Mai rụng tơi bời
Thái Ngọc
Tôi còn nhớ thời trẻ thơ vào những ngày trước tết là những ngày rộn ràng nhất trong lòng. Mẹ dẫn tôi đi sắm quần áo mới, mua thêm cho đôi giầy mới.
Mẹ hay dẫn tôi đến tiệm quần áo trẻ em tên Việt Long ở đường Thủ Khoa Huân gần chợ Bến Thành để mua một cái áo đầm mới. Mẹ cũng không quên ghé hàng bà Ba Bủng để mua vài ký dưa hành, vì dưa hành bà muối rất khéo, ăn giòn, chua và không còn vị hăng cay của hành. Sau đó, mẹ sẽ đi đặt bánh chưng, thường là đặt 10 cái hay năm cặp, khi đến sáng ngày 30 tết sẽ đi lấy. Cũng có năm có người giao tận nhà. Vậy mà, khi đi chợ sắm tết, thấy có hàng bánh tét cắt bánh ra cho khách xem, thấy bánh gói đẹp, trông có vẻ ngon, mẹ lại mua thêm một cặp đem về. Thế là nhà tôi có đủ bánh chưng và bánh tét.
Vào những năm 60, con đường Võ Di Nguy, từ ngã ba Nguyễn Minh Chiếu đến trường tiểu học Võ Tánh và chạy tiếp đến chợ Phú Nhuận, trước tết khoảng một tuần hay mười ngày, người ta dựng sạp dọc theo vỉa hè để làm chợ tết. Chỉ có họp chợ tết phía bên này đường cùng phía trường và chợ thôi, bên kia đường thì không có. Những ngày trước tết này tôi hay đi học thật sớm để xem cảnh người ta đóng sạp, kéo và giăng dây điện, tiếng nói cười, kêu réo vang lên từ mọi phía. Rồi cảnh dỡ hàng từ xe tải, xe xích lô máy, xe lam xuống, bầy hàng lên xập v.v... Hàng nào tôi cũng thấy thích vì chúng gợi lên không khí tết. Nào là hàng dưa hấu, họ rải rơm dưới đất rồi chất dưa lên, chất đầy như cái núi con. Ngày trước chỉ có loại dưa vỏ xanh nhạt, quả hơi dài, có nhiều hạt, nhưng về sau nhờ có các kỹ sư nông nghiệp Đài Loan sang Việt Nam theo chương trình Mỹ viện trợ, họ cải giống ra loại dưa tròn, vỏ xanh thẫm, và không hạt. Ăn ngon và không mất công nhả hạt nên người tiêu thụ ưa chuộng loại dưa này. Dần dà, không còn thấy loại dưa nhiều hạt trên thị trường nữa. Hàng mứt bầy đủ các thứ mứt, kẹo. Tôi thích nhất là mứt me và mứt mãng cầu xiêm vì có vị chua chua của trái cây đó.
Tôi thấy có loại trái khô, bên ngoài có vẻ ướt dinh dính chất đường hay mật, trông giống táo tàu nhưng vỏ không nhăn nheo như táo tàu, chúng dính vào nhau và được đựng trong cái bao bố to như bao gạo một tạ. Tôi thắc mắc hỏi người bán hàng, bà hàng bảo đó là trái “chà là” của Miên ăn rất ngọt. Tôi không có tiền để mua cả cân hay nửa cân nên về kể lại cho mẹ nghe và thuyết phục mẹ mua về ăn thử.
Hàng quần áo trẻ con bầy toàn quần áo trẻ con; Hàng quần áo người lớn, của đàn bà, đàn ông có đủ, hàng giầy dép, hàng chén bát, hàng hoa vải, hoa giấy, hoa nylon, hàng hoa tươi, hàng bán toàn bình hoa bằng sành, bằng sứ đủ kiểu, đủ kích thước khác nhau. Thời đó còn có hàng câu đối của một ông đồ nho còn sót lại, tuy ít người mua hàng, ông cũng vẫn ngồi đó trên một cái chiếu con, mài mực tàu, thỉnh thoàng viết vài câu đối trên giấy đỏ rồi treo lên những dây kẽm đã giăng sẵn phía sau lưng ông.
