Saturday, February 6, 2016

Phù thủy và mùa Xuân

Võ  Hương An


Buổi sáng đầu tháng Chạp, ông Thầy Chương ngồi uống nước trà trên bộ ngựa gõ trải chiếu cạp điều, và nhìn ra sân.  Chợt như nhận ra hai cây mai trồng hai bên cái bể cạn  có hòn non bộ tới giờ này  vẫn chưa rụng lá, ông lẩm bẩm, “Chừ mà chưa rụng lá thì làm chi Tết trổ bông cho kịp.” Nhấp một ngụm nước trà, ông đưa tay bấm bấm gì đó, phất tay một cái,  rồi nói trống không, “Bọn bây phải làm răng cho hai cây mai nở bông kịp Tết nghe không!” Không có tiếng người trả lời thưa dạ chi cả.  Sau đó cũng không thấy ai làm chi cả, nhưng qua sáng hôm sau thì cả hai cây mai đều trụi lá, rồi lần lần ra nụ.  Tết năm đó, cả làng chỉ có nhà ông Thầy Chương có mai nở trước sân và mai cắm độc bình chưng trong nhà.  Người  làng không ai lấy làm lạ, họ biết chỉ một mình ông Thầy Chương làm được điều đó, và cả những điều lạ lùng khác nữa, vì ông có âm binh bộ hạ để sai bảo.
           
Một lần khác,  sau khi cho người đốn mấy cây mít lão nơi hàng rào phía trước để lấy gỗ sửa nhà ngang, ông thấy trước nhà trống trải quá.  Ngồi trong nhà nhìn thông thống ra đường và người đi ngòai đường cũng thấy rõ hiên trước của nhà.  Ông Thầy Chương cũng lại nói trống không,  “Bây bứng mấy bụi chuối cau sau vườn  đem trồng ở hàng rào phía trước cho ta.  Đừng để cho người ngoài nhìn thấy trong nhà mình.”  Cũng không thấy người nhà nào làm cả, nhưng rõ ràng hôm sau, chuối được trồng ngay hàng thẳng lối như ý chủ nhân.

Đó là một vài trong những mẫu chuyện phù thủy do Mệ Ngọai tôi kể lại.  Phải nói trong cái đầu tóc muối nhiều hơn tiêu của Mệ lúc đó là một kho vô tận chuyện đời xưa, đời nay, đời thường, chuyện ma quỷ thánh thần, vua chúa, không thiếu thứ chi, trong đó có chuyện ông Thầy Chương, một thầy phù thủy cao tay ấn, tiếng tăm một vùng. 
           
Tôi dám kêu tên “ông Thầy Chương”quả là một sự vô phép, Mệ nghe được thế nào cũng rầy, vì ông Thầy Chương là cậu ruột của Mệ, nghĩa là vào hàng ông cố ngọai của tôi.  Mỗi lần nói tới ông, Mệ chỉ gọi là Cậu Thầy, nghĩa là ông cậu làm thầy, không phải thầy dạy chữ hay thầy thuốc, mà là thầy pháp, chuyên nghề trừ ma trục quỷ.  Một lần nghe chuyện, tôi tò mò hỏi. “Rứa thì  ông  ‘Cậu Thầy’ tên chi, Mệ?” thì mệ trả lời, “người ta thường kêu là ‘Thầy Chương’.” Và tiếp:

 - Cậu Thầy cao tay ấn lắm.

- Cao tay ấn là răng, Mệ?

- Là học được nhiều phép tắc tài giỏi, làm cho ma quỉ phải sợ.  Nhờ rứa mới trị được ma quỉ, làm cho ma quỉ chịu phép, biểu chi nghe nấy.

