Tuesday, January 17, 2017

Thế giới trong quan điểm của Donald Trump

Tú Anh

Inline images 1
Báo Mỹ, Time chọn Donald Trump là "nhân vật" của năm 2016. Reuter

Rất khó mà tiên đoán một cách chính xác chính sách đối ngoại của tổng thống thứ 45 của Mỹ ra sao. Người thì nói Donald Trump thiếu kinh nghiệm, kẻ thì cho rằng nhà tỷ phú chỉ nghỉ đến túi tiền. Tuy nhiên, qua những cuộc phỏng vấn gần đây và bộ nhân sự được tín nhiệm cho thấy nhãn quan chính trị của người lãnh đạo Hoa Kỳ trong bốn năm kể từ ngày 20/01/2017, tuy chưa chín chắn nhưng rất hợp lý: quyền lợi nước Mỹ là trên hết.

RFI xin giới thiệu phân tích của giáo sư Michael Klare, đại học Hamsphire College Massachusett) Hoa Kỳ, trên nguyệt san Le Monde Diplomatique, tháng 01/2017.

« Nước Mỹ trước đã ». Khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ nhiều tháng nay cho phép dự báo đó là mục tiêu đi tới và phương châm hành động của ông Dodald Trump khi vào Nhà Trắng. Một loại tổng hợp giữa chủ nghĩa đơn phương, phủ nhận mọi thỏa thuận quốc tế, tăng cường võ trang, đặt các mục tiêu khác thành công cụ phục vụ cho quyền lợi thương mại của Mỹ, không kể thái độ khó lường do bản tính bốc đồng dễ giận.

« Thế giới quan của Donald Trump » cho phép dự báo những bất trắc trong chính sách đối ngoại của vị tổng thống thứ 45.

Thế giới của nhà tỷ phú này hoàn toàn trái ngược với mô hình truyền thống của hai chính đảng và hầu hết chiến lược gia Mỹ, trong đó Hoa Kỳ chiếm vị trí trung tâm.

Michael Klare: Thế giới được phân định theo từng vòng tròn đồng tâm phát xuất từ trung tâm điểm là Nhà Trắng. Canada, Anh Quốc và các nước nói tiếng Anh đứng trong vòng tròn thứ nhất, kế tiếp là các thành viên của Liên minh NATO cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Israel ở vòng thứ hai. Vòng thứ ba là những đối tác kinh tế và quân sự lâu đời như Đài Loan, Philippines, Ả Rập Xê Út…. Bên ngoài ba vòng tròn quan hệ đồng minh và thân hữu tương tác này mới đến những đối thủ hoặc những chế độ xem Washington là đối nghịch như Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran.

Trong nhiều thập niên, chính sách ngoại giao của Mỹ là luôn tăng cường quan hệ với các nước bạn, giữa các nước bạn với nhau song song với nỗ lực cô lập và làm suy yếu các nước đứng ngoài ba vòng tròn thân hữu. Đôi khi, chính sách này buộc nước Mỹ phải lao vào chiến tranh để bảo vệ một hay nhiều đồng minh ngoại vi trước những mối đe dọa có thật hay suy đoán hoặc để tránh cho đồng minh thân thiết thảm họa chiến tranh.

Donald Trump, không có cùng văn hóa chính trị với tầng lớp thượng lưu quyền thế ở Washington nên không chia sẻ quan điểm này với đại đa số chính trị gia tại thủ đô cho dù là Cộng hoà hay Dân chủ.

Thế giới của Donald Trump là thương trường. Thương trường là rừng hoang. Trong rừng hoang không có trung thành hay phản bội mà chỉ có quyền lợi, mạnh được - yếu thua.

