Saturday, February 27, 2016

Người vợ siêu mẫu của ứng viên tổng thống Mỹ Trump

Sinh ra trong gia đình giàu có, biết 4 ngôn ngữ, Melania Trump có thể trở thành đệ nhất phu nhân sinh ở nước ngoài đầu tiên trong lịch sử hiện đại Mỹ, nếu Donald Trump đắc cử tổng thống.

Melania Knauss, 17 tuổi, làm mẫu chụp ảnh năm 1987. Ảnh: IPAK Images
Theo Bloomberg, Melania Knauss, sinh năm 1971 tại Svenica, Slovenia, là vợ ba của tỷ phú Mỹ Donald Trump, người đang tranh cử tổng thống Mỹ.

Bà sinh trưởng trong một gia đình giàu có, bố làm đại lý xe hơi và môtô, còn mẹ là nhà thiết kế thời trang. Melania bắt đầu sự nghiệp người mẫu lúc 5 tuổi.
Melania biết nói 4 thứ tiếng, tốt nghiệp Học viện thiết kế và kiến trúc ở thủ đô Ljubljana. Năm 18 tuổi, Melania ký hợp đồng với một công ty người mẫu ở Milan, Italy. Từ đó, cô đi lại giữa Paris, Milan, chụp hình cho nhiều tạp chí danh tiếng như Vogue, New York Magazine, Harper's Bazaar.


Năm 1996, Melania chuyển đến New York. Tại đó, năm 1998, trong một bữa tiệc, cô gặp Donald Trump, vị hôn phu tương lai.

"Đó là một bữa tiệc thời trang", Melania nhớ lại. Trump hỏi xin số điện thoại, nhưng Melania không cho. "Tôi không phải loại con gái gặp ai cũng cho số điện thoại. Tôi biết ông ấy là ai và tôi nói, 'Cho tôi số của ông, tôi sẽ gọi lại'".

Năm 2004, tỷ phú Donald Trump mua tặng Melania chiếc nhẫn đính hôn đính kim cương 15 carat ở cửa hàng trang sức nổi tiếng Graff tại London, Anh. Chiếc nhẫn trị giá khoảng 3 triệu USD. Ảnh: Pin it


"Ông ấy cho tôi số điện thoại cơ quan, điều đó cho thấy ông ấy không hoàn toàn có ý định nghiêm túc", NY Post trích lời Melania. "Nó cho thấy cách nhìn của một người đàn ông về một phụ nữ, và cách anh ta đối xử với phụ nữ".

Ba ngày sau, cô gọi lại, sau khi hoàn tất buổi chụp hình thời trang ở Caribe. Trump hẹn gặp cô ở Moombah, câu lạc bộ đêm nổi tiếng nhất New York. Một tháng sau, ông mời cô đi nghỉ một tuần trên chuyên cơ tới Palm Beach, Florida. Hai năm rưỡi sau, Trump đề nghị Melania chuyển tới ở cùng căn hộ trong tòa tháp Trump.

Đến năm 2005, Melania, 34 tuổi và Donald, 58 tuổi, tổ chức lễ cưới linh đình tại Palm Beach, Florida. Cô khoác lên người chiếc áo cưới lộng lẫy của hãng Christian Dior, chiếc áo cần tới hơn 1.000 giờ để hoàn thiện. Cô khoe chiếc áo trên trang bìa tạp chí Vogue trước lễ cưới. Ảnh: Pin It

Nhiều người nổi tiếng như Heidi Klum, Kathy Hilton, tổng biên tập tạp chí Vogue Anna Wintour cũng tới tham dự. Thậm chí, vợ chồng cựu tổng thống Mỹ Clinton cũng tới.


Vài tháng sau, đầu năm 2006, Melania một lần nữa xuất hiện trên tạp chí Vogue trong bộ bikini màu vàng kim, đứng trên bậc thang chiếc máy bay tư nhân của chồng với chiếc bụng bầu 7 tháng. Ảnh: Twitter


Melania đăng ảnh bế con trai Barron Trump. Cậu bé sinh vào tháng 3/2006. Ảnh: Twitter

Barron biết nói tiếng Slovenia, Anh, Pháp. Trang Twitter cá nhân của cậu bé không đăng bất kỳ bình luận hay bài viết nào. Cậu chỉ theo dõi một mình Twitter của mẹ, và không để tâm đến trang Twitter của bố.


Melania cho biết mặc dù là người cực kỳ bận rộn, nhưng tỷ phú Trump vẫn dành thời gian có ích cho Barron. Quan hệ hai bố con tràn ngập sự kính trọng và tình yêu thương. Ảnh: Splash News Photo

"Hai bố con chơi golf, vui vẻ bên nhau, ăn tối cùng nhau. Chúng tôi tận hưởng thời gian gia đình gần gũi. Đó là những giây phút đặc biệt. Anh ấy chưa từng thay tã cho con nhưng đối với tôi, điều đó chẳng thành vấn đề, tôi không để tâm chuyện đó".

"Điều quan trọng là biết được ta đang ở cạnh ai. Chúng tôi đều hiểu vai trò của mình. Tôi không muốn anh ấy thay tã hay dỗ Barron đi ngủ".


Melania trong buổi chụp hình cho tạp chí Harper's Bazaar năm 2005. Ảnh: Harper's Bazaar

Melania không phụ thuộc vào chồng, bà bắt đầu tự kinh doanh và tung ra sản phẩm riêng. Tháng 2/2010, bà ra mắt bộ sưu tập trang sức đầu tiên có thương hiệu "Melania Timepieces & Jewelry". Bộ sưu tập bán hết trong vòng 45 phút, và tỷ phú Trumph là khách hàng đầu tiên.

Melania tung ra những phiên bản rẻ hơn, với mong muốn "thích giúp phụ nữ không tiêu tốn quá nhiều tiền mà vẫn muốn mình trông thật mạnh mẽ, sang trọng và tinh tế ".

Hồi đầu năm ngoái, vợ chồng tỷ phú Trump kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Melania cho biết trong công việc, chồng cô là một "ông lớn" nắm quyền điều hành, nhưng trong mối quan hệ vợ chồng, họ luôn bình đẳng. 

"Anh ấy là một người chồng tuyệt vời, thấu hiểu mỗi khi tôi cần ở một mình. Chúng tôi đều rất độc lập. Anh ấy làm việc ở văn phòng, còn tôi làm việc ở nhà, và anh ấy hiểu điều đó. Nếu tôi nói cần nghỉ ngơi, có nghĩa là tôi sẽ đi tắm hoặc mát xa, còn anh ấy rất ủng hộ".


Trump hôn vợ trong một chiến dịch vận động tranh cử ở Waterloo, Iowa. Ảnh:Reuters

Năm 1999, khi New York Times phỏng vấn Melania về vai trò của cô nếu Trump trở thành tổng thống Mỹ. Lúc đó Melania đang hẹn hò với tỷ phú, cô trả lời:

"Tôi là mẫu người truyền thống, như Betty Ford hay Jackie Kennedy. Tôi sẽ ủng hộ anh ấy hết mình".

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, bà Trump gần như im lặng trong suốt chiến dịch tranh cử của chồng. Tuy nhiên, hôm 24/2, lần đầu bà xuất hiện trước truyền hình lên tiếng bênh vực chồng.

Nếu ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, bà Melania sẽ trở thành đệ nhất phu nhân sinh ở nước ngoài đầu tiên kể từ thời Đệ nhất phu nhân Louisa, vợ của John Quincy Adams, tổng thống thứ 6 của Mỹ.



"Người Vợ" là một vĩ nhân!