Theo lời Mệ kể, có một lần đi cúng về khuya,  Cậu Thầy phải qua một con sông mới về nhà được.  Giờ đó thì người chèo đò ngang đã về nhà ngủ từ lâu.  Gần đấy có một xóm vạn đò [1], sau mấy lần lên tiếng “Có ai giúp cho tui qua đò với!” nhưng cả xóm im lìm, không một tiếng trả lời, dù có đò còn ánh lửa. Cậu Thầy tháo cái nón Gò Găng [2] đang đội xuống, bắt ấn niệm thần chú trong cái nón, xong thả  nón xuống nước rồi ngồi lên trên đó, cái nón từ từ trôi qua sông, như có người đẩy đi.  Lên bờ, Cậu Thầy họa một đạo bùa rồi đốt đi, xong khoác khăn gói tiếp tục về nhà.  Thầy đi một đọan thì nghe tiếng chân chạy hùynh hụych ở đàng sau và tiếng kêu của nhiều người,  “Thầy, thầy ơi ! Tụi tui biết lỗi rồi, xin thầy tha cho …”Thì ra  mấy gia đình trong xóm vạn đò đang ngon giấc, bỗng giật mình thức dậy vì mấy chiếc đò, mặc dầu không sóng gió, cứ tự nhiên đâm đầu đâm đít vào nhau như lũ trâu điên, như có ai cầm lấy chúng mà xô đẩy, không làm sao chèo chống, tránh né chi được.  Vì biết tiếng “ông Thầy Chương” rồi nên đoán vụ này hẳn là  cả xóm bị thầy “trác” về cái tội không giúp thầy qua sông đây, nên vội cử người chạy theo năn nỉ.  Cậu Thầy  nghiêm sắc mặt nói, “Đã biết thì tha cho.  Lần sau, hễ nữa đêm gà gáy mà có ai kêu giúp đở thì ráng nhín ngủ giúp người ta, chứ đừng có giả bộ giả câm giả điếc mà bỏ lơ như lần ni nữa, nghe không!  Thôi, đi về đi, xong rồi đó.” Mấy người vái vái cảm ơn thầy rồi kéo nhau về bến.  Quả thiệt là sóng yên nước lặng, những con đò lại ngoan ngõan nằm yên, nhưng cả xóm  vẫn đang bàn tán xôn xao, chưa ngủ!

“Thầy phù thủy”là tôi gọi theo sách vở.  Mệ tôi gọi là thầy bộ thủy hay thầy pháp.  Khi tôi lớn lên, thầy pháp vẫn còn hành nghề, nhưng Mệ tôi chê  “chừ không có thầy pháp cao tay ấn mô.  Nghề ni thất truyền rồi.  Hồi Tây qua chiếm nước mình, “hắn”thấy thầy pháp cao tay ấn quá, sợ  làm lọan nên thu hết sách vở đem đốt  đi hết, nên chừ không có sách mà học nữa, làm chi có thầy giỏi.” Tôi hỏi, “Thầy pháp thì lo việc cúng bái ăn tiền, có quân lính  khí giới mô mà làm lọan, hả Mệ?”.  Bà cười, “Tụi bây nhỏ dại, biết chi.  Như Cậu Thầy đó, ông biết phép sái đậu thành binh, sai môi đi làm việc như người ta, âm binh bộ hạ biết mấy.”

- Sái đậu thành binh là chi, Mệ?

- Là nuôi mấy thứ đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, rồi phù phép cho âm binh nhập vô, thành lính mà sai khiến đi làm việc, đánh nhau với ma quỉ.

- Còn sai môi là cái chi?

- Người ta bện  rơm thành hình người ta nho nhỏ, rồi cũng phù phép vô đó, sai đi làm việc như người thiệt.  Mấy ông thầy pháp khi mô dưới tay cũng có sẵn âm binh để sai khiến cả.  Không có âm binh thì mấy ông không mần chi được.  Vì rứa mà mấy ông lo cúng âm binh giữ lắm, phải cho ăn no mặc ấm thì người ta mới làm việc cho mình chớ.

- Bộ phải nuôi cơm và may áo quần cho họ, hả Mệ?

- Thì con  không thấy người ta sắm áo (binh), cháo, gạo, muối, bánh tráng, hột nổ (bỏng) để cúng đó hả? Mấy thứ đó là cơm ăn áo mặc cho âm binh, cho cô hồn đó. Bắt người ta làm việc thì phải cấp lương cho người ta chớ.  Nhưng làm cái nghề thầy pháp ni cũng không khá được, có cao tay ấn đến mấy đi nữa cũng có ngày bị quỉ ma nó vật.  Không vật được thầy thì nó rình vật con cái của thầy.  Bởi rứa, mấy ông thầy pháp ít có con trai, giỏi lắm chỉ còn một hai đứa là nhiều. Như ông Cậu Thầy, đẻ được bốn trai, cuối cùng chỉ còn một.

