Nguyễn Thị Hữu Duyên
* * *
Đứng trước bầu không khí nhộn nhịp của khu chợ hoa Phước Lộc Thọ lòng Thi bồi hồi, nao nao, cảm giác của một người như đã xa nhau lâu lắm bỗng dưng gặp lại người yêu cũ nơi đất khách. Chợt nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Du tả cảnh Kim Trọng gặp lại Thúy Kiều sau mười lăm năm lưu lạc với kiếp sống nơi lầu xanh mà sắc đẹp vẫn hơn xưa:
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.”
Còn Thi sau bảy năm rời Cali nay trở về mọi thứ đều đổi thay nhiều, sinh hoạt cộng đồng tốt đẹp hơn ngày trước, bảy năm chứ ít gì!
Ngỡ ngàng và thân quen hòa quyện vào nhau thật khó tả. Ôi! Sao giống như đang đứng giữa vườn hoa Nguyễn Huệ và chợ Bến Thành, chị bấm máy tự chụp ảnh, tự cười, tự sung sướng một mình.
Thi bước dần ra phía đường để quay video clip khu chợ Tết với con đường mang tên “Sài Gòn.”
Ngã tư Bolsa – Sài Gòn là ngã tư đường Bolsa và con đường nhỏ mang tên Sài Gòn cắt ngang rẽ vào khu Thương xá Phước Lộc Thọ, bên kia là Asian Village có chợ Á Đông và các cửa hàng, dịch vụ do người Việt làm chủ giống như bên khu Phước Lộc Thọ. Con đường được đổi tên “Sài Gòn” chỉ mới mấy tháng nay chứng tỏ sức mạnh của tiếng nói cộng đồng dân Việt ở thành phố này. Sài Gòn, con đường không dài lắm gợi nhớ về một thành phố của những năm tháng trước 30/4/75 đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông.” Thi xuyến xao trong dạ, đóng máy quay nhìn ngẩn ngơ hai chữ Sài Gòn mà lòng rưng rưng muốn khóc. Bên tai, ai đó đang reo lên:
- Hả, nhìn kìa, đường Sài Gòn nè mẹ ơi.
Thi quay nhìn cô gái độ mười bảy đang chỉ lên bảng tên đường mặt hí hửng như vừa gặp được người quen giữa nơi xa lạ. Mẹ cô lấy kính đeo để nhìn cho rõ, chị cũng không dấu được sự ngạc nhiên trong tiếng kêu:
- Wow, đường Sài Gòn.
Chị ấy im lặng một chút rồi lấy khăn giấy chậm hai giọt lệ vừa rỉ ra nơi khoé mắt. Nhìn quanh Thi thấy từng nhóm người đứng ngẩn ngơ nhìn bảng tên đường Sài Gòn mặt mày vui buồn lẫn lộn, chỉ chỉ trỏ trỏ, họ quay phim, chụp hình tiếng bấm máy lia lịa. Không chỉ riêng Thi mà ai cũng xúc động khi nhìn thấy tên đường Sài Gòn trên đất khách.
Hội chợ Xuân được mở từ ngày 15/1/2016. Hôm nay thứ bảy, mọi người đi chợ Tết tấp nập, Thi ngồi xuống ghế đá bồi hồi nhớ về những mùa xuân thời niên thiếu ở quê nhà. Ngày ấy, cứ đến độ xuân về nhà nhà, người người đều hân hoan đón mừng năm mới. Người Việt có truyền thống trân trọng ngày Tết, nên gia đình nào cũng phải lo đón tết từ hai mươi ba tháng chạp. Nghèo cũng ăn Tết, giàu cũng ăn Tết, nghèo ăn theo nghèo, giàu ăn theo giàu hầu như nhà nào cũng có nồi thịt kho với trứng vịt. Giàu thì nồi to còn nghèo thì nồi nhỏ; giàu thì muối dưa cả cái khạp lớn, nghèo thì muối một hủ nhỏ, dầu giàu hay nghèo cũng không thể thiếu hai món đậm đà hương vị quê hương đó. Nhà Thi thường có thêm nồi canh khổ qua dồn thịt vừa nhai thì đắng khi nuốt vào lại ngọt lịm nơi cuống họng và hủ dưa kiệu to trắng phau do mẹ khéo làm đặt cạnh hủ tôm khô đo đỏ nhìn thấy đã chảy nước miếng ừng ực.