Khi tối đến, các sạp bắt đầu lên đèn, tôi lại năn nỉ mẹ dẫn đi xem chợ tết vì lúc này người đi mua sắm bắt đầu đông đúc, tấp nập. Chen chân trong dòng người đi chợ tết, tôi vui như đi hội chợ. Tôi cố dắt mẹ đến hàng mứt có bán chà là để nài mỉ mẹ mua; mẹ tôi là người không hay thử những món lạ, nhưng vì chiều con và nghe bà hàng quảng cáo chà là của Miên, ăn ngon lắm nên mẹ mua thử một cân. Thời đó, người dân còn dùng từ “Miên” để chỉ dân Khờ Me, báo chí thì gọi là “Cam Bốt”, mãi sau này mới đổi thành “Kam Pu Chia”. Thế là từ đó gia đình tôi biết ăn chà là. Từ bé, tôi đã có tánh hay “ăn thử cho biết” và tôi cũng thuộc loại dễ ăn, hễ món gì người ta ăn thấy ngon thì hình như tôi cũng thấy ngon, duy chỉ có nếp, đậu và các thứ khoai là tôi không hảo lắm.
Mẹ thì hay mua mứt của tiệm Bảo Hiên Rồng Vàng bên kia đường, họ là những người Bắc di cư 1954, đem theo nghề bánh cổ truyền vào miền Nam và tiếp tục sinh sống bằng nghề gia truyền, họ làm mứt sen, mứt bí tăm có mùi hoa bưởi, mứt dừa sữa có mùi vani, kẹo trứng chim có lạc bên trong, bên ngoài là lớp kẹo đường bọc láng mịn chứ không sần sùi như kẹo “cứt chuột” bán ngoài chợ tết, bánh đậu xanh gói như viên kẹo tròn to gấp đôi viên bi trong giấy mỏng (không phải giấy bóng kính) mầu hồng, màu xanh, màu vàng, đuôi cắt tua xòe ra trông rất đẹp. Tôi rất thích các thứ bánh mứt có mùi nước hoa bưởi, nhẹ nhàng và thanh tao. Thời đó toàn dùng nước hoa bưởi thiên nhiên chứ chưa có nước hoa bưởi hóa học, mùi hăng hắc như ngày nay.
Riêng về việc mua hoa chưng bày mấy ngày tết, mẹ luôn mua một cặp chậu quất có đầy quả chín vàng, một cặp chậu cúc đại đóa hay thược dược. Mẹ sắm mấy thứ hoa này trước tết khoảng bốn hay năm ngày, mẹ thường đi một mình vì còn gọi xích lô chở về. Riêng về hoa Mai, bố mẹ tôi hay chờ đến tối ngày 29 mới ra chợ Phú Nhuận lựa mua một cành mai vàng đã đơm đầy nụ, và nụ phải căng tròn để sáng mồng một nở hoa khai xuân. Và hôm mua hoa mai, mẹ cũng hay mua một chục hoa lai ơn đỏ thắm.
Đến khi bố tôi đổi việc làm, ông không còn làm thông dịch viên cho các ông kỹ sư người Nhật làm ở nha Ngư Nhiệp theo chương trình viện trợ Mỹ. Ông được một công ty xuất nhập cảng của Nhật mời làm việc thì thâu nhập của ông gia tăng hơn trước rất nhiều. Vì thế, khi mua hoa mai để bầy tết, ông chuyển qua chợ hoa Nguyễn Huệ, lựa một cành mai thật to, thật nhiều nụ tròn trĩnh. Lúc đầu, bố mẹ tôi đi với nhau để lựa một cành mai ưng ý. Nhưng vài năm sau đó, bố lại rủ tôi đi lựa mai với bố, để mẹ ở nhà lo việc khác. Tôi đoán có lẽ lúc này tôi đã lớn, biết xem cành nào đẹp, có nhiều nụ, cành nào không đẹp lắm nên bố đem tôi theo. Hoặc là bố muốn tập cho tôi lựa mai chăng? Bố mẹ tôi không phải là người mê tín, tôi không thấy bố xem ngày, xem giờ để kiêng cữ bao giờ. Nhưng từ khi buôn bán hàng xuất nhập cảng, bố có vẻ để ý đến mai nở ngày đầu năm. Tình cờ thế nào mà hoa mai nhà tôi năm nào cũng nở, dù là mua ở chợ Phú Nuận hay chợ hoa đường Nguyễn Huệ, dù cành bé năm xưa hay cành lớn thời bấy giờ nên tôi bụng bảo dạ “Bố mình đâm ra lo vớ vẩn!”.