 Tràm Cà Mau
Vợ là vĩ nhân đúng 100%. Đang lúc vợ còn tại thế, người chồng xem thường công lao của VỢ. Lúc vợ mất rồi thì mới thấm thía nhận ra sự mất mát to lớn biết là chừng nào! Cám ơn tất cả các Bà vợ HIỀN.
BÀI VIẾT:
Có thời ông Tư thường hay đùa, trêu chọc bạn bè rằng: “Đời người đàn ông có hai lần sung sướng: Lần cưới vợ, và lần vợ chết.“ Bây giờ vợ chết, ông mới ý thức được cái câu đùa nghịch đó vô cùng bậy bạ và bất nhân, không nên nói. Có lẽ anh chàng nào nghĩ ra câu nầy là kẻ độc thân, chưa có kinh nghiệm chết vợ. Ông ân hận và tự giận mình.
Sau khi chết vợ, ông như mất hồn, lãng đãng, trí óc để trên mây. Nhiều lần, trên đường về nhà, ông đi lạc, lái xe qua khỏi nhà rồi, mà không biết. Ngày xưa, ông hay bực mình mỗi khi được bà nhắc nhở đi lối nầy, quẹo góc kia, và bà cũng nổi nóng la nạt ông mỗi khi đi lạc đường. Bây giờ, mong được nghe lời cáu kỉnh gây gổ đó, mà không có được. Ông thở dài và đau nhói trong tim như có vật nhọn đâm vào. Không thể ngờ vợ ông không còn trên đời nầy nữa. Bây giờ, bà nằm ngoài kia, nghĩa địa hoang lạnh âm u. Không còn chầm chập kiểm soát từng hành động của ông để mà phê bình sửa sai.
Mở cửa, bước vào nhà, ông nói lớn như khi bà còn sống: “Em ơi! Anh đi làm về.” Trước đây, nếu không nghe tiếng trả lời, ông chạy vụt lên lầu tìm vợ. Bây giờ, ông lẳng lặng đến thẳng bàn thờ, thắp ba cây nhang, lạy bốn lạy. Ông thầm nghĩ người ta chỉ lạy vợ khi vợ đã chết rồi, tại sao không ai lạy vợ khi vợ còn sống! Dù có gây nên tội lỗi tầy đình, cũng không ai lạy vợ bao giờ.
Ông nhìn tấm hình màu, ảnh bán thân của bà, có nụ cười thật tươi, hai vành môi uốn cong, đôi mắt sáng tinh anh, có ánh tinh nghịch. Ông thấy bà còn đẹp lắm, nét đẹp dịu dàng. Thế mà bao nhiêu năm nay, ông không hề biết, và chưa một lần nhìn ngắm kỹ cái nhan sắc của vợ. Sống lâu ngày bên nhau, thấy nhau, nhưng quên nhìn ngắm, chỉ thấy hình thể tổng quát của nhau. Cũng như nhiều ông có vợ thiếu nhan sắc, cũng không bao giờ biết vợ họ xấu. Những ông lấy được vợ đẹp, lâu ngày, cũng chẳng còn biết vợ mình là đẹp. Nhiều bà đi xâm môi, xâm lông mày xong, về nhà, ông chồng cũng không hề biết có sự thay đổi trên mặt vợ.
Ông Tư gieo mình nằm vật ra tấm ghế bành, hai tay ôm mặt khóc rưng rức như đứa bé đi về vắng mẹ. Tiếng khóc buồn bã vang dội trong căn phòng vắng. Ông ước sao chuyện thật hôm nay là một giấc mộng dữ để, khi ông thức dậy, thấy còn có bà bên cạnh. Có thể ông sẽ bị vợ cằn nhằn trách móc một điều gì đó như thường ngày, nhưng thà còn có những phiền hà của vợ, còn hơn là nằm đây một mình.
Ông đã khóc như thế cả tháng mấy nay, mỗi lần đi làm về. Bước vào căn nhà vắng vẻ lạnh lẽo, không còn bóng dáng người vợ thương yêu, làm trái tim ông se sắt, tâm trí ông trống rỗng mịt mờ. Nỗi đau cũng tan dần theo giòng nước mắt, rồi ông thiếp đi trong một giấc ngủ buồn, ngắn. Khi thức dậy, ông nhìn quanh, đâu đâu cũng có bóng dáng, có kỷ niệm với bà. Tất cả đều còn đó. Vật dụng, đồ đạc của bà trước khi chết, vẫn còn để y chỗ cũ, giữ nguyên trạng. Ông không muốn thay đổi chuyển dịch gì cả. Trên bàn trang điểm, vẫn còn chiếc lược nằm nghiêng nghiêng, thỏi son dựng đứng, hộp phấn, những chai thuốc bôi tay cho mịn da, tất cả đều không xê dịch, không sắp xếp lại. Ông tưởng như hương tay của bà còn phảng phất trên từng món vật dụng.
Mỗi bữa ăn, không còn ai thúc hối, hò hét dục ông ngồi vào bàn ngay, sợ cơm canh nguội lạnh. Bây giờ, ông tha hồ lần lửa, không tha thiết đến bữa cơm. Có khi chín mười giờ mới bắt dầu ăn, qua loa cho xong, miệng nhạt phèo. Thường ông để thêm chén dĩa đũa muỗng đầy đủ cho bà. Rồi thì thầm mời vợ ăn, tưởng như bà còn sống, ngồi đối diện và cùng chia vui hạnh phúc trong từng giây phút của thời gian. Ông có ảo tưởng như bà còn ngồi đối diện, đang lắng nghe ông nói. Hôm nay bà làm biếng phê bình, không mắng trách khi ông làm rơi cơm canh ra bàn. Với cách đó, ông tự dối lòng, để có thể nuốt trôi những thức ăn, mà vì buồn chán, ông không còn cảm được hương vị ngon ngọt.
Nhiều khi thức giấc nửa đêm, vòng tay qua ôm vợ, ôm vào khoảng trống, ông giật mình thảng thốt, chợt hỏi thầm: ''Bà đi đâu rồi?'' Khi chợt nhớ bà không còn nữa, ông chảy nước mắt, ướt cả gối. Có khi úp mặt khóc rưng rức, khóc cho đã, cho trái tim mủn ra, và thân thể rã rời. Chiếc giường trở thành trống trải, rộng thênh thang. Ông vẫn nằm phía riêng, bên kia còn để trống, dành cho bà. Ông ôm hôn cái gối, mùi hương của bà còn phảng phất gợi bao kỷ niệm của tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Khi không ngủ được, ông bật đèn nằm đọc sách, bây giờ ông không sợ ai cằn nhằn, ngăn cấm đọc sách giữa đêm khuya. Trước đây, nhiều khi ông tha thiết thèm đọc vài trang sách trước khi đi ngủ, mà vợ cứ cằn nhằn mãi, làm ông mất đi cái thú vui nầy. Bây giờ, ông nhận ra vì thương chồng, sợ ngày hôm sau ông buồn ngủ, mệt nên bà ngăn cản, bảo là chói mắt không ngủ được.
Ông tiếc vợ chồng đã hay cãi vã những chuyện không đâu, chẳng liên quan gì đến ai, mà làm mất đi cái vui, cái hòa hợp của gia đình. Có khi chỉ vì tranh luận chuyện con khỉ bên Phi Châu, mà đi đến to tiếng, giận hờn, khóc lóc, làm vợ chồng buồn giận nhau, dại dột như hai đứa trẻ con ngu dại.
Tại sao phải gắt gỏng, đâu có được gì, mà làm nhau buồn. Bây giờ, muốn nói lời ân hận thì làm sao cho bà nghe được? Ông tự xét ông là con người tệ mạt, thiếu hiểu biết. Khi có hạnh phúc trong tay thì không biết trân trọng, để đến khi mất đi, mới ân hận, mà không còn kịp nữa.
Nếu được làm lại, ông sẽ đối xử với bà tử tế hơn, nói nhiều những lời êm ái dịu dàng. Sẽ không nổi giận khi bà làm chuyện ngang phè, sẽ nhường nhịn bà nhiều hơn, và sẽ phớt tỉnh mỗi khi bị bà chê bai, mai mỉa. Nhất là bày tỏ cái lòng ông, nói ông yêu thương bà, yêu thương lắm lắm. Đâu có gì ngăn trở, mà những ngày bà còn sống, ông không nói được những điều đó. Ông chợt nhớ có ngưòi viết rằng vợ chồng phải đối xử như ngày mai thức dậy sẽ không còn nhau. Vì chẳng ai được sống mãi, và cũng không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra trong giờ sắp tới, cho ngày hôm sau. Cuộc đời con người vốn bấp bênh trong định mệnh.
Lấy kinh nghiệm đó, nhiều lần nói với những người bạn mà vợ chồng còn được sống bên nhau, cho họ biết rằng họ đang có hạnh phúc quý báu, họ nên trân trọng giữ gìn, kẻo mai đây, khi chiếc bóng thì tiếc thương cũng đã muộn màng. Đa số có lắng nghe, và tin lời ông là đúng, nhưng họ quên phứt ngay sau đó, và không thực hành điều hiểu biết.
Mẹ ông mất trước vợ sáu tháng. Ông cũng buồn, thương. Nghĩ rằng mẹ già thì chết là chuyện thường tình. Nhưng khi mất vợ, ông cảm thấy đau đớn và buồn khổ vô cùng tận. Buồn hơn mất mẹ mười lần. Ông tự cảm thấy xấu hổ vì mất mẹ mà lại không đau buồn bằng vợ chết! Có phải ông đã thương vợ hơn thương mẹ chăng? Có phải ông là đứa con bất hiếu? Ông cũng không biết, và không so sánh được hai cái đau vì mất mát. Nhưng rõ ràng, ông đã ngã gục khi chết vợ.
Có khi quẩn trí, ông muốn chết theo bà. Sao cuộc sống vô vị quá chừng. Rồi mai mốt cũng già, bệnh, đâu có thoát được cái chết. Chết bây giờ, nếu còn linh hồn thì còn gặp lại vợ ngay. Nhưng ông sực nhớ nhiều lần bà nói không muốn gặp ông lại trong kiếp sau. Bà đâu có thù ghét ông mà nói câu đó nhỉ. Nói chi cho ông đau lòng lúc nghe, và còn đau cả đến tận bây giờ. Ông nghe nói, có một loài chim, khi một con chết đi, thì con kia ngày đêm kêu thương, bỏ ăn, bỏ ngủ, than gào cho đến chết. Chim còn chung tình đến thế, mà ông thì còn sống, còn ăn, còn ngủ, còn đi làm, còn giữ tiền bạc. Chẳng bằng được loài chim sao?
Trong căn nhà nầy, đâu đâu cũng có dấu vết của bà. Mở tủ đựng ly chén ra, ông đứng nhìn xem, bên trong sắp đặt thứ tự, gọn gàng. Có những thứ mà bây giờ ông mới thấy, và không biết công dụng nó là gì, khi nào thì dùng đến. Bà đã mua sắm, sắp đặt cẩn thận. Ông cầm một cái ly, biết vật nầy đã có bàn tay vợ đụng đến, ông ghé môi hôn, tưởng đang hôn bàn tay bà. Ba bộ ấm pha trà xinh xắn, bà mang về trong dịp đi du lịch bên Nhật, để cho ông thù tiếp bạn bè. Bà thương ông đến như vậy đó.
Hơn cả chục chai rượu nho, rượu mạnh trong tủ kiếng cũng do một tay bà mua. Bà không biết uống, nhưng hễ nghe ai khen rượu ngon, rượu quý thì bà cũng cố mang về cho chồng một vài chai. Ông thường dặn nếu không biết uống rượu thì đừng mua, vì khẩu vị của mỗi người khác nhau. Cũng như mình khen mắm nêm thơm ngon, nhưng cho Tây ăn thì họ bịt mũi mà oẹ ra. Bây giờ, đứng đây, đưa tay sờ vào những chai rượu màu nâu sẫm, lòng ông đầy ân hận, đáng ra lúc đó, ông phải nói những lời tử tế ngọt ngào cám ơn và bày tỏ cái hân hoan với tình thương chăm sóc của vợ. Những khi đó, ông đã nói những lời chân thật như đất ruộng, làm phụ tấm lòng yêu thương của bà. Ông định nhấp vài hớp rượu để tưởng nhớ đến ơn vợ, nhưng rồi đặt chai xuống và thì thầm hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Em ơi! lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?” Mắt ông cay cay, tim đập sai nhịp.
Tủ áo quần của bà còn nguyên vẹn đó. Những chiếc áo giản dị, màu sắc khiêm tốn. Bà phải chờ cho đến khi bán hạ giá thấp nhất mới dám mua. Bà cần kiệm, không dám hoang phí. Đi đám cưới, tiệc tùng, bà không cần phải thay đổi áo mới, kiểu nầy, kiểu kia. Bà nói: “Ngay cả ông chồng, còn chưa nhớ được kỳ trước mình mặc áo nào, màu gì, huống chi thiên hạ. Họ đâu có dư thì giờ mà vớ vẩn nhớ đến cách phục sức của cả trăm người trong bữa tiệc. Mà dù cho họ có nhớ đi nữa, cũng không sao, đâu có gì quan trọng. Chắc cũng chẳng ai chê mình không có áo quần mới khi tham dự tiệc tùng.” Cái đơn sơ giản dị chân thành của bà làm ông thương và mến phục.
Áo quần của ông, cũng do bà tìm tòi mua giúp. Khi thấy cái áo quần tốt, màu sắc trang nhã, giá cả tương đối được, bà hối hả kêu ông chạy gấp đến tiệm thử liền. Ngay cả áo quần lót, vớ, cà-vạt, cũng do bà mua cho ông. Bà đem áo quần đã cũ sờn vất đi, thay vào các thứ mới. Ông cứ tự nhiên dùng, chưa bao giờ biết kích thước đúng của chính ông. Đã có bà lo hết. Bây giờ không còn bà, ông mới thấy rõ ràng hơn những gì đã nhận được xưa nay mà vô tình không nghĩ đến. Cầm chiếc quần được lên lai trong tay, nhìn đường kim mũi chỉ cẩn thận, ông thấy rõ tình thương của bà gói ghém trong đó. Áo quần mùa đông, mùa hè của ông cũng được bà sắp xếp riêng từng ngăn cẩn thận. Bà đã cho giặt sạch, kỹ lưỡng trước khi được treo xếp vào ngăn tủ áo quần, để dành mặc vào mùa sau. Từ khi có bà trong đời, ông mất dần đi khả năng tự lo, tự lập mà ông vô tình không biết.
Ông nhớ những khi tham dự tiệc tùng, trong lúc ăn uống, khi có chút rau, thịt mắc vào kẽ răng, không dùng lưỡi cạy ra được, bà nhìn ông, biết ngay. Bà len lén mở ví, kín đáo chuyền tay cho ông một cây tăm bọc trong giấy. Ông xem đó như chuyện tự nhiên. Cũng có khi ông quay qua bà hỏi khéo: “Em còn cây tăm nào không?” Bà mở ví, đưa cho ông ngay. Trong lúc ăn, có món ngon vừa ý, bà thì thầm nhắc ông. Hoặc khi lấy thức ăn, bà chọn cho ông miếng ngon nhất. Những lúc đó, ông hơi ngượng, liếc mắt nhìn quanh bàn. Phần ông, thì cứ dặp đại, chưa bao giờ phân biệt miếng ngon, miếng dở. Gắp được cục xương không dính chút thịt cũng cứ vui. Trong bữa ăn, khi thấy ly nước của ông cạn, bà châm, thêm, ông hoàn toàn không quan tâm đến.
Bà biết rõ ông ưa thích món ăn gì, để mỗi ngày nấu nướng. Khi nghe ông khen món nào đó thì, hôm sau, bà nấu ngay cho ông ăn. Ông chỉ lờ mờ nhận ra hảo ý của bà, nhưng không biết nói một câu nịnh cho vui lòng vợ.
Nhiều lần ông bà rủ nhau đi du lịch xa, ông có nhiệm vụ lên mạng mua vé máy bay, đặt khách thuê sạn. Thế là xong. Phần bà lo cho tất cả các mục còn lại. Từ áo quần thường, áo lạnh, áo ngủ, đồ lót, vớ, giày phụ, dép, bàn chải răng, kem, kiếng phụ, tăm, thuốc cấp cứu, thuốc dùng ngừa bệnh, điện thoại di động, giây cắm điện thoại, máy hình, máy điện toán xách tay và các thứ phụ tùng cần thiết. Danh sách của bà đủ bốn mươi tám món. Bà cũng không quên mang theo một ít thức ăn khô, phòng khi lỡ đường. Nhiều khi thấy va-li căng kè, nặng nề, ông gào to: “Đi chơi chứ đâu phải là dọn nhà? Sao không mang theo cả cái tủ lạnh cho tiện?”
Một lần đi Âu Châu, cuộc đình công kéo dài, điện tắt và trời bão tố. Ông bà bình tâm nằm trong khách sạn, không chút nao núng, vì đã có sẵn một ít thức ăn khô mang theo. Thường trước khi đi, bà đọc kỹ và kiểm soát lại chuyến bay, lộ trình, các hãng đưa đón, khách sạn, ngày giờ của các ‘tua’ du lịch. Bà bắt ông xuất trình giấy thông hành, căn cước, thẻ tín dụng, tiền bạc, kiểm soát lại từng chút một để khỏi quên bất cứ vật gì. Ông cảm thấy khó chịu vì bị vợ xem như đứa trẻ con. Nhưng khi vợ mất rồi, ông đi xa mà để quên đủ thứ, nghĩ lại càng thương bà hơn.
Ông thường ham mê xem các trận đấu thể thao. Nhiều lần ông đang đi chơi với bạn, bà sợ ông bỏ mất trận đấu, kêu điện thoại nhắc nhở: “Anh nhớ chiều nay 5 giờ có trận chung kết bóng rổ đó nghe!” Ông cám ơn bà và thu xếp về cho kịp giờ khai đấu.
Từ khi có gia đình, ông phụ thuộc quá nhiều vào vợ. Không có bà, ông như rơi xuống một vực sâu, tối tăm mù mịt, ngày tháng tẻ nhạt. Không gian và thời gian dường như thành trống rỗng.
Mỗi chiều tan sở, ông bâng khuâng không biết đi đâu, về đâu cho đỡ thấy quạnh hiu. Khi vợ còn sống, phải lo về ngay, không dám ngồi quán cà phê lai rai, về nhà vợ hạch hỏi không dám trả lời thật. Có khi ông điện thoại cho bạn, hỏi chiều nay ông đến chơi được không, và xin được ăn cơm tối. Bạn biết ông đang buồn, đơn lẻ, nên thường niềm nở chấp nhận. Nhiều lần, ông mua một vài món ăn ở tiệm, đem đến nhà bạn góp vào mâm cơm chiều và sau bữa ăn, uống trà, cà phê. Ngồi trong ghế bành, đôi khi không nói gì, cầm tờ báo lật qua lật lại, thế mà thấy bớt cô đơn trong lòng yên ổn. Rồi cũng phải về cho gia chủ đi ngủ. Ông ra xe, nỗi buồn lại dấy lên thấm thía. Trời đất như rộng thênh thang. Đường về nhà hiu quạnh. Nghĩ đến căn nhà trống vắng, lòng ông rưng rưng.
Mỗi khi mở tủ lạnh tìm thức ăn, thấy trống không, chẳng có thứ gì ăn được. Vài ba cây trái đã đen điu, rữa thối. Mấy bó rau đã đổi màu đen, khô quéo. Chai nước lọc cũng cạn. Không còn gì. Trong nhà không có bàn tay đàn bà thì xem như chẳng còn có cái gì cả. Ông thầm thán phục những người bạn độc thân. Không biết làm sao họ có thể sống sót đến tuổi già, mà vẫn vui vẻ, yêu đời, nói cười. Họ đã làm gì cho tiêu tán quãng thời gian trống rỗng sau giờ tan sở nhỉ?
Như thói quen, những chiều tan sở, ông chạy thẳng ra nghĩa địa, thơ thẩn bên mộ bà. Trong nghĩa địa hoang vắng nầy, ông thấy bớt cô đơn hơn là về nhà một mình. Cắm vài bông hoa, thắp nén hương. Rồi ngồi trò chuyện như khi bà còn sống. Nói đủ thứ chuyện, nói nhiều hơn cả khi ông bà còn bên nhau. Ông độc thọai, và ông cứ tin ở dưới lòng đất, bà đang lắng nghe ông tâm sự. Khi có người lạ đi đến gần, ông hơi xấu hổ, nói nhỏ lại, chỉ thì thầm thôi. Ông sợ thiên hạ lần tưởng ông đau bệnh thần kinh. Rồi ông hát cho bà nghe. Hát những bài kỷ niệm, mà ngày trước, ông bà cùng song ca trong những buổi “Karaoke” tổ chức tại nhà bạn bè. Tai ông vẫn còn văng vẳng giọng bà thánh thót hoà lẫn với tiếng hát trầm ấm trên môi ông. Ông hát từ bài nầy qua bài khác đến khô ran cả cổ. Nhiều khi ông nằm dài trên cỏ, bên tấm bia mộ ngang bằng, nhìn lên trời cao mênh mông và tưởng tượng có bà đang thân thiết nằm bên cạnh. Nghe được cả hơi thở của bà. Hơi thở có mùi hương quen thuộc của ngày nào. Ông thèm nghe vài lời cằn nhằn trách móc của bà.
Khi bóng đêm bắt đầu phủ xuống trên nghĩa địa, ông mới uể oải đứng dậy ra về. Ông nấn ná không muốn khu mộ, nhưng vốn yếu bóng viá và sợ ma, không dám ở lại khi đêm đen bao trùm khu nghĩa địa hoang vắng. Ông thì thầm: “Ngày mai anh sẽ đến thăm em.” Có những chủ nhật, ông cứ mãi thơ thẩn quanh khu mộ. Ông nhận ra rằng, bây giờ, ông yêu thương yêu vợ hơn nhiều lần khi bà còn sống. Tình cảm ông tha thiết, nồng nàn hơn xưa rất nhiều.
Mùa đông mưa dầm dề, gió thốc từng cơn trên nghĩa địa trống trải, ông trùm áo mưa, ngồi co ro run rẩy trong buốt giá bên mộ bà. Ngày nghỉ, ông ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Tâm trí miên man mơ hồ vô định.
Chỉ mới một năm thôi, ông hốc hác, gầy rộc, vì mãi miết đắm chìm trong thương nhớ, khổ đau. Nhiều người khuyên ông nên đi bác sĩ tâm lý để điều trị, để tránh sa vào tình trạng suy sụp trầm trọng.
Ông nghĩ, bác sĩ cũng không giúp gì được khi trong lòng ông thương nhớ bà. Bác sĩ không thể làm bà sống lại, không thể làm phép lạ cho ông quên buồn.
Một buổi sáng, khi nắng vàng rực rỡ nhảy múa trên khu nghĩa địa, gió mát mơn man cỏ cây, tiếng chim kêu văng vẳng, ông Tư rầu rĩ mang bó hoa hồng đến đặt lên mộ bà, định than vãn vài câu cho bớt nỗi buồn thương không dứt được trong lòng. Ông ngạc nhiên thấy một tờ giấy cuộn tròn trong bình đựng hoa. Ông giật mình, ô kià, lạ chưa, có nét chữ của bà. Ông mở tờ giấy ra đọc. Một bài thơ của ai chép tay chữ viết giống hệt nét chữ bà. Những chữ h, chữ g và cả cách đánh dấu hỏi ngã. Ông run run đọc:
“Đừng đứng khóc lóc bên mồ em. Bởi em đâu còn dưới đó nữa. Em đang là ngàn gió bay cao trên đồng nội, là ánh dương quang lóng lánh giữa biển trời. Em đang tắm trong mưa thu mát dượi. Em đang trên cao, ngàn sao của giải ngân hà. Và một sáng mai kia, tiếng chim đánh thức anh. Thì hãy biết đó là tiếng em kêu anh. Thôi đừng khóc bên mồ em, chúng ta sẽ gặp lại nhau sau…”
Ông đọc đi đọc lại đến ba lần, và chợt nhớ ra đây là lời bản nhạc phổ từ bài thơ của bà Mary Elizabeth Frye viết trong cơn xúc động trên một mẫu giấy vụn. Trước đó bà Frye nẩy chưa hề bao giờ làm thơ. Bài thơ nầy về sau rất nổi tiếng, phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, được phỏng dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Ông đã từng nghe trong các đám tang người Mỹ. Nhưng khi đó, ông chẳng hề để ý. Bây giờ được đọc lại, ông thấm thía và ngộ ra: Đúng. Bây giờ bà đâu còn nằm dưới đó nữa. Bà đang ở trên miền cực lạc. Bà đang sung sướng trong một thế giới khác, không có khó khăn, vất vả, không giận hờn ganh ghét, không có chiến tranh giành giựt, và không phải “Đổ mồ hôi trán mới có được miếng cơm vào mồm.” Thế thì, tại sao lâu nay ông phải âu sầu thương tiếc khóc lóc. Ông đã tự làm khổ ông, tự đọa đày trong vũng đau thương. Nếu bên kia thế giới mà bà biết được ông khổ sở rầu rĩ như thế nầy thì bà vui hay buồn? Ông tự hỏi, ông đau đớn vì thương bà hay tự thương mình? Bà đang hưởng lạc phúc, thì ông phải mừng, chứ sao lại sầu khổ? Nếu ông tự thương mình, thì phải chống tay đứng dậy, làm cho ngày tháng còn lại nầy được vui vẻ, hạnh phúc và lành mạnh hơn là chìm đắm trong tối tăm mịt mù. 

