì cả Âu Châu lệ thuộc Nga về hơi đốt sưởi ấm trong mùa đông. Dân Âu Châu nói chung và nhất là dân Pháp, có vẻ rất ghét Putin, mà Tây gọi là Poutin, hay nói trại ra là Putain, tức là 'đĩ điếm'. Trong khi đó Âu Châu có vẻ rất mê tất cả những gì xi-noa hay Tầu, nhất là Trung Cộng. Chắc tại gần Nga, xa Tầu nên mới sợ Nga thích Tầu. Hay đi xa hơn, ghét Nga vì Nga đã từng đánh Napoleon thua thảm hại, chết cả trăm ngàn lính Tây, trận đại bại đầu tiên mở màn cho sự cáo chung của Đế Chế Napoleon.

Dân Việt tị nạn ở Mỹ hay ngay cả đám còn đang ở Việt Nam, coi Paris nói riêng và Pháp nói chung như là nơi phải tham quan bằng mọi giá, chưa đi Paris, chết chưa yên, không nhắm mắt được. Tinh thần vọng ngoại, thờ 'nos ancêtres les Gaulois' vẫn rất mạnh trong rất nhiều người Việt, nhất là trong số những người trước đây đã đi lính cho Tây, làm quan cho Tây. Như hiện nay, phong trào uống rượu đỏ Bordeaux, ăn phó mát Camembert, đọc tiểu thuyết Victor Hugo, ngâm thơ Lamartine, nói chuyện triết lý hiện sinh Sartre, hát 'Aline',... đang là những thú tiêu khiển thời thượng trong đám các cụ tị nạn tự phong là trí thức nhất. Những chuyện ít hay ho hơn, chẳng hạn như dân Tây ở bẩn, quần áo luôn hôi mùi ẩm mốc vì ít giặt, hôi nách nhất, dâm loạn nhất,... , trong khi Paris cũng là 'thủ phủ' của nạn chí rận ở khách sạn, (ngay cả trên xe métro), đường phố là cầu tiêu công cộng của chó, ... là những chuyện kém lịch lãm, không nên nhắc tới.


'Một trăm năm đô hộ giặc Tây' đã để lại một dấu ấn lớn trong dân Việt ta: đó là cái máu thích càu nhàu, không bao giờ thỏa mãn, mê cãi lý, cãi chầy cãi cối văng nước miếng lấy được.

Nói đi cũng phải nói lại cho công bằng, trong đám dân cựu thuộc địa của Pháp như VN, Căm-Pu-Chia, Lào ở Á Châu, cho tới các dân Phi Châu, dân Pháp có vẻ thích dân Việt ta nhất, coi trọng nhất. Nhiều cụ rất hãnh diện nên lại càng... mê Tây hơn.

Vũ Linh
3/11/2023

No comments:

Blog Archive