Tương lai Đảng Dân Chủ
Vũ Linh
...thất bại của bà Hillary năm nay chỉ là một hiện tượng nhỏ trong một tiến trình lớn...
Cách đây không lâu, chỉ cuối tháng Mười năm ngoái, vài ngày trước bầu cử, cả nước –hay đúng hơn, cả thế giới- đều nghĩ đảng Dân Chủ sẽ thống trị chính trị Mỹ ít nhất vài thập niên, nếu không muốn nói là vĩnh viễn chôn vùi đảng Cộng Hòa luôn, cho đến khi đảng này lột xác, thay đổi quan điểm chính trị cũng như nhân sự một cách toàn diện, noi theo gương DC, trở nên cởi mở, hợp với đà tiến hoá nhân loại cấp tiến hơn.
Oái ăm thay, chỉ một ngày sau ngày bầu cử, tư tưởng trên bị lật ngược hoàn toàn. Bây giờ thì thiên hạ lại kết luận tương lai DC đen hơn đêm 30, và chính đảng này mới là đảng phải thay đổi trọn vẹn từ nhân sự đến chủ trương nếu không muốn bị phế thải, “liệng vào thùng rác của lịch sử” –in the trash bin of history- giống như TT Reagan đã phê phán các chế độ cộng sản.
Nhiều người, nhất là đảng viên và chính khách DC cay cú, hậm hực, thấy bà thần tượng thua đau, tìm cách đổ thừa bốn phương tám hướng, không tha bất cứ lý cớ nào. Tất cả mọi lý do nghiêm chỉnh hay vớ vẩn, đều được viện dẫn như gian lận phiếu nên đòi đếm phiếu lại, thể thức cử tri đoàn hết thời cần thay đổi, rồi Putin quậy phá giúp ông Trump, bà Hillary thắng tới ba triệu phiếu. Tiếu lâm hơn nữa là ngay cả đến ngày quốc hội họp để xác nhận kết quả bầu cử của cử tri đoàn, hai bà dân biểu da đen vẫn gân cổ nói cuộc bầu của cử tri đoàn không hợp lệ. Cũng may ông PTT Biden vẫn còn tỉnh táo, cắt ngang hai bà và nói “Xong hết rồi!” (Its over!).
Rồi một ông dân biểu da đen già có thành tích tranh đấu cho dân da đen, đánh nhau với cảnh sát cách đây hơn nửa thế kỷ, vẫn nghĩ mình là đại anh hùng dân tộc, bất khả xâm phạm, nghêng ngang tuyên bố Trump là “tổng thống không chính danh” và “lần đầu tiên trong đời, tôi tẩy chay không tham gia lễ nhậm chức của một tân tổng thống”. Việc ông hơi bất ngờ là bị ngay TT Trump chẳng nể nang gì, phạng lại “thứ chính khách chỉ lảm nhảm nói và nói, chẳng làm gì”, rồi báo chí khui ông này cũng có lời nói và hành động tẩy chay y chang với TT Bush con, chứ không phải là “lần đầu tiên trong đời”. Chứng tỏ TT Trump nói sai: ông dân biểu này không phải chỉ là “nói và nói” mà là “nói láo và nói láo” theo đúng truyền thống của các chính khách.
Trước ngày bầu, trong không khí say men chiến thắng giả tưởng, TTDC tiên đoán chẳng những bà Hillary đại thắng, mà DC sẽ còn chiếm lại đa số tại Thượng Viện và hồ hởi hơn nữa, rất có thể dành lại đa số tại Hạ Viện luôn. Bà Hillary tin tưởng cái lạc quan tếu đó, không thèm đi vận động một lần nào tại tiểu bang Wisconsin mà bà tin là đã nằm trong bóp bà rồi, mặc dù đây là tiểu bang đã bầu ông thống đốc CH Scott Walker và ông dân biểu CH Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện. Trong đêm bầu cử, Wisconsin là tiểu bang vùng Đại Hồ đầu tiên lọt vào tay ông Trump trước sự ngỡ ngàng của cả nước. Cũng là lần đầu tiên tiểu bang này bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống CH từ ngày bầu cho ông Reagan cách đây ba thập niên. Bảo sao TTDC chỉ được có 15% dân Mỹ tin tưởng. Bà Hillary tin TTDC đã phải trả giá cực đắt.