Lấy làm ngạc nhiên về chuyện này, hỏi tới, thì Mệ tôi giải thích rằng  ma quỉ thù thầy pháp vì thầy pháp dùng quyền lực bắt nó phải từ bỏ cái nó yêu thích.  “Như khi có con quỉ nào đó bắt một cô gái làm vợ, thầy pháp dùng pháp thuật bắt con quỉ phải tha người con gái đó ra.  Quỉ sợ thầy trừng trị nên phải nghe theo, nhưng trong lòng tức giận, rình cơ hội báo thù.  Không làm chi được thầy, nó chờ lúc thầy sơ hở trong việc bảo vệ con cái là ra tay vật chết ngay, không chết cũng đau ốm, tai nạn.” 

Những chuyện mệ Ngọai tôi kể thời thơ ấu tưởng như nghe tai này rồi chui qua tai kia, không dè chúng vô ngủ yên trong bộ nhớ lúc nào không hay, và có dịp lại thò mặt ra.  Đọc sử Việt Nam cận đại, ai cũng biết chuyện hai nhà cách mạng gốc Quảng Nam là Thái Phiên và Trần Cao Vân đã mưu cùng vua Duy Tân tổ chức một cuộc binh biến vào tháng 5 năm 1916 để lật đổ người Pháp ở Trung kỳ, nhưng thất bại vì nội phản.  Vua thì bị Pháp đày sang châu Phi, còn hai ông thì đem thân đền nợ nước ở bãi chém An Hòa, nơi phía tây bắc kinh thành Huế.  Không biết  do đâu, tôi nghe nói rằng nhà cách mạng Trần Cao Vân khi chưa làm cách mạng, đã là một nhà phù thủy học thức và cao tay ấn, rất được mọi người trọng vọng, kể cả các quan địa phương.  Sau đó, trong thời gian ở tù chung với nhiều bạn xứ Quảng, tôi lại được nghe thêm chuyện ông Trần Cao Vân là người đã chỉ trong một đêm dời đình làng La Qua đến một vị trí khác tốt đẹp, hợp với phong thủy hơn, theo lời yêu cầu của làng.  Toàn là những chuyện bao phủ trong bầu không khí huyền thọai, rất khó xác định thực hư, nhưng dường như những chuyện này có một chút liên quan nào đó tới việc người Pháp tịch thu sách vở phù thủy mà Mệ tôi đã kể.  

Đạo phù thủy thờ Thái Thượng Lão Quân  làm tổ sư và lấy Vạn Pháp Quy Tôn làm sách gối đầu giường.  Chưa thấy một sử liệu nào nói về việc chính quyền Pháp tịch thu  sách dạy đạo phù thủy này, nhưng một người đàn bà dân dã như mệ tôi làm sao lại nghe biết chuyện đó để kể lại cho cháu nghe?  Hẳn là phải có một phần nhỏ nào sự thật trong đó, chẳng hạn giới cầm quyền không phải sợ pháp thuật của mấy tay phù thủy, mà chỉ e rằng người trí thức yêu nước lợi dụng thuật phù thủy để thu phục quần chúng thành lực lượng nổi lên chống Pháp chăng?  Ít ra thì cuộc nổi dậy của  Hồng Tú Tòan với Nghĩa Hòa Đòan bên Trung Quốc hồi cuối thế kỷ cũng cho người Pháp một kinh nghiệm chính trị nào đó.

Khi tôi lớn lên thì những ông thầy pháp cở như ông Cậu Thầy không còn nữa, nhưng nghề thầy pháp chưa tuyệt giống.  Đâu đó trong các làng vẫn còn những ông thầy pháp được mời đi cúng quan sát, cúng vớt đất, cúng tống mộc, sai phan, đánh đồng thiếp, trục quỷ, trừ tà ma, cho bùa, giải khóan v,v.  Cúng quan sát là giải trừ ma quan sát thường ám  trẻ con khiến chúng đau ốm quặt quẹo, biếng ăn, lâu lớn.  Cúng vớt đất là để làm cho đất đai nơi mình ở trở thành thanh sạch hơn, tốt đẹp hơn.  Còn cúng tống mộc là dành cho những nhà mới làm.  Người ta tin rằng ma quỷ thường chọn cây cao bóng cả làm nơi cư ngụ;  vì vậy, khi hạ những cây gỗ ấy từ rừng núi hay vườn nhà để xẽ ra lấy gỗ làm nhà, cũng mang theo ma quỷ đó vô nhà, làm cho khó ở; người sống trong đó dễ bị mộc đè trong giấc ngủ, dầu là giấc ngủ trưa. Để cho yên tâm, trước khi dọn vô nhà mới, chủ nhà thường mời thầy pháp làm lễ tống mộc, nghĩa là đưa những con ma bám nơi cây gỗ ra khỏi nhà. Sai phan là gọi hồn người chết trở về để chỉ dẫn điều gì đó, chẳng hạn để chỉ chỗ hài cốt thất lạc. Trong mấy món này, theo Mệ Ngoại tôi, đa số các thầy tay ngang đều làm được, riêng cái món đánh đồng thiếp và trừ tà trục quỷ thì phải thầy giỏi mới đáng tin cậy.

