Tuesday, November 7, 2023

CUỘC GẶP GỞ NGẨU NHIÊN TRÊN ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN

Kiệt, người em lái xe ôm
Thời gian 7 năm công tác ở vùng Đông Nam Á ghi lại trong trí nhớ của tôi rất nhiều kỷ niệm. Trong đó có những hình ảnh nháng qua mắt rồi biến tắt thật lẹ nhưng có 2 cuộc gặp ngẫu-nhiên đã in bóng thành khuôn trong lòng tôi.

Người đầu tiên tôi muốn gởi đến trong bài viết này là Kiệt, một người em lái xe ôm thường đón rước khách ở Sài Gòn 1.

Cha mẹ sinh con trời sinh tính nên tôi là người thích-hợp với mọi sinh-hoạt một mình mà vì vậy tôi thường len-lỏi trong biển người đi tìm 10 năm thơ ấu của tôi trên đường phố Sài Gòn sau giờ làm việc. Lang-bạt rồi có lúc mỏi chân, nên một ngày kia trong lúc tôi đang dừng chân bên đường phì-phà khói thuốc thì tôi có cảm-giác ai đó bên kia đường đang chú ý mình. Khi tôi nghiêng mắt trộm nhìn thì ngay lúc đó 2 mặt chạm nhau và tôi nhận ra một chàng trai có nước da đậm nâu như tương bần mà khuôn mặt thì rất là tuấn-tú khôi-ngô đáp lại cái nhìn của tôi với một nụ cười hiền-lành có vẻ thân-mật. Tôi ra dấu-hiệu lại gần thì mới biết em tên là Kiệt nhỏ hơn tôi 2 tuổi và lái xem ôm. 

Kiệt liền hỏi, anh muốn đi đâu để em chở đi cho. Tôi trả lời, anh đang thèm gỏi đu-đủ với gan nướng ở trên đường Hai Bà Trưng đi về hướng chợ Tân-Định, em chở anh tới đó đi. Trên đường đi tôi phát hiện Kiệt lái xe cẩn-thận, biết nhường-nhịn người qua đường và không lắm chuyện. Nên khi tới nơi tôi hỏi Kiệt, em có thích món ăn hàng này nhậu với trà hoa lài không nếu thích thì ngồi ăn với anh cho vui. Kể từ hôm đó thì Kiệt trở thành đệ tử của tôi và cứ theo tôi lùng khắp “tám nẽo đường thành” trong những khi tôi về đây công tác. 

Sau một thời gian quen biết, thì một hôm cũng cảnh hai thằng ngồi lề đường bên cái dĩa gỏi đu-đủ với ly trà hoa lài tôi hỏi Kiệt, trước 1975 ba má em làm gì? Kiệt ngưỡng mặt nhìn ra đường Hai Bà Trưng và sau một lúc trầm-ngâm Kiệt trả lời, anh còn nhớ hôm kia anh kêu em đưa anh qua sở-thú không? Ban đầu em cười thầm trong bụng, trời ơi người còn không có ăn mà còn đi coi sở-thú, nhưng khi tới thì em mới hiểu là anh muốn lên cầu Thị-Nghè. Em định hỏi anh đến đây thăm ai hả nhưng tính em ngại hỏi nên em cũng cho qua. Nói tới đây tôi tiếp lời của Kiệt, anh tới cầu Thị-Nghè là để thăm-viếng một di-tích lịch sử thôi, rồi tôi ra dấu hiệu để Kiệt kể tiếp, nhưng khi đứng giữa cầu thì em cố gắn cầm nước mắt vì theo lời má của em kể lại thì ba của em là 1 trong những người lính trấn thủ và mất trên chiếc cầu này. 

