Tuesday, February 9, 2016


Tình vẫn trao Em

Đám cưới của đứa cháu diễn ra thật trang trọng và vui vẻ. Tôi cùng vợ và hai đứa con từ Hoa Kỳ sang Úc dự đám cưới của đứa cháu trai, con út của anh cả tôi. Đây là dịp vui hiếm hoi tôi được sum họp với gia đình anh chị từ ngày mất nước ra đi, anh em rất ít có cơ hội gặp gỡ nhau. Anh chị tôi rất vui mừng mãn nguyện vì đã hoàn thành nhiệm vụ cha mẹ dựng vợ gả chồng cho đàn con năm đứa, vừa có dịp gặp lại bao người thân thuộc hai bên trong ngày vui trọng đại này.

Đám cưới diễn ra vào sáng thứ Bảy đầu tiên của tháng Tám năm 2001, thành phố Melbourne với tiết trời lập Xuân, bầu trời trong xanh mát dịu, hai bên đường hoa anh đào nở khoe sắc thắm đỏ hồng tuyệt đẹp. Lễ cưới được tổ chức theo phong tục Việt Nam diễn ra trên một đất nước thanh bình Úc Đại Lợi nên được dân chúng bản xứ hiếu kỳ tò mò quan sát rất đông vui, đẹp mắt. 

Gia đình tôi tháp tùng cùng toàn thể gia đình anh chị xuất hành đến nhà gái cử hành lễ rước dâu. Tôi sung sướng nắm tay vợ, cùng nhìn về hai con, một trai một gái đang trong lứa tuổi đại học, nhất là đứa con gái yêu thướt tha yểu điệu trong tà áo dài Việt Nam nhập cùng đám trẻ bưng các mâm lễ vật từ từ tiến vào nhà gái.


Note: hình trong bài này là minh họa.

Lễ vu quy diễn ra theo đúng phong tục cổ truyền trang nghiêm và cảm động. Cô dâu chú rể trong y phục áo dài khăn đóng làm lễ bái lạy gia tiên, chúc rượu cha mẹ và họ hàng thân thuộc nhà gái. Tôi thoáng giật mình sửng sốt vì nhận ra các khuôn mặt thân quen của một thời xa xăm năm cũ. Đến khi đôi trẻ chúc rượu gia đình dì út của cô dâu, tim tôi nhói đau vì nhận ra khuôn mặt của một người tình ba mươi năm về trước. Nhìn cảnh vợ chồng người dì cùng ba con đang tíu tít chúc tụng cô dâu chú rể, tôi cảm thấy ngỡ ngàng như tâm trạng thi sĩ Nguyễn Bính năm xưa:

Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò còn không?
Tình cờ gặp giữa phố đông
Em đi ríu rít tay chồng tay con
Nét cười âu yếm môi son
Áo bay nhắc thưở trăng tròn sánh vai
.

Ngày đó, tôi phục vụ tại một Liên Đoàn Đặc Nhiệm Tuần Thám Hải Quân, bộ chỉ huy đóng tại Tiền Doanh Yểm Trợ Tiếp Vận Rạch Sỏi. Trong một chiều rảnh rỗi, không phải trực hành quân, tôi theo một người bạn cùng đơn vị về nhà nó ở khu dinh điền Cái Sắn dự đám cưới.

Sau khi qua chuyến đò ngang, chúng tôi đi bộ trên con đường tráng xi măng để về nhà gần đó. Trên con đường làng dọc theo con kênh đào, thỉnh thoảng chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng lúa xanh mướt sát lề đường trải dài xa tít tắp, có những cô thôn nữ đang lom khom cấy lúa thần nông, hòa lẫn tiếng cười đùa vui vẻ, cảnh tượng thật đẹp như trong thơ Hàn Mặc Tử:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Nhưng ở đây chúng tôi đang đi trên con đường làng cao nhìn xuống thửa ruộng các cô đang thoăn thoắt cấy lúa, chứ không phải ngước nhìn các cô đang hái chè trên đồi cao.

