Tuesday, January 31, 2017

Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu




Mẹ của Huyền sinh năm Tân Dậu 1921. Khi hai mươi bốn tuổi, Mẹ làm công việc nặng nhọc, vấp ngã khiến Huyền ra đời sớm gần hai tháng. Ngày còn bé, mỗi lần sinh nhật của Huyền, Mẹ vẫn thường nói: "Cô bé này vội bò ra sớm quá nên nhỏ xíu như cái lon sữa guigoz. Đã thế lại còn sinh đúng vào tháng ba năm Ất Dậu, lúc hằng triệu người miền Bắc chết đói đầy rẫy ngoài đường. Cầu mong cho con được tiền hung hậu kiết."

Huyền chẳng hiểu tiền hung hậu kiết là gì nhưng cũng mơ hồ đoán là số mình lúc nhỏ vất vả, lớn lên sẽ được sung sướng.

Huyền ra đời vào lúc nạn đói lên đến tột đỉnh. Cả miền Bắc không có đủ gạo ăn, mẹ Huyền một mình tần tảo buôn gánh bán bưng nuôi bốn đứa con dại trong khi chồng đi theo kháng chiến. Mặc dù Mẹ làm việc cật lực, gia đình vẫn bữa đói bữa no, riêng Huyền là con bé nhỏ nhất được ưu tiên mà phần lớn cũng chỉ được ăn cháo với muối.

Thảm họa nạn đói năm Ất Dậu xảy ra từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, nhức nhối trong ký ức của người Việt Nam. Khan hiếm gạo từ miền quê đã lan đến các thành thị và luôn cả thủ đô Hà Nội nơi Huyền sinh ra. Trong khi trời rét căm căm, thiên tai và mất mùa vì côn trùng phá hoại ở nhiều tỉnh miền Bắc gây khốn khổ cho người dân nghèo thì thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng nhau vơ vét thóc gạo để nuôi chiến tranh và làm nguyên liệu cho người Pháp nấu rượu cũng như dùng thóc đốt lò thay cho than đá. Họ lại còn bắt người dân phá ruộng ngô, lúa trồng đay, trồng lạc. Hàng chục nghìn mẫu ngô bị phá, hàng triệu tấn thóc bị thu vét. 

Không có gạo, người dân đã ăn rau dại, củ chuối, vỏ cây; dân chài ăn rong biển, cá chết và người ta phải giết cả trâu bò, chó mèo lấy thịt. Không còn gì ăn thì họ đi cướp bóc hoặc ngồi chờ chết. Có làng hàng nghìn gia đình chết cả nhà, có giòng họ chỉ còn vài người sống sót.

Mẹ Huyền kể rằng nhiều khi sáng dậy mở cửa ra là thấy những thân xác gầy đét loạng choạng bước, người đi không nổi vịn vào kẻ khác. Đầu đường có người thoi thóp rên xiết bên những thây bất động. Ôi thành phố nặc mùi tử khí!

Hằng ngày xác người chết đói nằm ngổn ngang đầy đường, được chất lên xe bò đem đi hất xuống hố, tổn thất nhân mạng lên tới hàng triệu người.

Thiếu thốn đến độ từ lúc sinh ra, chẳng mấy khi Huyền được uống sữa bò. Mẹ thì lúc nào cũng vất vả buôn bán kiếm tiền, tất tả ngược xuôi lúc ban đêm để tránh máy bay của Pháp. Bích, chị lớn nhất, là người săn sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho Huyền. Không có sữa nên phải cho Huyền ăn cơm nhai. Anh Tiên kể rằng cơm gạo, thức ăn hiếm hoi đến nỗi chị Bích lúc ấy mới khoảng 8 tuổi, còn là một đứa con nít đang sức lớn nên lúc nào cũng đói và thèm ăn mà phải nhai cơm, bón cho Huyền. Trong lúc nhai cơm, anh Tiên thấy rõ rằng chị Bích thèm ăn đến độ chỉ chực nuốt miếng cơm xuống nhưng nhìn thấy Huyền, đứa em bé bỏng đang đói há miệng chờ, lại phải nhè ra đút vào miệng em. Nghe kể như vậy, Huyền thương chị đến ràn rụa nước mắt và tự hứa với mình là lớn lên sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng chị Bích suốt đời như một người mẹ thứ hai và Huyền đã thực hiện được tâm nguyện đó. Nhờ tình thương yêu của gia đình, nhất là chị Bích và những giọt nước cơm sánh đặc, Huyền đã lớn và tròn như hột mít.   

Vài năm sau ba Huyền bỏ vùng kháng chiến trở về và may mắn tìm được việc làm cho chính phủ nên đời sống tương đối dễ dàng hơn. Những ngày tháng bình yên trôi qua chẳng được bao lâu thì biến cố Hiệp Định Đình Chiến Genève 1954 xảy ra khiến cả triệu người miền Bắc bỏ xứ di cư vào Nam bằng máy bay và tàu thủy của Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ba Lan... Thêm vào đó, còn có hàng trăm nghìn người tìm tự do bằng đường bộ hoặc ghe thuyền và phương tiện riêng.

Sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa thu năm 1954, gió heo may lành lạnh thổi những chiếc lá vàng là đà trên mặt đất khô hanh, làm tan nát lòng kẻ ly hương. Phi trường ồn ào như ong vỡ tổ, tiếng gọi nhau ơi ới, chồng tìm vợ, mẹ kiếm con, xô đẩy, chen lấn nhau. Gia đình Huyền cùng một số người khác bồng bế nhau leo lên chiếc phi cơ Dakota của Pháp. Ngồi trong máy bay nhìn xuống phi trường Gia Lâm, Hà Nội mà lòng buồn rười rượi, Huyền chưa đủ lớn để cảm được nỗi đau lòng sắp phải xa chốn mình sinh ra và lớn lên, nhưng buồn vì thấy Mẹ mấy ngày nay cứ đi ra đi vào một cách vô hồn, rồi sụt sùi quệt nước mắt gói ghém quần áo để đem theo, mỗi người một cái tay nải nhỏ, hành trang bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi chỉ có thế! Ngồi trong lòng Mẹ, thỉnh thoảng nghe tiếng nấc nhè nhẹ, Mẹ ôm chặt lấy Huyền như thể sợ Huyền cũng sẽ vuột mất khỏi tầm tay người như những gì thân yêu nhất đã phải bỏ lại. Huyền biết Mẹ đang khóc, Huyền cảm nhận được từng hơi thở run rẩy của người. Hình ảnh đó theo Huyền suốt cuộc đời. Huyền thiếp đi trong lòng Mẹ cho đến khi những tiếng nhốn nháo nổi lên trong máy bay làm bừng tỉnh. 

Saigon chào đón đoàn dân di cư bằng cơn nắng vàng tươi. Saigon đẹp quá, nhộn nhịp, tấp nập với những căn nhà đồ sộ, xe cộ dập dìu, không giống một tí gì như trí tưởng tượng non nớt của Huyền đã vẽ ra. Saigon như một cô con gái nhà giàu, đẹp lộng lẫy và kiêu sa, khác hẳn với Hà Nội của Huyền, một cô bé nhu mì, dịu hiền mà duyên dáng. Mọi người trong xe đều dán mắt vào cửa kính để nhìn ra bên ngoài, chiêm ngưỡng một thành phố lạ, tưng bừng, náo nhiệt, quên mất những lo âu trong lòng về một tương lai vô định. Đa số họ là những người chưa từng vượt khỏi nơi mình sinh ra cho đến ngày hôm nay. 

Từ khi vào thành phố, một luồng khí mới như đã thổi vào trong xe, những khuôn mặt ưu tư biến mất, thay vào đó là sự hân hoan, hăm hở như thể mọi người đều sẵn sàng hòa nhập vào cuộc sống mới phồn vinh, ồn ào ngoài kia, nhất là đám con nít. Huyền ngước nhìn Mẹ, thấy một nụ cười rạng rỡ và hai giọt nước mắt âm thầm lăn trên má, Mẹ ôm và hôn lên tóc Huyền. Huyền vẫn không hiểu tại sao Mẹ khóc. Người bóp tay Huyền thật chặt, nhưng Huyền không dám rút ra. Cảm giác đó Huyền vẫn còn ôm ấp trong tim cho đến bây giờ.

Cũng như những gia đình công chức khác, sau khi được chính phủ phân bổ đi khắp nơi, gia đình Huyền lại một lần nữa khăn gói đi định cư tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Suốt mấy tháng đầu, hằng đêm Mẹ ngồi dưới ánh đèn dầu tù mù dở xem những tấm hình đã nhầu nát, khóc rưng rức nhớ làng xưa, xóm cũ với bà con nội ngoại. Lâu dần bận rộn chăn đàn con chín đứa, Mẹ cũng nguôi ngoai.

Nơi đây, Huyền lớn lên, đi học, đi làm, rồi lập gia đình.  Lúc 24 tuổi, Huyền sinh đứa con thứ hai năm Kỷ Dậu 1969, đặt tên Duyên. Mẹ bảo Huyền: "Con bé Duyên ra đời lúc xẩm tối, giờ gà lên chuồng nghỉ ngơi, số nó sẽ thảnh thơi, nhàn hạ; không phải như con, sinh ra lúc tảng sáng là khi gà đi kiếm ăn, nên số con lúc nào cũng phải tay làm hàm nhai!" Huyền tự an ủi: "Có làm mà có nhai là tốt rồi mẹ ạ!"

Dù có ba đứa con và chồng làm công chức chánh ngạch, Huyền vẫn đi làm để nuôi hai đứa em của mình và hai đứa cháu của chồng theo đại học. Sự thành công trên đường học vấn của các em và cháu là một phần thưởng lớn lao cho Huyền.

Duyên sinh ra và lớn lên trong sự nuông chiều, hạnh phúc của đại gia đình. Tháng 3 năm 1975, làn sóng người hoảng loạn chạy thục mạng từ các tỉnh miền Trung vào Nam đã khiến mọi người hoang mang, mất niềm tin và đứng ngồi không yên. Trong khi bao người xôn xao, vội vã tìm đường ra khỏi Việt Nam bất chấp hiểm nguy, Liêm chồng của Huyền vì tự ái và lương tâm của một nhân viên chính phủ, quyết định ở lại mặc dù Huyền đã được sở làm thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cho phép cả gia đình di tản sang Mỹ. Cái đêm định mệnh hôm ấy, khi tưởng là các con đã ngủ say, Liêm bảo vợ: "Từ nay trở đi, vợ chồng và ba đứa con ngủ chung một phòng, nếu có chết thì cả gia đình cùng chết chung." Bỗng nhiên Duyên, đứa con gái tuổi Kỷ Dậu khóc hét lên: "Ba má ơi, con sợ lắm, ba má đừng bắt con chết".  Lời cầu xin đứt ruột này làm động lòng Liêm và hai vợ chồng làm một quyết định đau lòng là bỏ nước ra đi. 

Huyền còn nhớ rất rõ, chiều ngày 26 tháng 4 năm 1975, họ cho Huyền hai tiếng đồng hồ để gói ghém chỉ một kí lô hành lý cho mỗi người mang theo. Cũng như Mẹ khi xưa, Huyền thẫn thờ đi ra đi vào như một cái xác không hồn và nước mắt đầm đìa. Làm sao Huyền có thể gói gọn những gì vợ chồng Huyền làm lụng vất vả và dành dụm trong gần mười năm qua vào túi nặng 5 kí lô đây? Cả một quê hương yêu dấu còn phải bỏ lại thì sá gì những món đồ vô nghĩa kia? Huyền chỉ xếp vào túi cho mỗi người một bộ quần áo và mấy quyển album đựng hình ảnh của gia đình vì Huyền biết rằng những báu vật này không thể nào có lại được nữa, hành trang lìa bỏ đất nước thân yêu ra đi chỉ có thế!

Chẳng mấy chốc đã tới giờ hẹn, gia đình Huyền đến phi trường Tân Sơn Nhất chờ đợi trong bàng hoàng, hoảng loạn và đau đớn. Bàng hoàng, hoảng loạn vì không biết mình có may mắn thoát được cơn hồng thủy này không và nếu thoát được thì lại đứt ruột vì phải đành đoạn bỏ quê hương, xa bà con ruột thịt và bạn bè. 

Phi trường thật là náo nhiệt và hỗn độn. Con nít bò lăn bò càng, chạy huỳnh huỵch đuổi nhau ầm ĩ. Người ta nằm, ngồi la liệt, người kê đầu trên vali, kẻ tựa lưng vào tường, hoặc nằm dưới đất, ai trông cũng lo lắng và mệt mỏi, bơ phờ.