Ông đến trước bia mộ và thì thầm: “Đúng, em đâu còn nằm dưới lòng đất nầy nữa. Thân xác là cát bụi phải về với cát bụi. Không còn là em nữa. Em đã bay cao với gió trên mây vàng long lanh, đang rong chơi nơi thiên đường cực lạc. Anh phải biết mừng cho em. Phần anh, phải đi nốt tháng ngày còn lại trên hành tinh nầy với những bước chân vững vàng, vui vẻ và hạnh phúc cho riêng mình. Đó là bổn phận cấp thiết đối với bản thân.”
Ông lái xe ra về, lòng nhẹ thênh thang. Con đường có nắng vàng reo vui, cây cỏ xanh ngắt yêu đời. Tiếng nhạc vui rộn rã vang vang trong xe, ông đã tìm được ý nghiã cho tháng ngày vắng bóng vợ. Ông tin rằng, nếu chết là chưa hết, chưa vĩnh viễn tan biến, thì ông sẽ gặp lại bà trong tương lai, ở một nơi an bình hạnh phúc hơn ở cõi trần thế nầy. Nhưng nếu chết là hết, là xong, thì cũng khỏe. Bà đã khỏe, và mai đây ông cũng sẽ theo bước bà tan vào hư không.
Về nhà, ông ngồi vào bàn, lập một chương trình sinh hoạt mới cho ngày tháng còn lại. Trước đây, ông không dám về hưu vì sợ cô đơn, sợ không có việc chi làm bận rộn rồi sinh ra quẩn trí mà phát bệnh. Nhưng, bây giờ, ông đã có một chương trình năng động, phủ kín thời gian trong tuần, còn sợ không đủ thì giờ để thực hiện. Nhưng không sao, với ông thì thi hành được chừng năm mươi phần trăm cũng đã là thành công rồi.
Mỗi sáng, ông dậy sớm, đi đến phòng tập thể dục, chạy bộ trên dây, cử tạ, bơi lội, tập yoga, tắm nước nóng. Sau đó, họp bạn già uống cà phê, bàn chuyện trời đất thời thế. Về nhà đọc thư bạn bè, giải quyết các công việc lặt vặt. Rồi ngủ ngay một giấc ngắn. Tự nấu nướng lấy, mặc dù có thể đi ăn tiệm, hoặc mua thức ăn về. Ông học cách nấu ăn trong liên mạng vi tính. Đọc bốn năm bài dạy khác nhau, rồi chọn lựa, kết hợp, tìm ra cách nấu hợp với khẩu vị mà ông nghĩ là ngon nhất. Từ đó, ông ghiền xem truyền hình dạy nấu ăn, Ông nấu được những món ngon tiếp đãi bạn bè.
Có một bà góa ỡm ờ đề nghị: “Anh nấu ăn ngon thế nầy, mà ăn một mình cũng buồn và uổng quá. Hay là nấu cơm tháng cho em đi, mỗi ngày tới bữa em đến ăn. Hôm nào anh bận, thì báo trước, em sẽ đi ăn tiệm.”
Ông cười lịch sự đáp: “Cám ơn chị quá khen và đề nghị. Xin cho tôi suy nghĩ lại, xem có đủ sức phục vụ chị không, rồi sẽ trả lời sau.”
Ông bóng bẩy nhấn vào hai chữ ‘phục vụ” làm bà kia đỏ mặt e thẹn. Ông không thể tưởng tượng nổi có người nào đó thay thế được vợ ông. Mỗi khi nói chuyện thân thiết với bà nào đó, mà trong lòng ông có dấy lên một chút cảm tình, thì ông thấy như mang tội với người vợ đã khuất, ông đã thiếu chung thủy. Cứ áy náy mãi.
Ông tham gia các chương trình du lịch xa, đi chơi trên du thuyền. Ông gặp nhiều bạn bè, đàn ông, đàn bà, cùng vui chơi. Tham dự các trò đùa tập thể trên du thuyền. Nhiều bà góa thấy ông cô đơn, nhắm muốn tung lưới bắt mạng, nhưng ông cũng đủ khôn ngoan để né tránh. Ông nói với bạn bè rằng mình già rồi, khôn có lõi, không còn ngu ngơ dại dột như thời trai trẻ, để nhắm mắt chui đầu vào tròng.
Đôi khi ông cũng muốn có bạn gái, có chút chất “mái”, dù không làm gì được, nhưng mơ hồ thấy có sự thăng bằng nào đó trong tâm trí.
Ông đã cùng bạn bè tham gia các chuyến du lịch xa, Âu Châu, Ấn Độ, Phi Châu. Bây giờ còn đủ sức để đi, có điều kiện tài chánh thong thả, tham gia kẻo mai mốt khi yếu bệnh, khỏi luyến tiếc. Đi theo đoàn đông đảo bạn bè, thì giờ rất sát, eo hẹp, làm ông không kịp nghĩ, kịp buồn.
Trên du thuyền, gia đình người bạn giới thiệu bà Huyền cho ông, bà đẹp, duyên dáng, hơi trầm tư, đôi mắt mở to như khi nào cũng ngạc nhiên ngơ ngác, cánh mũi thon, môi hình trái tim chúm chím. Bà Huyền xa chồng đã hơn ba năm. Lòng ông Tư mơ hồ dấy lên chút cảm tình vì bà đẹp, hiền thục, ít nói. Mấy lần hai người ngồi gần nhau trong bữa ăn. Bà Huyền hé lộ một chút tâm sự riêng tư cho ông nghe, rằng bà may mắn chạy thoát đến Mỹ vào năm 1975, bà lặn lội thân cò nuôi chồng theo đuổi đại học trong bao nhiêu năm. Nhờ may mắn trong thương trường, tiền bạc có thời vô như nước. Gia đình vui vầy tràn đầy hạnh phúc. Rồi tai họa đổ xuống, chồng bà say mê một cô nhỏ tuổi hơn con gái ông, cô nầy làm công cho cơ sở thương mãi của gia đình. Ông chồng li dị bà để vui duyên mới. Bà nói rằng chẳng trách gì ông, một phần cũng lỗi tại bà không phòng xa để cho ông chồng và cô gái có dịp tiếp xúc thường xuyên. Lửa gần rơm thì phải cháy. Chia đôi gia tài, bà cho ông cơ sở kinh doanh, bà không cần làm nữa, tài sản có thể sống đến khi già chết.
Ông Tư cũng cảm mến bà Huyền vì cái giọng nói dịu dàng ngọt ngào, trái tim nhân áí, và tâm từ bi của bà cùng tấm lòng cao thượng. Khi nhắc đến ông chồng cũ phản bội mà không thù hận, không gay gắt giận hờn.
Bà Huyền biết kiên nhẫn lắng nghe, tôn trọng ý của người khác, dù có khi bất đồng quan điểm. Ông Tư cảm thương cho một người đàn bà biết điều như thế mà gặp phải hoàn cảnh không may. Cái tình cảm trong lòng ông đâm mầm nhú mộng êm ái. Đôi khi ông cũng giật mình, sợ trái tim ông yếu đuối, đổi cái quan hệ bạn bè với bà Huyền thành tình yêu. Ông không muốn mang mặc cảm phản bội bà vợ bên kia thế giới. Nhưng cũng là chuyện lửa gần rơm, mối giao hảo thân thiết của ông với bà Huyền càng ngày càng khắng khít. Đã có vài lần ông toan tính thổ lộ cho bà Huyền mối tình cảm chân thành của ông, nhưng rồi vốn nhát, nên lại thôi. Ông tự cười, đã chừng nầy tuổi, trên đầu tóc trắng nhiều hơn tóc đen, mà vẫn còn nhút nhát như thời mười sáu tuổi. Cuối cùng, chính bà Huyền đã mở đường dẫn ông vào cuộc tình già.