Buổi chợ ngày ba mươi ở quê Thi thường kéo dài đến quá trưa, sau đó ai nấy đều thu dọn các sạp chợ quét rửa sạch sẽ vì chợ cũng được nghĩ tết. Bà góp chợ có nhiệm vụ cúng cho thổ địa của chợ, bà dán vào mỗi sạp một miếng giấy đỏ gọi là “lì xì.” Chiều ba mươi khu chợ hoàn toàn sạch đẹp để chuẩn bị ăn Tết.
Vì cái Tết quan trọng như thế nên nhà nhà đều phải lo “ăn Tết.” Nếu không có tiền thì vay mượn vì cho rằng ngày ba mươi rước ông bà về mà không lo chu đáo để đãi đằng ông bà ba ngày Tết thì là “Bất hiếu nhân.” Vả lại nhân dịp Tết các thành viên trong gia đình dầu ở đâu cũng phải về nhà để sum họp, kẻ có chồng có vợ ở xa, kẻ đi làm, đi mua bán xa tất cả tề tựu về dưới mái ấm gia đình. Vui chơi, ăn uống với nhau mà không có thịt kho, bánh mứt thì không phải Tết.
Ngày ba mươi nhà nào cũng quây quần gói bánh tét, bánh ít. Bánh tét đòn lớn, đòn nhỏ với nhân đậu xanh thịt ba rọi hay nhân chuối hoặc nhân đậu xanh ngào đường hay đậu xanh mặn dành cho những ai ăn chay. Bánh ít nhân dừa hoặc nhân đậu xanh mặn hay ngọt tuỳ theo khẩu vị từng người. Thường các loại mứt đã được làm trước một, hai tuần nào: mứt bí (bí đỏ, bí đau), mứt gừng, mứt dừa, mứt tầm ruột, mứt mãng cầu, mứt khoai lang, mứt hạt sen, tóm lại là thứ gì ăn được thì người Việt làm mứt được ngoại trừ cá thịt. Nghĩ đến đây Thi hé một vệt cười trên khóe môi khiến người đàn ông đang đi tới tưởng Thi cười với mình nên chậm bước cười đáp lại, Thi quê quá lảng đi chỗ khác.
Bảy năm qua từ ngày ông xã về với Chúa, Thi theo người bạn thân về miền Đông sinh sống. Ở nơi ấy mùa Tết âm lịch vẫn còn là mùa đông, tuyết phủ ngập đến đầu gối, tuyết dùi dập từng ngọn cây đọt cỏ, tuyết bám víu lên những cành khô trụi lá tạo nên những cây tuyết thật đẹp nhưng băng giá như giai nhân với gương mặt lạnh lùng. Người Việt không thích ở nơi xứ lạnh, tìm đỏ mắt mới thấy vài người, tết không bao giờ thăm viếng miền Đông vì ngày tết Việt nam mọi người cũng vẫn đi làm bình thường.
Người Mỹ họ đâu biết cái ngày truyền thống đó họ chỉ ăn tết dương lịch thôi. Không trách họ được chỉ thương thân mình; bánh tét bánh ít chợ Việt nam cũng có bán nhưng là hàng đông đá. Năm ngoái có bánh do dân Việt địa phương làm bán, bạn Thi phải đặt trước một tuần mới có, bánh tét nhân đậu xanh thịt heo ăn cũng tạm, bánh nhân chuối thì khỏi nói, dở chưa từng thấy vì không có chuối Xiêm (còn gọi là chuối sứ) chín ngon nên dùng tạm chuối Mễ nhân vừa cưng cứng, vừa chan chát, trắng chứ không đỏ au tươm mật như đòn bánh tét chuối bên Việt nam. Mọi người dễ dãi cho qua nói cũng còn hơn bánh đông đá, ai cũng lãi nhãi lời ca: “Có còn hơn không, có còn hơn không” nghe cũng phải phì cười thương cho thân phận dân kiều ngụ.