Lạ lùng hơn nữa, bà tự tin đến độ tìm cách gia tăng tối đa số phiếu cử tri phổ thông của mình tại ngay cả những tiểu bang DC, coi như thêm một cái tát vào mặt ông Trump cho bõ ghét. Bà đi vận động tại Cali, Nevada và Colorado,... là những nơi bà chắc ăn 1000%, nhưng muốn có càng nhiều phiếu càng... sướng. Trong khi ông Trump lẳng lặng đi vào các tỉnh nhỏ, vùng quê các tiểu bang xôi đậu như Michigan, Pennsylvania, và Ohio. Sau cuộc bầu, cử tri của bà hô hoán bà Hillary chiếm được nhiều phiếu hơn. Không sai, nhưng càng la hét, càng chứng minh bà Hillary chỉ là một chính trị gia hạng bét, không biết đi kiếm phiếu đúng chỗ để đắc cử, mặc dù đã trải qua kinh nghiệm hai lần tranh cử của ông chồng và một lần của chính mình.
Khiến kẻ này thắc mắc: tại sao DC lại lựa một người quá yếu như vậy ra tranh cử? Năm 2008, bà Hillary coi như 99,9% chắc ăn, thì thua một anh tổ chức cộng đồng vô danh. Cái sai lầm lớn của bà Hillary khi đó là đã lơ là tiểu bang Iowa, là tiểu bang cực kỳ quan yếu vì bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên. Tiểu bang chỉ có khoảng 1% dân đa đen và bà tin chắc ông da đen Obama tuyệt đối vô vọng. Chiến thắng bất ngờ của Obama tại đây đã như hỏa tiễn bắn lên không gian, không ai kéo xuống được nữa. Chứng tỏ bà Hillary đã quá dở. Lần này thì bà Hillary lơ là cả khối thợ thuyền, cũng vì tin chắc ông tỷ phú vô phương được dân lao động hậu thuẫn. Để rồi lại thảm bại.
Thật ra, sự thất bại của bà Hillary năm nay chỉ là một hiện tượng nhỏ trong một tiến trình lớn: sự đại bại của toàn thể đảng DC trong tất cả các cuộc bầu bán trên cả nước, từ Thượng Viện đến Hạ Viện, từ thống đốc đến các quốc hội tiểu bang.
Phe DC la hét bà Hillary thắng ông Trump tới ba triệu phiếu cử tri, nhưng nín thinh không đả động tới việc đảng CH nói chung thắng tới gần bốn triệu phiếu trong cuộc bầu quốc hội trên toàn quốc, kể cả Cali và New York.
Dĩ nhiên, không ít người cho TT Obama là người chịu trách nhiệm về sự suy thoái của đảng DC, được minh chứng rõ ràng bằng việc hơn 1.000 viên chức DC mất job qua bốn lần bầu cử những năm 2010-12-14-16. Và dĩ nhiên không kém, theo đúng mô thức sở trường, TT Obama chối bay biến, bác bỏ mọi trách nhiệm bằng đủ cách đổ thừa. Lần đầu thì đổ thừa lên ... đầu TT Bush. Ông cho rằng ông thừa kế một gia sản quá tệ hại, nên bất cứ chính quyền nào nắm quyền cũng sẽ gặp khó khăn. Lời bào chữa không ai tin được vì thật vô lý. Năm 2008, cả nước tin ông và đảng DC, trao cả Tòa Bạch Ốc lẫn hai viện quốc hội cho khối này. Hai năm sau, họ gạt DC ra khỏi Hạ viện, sao lại đổ thừa lại cho TT Bush con được?
Nghĩ lại thấy quả vô lý thật nên TT Obama đổi giọng, quay qua giảng giải “chuyện thất bại đó là chuyện của đảng DC, tôi có quá nhiều trách nhiệm, đâu có thể nào vừa làm tổng thống vừa điều hành đảng được”. Câu này TT Obama nói với anh phóng viên TV phe ta George Stephanopoulos, khiến anh này chỉ biết công khai trợn mắt nhìn TT Obama trong cuộc phỏng vấn trên TV.
