Tài sản phi pháp: Không còn có thể hạ cánh an toàn
Nguyễn Ngọc Bảo / 2016-02-03
Từ 5 năm nay, vấn đề điều tra, truy lùng và thu hồi tài sản phi pháp (TSPP) thụ đắc qua các hành động tham nhũng, biển thủ công qũy, chiếm đoạt tài sản của người khác từ các thành phần lãnh đạo độc tài trở thành khả thi, không còn quá khó khăn và đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, từ Liên Âu (Pháp, Ý, Thụy Sĩ..), Hoa Kỳ, Bắc Phi (Tunisia, Libya, Ai Cập, Guinea Equatorial, Nigeria,…), cho đến các quốc gia Nam Mỹ.
Những vấn đề khó khăn nan giải về mặt khuôn khổ pháp lý quốc tế và quốc gia, về mặt khả năng điều tra và sự hiện hữu các cơ quan chuyên môn trách nhiệm truy lùng, về mặt đứng đơn kiện với sự can đảm và kiên trì các NGO và nạn nhân nhằm đòi lại công lý, về mặt dư luận với sự đồng tình và hậu thuẫn tích cực của quần chúng, báo giới và chính giới quốc tế, đã và đang lần lượt được giải quyết.
Những trường hợp thu hồi TSPP trên thế giới
Vào năm 1998, số tiền gần 500 triệu Mỹ Kim (MK) đã được các ngân hàng liên bang Thụy Sĩ chấp nhận tháo khoán từ các trương mục bị niêm phong của gia đình Marcos và trả lại cho chính phủ Phi Luật Tân. Sau khi chế độ độc tài Marcos bị lật đổ vào năm 1986, phải đợi đến hơn 10 năm sau một phần số tiền phi pháp thuộc số tài sản khổng lồ lên đến hàng chục tỷ MK của gia đình Marcos, mới được thu hồi lại được và trả về cho quốc gia Phi Luật Tân. Từ đó cho đến nay, nhu cầu thu hồi tài sản phi pháp trở nên chính đáng, công khai và khả năng thu hồi một số tài sản đáng kể ngày càng cao và nhanh chóng hơn, qua các trường hợp các nhà độc tài Jean Claude Duvalier (Haiti, bị lật đổ năm 1986, với số TSPP lên hàng tỷ MK); Mobutu (Zaire, bị lật đổ năm 1997, với số tải sản từ 5-7 tỷ MK); Sani Abacha (Nigéria, chết năm 1998, thủ tục thu hồi TSPP chỉ mới được tung ra năm 2012); và gần nhất Kadhafi (Libya, 2011, bị chết, tài sản phi pháp từ 20-50 tỷ MK); Ben Ali (Tunisia, 2011, 5 tỷ MK); Moubarak (Ai Cập 2011, từ 2-5 Tỷ MK). Hiện đang diễn ra hơn 30 vụ kiện đòi lại TSPP tại Bắc Phi, Trung Phi, Trung Đông. Dư luận thế giới ngày càng nhận thấy là việc hỗ trợ cụ thể cho các dân chúng bị thống trị đòi công lý, điển hình qua việc truy lùng, niêm phong, thu hồi các tài sản phi pháp là điều phù hợp với công lý và cần tiến hành.
Teodora Nguema Obiang, con trai của vị tổng thống độc tài Guinée Eqautoriale |
Một trường hợp thu hồi TSPP đặc biệt đã xảy ra tại Pháp, khiến cho dư luận đặc biệt quan tâm về mức hữu hiệu và nhanh chóng của việc điều tra, niêm phong và tịch thu các tài sản phi pháp. Đó là trường hợp Teodora Nguema Obiang, con trai của vị tổng thống độc tài Guinée Eqautoriale với chức vụ Đệ Nhị Phó Tổng Thống. Obiang đã dùng tiền phi pháp để mua nhiều chiếc xe hạng sang như Maserati, Bentley, Rolls-Royce trị giá cả triệu euros, dinh thự cao 6 tầng, trị giá hơn 150 triệu euros, tại đại lộ Foch gần Khải Hoàn Môn. Các phần TSPP này bị tịch thu từ 19/7/2012, sau 5 năm khởi tố. Obiang cũng bị truy tố tại Hoa Kỳ về tội tham nhũng qua việc chi tiêu hơn 300 triệu MK từ 2000 đến 2011. Đây là lần đầu tiên một thành phần thuộc gia đình một lãnh đạo độc tài còn tại chức mà tài sản phi pháp đầu tư tại Pháp, Hoa Kỳ bị niêm phong, tịch thu và bị truy lùng.
Khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc thu hồi TSPP
Tại các quốc gia tiền tiến, bắt đầu từ đầu năm 2009, một số cơ quan rất chuyên biệt (special agency) với quyền hạn điều tra, tịch thu TSPP, được nới rộng bởi một số đạo luật đặc biệt đã được hình thành tại Anh, Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Liên Âu. Điển hình tại Anh (SOCA Serious Organised Crime Agency), Pháp (AGRASC AGence de Recou-vrement des Avoirs Saisis ou Confisqués). Riêng trong 2 năm 2009/2010, SOCA đã niêm phong một tổng số tài sản phi pháp lên hơn 300 triệu Anh Kim. Theo cơ quan SOCA, điều quan trọng là khả năng ngăn cấm không cho các thành phần tội ác xử dụng được số tiền phi pháp, dù số tiền này được lưu trữ ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Đạo luật số 2010-78 ngày 9/7/2010 tại Pháp cho phép cơ quan AGRASC tịch thu tài sản phi pháp, nới rộng những loại tài sản có thể bị niêm phong và tịch thu. Một số điều chỉnh luật lệ về hình sự đã được Quốc Hội Pháp phê chuẩn, để có thể tiến hành việc tịch thu và bán đấu giá tài sản phi pháp theo quyết định của một số quan toà đặc biệt, ngay cả trước khi có phiên toà xử. Dư luận và giới tư pháp đã chấp thuận nguyên tắc: các thành phần tội ác cần phải chứng minh được là đã thụ đắc các tài sản với lợi tức hợp pháp của họ thì mới thu hồi được những tài sản khổng lồ bị niêm phong. Đây là một biện pháp đặc biệt rất hữu hiệu dựa trên kinh nghiệm chính quyền Ý đã tiến hành từ thập niên 80 nhằm phá vỡ vòng đai trên cùng cao nhất của tập đoàn Mafia Ý.
Trên bình diện Liên Hiệp Quốc, công ước về Chống Tham Nhũng và Rửa Tiền Merida được thông qua bởi Quyết Nghị 58/4 của Đại Hội Đồng LHQ vào ngày 31/10/2003, và có hiệu lực từ 14/12/2005 (Việt Nam đã phê chuẩn Công Ước này ngày 10/8/2009), cơ quan FATF (Financial Action Task Force) đã được thành lập từ năm 1989, để làm khung sườn cho các biện pháp chống rửa tiền, chuyển ngân phi pháp.
Trên bình diện Liên Âu, chỉ thị (directive) 2015/849/EC được ban hành ngày 20/5/2015 nhằm chống rửa tiền có hệ thống. Đặc biệt với điểu khoản 30, bắt buộc phải công bố chi tiết về người thừa hưởng (beneficial ownership information), về tên tuổi, địa chỉ, tư cách các thành phần lãnh đạo các công ty này khi chuyển ngân vào Liên Âu, những dữ kiện này được lưu trữ trong một hồ sơ mà công chúng được quyền tham khảo. Ngoài ra Liên Âu còn bắt buộc các ngân hàng phải làm thủ tục tự động thông báo (Automatic Exchange of Financial Account Information) mỗi khi có một vụ chuyển ngân quan trọng (đến từ các thiên đường thuế khoá), chứ không cần đợi tới các thủ tục điều tra về pháp lý.