Chân đã bước đến trước gian hàng bánh mứt, Thi buộc miệng “Wow” với những hộp bánh mứt đẹp mắt được chưng bày khéo léo trên các sạp. Thi thích thú bấm máy lia liạ, tiếng mời chào ơi ới xen lẫn tiếng chúc mừng năm mới, tiếng cám ơn và những nụ cười chân thành của chủ hàng với khách mua thân thiện quá. Đượm tình thắm nghĩa ở nơi xứ người, thật ấm lòng cho những kẻ cô thân như Thi. Cứ tưởng mình đang đứng giữa lòng đất quê nhà.
Các loại bánh tét, bánh chưng với lá xanh và câu chúc xuân đỏ thắm dán bên ngoài cái bánh trông vô cùng bắt mắt. Các loại kẹo mứt như: kẹo đậu phụng, kẹo mảng cầu, mứt dừa,mứt bí, mãng cầu, hạt sen, mứt khoai được sản xuất tại Mỹ nên về an toàn thực phẩm đảm bảo cho người tiêu dùng.
Hôm qua Thi vào Facebook thấy báo động về các loại bánh mứt ở Việt Nam mà xót xa cho bà con mình bên ấy, có cả cà phê gói độc hại nữa. Trái cây thì bị nhúng hóa chất cho tươi màu, cho mau chín. Bánh mứt sản xuất mất vệ sinh, mất an toàn; giá cả thì trên trời dưới đất không biết ra sao, đừng tưởng “tiền nào của nấy” mà lầm. Có khi tiền cao nhưng của dỏm, của độc, còn tiền rẽ mà lại an toàn vì không có tẩm ướp hóa chất nguy hiểm.
Thịt thì khủng khiếp quá, lấy thịt heo hư tẩm ướp thành thịt bò. Tôm mực bằng nylon, nước ngọt bằng hóa chất đa số được tuồng vào từ Trung Quốc, quy trình sản xuất mất vệ sinh không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh tối thiểu như: ruổi nhặng, gián, kiến,chuột bọ, đất bụi, nước sạch v…v…
Nghĩ đến đây Thi cảm thấy mệt mỏi nên vào bên trong tìm khu vực ăn uống gọi một ly nước mía tinh khiết, uống vào mát cả ruột gan, tỉnh cả người, tươi cả mặt. Bảy năm trước muốn uống ly nước miá như thế này thật khó tìm được. Đi qua một vòng Thi thấy hầu như không thiếu thứ gì, muốn chi có nấy, ẩm thực ba miền hiện diện đầy đủ với đặc sản phở Bắc, bún bò huế miền Trung, bún mắm miền Nam và các món ăn chơi khác đua nhau phục vụ đồng hương cho thỏa lòng ao ước.
Trở lại khu bán hoa và cây kiểng Thi ngạc nhiên hơn với những loài hoa tết chen nhau khoe sắc. Các cửa hàng hoa mai, đào, cúc không chịu thua với thời tiết khắc nghiệt trong năm cố vươn nụ trổ hoa để kịp đón xuân về, để mang nguồn vui đến cho mọi người. Lại nhớ đến mấy câu thơ mà ông xã thường hay đọc mỗi khi hai vợ chồng đi chợ hoa:
“Hồng tươi sắc thắm hoa đào,
Vàng thanh màu nắng ngọt ngào hoa mai.
Muôn hoa áo ngắn áo dài,
Ngày Xuân trẩy hội tựa vai nhân tình.”
Những ngày tháng ấy bây giờ còn đâu nữa khi anh đã bỏ Thi, bỏ trần gian lắm bụi bi ai này ! Nỗi đau nào cũng nguôi ngoai theo thời gian nhưng kỷ niệm thì khó phai mờ trong tâm trí, đôi lúc chúng kéo về lũ lượt, hăm hở gặm nhắm trái tim côi. Có khi lại như dòng sông hiền hoà gợn nhẹ li ti những con sóng nhỏ bởi sự khuấy động đôi máy chèo khua trên mặt nước ôm ấp, vỗ về tâm hồn quạnh hiu giá lạnh của cô phụ.
Thi chặc lưỡi xuýt xoa trước gian hoa lan với những vò lan treo lủng lẳng vươn những nhành lan ngắn, dài như những cánh tay vẫy chào đón khách. Những chậu lan được gói, bọc sẵn sàng để làm quà thật đẹp. Thi xin phép bấm máy nào là lan Vũ Nữ, lan Vảy Rồng, lan Ngọc Điểm, lan Hạc Vỹ…ôi! Nhiều loại lan sang trọng và quý phái quá.
