Ăn Trưa Tiễn Năm Cũ
Chỉ vừa nghĩ vậy, một cái tên đặc biệt hiện lên trong đầu tôi – anh Darius Marand.
Darius là một cựu chiến binh Hoa Kỳ gốc người Afghanistan. Khi nước Mỹ bị khủng bố tấn công, anh nhận lệnh trở lại quê cũ chiến đấu. Sau ba lần bị chiến thương, Darius từng bị chứng rối loạn tinh thần trầm trọng.
Tôi quen với anh Darius tại một công ty tôi làm việc trước kia. Địa điểm công ty này không nằm gần trạm metro, mà cũng không có xe buýt đi ngang. Công việc của anh Darius là giải quyết trở ngại đó cho công ty và cho những nhân viên đi làm bằng phương tiện công cộng. Buổi sáng, anh ta đưa chúng tôi từ trạm tàu điện đến văn phòng, chiều tối lại đưa chúng tôi từ văn phòng trở ra trạm tàu điện. Mỗi lần gặp anh Darius và trò chuyện là mỗi lần tôi biết được thêm một số điều đáng giá về anh ta và về những gì anh đã trải qua trước khi anh trở thành người lái xe đưa đón... nhân viên.
Một ngày kia, khi tôi hỏi thăm, “Hôm nay anh khỏe dữ không, anh bạn rà?" thì anh mỉm cười và trả lời... "Thận của tôi vẫn còn chảy máu. Nó làm tôi đau như quỷ như ma suốt cả đêm... Nhưng tôi đã trải qua vô số chuyện còn tồi tệ hơn nên không sao, tôi không phàn nàn gì cả!"
Sau đó tôi nói với anh ta: "với tất cả sự đau đớn mà anh đã trải qua bấy lâu nay, anh vẫn còn có thể mỉm cười thì coi như anh quá giỏi."
Anh ta đáp lời,
"Tôi chẳng có superman gì đâu. Chỉ là vì cười thì dễ và đơn giản hơn nhiều so với khóc. Khóc đòi hỏi nhiều thứ tham gia quá, nào là phải căng các bắp thịt trên mặt để thành mếu, nào là phải hoạt động tuyến lệ cho chảy nước mắt, rồi phải có hơi để khóc thành tiếng…"
Trả lời của anh đã làm tôi phải bật cười. Chuyện trò thường xuyên, chúng tôi dần dà trở thành bạn. Tôi quý trọng anh Darius hơn mỗi ngày. Tôi đã nhìn thấy quá nhiều người có tất cả mọi thứ để dư hài lòng hạnh phúc nhưng họ vẫn thích than thở khóc lóc... Than thở vì muốn nhiều hơn nữa, khóc lóc vì không nhìn thấy những may mắn mà họ có, và thở than khóc lóc làm bão làm giông những người xung quanh để đòi cho được những gì họ muốn!
Anh Darius nào biết tôi đã học được biết bao nhiêu thứ từ anh. Tôi nghĩ mình đã là người tích cực, luôn cố gắng tìm mặt tốt mặt đẹp của vấn đề dù cái vấn đề đó tối mịt tối mù… nhưng sự cố gắng cho ra vẻ mạnh mẽ của tôi chẳng là gì so với anh Darius, bởi tôi có nào trải qua những chuyện tàn khốc ngoài trận mạc kia để có thể biết mình có thể sống còn ra sao để mà ngồi đây ca cẩm là mình tích với cực.
Ngay sau khi máy bay bị bọn khủng bố chiếm và đâm vào Ngũ Giác Đài ở Washington DC ngày 11 tháng 9, anh Darius đã được cấp trên gọi.
"Chỉ có hai người nói ngôn ngữ ở bên đó giỏi - một người thì ở bên miền Tây nước Mỹ, và anh đây, ở miền Đông. Hai anh cần phải lại lên đường để làm thông dịch. Đất nước lại cần đến các anh!"
Trung sĩ Darius Marand là một cựu chiến binh của quân đội Hoa Kỳ - ngoài công việc và đòi hỏi của một người lính, anh còn làm thông dịch cho nhiều công vụ dài ở Afghanistan.