Michael Klare: Với Donald Trump, một doanh nhân thành công trên thương trường, thế giới cũng là thương trường, nơi nào tập đoàn Trump cũng có quyền lợi. Khái niệm vòng trong vòng ngoài, đồng minh, thân hữu, kẻ thù là điều xa lạ với nhà tỷ phú địa ốc. Ông chọn doanh nhân Rex Tillerson làm ngoại trưởng vì hai người có cùng quan điểm, xem thế giới là khu rừng hoang. Khu rừng này chỉ tuân theo một quy luật và một nguyên tắc : quy luật mạnh được- yếu thua, nguyên tắc cơ may và rủi ro ở mọi nơi như nhau, độc lập với tính thủy chung của đồng minh hay tráo trở của kẻ thù.

Trong cái nhìn của Donald Trump, Hoa Kỳ không còn là trung tâm, là cột trụ của một đại gia đình mà Washington có bổn phận phải bảo vệ. Trong thế giới của Donald Trump, mỗi quốc gia thành viên là một « trung tâm quyền lực » phải tự phấn đấu để tự bảo vệ vị thế của mình để sống còn trên ván cờ quốc tế cạnh tranh không nhân nhượng. Mục tiêu chính sách đối ngoại của một quốc gia là phát huy quyền lợi đất nước mình có nghĩa là phải làm thất bại chính sách tương tự của đối thủ. Do vậy, để được nước Mỹ của Donald Trump xem là bạn hay thù, một quốc gia sẽ được chấm điểm tùy theo đóng góp có lợi cho Mỹ đến mức độ nào, theo thang điểm của nhà tỷ phú « nước Mỹ trước đã - America First ».

Tổng thống Trump sẽ sử dụng quyền hạn để tưởng thưởng đối tác hay trừng phạt đối thủ. Nhóm thứ nhất sẽ được tiếp đón như thượng khách ở Nhà Trắng, được ký những hợp đồng béo bở. Nhóm thứ hai sẽ phải trả thuế nhập khẩu ở mức nặng nhất, bị cô lập về ngoại giao và trong trường hợp bất bình phản ứng khiêu khích thì sẽ bị quân đội Mỹ đập cho một trận.

Donald Trump biết đặt người đúng chỗ để củng cố siêu cường. Tuần trăng mật Putin-Trump: mật ngọt sẽ thành mật đắng.

Michael Klare: Để có thể thực hiện chiến lược không dựa trên những nguyên tắc quan hệ quốc tế, Donald Trump xây dựng một bộ sậu có bãn lĩnh sắc sảo : giỏi giàn xếp thương lượng như Rex Tillerson, sẵn sàng dùng vũ lực đánh vào kẻ thù chỉ định như tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh và James Mattis, bộ trưởng quốc phòng. Để củng cố uy thế giải pháp quân sự, Donald Trump chủ trương phát triển quân đội, đặc biệt là hải quân vì triển khai nhanh nhất khi cần biểu dương lực lượng. Quan hệ Mỹ-Nga có thể được cải thiện trong thời gian đầu do Donald Trump và Vladimir Putin có vẻ hợp ý nhau và có tương đồng về quyền lợi dầu khí.

Chính trong nhãn quan giản dị « phải tiêu diệt Daech bằng vũ lực » Donald Trump nghĩ đến sự hợp tác của Nga và đồng minh Nga là Syria. Ngày 25/07/2016, Donald Trump tuyên bố « không phải tôi thích phối hợp với Nga để đánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo đâu ». Sau đó, trong cuộc tranh luận với Hillary Clinton ngày 09/10/2016, Donald Trump, khi gợi ý phải hợp tác với tổng thống Syria, đã nhấn mạnh « Tôi không ưa thích gì Assad nhưng Assad giết tổ chức Nhà nước Hồi giáo » .

Đổi lại, Matxcơva và Damas sẽ được trả côn : Mỹ sẽ không nhắc chuyện chiếm bán đảo Crimée và sẽ bỏ cấm vận. Mỹ cũng thôi không ủng hộ đối lập Syria. Donald Trump sẽ tìm cách sắp xếp ván cờ Trung Đông bằng biện pháp thỏa hiệp này chẳn hạn như thương lượng lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến chống Daech, đổi lại Mỹ giảm ủng hộ người Kurdistan và không chừng trục xuất giáo sĩ Gulen, khắc tinh của tổng thống Erdogan, đang tị nạn tại Mỹ, về nước.