Thỉnh thoảng mẹ vẫn nhớ cố hương Hà Nội đón xuân với những cành đào đậm sắc hồng như cánh sen, nên mỗi khi thấy mai vàng, mẹ lại nhắc đến hoa đào miền Bắc. Có năm, có người quen đem từ Đà Lạt về một cành đào biếu bố mẹ tôi, mẹ quý tấm lòng của người này lắm. Cành đào chưa có nụ, chỉ có lá non, nhưng cành to lớn và dáng vẻ rất đẹp, trông rất có phong cách của một cành đào. Mẹ bảo “tuy khác với đào Hà Nội, nhưng nó cũng mang cốt cách của một cành đào, con biết làm hoa giấy để gắn lên không, vì không có hoa trên cành thì chẳng ra mùa xuân”. Thế là tôi mua giấy mầu hồng nhạt, mầu của hoa đào Đà Lạt, loại giấy dùng để làm hoa giả về cắt ra để làm cánh hoa rồi xếp vào nhau cho thành “hoa đào”, rồi gắn lên cành. Thế là năm đó khách khứa đến nhà tôi ai cũng khen hoa đào đẹp quá, ở Sài Gòn nóng bức làm sao có được cành đào nở hoa như thế này?! Năm đó, nhà tôi ăn tết với cành đào thật, nhưng hoa đào giả “nở đầy cành”. Cả năm đó bố tôi vẫn làm ăn phát đạt như thường, có hề hấn gì đâu!
Những cái tết sau cái tết “hoa đào” đó, khi đến 29 tết, bố lại dẫn tôi ra chợ hoa Nguyễn Huệ để lựa mua một cành mai về chưng tết. Không biết các nhà trồng mai có pha giống hay cải giống gì không, mà năm nào mai nhà tôi cũng nở kép, tôi gọi là hoa mai kép, chỉ một đài hoa mà hai lớp cánh, mỗi lớp năm cánh, hai lớp thì mười cánh. Như thế hoa mai mười cánh nở bung trông to lớn hơn hoa mai năm cánh, đẹp huy hoàng! Bố nhìn cành mai nở bung ngày mồng một tết, đa số là hoa mai kép, rất đắc ý và vui cười. Nhìn sắc vàng tươi thắm trên cành mai lòng tôi cũng hân hoan đón chào năm mới với đầy vui tươi và tràn trề hy vọng. Mỗi năm bố càng làm ăn phát đạt, bố lại càng tin vào mai nở ngày đầu năm.
Tối 29 tết năm 1975, bố lại dắt tôi ra chợ hoa Nguyễn Huệ lựa một cành mai. Bố vẫn cho tôi lựa theo ý tôi, dĩ nhiên bố cũng ngắm nghía một lúc, góp ý một đôi câu rồi gật đầu. Bố trả tiền xong, hai bố con hể hả đi về. Mẹ chờ ở nhà để chuẩn bị cắm cành mai vào bình. Cái bình bằng sành màu vàng đồng thật cao lớn phải để dưới sàn nhà trong phòng khách. Mẹ khen cành mai năm nay sai nụ như mọi năm và nụ nào cũng tròn trĩnh, cứng cáp mọc thẳng từng chùm trên cành. Bố mẹ và tôi chắc mẩm trong bụng rằng thế nào chúng cũng khai hoa ngày mồng một tết!
