Tết ở Hội An, nhìn đâu cũng thấy người Trung Quốc
HỘI AN - Có thể nói rằng Tết năm nay ở miền Trung khác hẳn mọi cái Tết trước đó. Có ba cái khác thấy rõ rệt: Người dân ít mặn mà với Tết; nạn kẹt xe diễn ra liên tục và; người Trung Quốc ăn tết ở miền Trung nói chung, Hội An, Quảng Nam nói riêng quá đông.
Đi đâu cũng gặp du khách Trung Quốc.
Trong khi đó, có vẻ như kinh tế miền Trung năm nay ảm đạm, không khí Tết của người Việt tẻ nhạt và chẳng có gì là Tết. Dạo một vòng xuống phố cổ Hội An, Tết với kẹt xe và người Trung Quốc hiện ra trước mắt.
Lẽ thường tình, con người, dù như thế nào chăng nữa, khi sống xa cố quốc, gặp một người có giọng nói quê hương, người ta có thiện cảm ngay. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, như trường hợp người Minh Hương ở Hội An khi gặp khách du lịch Trung Quốc chẳng hạn.
Tết, Mồng Hai, Mồng Ba, Mồng Bốn, Hội An kẹt xe vì những đoàn khách Trung Quốc lũ lượt kéo đến. Cố gắng len lỏi để tìm đường thoát ra ngoài, đi vòng đường ngoại ô, vào một con hẻm trên đường Cửa Đại, chúng tôi lọt vào phố cổ Hội An. Việc đầu tiên là tìm đến một quán của người Minh Hương ngồi uống cà phê và tìm hiểu xem thử họ có thấy vui khi khách du lịch Trung Quốc đến Hội An đông một cách bất thường.
Chủ quán tên Nhạn, người Minh Hương, sống ở Việt Nam đã nhiều đời, cho hay: “Cụ tổ của tôi nằm trong phong trào ‘phản Thanh phục Minh,’ lưu vong sang đây đã mấy trăm năm. Với tôi, Việt Nam là quê hương, không suy nghĩ gì nhiều nữa!”
“Thấy người Trung Quốc sang đây nhiều, thực lòng mà nói tôi không mừng. Bởi khi chúng tôi sang Việt Nam với tâm lý mất quê hương chứ không phải với tâm lý như những người bây giờ. Chúng tôi mang ơn Việt Nam và xem Việt Nam là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nó khác, khác xa lắm!”
Khách du lịch Trung Quốc trong các khu vui chơi ở phố cổ Hội An.
“Chuyện này nói ra đôi khi hơi đụng chạm, tâm lý của chúng tôi với Việt Nam cũng giống như tâm lý của những người Bắc vào miền Nam những năm 1945 và 1954. Họ hoàn toàn khác với tâm lý của người Bắc 1975 vào Sài Gòn. Thú thực là chúng tôi không thích khách du lịch Trung Quốc.”
“Tôi không kì thị, cộng đồng minh Hương chúng tôi biết sống, biết làm ăn lắm. Nhưng chúng tôi không chịu được hành xử hách dịch và ồn ào của du khách Trung Quốc. Họ xả rác bừa bãi còn hơn cả người Việt Nam, ồn ào thì miễn bàn! Họ mua bất kì thứ gì thì trả tới trả lui cả chục lần. Trong khi đó Hội An quen với văn hóa Tây, không có nói thách. Gặp khách trả chắc mình chán lắm!”
“Tết ở Hội An ít nhiều mang tính tâm linh, người ta giữ yên tĩnh, Tết thơm tho hương trầm. Khách Tây đa phần rất lịch sự, văn minh, họ biết im lặng, họ đón Tết Việt Nam còn sành điệu, hồn vía hơn cả người Việt. Khách Trung Quốc thì khác, họ đón Tết quá ồn ào và làm cho thành phố cổ trở nên lộn xộn vô cùng!”
“Cũng xin nói thêm đây là cái Tết đầu tiên trong lịch sử Hội An bị kẹt xe. Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Hội An bị kẹt xe. Tôi nghĩ rằng cả một vấn đề để suy nghĩ chứ không giỡn chơi đâu. Vì có nhiều khách Trung Quốc từng đến nhờ tôi tìm nhà ở Hội An để mua ở. Tôi đã từ chối nhưng không biết có bao nhiêu người Việt Nam từ chối giống tôi?”
