Sunday, January 29, 2017

Đi đến mùa Xuân sau ngày ‘Di Cư’
Nguyên Huy - Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu
J
https://i0.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2017/01/Saigon-50nam-05.jpg?resize=595%2C420
Tôi được di cư từ Bắc vào Nam không bằng “tầu há mồm” mà trên một chuyến bay C.47, bay một lèo từ phi trường Cát Bi ở Hải Phòng tới Phi trường Tân Sơn Nhứt, Saigon.
Đó là vào một ngày trong tháng 12 năm 1954 khi miền Bắc đã vào cuối Thu đang chuyển sang mùa Đông. Trước khi được bước lên chuyến bay này, tôi đã phải ở lại Hà Nội đến hơn một tháng trời sau ngày “Việt Minh” tiếp thu miền Bắc theo Hiệp Định Geneve mới ký kết.
Trong tâm trí của một thiếu niên chưa đầy 16 tuổi đang theo học lớp đệ Tam trường Nguyễn Trãi Hà Nội, chuyện Quốc Cộng còn rất lờ mờ trong tâm trí. Nhưng trong gia đình, bố tôi và hai anh tôi đã bị Việt Minh bắt giam hàng năm trời và đã trốn thoát được vùng kháng chiến mà “dinh tê” vào Hà Nội nên tôi thường không có mấy cảm tình với Việt Minh và thường ngả theo tình cảm với Việt Nam Quốc Dân Đảng mà bố tôi cùng hai anh tôi hoạt động trong đó.
Tôi hiểu là bố mẹ đẩy tôi đi di cư trước vì sợ tôi theo Việt Minh nên đã nhờ anh Bách, anh rể tôi đang làm việc tại Tòa Thị Chính Hà Nội sắp xếp cho tôi được vào Nam trong một chuyến di cư sớm nhất nhưng phải trốn xuống xuống Hải Phòng mới đi được vì Việt Minh đã tiếp thu Hà Nội rồi.
Thế là sau hơn một tháng sống trong không khí “Hà Nội được giải phóng,” tôi phải giã từ Hà Nội. Nhưng Hà Nội trong hơn một tháng ấy không còn là Hà Nội thanh lịch của những ngày khi chưa giải phóng. Cả thành phố ngập ngụa cờ đỏ sao vàng. Cả thành phố rộn ràng trong ngơ ngác. Đêm đêm thành phố không còn an ninh. Chốc chốc lại nghe tiếng thùng sắt tây gõ loạn xạ do dân khu phố thông báo với nhau bị cướp.
Thế rồi một buổi sáng cuối Thu, tôi được anh rể tôi đưa lên chuyến xe hỏa Hà Nội-Hải Phòng theo con đường số 5. Đến ga Đỗ Xá, Hải Dương, nơi ranh giới Việt Minh và Pháp ấn định trong thỏa ước 300 ngày cho dân được di cư xuống Hải Phòng vào Nam.
Đi đến mùa Xuân sau ngày 'Di Cư'
Tầu vừa ra thoát khỏi ga sang phần đất tự do do Pháp và quân đội Quốc Gia trách nhiệm theo Hiệp Định Geneve 1954, nhiều người trên tầu mừng vui, nắm tay nhau, ôm lấy nhau trong tiếng cười la òa vỡ. Nhiều tiếng nói cất lên: “Chúng ta thoát rồi.”
Xuống tới Hải Phòng, chúng tôi phải đợi mất ba ngày mới tới lượt mình đi theo danh sách di cư. Sáu tiếng đồng hồ sau, vào lúc 1 giờ trưa ngày 23 tháng 12 năm 1954, chiếc C.47 từ từ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Cửa phi cơ mở rộng. Đoàn người di cư tay xách nách mang chen nhau ra cửa phi cơ trong trật tự im lặng nhận định miền đất mới. Ra gần đến cửa, một hơi nóng bỗng tràn vào mặt và khi bước xuống chiếc thang sắt, tôi phải vội cởi bỏ chiếc áo len trên mình để tiếp nhận cái không khí tự do trong khí hậu mùa Hè.
Qua một dẫy bàn ghi danh tên tuổi, nghề nghiệp, quê quán cũ, đoàn người được chia ra làm nhiều toán. Có toán được các linh mục đón lên những chiếc xe vận tải ngay, có toán được đưa về các lều tạm trú. Tôi, vì có người nhà đến đón nên được dồn vào toán khoảng 20 người được dẫn ra cửa phi trường sau khi được phát cho 300 đồng. Một số tiền khá lớn đối với tôi lúc ấy. Vừa đến cửa phi trường, tôi nhớ đó là một cửa bằng rào sắt thô sơ như một cổng của một trại lính, không có vẻ cổng ra vào một phi trường tí nào.