Sáng 30 tết, tôi không nhớ ai là người bước vào phòng khách trước tiên. Nhưng khi bố bước vào thì la thất thanh lên “Thôi chết rồi! Có đứa nào làm chết hết nụ hoa không?” Tôi chạy vội đến bên cành mai, nhìn lên cành rồi nhìn xuống đất, tôi không tin nổi mắt mình nữa. Quá sức hãi hùng! Rất nhiều nụ đã rớt đầy trên sàn nhà, có nụ đã he hé mở để lộ ra chút cánh màu vàng bên trong, thế mà nỡ nào rơi xuống đất trước khi nó nở bung ra. Những nụ còn dính trên cành thì nghẻo đầu xuống, mềm rũ, chẳng còn cứng cáp dựng đầu lên như đêm hôm qua khi mới đem nó vào nhà. Bố mất bình tĩnh quát tháo “Có đứa nào bỏ thuốc bậy bạ gì vào bình không?” Cả lũ chị em tôi nhao lên “Không!” mà mặt mày ngơ ngác lo sợ.
Bố tôi rất thích nấu chè kho, một loại chè làm bằng đậu xanh của miền Bắc hay ăn vào dịp tết và để đãi khách đến chúc tết. Gọi là chè, kỳ thực nó giống như bánh đậu xanh, vì khi nấu xong phải đổ ra đĩa sâu đáy, rắc vừng rang lên trên, để nguội rồi cắt ra từng miếng. Thay vì ở nhà quấy nồi chè kho như mọi năm, bố quát lên “đem vứt cành mai này đi, rửa bình cho sạch. Tôi dắt thằng Khánh lên chợ Bà Chiểu mua cành khác”
Thế là bố đổi hướng, thay vì lên chợ hoa Nguyễn Huệ, bố lên chợ Bà Chiểu; thay vì dắt tôi theo lựa cành mai thì bố dắt em Khánh theo để thay đổi vận thế. Tôi buồn rầu vì mặc cảm mình đem đến “xui xẻo” nên anh ách lo và buồn, chẳng phải lo bố làm ăn thất bại, nhưng buồn vì bố chẳng còn tin mình nữa.
Hơn một giờ sau, bố và em Khánh về, đem theo một cành mai mới, trông cũng to lớn, khỏe mạnh và đầy nụ căng tròn. Mẹ đã chuẩn bị bình với nước mới, chính tay bố cắm mai vào bình. Em Khánh gọi tôi ra sân nói khẽ:
- Em gặp thằng Sinh ở chợ Bà Chiểu cũng đang đi mua hoa mai với mẹ nó. Nó bảo nhà nó đã mua hoa mai ở chợ Trương Minh Giảng rồi, nhưng không hiểu tại sao sáng nay nụ rụng gần hết thành ra mẹ nó bảo nó chở ra chợ Bà Chiểu để mua cành khác. Em bảo với nó: “Nhà tao cũng vậy. Bố tao tưởng đứa nào bỏ thuốc tầm bậy vào bình nên chết hết nụ. Không ngờ nhà mày cũng thế!”
Tình hình chính trường đang nguy biến, nhiều tỉnh miền trung đã lọt vào tay cộng sản miền Bắc. Quốc gia miền Nam đang lâm nguy, tuy đón tết mà mọi người có vẻ hớt hải, bất an. Chợ tết năm nay cũng thiếu mất cảnh rộn ràng tấp nập vì giảm bớt người đi mua sắm. Lòng tôi xốn xang lo khi nghĩ đến vòng đai thủ đô Sài Gòn đang bị hăm he.