Lời kể của Kiệt tới đây khiến tôi ngẩn người trong giây lát nhưng tôi vẫn tỉnh-táo và quay mặt đăm-đăm nhìn Kiệt rồi muốn Kiệt hãy trả lời lẹ, ba của em thuộc binh chủng nào? Dạ anh sư đoàn 18 bộ binh. Khẩu hiệu của sư đoàn 18 bộ binh là gì? Kiệt tỏ-vẻ đắc-ý trả lời như bắn ra 4 mũi-tên “Thần Tiễn - Bảo Quốc” khiến tôi không kịp né. Nghe tới đây thì tôi cảm giác mọi phân-vân trong người tôi tan-rã như cục sô-cô-la nằm phơi nắng ngoài trời bởi những người con còn mang lá cờ thiêng-liêng trong người và hãnh-diện vì có người cha đã cầm súng bảo vệ tổ quốc mới đi tìm kỹ-lưỡng lý-lịch binh chủng của cha mình. Là con của người lính Việt Nam Cộng Hoà, là một quân đội vừa đánh bọn xâm-lăng và xây-dựng cho người dân miền Nam Việt Nam Cộng Hoà nên bọn tôi càng mến nhau tình-nghĩa đậm đà.

Thời gian trôi qua quá nhanh và thời kỳ bàn-giao công việc sắp tới nên một lần vào tháng 11 tôi nhờ Kiệt, em đưa anh tới nghĩa-trang Lái-Thiêu để anh có dịp nhan khói cho 3 người. Nhưng đó sẽ là 1 câu chuyện sau.

Trên đường trở về lại quê hương mới thì tôi lại sơ-ý trong một giây lát nên tôi bị mất cái điện-thoại di-động rồi từ đó mọi cách liên lạc với Kiệt bị cắt hẳn.

Người anh lính THIẾU SINH QUÂN
Trong suốt 7 năm làm việc với lũ mua quan bán chức, chúng có cả kho vàng nhưng không bằng một nang chữ thì tôi nhận-xét 1 điều là chúng ưa thích mở cuộc hợp như hợp chợ rồi tiếp theo đó là hợp tiệc. Trong 1 ngày không biết là bao nhiêu buổi hợp vừa đua nhau nịnh-hót và nổ tanh bành cái chợ với loài ngôn-ngữ kỳ-quái rồi đến bao nhiêu cái tiệc làm tôi dơ mắt. Do đó mà nhiều lần tôi viện cớ có cuộc hợp qua điện thoại với cấp trên của tôi ở đường kinh-tuyến GMT +1 để tránh né quần tam tụ ngũ với chúng sau giờ làm việc càng nhiều càng tốt. 

Bởi vì vậy nên có một lần sau khi ra khỏi phòng hợp tôi định đón xe tắc-xi về lại khách sạn thì tôi phát hiện có một chiếc xe tắc-xi đang đậu bên kia đường. Tôi ngẫm-nghĩ chắc người tài-xế chưa thấy tôi nên tôi quyết định bước tới gần xe. Khi tới gần thì tôi thấy mặt anh tài-xế nhìn tôi với vẻ mặt rất là giận-dữ. Nhưng tôi nghĩ rằng mình có làm gì chả đâu với lại tôi trông cho mau về lại khách sạn nên tôi tự-tiện mở phanh cửa xe. Khi cửa xe banh ra thì tôi nghe giọng la om-tỏi bằng tiếng Anh, where do you want to go? Anh tài-xế có khuông mặt với bộ râu nhìn y hệt như vua hề Thanh-Việt, nên tôi không thể nào giữ được sự nghiêm-túc và tôi suồn-sã trả lời, dạ thưa anh em chưa bị điếc, làm gì anh la om-tỏi vậy? Vừa nói xong tôi liền chợt nghĩ phe này chắc bị ăn đòn không còn 1 con giáp, nhưng trái lại tôi hoàn-toàn thoát hiểm khi nghe tiếng cười giòn như pháo đại của anh tài-xế xé tan cái bầu không khí nặng trịch. 

Lên xe rồi anh tài-xế bắt đầu kể đầu đuôi câu chuyện, anh thấy em đứng ra dáng đón xe rồi nhưng anh nghĩ chắc em là mấy thằng Trung-Quốc mất dạy nên anh làm ngơ vì anh căm ghét bọn nó lắm nhưng may cho em là người Việt chứ không là anh đập rồi. Tôi vừa cười đắt ý và đáp lại, trời ơi anh ơi nước mắm nuôi em chứ có phải xì-dầu đâu mà anh nhìn em ra sao mà thấy em giống mấy tên ba tàu, mà tại sao anh ghét tụi nó ra mặt vậy, làm vậy sao lái xe có tiền nuôi vợ con? Thà nghèo ăn cơm nguội cá kho còn hơn là ăn cao lương mỹ vị của kẻ thù không đội trời chung em à vì tụi nó coi rẻ người dân mình lắm em. 