Bỗng một giọng hát trong trẻo cất lên trêu chọc chúng tôi:

Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em trêu đôi lời!

Tiếp theo là chuỗi cười vang thích thú. Vì là quê nhà của bạn tôi nên nó chỉ nhăn răng cười trừ. Còn tôi, không lẽ lại chào thua? Nhìn cảnh các cô đang sắn quần khom lưng trên thửa ruộng ngập nước để cấy lúa, một hình ảnh lý thú thoáng hiện trong trí, tôi bèn cất tiếng đáp lễ:

Hỡi cô cấy lúa đồng sâu
Sao cô lại chổng phao câu lên trời?

Tôi cứ ngỡ là sau câu hát này sẽ được cười vang đắc thắng. Nhưng mà... đời có chữ ngờ tôi học mãi vẫn chưa thuộc. Một cô trong bọn đẹp nhất, xinh nhất cất tiếng đối đáp với tôi:

Trời làm hạn hán tứ kỳ
Em không đi chổng lấy gì anh xơi?


Câu hát vừa dứt là các cô cất tiếng cười vang. Tôi cảm thấy đất trời như đang quay cuồng trước mắt làm tôi choáng váng, ú ớ chẳng biết đâu để trả lời. Thôi thì... ba mươi sáu chước, chước gì là hơn? Hai đứa tôi bước vội như bị ma đuổi, những giọng cười quái ác vẫn còn bám theo lưng chúng tôi.

Sau vụ này, lòng tôi cảm thất “sợ” các cô gái Bắc kỳ vùng Cái Sắn lắm rồi. Nào ngờ ngày đám cưới bạn tôi, tôi gặp lại cô gái cấy lúa hôm nọ, đang e lệ khép nép trong vai phù dâu. Tim tôi cảm thấy bồi hồi xao xuyến, mạnh dạn tiến đến ngỏ lời làm quen. Trong tiệc cưới, chúng tôi đã trò chuyện với nhau, tôi đã thưởng thức chữ “xơi” của các cô gái Bắc kỳ bé nhỏ xinh xinh. Thú vị nhất trong những lần mời tôi ăn cơm, hút thuốc, uống trà, đến cả ăn trầu cau, cô ấy đều dùng một chữ “xơi” duy nhất. Tôi càng thú vị hơn khi cô ấy bưng khay trầu cau tới, miệng duyên dáng mời mọc:

-Mời anh xơi trầu ạ!

Dù chưa một lần biết ăn trầu, tôi cũng đưa tay nhón lấy một miếng trầu cho cô ấy vui lòng.

Tôi say sưa ngắm nhìn cô ấy, hồn chơi vơi khi nhớ đến bài ca dao:

Lên vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm chín, mời anh xơi trầu
Trầu này têm những vôi tầu
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay
Trầu này ấp ủ đêm ngày
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Xơi dăm ba miếng kẻo lòng nhớ thương!

Thế rồi sau buổi ban đầu gặp gỡ đó, chúng tôi đã quen nhau, mến tài nhau và sau những lần cuối tuần đến chơi thăm nàng, tình cảm chúng tôi mỗi ngày càng thêm thắm thiết và cuối cùng chúng tôi đã yêu nhau.

Sau những lần đến thăm gia đình nàng và những lần hẹn hò gặp gỡ, chúng tôi đồng ý thưa chuyện với gia đình để tiến đến hôn nhân. Nhưng có một điều làm tôi e ngại: nàng là con chiên ngoan đạo, tôi là người Phật tử, biết tính sao đây? Hơn ai hết, tôi biết rõ tính nghiêm khắc bảo thủ của cha tôi, chắc gì người đồng ý cho tôi theo đạo để được kết duyên với nàng. Nhưng mà tình yêu đến, tôi quyết vượt qua tất cả mọi khó khăn thử thách để được nàng yêu, vì rằng:

Yêu em: mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Vì tình yêu, dù tôi có trèo núi, lội sông, leo đèo tôi nào có sá gì? Chẳng lẽ chỉ vì một bức tường tôn giáo thấp lè tè mà tôi phải ngại ngùng ư? Vì thế, trong lần về phép thăm nhà, trong bữa ăn tối, tôi trình bày với cha mẹ và các anh chị mối tình của chúng tôi và xin cha mẹ đến cưới hỏi nàng. Nhưng khi tôi trình bày đến sự khác biệt tôn giáo và theo sự đòi hỏi của gia đình nàng là tôi phải theo đạo, cha tôi đã tỏ vẻ thờ ơ lạnh lùng, nhất quyết không cho. Tôi cố gắng thuyết phục, năn nỉ cha tôi đổi ý nhưng ông vẫn một mực khăng khăng không chấp thuận, vững như tường đồng vách sắt, tôi không sao lay chuyển được. Buồn quá, tôi bỏ về đơn vị.

Lần đó, trong dịp đến nhà ghé thăm nàng, thấy tôi có vẻ buồn, nàng dò hỏi tôi. Ban đầu tôi giấu, nhưng nàng ngọt ngào hỏi mãi, tôi đành thở dài kể chuyện cho nàng nghe. Tuy buồn, nhưng nàng vẫn an ủi tôi:

-Thôi, anh cũng đừng buồn nữa. Cha mẹ nào mà chẳng thương con. Biết đâu mai này bác trai sẽ đổi ý mà cho đôi ta sớm được nên duyên. Thôi thì chúng ta hãy cầu nguyện Chúa...

Tôi vội ngắt lời nàng:

-Cầu nguyện ư? Hơn ai hết anh biết rõ tính bố anh. Cầu nguyện nào có ích gì? Cầu thế này thì cầu đến bao giờ? Chúa ơi! Thưở chờ đợi, thời gian ôi rét mướt!

Thế rồi mối tình của chúng tôi cứ dùng dằng vì sự phản đối của cha tôi nhưng tình yêu của chúng tôi không vì thế mà phai lạt. Mãi hơn hai năm sau, khi gia đình giục tôi lấy vợ, tôi mới trình bày cho cha mẹ rõ là nếu tôi không lấy được nàng, tôi không lập gia đình với ai cả. Cuối cùng, nhờ mẹ tôi và các anh chị nói giúp, cha tôi mới xiêu lòng mà thuận lòng theo tôi từ Sài Gòn xuống Rạch Giá hỏi vợ cho tôi.

Tuy gia đình tôi xuống chơi bất ngờ không báo trước, nhưng nàng vẫn vén khéo thu dọn nhà cửa, vườn tược trong nhà ngoài ngõ ngăn nắp để làm đẹp lòng cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi rất ưng ý vì thấy nàng đảm đang, khéo léo nên đã ngỏ lời cầu hôn nàng cho tôi. Thế là sau bao khó khăn trắc trở, tôi mới được phép chuẩn bị theo đạo để cùng nàng tiến đến ngưỡng cửa hôn nhân.

Thế rồi, trong những dịp cuối tuần đến thăm nàng, nàng đưa tôi đến nhà thờ dự thánh lễ.

Cùng nàng bước vào thánh đường, tôi cùng với mọi người đọc “Kinh Cáo Mình” thú tội cùng Thiên Chúa:

-Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...

Miệng đọc ba lần “lỗi tại tôi” thì tay tôi đấm ngực ba cái. Tôi khổ sở than thầm:

-Chúa ơi!
Con khờ khạo qúa, ngu ngơ qúa,
Chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì!

Thế này thì oan cho con qúa, Chúa ơi! Chúa đã dạy rằng “yêu thương người ta như mình con vậy”. Thế mà con yêu nàng cũng có tội lỗi nữa ru? Chúa ở trên cao có thấu hiểu cho tình con...

Tan lễ xong, trên đường về nhà, tôi than thở với nàng, nhại lời 4 câu ca dao:

Yêu em, anh cũng muốn vô
Sợ chuông nhà thờ, sợ cuốn thánh kinh
Cuốn thánh kinh học hoài khó thuộc
Chuông nhà thờ nghe buốt cả tai.