Đâu đây nghe tiếng khóc lóc, thầm thì những lời bàn tán, dặn dò, nhắn nhủ. Nét ưu tư hoảng sợ lộ trên nét mặt. Bỗng có tiếng ồn ào khiến mọi người chồm dậy ngơ ngác nhìn thấy một viên cảnh sát đang rảo mắt nhìn quanh, ai nấy đều sợ sệt nhất là những công chức và thanh niên trong tuổi đi lính. Khi biết người ấy đến tìm thân nhân để chào tiễn biệt thì mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Ở phi trường suốt hai đêm một ngày trong thấp thỏm, hồi hộp, thân thể rã rời chờ được gọi tên mình. Sáu giờ sáng hôm sau, khi gia đình Huyền bước chân lên máy bay Quân Đội Hoa Kỳ chỉ kịp thấy sau lưng một xe Quân Cảnh Việt Nam trờ tới nói mấy câu gì nghe không rõ, người quân nhân Mỹ xua tay và đóng cửa máy bay lại. Lúc sau anh ta giải thích là người Quân Cảnh đòi khám xét nhưng anh ta từ chối, bảo rằng "những người này đã trèo lên bực máy bay này là đã ở trên tài sản và lãnh thổ của Hoa Kỳ". Anh đã mỉm cười nghe và thấy ánh mắt biết ơn của chúng tôi. Khi phi cơ vừa cất cánh, mọi người Việt Nam trong máy bay với cõi lòng tan nát đều khóc òa lên vì nghĩ rằng lần bỏ nước ra đi này là một chuyến đi vĩnh viễn không có ngày trở lại. Chẳng ai bảo ai, mọi người đồng loạt cất tiếng hát bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa trong nghẹn ngào cho đến khi khản tiếng.

Đây là một trong vài chuyến bay sau cùng rời Saigon hôm ấy. Nếu Duyên không khóc lóc năn nỉ thì cả nhà Huyền đã ở lại và nếu chuyện ấy xảy ra trễ một ngày thì gia đình Huyền đã không còn cơ hội để ra đi.

Sự xúc động của Mẹ ngày ấy, bây giờ Huyền đã cảm nhận được một cách trọn vẹn khi hiện tại, chính Huyền cũng là một người mẹ phải bỏ nước ra đi vào ngày đau buồn 30 tháng 4. Lịch sử là một sự lập lại như ai đó đã từng nói, Huyền bây giờ là hình ảnh của Mẹ "năm 54".

Một khoảng cách 21 năm, hai đời người, hai không gian khác nhau,  nhưng Mẹ và Huyền, hai người đàn bà trẻ cùng sanh năm Dậu, ở tuổi 30 đã có chung một cảm xúc và một mối thương lòng phải xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn! Cuộc chia ly nào mà không đẫm nước mắt đớn đau!

Bây giờ Huyền đã hiểu vì sao Mẹ khóc, có những giọt nước mắt cho thương đau và có những giọt nước mắt cho hân hoan vì đã trút được bao nỗi lo lắng trong lòng.

Khi đặt chân vào trại tỵ nạn Fort Chaffee ở Arkansas giữa tháng 5 năm 1975, Huyền đã may mắn được một người Mỹ tốt bụng làm trong trại giúp tìm ra được Carol Steele, người xếp cũ ở Saigon. Ngày thứ sáu, 13 tháng sáu, được Carol và John bảo lãnh ra định cư ở tiểu bang Virginia. Vợ chồng nhà bảo trợ đã hết lòng lo cho gia đình Huyền vượt qua bước đầu bỡ ngỡ, khó khăn và họ đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của gia đình Huyền. Thỉnh thoảng hai gia đình vẫn gặp nhau làm mối thâm tình càng ngày càng keo sơn.

Ba năm sau, gia đình Huyền cùng một số bạn bè dọn từ Virginia giá lạnh về San Jose, thung lũng hoa vàng, nắng ấm của tiểu bang California. Nơi đây hai vợ chồng có việc làm tốt và ba đứa con ăn học nên người. 

Thật đúng như lời Mẹ đã nói, dù Huyền đã may mắn được ông Trời và nước Mỹ cho nhiều cơ hội tiến thân nhưng lúc nào Huyền cũng cố gắng vượt bực để hoàn tất nhiệm vụ và Huyền rất hãnh diện với những thành quả đạt được trên con đường sự nghiệp của mình.

Huyền luôn cám ơn ông Trời đã cho Huyền một gia đình hạnh phúc với ba đứa con ngoan, cám ơn gia đình bảo trợ đã giúp đỡ tận tình với tất cả lòng nhân ái và cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang và cho cơ hội để gia đình Huyền trở thành những người công dân tốt. 

Sau hơn ba chục năm làm việc miệt mài tận tụy trong các hãng xưởng trên đất Mỹ, hai vợ chồng đã về hưu để có thì giờ cho các con và bốn đứa cháu ngoại.

Duyên, con gà Kỷ Dậu, nhờ giống bác Bích, chị của Huyền, nên càng lớn càng đẹp mặn mà và duyên dáng. Sau khi học xong và đi làm một thời gian, Duyên lập gia đình với Sanh khiến bao nhiêu chàng trai từng đeo đuổi thất vọng. Chồng của Duyên đã cùng bốn người bạn thân, lập một công ty sản xuất những món hàng dùng cho an ninh, quốc phòng và rất thành công. Ngày có thai đứa con đầu lòng, Duyên nghỉ việc để chờ đón thành viên mới ra đời. Hai vợ chồng sống hạnh phúc với hai đứa con, một gái, một trai.  Duyên ở nhà chăm sóc chồng con và một mảnh vườn rau trái sau nhà với một cuộc sống yên ổn và nhàn hạ đúng như lời Mẹ Huyền đoán. 

Khi cùng gia đình bỏ chạy qua Mỹ, Duyên chỉ mới 6 tuổi, còn quá nhỏ nên chưa cảm nhận được nỗi oan khiên của sự mất mát, chia ly. Hy vọng là trong suốt cuộc đời, Duyên không bao giờ phải trải qua những kinh nghiệm đau thương như Mẹ và Bà Ngoại.

Duyên năm nay đã 47, qua cái tuổi ba mươi mấy mà Mẹ và Bà Ngoại đã phải đứt ruột rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi. Duyên đang sống ở một quốc gia tự do, hùng cường, thịnh vượng nhất thế giới, nhưng quan trọng hơn cả, đây là một nơi mà quyền làm người được tôn trọng, một nơi an bình và đầy lòng nhân ái.

Lê Nguyễn Hằng
Xuân Chiến Địa

Hồ Đinh



“Chợt nhớ Xuân nào trên chiến địa,
Tao mày hiu hắt đón Xuân chơi.
Một thằng Bộ Binh đời như bỏ.
Một đứa Nhảy Dù cũng tả tơi...”

Bốn câu thơ cũ, mới đó mà đã mấy mươi mùa thương nhớ, càng khiến cho người lính già thêm trơ trọi lạc lõng, giữ những tối ba mươi lạnh lẽo nơi chốn quê người... Trong quán khách bên đường, ta một mình sóng đôi với ngọn đèn hiu hắt, qua đêm lại một năm buồn. Rượu chưa nhắp mà môi dã muốn cay sè, ngoài trời con chim kỷ niệm vẫn như thiết tha giục giã dù khói lửa đã ngưng trên chiến địa, bạn bè cũng không còn quan hà cạn chén ly bôi, sau những tiếng tỳ bà nhặt khoan nức nỡ.

Tan tác, chia xa giờ đây chúng ta đang lang thang như mây chiều, sau những năm tháng đã dốc ngược đời mình cho quê hương. Lính là thế đó, buồn nhiều vui ít với một chút nhun nhén tình cờ bắt gặp trên các nẽo đường hành quân vô định, qua dăm ba ngày Tết dưỡng quân hay canh giặc chốn tiền đồn lẽ loi ngoài quan tái.

Ai đã từng là lính mới cảm thông cho lính, sống thật cô đơn lếch thếch và chết cũng rất hiu hắt ngậm ngùi. Thời gian và không gian đời lính cũng chẳng qua chỉ là một cái mốc vô tình để biết ta hiện hửu. Nhưng thôi tiếc làm gì ai biểu chúng ta sinh ra làm trai hùng đất Việt? nên phải chấp nhận kiếp lính “ ôm yên gối trống đã chồn, nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh “ để rồi thui thủi “ đêm từng đêm ngó mông lung, ôm cây súng lạnh hát rừng mà nghe “..

Gần mười hai năm lính, Tết nào cũng Tết tha hương, Xuân nào cũng Xuân chiến địa. Ðêm trừ tịch giữa tối ba mươi cái khoảnh khắc “ năm cũ sắp tàn”, khi mà mọi nhà chặt then kín cửa, để sửa soạn đón giao thừa trong niềm hạnh phúc của gia đình, thì lính cũng đón chào năm mới trong chiếc hầm trốn đạn hay mái chòi canh giặc đen tối lạnh băng. Nhớ từ đâu bổng kéo tới, vây kín cái không gian nhỏ hẹp này. Ngoài trời mưa Xuân đến sớm nhưng sao buốt lạnh quá chừng, khiến cho ta thêm buồn rầu trong bóng tối một tết tha hương. Dường như có ai đang hát ru một khúc tình ca của lính, nhắp một chút men nồng để thấy lại ngày xưa, để ta dìu ta trở về những mùa Xuân cũ nơi chiến địa, những Tết không bao giờ quên được trong cuộc đời.

- TẾT LÍNH ÐẦU TIÊN TRÊN RỪNG NÚI MIỀN TÂY BẮC BÌNH THUẬN:

Ma Lâm xưa nay vẫn là cửa ngỏ để vào vùng tây bắc Bình Thuận hùng vĩ và đầy huyền thoại. Ma Lâm là thủ phủ của quận Thiện Giáo, nằm giữa châu thổ phì nhiêu của con sông Cả (Quao), phát nguyên tại Di Linh và ra biển Ðông tại cửa Phú Hài, có Quốc lộ 12 hay còn gọi là Liên tỉnh lộ 8 hoàn thành ngày 1-10-1914, từ Phan Thiết đi Di Linh chạy ngang qua.

Ðây là biên địa cuói cùng của Vương quốc Chiêm Thành trước vào năm 1693, nên có nhiều người Chàm và Thượng Ba Phủ, sống tại các xã Ma Lâm Chàm, Phú Nhiêu, Sông Trao, Trịnh Hòa, Tịnh Mỹ. Nhiều địa danh như Rừng Ðú, Mang Tố, Làng Chão, Vũng Dao... và các câu chuyện xưa về người Chàm, trên mảnh đất Bình Thuận, theo thời gian tan biến vào cát bụi nay chỉ còn là huyền thoại của một thời vang bóng. Cũng vì địa thế hiểm trở, chinh chiến triền miên nên Quốc lộ gần như bị bỏ hoang, cũng như hầu hết miền Tây bắc bị quên lãng, để mặc cho người Thượng tha hồ đốt rừng bừa bãi làm rẫy, dù vùng này nếu ruộng đất được khai thác, cũng đủ cung ứng nhu cầu lúa gạo cho nhiều người trong tỉnh.

Đầu năm 1964 gần tết Nguyên Đán, chúng tôi gồm mười lăm đứa mãn khóa, từ Sài Gòn bổ sung cho Trung Ðoàn 43 biệt lập, lúc đó do Thiếu Tá Võ văn Cảnh (sau lên Chuẩn tướng là tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh năm 1972), làm Trung Ðoàn Trưởng kiêm Biệt Khu Trương Biệt Khu Bình Lâm, trách nhiệm ba tỉnh Bình Tuy-Bình Thuận-Lâm Ðồng. Bộ chỉ huy Trung đoàn đóng tại quận Di Linh với Ðại đội trọng pháo của Ðại Uý Ngô Tất Tống và Tiểu đoàn 3/43 của Đại Úy Uý Công. Riêng Tiểu Đoàn 1/43 của Ðại Uý Ngô văn Diệp (tử trận năm 1965 tại Trảng Bàng) và Tiểu Đàn 2/43 của Ðại Uý Hai, lúc đó đồn trú tại Phan Thiết.

Ngày đầu tiên về đơn vị cũng là ngày cuối năm, nên khi xe lủa tới Ðà Lạt, nhằm lúc thiên hạ đang rộn rịp chuẩn bị đón giao thừa. Cao nguyên Lâm Viên mùa Tết, nên trời rét căm căm. Chúng tôi hầu hết đều là dân xứ biển và miền Nam, nên chịu không thấu với cái lạnh miền núi cắt da tím thịt trong bộ đồ trận mỏng manh, qua đêm đầu tiên tại nhà vãng lai của Tiểu Khu Tuyên Ðức.

Viết sao cho hết nổi buồn rầu của bọn lính mớ xa nhà trong đêm Tết? dù đêm Xuân Ðà Lạt thật tuyệt vời, khiến ta cứ ngở như mình đang lạc lối đào nguyên, giữa hoa và người đẹp, cả hai sắc hương đường như cùng với mây trời ngạt ngào trong sương giá. Ðà Lạt đêm Xuân thú vui không kể xiết, khắp phường phố thiên hạ quần áo là lượt hạnh phúc, gắn bó từng cặp, từng đôi trong muôn màu đam mê rực rỡ nhưng với bọn lính mới đầu đời, Ðà Lạt lại vô tình hờ hững. Bởi vậy cả bọn đều mong mau sáng để sớm trả lại cái thiên đường hạnh phúc mà trời trót dành cho những giai nhân tài tử.