Khi ông đi gần đến quyết định mời bà Huyền về sống chung, thì bạn bè can gián, cho ông biết bà Huyền là một trong ba người đàn bà nổi danh đanh đá độc ác nhất của thành phố nầy. Ai cũng biết, mà chỉ riêng ông Tư không biết mà thôi. Ông không tin một vài người, nhưng phải tin khi nghe nhiều người khác nói. Ông quyết tâm tìm hiểu, và vô tình gặp ông Duẫn là người chồng cũ của bà Huyền trong một buổi họp mặt. Ông lân la đến làm quen. Thấy ông Duẫn hiền khô, không rượu, không trà, không cả cà phê thuốc lá, và nói năng lịch sự dịu dàng. Bạn bè lâu năm của ông Duẫn cũng xác nhận anh nầy là một ‘ông Phật đất’. Hoàn toàn không hề có chuyện gian díu với một người đàn bà nào. Bà Huyền cũng không nuôi ông Duẫn một ngày trong đời như bà nói, bà đã đặt chuyện, cứ nói mãi, nên tin là có thật.
Ông Tư mạnh dạn hỏi thẳng Duẫn: “Anh nghĩ sao, nếu tôi cưới bà Huyền, vợ cũ của anh?”
Ông Duẫn gãi đầu, và nói ngập ngừng: “Ô… ô, không nghĩ sao cả. Đó là chuyện riêng của bà ấy với anh. Tôi không can dự gì. Chúng tôi đã li hôn lâu rồi. Tại sao anh hỏi tôi câu đó?”
Ông Tư hạ giọng: “Không phải tôi xin phép anh, mà tôi muốn hỏi ý kiến của anh về bà ấy. Nhận xét của riêng tôi, thì bà Huyền là một người đoan trang, trinh thục, hiểu biết, có trái tim nhân ái. Nhưng theo nhiều người khác thì đó là một trong ba bà ác độc nhất của thành phố nầy.  Có thật vậy không?”
Ông chồng cũ của bà Huyền ngững mặt lên trời mà cười ha hả: “Khoan khoan, đừng nói thế mà tội cho người ta. Phần tôi, nếu không nói tốt cho bà ấy được, thì cũng không có quyền nói xấu. Tôi không dám có ý kiến gì cả. Có thể bà ấy không hợp với tôi, nhưng lại hợp với người khác. Có thể tại tôi bất tài, không tạo được hạnh phúc cho gia đình. Biết đâu, bà ấy với anh đồng điệu, hai người có thể tạo nên thiên đàng dưới trần thế nầy.”
Ông Tư ngại ngần và chùn chân, âm thầm lảng xa dần bà Huyền. Bà nầy biết được ý định, mắng ông Tư một trận nên thân, chưởi ông hèn nhát, bần tiện, keo kiết, không đáng xách dép cho bà. Ông Tư nghe xỉ vả chưởi mắng mà mừng húm. May mà chưa có cam kết gì với bà Huyền. Từ đó, ông đâm ra có thành kiến với bất cứ người đàn bà nào muốn tiếp cận với ông.
Ông Tư đã hết suy sụp tinh thần, tự tổ chức cho ông một đời sống có ý nghĩa, có nhiều niềm vui nhỏ nhặt trong đời sống, tránh xa mọi phiền toái của thế gian. Trong nhà ông treo một tấm biển lớn, chữ viết theo lối bút họa, ghi lời của một người bạn:
“Có thì vui. Không cũng vui. Được mất đều vui.”