Nàng mỉm cười duyên dáng an ủi tôi:

-Yêu em, anh phải kính Chúa. Đó là điều kiện “ắt có và đủ” để cho đôi ta đắp xây lâu đài tình ái. Bao nhiêu chông gai vất vả anh đã vượt qua, chỉ còn một chặng đường ngắn mà anh vượt qua không nổi hay sao?

Biết nàng khích, nhưng tôi vẫn nhăn nhó:

-Anh vẫn biết thế, nhưng mà...em ơi: Phật chỉ có năm giới cấm, Chúa có tới mười điều răn.

Nhiều quá, làm sao anh giữ cho nổi hở em? Lỡ mai kia mốt nọ em có lên thiên đàng, bỏ anh bơ vơ dưới địa ngục thì tội nghiệp anh lắm em ơi!

Nhưng nói là nói thế cho vui, lòng tôi vẫn quyết tâm đắp xây mái ấm với nàng. Có những chiều cùng nàng học giáo lý, tôi có dịp âu yếm thì thầm cùng nàng đắp xây mộng ước mai sau:

Anh thường nói: “Nếu con mình là gái
Sẽ giống em từ sóng mắt môi cười”
Em bảo rằng: “Nếu con mình là gái
Đừng như em dối mẹ đến thăm ai
Là con trai cho đi làm thủy thủ
Vượt trùng dương mang áo trắng yêu thương
Thư viết kể chuyện khi xa bến
Em thì thầm và âu yếm: giống như anh”...
(Nhạc phẩm “Mộng ước mai sau”)



Nhưng rồi vào đầu năm 1975, chúng tôi chưa kịp cử hành đám cưới thì tôi được lệnh thuyên chuyển xuống một tuần dương hạm và tôi phải xa nàng từ đó. Lòng tôi buồn héo hắt vì thương nhớ nàng khi phải theo chiến hạm với những ngày dài lê thê, lênh đênh trên biển mà hầu hết là các vùng duyên hải miền Trung. Đến khi đất nước gặp cơn nguy biến, các tỉnh miền Trung lũ lượt di tản, chiến hạm tôi đã tham dự hành quân liên tục với các trận hải pháo, chuyển quân, hộ tống cho đến ngày quốc nạn 30-04-1975. Tôi cũng như hầu hết thủy thủ đoàn, đau lòng bỏ lại bao người thân yêu kẹt lại quê hương thống khổ mà đưa chiến hạm ra đảo Côn sơn, nhập cùng hạm đội Hải Quân Việt Nam lên đường lánh nạn ra nước ngoài.

Thế rồi, sau vài tháng tạm cư tại đảo Guam, tôi được chuyển vào đất Hoa Kỳ và định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Trong những ngày tháng đầu tiên lưu lạc ở quê người, tôi buồn ủ rũ, lúc nào cũng đầy ắp thương nhớ bao người thân yêu đang kẹt lại quê nhà: cha mẹ, các anh chị đang bị tù đày và người tình bé nhỏ đang mòn mỏi đợi chờ nơi quê hương cách biệt:

Tôi có người tình nhỏ,
Đôi má thơm thơm mùi lúa chín
Ai ra đi mà không từng bịn rịn
Rời yêu thương nào dễ mấy ai nguôi
Em lặng nhìn trong lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ
(Bên kia sông – YÊN THAO)

Nỗi đau khổ, nhớ thương cứ ray rứt trong tâm tư tôi mãi. Có những buổi sáng mùa Đông cuối tuần, tôi ngồi cô đơn trong căn phòng vắng, điếu thuốc hờ hững trên môi, nhìn ra bên ngoài bầu trời tuyết phủ, nhâm nhi tách trà nóng trong tay mà nỗi sầu ập đến. Tôi như nhìn thấy hình bóng nàng ẩn hiện đâu đây mà lòng buồn vời vợi:

Khói thuốc theo dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mưa
(Đôi Bờ - QUANG DŨNG)