Rồi thì chia tay, dăm đứa gọi là kém may mắn khi về Tiểu Đoàn 3/43 gần mặt trời. Số còn lại bổ sung cho Tiểu Đoàn 1 và 2/43. Một cuộc hành quân mở ra vào ngày mùng ba Tết Nguyên Đán, mục đích khai thông Quốc Lộ 12 đưa lính mới và Quân trang Quân dụng bổ sung cho hai đơn vị tại Bình Thuận. Nhờ vậy mới có dịp hưởng được một cái Tết núi rừng vui nhộn với người Koho, quanh bếp lửa hồng.

Bộ tộc Koho sống đông đảo tại Cao Nguyên Nam Trung Phần, có nguồn gốc pha trộn từ nhiều sắc dân Chàm, Mã Lai, Chà Và, Chân Lạp... gồm các bộ lạc Churu, Noang, Sre, Maa, Sil, Toa, Queyong, Lat, Nop, Kodiong, Nam.. chủ yếu sống tại các tỉnh Quảng Ðức, Tuyên Ðức, Lâm Ðồng,Bình Thuận, Bình Tuy và Long Khánh. Ðược vui Tết với người Koho là một thích thú tột cùng, vì ngoài việc được ăn uống tự do, còn hưởng được tình người qua cử chỉ, một hành động đối với người Việt trong thời chinh chiến, hầu như đã mất mát hay nếu còn cũng chẳng qua sự giả tạo, lớp son phấn hào nhoáng bên ngoài.

Vì lộ trình bị bỏ hoang lâu ngày không được sửa chữa và xử dụng nên khắp nơi đầy ổ voi ổ gà. Thêm vào đó là nhiều đèo cao với vô số khúc quanh co lên trời, xuóng lủng, do đó đoàn xe di chuyển rất chậm vì phải mở đường và tu bổ quan lộ, nên đêm đó phải đóng quân và cũng là dịp ngàn năm một thuở được chủ làng trong buôn Koho, tai thung lũng Klonodium sát Quốc lộ mời ăn Tết.

Lễ hội theo truyền thống được tổ chức giữa sân nhà Hội Ðồng. Tất cả đều là sự đóng góp chung từ củi đốt, trâu bò tới rượu cần. Quang cảnh đêm Tết thật hấp dẫn với đống củi cao như núi đủ rực sáng suốt đêm, mấy trăm hủ rượu cần và ba con trâu cột sẵn quanh các hàng cột được chạm trổ. Khắp nơi còn có những cây phướng, nêu và cờ xí càng tăng thêm nét đẹp và trang nghiêm trong ngày Tết.

Rồi khi ráng chiều vừa khuất sau rặng Núi Bà cao đen thăm thẳm đầy huyền bí, cũng là lúc chiêng trống nơi nhà Hội Ðồng trổi dậy, thúc dục dồn dập như tiếng trống trận xua quân, kêu gọi mọi người trong Buôn tề tựu nơi bếp lửa hồng vừa cất cao ngọn. Tiếng lửa lách tách nổ vui tai, cộng với tiếng người chuyện trò huyên náo. Nam nử, già trẻ vui Tết ăn mặc quần áo đẹp và mới nhất của họ, dù chỉ là thứ vải bâu thô thiển. Ở đây hoa nhiều không đếm hết nhưng cũng không có hoa gì đẹp hơn hoa mai làm đêm thêm ngát, làm cho lính đã ngây ngất bên ché rượu cần, lại càng ngẩn ngơ hóa bướm vì tiếng hát ngây thơ hồn nhiên của các cô gái vùng cao, khiến cho mấy chục năm qua rồi, mà trong hồn mỗi lần chợt nhớ, như muốn khựng vì mùi chua của rượu cần và muì hương của núi rừng Tây Bắc. Sáng tới lính lại lên đường, không được như người Koho, sung sướng tiếp tục cuộc vui Tết quanh các gia đình, cho đến hết tháng Giêng mới chấm dứt khi cả Buôn không còn rượu và thịt:

“Ớ chàng trai lính ơi,
đừng quên đêm nay bên vũ điệu Lam Tơi,
đôi ta tình cờ quen nhau ngắn ngũi
nhưng em nguyện chờ chàng trở về ...”

- ÐÊM CHỜ TẾT NGOÀI VÒNG ÐAI AO CÂY BÀI (CỦ CHI).

Cuối năm 1964, toàn bộ Trung Ðoàn 43 Biệt Lập từ Di Linh tăng phái hành quân cho khu 32 Chiến thuật, trách nhiệm tỉnh Hậu Nghĩa nhưng chủ yếu là tại quận Củ Chi, khắp các xã Bình Mỹ, Tân Thạnh, Trung An, Phú Hòa Ðông, Phước Vĩnh An,Tân Phú Trung, Tân Thông, Nhuận Ðức,Trung Lập, Phước Hiệp, Thái Mỹ, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng và huyện lỵ Tân An Hội. Lúc đó, bộ chỉ huy đoàn đóng tại Tân Thông, các Điểu đoàn 2 và 3/43 nằm tiền đồn khắp các xã xôi đậu, chỉ riêng Tiểu Đoàn 1/43 được dưỡng quân ba ngày Tết tại quận, vì đã lội suốt một năm khắp các chiến trường Bình Thuận, Bình Tuy, Long Khánh, Bình Dương, Bình Long và Hậu Nghĩa.

Ban 5 Trung đoàn đã soạn thảo nhiều chương trình để lính và gia đình vui một cái Tết đặc biệt tại hậu phương. Ngày ba mươi tháng chạp, trung đoàn xuất tiền hành quân công thêm tiền thưởng của tỉnh và trung đoàn, giao cho Ban 4 ra chợ Củ Chi mua sắm gà, vịt, heo, bò, bánh trái và rượu đế Bà Ðiểm làm tiệc tất niên. Lúc đó, đa số lính của Tiểu đoàn là người Trung, nên trong dịp Tết chỉ có một số nhỏ có gia đình tại Sài Gòn và vùng lân cận được phép miệng về thăm gia đình, còn hầu như là ở lại với đơn vị.

Vì khỏi trực gác, nên lính tha hồ rong chơi khắp hàng quán, dù phố lỵ Củ Chi nhỏ xiú và buồn hiu, lưa thưa vài hàng quán và cái lồng chợ cũng bé bỏng khiêm nhượng. Cũng may, quận nằm trên Quốc Lộ 1, nên có rất nhiều xe đò xuôi ngược Sài Gòn-Trảng Bàng-Tây Ninh... cũng như ngã rẽ tới Bầu Trai, Hiệp Hòa, Ðức Huệ… Ðứng bên đường, nhìn trộm những người đẹp ngồi trên xe đang hối hả mua quà vật khi xe ngừng, hồn lính cũng cảm thấy phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà. Ở đây mùa Đông không lạnh lắm so với Phan Thiết nhưng gió nhiều nên cũng tái tê, se sắt. Bao nhiêu năm lính, lần đầu được vui một cái Tết thị thành cũng thấy an ủi phần nào.

Nhưng Tết chưa tới, tiệc cũng còn đang sửa soạn, thì lệnh hành quân khẩn cấp từ Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn ban xuống. Quân báo và an ninh tiểu đoàn lái xe ruồng bố khắp nơi để gom lính, làm cho người Củ Chi ngạc nhiên tuá ra đường dòm ngó, như thể họ đang xem hát tuồng. Và rồi nửa giờ sau Tiểu Đoàn 1/43 lại lên đường, lính chỉ mang theo súng đạn và nước uống với nhiệm vụ giải toả Ấp Cây Bài vừa bị giặc lợi dụng lệnh hưu chiến, từ mật khu Hố Bò tràn vào chiếm Ấp và bắt đồng bào làm con tin đỡ đạn. Quân ra đi như bóng ma đói, ai cũng phờ phạc buồn rầu thấy rõ, đầu gục xuống, súng vác vai, bất kể đội hình kỹ luật, im lặng như hến. Thế là thêm năm nữa, tàn mộng Tết-Xuân.

Bốn giờ rưởi chiều ba mươi Tết, Tiểu Đoàn 1/43 đã có mặt ngoài vòng đai Ấp, trong khi đó toàn bộ Trung Ðoàn đều tham dự cuộc hành quân này và các đơn vị đang dần xiết vòng vây. Súng nổ khắp bốn hướng giữa ta và địch, từ trong Ấp cho tới Làng Paris Tân Quy, Bến Cỏ, Phú Hòa, Ấp Nhà Việt... chỗ nào cũng có đụng lớn. Riêng TÐ 1/43 án ngữ ngay con đường Tỉnh lộ dẫn vào Ấp, đường đã bị cày xới tan nát.

Ấp nằm trong tầm ngó nhưng mù mịt vì bom đạn lửa khói và rừng cao su ngút ngàn che phủ. Cánh đồng lúa ven làng đang bắt đầu ươm hạt, mùi thơm sữa lúa theo gió thoang thoảng khắp nơi, mũi mòng từng đàn đáp đậu trên da thịt, tha hồ xơi tái lính. Trong cảnh buồn rầu thê thiết, ai cũng thẩn thờ quên đau vì muỗi chích, khi nghĩ tới đồng bào vô tôi đang nằm giữa dao thớt chiến tranh, trong lúc khắp nơi mọi nhà đang rộn rịp náo nức đón Xuân về. Thời gian qua thật chậm, chiến trường vẫn sôi sục bom đạn. Còi thúc quân vang dậy dồn dập nhưng lính vẫn không tiến nổi vì các khẩu súng cộng đồng của giặc từ các cao điểm trong Ấp bắn chận dữ dội, khiến cho lính TĐ lần hồi rụng tã tơi như mấy cánh mai vàng trước gió xuân tơi tả, khi tiệc tất niên chưa kịp hưởng, đã vội về với đất lạnh, đời lính như vậy sao mà không buồn?

Không thể làm gì hơn, nên Bộ Chỉ Huy hành quân đã xin Khu chiến thuật nhờ Không Quân can thiệp. Màn đêm hững hờ buông rèm gói trọn vạn vật, chỉ còn nghe tiếng L19 và Khu trục cơ Skyraider vần vũ dội bom bắn phá mục tiêu. Xa xa về hường Sài Gòn, trời sáng hồng trong đêm tối, giờ này thiên hạ đang vui say chè chén nhảy nhót và hạnh phúc, chắc không ai ngờ tới, tại một thôn xóm hẻo lánh nghèo nàn, có không biết bao nhiêu người, dân cũng như lính, địch lẫn ta đang lặn lội trong bom đan, chỉ mong được phép lạ để sống còn. Suốt đêm trừ tịch, máy bay liên tục dội bom, Ấp Cây Bài đắm chìm trong biển lửa, bên ngoài tiểu đoàn nằm chờ trời sáng. ai cũng đói lạnh nên nhiều người mặc kệ lăn kềnh trên đất ngáy khò, bất kể cái chết kề cận.

Tờ mờ mồng một Tết quân vào Ấp trong nổi thê lương tận tuyệt, khắp nơi chỉ là cảnh chết từ người tới trâu bò heo chó. Giặc Cộng đã chém vè bằng các đường giao thông hào, bỏ lại nhiều tử thi lõa lồ bất động. Chiến tranh tàn nhẩn, oan nghiệt khiến suốt đời lính không quên được hình ảnh chết chóc của những người dân lành vô tội, giữa nhang đèn bánh mứt... chờ đón Xuân về.

- CHUYẾN TÀU BA MƯƠI TẾT.

Chiều hăm chín Tết năm 1977, trại “cải tạo” Huy Khiêm của tỉnh Thuận Hải rộn hẳn lên vì ngày mai cho tới mồng hai Tết, đoàn tù khổ sai của VNCH tạm nghĩ lao tác, được đổi khẩu phần Tết với đường, thịt heo, cơm trắng không độn và một bao thuốc có cán. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cái danh sách phóng thích tù nhân vào mỗi dịp Tết về, sẽ được “cán bộ” gọi trong buổi sinh hoạt hôm nay.

Ðúng 1 giờ trưa chiều ba mươi Tết năm đó, trại có mười người được nhận giấy phóng thích về nguyên quán trình diện. Quỹ trại không có tiền cho tù nhân mua giấy xe đò xe lửa, nên ai lo mạng nấy bằng cách lội bộ, từ Huy Khiêm tới Ga Suối Kiết xa chừng 20 cây số. Tám giờ tối cả bọn tới nhà ga thì đã lỡ chuyến tàu chợ nên đành phải chờ chuyến tàu suốt Bắc-Nam, Nam Bắc vào lúc 11 giờ khuya cuối năm. Trong bọn chỉ có tôi về Phan Thiết, còn lại đều ở rất xa tận Sài Gòn, Nha Trang… Chia ly rồi sắp chia ly nữa, anh em chỉ đành ngậm ngùi trao gởi, hưa hẹn. Trong khoảnh khắc năm cũ sắp tàn, mọi nhà cài then đóng cửa đón mừng năm mới, thì chúng tôi cũng đang chờ phút giây thay đổi của đất trời.