Lá thư của Nhà văn Xuân Vũ gởi cho một nữ “Dũng sĩ” đất Củ Chi

Hoa Kỳ, ngày 24 tháng 8 năm 1991

Em Bảy Mô thân mến,

Bất ngờ anh bắt gặp một quyển sách tiếng Anh viết về địa đạo Củ Chi trong đó có đề cập tới em và hình em nữa. Xem xong quyển sách này anh cười phì vì nó hài hước và bịp bợm quá lẽ, anh không muốn nêu tên sách và tác giả ra đây vì họ không đáng cho anh gọi là nhà văn, mà họ chỉ đáng được gọi là những thằng bịp.  Nếu em đọc được tiếng Ăng-Lê thì anh sẽ tìm cách gởi về cho em xem. Và chắc em sẽ có cảm tưởng rằng tác giả của quyển sách nói về một chuyện giả tưởng trên mặt trăng hoặc dưới đáy biển. Anh tự hỏi tại sao tác giả quá ngây ngô để bị lừa một cách dễ dàng rồi trở lại lừa độc giả của họ một cách vô lương như thế. Nhưng cho dù họ bịp được toàn nhân loại đi nữa, họ cũng không lừa được anh và em, những kẻ đã từng đổ mồ hôi và máu trên mảnh đất này. Riêng anh thì đã tử thủ mặt trận: Hai ngàn ngày đêm, không vắng mặt chút nào. Để nói cho độc giả biết rằng:

Bọn Cộng Sản đã bày trò bịp thế gian một lần nữa, sau vụ “đường mòn xương trắng” và khuyên những người nhẹ dạ chớ có mắc lừa, anh quyết định viết quyển sách này.

Họ bảo rằng bề dài địa đạo là hai trăm dậm. Em có tin không? Sự thực Củ Chi có mấy khúc địa đạo còn tạm xài được trước khi Mỹ vô (1964)? Quận Củ Chi là một quận nhỏ gồm mươi lăm xã cách Sài Gòn hai chục cây số đường chim bay, nhưng nó là cửa ngỏ đi vào Sài gòn cho nên có hai bên Quốc Gia lẫn Cộng Sản đều tử chiến ở đây, một chiến trường khốc liệt nhất Miền Nam trong cuộc chiến tranh lần thứ hai của nước ta. Nếu tính bề châu vi thì quận Củ Chi đo được chừng năm mươi cây số. Như vậy bề dài của địa đạo ít nhất bốn lần chu vi Củ Chi. Họ còn viết rằng “địa đạo đã lập thành một vòng đai thép bao quanh căn cứ Đồng Dù và người cán bộ mặt trận có thể ở dưới địa đạo nghe nhạc đang đánh ở trên căn cứ này. Cụ thể là ông Năm Phạm Sang ngồi đàn dưới địa đạo mà nghe Bon Hope diễn kịch” ở trên đầu hắn.

Quyển sách ma này nói láo, nói bậy hoặc nói nhầm hầu hết về những gì đã xảy ra ở Củ Chi trong vòng năm năm (1965-1970) anh và em có mặt ở đó. Nhưng ở đây anh chỉ nhặt ra vài ba điểm quá ư ngu xuẩn của tác giả mà một người đã dám cầm bút viết nên “sách” dù kém tài đến đâu cũng không thể có được. Ví dụ họ viết rằng “anh Tám Lê và vợ là Thị Thắm mổ xẻ thương binh dưới địa đạo”. Xin hỏi: “Làm cách nào để đem thương binh xuống đó?

 Nên biết rằng miệng địa đạo chỉ hẹp bằng cái khay trầu thôi. Người thường tuột xuống đó còn phải lách chứ không dễ dàng. 

Thương binh, nếu nặng thì nằm trên cáng, còn nhẹ thì băng bó đầy mình làm sao tụt xuống được? Và nếu có tụt xuống được thì nằm ở đâu, dụng cụ gì, đèn đóm nào dùng cho cuộc giải phẫu. Đó là chưa nói đến cái không khí ác độc ở dưới địa đạo. Người khỏe mạnh bất đắc dĩ phải xuống địa đạo thì chỉ trong vài tiếng đồng hồ là đã mệt ngất ngư rồi: vì không đủ dưỡng khí! Nếu bị kẹt vài giờ dưới đó thì con người đã trở thành miếng giẻ rách, còn khi bò lên được thì đã quên hết tên họ mình. Vậy sau khi được giải phẫu, thương binh phải sống dưới đó làm sao? Đó là chưa kể những việc lặt vặt khác như thương binh phóng uế hoặc thủ tiêu những băng đầy máu me. Những người chưa từng ở địa đạo nghe mấy vị này mô tả chắc sẽ nghĩ rằng cuộc sống dưới địa đạo khỏe khoắn như ở trong nhà lầu có máy điều hòa không khí. 

Xin thưa câu chuyện không đẹp tai cho lắm: Một lần nọ khi chui xuống địa đạo chúng tôi bị quân Việt Nam Cộng hòa chốt trên đầu không lên được. Rủi thay một nữ cán bộ có đường kinh. Nếu ở trên mặt đất thì dù không kịp dùng băng vệ sinh người đàn bà vẫn không toát ra mùi gì (xin lỗi) nhưng ở dưới địa đạo gặp trường hợp này mọi người đều ngặt mình như sắp chết vì cái mùi uế tạp kia. Người chưa từng ở địa đạo không thể biết rằng đánh một cái rắm dưới đó chẳng khác nào bỏ một trái bom nguyên tử.

Vậy ông “anh hùng Tám Lê” có lẽ là một Tề Thiên Đại Thánh mới có thể biến thương binh nhỏ lại bằng cái tăm để đem xuống địa đạo và nhổ lông khỉ của mình biến thành dụng cụ đèn đóm để giải phẫu chăng? Ông “Tám Lê quân y sĩ” giải phẫu thương binh thì có, nhưng bảo rằng ông ta giải phẫu thương binh dưới địa đạo là một chuyện nói láo bỏ sách vở và coi khoa học là một bãi phân chuồng cũng như ông đại tướng bần cố nông Nguyễn Chí Thanh đem hầm đất ra chống B52 để rồi bị chết thảm thương như vậy. Sức khoan phá của một quả bom đìa là mười một thước bề sâu.

Đây anh xin nhắc lại một câu chuyện mà hai anh em mình cùng chứng kiến: Lần đó anh bị thương miểng đạn M79, em và tổ nữ “dũng sĩ” của em đưa anh vào quân y của ông Tám Lê. Vừa tới nơi anh hết sức ngạc nhiên vì thấy một toán bộ đội rượt đánh hai vợ chồng Tám Lê chạy bò càng trong rừng. Kể cũng tội cho ông. Tiểu đoàn Quyết Thắng đánh ở Lộ 6 Gò Nổi bị thương nhiều quá. Chờ đến sáng mới đem thương binh về tới Rừng Lộc Thuận tức là căn cứ của ông Tám Lê thì bị ông từ chối. May có anh ở đó, anh rầy lính tráng và năn nỉ Tám Lê ráng giúp dùm, hòa giải xích mích.

Năm 1967, trong cuộc “càn Cedar Falls” của Mỹ anh phải điều động một đại đội tới khiêng thương binh chạy dưới mưa bom B52 sau trận đánh Cây Trắc đường I làng Phú Hoà Đông về tới Bến Chùa. Trên một trăm thương binh nằm dầy đặc một khu rừng như củi mục. Tiếng la ó, rên rỉ, chửi bới vang trời. Thương binh nằm phơi bụng dưới bóng cây. Những người may mắn thì được đặt dưới hầm giống như cái huyệt cạn, chờ họ chết là lấp đất rất gọn gàng chứ nào xuống được địa đạo địa điếc gì.

Chiến dịch đó vô cùng khủng khiếp phải không em? Nội vùng tam giác sắt trong vòng một tháng có đến 576 cán binh ra hồi chánh. Nếu có địa đạo như kiểu ông tác giả trên nói thì họ cứ rút xuống đó ăn hút chừng nào Mỹ đi thì bò lên chống Mỹ, lựa là hồi chánh chi cho mệt phải không em?

Những người chưa hề đào một tấc địa đạo nào cứ tưởng rằng đào địa đạo dễ như đào hang bắt chuột vậy. Đào một chốc là có cả chục thước ngay. Than ôi! Nào phải như vậy. Những vùng đất có thể đào địa đạo được phải là vùng đất cao để không bị ngập nước và đất phải cứng để không bị sụp lở cho nên đào một thước địa đạo phải hộc ra máu cục, phải mờ cả con mắt chứ đâu có dễ như ông tác giả vẽ trên giấy. Củ Chi có mười lăm xã, nhưng chỉ có năm xã đào được địa đạo mà thôi. Đó là các xã: Phú Mỹ Hưng, Anh Phú, An Nhơn, Nhuận Đức và Phú Hoà. Năm xã này nằm dọc theo bờ sông Sàigon, có lớp đất cao có thể trồng cây cao su mới đào được địa đạo. Ngoài ra mười xã kia là đồng ruộng làm hầm bí mật đã khó rồi.