Tại Hoa Kỳ, các dữ kiện về tiền chuyển ngân phi pháp được tập trung về cơ quan FinCEN (Financial Crime Enforcement Networks). 27 năm sau khi tướng độc tài Nigeria Sani Abacha mất, Hoa Kỳ mới đây đã tịch thu và giao trả lại cho chính quyền Nigeria số tiền gần 500 triệu MK thu hồi từ các TSPP của Sani Abacha, dù phần TSPP này đã được chuyển sở hữu qua hàng con cháu đang sống tại Hoa Kỳ.
Thu hồi TSPP tại Pháp, Liên Âu
Cơ quan AGRASC của Pháp đã tịch thu hơn 480 triệu € TSPP trong năm 2015. |
Vấn đề TSPP tại Việt Nam
Chắc chắn đa số các thành phần lãnh đạo CSVN đều đã thụ đắc một cách phi pháp những số tiền khổng lồ lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ MK đến từ việc bòn rút công qũy quốc gia, tham nhũng có hệ thống, qua việc lợi dụng chức vụ, quyền thế, và nắm giữ mọi guồng máy kinh tế, công ty quốc doanh, ngân hàng tín dụng, dự án đầu tư.
Lãnh đạo CSVN mà đứng đầu là Nguyễn Tấn Dũng, qua trung gian thân tín đã chuyển rất nhiều tiền, có thể lên đến hàng tỷ MK ra nước ngoài, tại các quốc gia tiền tiến Tây -Phương. Danh sách 140 nhân sự, công ty Việt Nam được công bố bởi Offshoreleaks chỉ phản ảnh một phần sự kiện này.
Số tiền được chuyển vào thành vốn hùn hạp, trả hóa đơn tại các công ty bình phong tại Tân Gia Ba, BVI, Thụy Sĩ, hay tại các thiên đường thuế khóa. Và từ các công ty bình phong này chuyển vào các ngân hàng tại các quốc gia tiền tiến, để trở thành phần vốn các công ty do gia đình, con cháu, thuộc thân hạ thân tín đứng tên, và dùng để mua phần vốn các công ty (chợ, địa ốc) hay tậu bất động sản.
Số tiền này là TSPP chiếm đoạt qua việc lấy của cải, ruộng vườn, nhà cửa của người khác, nhất là dân oan, biển thủ công qũy các công ty quốc doanh do chính tay chân thân tín, người trong gia đình làm Tổng Giám Đốc, Giám Đốc, ăn chặn các dự án dầu tư.
Tạm Kết
Những TSPP các lãnh đạo CSVN đã chuyển ra ngoại quốc chắc chắn sẽ bị truy lùng, tịch thu để đòi lại công lý, công bằng cho hàng triệu người dân Việt Nam đã bị tước đoạt một cách trắng trợn, hàng trăm ngàn gia đình lâm cảnh khốn cùng, tan nát trong hàng chục năm qua, cũng như cho quốc gia Việt Nam. Nhờ vào những điều thuận lợi sau:
Khuôn khổ pháp lý quốc tế và quốc gia về chống tham nhũng đã giải toả được các khó khăn về mặt điều tra, truy lùng các TSPP được tẩu tán qua rất nhiều bình phong và trung gian trên khắp thế giới.
Sự tham gia tích cực và hữu hiệu của các tổ chức xã hội dân sự Quốc Tế, ICIJ, offshoreleaks, Transparency, …
Việc truy lùng TSPP không bị giới hạn bởi các thời hạn miễn tố hay hồi tố.
Việc truy lùng TSPP không bị giới hạn bởi tình hình người chủ nhân TSPP, dù đang lẩn trốn, đã qua đời, hay TSPP đã được chuyển nhượng qua hàng con cháu.
Việc truy lùng TSPP vẫn tiến hành được dù không có đơn kiện về mặt hình sự.
Với các điều kiện thuận lợi nêu trên, chắc chắn lãnh đạo CSVN và gia đình họ sẽ không còn có thể nào hạ cánh an toàn. Một phần quan trọng của số TSPP sẽ bị thu hồi, để đền bù các nạn nhân và đóng góp vào phần canh tân đất nước.
No comments:
Post a Comment