Chưa kịp quan sát chung quanh thì đã nghe tiếng gọi của chị tôi. Mới chỉ xa nhau có hơn một tháng mà sao tôi cảm thấy như được gặp lại chị sau một thời gian lâu lắm. Chị tôi nắm lấy tay tôi, cũng mừng như đón được người ở xa về và xách cho tôi chiếc va li nhỏ kéo về phía những chiếc xe xích lô ở Hà Nội nhưng to hơn nhiều. Hai chị em lên xe mà chỗ ngồi còn rộng. Chiếc xe rung lên rồi tiếng máy nổ ròn khiến tôi giật mình ngó lại phía sau.Té ra là chiếc xích lô này chạy bằng máy. Bác tài xế cười cười nhìn tôi hỏi: “Ngoài nớ độc lập rồi, dzô đây chi vậy?” Tôi chẳng hiểu gì, không biết trả lời sao thì chị tôi đã thúc khuỷu tay vào sườn tôi nói nhỏ “đừng trả lời.”
Đi đến mùa Xuân sau ngày 'Di Cư'
Chiếc xe chạy ra đường cái. Đường rộng thênh thang, xe cộ như mắc cửi, thế mà chiếc xe xích lô máy cứ chạy phom phom, luồn lách khiến chị em tôi cứ ngả nghiêng theo xe khi trái khi phải. Tôi phải bám chặt một tay vào thành xe mới không bị tròng trành.
Khoảng gần một tiếng sau, xe rẽ vào một con phố nhỏ hơn, bác tài lớn tiếng hỏi: “Đich mưt (Dixmude) nè, đầu hay cuối đường, cô Hai.”
“Dạ, bác cho đỗ ở cuối đường.”
“Tới rồi nè, đậu lại chứ sao lại là đỗ, kỳ ta!”
Xuống xe chị tôi lấy tiền trả. Cuốc xe giá 4 đồng rưỡi, chị tôi đưa cả 5 tờ giấy một đồng. Bác tài đón lấy, rút một tờ ra xé đôi đưa cho chị tôi trong nỗi ngạc nhiên của tôi. Chị tôi dắt tay tôi đi vào nhà một người anh họ sinh cơ lập nghiệp ở trong Nam từ lâu và lấy vợ miền Nam. Chị tôi cười giải thích: “Trong Nam họ xé đôi tờ một đồng để thay thế năm hào, gọi là năm cắc.”
Chưa kịp hỏi thêm gì thì gia đình ông anh họ tôi, chủ nhân một cơ sở thương mại lớn với hai căn nhà dài trên đường Dixmude (sau này là Đề Thám) đã ra cả cửa đón cậu em di cư. Bà chị dâu tôi, chợt nhìn, tôi nhớ ngay đến những hình vẽ cô gái trên bánh xà phòng Cô Ba hay trong những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, nghĩa là chị dâu tôi là “típ pich” “Nam Kỳ,” phúc hậu, xuề xòa, trung thực như tôi nghĩ. Thấp thoáng phía sau chị là một thiếu nữ trạc 14, 15 tuổi thật xinh tươi với đôi mắt đen láy chằm chằm nhìn tôi,. Chị dâu tôi bảo cô gái: “Con chào chú đi con.” Cô bé cúi đầu, môi như mím lại.
Đi đến mùa Xuân sau ngày 'Di Cư'Anh tôi đẩy hai chị em vào nhà trong, nơi một mâm cơm đầy thức ăn như một bữa cỗ ở ngoài Bắc, nói: “Thôi ăn cơm đi, rồi nghỉ sớm.”
Cơm nước xong, đã gần 9 giờ, đang sửa soạn giường chiếu đi ngủ thì có tiếng gõ cửa nhẹ. Mở cửa ra, cô cháu gái của tôi đứng ngay trước cử nói: “Chú có mệt hông, nếu không cháu đưa chú ra phố coi. Ngày mai Nô En rồi. Hàng quán ban đêm dzui lắm.”
Bà chị tôi đứng dưới sân trong nhà nói vọng lên: “Phải đó, Tâm đưa chú đi coi phố phường. Xem chú tài đã về chưa, nếu chưa thì lấy xe nhà mà đi.”
“Thôi để tụi con đi taxi nghe má.”