Ga Suối Kiết nằm cheo leo trong rừng lá, cạnh vách núi Ông cao ngất hùng vĩ, bao quanh vài chụp nếp nhà lá lụp xụp của các công nhân hỏa xa và dân làm gổ. Có lẽ hôm nay mọi người đã về quê ăn tết nên xóm nhỏ thật đìu hiu không có một chút sinh khí, chứng tỏ nàng xuân chưa ghé chốn này. Cũng may Suối Kiết là một ga lớn trên tuyến đường xe lửa Nam-Bắc nên tất cả các chuyến tàu chợ và suốt đều phải ngừng lại, dù khách có hay không.

Về đêm, núi rừng càng buốt cóng lạnh căm. Bộ quần áo trận năm nào dù đã được đắp thêm chục mãnh vá, vẫn không ngăn nổi cái sắt se xa xót, như từ một cõi mộ địa, theo cái lạnh xâm chiếm tâm hồn những bóng ma đang lạc lõng trong đêm Xuân, không biết rồi sẽ về đâu, để kiếm chút hơi ấm của tình quê. Trong cái hiu hắt của đêm buồn, cũng đủ để mọi người nhìn rõ hình ảnh của sự cô đơn nơi ga lẽ, từ những thanh sắt han rĩ tróc sơn trước quầy bán vé, cho tới hàng ghế gổ mọt đầy vết bẩn. Tất cả bỗng dưng được trùng phùng một cách ngẫu nhiên với những người tù không bản án, những Quân, Công, Cán, Cảnh của VNCH “bại trận”, vừa được phóng thích trong đêm tết quạnh quẽ, buồn rầu. Phải vui lên một chút để mừng năm mới, thay vì mượn rượu phá thành sầu, cả bọn lại chụm đầu vào nhau, rít chung vài bi thuốc lào ăn Tết, trong khi bên ngoài gió núi lồng lộng thổi, tạt sương muối vào mặt mũi da thịt, khiến cho cơn lạnh đói càng thêm hành hạ mọi người.

Hình như Giao Thừa sắp đến trong mông mênh cùng tận, như những năm nao, tôi lại âm thầm lâm râm cầu nguyện cho mẹ già, em gái, cho ngươi vợ trẻ, bạn bè, đồng đội, đồng bào… được may mắn an bình trong buổi hổn mang dâu bể. Hởi ơi giờ này không biết mẹ già em thơ, có còn như những ngày Xuân dấu ái trước năm 1975, Giao Thừa đi lễ chùa, xin xăm hái lộc, nhà có vui xuân đón tết hay gia đình cũng lại như tôi, tại sân ga nơi rừng núi thẳm tăm tối lạnh lẽo này, cô đơn, đói lạnh và nhục nhã trùng trùng.

Kỹ niệm xưa từng mảng lại trôi bềnh bồng trên mắt, lén lút đẩn dắt đưa tôi về thuở hoa niên, khi những cánh hoa phượng đỏ ối nối hàng, dọc theo con đường Nguyễn Hoàng dẫn vào lớp học, đã bắt đầu rụng rơi lã tã giữa các trang lưu bút, trên từng rèm mắt ô môi, cũng là lúc bọn học trò nghĩ hè làm gã giang hồ lãng tử, trên những chuyến tàu hỏa chui Phan Thiết-Sài Gòn rồi Sài Gòn-Phan Thiết, đi hoài vẫn không thấy chán.

Rồi những ngày dài chinh chiến, định mệnh lại đẩy đưa tôi về chốn cũ Long Khánh-Bình Tuy-Phan Thiết. Tuy tàu hỏa đã bị gián đọan nhưng suốt con đường sắt từ Mường Mán về Gia Ray, con đường mòn Võ Xu tới Suói Kiết, kể cả những suối rạch, bải đá ven sông La Ngà, đều là những lối lại qua quen thuộc, đã cùng tôi chắt chiu suốt đoan đường tuổi trẻ. Làm sao quên được những ngày dừng quân ở Văn Phong, Mường Mán? ngày ngày ngồi ngâm nga tách cà phê đen ngon tuyệt nơi quán lẽ ven sông, ngó nhìn các chuyền tàu xuôi ngược. Giờ đây cảnh xưa vẫn nguyên vẹn, riêng tôi thì ôm một tầng trời sầu thảm không đáy, lạc lõng trên quê hương hận thù với kiếp sống nào hơn loài cỏ cây.

Cuối cùng rồi tàu cũng đến, chúng tôi chia tay trong nước mắt. Ai nấy hấp tấp lên tàu như kẻ trốn nợ trong đêm trừ tịch, giữa tiếng còi tàu lanh lãnh thét vang, phá tan cảnh tịch mịch của rừng núi âm u, nghe sao quá ảo nảo lạnh lùng.

Chuyến tàu suốt Sài Gòn-Phan Thiết đêm nay ế ẩm, nhiều toa hành khách vắng ngắt lạnh tanh, không như ngày thường chen chân không lọt. Có lẽ mai là mồng một tết nguyên đán, nên ai cũng muốn ở nhà để xum họp với gia đình. Ðất trời buồn mênh mông quá, thêm gió thổi vi vút từ hai bìa rừng thả hơi lạnh khắp nơi, nhưng tôi vẫn muốn ngồi ngoài hành lang để được nhìn lại quang cảnh cũ Trong các toa tàu, đèn đóm tối om, dăm ba hành khách nằm dài trên ghế như đã ngũ tụ lâu rồi. Mặc kệ, tàu vẫn chạy xiết trên đường sắt như con thú điên, với hai ánh đèn pha phá tan màn đêm tăm tối. Hởi ơi cuộc đời sao oan nghiệt quá, trong lúc nhà nhà đang đầm ấm chờ đón chúa Xuân, thì tôi trong một tối ba mươi tết, buồn rầu nơi toa xe lửa lạnh lẽo này, yên lặng nép mình trong cô quạnh để đón một mùa Xuân vàng úa nữa, sắp rơi xuống bờ vai của cuộc đời.

Trong giờ phút năm cũ sắp tàn, con tàu cũng hối hả lướt qua từng ga vắng Sông Dinh, Sông Phan,Suối Vận, Mường Mán rồi Phú Hội vừa đúng 12 giờ rưỡi sáng. Thế là năm mới đã qua và tôi cũng đã lở dịp nghiêng mình chào đón nàng xuân mới trên quê hương mình. Trên tàu ai nấy đều thức dậy, đang chuẩn bị xuống ga Phan Thiết. Tất cả đều xa lạ, hờ hững, buồn rầu, im lặng như bóng tối, không ai chúc nhau một lời ngắn ngủi dù là ngày Tết. Bổng đâu đấy nơi một thôn xóm nào đó, dọc theo con đường sắt vang lên mấy tràng pháo chuột, bóng sáng lập lòe như muốn đưổi theo con tàu, khiến cho hồn thêm buồn rầu thương tiếc. Nổi náo nức thầm kín vừa lóe lên, chợt tắt hẳn khi nghĩ đến thực tại não nùng.

Bài hát cũ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông mấy chục năm về trước, nay sao vẫn nhớ như niềm nhớ về những cái Tết xa xưa nơi chiến địa: “Chốn biên thuỳ này Xuân tới chi, tình lính chiến khác chi bao người”. Trong những đêm tiền đồn hay các cuộc dừng quân bất chợt, được vui ké Tết với bản làng người Kpho ở Di Linh, người Thái tại Tùng Nghĩa, người Chàm vùng Tánh Linh hay người Mường tại Long Khánh... qua những cái Tết vui nhộn từ đầu thôn tới cuối ấp, khiến người lính trẻ xa nhà chạnh lòng để rơi nước mắt, khi “nhớ về những ngày Xuân cũ”, nhớ màu hoa Cúc hoa Mai, tết đến nở tròn như mắt môi em một thời tuổi học, tay anh đang ghì trên báng súng mà cứ ngỡ đang nắm chặt tay em khi hai đứa sóng bước vui Xuân trên các đường phố Phan Thành…

Hỡi ôi, mấy chục năm về trước, tôi, người lính trẻ xa nhà vẫn đam mê chạy đuổi theo những giọt mưa Xuân giữa trời lửa loạn. Nay trong buổi Xuân về, người lính già nơi đất khách trong buổi hoàng hôn, vẫn cứ lội ngược thời gian để mong tìm dấu vết ngày thơ như còn giấu đâu đó nơi vòm trời đồng đội, và em, và những tết cuối cùng trong Quân ngũ, để ngẩn ngơ bàng hoàng xúc động như thể vừa bước chân lên con tàu về Quê hương của những Tết ấm yên hạnh phúc đầu đời.


Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Xuân Đinh Dậu, 2017
Hồ Ðinh
KBC 4424, 3435, 4508
Tết Đinh Dậu về không quên Tết Mậu Thân 1968: Bọn sinh viên Việt Cộng giết thầy giết bạn

Bạch Diện Thư Sinh


Câu “Đồ lừa thầy phản bạn” xưa nay là một lời mắng chửi thậm tệ. Vậy mà bọn sinh viên Việt Cộng còn tệ hơn thế nữa. Vì cuồng tín theo đảng Cộng sản, bọn này sẵn sàng giết thầy giết bạn một cách tàn ác.

Hồi Tết Mậu Thân 1968 tại Huế

Đêm Mồng Một Tết Mậu Thân 1968, Cộng quân tràn vào thành phố Huế và làm chủ Huế suốt 25 ngày đêm. Trong thời gian này, bọn Cộng sản đã biến Huế thành địa ngục trần gian. Nhiều ngàn người dân Huế bị thảm sát, trong đó có những nạn nhân là thanh niên, sinh viên, học sinh và cả trẻ em, phụ nữ. Chúng giết dân bằng đủ cách: đâm bằng lưỡi lê, dùng cuốc đập bể sọ, dùng súng bắn, chôn sống tập thể đang khi nạn nhân bị trói bằng dây điện hoặc lạt tre…Sau khi Cộng quân bị đánh bật khỏi Huế, lần lượt các nấm mồ tập thể đã được tìm thấy ở trường Gia Hội, Bãi Dâu, chùa Therevada, phía sau Tiểu chủng viện, gần cửa Đông ba, Cồn Hến, Nam Giao, Phú Xuân, cạnh Lăng các vua, khu vực Dòng Thiên An, Phú Xuân, Phù Lương, làng Châu Chữ, câu An Ninh, trường An Ninh Hạ, Chợ Thông, gần chùa Linh Mụ, truờng Văn Chí, Phú Thứ, Tiên Nộn, Đồng Di, Tây Hồ, Khe Đá Mài, Khe Lụ, sau làng Đình Môn…

Người dân Huế đã nhận diện trong số những đao phủ thủ, có những tên vốn là giáo chức, là sinh viên, học sinh ở Huế: Hầu hết những tên này đã từng tham gia vào Lực lượng Học sinh, Sinh viên Quyết tử hồi Phong trào Phật giáo 1966. Đứng đầu là các tên Hoàng Phủ Ngọc Tường (dạy Việt văn), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên Y khoa năm 2), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên Sư phạm), Nguyễn Thị Đoan Trinh (sinh viên Dược), Trần Quang Long (sinh viên Sư phạm), Phan Chánh Dinh, tức Phan Duy Nhân, Hoàng Văn Giàu (phụ khảo Văn khoa), Nguyễn Thiết (sinh viên Luật), Bửu Chỉ (họa sĩ), Trần Vàng Sao (sinh viên), Ngô Yên Thy (sinh viên Văn khoa), Trương Quang Ân (học sinh), Nguyễn Văn Mễ (học sinh)… 

Tội ác của Hoàng Phủ Ngọc Tường:

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một thầy giáo trẻ, dậy Văn giỏi, được giới sinh viên, học sinh Huế ngưỡng mộ, nhưng Tường đã đi theo Cộng sản và trở nên một thành phần cực đoan và tàn bạo. Đến nỗi một số nhà cầm bút gốc Huế xếp Hoàng Phủ Ngọc Tường đứng hàng đầu trong danh sách những đao phủ thủ sát hại dân Huế hồi tết Mậu Thân 1968. Trong cuốn Biến Động Miền Trung (Trang 110 – 112), tác giả Liên Thành trưng ra 6 bằng chứng để khẳng định: “Bằng vào một số chứng cớ rõ ràng, minh bạch, tôi xác nhận Hoàng Phủ Ngọc Tường là người chủ tọa phiên tòa án Nhân Dân của chính quyền Cách Mạng, và ra lệnh sát hại 204 người tại trường học Gia Hội thuộc Quận II, thị xã Huế trong Tết Mậu Thân 1968” (Liên Thành. Biến Động Miền Trung. Tập san Biệt Động Quân xuất bản. Trang 110). Trong sách, tác giả Liên Thành sung sướng tung hê thầy Tường của mình có “khuôn mặt hiền từ”, “thầy còn giảng dạy cho chúng tôi những lẽ phải, trái, tư cách làm người, đạo đức, và tấm lòng nhân hậu thương yêu mọi người…” (Sđd. Trang 107). Ngay sau đó, tác giả Liên Thành thắc mắc hỏi cái gì làm thầy Tường của ông “mù quáng say mê chủ nghĩa Cộng Sản”, để trở “thành một tên ác qủy giết người không gớm tay, say máu người còn hơn qủy dữ” (Sđd.Trang 108). Thêm vào đó, trong bữa tiệc họp mặt sau 1975, bạn của Tường là Gs. Bửu Ý chỉ mặt Tường mà nói: “Tường, mi là một thằng trí thức sắt máu, hèn hạ, giờ này mi chưa sáng mắt, còn chạy theo liếm đít Đảng nữa hay sao” (Sđd.Trang 109).