Anh và em đã từng đào nên từng biết mỗi tấc địa đạo phải tưới bao nhiêu mồ hôi. Mười thanh niên khoẻ mạnh đào trong một đêm chỉ được chừng vài thước là cùng. Vậy muốn hoàn thành hai trăm dậm địa đạo phải mất bao nhiêu công? Và họ đào ở đâu, lúc nào mà được hai trăm miles. Ông tác giả lại còn phịa ra những chuyện ly kỳ là: “địa đạo hai tầng (như nhà lầu) và dưới đáy địa đạo lại có giếng để múc nước” (nấu nước trà uống chắc!). Chưa hết, ông ta lại còn bịa thêm rằng “dưới địa đạo có kho chứa hàng, có nơi nghỉ ngơỉ, có chỗ chứa thương binh”, và còn tài ba hơn nữa, tài nói láo, lại còn “có bếp Hoàng Cầm theo kiểu Điện Biên Phủ” (có đường dẫn khói luồng trong đất) và nào là “đường địa đạo thông ra bờ sông Sàigon…?”

Đây là một chuyện phản khoa học tại sao họ có thể viết được. Muốn cho một làn địa đạo có thể chui ra chui vào được và không sợ xe tăng cán sập thì nóc địa đạo phải cách mặt đất ít nhất chín tấc tây nghĩa là khỏi rễ cây ăn luồng, lòng địa đạo phải cao chín tấc và hình chóp nón nghĩa là đáy rộng chín tấc, nóc chỉ bảy, tám tấc, nếu địa đạo rộng hơn sẽ bi lở, sụp. Đôi khi rễ cây làm trở ngại rất nhiều, chặt đứt một cái rễ cây bằng cườm tay phải mất cả giờ đồng hồ. Như vậy muốn đào tầng địa đạo thứ hai ở dưới địa đạo thứ nhất phải theo công thức trên nghĩa là phải đào sâu xuống một mét tám tấc nữa rồi mới trổ ngang đào lòng địa đạo cao chín tấc. Như vậy từ mặt đất xuống tới đáy địa đạo thứ hai phải là: chín tấc cho nóc địa đạo I, chín tấc cho lòng địa đạo I, chín tấc cho nóc địa đạo II, chín tấc cho lòng địa đạo II, tổng cộng là ba mét sáu tấc. Tôi nói chi li ra như vậy để thấy rằng sự đào địa đạo không có dễ dàng, đơn sơ như ông tác giả kia tưởng tượng hoặc đã được Võ Văn Kiệt cho xem những hầm đào bằng máy để khoe với các ông ký giả ngây thơ. Nên nhớ rằng đào đất cứng dưới hầm nó khó khăn như gọt gỗ lim chớ không phải giang thẳng cánh mà cuốc như trên mặt đất.

Em đã từng đào địa đạo chung với anh, nhưng em nhớ lại thử xem chúng ta đã xuống đó bao nhiêu lần và mỗi lần ở dưới đó mấy giờ đồng hồ, ngoại trừ lần anh chết ngạt ở địa đạo Bến Mương khi anh được lôi lên, cô y tá Thu ở H6 ban Pháo Binh phải cứu cấp anh bằng nước tiểu. Anh không thể tưởng tượng được rằng họ đã bịa đặt đến thế được.

Em Mô thân mến,

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp em chưa ra đời, nhưng anh đã đi bộ đội. Năm 1950, anh xuống Miền Tây để học trường Lục Quân. ở dưới đó anh cũng bị mê hoặc về những “đường địa đạo chống giặc” ở quê nhà: Nào là “cả làng, cả nhiều làng xuống địa đạo”. Hơn nữa, “dân lùa cả trâu bò xuống địa đạo, giặc Pháp có biết được miệng hầm cũng không làm gì nổi”. Ra Hà Nội, anh có gặp “anh hùng Nguyễn Văn Song”. Anh ta trở thành “anh hùng quân đội” với huyền thoại “Với một chiếc lưỡi hái cùn, anh ta đã đào hàng ngàn thước địa đạo và cất giấu cả tiểu đoàn. “ Anh vẫn tin như thế. Và cho tới khi đặt chân trở lại Củ Chi năm 1965 anh vẫn còn tin như thế. Nhưng chỉ sau khi đi với em đào một đêm, thì anh mới dội ngửa ra. Anh nghĩ rằng với cái liềm cùn đó, anh Song phải chết đi sống lại mười lần mới có thể đào xong hàng ngàn thước địa đạo kể trên. Anh Song ra Bắc ở Sư Đoàn 338, trốn về Nam rồi biệt tích.

Tác giả quyển sách này đã không biết rằng từ sau khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam ta, hầm bí mật và địa đạo ở Củ Chi nói riêng và ở khu IV nói chung hoàn toàn mất tác dụng. Anh nhắc lại em nghe, nếu em quên, hồi đầu năm 1967, Mỹ mở một cuộc hành quân lớn vô An Nhơn. B52 vùi lấp cả một khúc địa đạo gần xóm trại Bà Huệ. Những kẻ sống sót không biết đâu mà moi móc, đành để nguyên như thế cho các nạn nhân yên lòng nơi chín sưối với nấm mồ tập thể trên hai chục người của văn phòng Tham Mưu quận.

Sau đó, một cuộc hội nghị Tham mưu gồm có Tư Hải, Sáu Phấn ở H6 và tiểu đoàn 8 Pháo Binh, bàn việc vận tải hỏa tiễn HI2/ĐKB để pháo kích Đồng Dù. Biệt kích tìm được miệng địa đạo, quăng lưu đạn chết không còn một mống. May mắn lần đó anh bận họp chấn chỉnh tiểu đoàn, nếu không, anh đến họp thì đã tiêu tùng rồi.

Còn ở Bến Súc, tại bờ Rạch Xuy Nô, Biệt kích Mỹ tìm ra miệng địa đạo của Ban Mật Mã điện đài Quân Khu. Họ tóm trọn ổ trên hai chục mạng, lấy vô số tài liệu và hai chiếc máy thông tin.

Kể từ đó địa đạo trở thành nỗi sợ hãi khủng khiếp đối với cán bộ và bộ đội. Ông Trần Đình Xu, tức Ba Định, Tư lệnh Quân Khu thấy tình hình giao động của cán bộ, bộ đội nên đã ra lệnh cho bộ đội không được xuống địa đạo nữa. Vì xuống dưới đó là bị động hoàn toàn không còn tinh thần đâu mà chiến đấu nữa. Kẻ nào bất tuân sẽ bị kỷ luật nặng.

Tuy ra lệnh gắt gao như vậy nhưng chính ông trong lúc cùng đường mạt lộ ông cùng ban tham mưu khu cũng phải chui xuống địa đạo. Chẳng may, Mỹ đóng chốt trên đầu. Cô Là, xã đội phó Phú Mỹ Hưng chạy vắt giò lên Trảng Cỏ tìm anh và yêu cầu anh đem quân về đánh giải vây cho ông ở Bàu Đưng. Nếu không có anh lần đó ông và cả ban tham mưu đã an giấc ngàn thu dưới lòng đất rồi. Nhưng thoát chết kỳ đó, sau mấy tháng, ông lại đạp mìn mà tan xác với chức “Thứ trưởng Quốc phòng” của Chánh phủ ông Phát.

Trong những người “anh hùng” mà ông tác giả kể ra, có ông “Thiếu tá Năm Thuận” nguyên là một tên du kích sọc dưa đã bỏ làng chạy qua Phú An (Bình Dương) để làm nghề câu tôm chờ ngày rước vợ ở Ấp Chiến Lược ra sống chung. Ông “Thiếu tá” này đã giác ngộ cách mạng cao nên đã trở lại Tiểu đoàn II thuộc Trung đoàn Quyết Thắng của anh. Lúc đó quân số Tiểu đoàn chỉ còn trên một đại đội nên Thuận mừng húm khi được anh nhận cho làm lính lãi.

Bên cạnh đó còn có một ông thiếu tá khác đặc sắc hơn. Đó là “Thiếu Tá Quợt” chính ông này bị B52 vùi lấp còn ló cổ lên và chính anh với em cứu sống ở rừng Bàu Nổ xã Thanh Tuyền. Ông ta chưa hề đào một nhát cuốc địa đạo thế mà được ông tác giả đề cao là “Anh hùng đã chiến đấu mười năm ở Củ Chi bằng địa đạo.” Chiến đấu bằng cách nào? Cái ông này nổi tiếng nhờ cái tật ỉa chảy và mang chứng bịnh mắc thằng bố nói nhãm kinh niên, người xanh mét gầy nhom như khỉ già, ngồi đâu như chết đó. Mỗi lần xuống hầm hoặc xuống địa đạo là ông ta són trong quần. Mọi người rất sợ phải chui chung với ông.

Còn nhân vật “chiến đấu” dũng cảm hơn hết. Đó là ông Võ văn Kiệt, tức là “Tư Kiệt Chính ủy Quân khu”. Ông được Năm Ngố “bí thư Huyện ủy” Nam Chi nhường cho một khúc địa đạo để nương náu qua ngày tại Phú Hòa Đông. Nhắc tới việc này, chắc em không khỏi nhớ tới em Lệ tức Tám Lệ, một nữ công tác thành của “Ban Quân báo quân khu”.

Lệ thường ra vào Sài gòn, Tây Ninh… và về báo cáo các công tác, ăn ở nhờ địa đạo của ông Năm Ngô. Do đó Lệ lọt vào mắt ông “Chính ủy khu”. Ông ta bèn biến cô Lệ thành liên lạc riêng của ông ta, rồi trở thành “bạn” thân thiết dưới địa đạo. Chuyện này chắc em không biết đâu. Để chốc nữa anh nói lý do tại sao anh biết cái chuyện ly kỳ này.

Em Mô thân mến,

Anh hiện nay là kẻ lưu vong, lòng luôn luôn hướng về đất nước. Nhưng không bao giờ mơ trở về đất nước, họa chăng có một biến thiên vĩ đại bất ngờ. Viết đến đây anh không cầm được nước mắt. Nếu như anh với em có duyên phần với nhau nhỉ? Nếu thế thì cuộc đời chúng mình sẽ không biết ra sao…

Thôi chuyện đã qua lâu rồi. Em đã có chồng có con cả bầy, còn anh cũng sắp sữa làm ông nội. Nhưng những kỷ niệm lửa máu thật khó quên. Anh không khỏi xót xa ngậm ngùi khi nhìn thấy hình em trên trang sách. Sao trông em sầu não tang thương quá đổi. Có chuyện gì không vui trong đời em sao vậy? Đôi mắt buồn thảm của em đang ngó tới nhưng chính tâm tư của em lại nhìn ngược về dĩ vãng xa vời phải không? Một cái dĩ vãng còn loe lói trong đầu một đứa con gái mười tám tuổi được tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ” toàn Miền Nam và cô nữ “Dũng sĩ” ấy đã yêu một chàng... nhưng chuyện lại không thành mặc dù cả hai người vẫn yêu nhau.