Trong cái thế giới phù thủy đó, đôi lúc không phải là không có chuyện tếu.  Có lần, nhân lúc trà dư tửu hậu, tôi kể chuyện phù thủy của ông Cậu Thầy cho mấy người bạn nghe, thì một anh góp ý ngay:  ông Cậu Thầy tài mà không tếu, ông thầy pháp người làng tôi cũng pháp thụật cao cường như ông Cậu Thầy đó, nhưng có nhiều máu tếu hơn.  Theo mấy ông già trong làng kể lại,  nhiều lần ông thầy bắt gặp cảnh trai gái chọc ghẹo, níu kéo nhau chướng mắt (theo tiêu chuẩn thời đó), ông bực mình kể chuyện lại với bà vợ, và nói , “để tui làm cho trai gái làng ni xấu hổ mà bỏ thói trăng hoa đi.” Bà vợ hỏi: làm sao ?  Ông nói: để đó rồi coi.  Tối hôm ấy, ông sai người nhà ra sau vườn đốn một cây chuối sứ, róc hết lá, rồi đem ra trồng ở ngã ba đường cái gần nhà, là nơi dân làng thường  ngày qua lại.  Ông dán vào thân cây chuối một đạo bùa, bắt ấn niệm chú gì đó, rồi về bảo với người nhà:  ngày mai,  tụi bây ưng coi bọn trai gái, đàn ông đàn bà làm trò thì ra đó rình mà coi.   Lạ thiệt, cứ trai gái cập kê, đàn ông đàn bà sồn sồn,  đi gần tới ngã ba, không ai là không nhìn sửng cây chuối, rồi xăm xăm đi tới gần, dang hai tay ôm chòang lấy cây chuối như ôm người yêu, lại còn làm mấy động tác như nam nữ giao hoan.  Làm xong thì ngó sửng cây chuối, lấm lét nhìn chung quanh, rồi bưng mặt chạy mất, xấu hổ quá, nhất là phái nữ, mấy ngày không dám ra khỏi nhà.  Sau người ta hỏi ra mới biết, nam  nữ đi ngang qua đó, không thấy cây chuối mà chỉ thấy đó là một người khác phái khỏa thân đang mời gọi, vậy là lòng dục nổi lên, tâm trí mê mẩn, làm bậy rồi mới biềt đó là cây chuối ! 
  
Vào nửa trước thế kỷ  XX mà Mệ Ngọai tôi đã tin rằng thấy phù thủy giỏi không còn, vì sách vở thất truyền, thì bây giờ thắp đưốc cũng khó kiếm.  Phù thủy là một hiện tượng phổ biến khắp thế giới, không phải chỉ hiện hữu trong những cánh rừng già châu Phi hay nơi thôn xóm Việt Nam, chỉ có khác là nó muôn màu muôn vẻ.  Chả thế mà giữa thời đại điện tử, vệ tinh này, cô giáo J.K Rowling của nước Anh bỗng trở thành triệu phú nhờ loat truyện phù thủy Harry Potter của cô đã hấp dẫn hàng triệu độc giả khắp thế giới.  Đi tìm một phù thủy có chân tài thực học mới khó chứ phù thủy làm tiền thì thiếu chi.  Trong khi môn phái phù thủy  chân truyền của miền Trung lụi tàn thì môn phái bùa ngãi phát xuất từ miền nam, vùng Thất Sơn, Bà Đen,  lại lan dần ảnh hưởng để lấp vào chỗ trống.  Nhưng đó lại là câu chuyện khác./-


Võ Hương An

- Cựu Thanh tra Giám Sát Viện Quân Khu 1 (VNCH)
- Cựu tù nhân chính trị Quảng Nam- Đà Nẵng

No comments:

Blog Archive