Tuy vậy, tuần trăng mật Trump và Putin sẽ khó mà kéo dài.

Với chủ trương nước Mỹ trước đã, ông Trump sẽ tránh những động thái bị xem là nhượng bộ quyền lợi quốc gia, từ bỏ vai trò siêu cường cho Nga. Chưa hết, ông Trump còn muốn tăng gắp đôi ngân sách quốc phòng, phát huy sức mạnh hải quân để gọi là đương đầu với Trung Quốc ở châu Á. Trong kế hoạch tăng cường võ trang, quân đội Mỹ còn được trang bị thêm một hệ thống chống tên lửa liên lục địa tối tân nhất và một lực lượng oanh tạc cơ chiến lược. Chương trình này chắc không phải là để « triệt khủng bố Daech ». Tổng thống Nga không che dấu quan ngại khi ông tuyên bố trong cuộc họp báo đầu tháng 12 : Mọi mưu toan làm thay đổi tương quan cân bằng lực lượng chiến lược sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng cho thế giới .

Đối với Trung Quốc, Donald Trump cũng áp dụng chiến thuật của doanh nhân. Treo giá thật cao để mặc cả đòi Bắc Kinh phải nhượng bộ và tôn trọng quyền lợi kinh tế Mỹ. Đài Loan, hạt nhân Bắc Triều Tiên, biện pháp thuế quan đánh mạnh lên hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ là những lá chủ bài nằm trong tay Donald Trump.

Michael Klare: Trong suốt cuộc tranh cử, Donald Trump không tiếc lời chỉ trích Trung Quốc sử dụng biện pháp cạnh tranh bất chính và xem thường tổng thống Mỹ Obama khi tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự tại biển Đông.

Trả lời báo New York Times ngày 26/03/2016, Donald Trump cho là Bắc kinh xem thường nước Mỹ. Chủ nhân mới ở Nhà Trắng tiên liệu sẽ có mối quan hệ gay go với ban lãnh đạo Trung Quốc nên đã chọn một « người bạn » của Tập Cận Bình làm đại sứ ở Bắc kinh.

Đối với Trung Quốc, Donald Trump biết là phải cần Bắc Kinh kềm chế Bình Nhưỡng. Cho dù bị cô lập, chế độ khép kín cha truyền con nối dường như đang hoàn tất chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa đe dọa trực tiếp lãnh thổ Hoa Kỳ.Tuy nhiên, ông không chấp nhận Trung Quốc khống chế biển Đông và đe dọa con đường hàng hải huyết mạch quốc tế.

Bắc Kinh cũng có nổi ám ảnh riêng: Bắc Triều Tiên sụp đổ, thống nhất dưới ngọn cờ Hàn Quốc với sự bảo trợ của Mỹ.

Chủ nhân mới của Nhà Trắng đã dự kiến quan hệ với Trung Quốc sẽ căng thẳng. Vấn đề là Donald Trump có sợ xung đột vũ trang hay không ? Câu trả lời Donald Trump là « có thể » sẽ sử dụng quân đội đẩy lui Trung Quốc ra khỏi Biển Đông nhưng ông nói tiếp: Mỹ có vũ khí thương mại khổng lồ đối với Trung Quốc.

Không đi vào chi tiết, ông dự kiến dùng thuế quan và các cơ chế khác của thương mại để kềm Trung Quốc. Cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn có thể xem là chiến thuật của tổng thống Mỹ thứ 45: đe dọa leo thang tranh chấp để mời Bắc Kinh chấp nhận một số yêu sách của Washington.

Không bạn không thù, chỉ có quyền lợi, nhưng là quyền lợi của nước Mỹ. Đó là thế giới của Donald Trump.


No comments:

Blog Archive