Có một lần ở đâu đó trên đất Củ Chi rực lửa vào một buổi chiều, anh có nói với em một câu và trước đó em đã tặng anh một bài thơ lục bát. Đến nay anh còn nhớ bài thơ này. Anh vốn là một người nhận được rất nhiều tình yêu, từ Hà Nội đến Mã Đà, từ Suối Cụt, suối Tha La đến Củ Chi Trảng Bàng nhưng để rồi chẳng giữ được mối tình nào cả. Bởi vì anh đâu có đứng lại lâu ở một nơi nào để mà nhận lấy. Cái chết đối với anh như bỡn như đùa. Đánh cả trăm trận, bị thương ngót chục lần, chết đi sống lại vài ba lượt. Cái Tiểu đoàn mà anh chỉ huy đã mất ít nhất là ba Tiểu đoàn trưởng. Anh là người thử tư. Nhưng anh là kẻ “thọ” nhất trong các vị Chỉ huy và với anh, nó được mệnh danh là Tiểu đoàn Thép. Bây giờ nhớ lại anh mới thấy rằng cả anh lẫn em đều bị bọn Bắc Kỳ lợi dụng mà không biết. Chúng thí mình như những con chốt lót đường.

“Chiến thắng” xong rồi, dân Nam kỳ mình được gì?

Là một người dân lưu vong anh hằng mong đất nước phồn vinh, dân tộc Tự do và những bạn bè cũ của anh, trong đó có em, được hạnh phúc. Nếu như không nhìn nét mặt của em trong sách thì anh đã có thể quên hết Hai Ngàn Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi của anh, nhưng khổ nổi là anh đã gặp lại em quá ư đột ngột.

Anh đã có lần nói với em về Lệ rồi. Lệ yêu anh cũng đột ngột như em. Rồi xa anh cũng đột ngột như em xa anh vậy. Lệ làm liên lạc thành rồi bị ông Tư Kiệt bắt về làm thư ký cho ông ta. “Thủ trưởng” và nhân viên lại ở chung một hầm. Ông ta quá ư ẩu tả. Để đề phòng việc tệ hại nhất rất có thể xảy ra, Lệ đã dùng giấy pơ luya để bịt cửa mình. Lệ đã nói hết với anh ở Suối Cụt. Lúc đó anh cũng đã chán nản trước tình hình càng ngày càng xấu ra. Lệ bảo thật với anh đây là lần gặp anh cuối cùng. Và Lệ đã cùng anh sống một đêm vợ chồng bên bờ suối… Một trái pháo mồ côi đã nổ rất gần lều, suýt chút nữa là hai đứa rửa chân lên bàn thờ. Hôm sau Lệ đi công tác và không về nữa.

Chuyện Lệ đi, dù anh biết trước nhưng không cản ngăn một lời. Ông ta đã thế thì nàng phải thế. Và anh nữa, anh cũng phải thế. Chứ còn biết làm thế nào? Anh nói vậy chắc em hiểu mà. Và từ chuyện này em hiểu ra những chuyện khác.

Sau khi Lệ đi rất lâu, em theo du kích quận đánh đồn Thái Mỹ. Trước khi xuất quân, đáng lẽ em phải hỏi ý kiến “Tiểu đoàn trưởng “ chứ. Nhưng em đã đi đánh liều. Nghe súng trận nổ anh lập tức dắt tổ trinh sát chạy đến. Cũng vừa lúc du kích võng em về. Anh đã biết trước các em không đánh nổi mà. Anh chỉ còn biết băng vết thương trên ngực của em bằng tấm áo của anh và cả tấm lòng xót xa quặn thắt của anh nữa. Ngày nay mỗi lần nhìn tại vết sẹo trên da thịt em, chắc em nhớ lại lúc băng bó cho em, anh đã nói với em câu gì.

Sau đó ít lâu anh nghe tin em bị du kích Bàu Me ở Trảng Bàng bắt trói vì em đang mang AK trên đường ra Ấp Chiến Lược hồi chánh. (thì cũng như “anh hùng” Nguyễn văn Song trốn về Nam. ) Thế nhưng trong chương sách kể lể chiến công của “Nữ dũng sĩ gan góc” Bảy Mô ông tác giả đã giao cho nàng một “Công tác quan trọng ở vùng biên giới Việt Miên” cho đến khi hòa bình.

Đúng ra, em có đi công tác ở biên giới thật, nhưng là công tác cấp dưỡng đặc biệt cho “Bà Phó Tư lệnh” Ba Định. (Vì là một “Dũng sĩ” nên du kích không dám đụng tới em, chứ nếu là ai khác thì chúng đã bắn chết ngay rồi.) Chuyện Củ Chi dài quá em nhỉ! Định ngưng mấy lần nhưng ngưng chưa được.

Còn một “ông anh hùng” khác cũng bị nêu tên trong sách này. Đó là Nguyễn Thành Linh. Một tên Bắc Kỳ vô Củ Chi và chiến đấu bằng địa đạo trong vòng năm năm liền. Hắn được tác giả mô tả như một “kiến trúc sư của địa đạo chiến”. Vậy ra trước khi hắn vác mặt vô đây, dân Củ Chi không biết đào hầm hố hết? Nhưng địa đạo hay hầm bí mật đâu cần phải kiến trúc sư mới làm được. Cuộc sinh tồn mọi người đẻ ra sáng kiến để tự bảo vệ thôi: Anh ở Củ Chi năm năm có thấy tên nào Nguyễn Thành Linh đâu! Nhưng anh biết hầu hết tất cả địa đạo Củ Chi. Chỗ nào anh cũng biết miệng địa đạo, hoặc đã xuống địa đạo thử trước rồi. Anh đã lội nát Củ Chi không sót một mảnh rừng nào mà. Tất cả những tên làng, tên ấp tên người trong quyển sách này là thật. Đây là sự trần truồng không tiểu thuyết hóa một chút nào. Anh có thể điểm qua tất cả địa đạo trong quận Củ Chi cho em nghe: Bến Dược 200m, đồn điền Sinna 500m, Hố Bò 200m, Phú Hòa 200m, Lộc Thuận 200m. Gần đồn điền Sinna 150m, Trà Dơi 150m, Xóm Trại Giàn Bầu 100m, Xóm Bàu Hưng 300m, Xóm Thuốc 200m, 200m, Xóm Chùa 200m, ấp Bến Mương 100m, Góc Chàng 500m, Cây Điệp 150m, Nhuận Đức 100m, 100m, Bầu Tròn 100m. Bào Cạp 100m, 50m, Bầu Diều 100m, Ba Gia 100m, Bên Cỏ 100m, Đường làng II 100m, 50m. Hoàn toàn không có cái vòng đai sắt nào chung quanh hoặc dưới đít Đồng Dù cả. Ông Phạm Sang chỉ có thể nghe Bob Hope hát ở Đồng Dù từ trong hang ếch của ông ta và trong trí tưởng tượng thôi.

Sở dĩ có danh từ vòng đai thép bao bọc Đồng Dù, như em đã biết là do ông Tám Quang, “trưởng phòng chính trị quân khu” bịa báo cáo về R cùng với sự thành lập đội nữ du kích Củ Chi của tụi em với Bảy Nê, Út Nhớ chẳng qua để quay phim, chụp hình và “đài giải phóng” tuyên truyền mà em đã cười khi ngồi tâm sự với anh lúc mới quen nhau. Chớ đội nữ có đánh chát cái gì. Toàn do ông Tám Quang sáng tác và “đài giải phóng” phóng đại.

Nếu như có một hệ thống địa đạo Củ Chi thôn liền thôn, xã liền xã thì tại sao khu ủy khu IV chạy tuột lên tận Preyveng để ăn hút. Me xừ Tư Kiệt còn sống sờ sờ đó hãy bớt nói phét để khỏi bị cô Tám Lệ nhét mồm bằng giấy… pơ luya.

Chúng ta hãy cùng nhau cúi hôn mảnh đất Củ Chi đau khổ của chúng ta hiện nay đang nhục nhã vì bị bọn Cộng Sản đem ra làm trò bịp thế gian.

Cộng Sản nghĩa là đại bịp. Chúng bịp nhân dân, bịp thế giới và tự bịp chính mình. 

Anh muốn tự ngưng bút ở đây nhưng thấy còn nhiều sự thực bị bưng bít nên viết tiếp. Hai ngàn trang sách mà anh viết ra đây sẽ vạch trần bộ mặt láo toét kinh hoàng của bọn Cộng Sản Hà Nội mà cả anh lẫn em đều là nạn nhân. Anh muốn nhắc chúng nó rằng: Thời kỳ Mỹ đóng chốt Đồng Dù, Củ Chi chỉ là một bãi tha ma không một bóng người thấp thoáng, không một gốc cây còn đứng nguyên, không một tiếng chó sủa gà gáy. Tất cả xã ủy đều chết, bị bắt, hồi chánh hoặc ngưng hoạt động. 

Ông Út Một Sơn bí thư đầu tiên Củ Chi bị pháo Đồng Dù bắn lắp hầm chết ở Bàu Lách Nhuận Đức năm 1966. Chắc em còn nhớ chớ? Nếu địa đạo Củ Chi nối liền thôn xã (theo ông tác giả ngốc này mô tả thì nó chỉ kém đường xe điện ngầm ở Mạc Tư Khoa chút thôi) thì sao quận Củ Chi lại cắt ra làm hai: Nam Chi, Bắc Chi? Là vì cán bộ không đi lại được giữa hai phần đất này. Người ở đâu nằm chết ở đó. Mỗi sáng lóng ngóng chờ “chụp dù, nhảy dò, xe tăng càn” để lũi. Nhưng cũng không có đất lũi. Chỉ còn một cách độc nhất là làm hầm. Mỗi ông bà có một cái hầm bí mật (nên nhớ hầm bí mật chỉ là một cái hang ếch chứ không phải địa đạo và không có hầm bí mật nào ăn thông ra địa đạo cả ). Sư sợ hãi chết chóc làm tê liệt mọi ý chí. Cán bộ chỉ mong bị bắt sống cho khỏe thân. Cho nên họ ngồi trên miệng hầm ngụy trang với vài cành lá sơ sài như những người câu tôm câu cá ở bờ sông vậy. Do đó có danh từ “ngồi thum. “ Nhưng ngồi thum trong vùng căn cứ cũng không an toàn vì bị máy bay trực thắng cá rô hay quạt hoặc bị ăn pháo bầy dọn bãi trước khi Mỹ đổ chụp. Nên các bà Năm Đang, Hai Xót, khu ủy, quận ủy mới ra tá túc nhà dân ở Ấp Chiến Lược để “chạy lan” như chuột mất hang. Chạy lan có ngày cũng chết như trường hợp của cô Tư Bé, quận đội phó bị lính Mỹ bắn chết ở Đồng Lớn. Hay ông Tám Châu bí thư quận bị pháo bắn mất đầu ở Bố Heo.