Dù trong hồn đầy ắp những buồn đau thương nhớ nhưng tôi vẫn phải thích nghi với đời sống mới nơi xứ người để tạo lập tương lai cho chính mình. Tôi vừa làm vừa ghi danh đi học, tạm cất bao nỗi khổ đau nhung nhớ trong lòng. Sau hơn bốn năm miệt mài học tập, tôi tốt nghiệp ra trường và có công ăn việc làm ổn định. Lúc đó, tôi nghe loáng thoáng tin nàng vừa lấy chồng sau mấy năm dài mỏi mòn biền biệt chờ đợi tin tôi. Tuy buồn, nhưng tôi không dám trách nàng vì tuổi thanh xuân của nàng chỉ có một lần, tình tôi với nàng mỗi người một phương trời xa cách, chờ đợi nào có ích gì?

Pháo hồng đưa tiễn người sang sông
Áo tím ngày xưa đi lấy chồng
Chuông đổ ngân vang hồi ly biệt
Đưa em về bến đục hay trong?
(Hoa trắng thôi cài trên áo tím – KIÊN GIANG)

Nỗi buồn theo năm tháng rồi cũng phôi pha. Đầu năm 1980, tôi lập gia đình với người em vợ một đơn vị trưởng cũ của tôi. Hạnh phúc gia đình của tôi êm đềm trôi qua không có gì phải nói với hai đứa con nay đã vào đại học. Hôm nay, sang Úc thăm anh chị và dự đám cưới đứa cháu, tình cờ gặp lại nàng làm tôi nhớ lại khung trời kỷ niệm của một thời trai trẻ và quãng đời quân ngũ xa xưa.

Tôi cố che giấu cảm xúc, không để cho vợ tôi nhận biết, chỉ lặng lẽ thoáng nhìn cố nhân mà trong lòng sóng dậy. Đến khi rước dâu về nhà anh tôi, làm lễ gia tiên và đãi tiệc, tôi gắng che đậy những ngượng ngùng, ra vẻ tự nhiên cho ai nấy khỏi nghi ngờ thắc mắc.

Buổi chiều cùng gia đình hai họ ra nhà thờ cử hành thánh lễ hôn phối cho cặp tân hôn, lòng tôi bồi hồi cảm xúc, nhớ lại cảnh cũ người xưa. Nếu không vì đất nước nổi cơn loạn ly dâu bể, tôi với nàng đã là hình ảnh hai đứa cháu trước mặt chúng tôi, được nên duyên vợ chồng trước bàn thờ Chúa hay sao? Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Tiếng Chuông Đầu Đời” của thi sĩ Hà Huyền Chi diễn tả thật đúng tâm trạng tôi lúc này:

Một tôi lỡ đạo lỡ đời
Một tôi dở khóc, dở cười vì em
Mẹ tôi niệm Phật hằng đêm
Tôi mang thánh giá mon men nhà thờ
Em cười Chúa cũng ngẩn ngơ
Tôi về cắn bút làm thơ tỏ tình
Từng hồi chuông rộn âm thanh
Có tôi bẽn lẽn dạo quanh giáo đường
Tim tôi rộn rã hồi chuông
Em như hiển thánh nữ vương tuyệt vời
Tôi cầu cùng Chúa ba ngôi
Cho em nghiêng xuống tình tôi mặn nồng
Hỡi ơi: em đã có chồng!
Tôi đem thánh giá tặng ông bõ già
Nào ngờ ba chục năm qua
Hận thì vẫn hận, nhưng mà..còn thương!
Bây giờ nhìn thấy giáo đường
Tim tôi vẫn rộn tiếng chuông đầu đời.