Sáng mồng một tết, có lẽ tôi là người đầu tiên bước vào phòng khách, rón rén đến bên cành mai để xem mai nở thế nào. Mấy năm trước có bao giờ tôi lo sợ mai không nở đâu. Nhưng năm nay thì lo, mà lo cũng phải! Trước mắt tôi là một lớp nụ mai nằm sõng soài trên sàn nhà chung quanh bình hoa; những nụ còn lại trên cành thì nghẻo đầu xuống thê thảm như đang ở trong tư thế sắp sửa rơi. Tôi biết thế nào chút nữa khi bố thức dậy, bước vào đây, nhìn cảnh này, ông sẽ quát tháo ầm ỹ lên chẳng cần kiêng cữ đầu năm. Bố tôi không phải là người biết cầm giữ cơn nóng giận của mình. Mẹ tôi và chị em chúng tôi phải chịu đựng trường kỳ tánh tình nóng nảy của bố. Sáng mùng một chẳng dám đến nhà bạn bè, phố xá hàng hiệu thì đóng cửa im ỉm. Biết đi đâu “tị nạn ông bố” tôi bây giờ? Lòng tôi nao sờn vì sợ nghe những tiếng quát tháo như sấm sét. Nhưng tôi nghĩ ra một nơi để đi nên vội về phòng thay áo dài. Tôi biết mặc áo dài màu vào ngày đầu năm chỉ vài năm gần đây thôi. Những năm còn bé thì mẹ mua áo đầm cho mặc vào mấy ngày tết. Khi đến tuổi biết làm dáng, tôi tự đi mua vải và đi đặt may áo đầm theo ý mình thích và dĩ nhiên là theo trời trang lúc đó nữa. Áo dài thì chỉ mặc đi học nên tôi chỉ có áo dài trắng. Nhưng khi nhận thấy áo dài đẹp quá, tôi hãnh diện mà mặc những chiếc áo dài màu, hàng nội hóa cũng có, hàng tơ lụa nhập cảng cũng có, mà ra đường. Tôi gọi các em dậy và giục chúng cùng lên nhà thờ với tôi, vì sáng mồng một nhà thờ có nhóm vào lúc 9 giờ, tới sớm hơn gần tiếng đồng hồ thì đứng bên ngoài chờ, có sao đâu. Mẹ tôi sẽ đi sau. Tội nghiệp mẹ, nếu bố có quát tháo thì chỉ có mẹ nghe mà thôi. Bố là người vô tín ngưỡng nên ông ở nhà, ông không đi nhà thờ với mẹ bao giờ.
Em Khánh gặp Sinh ở nhà thờ sáng hôm đó, hỏi thăm cành mai của nhà Sinh có nở hoa sáng nay không. Sinh lắc đầu bảo không, nụ không nở mà còn rụng tơi tả gần hết làm bố mẹ Sinh rất buồn, không biết năm nay có chuyện gì không may xẩy ra. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên về hiện tượng kỳ quái này. Hóa ra không chỉ riêng nhà tôi lâm nạn “Nụ mai rụng”, mà nhà Sinh cũng thế. Vậy còn bao nhiêu nhà khác thì sao? Tôi không ghé qua nhà bạn bè để hỏi thăm, vì là ngày mùng một, sợ người ta kiêng cữ. Tan lễ về nhà, chúng tôi lấm lét xem bố có ngồi ở phòng khách hay không. Không thấy bố ở nhà, mừng quá! Nhìn lại bình hoa thì đã dọn đi mất rồi. Tôi hỏi thăm chị bếp, chị bảo rằng bố tôi bảo đem cành mai bỏ vào xó bếp chờ mùng bốn đổ rác chứ không cho chưng bầy nữa. Chiều đến bồ về nhà, vẻ mặt có vẻ nguôi ngoai, ông không nhắc đến cành mai vô tích sự nữa. Nhưng em Khánh lại nhắc đến cành mai của nhà Sinh cũng giống như mai nhà mình thì bố tôi lại suy nghĩ. Ông bảo có lẽ là điềm Trời, vận nước đến lúc lâm nguy. Ông không thờ Trời mà cũng nhắc đến Ông Trời thì đủ biết trong tiềm thức của con người, ai cũng cảm thấy rằng có một Ông Trời, là Đấng Tạo Hóa Tối Cao cầm quyền trên mọi việc và dĩ nhiên trên cả vũ trụ này. Ông Trời mà tiếng Anh gọi vỏn vẹn một chữ “GOD”. Kinh thánh tiếng Việt dịch một cách tôn kính là “Đức Chúa Trời” khiến nhiều người Việt hiểu lầm là một “Ông nào khác”.