Người Việt Nam nói về Hội An
Tiếp tục dạo một vòng loanh quanh thành phố du lịch Hội An, tìm gặp những người Việt Nam để tìm hiểu xem họ suy nghĩ gì về lượng khách du lịch Trung Quốc phình to ra ở Hội An trong dịp Tết. Điều làm chúng tôi hơi bất ngờ là có vẻ như số đông người Việt kinh doanh hàng quán, khách sạn lại mừng vì thành phố có nhiều khách, ngoại trừ một số người như ông Lự mà chúng tôi đã gặp trong quán nước dừa bên bờ sông Hoài.
Kẹt xe, dân Hội An đi vòng ra ngoại ô, đi băng qua những vườn thuốc lá.
Ông Lự, cư dân lâu năm ở phường Cẩm Nam, Hội An, buồn bã: “Nếu như khách du lịch Trung Quốc đông đúc mấy chục năm nay rồi thì mọi chuyện bình thường thôi. Còn hiện tại, khách Trung Quốc đông như nêm ở Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang... Làm tôi nhớ lại cái thời khách Liên Xô sống đông đúc ở Đà Nẵng.”
“Những năm 1980, Hội An nghèo đói, không có khách sạn gì nên người Liên Xô sống rất đông ở ngã năm Phan Châu Trinh - Trần Quốc Toản - Trần Bình Trọng và Hoàng Diệu. Nhìn đâu cũng thấy người Liên Xô. Bây giờ, mình nhìn đâu cũng thấy người Trung Quốc, khách Tây thì ít và khách Trung Quốc thì nhiều.”
“Mà điều này làm tôi lo nhiều thứ. Tôi cũng kinh doanh dịch vụ du lịch, tôi sợ là rồi đây khách Tây sẽ bỏ Hội An, bỏ Việt Nam bởi khách Trung Quốc quá đông, gây ồn ào thì khách Tây sẽ tìm đến nơi khác yên tĩnh hơn. Đây sẽ là một thất bại trong làm du lịch.”
“Hơn nữa, mình biết họ đi du lịch hay họ làm gì nữa? Hiện tại thì giữa Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng, lẽ ra không nên để họ sang mình nhiều vô tội vạ như vậy! Sẽ khó mà lường được họ định làm gì. Không nên đánh đổi mấy đồng lãi từ du lịch với an nguy đất nước. Người Trung Quốc họ muốn gì ở Việt Nam thì ai cũng rõ, không cần bàn thêm!”
“Họ chỉ mới đi du lịch không thôi mà cả cái Tết náo động lên, ồn ào như cái chợ, kẹt xe, mua bán ồn ào... Như thế thì đủ rõ. Tự dưng tôi thấy tiếc những cái Tết yên bình, những cái Tết chỉ có mùi hương trầm, đầu phố ho thì cuối phố cũng nghe, lòng người thơm thảo... xa xưa. Hình như là những cái Tết như vậy đã chấm hết rồi!”
Kẹt xe đêm Mồng Bốn Tết ở Hội An, xe máy băng lên lề đường để thoát kẹt.
Tạm biệt ông Lự, chúng tôi tiếp tục đi dạo những con phố Hội An, lan man ra ngoại ô thăm vườn rau Trà Quế, vườn hoa ở khu phố mới. Dường như mọi thứ vẫn diễn ra như thường lệ, vẫn có nhiều rau không kịp bán Tết, vườn hoa vẫn còn rất nhiều hoa bán không chạy sau mùa Tết. Người trồng rau và trồng hoa vẫn cứ sống trầm trầm, không giàu mà cũng không nghèo. Người ta vẫn cúng bái đầu năm.
Nhưng, dường như có một điều gì đó bất an đã len lỏi vào thành phố cổ hơn ba trăm năm tuổi này! Mọi chuyện dường như đã có sự đổi thay nào đó mà người ta chưa kịp nhận ra. Tết ở Hội An không còn là Tết của Hội An nhiều năm trước nữa!
Phi Khanh
No comments:
Post a Comment