Trong tiệc cưới tối hôm đó, lòng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui mừng vì được gặp lại người xưa, tưởng rằng tình cũ đã chôn kín trong lòng. Buồn vì gặp nhau sao đành nín lặng, biết nói gì đây khi ai nấy đều có mái ấm gia đình riêng tư, gặp lại nhau trong hoàn cảnh bẽ bàng như hai người xa lạ. Vì thế, tuy tôi được sắp xếp ngồi chung bàn với vợ chồng nàng, tôi phải gượng vui đóng vai họ hàng nói cười tự nhiên như người trong nhà. Sau phần khai mạc, trình diện cô dâu chú rể và họ hàng hai họ đến với quan khách, nhập tiệc được một lát thì tôi lấy cớ ra ngoài hút thuốc để cho tâm tư lắng đọng , bình an cho tâm hồn. Tôi đang thả hồn theo khói thuốc thì một bàn tay đặt nhẹ lên vai. Tôi giật mình quay lại, thì ra bà mẹ của cô dâu, chị ruột của nàng. Tôi gật đầu chào trước. Chị nàng lên tiếng hỏi:

-Chào chú! Chú vẫn khỏe chứ? Mấy mươi năm rồi mới được gặp lại chú ở đây!

-Dạ, cám ơn chị. Gặp lại chị, em mừng lắm, nhưng không dám nhìn, e rằng nhắc lại chuyện cũ chỉ thêm buồn mà thôi.

-Tôi hiểu chú ạ! Chú và em tôi không ai có lỗi cả, chỉ vì hoàn cảnh đất nước mà thôi. Nhưng em tôi bấy lâu buồn tủi vì chú ra đi suốt mấy năm trời mà nó không nhận được tin gì của chú cả. Tôi muốn nhờ chú nhân buổi tiệc cưới của cháu đêm nay, nhắn hộ một tiếng cho em nó khỏi buồn. Chú nghĩ sao?

Tôi cười buồn, khổ sở:

-Em biết nói gì đây hở chị?

-Lát nữa, trong phần cắt bánh cưới của hai cháu, tôi sẽ dặn MC giới thiệu chú lên nói về phần ấy, chú có đôi lời nhắn gửi dì ấy thì đẹp biết bao. Được không chú?

Thế rồi chừng giữa tiệc cưới, anh xướng ngôn viên mời đôi tân hôn lên trước quan khách để chuẩn bị mục cắt bánh cưới và uống rượu giao bôi. Anh MC đã ân cần giới thiệu tôi, chú út của chú rể từ Mỹ sang sẽ lên hướng dẫn cho hai cháu cắt bánh cưới trước khi khai mạc dạ vũ.

Tôi bước lên, cúi chào quan khách và ngỏ lời cám ơn anh bạn hướng dẫn chương trình, tôi nhập đề liền:

-Kính thưa qúy quan khách và quan viên hai họ, Trước hết tôi xin cảm ơn bà con hai họ đã có nhã ý dành cho tôi cái vinh dự giới thiệu tiết mục cắt bánh cưới của hai cháu đêm nay.

Hai cháu thương mến,
Chú cảm thấy ngập tràn hạnh phúc được tham dự ngày vui nhất đời của hai cháu. Từ đất nước Hoa Kỳ xa xôi, sang dự đám cưới hai cháu, chú được gặp lại đứa cháu trai bé bỏng thân yêu mà khi chú ra đi tị nạn cháu vừa tròn ba tuổi. Hôm nay, đứng trước mặt chú đây là chàng trai trưởng thành, chững chạc có tương lai sự nghiệp rỡ ràng và chú có thêm một cháu dâu đảm đang, tài sắc vẹn toàn.

Trước khi hai cháu cắt cái bánh cưới này để bắt đầu cuộc sống trăm năm bên nhau, chú muốn nhắc hai cháu ý nghĩa của hai chữ TÌNH YÊU. Theo chú biết, người có được tình yêu đích thực trong đời chẳng ai khác hơn là ông anh cả kính mến của chú, là bố mẹ của hai cháu ở đây. Nếu thi sĩ Xuân Diệu bảo tình yêu là gió, là mây, là buổi chiều có nắng nhạt thì ông anh của chú đã cầm tay cô sinh viên văn khoa bên bờ hồ hồi ba mươi sáu năm về trước, bảo rằng:

Em hãy lặng thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu.