Nói trắng ra, DC đại bại toàn diện trên mọi cấp, chứ chẳng phải chỉ có một mình bà Hillary thua. Có nghiã là DC đang gặp vấn đề lớn liên quan đến toàn thể lập trường, quan điểm, chính sách, và nhân sự trước cử tri Mỹ. Muốn sống lại, phải xét lại toàn diện tất cả các khiá cạnh trên.
Điều đầu tiên phải nói là ôm lấy thái độ the party of no, hay tệ hơn nữa the party of destruction sẽ không phải là giải pháp. TNS Schumer, lãnh đạo khối DC tại Thượng Viện chưa gì đã tuyên bố những câu nẩy lửa. Nào là “tôi sẽ chống tất cả những người TT Trump muốn bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện, bất kể ai”, rồi đến “chỉ có một cách duy nhất tôi ủng hộ TT Trump là ông ta theo đảng DC, hoàn toàn bỏ đảng CH”.
Sách lược của DC khá rõ nét: dùng việc chống TT Trump của khối thiểu số da màu, phụ nữ và trí thức trẻ làm điểm tập hợp mới để đoàn kết và gây dựng lại đảng DC, do đó sẽ chống TT Trump tuyệt đối về bất cứ chuyện gì. Nói cách khác, tìm cách gây dựng lại đảng dựa trên chống đối TT Trump chứ không dựa trên ý kiến sáng tạo xây dựng nào. Tương lai nước Mỹ sẽ càng ngày càng phân hoá nặng. Đó sẽ là gia tài lớn nhất TT Obama đã để lại.
Vẫn trên vấn đề nhân sự, nhìn gần, đảng DC hoàn toàn không có ai lãnh đạo hết. Chức vụ tương đương với chủ tịch đảng, là chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia -National Committee- vẫn bỏ trống vì nội bộ còn đang tranh dành đánh đá lẫn nhau [dĩ nhiên TTDC im lặng dấu nhẹm dùm]. Còn những nhân vật gọi là sáng giá hiện nay của đảng, có nhiều triển vọng ra tranh cử tổng thống năm 2020, không ai có thể nghĩ rằng đó là... tương lai thực sự của đảng DC. Vẫn cụ bà Hillary, cụ bà Elizabeth Warrens, và các cụ ông Biden và Sanders,... toàn là các ngôi sao loại khủng long của thời tiền sử sống sót đến giờ [Khủng long là danh từ Lý Tống gắn cho các lãnh đạo CS Cuba, bây giờ hoàn toàn thích hợp cho lãnh đạo đảng DC Mỹ!]. Các cụ này nên nghĩ đến chuyện về hưu, chịu khó bồi đắp, xây dựng một thế hệ lãnh đạo mới, mang nguồn sinh khí mới và những tư tưởng mới vào đảng. Các cụ còn 4 năm để làm chuyện này. Hay chính xác hơn, 2 năm thôi, để còn 2 năm vận động tranh cử cho bầu cử 2020.
Về chính sách, hướng đi cấp tiến chắc chắn cần phải xét lại.
Điều quan trọng đầu tiên là chính sách phải đạo chính trị tuy không phải là sai, nhưng đi quá trớn, đến độ gây sốc cho quá nhiều người, kể cả những người có tư tưởng phóng khoáng, cởi mở. Những chuyện vớ vẩn như lo xây cầu tiêu cho một nhúm dăm ba anh chị chuyển giới lập dị, cần phải đặt để lại cho đúng mức.
Chính sách kinh tế phải thực tế hơn nhiều. Những lý thuyết keynesian của thời Đệ Nhị Thế Chiến, dựa vào Nhà Nước nợ như Chúa Chổm để tạo công ăn việc làm mà TT Obama áp dụng đã quá lỗi thời. Thời đó, cả thế giới bị tàn phá, không còn công ty tư nhân nặng ký nào, hay còn quá ít, trong khi việc xây dựng lại cả thế giới đòi hỏi những cố gắng cực lớn, khiến vai trò tích cực của Nhà Nước hoàn toàn cần thiết và chính đáng. Ngày nay, khu vực tư của Mỹ cực lớn và đã chứng minh khả năng thành công vượt bực, đã trở thành đầu máy kéo theo cả nền kinh tế. Nhà Nước chỉ còn cần thiết trong vai trò kiểm soát và giới hạn những lạm dụng thái quá, chứ không thể là đầu máy được nữa. Nói về khả năng sáng tạo và sự nhiệt tình cần cho kinh tế, đám công chức ăn lương bèo bọt của Nhà Nước không thể nào so sánh được với cả triệu doanh gia.