Trong bộ phim 10 tập Vietnam History do một đài truyền hình Anh Quốc thực hiện năm 1982 (Roll 29 of Vietnam Project- Feb. 29, 1982- Inteview with Hoang Phu Ngoc Tuong, writer), Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được hỏi như sau: “Ông có thể mô tả biến cố về cuộc nổi dậy tại Huế và đặc biệt liên quan đến cuộc thảm sát từ khi ông có mặt tại đây”? Để trả lời, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đổ tội cho đế quốc Mĩ cố tình dựng nên câu chuyện “thảm sát Mậu Thân Huế”. Tường xác nhận có một số bị giết vì: Một là họ bắn vào lực lượng cách mạng; hai là vì họ đã phạm tội bắt bớ, tra tấn, bỏ tù người theo cách mạng cho nên nay bị trả thù. Nhưng Tường cáo giác đa số những xác chết sau này khai quật được ở Huế là nạn nhân đạn bom của Mĩ, cộng với những xác chết bộ đội giải phóng. Tường nói tiếp : “Chẳng hạn, nó đã bỏ bom rơi vào một bệnh viện nhỏ, gần chợ Đông Ba. Nó thả bom làm 200 người vừa chết vừa bị thương. Tôi đã đi trên con đường hẻm vào ban đêm, và tôi tưởng rằng tôi đang dẫm trên đống bùn. Thế mà khi tôi bật cái đèn pile lên, máu khắp mọi nơi. Cả một khu vực bị bỏ bom bởi bom đạn Mỹ bắn phá. Và thế rồi, những ngày cuối cùng khi chúng tôi triệt thoái ra khỏi thành phố, kẻ thù của chúng tôi đã thâu lại và đem đi chôn”. Xin chú ý trong câu trả lời này, Tường xác nhận y có mặt tại Huế trong Tết Mậu Thân 1968. Trong bài Thảm Sát Mậu Thân 1968 Và Luận Điệu Gian Dối Của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Huy Phương cũng đặc biệt nhấn mạnh 2 điểm đáng chú ý về câu trả lời trên đây của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông viết: “Chính câu hỏi của phóng viên đài truyền hình ờ đầu bài đã xác nhận sự thật, vì nếu Tường không có mặt ở Huế, sẽ không có cuộc phỏng vấn này cũng như nội dung câu hỏi được đặt ra ở trên. Mặt khác, sau này chính y không nhớ là mình đã thú nhận chuyện có mặt ở Huế vào phút thứ 6 của đoạn phim này, vào năm 1982, khi Tường mô tả chuyện y đang đi trong những con đường hẻm vùng Đông Ba và đã nói những câu “khi chúng tôi rút lui” hay “tôi là một chứng nhân” nghe rất rõ ràng” (bacaytruc.com).

Nhưng qua năm 1997, Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời bà Thụy Khuê trên đài RFI thì thấy có 2 điểm quan trọng khác hẳn câu trả lời phỏng vấn năm 1982. Một là Tường chối không có mặt tại Huế khi đang diễn ra cuộc thảm sát. Hai là Tường xác nhận có “những tang tóc thê thảm” ở Huế do “quân nổi dậy” và nhìn nhận đó là “một sai lầm không thể nào biện bác được”. Nguyên văn câu trả lời của Tường như sau: “Người ta cho tôi là một tên đồ tể Mậu Thân ở Huế thì đó là một sự bịa đặt mang ý định vu khống hoàn toàn. Sự thực là tôi đã từ giã Huế lên rừng tham gia kháng chiến vào mùa hè năm 1966 và chỉ trở lại Huế sau ngày 26 tháng 3 năm 1975. Như thế nghĩa là trong thời điểm Mậu thân 1968, tôi không có mặt ở Huế. Điều quan trọng còn lại, tôi xin tỏ bày ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và đã trở về; ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải chịu cho hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế vào năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc và nhìn từ quan điểm chiến tranh cách mạng” (Bằng Phong Đặng Văn Âu. Thư gửi Nguyễn Đắc Xuân. Batkhuat.net).
Tiền hậu bất nhất. Cái lưỡi (Cộng sản bao giờ cũng) không xương (cho nên) nhiều đường lắt léo!
 

Tội ác của Hoàng Phủ Ngọc Phan:

Hoàng Phủ Ngọc Phan, em của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh viên Y khoa năm 2 Huế, đã phạm tội đồng lõa giết chết các giáo sư bác sĩ người Đức (Bs. Slois Alterkoster, Bs. Raimund Discher, Bs. Hort Gunther Kranick và vợ) là thầy của y, bằng cách chôn sống.

Chính tên Hoàng Phủ Ngọc Phan bắn chết 3 anh em ruột: Nguyễn Xuân Kính (sinh 1942, Y khoa Huế, bị bắn chết tại nhà ông nội), Nguyễn Xuân Lộc (sinh 1946, sinh viên Luật Huế, bị bắn chết tại nhà ông nội), Nguyễn Thanh Hải (sinh 1949, sinh viên Văn khoa Huế, bị bắn chết tại trường Văn khoa). Giết các cháu xong, Phan còn đang tâm bắn chết cả ông nội của 3 sinh viên này là cụ Nguyễn Tín, 70 tuổi. Sau khi bắt sinh viên Lê Tuấn Văn (sinh viên Văn khoa Huế, là bạn của sinh viên Hải) đào huyệt tại vườn sau nhà cụ Nguyễn Tín để chôn cụ và 3 người cháu của cụ (xác sinh viên Hải đã được em gái là sinh viên Ban Cán sự điều dưỡng Nguyễn Thị Thái Hòa đưa về đây), tên Hoàng Phủ Ngọc Phan hành quyết nốt sinh viên Văn. (Mậu Thân Huế. Câu Chuyện Của Nguyễn Thị Thái Hòa. WordPress.com).
 

Tội ác của Nguyễn Thị Đoan Trinh:

Nguyễn Thị Đoan Trinh, con gái Nguyễn Đóa, là sinh viên Dược Sài Gòn về Huế ăn Tết. (Hiện nay Đoan Trinh là nữ đại gia tại SàiGòn). Nguyễn Thị Đoan Trinh được mô tả là “nhất hạng… nữ sát nhân, nữ sát thủ…, y thị cỡi xe Honda, vai mang AK, bất kỳ ai y thị chận hỏi, nếu trả lời là lính, là Cảnh Sát, cán bộ Chính quyền, không cần một câu trả lời thứ hai, y thị nổ sung bắn chết ngay” (Liên Thành. Sđd. Trang 114). 

Tội ác của Nguyễn Đắc Xuân:

Xuân nổi bật lên trong Đoàn Học sinh, Sinh viên Quyết tử với hàng ngàn đoàn viên hồi phong trào Phật giáo Huế 1966. Rồi “nhảy núi”, hay “lên xanh”, theo Việt Cộng. Tết Mậu Thân 1968 trở về chỉ huy Lực lượng Học sinh, Sinh viên Giải phóng Huế. Đồng thời Xuân cùng với Hoàng Phủ Ngọc Phan chỉ huy các Đoàn Thanh niên Võ trang An ninh Bảo vệ Khu phố (các Đội Tự vệ Thành). Lực lượng này đã gieo tang tóc kinh hoàng cho dân Huế trong 3 tuần lễ Cộng quân tạm chiếm thành phố này. Xuân và Phan còn dự phần xét xử trong Tòa án Nhân dân do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa và chúng đã kết án tử hình 204 người dân Huế. Trong hồi kí Giải Khăn Sô Cho Huế, tác giả Nhã Ca đã kể về tội ác giết bạn của Nguyễn Đắc Xuân như sau: “Nguyễn Đắc Xuân, một sinh viên Huế. Thập niên 60 trong phong trào thanh niên sinh viên bị Việt Cộng nằm vùng giật giây, Nguyễn Đắc Xuân làm thơ, tranh đấu, rồi bỏ vào khu theo Việt Cộng. Để rồi MÙA XUÂN 1968 theo Việt Cộng trở lại Huế có mặt trong những phiên tòa nhân dân, kêu án tử hình hàng loạt người dân Huế với tội “phản cách mạng”. Đích thân Xuân đào một cái hố, bắt một bạn học cũ có xích mích với Xuân từ trước, ra đứng bên hố, để xử tử. Cậu bạn của Nguyễn Đắc Xuân, tên Tý, dơ cái băng đỏ dấu hiệu giải phóng quân lên cao, lạy van Nguyễn Đắc Xuân :

- Em lạy anh. Bây giờ em theo các anh rồi mà. Em có mang băng đỏ rồi mà. Cách mạng muôn năm… Hồ chủ tịch muôn năm…

Nhưng mặc Tý năn nỉ, hoan hô, Nguyễn Đắc Xuân vẫn lạnh lùng nổ súng vào người bạn nhỏ của mình không chút đắn đo…”.

Mấy năm trước đây, Nguyễn Đắc Xuân đã viết bài Nguyễn Đắc Xuân Đọc Hồi Ký Nhã Ca để phản bác mọi cáo buộc tội giết dân, giết bạn của y. Trong đó có đoạn như sau: “…bà đã biết rõ không có chuyện tôi giết người, không có chuyện tôi ngồi xử án ai vậy tại sao bà còn hạ bút viết trong hồi ký những điều ác nhơn đến như thế? Nếu bà sống với tôi cùng trong một nền pháp luật tôi sẽ đưa bà ra tòa về tội vu khống”. (Nguyễn Đắc Xuân đọc hồi ký Nhã Ca. lethieunhon.com).

Thế nhưng, từ Houston, tác giả Bằng Phong Đặng Văn Âu, xưa là bạn “ngồi cùng bàn, cùng lớp” của Nguyễn Đắc Xuân, đã gửi emails qua lại với Xuân. Hai bên trao đổi quan điểm lập trường thẳng thắn với nhau. Trong thư thứ 2 viết ngày 14.01.2011, tác giả Đặng Văn Âu nói với Nguyễn Đắc Xuân: “Này Nguyễn Đắc Xuân, lẽ ra mày phải tỏ ra ăn năn, hối hận về việc mày gây tang tóc cho đồng bào ở Huế để nghiệp chướng của mày vơi đi. Mày đã không làm, mày lại càng gây thêm nghiệp chướng. Mày muốn được người ta gọi là nhà sử học, nhà Huế học phải không? Cộng sản là một tuồng nói dối từ trên xuống dưới, ai dám nói thật thì bị bỏ tù. Mày có đủ cái dũng để viết SỰ THẬT không, mà đòi viết sử?…… Nguyễn Đắc Xuân à! Tao không thèm chửi mày đâu! Mày là thứ cộng sản tép riu. Mang tiếng giết bạn bè (Trần Mậu Tý) mà mày chỉ được cộng sản thí cho cái chức hội viên Hội Văn Nghệ Sĩ Thừa Thiên thì danh giá gì?! Hãy sám hối đi! Đừng huyênh hoang cái giọng “chưa biết con ngựa nào tới đích”, nghe lố bịch lắm! Những “trí tuệ hàng đầu” còn chưa biết đàng trước hình thù cái đích ra sao. Cỡ mày mà đòi thách thức thì chú Ba Trương Tấn Sang lên làm Chủ Tịch Nước cũng chẳng có gì lấy làm lạ!” (danchimviet.info).

Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường
Nguyễn Thị Đoan Trinh
Hoàng Phủ Ngọc Phan, Vũ Quang Hùng

Tội ác của bọn sinh viên, học sinh trong Lực lượng Học sinh, Sinh viên Giải phóng Huế (LLHSSVGP Huế):

Trước khi tấn chiếm Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968, để chuẩn bị cho công tác tạm quản thành phố này, Cộng sản đã lập ra cái gọi là Lực Lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình. Đứng đầu là:

Gs. Lê Văn Hảo: Chủ tịch, kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách Mạng Thành phố Huế; Thích Đôn Hậu: Phó Chủ tịch; Hoàng Phủ Ngọc Tường: Tổng Thư ký; Nguyễn Đắc Xuân: Phụ trách LLHSSVGP Huế, kiêm Trưởng Đoàn Thanh niên Võ trang An Ninh bảo vệ Khu phố; Đào Thị Xuân Yến tức Bà Tuần Chi: Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Cách Mạng Thành phố Huế. Ngoài ra còn có những thành viên cốt cán như: Tôn Thất Dương Tiềm, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đóa và con gái là Nguyễn Thị Đoan Trinh, v.v…

Chính bọn học sinh viên, sinh viên trong LLHSSVGP Huế đã hết sức hung hăng trong việc chỉ điểm giúp Cộng quân lùng bắt và giết hại các bạn học của mình. Sau này, khi khai quật những mồ chôn tập thể, người ta đã tìm thấy nhiều nạn nhân là học sinh, sinh viên của Huế. Chẳng hạn như bọn chúng đã dắt bộ đội CS vào nhà thờ Phủ Cam và nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, rồi gọi tên các sinh viên theo một danh sách và bắt họ mang đi biệt tăm. Sinh viên Lê Hữu Bôi, cựu Chủ tịch Tổng hội SVSG về Huế ăn Tết cũng bị giết trong dịp này. Trong bài Mậu Thân Huế, Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng thuật lại như sau: “Có hơn 300 người đã bị bắt trong đó có Lê Hữu Bôi, Lê Hữu Bá… hai người nầy từ Nam Giao chạy về Phú Cam hy vọng nơi đây không có VC. Họ đã trốn trong nhà thờ để tránh bom đạn. Những người Phú Cam bị bắt, bị giết tập thể tại khe Đá Mài thuộc vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc quận Nam Hòa, Thừa Thiên. Xác chết nằm dưới khe, thịt thối rữa bị nước cuốn trôi đi, chỉ còn sọ và xương lẫn lộn. Tháng 10-1969, sau gần hai năm mới tìm được chỗ đó. Thân nhân đến nhận các dấu vết như thẻ căn cước bọc nhựa, quần áo, đồ dùng, tràng hạt, tượng ảnh. Trong số các di vật nầy có thẻ căn cước của Lê Hữu Bôi (Bôi là Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Sai gòn, năm 1963 nổi tiếng qua phong trào tranh đấu của Phật tử chống TT. Ngô Đình Diệm). Có những em học sinh bị bắt trong nhà thờ Phủ Cam, cũng bị giết chết tập thể bằng đại liên, bằng mìn tại Khe Đá Mài như Bùi Kha (16 tuổi), Phan Minh (16 tuổi), Nguyễn Duyệt (17 tuổi), v.v… (Nguyễn Lý Tưởng. Mậu Thân Huế. Những Hành Động Dã Man của Việt Cộng. toquocvietnam.org). 

Tội ác sinh viên Việt Cộng ở Sài Gòn

Như trên đã thấy, tại Huế, nơi mà hầu hết những tội ác giết thầy, giết bạn mà bọn sinh viên, học sinh theo Việt Cộng đã phạm phải đều diễn ra công khai, trong thế mạnh của những kẻ đang tạm nắm được quyền hành (khoảng 3 tuần lễ). Khác với Huế, tại Sài Gòn, bọn sinh viên, học sinh Việt Cộng cũng giết thầy giết bạn, nhưng giết riêng lẻ, theo từng trường hợp có tính toán và do lệnh của cấp chỉ huy từ mật khu và dĩ nhiên giết bằng cách ám sát vì chúng còn ở thế hoạt động bí mật.

Để độc giả biết qua về hệ thống chỉ huy và điều hành công tác của Cộng sản tại Miền Nam và tại Sài Gòn – Gia Định, xin tóm lược vài hàng như sau:

Thời chiến tranh Quốc – Cộng, lãnh đạo cao nhất của Cộng sản tại miền Nam là Trung ương Cục miền Nam (bí danh Cục R). Vào lúc chiến tranh sôi động, Phạm Hùng (Sáu Hồng), rồi Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) làm Bí thư Cục R. Trung ương Cục chỉ huy trực tiếp và hết sức chặt chẽ tổ chức bù nhìn do CSBV đẻ ra là Mặt trận Dân tộc Giải phòng Miền Nam Việt Nam.

Dưới Trung ương Cục là các khu: Khu 7 (miền Đông Nam bộ), Khu 8 (vùng giữa sông Vàm Cỏ và sông Tiền), Khu 9 (đồng bằng sông Cửu Long và Cà Mau) và Đặc khu Sàigòn – Gia Định.

Đặc khu Sàigòn – Gia Định: Năm 1965, Bí thư: Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư (sau đó lên Bí thư) Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Trần Bạch Đằng là ủy viên thường trực phụ trách Tuyên huấn, Mặt trận, Trí vận, Hoa vận, Thanh niên (bao gồm cả công tác Sinh viên Học sinh) và Ban cán sự nội thành.

Cuối 1969, Võ Văn Kiệt giao Bí thư Đặc khu cho Trần Bạch Đằng để đi làm Bí thư Khu 9.

Xin đặc biệt chú ý đến nhân vật Trần Bạch Đằng (bí danh Tư Ánh và nhiều bút hiệu). Chính ông ta là người chỉ huy trực tiếp công tác nội thành nói chung, công tác Thanh niên, Sinh viên, Học sinh nói riêng.

Để tập hợp và kết nạp thanh niên, sinh viên, học sinh hoạt động nội thành Sài Gòn – Gia Định, Cục R thành lập ra Thành đoàn. Thành Đoàn là tên tắt của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam hay Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, tức là Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Vì hoạt động nội thành Sài Gòn – Gia Định cho nên gọi tắt là Thành đoàn.

Tổ chức Thành đoàn có 2 hệ thống: bí mật và công khai.

Tổ chức bí mật:
 Là tổ chức mặt chìm, quần chúng không thể biết được. Họ ở cấp cao hơn, quyền hành hơn và thực sự chỉ đạo các tổ chức công khai hoặc bán công khai. Đó là Ban chấp hành Thành đoàn, các ủy viên Ban Chấp hành, các Đoàn ủy sinh viên, các Đoàn ủy học sinh và các ban ngành khác, như: Ban Tuyên huấn, Ban Vận động Thanh niên Trí thức, Ban Quân sự, Ban Phụ nữ, Ban An ninh vũ trang. Xin lưu ý Ban An ninh vũ trang, vì chính Ban này ra lệnh cho biệt động thành thi hành lệnh ám sát các giáo sư và sinh viên.

Tổ chức công khai (và bán công khai) là các tổ chức mặt nổi, hoạt động công khai, hợp pháp. Họ là các cán bộ thừa hành nhưng lại được dư luận biết đến nhiều hơn. Đó là các tổ chức đại diện sinh viên, học sinh trong học đường hoặc tôn giáo và các đoàn văn nghệ, xã hội…như: Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (Tổng hội SVSG), một số Ban Đại diện các Phân khoa Đại học và Trường cao đẳngTổng hội Sinh viên Vạn HạnhTổng đoàn Học sinh Sài GònĐoàn Sinh viên Phật tửThanh lao Công Vườn XoàiĐoàn Văn nghệ Sinh viên Học sinhĐoàn Công tác Xã hội Sinh viên Học sinh Sài GònĐoàn Văn nghệ Sinh viên Vạn HạnhỦy ban Đòi Quyền Sống Đồng bào và chiến dịch đốt xe MĩMặt trận Nhân dân Cứu Đói…

Thành đoàn Cộng sản đánh giá vai trò của Ban Đại diện các phân khoa, nhất là Tổng hội SVSG, là hết sức quan trọng trong mặt trận đô thị nói chung, mặt trận Đại học nói riêng, cho nên họ tìm mọi cách để nắm lấy. Khi nắm được các tổ chức công khai này, họ có quyền hợp pháp, công khai dùng danh nghĩa của cả tập thể để ra tuyên cáo, kháng thư, kêu gọi bãi khóa, bãi thi, tổ chức văn nghệ báo chí, triển lãm, xuống đường ôn hòa, xuống đường bạo động…gây rối loạn triền miên ngay giữa Thủ đô Sài Gòn và tạo ảnh hưởng dư luận xấu về chính quyển VNCH.

Trong nỗ lực chiếm lấy quyền kiểm soát Tổng hội SVSG và Ban Đại diện các phân khoa, khi gặp khó khăn, Thành đoàn Cộng sản dùng mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực để đạt thắng lợi. Trên thực tế, Thành đoàn Cộng sản đã xử dụng các hình thức khủng bố như : gửi thư nặc danh đe dọa, rải truyền đơn lên án tử hình, cuối cùng là “khủng bố trắng”, tức là ám sát bằng súng, lựu đạn, bom…

Họ đã thành công và nắm giữ được tổ chức hợp pháp quan trọng là Tổng hội SVSG suốt 4 nhiệm ky liên tiếp: Niên khóa 1966-67: Hồ Hữu Nhựt, 1967-68: Nguyễn Đăng Trừng, 1968-69: Nguyễn Văn Qùy, 1969-70: Huỳnh Tấn Mẫm. Xin lấy một thí dụ: BCH Tổng hội Sinh viên Sài Gòn nhiệm kì 1968-1969 có 7 thành viên thì 4 là Việt Cộng, đó là Chủ tịch Nguyễn Văn Qùy (Nông Lâm Súc), Phó Chủ tịch Huỳnh Tấn Mẫm (Y khoa), Phó TTK Nguyễn Hoàng Trúc (Cao đẳng Thú y) và Thủ qũy Nguyễn Thị Yến (Văn khoa). Và Tổng hội SVSG có 7 Ủy ban trực thuộc thì Việt Cộng nắm được 3 với các ủy viên: Ủy viên Văn Nghệ: Nguyễn Văn Sanh, Ủy viên Báo chí, Phát thanh: Tô Thị Thủy; Ủy viên Liên lạc: Nguyễn Tuấn Kiệt.

Riêng Huỳnh Tấn Mẫm, trong cương vị là Chủ tịch Tổng hội SVSG (1969-1970), đã được dư luận trong và ngoài nước biết tới như là một biểu tượng của phong trào sinh viên phản chiến, tranh đấu đòi hòa bình theo đúng kế hoạch của lãnh đạo Trung ương Cục. Huỳnh Tấn Mẫm được kết nạp đảng ngày 03.02.1966 do Chín Kế, tức Phan Văn Dinh, tại nhà một cơ sở ở Bà Quẹo (Diệu Ân. Huỳnh Tấn Mẫm Một Đời Sôi Nổi. Trang 38). Mẫm cũng là Bí thư chi bộ đảng đoàn Tổng hội SVSG (Diệu Ân. Sđd. Trang 144). Trần Bạch Đằng viết về Huỳnh Tấn Mẫm: “Trong thư riêng mà tôi còn giữ, có một mảnh giấy ghi thế này “Xin đoàn thể yên tâm, quyết làm tròn nhiệm vụ”-L.71- L.71 là mật hiệu của Huỳnh Tấn Mẫm. Anh viết cho tôi lúc anh đang chễm chệ ở nhà “Quốc khách” do Nguyễn Cao Kỳ mâu thuẫn với Thiệu mà đón anh về, coi nơi này như trụ sở Tổng hội Sinh viện” (Thành Đoàn. Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. NXB Trẻ tái bản lần thứ nhất. Trang 19).

Trước khi đề cập các vụ ám sát sinh viên và giáo sư tại Sài Gòn do Thành đoàn Cộng sản chủ trương, xin mời độc giả xem một đoạn hồi tưởng của Bs. Ngô Thế Vinh, Tổng Thư kí Nguyệt san Tình Thường của sinh viên Y khoa Đại học Sài gòn (1964) viết tóm tắt về giai đoạn sôi động này: “Cũng nên ghi lại một số sự kiện nay đã thuộc về lịch sử: chỉ riêng với trường Y Khoa, đã có hai giáo sư bị sát hại [Gs Trần Anh, Cơ Thể học và Gs Lê Minh Trí chuyên khoa Tai Mũi Họng], rồi đến sinh viên Y khoa II Trần Quốc Chương [con của Thẩm phán Trần Thúc Linh] có một giai đoạn vào bưng, sau trở về học lại thì bị trói tay bịt miệng ném từ lầu ba xuống đất ngay trong vòng thành trường Y Khoa trên đường Hồng Bàng, một cái chết rất thảm khốc. Sinh viên Luật khoa Lê Khắc Sinh Nhật cũng bị bắn chết. Hai sinh viên khác bên Văn Khoa cũng bị nhóm Biệt Động Thành bắn trọng thương nhưng may mắn sống sót là Ngô Vương Toại, Bùi Hồng Sĩ, hai anh ấy hiện đang sống ở Mỹ.

Rõ ràng có một cái giá phải trả của giới làm báo kể cả làm báo sinh viên trong suốt giai đoạn đó [nói tới sinh hoạt báo chí của Miền Nam 1954- 1975, không thể không nhắc tới sự hy sinh của các nhà báo như Từ Chung ký giả nhật báo Chính Luận [1965], một nạn nhân nổi tiếng khác bị ám sát nhưng thoát chết là nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống [1966]…” (Ngô Thế Vinh. Nguyệt San Tình Thương 1963 – 1967. Gửi Nghiêm Sỹ Tuấn và Các Bạn Nhóm Tình Thương. Diễn đàn Cựu Sinh viên Quân Y. svqy.org/tinhthuong).