Ngày 30 tháng tư năm 1975, khi ngồi trên tàu há mồm của hải quân Đại Hàn đậu ngoài khơi đảo Phú Quốc tôi luôn suy nghĩ đến hiện tượng nụ mai rụng tơi bời ngày mùng một tết vừa qua; đúng 12 giờ trưa hôm đó trên đài phát thanh Sài Gòn, "Tổng thống" Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cộng sản Bắc Việt. Thuyền trưởng ra lệnh cho ai nấy nằm sấp xuống boong tàu, rồi ra lệnh cho tàu nhổ neo trực chỉ ra khơi. Tất cả các khẩu súng đại bác trên tàu đều được lính hải quân Đại Hàn chỉa mũi vào bờ trong tư thế phòng vệ, vì lúc đó chủ quyền quốc gia miền Nam đã thuộc về cộng sản Bắc Việt. Toàn thể dân Việt Nam trên tàu đều khóc òa lên quay nhìn lại phía đảo như cố thâu lại hình ảnh quê hương lần chót trước khi rời xa. Đầu óc mọi người lúc đó chắc chắn rất căng thẳng và lòng dạ rất đau thương vì có rất nhiều người thân bị bỏ lại, không biết có còn dịp nào gặp lại không. Cả ngàn chiếc tàu lớn nhỏ, từ tàu của hải quân Việt Nam cho đến tàu đánh cá của ngư phủ thảy thảy đều nhổ neo, đồng loạt phóng ra khơi. Nhìn cảnh cùng nhau bỏ chạy thế này, tôi bật khóc tức tưởi! Nghĩ mà thương những người lính miền Nam không có phương tiện vượt thoát trong những giây phút sau cùng của chế độ mà mình phục vụ, rồi họ sẽ ra sao? Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thì đã lên đài truyền hình số 9 tuyên bố từ chức từ mấy hôm trước và hôm sau đã bỏ nước ra đi.
Thoạt đầu cả đoàn tàu đều phóng về một hướng, nhưng sau đó tôi nhận ra hai chiếc tàu của hải quân Đại Hàn tách hẳn về một hướng khác, họ đi về xứ của họ. Còn các tàu bè của Việt Nam thì đi về hướng các chiến hạm của Mỹ đang chờ ngoài khơi. Đảo Phú Quốc xa dần, mờ dần rồi mất hẳn trong tầm nhìn. Lúc này đây, một nỗi buồn và trống vắng mênh mông ập đến, không còn nhìn thấy đoàn tàu Việt Nam ban nãy, tôi biết mình đã thực sự xa bầy và lạc hướng. Tôi cảm thấy “cái điềm xấu nụ mai rụng”đang ứng nghiệm. Ngồi lênh đênh trên biển cả hai tuần, đói và khát vì tàu chỉ chuẩn bị cho khoảng tám chục Hàn kiều dẫn vợ con Việt Nam về nước, nhưng số người Việt đi ké tăng lên gần gấp mười lần, trên mức dự trữ lương thực và nước uống rất nhiều nên ai nấy chỉ được phát cho khoảng ½ bát nước một ngày, chẳng thấm vào đâu so với sức thiêu đốt của mặt trời tháng Năm trên biển Thái Bình nên mọi người đều rũ liệt vì nắng cháy và thiếu nước; có người phát bệnh, nằm li bì suốt ngày. Thực phẩm chỉ có một thứ duy nhất là mì gói. Nhưng vì thiếu nước nên anh lính hoả đầu quân chỉ cho xâm xấp nước vừa đủ để mì nở ra, nhưng anh lại tống hết các gói bột nêm vào nên mì mặn chét, ăn vào cứ như là đưa cả gói bột nêm vào miệng vậy. Bụng đói cồn cào mà ăn chừng hai muỗng là chịu hết nổi, mặn thắt ruột, càng khát nước hơn, muốn có một ly nước đầy để uống ngay, mà nước thì không có. Cho nên chỉ sau hai ngày là tôi chịu thua món mì gói muối ruột. Mỗi khi tôi cố gắng đứng lên đi vài bước thì mặt mày xây xẩm muốn té vì quá suy dinh dưỡng và mất quá nhiều nước trong cơ thể, chẳng còn sức để tự mình đi đứng, lúc nào cũng phải có bố hoặc em trai dìu một bên.