Những câu nói của anh tài-xế khiến lòng tôi bồi-hồi nhưng nó cũng đem lại cho tôi niềm vui an toàn vì mình ngẫu-nhiên gặp được đúng đài cùng phe. Sau khi anh tài-xế kể hết tội-trạng của tụi Trung-Quốc ở quê mình rồi, thì anh quay qua hỏi tôi, em có muốn nghe nhạc không? Dạ có anh, anh có nhạc gì? Em thích nghe nhạc gì? Anh có trong xe nhạc Trúc-Phương không? Vậy mình nghe nhạc người lính Việt Nam Cộng Hoà ne. Tôi nghe anh tài-xế đề-nghị vậy nên tôi mỉm cười đắc-ý vì có lẽ bọn tui đã bẻ lái được cuộc chuyện trò về chung một hướng. 

Nhưng, trước ngày tôi về Sài Gòn công tác thì ba má của tôi căn-dặn đủ điều nhưng mỗi người thì khuyên một kiểu. Thí dụ như ba tôi nói, bà cứ để yên cho con nó đi để nó tự biết làm việc với mấy thằng ôn-dịch là như thế nào. Má của tôi thì tằn-mằn từng chút hơn, con nên nhớ ở Sài Gòn không còn ai để ba má gởi-gắm nên con phải cẩn-thận trong chuyện giao tiếp. Con của má, má biết tánh nên con đừng tỏ vẻ khó chịu khi nghe họ dùng những từ-ngữ lạ tai vì họ sống dưới chế độ đó nên họ phải theo. Sài Gòn là sào-huyệt của tụi việt cộng nên khi con nghe ai nói chuyện như ba má thì càng phải đề-phòng vì chưa chắc họ cùng phe với mình. Tốt nhất đừng qua lại với ai và đi làm ra về khách sạn ăn uống để ba má bớt lo.

Nhưng ai có con rồi thì biết cha mẹ nói mười con nghe một và thế sự nào cũng có ngoại lệ, vì từ khi lên xe của anh, tôi để-ý anh ăn nói thẳng-thắn, anh không trét mật ong lên miệng người nghe và anh không diễn trò mà trái lại anh chân-tâm thể hiện niềm đau xót và lòng tôn-ngưỡng khi anh can-đảm vinh danh những nhạc khúc một cách danh chánh ngôn thuận với 6 chữ NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ.

Chiếc xe của bọn tui lướt dập qua các ổ gà trên đường xá, đà theo điệu nhạc mà khi chạy qua các nẻo đường của Sài Gòn cứ mơ tưởng rằng mình đang hành quân “trên bốn vùng chiến thuật”. Tiếng còi rộn-rã của những chiếc xe chen-đua nhau ở các ngã tư, trong bồn-binh mặc dù khiến bọn tui muốn bung cả màng nhỉ nhưng tình hình bắt bọn tui cũng phải phóng theo mà nghĩ đến mình đang xông-pha theo tiếng kèn “thúc quân” sắp xâm vào những trận đánh kinh-hồn. Khi chiếc xe sắp lăn về tới khách sạn thì tôi được biết anh lớn hơn tôi tới 10 tuổi và là 1 trong khoảng 100 người lính tí hon Thiếu Sinh Quân có mặt trong trận đánh hào hùng ở Vũng Tàu vào những ngày chót của đất nước. Các anh là phòng thủ cuối cùng của quốc gia không thẹn với danh những người con Nhân-Trí-Dũng.

Trời đã khuya chuyện cũng đã dài mặc dù lời nhớ tới anh tài-xế và Kiệt thì chưa cạn. Cho dù ở phương trời ngăn cách nhưng lòng tôi luôn nhớ tới anh và Kiệt và cầu mong mọi người luôn có những chuỗi ngày hạnh phúc.

Hậu duệ “Yêu Nước Cứu Dân” SĐ7BB xin kính chúc quý vị mọi sự yên bình trong ngày đen tối nhất của đất nước và xin thắp nén hương tưởng nhớ cố tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu.


No comments:

Blog Archive