Tính mạng của Sinh viên Lê Hữu Bôi và Sinh viên Nguyễn Trọng Nho đã từng được đưa ra thảo luận trong mật khu của Cộng sản:

Sinh viên Lê Hữu Bôi (Khóa 10 Quốc Gia Hành Chánh) và Sinh viên Nguyễn Trọng Nho (Nông Lâm Súc) nắm Tổng Hội SVSG hồi 1964-1965. Mặc dù hai sinh viên này ngả theo khuynh hướng Phật giáo đấu tranh chống các chính quyền Quốc gia, nhưng họ không phải là Cộng sản. Do đó họ trở thành chướng ngại cho ý đồ nắm lấy quyền lãnh đạo sinh viên Sài Gòn của Thành đoàn Cộng sản. Cũng vì vậy mà sinh mạng của họ đã từng được đưa ra thảo luận trong mật khu của Cộng sản.

Trần Bạch Đằng kể lại: “Chị Ba Võ – mang bầu sắp đẻ – nằng nặc đòi diệt các tên lính kín cầm đầu các tổ chức công khai như L.H.B (Lê Hữu Bội), N.T.N.(Nguyễn Trọng Nho). Thuyết phục chị thật vất vả! Anh Chín Dũng (tức Võ Văn Kiệt) bảo tôi: Bà “bầu” này dữ thiệt!”. (Trần Bạch Đằng. Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. NXB Trẻ. Tái bản lần thứ nhất. Trang 14).

Sinh viên Ngô Thế Vinh và danh sách 17 sinh viên nằm trong sổ bìa đen:
Thực ra, chính Bs. Ngô Thế Vinh, khi còn là sinh viên sinh hoạt báo chí tại Y khoa Sài Gòn, cũng đã bị Thành đoàn Cộng sản ghi vào “sổ bìa đen”. Gs. Nguyễn Văn Trung kể lại: “Tôi vẫn còn giữ một danh sách của đội quyết tử cảnh cáo một số sinh viên thuộc các phân khoa như Ngô Thế Vinh (Y khoa)”. (Nguyễn Văn Trung. Đôi điều trao đổi với nhà văn Mai Kim Ngọc. Văn Học số 124, Hoa Kì. Trang 68). Sau khi ra trường, Bs. Ngô Thế Vinh phục vụ tại Liên đoàn 81 Biệt cách Dù lẫy lừng; hiện điều trị và giảng dạy tại Nam California; là tác giả Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (Văn Nghệ, 2001). Bs. Ngô Thế Vinh còn là tác giả của 6 cuốn tiểu thuyết.

Trong lần tái bản cuốn Nửa Thế Kỷ Việt Nam mới đây, nhà văn Song Nhị đã bổ túc thêm một số sinh viên nữa cũng nằm trong danh sách bị Thành đoàn Cộng sản lên án tử hình: “Ngoài những sinh viên đã bị “thi hành án”, đã bị giết như SV Lê Khắc Sinh Nhật; đã lãnh đạn như Ngô Vương Toại, Bùi Hồng Sĩ, Nguyễn Văn Tấn, một danh sách gồm 17 người bị cộng sản lên án tử hình còn có: Phạm Quân Khanh, Phạm Phúc Hưng, Phạm Tài Tấn (Thư Sinh), Phạm Bằng Tường, Nguyễn Tường Quý, Khổng Trọng Hinh, Nguyễn Văn Tấn (Cao Sơn), Hồng Nguyên Sĩ”. (Song Nhị. Nửa Thế Kỷ Việt Nam. Cội Nguồn, ấn bản lần thứ hai, 2010. Tr. 98) Chú thích của Nhà văn Song Nhị về tài liệu nêu trên: “Tài liệu bổ túc do các nhân chứng trong cuộc: Phạm Tài Tấn, Phạm Bằng Tường, Nguyễn Văn Tấn cung cấp trong một cuộc phỏng vấn có thu âm tại San Jose ngày 20-3-2010 cùng tham chiếu bài viết “Chạm Mặt Tử Thần”, Hoàng Xuân Sơn, Sàigòn Nhỏ tuần báo số 961, 23-4-2010, trA6-A7)”.
 

Việt Cộng bắn sinh viên Ngô Vương Toại và Nguyễn Văn Tấn:

Để chuẩn bị mùa bầu cử Ban Đại diện Sinh viên, một chương trình nhạc Trịnh Công Sơn – Khánh Ly được tổ chức tại Văn khoa đêm ngày 20.12.1967. Giữa lúc tạm nghỉ, hai tên thuộc tổ vũ trang tuyên truyền của Thành đoàn Cộng sản nhảy lên cướp diễn đàn, tuyên bố kỉ niệm 7 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (Mặt trận DTGPMN). Sinh viên Ngô Vương Toại, trong Ban tổ chức, vội giật lại micro, và lập tức anh bị bắn trọng thương vào bụng. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn thuật lại biến cố này như sau: “Giờ giải lao, xuất hiện một đôi nam nữ ăn bận khá lịch sự từ từ tiến lên diễn đàn. Nam: quần màu sậm, sơ mi trắng, tay thọc túi quần. Nữ: áo dài xanh lá mạ, đeo kính gọng xếch mắt mèo, tay ôm một chiếc cặp lớn, căng phồng. Ngô Vương Toại đang ở trên sân khấu nói qua về công việc bầu bán ban đại diện sinh viên văn khoa sắp tới.

Nam ngỏ ý xin được góp lời. Nữ đứng sát bên kéo khóa mở cặp. Và rồi trờ tới. Trờ tới nguyên văn: “Xin tất cả anh chị em yên chí. Chúng tôi đã bố trí chung quanh cả rồi – Hôm nay, nhân ngày kỷ niện 7 năm thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam . . .” Cái gì mặt trận!? Nam nói chưa dứt câu, Toại phản ứng lẹ như chớp; nhanh tay giật lại micro: “Ẩu nà, câm mồm! . . . ” Quát: “Đứng im!” Và đoàng đoàng, hai phát súng nổ liên tiếp. Tôi hoa mắt thấy thân hình Toại văng bật vào tường dưới bảng đen. Nhiều phát súng nổ liên tiếp sau đó. Nguyễn Văn Tấn tự Tấn Mốc cầm chiếc ghế nhào lên cứu bạn. Và rồi cũng ăn đạn vào chân té qụy xuống bục sau đó” (Hoàng Xuân Sơn. Chạm Mặt Tử Thần. damau.org).

Sinh viên Nguyễn Văn Tấn, tức Tấn Mốc (nay là nhà báo Cao Sơn, chủ biên tuần báo Tin Viet News), trước khi xẩy ra biến cố Ngô Vương Toại, đã từng lận lưng 2 con chủy thủ, ‘một mình một ngựa’, liểu mạng tới cứu bạn Trần Lam Giang đang bị bọn sinh viên Việt Cộng xử tử bằng cách đóng đinh 10 li vào đầu vì chống lại chúng trong cuộc hội thảo chuẩn bị xuống đường chống chính phủ tại Dược khoa. Trên vantholacviet, trong Lời giới thiệu bài Chạm Mặt Tử Thần, Chu Long Hoa kể về tác phong anh hùng của Tấn Mốc như sau: “Từ trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Saigon ở số 4 Duy Tân, Tấn hay tin do Lê Thành Khôi tức Khôi què, cũng là Sinh Viên Văn Khoa báo, vội một mình lận theo 2 lưỡi lê chạy đến hiện trường để cứu Trần Lam Giang. Trước một rừng du đãng do nhóm Sinh Viên thân Cộng thuê, Nguyễn văn Tấn phải dùng dao đâm hai tên du đảng phụ trách đóng đinh vào đầu anh Trần Lam Giang trên sân khấu để cảnh cáo những người khác trong hội trường rồi dìu Trần Lam Giang ra tận đường Cường Để dưới làn mưa đá do nhóm sinh viên thân Cộng ném vào hai người. Nhưng họ không dám xáp lai gần để tấn công vì Tấn từng tuyên bố ở trong Hội Trường là “chỉ muốn đưa Trần Lam Giang đi cấp cứu, còn ai muốn ngăn cản thì phải chấp nhận “mạng đổi mạng” (Chu Long Hoa. Lời giới thiệu bài Chạm Mặt Tử Thần. vantholacviet).

Bắn sinh viên Bùi Hồng Sỹ

Sinh viên Bùi Hồng Sỹ, Ban Triết Đông, là Chủ tịch Ban Đại diện sinh viên Văn khoa Sài Gòn, cũng đã bị Thành đoàn Cộng sản thanh toán ngay tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Cũng trong tài liệu trên, Nhà văn Song Nhị thuật lại: “Một biến cố khác, cũng năm 1967, nhóm Sinh viên Quốc Gia tổ chức một đại hội Thanh Niên, Sinh Viên Thế Giới Chống Cộng họp tại Vũng Tàu. Trong khi đang tham dự đại hội này, nhóm sinh viên Văn Khoa được báo tin văn phòng của Nhóm Sử Địa tại đại học Văn Khoa đã bị nhóm sinh viên VC vào chiếm giữ. Bùi Hồng Sĩ liền lên xe đò đi thẳng về đại học Văn Khoa. Sĩ vừa bước vào cửa văn phòng liền bị bắn một phát, đạn xuyên qua cổ, nhưng không chết.

Tại đại hội Thanh Niên, Sinh Viên Thế Giới Chống Cộng ở Vũng Tàu, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khi lên đọc diễn văn không rõ do ai đưa tin, Tổng Thống lên án cộng sản đã bắn chết SV Bùi Hồng Sĩ tại đại học Văn Khoa, Sài Gòn. Cả hội trường đứng dậy mặc niệm nạn nhân. Từ ngày đó Bùi Hồng Sĩ không bao giờ được đi ra ngoại quốc, vì Tổng thống đã “khai tử” anh SV này!”.
(Song Nhị. Sđd. Tr.98).

Cái chết đầy nghi vấn của sinh viên Y khoa Trần Quốc Chương năm 1967:Trần Quốc Chương là con trai của Thẩm phán Trần Thúc Linh. Trần Thúc Linh là Tổng Thư kí Liên Minh Các Lực lượng Dân tộc Dân Chủ và Hòa bình Việt Nam của Luật sư Trịnh Đình Thảo, là lực lượng do Cộng sản giật dây. Chưa có tài liệu nào về nguyên do cái chết của sinh viên Trần Quốc Chương. Do đó, chỉ có thể đưa ra các giả thuyết: Một là phe quốc gia giết Chương để dằn mặt ông Linh vì ông Linh đang làm công cụ cho Cộng sản. Giả thuyết này không vững, vì thiếu gì trí thức Miền Nam làm tay sai đắc lực cho Việt Cộng, vậy mà bản thân họ, chứ đừng nói tới con cái họ, đang khi hưởng bổng lộc Quốc gia mà vẫn thoải mái chống chính quyền Quốc gia! Vậy không lẽ chính quyền Quốc gia lại chỉ thanh toán con ông Trần Thúc Linh? Giả thuyết 2: Việt Cộng thanh toán Trần Quốc Chương. Chương “có một giai đoạn vào bưng”, nay về thành đi học lại. Việc bỏ bưng biền về thành của Chương có được sự chấp thuận của bưng biền hay là một sự đào thoát? Nếu mà đào thoát, tức là phản bội. Hoặc giả, trong bưng giao công tác hoạt động trong môi trường Đại học mà Chương không chấp hành. Như thế là bất tuân lệnh của “tổ chức”. Đó là những tội phải bị trừng trị để làm gương. Ba là: Có thể trong bưng biền ra lệnh giết Chương, và tìm cách đổ tội cho chính quyền Quốc gia, để Trần Thúc Linh không còn lựa chọn nào khác hơn là căm thù Quốc gia và riu ríu nghe theo sự sai bảo của Cộng sản. 

Giết Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật

Ngày 28.6.1971, biệt động thành bắn chết Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật ngay tại hành lang trường Luật Sài Gòn. Ban ám sát thuộc Thành Đoàn Cộng Sản cử 2 tên tới Đại học Luật khoa số 4, DuyTân, nhận là người nhà của Lê Khắc Sinh Nhật và muốn gặp anh có việc cần. Lúc đó sắp tới mùa thi cuối niên học, Nhật đang hướng dẫn sinh viên năm thứ nhất về cách thi cử tại một giảng đường. Nghe báo có người nhà tìm, Nhật đi ra. Vừa tới hành lang trước phòng Ban đại diện sinh viên, tên ám sát nhận diện đúng là Lê Khắc Sinh Nhật, hắn mau lẹ móc súng từ trong áo jacket ra bắn liền 3 phát trúng ngực Lê Khắc Sinh Nhật. Sau đó, hắn vội vàng phóng ra ngoài và nhảy lên xe, do một tên khác lái, đang nổ máy chờ sẵn. Viên Cảnh sát đứng gác bên ngoài bắn mấy phát chỉ thiên. Trên đường đào tẩu, chúng còn quăng ngược lại một quả lựu đạn, nhưng may mắn lựu đạn không nổ.