Có lẽ chị dâu của chú cảm thấy lòng bồi hồi sau buổi chiều nhạt nắng khi con tàu của anh phải tách bến đi xa, giống như nữ sĩ Tôn Nữ Thu Hồng của đất thần kinh ngày trước:

Còn nhớ hôm xưa, một buổi chiều,
Cùng chàng trò chuyện chẳng bao nhiêu
Chàng đi tôi thấy: ôi, mong nhớ
Và cảm quanh mình nỗi tịch liêu!

Thế rồi, tình yêu của anh chị đã đơm hoa kết trái để bắt đầu tạo lập mái ấm gia đình:

Bình minh buổi ấy gặp anh
Rủ em ra chốn kinh thành xa khơi
Yêu anh, em hóa yêu đời
Theo anh chắp cánh tung trời bay cao
(Nhớ Quê – VÂN ĐÀI)

Khi anh chị kết hôn, chú chỉ là cậu thiếu niên mười sáu, luôn xem anh mình là thần tượng để mai sau ra đời phải cố gắng noi theo. Vài năm sau, chú đến chơi nhà thì đã thấy đầy tiếng cười đùa trẻ thơ:

Lấy chồng từ thuở hăm ba,
Đến năm hăm chín, thiếp đà năm con
Ra đường thiếp vẫn còn son
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng!

Tình yêu của anh chị lúc nào cũng thắm thiết như thưở ban đầu dù cho cuộc đời dâu bể. 


Những khi hoạn lộ thênh thang, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi; có lúc hoạn nạn gian nan khi anh bị tù đày sau ngày mất nước, chị phải đưa đôi vai gầy yếu đảm đang “nuôi đủ năm con với một chồng” thay anh đang ở chốn lao tù cải tạo:

Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Tình yêu của bố mẹ cháu đẹp như thế đấy, chú mạn phép qúy quan khách kể lại một chuyện tình đẹp trên thế gian cho hai cháu nghe nhân ngày vui nhất đời của hai cháu. Chú mong ước tình yêu của hai cháu nếu không hơn được mối tình của bố mẹ cháu, thì ít ra... cũng bằng quãng thời gian bố mẹ cháu sống khắng khít hạnh phúc bên nhau tính cho đến ngày nay là ba mươi sáu năm trường.

Bây giờ, các cháu hãy cầm tay nhau cùng cắt bánh cưới. Xin mời hai cháu.


Sau khi hai trẻ cắt bánh và uống rượu giao bôi xong, tôi tiếp lời:

-Sau hết, chú có một bài hát này tặng hai cháu với điều kiện hai cháu sẽ trao cho nhau một nụ hôn trước mặt mọi người để chứng kiến tình yêu của hai cháu. Bao giờ chú dứt tiếng hát thì hai cháu mới ngừng hôn nhau nhé! Nào, ta bắt đầu: “Rồi mai đây tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời...Dù cho mây, dù cho bão tố có kéo qua đây, dù cho có tuyết lạnh đầy. Tình ơi, dù sao đi nữa, tôi vẫn....yêu em” ((Niệm Khúc Cuối - nhạc Ngô Thụy Miên).

Vừa hát, tôi vừa nhìn về phía cố nhân, thấp thoáng qua khuôn mặt của cô dâu. Hai gương mặt người xưa của một chuyện tình “ba mươi năm tình cũ”. Của một người đã một thời làm điên đảo hồn tôi: khuôn mặt trẻ đẹp như cô dâu của nàng năm xưa và khuôn mặt của một thiếu phụ năm mươi đang u sầu lặng lẽ. Thấy tôi nhìn, nàng nở nụ cười rạng rỡ. Tôi cảm thấy lòng mình bồi hồi rung động như thưở nào, bao u uất từ khi gặp lại nàng bỗng dưng tan biến hết:

Thôi thế lòng anh mãn nguyện rồi
Vì tình là mộng đó mà thôi
Lòng em một phút yêu anh đó
Cũng thể yêu anh suốt một đời.
(thơ THÁI CAN)


Vũ Ngọc Văn

No comments:

Blog Archive