Friday, February 19, 2016


Sau Lưng Anh Đàn Ông: Chuyện Phiếm Của Gã Siêu

Một người vợ lịch lãm, hiền thục khiến cho ông chồng nghèo khó của mình luôn cảm giác là người giàu nhất thế giới.

Sách “Cổ Học Tinh Hoa” có truyện rằng :

Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu.

Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc.

Lúc chồng về nhà, nàng xin từ bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi :

– Tại làm sao ?

Nàng nói :

– Án Tử người gầy thấp và bé nhỏ, nhưng làm đến tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông ấy vẫn có ý chín chắn và khiêm nhường, như chưa bằng ai. Chớ như chàng cao lớn đẫy đà, mới chỉ làm được một tên đánh xe tầm thường và hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng. Thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi.

Từ hôm ấy, tên đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chừa được cái tính nông nổi. Án Tử thấy thế, lấy làm lạ, bèn hỏi. Tên đánh xe bèn đem việc nhà mà kể lại. Án Tử bèn cất cho làm đại phu.

Qua câu chuyện trên, gã bèn nhớ tới một câu nói, được xếp vào hàng “ranh ngôn”, như sau :

– Mặc dù vợ không có công sinh ta ra, nhưng lại có công nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người.

Câu ranh ngôn này, được một tác giả nào đó ngẫu hứng làm thành một bài thơ với tựa đề là “Sợ Vợ” :

 Dù không sinh đẻ ra ta,
Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao.
Khi ta đau ốm xanh xao,
Vợ lo chăm sóc hồng hào khỏe ngay.
Sợ ta đi trật đường rầy,
Vợ liền theo dõi, kéo ngay về nhà.
Khi ta tán tỉnh ba hoa,
Vợ liền “quát nạt”, để mà răn đe.
Vợ mà dạy, phải lắng nghe,
Mai sau “khôn lớn”, mà khoe mọi người.
Nói ra xin hãy chớ cười,
Vợ ta, ta sợ! Vợ người…còn lâu!

Câu ranh ngôn này còn được chứng thực bằng những kinh nghiệp đời thường.
Bên cạnh nhà gã có một anh chàng mới lớn, tính tình rất ngang bướng, lại thích làm đại ca, nên hễ có chỗ nào đánh nhau, hắn liền vác búa, vác dao tới tham dự, cho dù chỉ là đánh hôi, đánh chùa…Vì thế, hắn được coi là một đại họa cho bà con lối xóm.

Trong một lần “đánh hội đồng”, phe hắn gây thương tích hơi bị nặng cho một anh chàng ở làng khác. Đàn em bỏ chay, hắn đứng ra chịu tội, nên được ưu ái mời vô nhà tù mấy năm.

Trong trại cải tạo, hắn được tôn làm đại bàng vì thái độ ngông nghênh coi trời bằng vung. Hết thời gian ngồi bóc lịch, hắn trở về quê cũ. Chẳng hiểu ông già bà già hắn tỉ tê, dỗ ngon dỗ ngọt thế nào, mà bỗng dưng hắn bằng lòng đi lấy vợ.

Và cũng kể từ khi có bà xã kè kè bên cạnh, hắn như người được lột xác, được thuần hóa, trở nên hiền hòa, chí thú làm ăn, dễ thương và dễ mến, khiến bàn dân thiên hạ phải tấm tắc ngợi khen.

Thành thử, mỗi khi có người cha hay người mẹ nào than phiền về đứa con ngỗ nghịch của mình, các cụ trong dân đều góp ý :

– Cứ bắt cái vợ cho nó là xong ngay. Chỉ mình vợ nó mới trị được nó mà thôi.

Sự dạy dỗ của chị vợ tuy âm thầm mà lại kết quả, tuy êm dịu mà lại thành công, đúng với kế sách :

 Mưa dầm, thấm đất.
 Mật ngọt chết ruồi.

Hay như bàn dân thiên hạ thường nói :

Người ta bắt được nhiều ruồi bằng một giọt mật, còn hơn bằng cả một thùng dấm chua!

Cũng vì thế, mà gã mới nghiệm ra rằng :

– Sau lưng anh đờn ông đức độ, đều có bóng dáng một chị đờn bà.

Sách “Cổ Học Tinh Hoa” cũng có truyện rằng :

Đời nhà Đường, giặc Lý Hy Liệt đã đánh được Châu Biện, kéo đến đánh huyện Hạng Thành. Quan huyện Hạng Thành là Lý Khản, muốn chạy trốn. Bà huyện, người họ Dương, bèn nói :

– Giặc đến cướp thành thì phải hết sức giữ thành. Giữ mà không được, thì phải liều chết với thành. Nay ông lại chực chạy trốn, nghĩa là làm sao ? Bây giờ cứ mộ quân cho nhiều, khao thưởng cho to, thiết tưởng còn có thể giữ được thành.

Nói rồi, chính bà huyện hội họp cả nha lệ, sĩ dân lại mà hiểu dụ rằng :

– Quan huyện là chủ của các ngươi thật đấy, song chẳng qua chỉ ở đây độ dăm ba năm, rồi cũng thiên đi nơi khác, không liên can lắm bằng cách ngươi sinh trưởng ở đất này, gây dựng cơ nghiệp ở đất này, mồ mả cha ông ở đất này. Vậy sống chết, các ngươi cũng phải hết sức mà giữ lấy thành thì mới được.