Chính sách thuế khóa phải thực tế hơn, đáp ứng nhu cầu của giới doanh gia để họ tin tưởng và mang hãng xưởng về Mỹ lại, tạo công ăn việc làm cho thợ thuyền Mỹ.
TT Trump đã công bố sách lược kinh tế bảo thủ của ông rất rõ ràng, giảm thuế kinh doanh, tăng thuế nhập cảng, trừng phạt các công ty mang công ăn việc làm ra ngoài nước Mỹ. Chính sách này hiệu quả như thế nào, chưa biết, chỉ biết là đã mang lại chiến thắng cho ông Trump và hình như đã mang lại lạc quan cho giới kinh doanh qua việc chỉ số chứng khoán tăng như diều gặp bão, cũng như qua quyết định đầu tư vào Mỹ lại của nhiều đại công ty. Đảng DC phải tìm ra kế hoạch chống lại hữu hiệu hơn là gân cổ đòi tăng thuế kinh doanh Mỹ và mở toang cửa biên giới kinh tế như bà Hillary chủ trương.
Vấn nạn di dân là có thực. Nhưng mở toang cửa rồi cấm trục xuất những người đã lọt vào là cách bảo đảm CH sẽ thắng trong tất cả các cuộc bầu cử trong mấy chục năm nữa.
Phe ta phản đối chuyện xây tường dọc biên giới vì hoàn toàn vô hiệu mà lại quá tốn kém khi chính phủ Mễ sẽ không chịu trả chi phí. Thật ra họ đã không hiểu ý nghiã thực sự của bức tường của TT Trump. Đó là một tuyên cáo chính trị cho hai khối: a) cho khối di dân: chúng tôi sẽ không chấp nhận quý vị ào ạt qua đây nữa và sẽ tìm mọi cách ngăn cản quý vị; và b) cho chính quyền Mễ: quý vị cũng phải chia sẻ trách nhiệm bảo vệ biên giới chung nếu không quý vị sẽ phải trả một giá khá đắt. Việc bức tường thực hiện được hay không, tốn bao nhiêu tiền, hiệu quả như thế nào, chỉ là những chi tiết phụ, không phải ý chính của TT Trump.
Lịch sử tái diễn một cách rất tẻ nhạt, không có gì gọi là sáng tạo hết.
Cuối thập niên 70, TT Jimmy Carter của DC chủ trì một nước Mỹ trong đó kinh tế bết bát gần bằng thời đại khủng hoảng đầu thế kỷ, khi lạm phát, thất nghiệp, lãi suất vay ngân hàng leo lên đến những mức kỷ lục.
Ứng viên CH Ronald Reagan mà cả phe DC thời đó coi thường y như coi thường ông Trump năm ngoái, bất ngờ hất cẳng TT Carter, khiến ông này thành tổng thống một nhiệm kỳ. Ông tài tử phim cao bồi rẻ tiền Reagan thành công nhờ thu phục được khối thợ thuyền lao động của đảng DC. Người ta gọi khối cử tri đó là Reagans Democrats, những đảng viên DC của Reagan.
Đảng DC mất khối này cho mãi đến năm 1992, khi những khó khăn kinh tế thời đó kéo họ về lại với ứng viên DC Bill Clinton, giữ họ lại cho đến thời Obama, để rồi bây giờ mất họ lần nữa, họ thành khối Trumps Democrats. Sách lược tồn vong của DC không thể giản dị hơn: tìm cách kéo họ về, ra khỏi tay TT Trump, bằng cách đề xướng ra một chính sách kinh tế, lao động hợp lý hơn.
Về lâu dài, chưa ai biết đảng DC sẽ thay đổi như thế nào, nhưng trong những ngày vừa qua sau cuộc bầu, đảng DC đã thật sự lột xác, biến thành một đảng của những người thua đau quá hoá điên. Từ TT Obama đến bà Hillary đến dân biểu, nghị sĩ, dân thường và nhất là khối phụ nữ và tài tử, ca sĩ.