Một ngày nọ, đoàn xe của anh trúng phải mìn. Anh Darius đã bị thương nặng trong vụ nổ và đã phải nằm viện khá lâu để có thể trở lại lành lặn đi đứng. Tuy vậy, ngay sau khi được xuất viện, anh lại trở lại Afghanistan để tiếp tục phục vụ. Anh Darius bị thương ba lần. Sau trọng thương lần cuối, anh xuất ngũ và thật sự về nhà. Anh Darius có một căn nhà ở Arlington và bắt đầu tìm việc làm. Anh tiếp tục tận tình phục vụ cộng đồng và những người xung quanh. Anh ta đã làm tất cả các loại công việc. Hiện nay, anh làm công việc đưa đón… máu! Anh chuyên chở máu từ Hội Chữ Thập Đỏ đến các nhà thương. Rất nhiều lần, anh ta đã phải đưa máu từ Washington DC đến tận Baltimore hoặc Ocean City (2, 3, 4 tiếng lái xe một chiều) trong đêm để những ca mổ mang tính sống chết được thực hiện kịp thời.
Năm nay, như với nhiều người, là một năm với khá nhiều thử thách và trở ngại cho anh Darius, ngoài tình trạng thương tật chưa khả quan, anh đã bị vài tai nạn xe, thay đổi công việc đôi ba lần, lo âu chuyện nơi ăn chốn ở...
Dù sao, 364 ngày của cái năm cà chua này đã trôi qua. Còn một ngày cuối. Tôi mời người nhiều nghị lực, khiêm nhường và tích cực này đi ăn trưa để cùng mừng kết thúc một năm nhiều thử thách. Mười giờ sáng, tôi gửi text cho anh Darius. “Anh có chương trình gì cho hôm nay không? Nếu không thì bọn mình phải đi ăn mừng. Chúng ta đã vượt qua tất cả những khó khăn thử thách của cái năm cà chua này. Chúng ta đã đánh bại nó… và chứng minh chúng ta mạnh mẽ thế nào!"
Darius đã rất vui. Chúng tôi đi tiệm buffet Nhật Todai. Anh Darius kể thêm cho tôi nghe nhiều chuyện về gia đình, bạn bè của anh, những người bạn ở nhà thờ, những người đã giúp đỡ anh ta nhiều ra sao, và một “nhân vật” đặc biệt nữa đó là chú chó hỗ trợ, Kobe.
Khi xuất ngũ, anh Darius ở tình trạng rối loạn tinh thần do hậu quả đã sống ngoài trận mạc (tiếng Anh là Post-traumatic stress disorder, viết tắt là PTSD). Có những lúc anh ta không còn làm chủ được, không còn muốn sống, và lên cơn khủng hoảng, hoặc khi lên cơn đau nằm bẹp không có sức ngồi dậy uống thuốc,... chú chó Kobe được huấn luyện đặc biệt giúp những người bị PTSD này sẽ là bạn đồng hành, sẽ giúp anh ta bình tĩnh lại. Bác sĩ chuyên của các bệnh nhân PTSD đã cho anh chú chó Kobi khi anh xuất viện.
Anh Darius nói với tôi rằng bữa cơm trưa hôm nay là một trong những món quà cuối năm quý giá nhất mà anh đã có từ hồi nào tới giờ. Trong lúc ăn, anh ta cứ nhắc tới nhắc lui và cảm ơn hoài hoài… Nhưng thật ra, anh Darius mới là món quà đặc biệt cuối năm của tôi. Anh đã giúp tôi biết chấp nhận những điều mà tôi không có sự lựa chọn... Tôi biết cách vui vẻ gánh vác những thứ đó hơn và nhìn cuộc đời một cách mềm mại, thoải mái hơn. Cuộc sống là những chia sẻ triền miên chứ không không chỉ yêu cầu và đòi hỏi, không phải chỉ muốn nhận hơn và nhận thêm… Như anh Darius đã kể: "Cha tôi từng là một triệu phú... nhưng tiền không ở lại với mình suốt đời.”
Đúng rồi, khi chết, ai cũng biết là mình không mang theo được tiền mà chỉ tình yêu thương nếu mình đã may mắn và khôn ngoan đủ để biết cách tạo ra nó và giữ được nó trong lúc sống, thì lúc chết sẽ có gì đó ý nghĩa trong hành trang mang theo.
*
Chúc mừng năm mới, bình an, hạnh phúc đến tất cảquí vị độc giả và bạn bè xa gần của KV.
Anne Khánh Vân
No comments:
Post a Comment