Vừa nghe tin Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát, nhạc sĩ Vũ Thành An đã sáng tác ngay một bài hát tưởng niệm, mở đầu như sau: ‘Anh sinh ngày sinh của Chúa, Chúa gọi anh về giữa tuổi đôi mươi. Anh sinh ngày sinh của Trời…’.

Thành đoàn CS giết Lê Khắc Sinh Nhật vì 2 lí do: Một là để răn đe các sinh viên thuần túy có tinh thần quốc gia; hai là để trả mối hận gây nên do Liên danh Lê Khắc Sinh Nhựt đã thắng liên danh Việt Cộng Trịnh Đình Ban (Bảy Điểm) trong cuộc bầu cử Ban Đại diện sinh viên Luật khoa niên khóa 70-71; đồng thời Nhật còn đứng Phó Nội vụ trong liên danh Lý Bửu Lâm (Kiến trúc) thắng cử trong cuộc bầu Ban Đại diện Tổng hội SVSG, giành lại Tổng hội SVSG từ tay Thành đoàn Cộng sản. Cuộc bầu cử này tổ chức tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (Nông Lâm Súc) vào ngày 20.6.1971. Sau khi biết kết quả kiểm phiếu nghiêng về liên danh Lý Bửu Lâm, bọn sinh viên Việt Cộng dở ngay bản tính côn đồ, chúng nhảy lên bục “đá thùng phiếu để hủy bỏ kết quả bầu cử” và ẩu đả hỗn loạn (Trần Bạch Đằng. Trui Rèn Trong Lửa Đó. Tái bản 1. Trang 21).

Bị thất bại trong cuộc bầu cử Tổng hội sinh viên, Thành Đoàn Cộng sản hết sức cay cú. Họ đã đưa ra 2 quyết định: Một là sát hại sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật; hai là chỉ thị Huỳnh Tấn Mẫm tập họp một số sinh viên tại trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử số 294 đường Công Lý vào ngày 28 tháng 7 năm 1971 để bầu ra một tổ chức ma, chưa bao giờ có. Đó là ‘Tổng hội Sinh viên Việt Nam’, do Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch và Nguyễn Thị Yến làm tổng thư kí.

Quyết định hạ sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật là một quyết định tàn ác, đê tiện của Thành Đoàn Cộng Sản. Vì thế, sau ngày 30 tháng 4 năm1975, mặc dù họ tung ra nhiều tài liệu và sách báo khoe khoang thành tích đấu tranh của các tổ chức Thành Đoàn, nhưng đặc biệt họ không hề dám công khai nhắc tới ‘thành tích’ ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật.
 

Giết Gs. Nguyễn Văn Bông

Ngày 10.11.1971, sinh viên Việt Cộng Vũ Quang Hùng (bí danh Ba Điệp, năm 3 Khoa học) và tên Lê Văn Châu dùng chất nổ ám sát chết Gs. Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản. Hai tên Hùng và Châu thuộc Đội trinh sát võ trang mang bí số S1 hoạt động nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn / Ban An ninh T4. Hùng và Châu đều bị bắt, ra tòa và thụ án tại Côn Đảo. Sau 30.4.1975, tên sát nhân Hùng đã viết bài “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” hãnh diện kể về thành tích ám sát của mình và đăng trên một số tờ báo, trong đó có tạp chí Đứng Dậy (Đối Diện, Đồng Dao) của Lm. Chân Tín. Tác giả Khánh Dung viết: “ ‘Chiến công’ của Vũ Quang Hùng đã được chính ông ta kể lại trong một bài đăng trên tạp chí Đứng Dậy của Linh Mục Chân Tín năm 1976. Đến tháng 4/2000, trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày chiến thắng 30 tháng 4 nhà báo chuyên về các đề tài tình báo Nam Thi của báo Thanh Niên cũng kể lại chuyện này, trong đó có ghi rõ vai trò trợ giúp đắc lực của Nguyễn Hữu Thái” (Khánh Dung. Những người giết Gs. Nguyễn Văn Bông bây giờ ở đâu?vantuyen.net).

Cũng trong bài báo của mình, tên Hùng đã giải thích lí do ám sát Gs. Nguyễn Văn Bông như sau: “Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam – Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.

Sau 30.4.1975, Hùng nắm chức Phó Tổng biên tập báo Công An Thành phố HCM, Tổng biên tập tạp chí Người Du Lịch và biên tập cho báo Pháp Luật Thành phố HCM.
 

Giết Gs. Lê Minh Trí và Gs. Trần Anh

Ngày 06.01.1969, lúc 7:50 sáng, bọn ám sát Thành đoàn liệng lựu đạn M6 vào xe của Bs. Lê Minh Trí, Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên và đã giết chết ông tại khúc đường Nguyễn Du rẽ sang Hai Bà Trưng. Sau đó 2 tháng, đến lượt Bs. Trần Anh, Giám đốc Viện Cơ thể học Sài Gòn kiêm tân Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn (lên thay Viện trưởng Trần Quang Đệ bị cách chức vì đào nhiệm), bị bắn chết trước cổng Trường Trung học Chu Văn An, trên đường đi bộ từ Đại học Y khoa về nhà ông, cạnh Đại học xá Minh Mạng, ngang hông nhà thờ Ngã Sáu, Chợ Lớn. Chỉ có suy đoán chứ chưa biết đích xác ai là thủ phạm vụ ám sát

Gs. Trần Anh.

Sự thực, khoảng thời gian đó, tại Đại học Y khoa Sài Gòn, đang có sự chuyển mình sinh ra tranh chấp giữa hai hệ thống giáo dục Pháp và Mĩ, khiến có dư luận: “Ai ai cũng nghĩ rằng cái chết của Bộ trưởng Lê Minh Trí và Giáo sư Trần Anh, Viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn đều có liên quan đến sự can thiệp của phái bộ Y Sĩ Đoàn Hoa Kỳ vào nội tình của trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn”. (Bs. Lê Ánh bút hiệu Lê Phú Thọ. Trường Đại học Y khoa Sài Gòn (1966-1971) Chiến tranh và Chính trị. ninh-hoa.com).

Thế nhưng sau 30.4.1975, Thành đoàn Cộng sản ra sách xác nhận và kể lại “thành tích” vụ ám sát Bộ trưởng Lê Minh Trí của chúng như sau: “Đến năm 1968 lại xuất hiện một tên tay sai có tầm cỡ hơn: Bộ trưởng giáo dục và thanh niên L.M.T. (Bác sĩ Lê Minh Trí, giáo sư chuyên khoa Tai mũi họng). Là một trí thức tay sai đế quốc Mỹ, T. có nhiều bản lãnh trong việc đem văn hóa trụy lạc, ngoại lai đầu độc thanh niên thành phố. Hắn đòi giải tán các tổ chức hợp pháp của sinh viên, học sinh. Hắn cũng đã chủ trương chiếm và tiến tới dẹp bỏ trụ sở Tổng hội Sinh viên ở số 4 Duy Tân. Trừng trị kịp thời con rắn độc này là một nhiệm vụ chính nghĩa, quang vinh. Ban quân sự Thành đoàn được Thành ủy giao cho nhiệm vụ vinh quang ấy. Đồng chí Ba Tung, phó ban, đội trưởng đội ba trực tiếp đánh…” (Hàng Chức Nguyên. Những Tiếng Nổ Trong Lòng Sài Gòn. Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. NXB Trẻ. Tái bản lần thứ nhất. Trang160).

Kết bài

Chiến tranh để lại những vết thương mà thời gian không thể xóa mờ và những mất mát không bao giờ có thể bù đắp. Những vụ sinh viên Việt Cộng giết thầy giết bạn xẩy ra đã trên 40 năm.

Đã hơn 40 năm mà tôi vẫn còn nhớ như in cặp mắt lộ hung tinh của tên sinh viên Việt Cộng Nguyễn Thị Yến, vẫn còn nhớ thị gọi Bùi Hồng Sỹ là “con dê núi”… Và hình ảnh Sinh viên Ngô Vương Toại vui vẻ, hoạt bát vào các giảng đường vận động bầu cử vẫn còn sinh động như mới hôm qua! Rồi quang cảnh hỗn loạn tại Giảng đường 4 Văn khoa đêm hôm xẩy ra vụ Tổ Vũ trang Tuyên truyền Thành đoàn Cộng sản cướp diễn đàn và bắn sinh viên Ngô Vương Toại và Sinh viên Nguyễn Văn Tấn…

Đã hơn 40 năm, nhưng những nạn nhân như bà Lê Thị Thu Vân, tức bà Jackie Bông, phu nhân của cố giáo sư lừng danh Nguyễn Văn Bông bị tên Sinh viên Vũ Quang Hùng ám sát, tuy không bao giờ quên nổi biến cố bi thương bỗng ập xuống cuộc đời bà và các con nhỏ dại của bà năm xưa, nhưng bà đã lấy tâm Phật mà “cầu nguyện cho ông ấy (tức tên Hùng, kẻ đã giết chồng bà)” và mong nhà cầm quyền Hà Nội “mở mắt ra”, “mở tấm lòng ra” (Kí giả Mạc Lâm, RFA, phỏng vấn Bà Lê Thị Thu Vân. Viettop10.com ngày 05.05.2011).

Đang khi đó sau 30.4.1975, với tư thế của kẻ thắng trận, Thành đoàn Cộng sản vẫn còn ra sách, hãnh diện khoe khoang những tội ác giết người của chúng. Đến bây giờ mà chúng vẫn còn ghép tội chết cho Bộ trưởng Giáo dục Lê Minh Trí (bác sĩ, giáo sư) là “tay sai đế quốc My”, “ đem văn hóa truỵ lạc, ngoại lai đầu độc thanh niên thành phố” và “Trừng trị con rắn độc này là một nhiệm vụ chính nghĩa, quang vinh”! Với cách kết án và hành xử như thế, thì trước những quốc nạn tày trời mà bọn lãnh đạo Cộng sản Hà Nội gây ra cho đất nước, cho đồng bào ngày nay, thì chúng phải bị trừng trị như thế nào cho công bình, cho cân xứng?

Riêng tên sinh viên Khoa học Vũ Quang Hùng, can phạm chủ chốt sát hại Giáo sư Nguyễn Văn Bông, đến nay vẫn không chút ân hận. Tên Hùng đã giết người mà không chịu rửa sạch bàn tay vấy máu. Giữa thời đại khắp thế giới lên án khủng bố, mà tên Hùng vẫn nhiều lần đưa lên một số tờ báo trong nước bài Tôi Ám Sát Người Sắp Làm Thủ Tướng Sài Gòn. Coi như hắn muốn tiếp tục giết chết nạn nhân của hắn nhiều lần nữa cho thỏa thú tính. Không biết ngày nay có ai đọc bài viết của Vũ Quang Hùng mà còn khen y là anh hùng hay không, nhưng rõ ràng là có những bài viết, những phản hồi, cả trong nước lẫn ngoài nước, phê phán bài viết của tên Hùng là “phản cảm”, là “khó nuốt…distasteful” (Ts. Nguyễn Văn Tuấn. Ám sát Gs. Nguyễn Văn Bông: Chuyện cũ, Ý nghĩa mới. ngoclinhvugia.wordpress.com).

Cuộc chiến Quốc- Cộng dù giải thích nguyên nhân ra sao, thực tế vẫn là một thảm họa nồi da xáo thịt của dân tộc Việt Nam.

Nhìn ngắm cách giải quyết cuộc nội chiến Nam Bắc My, cuộc giải thể chế độ Cộng sản ở Nga và Đông Âu trong tình dân tộc, có người Việt Nam yêu nước chân chính nào mà không tiếc xót cho vận nước? Càng xót xa cho nước non, càng “tỏ tường rồi” (Nhạc sĩ yêu nước Việt Khang) những tội ác Cộng sản Việt Nam đem tới cho quê hương đất nước trong 80 năm qua và hệ lụy có thể sẽ còn kéo dài hàng trăm năm nữa. Đảng Cộng sản Việt Nam xúi giục hận thù để đạt chiến thắng, chiến thắng rồi vẫn tiếp tục chính sách thù hận.

Cộng sản Hà Nội còn nắm được quyền cho tới nay, không phải vì họ có chính nghĩa, có công hoặc là có tài làm cho dân giàu nước mạnh mà chính là vì họ là bậc thầy về nói dối và sẵn sàng dùng bạo lực. 

Thật đúng như câu nói: “Cộng sản sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực, chết đi trong sự khinh bỉ và nguyền rủa của toàn thể nhân loại”.





Anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan

Nguyễn Đắc Xuân

Huỳnh Tấn Mẫm



Blog Archive