Có nhiều loại hoa mới xuất hiện chen chúc khoe sắt thắm, Thi đứng chụp với bác bán mai mấy tấm ảnh giữa muôn hoa đua nở.
- Anh ơi, nhờ chụp giúp mấy bức ảnh được không?
Thi mau mắn nhờ anh trung niên đang chọn hoa bên cạnh. Anh bảo Thi đứng qua góc này rồi quay lại góc nọ chụp với hoa mai, hoa lan, hoa cúc và hoa đào.
- Cám ơn anh nhiều, chắc anh có học lớp nhiếp ảnh hả?
Thi nhìn chăm người đàn ông tốt bụng, giọng vui hẳn. Anh gật nhẹ cái đầu trọc lóc cất giọng miền Nam rặt:
- Ta nói, về hưu rồi không làm gì nên theo học chụp hình cho vui đó cô.
- Vậy là tôi may mắn quá nên được nhiếp ảnh gia chụp hình cho, chúc mừng năm mới và cám ơn anh nhiều.
- Cô cũng vậy nghen, vui hết mình đi, tết mà.
Thi dạ và theo dòng người qua đến gian hàng bán phụ liệu trang trí tết cho nhà như giấy đỏ to, nhỏ để dán lên bàn thờ, cột, cửa, cây; gian hàng cây kiểng cũng vô cùng phong phú với các chậu kiểng và bon sai lớn nhỏ đủ loại, nhiều giá khác nhau.
Chen chúc nhất là những gian hàng xanh đỏ đủ màu với bao lì xì và thiệp chúc Xuân, nhiều kiểu, nhiều loại đa dạng và phong phú. Thi mua mấy xấp lì xì để ngày mai đến Hội Thánh lì xì cho các cháu. Không quên lựa vài chục thiệp chúc Xuân để tặng bạn bè anh em trong nhà Chúa.
Lại một mùa Xuân đến trong đời, Thi giật mình, năm mươi mốt năm rồi sao? Bao lần Xuân đi qua bỏ Thi ở lại, vui bao lần? Buồn bao lần? Vui hay buồn Xuân vẫn là Xuân, Tết vẫn là Tết vẫn là mùa hy vọng cho mọi người, đoàn tụ cho mọi nhà, thái hòa cho mọi nơi, đó là bản chất của Xuân.
Xuân năm nay Thi có được niềm vui một phần vì ngoại cảnh, một phần vì nhận ra mình trưởng thành hơn trong kiếp con người, nhẵn nhụi hơn trong cây giũa của trường đời. Cây giũa ấy không chỉ mỗi màu đỏ hay hồng của hạnh phúc, màu xanh của hy vọng, màu vàng của quyền uy, màu lục của thành công, màu lam của an phận, màu chàm của bế tắc, hoặc màu tím của u sầu. Thi hiểu rõ và tin quyết rằng các màu là để tạo nên một cầu vồng sặc sở chứ không riêng lẽ một mình, cầu vồng ấy sẽ tô điểm và bao phủ cuộc đời người nào chấp nhận nó.
Thi ngước nhìn bầu trời xanh thẳm và lắng nghe tiếng chim đang ríu rít đâu đây; lòng thầm tạ ơn Thượng Đế đã ban cho con người muôn loài muôn vật để chiêm ngưỡng. Thi nghĩ đến ngày sẽ được gặp lại người chồng yêu thương nơi cõi vĩnh hằng để cùng nhau đón Xuân cho đến miên trường. Nơi mà “Ngài sẽ lau sạch tất cả nước mắt nơi mắt họ, sẽ không còn chết chóc, tang chế hoặc khóc than hay đau khổ nữa…” (Kinh thánh Tân ước, sách Khải thị đoạn 21 câu 4.)
Thi ao ước chóng đến ngày ấy.
Vang vang bên tai tiếng hát của cô ca sĩ trên màn ảnh ti vi lớn nơi góc chợ:
“Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời…”
Thi hát theo nho nhỏ: “Vui trong bình minh muôn loài chim hót vang mọi nơi. Đẹp trong tiếng cười cho kiếp người tình thương đắm đuối. Ánh xuân đem vui với đời…”
Xuân Bính Thân, 2016
Nguyễn Thị Hữu Duyên
No comments:
Post a Comment