Cô cháu Tâm trả lời mẹ, thuần giọng miền Nam làm tôi thích thú, nhất là thấy cháu coi tôi như đồng lứa khi xưng “tụi con.”
Hai chú cháu ra cửa, vừa có chiếc xe ô tô nhỏ sơn hai mầu xanh vàng đậu lại. Tài xế ngó đầu ra hỏi, “Có đi không.” Cháu Tâm gật đầu, bước xuống đường mở cửa sau, đẩy tôi vào.
Yên tâm là xe nhà nên tôi hỏi xã giao bác tài, “Mấy giờ bác mới về nghỉ.”
Vẫn chăm chú lái xe, bác tài nói: “Lóng rầy, Tết nhất, có khách là tôi chạy thâu đêm.”
Tôi chưa hiểu ý bác tài thì cháu Tâm rất thông minh đã giải thích cho tôi: “Không phải xe nhà đâu chú. Đây là xe tắc xi.”
Đi đến mùa Xuân sau ngày 'Di Cư'Tôi hơi ngượng ngùng nhưng vẫn cứ hỏi, “Tắc xi là xe gì?”
“A, để cháu giải thích nhe. Ở ngoài Bắc không có tắc xi. Trong Nam mà chỉ ở Sài Gòn mới có tắc xi. Ai muốn đi cũng được nhưng khi đã lên xe rồi dù chỉ đi có 100 mét cũng phải trả 6 đồng. Nếu đi một cuốc dài ngắn thì tính theo đồng hồ chỉ giá tiền trên xe, chú cứ việc móc tiền ra trả khỏi trả giá gì hết trọi.”
Tôi thầm nghĩ “sướng thật được đi xe hơi mà chỉ cần có 6 đồng thôi.”
Xe chạy vào con đường chính rộng thênh thang. Ngồi trong xe tôi thấy đường chia làm ba phần, phần giữa rất rộng, hai bên nhỏ hơn. Hình như đường ở giữa chỉ có xe hơi chạy. Các loại xe khác chạy trong hai con đường nhỏ hai bên. Trên hè phố suốt một dọc dài, đèn như sao sa, người đi lại tấp nập, tấp nập đông đúc, rộn ràng hơn phố Hàng Ngang, Hàng Đào vào những ngày trước Tết. Cháu tôi giải thích: “Đây là đường Bonard đó chú. Đường này từ trước Nô En một tháng kéo dài tới Tết Nguyên Đán, dân được tự do bầy bán đủ mặt hàng, nhiều nhất là hàng để mừng Lễ Noen như Thiệp Nô En, đồ trang trí Nô En, cây Nô En và cả hàng quần áo giầy dép nữa. Mua ở đây không rẻ, có khi còn mắc hơn trong tiệm đó chú.”
Xe rẽ vào một con đường nhỏ hơn, thoáng chốc tôi tưởng như đi vào phố hàng Khay (phố Tây) Hà Nội có cửa hiệu Grand Magazin giống như dẫy nhà trước mắt tôi bây giờ, thấy đề là Continantal. Con đường này ngắn. Ở cuối đường sừng sững một nhà thờ lớn treo đèn kết hoa rực rỡ suốt từ mái cao đến tận đất. Cháu tôi lại cho biết: “Đêm mai ở đây sẽ đông chật người, không có chỗ len chân. Người ta đi xem người có đạo đi dự lễ Nửa Đêm Chúa Sinh Ra Đời để sau đó kéo về nhà bà con có đạo cho đến tận sáng.”
Nghe cháu giải thích, tôi không thể không nhớ đến những đêm Nô En ở Hà Nội, nơi Nhà Thờ Lớn, phố Ngõ Huyện gần phố Hàng Trống. Cũng cả rừng người tụ họp trước nhà thờ vào đêm Chúa Giáng Sinh, nhưng hầu hết là người có đạo. Không biết năm nay cảnh cũ có còn không.
Thế rồi sau những ngày ngỡ ngàng với những câu hỏi không mấy thiện cảm của người bình dân miền Nam “ngoài đó độc lập rồi dzô đây làm chi” hay “thằng này Bắc Kỳ, uýnh chết cha nó đi” khi tôi lái chiếc mobylette của ông anh họ lỡ đụng vào cảng sau một chiếc tắc xi tại “bùng binh” Ngã Bẩy, bị ba người lái tắc xi dừng lại đe dọa.