Cuộc biểu tình vĩ đại của hơn nửa triệu người tại thủ đô một ngày sau lễ tuyên thệ, đại đa số là phụ nữ, là một tuyên ngôn mà TT Trump không thể phớt lờ được. Nhưng đáng tiếc thay hành động đầy ý nghiã đó đã bị các vị nữ lưu cấp tiến biến thành một cuộc biểu dương lực lượng của phụ nữ bị dồn nén hay ám ảnh vì sex. Hầu hết các bà cô đội mũ len màu hồng với hai cái tai mèo, mà con mèo mầu hồng -pink pussy- cũng là biểu tượng cho bộ phận sanh đẻ của phụ nữ trong văn hoá Mỹ.
Ở đây, cũng phải nói về một gia tài khác của TT Obama. Sau tám năm khai phóng phụ nữ theo phải đạo chính trị, phụ nữ do chính sách của Obama đẻ ra là những người thô tục và vô văn hoá nhất. Trong cuộc biểu tình của phụ nữ đó, những danh từ được nghe và thấy nhiều nhất trên các biểu ngữ đều là... những danh từ mà chắc chắn ban biên tập Việt Báo sẽ không cho phép kẻ này viết lại vì báo có nhiều độc giả vị thành niên và đứng đắn. Phe ta hùng hổ tố Trump thô bỉ, không chịu thua, tìm mọi cách chứng minh ta còn... thô bỉ hơn. Hiển nhiên là họ đã thành công lớn.
Dĩ nhiên đám phụ nữ này sẽ đổ thừa tại Trump xàm sở với phụ nữ khiến họ nổi giận. Cũng có lý thôi! Nhưng câu hỏi là khi TT Clinton ôm điện thoại nói chuyện quốc sự trong khi một em chân ngắn ngồi dưới gầm bàn thì những phụ nữ nổi giận này ở đâu? Đám phụ nữ tiến bộ này chẳng những thô bỉ mà còn giả dối nữa.
Tất cả đều là những chống chế tuyệt vọng, chỉ phản ánh một thái độ cố đấm ăn xôi, thiếu quân tử, thiếu tự trọng, thiếu dân chủ của một đảng miả mai thay mang tên là... đảng Dân Chủ.
Kẻ viết này nghi ngờ phương cách chống đối này sẽ chỉ làm cho đại đa số dân Mỹ ngày càng sợ và lánh xa khối cấp tiến hơn nữa và khối cử tri của TT Trump đoàn kết hơn nữa trong kỳ bầu bốn năm nữa.
Miả mai lớn nhất mà đảng DC đang phải đối diện là mặc dù luôn vỗ ngực là đảng của cởi mở, đa dạng, nhưng trên thực tế, đảng này chỉ là một kết hợp tạp nhạp của các khối thiểu số như da đen, di dân nâu và vàng, dân cần trợ cấp, phụ nữ ham vui nhưng không thích trách nhiệm gia đình, đồng tính muốn tự do lấy nhau, trí thức khoa bảng kiêu căng tự mãn, truyền thông tự phong cho mình một loại thiên mệnh, tài tử ca sĩ say men ái mộ tìm cách nuôi dưỡng tên tuổi của mình, và chính khách mỵ dân vẫn bận lùng phiếu. Một cái lều lớn –the big tent- khoan dung nhưng lại chủ trương loại bỏ khối đại đa số dân da trắng, dân trung lưu và dân lao động.
Con đường này chính là con đường đưa DC đến thảm bại trong 4 mùa bầu cử qua vì sự thật rõ ràng nhất là khối da trắng đó, dù muốn hay không cũng vẫn là khối chiếm hai phần ba dân số Mỹ. Ngày nào DC còn xua đuổi khối này thì ngày đó DC sẽ còn thất bại. Nhất là khi các khối thiểu số cử tri của DC ngày càng đổ dồn, tập trung vào vài ba tiểu bang hai ven biển. Càng tập trung sẽ càng thất bại nặng khi nước Mỹ vẫn còn là một liên bang. Theo đà này, trong tương lai, ứng viên tổng thống của DC sẽ luôn luôn chiếm đa số phiếu cử tri, nhưng ứng viên CH sẽ luôn luôn là người tuyên thệ nhậm chức!
(29-01-17)Vũ Linh
No comments:
Post a Comment