Sau 40 năm lưu lạc xứ người, không lúc nào tôi quên hiện tượng nụ mai rụng tơi bời ngày mồng một tết năm 1975. Nghĩa là nụ mai chưa nở đã tàn héo và rơi rụng như một điềm xấu mà Ông Trời báo trước vận nước đến thời mạt. Miền Nam thất thủ, lính tráng tan hàng, tướng tá bị bắt đi lao động khổ sai, gia đình ly tán. Bố tôi phải miễn cưỡng ra đi mà trong lòng tiếc nuối nhiều thứ, mất hết mấy cái nhà, mất công việc làm ăn và còn mất một thứ khác nữa mà tôi không muốn nhắc đến. Chưa kể là còn phải đối diện với một tương lai mù mờ, u ám. Không biết trong mùa xuân năm 1975 có nhà nào có cùng một hiện tượng nụ mai rụng tả tơi ngày mồng một tết như nhà tôi và nhà Sinh không? Tôi đoán có lẽ nhiều lắm. Nhưng cũng có thể có nhà có mai nở rộ vì họ theo phe đang vào chiếm miền Nam, họ sẽ được bổng lộc, chia chác thật nhiều trong việc đi hôi đồ đạc và chiếm những căn nhà mà chủ của chúng nó đã bỏ đi. Hoặc những người sau khi bỏ chạy khỏi chế độ cộng sản, đến được bến bờ tự do, lại phất lên như phi thuyền lên cung trăng. Vì trong cái rủi lại có cái may!
Có thể có người bảo sao tôi không mua giấy về làm hoa giả gắn đầy lên cành mai xem có thể thay đổi được vận số hay không! Nhưng tôi tin rằng hễ Ông Trời đã bày tỏ một cái điềm xấu như vậy thì có gắn lên cành cả ngàn cái hoa giấy, hoa vải hay hoa tươi cũng chẳng thay đổi được gì. Vì “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” mà! Hoặc nếu có người thắc mắc tại sao cành đào nhà tôi vào cái tết “hoa đào” năm nào toàn gắn hoa giấy thôi mà năm đó bố tôi cũng làm ăn phát tài? Tôi tin rằng năm đó Ông Trời không báo cho một cái điềm xấu, thì hoa giả hay hoa thật cũng chỉ là để gia đình tôi thưởng xuân mà thôi. Ông Trời ban các loài hoa cho nhân loại thưởng xuân hay thưởng thức theo mùa. Mùa nào hoa nấy! Ông Trời ban cho nhân loại đủ thứ hạt giống không những để nuôi sống cơ thể mà còn những thứ để thưởng thức, làm thăng hoa cho cuộc sống nữa. Ông Trời cũng ban cho con người có trí khôn để có thể biến chế ra vải, ra giấy, ra hoa vải, hoa giấy để vui hưởng.
Ôi, nhìn lại mùa xuân 1975 với hiện tượng nụ mai rụng tơi bời ngày Mồng Một Tết như báo trước một ngày rụng rơi của miền Nam nước Việt và một chuỗi ngày rụng rơi của nhiều con người mà mệnh đời trôi theo mệnh nước! Trước đây, chẳng bao giờ tôi nghĩ mình sẽ viết lại những điều này. Nhưng, tôi nghĩ hiện tượng mai rụng này có liên quan đến vận nước nên nó cứ trăn trở mãi trong tôi. Tôi viết ra đây để chia sẻ với mọi người, rồi tùy quý vị nhận xét.
Thái Ngọc
No comments:
Post a Comment