Đi đến mùa Xuân sau ngày 'Di Cư'Tôi dần hòa nhập được vào cuộc sống miền Nam, quen thuộc với những trưa hè oi bức thấy các bác xích lô đạp ghếch xe lên lề dưới những tàng cây bên đường, che mặt bằng một tờ báo, nằm ngủ trưa êm đềm trên chiếc xích lô của mình, ai gọi cũng không đi khách. Cho mãi tới 2 giờ chiều mới bật dậy đạp xe đi kiếm khách. Cuộc sống thật thoải mái dễ thương.
Những cô gái Sài Gòn nữa chứ, đi học ở Đông Tây Học Đường hay Gia Long thì cứ áo bà ba trắng hay mầu, quần “sa ten” ống rộng thùng thình, đi đôi guốc mộc lẹp kẹp, líu lo với những tràng câu nói “hết trơn hết trọi,” “đi đâu mất tiêu,” “hổng biết,” “kỳ quá ta,” “hổm rầy”… đã làm cậu thanh niên 17 tuổi ngẩn ngơ lắng nghe, nhìn ngắm.
Cái Tết đầu tiên nơi “Hòn Ngọc Viễn Đông” đã làm cho tôi ra khỏi những ngỡ ngàng, lề thói “Bắc Kỳ” của “Hà Nội Ngàn Năm Văn Vật.” Buổi sáng Mùng Một tôi cũng tung tăng ra đường cùng bạn bè hòa chung vào dòng người tấp nập trên mọi ngả đường. Người miền Nam hình như không coi ngày Mùng Một là ngày thiêng liêng, chọn giờ tốt khởi hành, giữ gìn từng lời ăn tiếng nói, bắt con cháu kiêng cữ từng cử chỉ, lời nói. Mà ngày Mùng Một Tết, mọi người đổ ra đường vui chung với nhau.
Cũng chúc Tết nhưng trong những câu chúc là “mạnh giỏi” đi đầu sau mới đến “phát tài, sai lộc, con đàn cháu đống.” Người miền Nam coi ngày Mùng Một như một ngày tỏ lộ ân tình với gia đình, bạn hữu qua những bàn nhậu “dzô dzô” ồn ào vang vang các xóm hẻm.
Nét đẹp ngày Tết của người Nam cũng là những bàn xóc đĩa, bầu cua cá cọp đầy rẫy các hẻm xóm lao động trong đó người lớn trẻ em thi nhau tìm vận “hên” đầu năm. Người ta đánh bạc là để cầu may, không trúng cũng vui vẻ ra về, tiếp tục đi du Xuân, lễ chùa, hái lộc đến độ các chùa miễu lớn nhỏ trong thành phố sau Tết là cây to cây bé trước sân chùa đều trụi lá non.
Đến chiều Mùng Một Tết thì không rạp hát nào còn chỗ. Người đi xem xếp hàng dài chờ xuất chiếu sau. Vào thời gian này, một vài rạp lớn có sáng kiến tổ chức thêm phần ca nhạc trước khi vào phim chính.
Đó là sự khởi đầu của các sân khấu ca nhạc sau này đã là một món ăn tinh thần quí giá trong thời chiến chinh khói lửa. Nó đã là nguyên nhân cho sự phát sinh  các nhạc phẩm để đời đến tận ngày nay. Nó cũng là yếu tố để giới ca nhạc sĩ phát triển lớn mạnh để nền ca nhạc miền Nam trở thành “ông khổng lồ” so với nền ca nhạc miền Bắc du nhập vào sau tháng 4 năm 1975.
Lớp tuổi thanh niên thời ấy sau cuộc di cư vĩ đại của dân miền Bắc, hình như được lớn thêm lên, sớm bỏ được tuổi ấu thơ nhìn đời bình bình như nhìn một mặt phẳng. Họ sớm có được ý thức chính trị, sớm nhận ra được cuộc sống qua xã hội trầm lặng, kiêu kỳ ở miền Bắc để gom sức phát triển cuộc sống năng nổ, tích cực, trẻ trung, sung mãn ở miền Nam.
Họ hẹn nhau trong những quân trường Thủ Đức, Đà Lạt, Đồng Đế, Không Quân, Hải Quân Nha Trang, để cùng chính quyền vừa giành được từ thực dân Pháp, xây dựng nên nền Cộng Hòa tự do no ấm cho người dân miền Nam qua những năm sau đó mà những cái Tết mỗi năm mỗi sung túc hơn, hạnh phúc. hơn và chan hòa tình nghĩa hơn.
 

No comments:

Blog Archive