Ai nấy nghe đều cảm động, rơm rớm nước mắt và đoan xin liều chết để cố giữ thành. Bà huyện hạ lệnh rằng :

– Ai lấy gạch đá đánh được giặc, thưởng tiền một nghìn. Ai lấy gươm giáo giết được giặc, thưởng tiền một muôn.

Tất cả được hơn một trăm người kéo nhau ra giữ thành, chống lại với giặc. Bà huyện thân đi trông nom lương thực cho quân lính. Khi giao chiến, quan huyện trúng phải một mũi tên lui về, ý không muốn đánh nữa. Bà huyện giận mà nói :

– Ông không ở đây, thì ai chịu liều chết ? Cho dù ông giữ thành mà chết, lại chẳng hơn là chết ở xó giường ư ?

Ông huyện nghe cảm kích, hăng hái hơn trước, lại chạy lên thành, liều đánh một trận nữa. Quân giặc túng thế phải kéo đi. Huyện Hạng Thành nhờ vậy mà được an toàn.

Câu truyện trên thật đúng với kinh nghiệm của các cụ ta ngày xưa :

– Gái ngoan làm quan cho chồng.

Trong công việc làm ăn, không phải lúc nào anh chồng cũng gặp được cảnh thuận buồm xuôi gió, trái lại nhiều lúc đã phải cắn răng chịu đựng những cảnh xất bất xang bang, cũng như những thất bại ê chề.

Vì vậy, anh chồng rất cần đến sự góp ý của chị vợ, để đánh giá đúng mức tình hình, có được một cái nhìn sáng suốt và đưa ra những giải pháp vừa hợp tình lại vừa hợp lý, bởi vì :

– Hai cái đầu bao giờ cũng hơn một cái đầu.

Hay như ca dao cũng bảo :

Chồng khôn vợ được đi hài,
Vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông,

Hơn thế nữa, trong những lúc thất vọng nản chí, anh chồng rất cần đến những lời an ủi và khích lệ của chị vợ, để lấy lại sự bình tĩnh và can đảm.
Và nếu như cả hai vợ chồng đều cộng tác với nhau, thì quả thật là trên cả tuyệt vời :

Chồng như đó, vợ như hom.
Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.

Với sự cộng tác như vậy, gã thầm nghĩ : Khó khăn nào cũng có thể vượt qua, thử thách nào cũng có thể giải quyết. Hay như tục ngữ đã nói :

– Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn.

Sau đây gã xin đưa ra hai thí dụ chứng thực cho kinh nghiệm gã vừa mới trình bày.

Đầu tiên là trường hợp của cặp vợ chồng bác học, ông bà Curie.
Ông đã phải ba năm đeo đuổi mới đạt được mục tiêu. Bí quyết của họ là yêu thương nhau trong sự cộng tác. Về tài năng, có thể nói ông tám lạng thì bà cũng nửa cân, nhưng cả hai đều biết tôn kính và nể trọng nhau. Cùng học và cùng làm việc trong phòng thí nghiệm. Bằng chứng là ghế giáo sư vật lý tại đại học đã được dành cho bà, là người phụ nữ đầu tiên, thế chỗ cho ông sau khi ông mất.
Lúc nhận chức, bà chỉ khiêm tốn nói :

-Tôi thử cố gắng dạy.

Và quả nhiên, bà đã thành công không kém gì ông.

Tiếp đến là trường hợp của bà Nixon.

Sự nghiệp của ông tổng thống nước Mỹ này phần lớn là do bà vợ. Bà luôn ở bên ông trong mọi việc và trong mọi lúc để chia sẻ những cực nhọc thuở hàn vi, cũng như phụ giúp đắc lực cho ông trong việc tranh cử, soạn diễn văn, tiếp đón quan khác. Bà là người đầu tiên xứng đáng để cho ông giới thiệu với các ký giả lúc tuyên thệ nhận chức tổng thống.

Thảo nào mà các vị quan lớn, mỗi khi đi đâu cũng kéo theo cái “rờ mọc” là bà xã của mình, để tạo nên mình hình ảnh hài hòa và đẹp đẽ trước mặt bàn dân thiên hạ.

Ngay cả Clinton, tổng thống của nước Mỹ, mặc dù đang bị báo chí làm rùm beng vì chuyện lẹo tẹo tình cảm với cô tập sinh Monica, còn Hilary, mặc dù đang giận thâm gan tím ruột vì chuyện ăn…phở của đức ông chồng, thế mà cả hai người vẫn cứ đàng hoàng khoác tay nhau trong những chuyến công du, như chẳng hề có những ngọn sóng ngầm trào dâng trong cõi lòng.

Từ những sự việc cụ thể kể trên, một lần nữa gã lại nghiệm ra rằng: 

Sau lưng anh đờn ông thành công, đều có bóng dáng một chị đờn bà.

Nếu sau lưng anh đờn ông thành công rực rỡ, đều có bóng dáng một chị đờn bà, thì sau lưng anh đờn ông thất bại te tua, cũng đều có bóng dáng một chị đờn bà như thế này

Tác giả: Chuyện phiếm của Gã Siêu.

No comments:

Blog Archive