Chắc em biết rõ sự chia cắt của các xã trong quận vì tình trạng “ngồi thum” và “chạy lan”. Xã Trung Lập đẻ ra Trung Lập thượng, Trung Lập hạ, An Nhơn nứt thành An Nhơn Đông, An Nhơn Tây, Phú Hòa cắt thành Phú Hòa Đông, Phú Hòa Tây v. v...

Tội nghiệp cho Madeleine Riffaud, Wilfred Burchett và mấy ông Giáo sư Liên Xô đã vượt hiểm nguy vô tận đất Củ Chi và rừng Con Mên để coi “giải phóng đánh Mỹ”! Tội nghiệp, vô tới đây họ chỉ ăn bom và lũi như chuột đến nổi đòi về ngay không biết cái địa đạo là gì. Cũng may cho bọn anh lúc đó. Nếu cặp ký giả ba sồn này ở lại lâu hơn và họ đòi đi nghỉ mát dưới địa đạo ngay ở đít Đồng Dù thì rắc rối to cho các anh rồi.

Đến nay mụ đầm già không biết gì kia đang ở đâu, sao không trở lại xem địa đạo Củ Chi do kiến trúc sư Nguyễn Thành Linh mới vừa xây dựng năm 1985? Nhớ tới W. Burchett anh không khỏi phì cười. Lão ta nằng nặc đòi xuống địa đạo và xem các dũng sĩ bố trí địa đạo chiến cho hắn quay phim. Anh và Tư Linh hồn vía lên mây. Địa đạo ở đâu mà coi? Kể từ năm 1965 trở đi, sau khi Củ Chi ăn dưa hấu B52 vài trận, ai cũng thấy những lỗ bom sâu từ sáu thước đến mười một thước cho nên không ai dám cho rằng địa đạo là bất khả xâm phạm nữa. Cực chẳng đã mới chui hầm bí mật thôi.

Tư Linh vốn là cán bộ địch vận, nhanh trí bảo Burchett: “Người đồng chí hơi to, vậy để chờ vài hôm tôi cho làm nắp rộng để đồng chí xuống mới lọt. “ Sau đó khất lần rồi cho qua luôn. Còn vụ xem “địa đạo chiến” thì anh cho “đội dũng sĩ” của em bịp hắn một cú thần tình, nhớ không? Hắn rất phục “đội dũng sĩ”. Đến nay hắn đã chết rồi, hắn vẫn chưa biết địa đạo là cái gì.

Em Mô thân,

Chuyện Củ Chi, chuyện anh và em nhiều vô số kể. Nhắc chuyện này lại nhớ chuyện kia. Nhắc Hố Bò nhớ Góc Chàng, nhắc Bến Mương nhớ Suối Cụt, nhắc Thái Mỹ nhớ Đồng Dù, toàn những kỷ niệm máu lửa không thể quên được. Nhớ cảnh nhớ người khôn xiết. Ba bốn lần anh bị thương ở Củ Chi đều có em băng bó hoặc tới y xá săn sóc. Anh đã tựa đầu vào vai em, anh đã nằm trên xuồng do em bơi qua sông Sài Gòn, anh đã cùng em ngồi ở rừng Lộc Thuận ngắm pháo sáng tua tủa trên nền trời Củ Chi. Anh và em đã từng hái những trái sầu riêng trong vườn sau nhà em và ngồi ở bậc đá bên con suối nhỏ. Anh thì ăn sầu riêng còn em đàn bản Đứt Đường Tơ cho anh nghe. Anh bảo em: “Tơ đâu có đứt mà đàn bản ấy.”


Chẳng ngờ đó là bản đàn định mệnh của chúng ta. Bây giờ “Tơ đã đứt” và không phương nối lại, đàn một nơi dây đàn một ngả.

Anh chúc em hạnh phúc. Hy vọng một ngày rất gần, chúng ta sẽ gặp lại nhau và sẽ về thăm lại Củ Chi dưới một khung trời mới.

Viết xong lúc tượng con quỷ chúa Lenin bị giật sập ở Mút-cu-oa

Dương Đình Lôi
Hoa Kỳ, ngày 24 tháng 8 năm 1991



 

(Trích: Nhà văn Xuân Vũ - 2000 Ngày đêm trấn thủ Củ Chi: 1-5)

Quà Xuân



Sáng thứ bảy nhưng Hạnh vẫn dậy sớm như những ngày đi làm. Nàng không có thói quen ngủ nướng, một nếp gấp thành hình từ thuở còn bên quê nhà. Mỗi sáng, đúng năm giờ khi chuông nhà thờ rộn rã ngân vang, mẹ nàng đánh thức mọi người dậy đi lễ. Mẹ muốn cả nhà cầu bình an cho bố đang miệt mài trên những trận địa xa xăm.

Tung chăn ra khỏi giường, Hạnh bắt đầu công việc đầu tiên trong ngày, pha cà phê, như một nghi lễ không thể bỏ. Hạnh mới dọn đến đây chưa được một năm. Nàng rất hài lòng mua được căn condo có hai ban công, một nhìn ra biển, một nhìn xuống courtyard. Bốn dãy nhà ba tầng được xây cất theo kiến trúc Địa Trung Hải. Hạnh rất thích địa thế khu chung cư và phải chờ một thời gian khá lâu để làm chủ một căn ở đây.

Cầm ly café Hạnh ra ban công nhìn xuống courtyard. Giờ này, bên kia sân, phía tay trái của Hạnh, cũng có một khung cửa sổ sáng đèn.

Ông Đạt, chủ nhà, cũng có thói quen dậy sớm như Hạnh. Ông có một dáng dấp phong lưu, đi đứng khoan thai, ăn nói từ tốn. Thỉnh thoảng Hạnh gặp ông ngoài bãi biển và trao đổi vài câu chuyện vu vơ.

Chuông điện thoại reo vang. Hạnh vội vào trả lời. Tiếng Thái, cô em nàng bên Florida:

- Hạnh ơi, "mợ" đang làm gì đó?

Chị em Hạnh thường xưng hô mợ mợ tôi tôi với nhau. Vừa có vẻ đú đởn bạn bè, vừa gần gũi thân tình.

- Mới bảy giờ sáng- Hạnh trả lời- bảnh mắt ra mợ gọi tôi làm gì vậy?

- Bên đây là mười giờ của người ta rồi. Gọi để báo cho mợ hay năm nay tôi và Kevin sẽ về thăm bố mẹ từ hôm 28 tết. Mợ đã nghĩ ra món quà gì để biếu ông bà "via" chưa?

- Tôi nghĩ mãi mà chưa ra. Khó thiệt. Hay là bọn mình "triều cống" bì thư để các ngài tùy nghi xử dụng? Nhất cử lưỡng tiện, mợ nghĩ sao?

- Cũng được.

Quen thói bông lơn chọc ghẹo, Thái cười to:

- Chia ra làm hai, cân đong cho đều kẻo lại kiện cáo.

Hạnh phì cười:

- Con khỉ. Mợ lúc nào cũng bỡn cợt.

Hạnh cho Thái hay năm nay nàng sẽ không về nhà cha mẹ để cùng làm bánh chưng với gia đình, một tục lệ hàng năm, vì nàng phải tham dự bữa tiệc tất niên do nhân viên Á Châu trong sở tổ chức. Tuy nhiên, Hạnh sẽ về Little Saigon ăn tân niên.

Gia đình Hạnh sang Mỹ từ những ngày cuối cùng của Sàigòn. Lúc đó bố Hạnh - một công chức cao cấp - mang theo vợ và năm người con theo sự dàn xếp của các cố vấn Mỹ. Di cư từ Bắc vô Nam, rồi từ Nam sang Mỹ, ông Quang, bố Hạnh, đã phải chấp nhận nhiều thay đổi lớn lao, nhưng có một điều ông không thích thay đổi, đó là chuyện ông cứ muốn con cái gọi ông và vợ bằng danh xưng "thầy mẹ". Dạo còn bên quê nhà Hạnh cho danh xưng đó quá "lỗi thời", không hạp với những tiếng "ba mẹ" hay "papa ma măng" thường nghe qua cửa miệng bạn bè cô. Nhưng vì ông cương quyết nên chị em Hạnh phải răm rắp tuân theo. Khi đã ổn định trên quê hương mới, và tôn trọng sự riêng tư của cha mẹ nên mấy chị em Hạnh hùn nhau mua biếu ông bà một căn nhà tương đối rộng rãi tại thành phố Irvine, California. Căn nhà đủ chỗ cho con cháu về tụ tập trong những ngày giỗ, tết hay tiệc tùng này nọ. Thái và Kevin sống ở Florida. Hương, Kỳ, Thi đều ở gần cha mẹ, chỉ cách một giờ lái xe. Hạnh làm việc tại San Francisco với chức giám đốc một chi nhánh ngân hàng.

Mười năm trước Hạnh yêu và kết hôn với Thuận, một sĩ quan không quân Hoa Kỳ. Ông Quang không mấy thích cái mác lính tráng của Thuận vì ông đã quá chán ngán chiến tranh và đời lính. Nhưng ông mừng là Hạnh lấy chồng người Việt, trong khi Thái làm ông bực bội một thời gian dài lúc cô quyết định lập gia đình với Kevin, một người Mỹ. Đám cưới Thái ông không tham dự lấy cớ ốm đau làm cả gia đình buồn phiền. Ai ngờ sau này Kevin lại là người ông thương và quí mến nhất trong những người rể và dâu. Vì anh con rể Mỹ chịu học tiếng Việt, chịu học đánh mạt chược để đấu với ông.

Chẳng may cho Hạnh, hai năm sau, Thuận đã tử nạn trong một lần không tập. Nàng chao đảo một thời gian dài sau cái chết của chồng. Nhưng rồi công việc và những chuyến công tác thường xuyên làm Hạnh nguôi ngoai dần. Hạnh đã gặp gỡ nhiều người đàn ông có địa vị tương xứng. Nhưng theo nàng, những người đó có lối suy nghĩ và cuộc sống quá thực tế và vật chất, không thích hợp với tâm hồn nhạy cảm của nàng. Họ tìm đến nàng vì nàng là sự an tâm trong những bài toán kinh tế. Sau mấy cuộc hẹn hò tẻ nhạt, Hạnh chỉ muốn thu hẹp cuộc sống cho riêng mình, tuy vẫn mong chờ một tâm hồn đồng cảm. Nàng không đánh giá người đàn ông trên những thành công vật chất.

Đầu bên kia, như chợt nhớ, Thái hỏi Hạnh:

- À, người tình không chân dung của mợ lúc này tới đâu rồi?

- "Vẫn không chân dung". Hạnh cười nhỏ. "Nhưng tình hết biết. Mai mốt gặp nhau tôi sẽ báo cáo đầy đủ".

- Công nhận mợ lãng mạn không ai bằng. Đú đởn với một anh không mặt mũi mà tình thì tôi không hiểu tình cách chi?

Họ vừa nói đến một người đàn ông Hạnh quen trên internet mấy tháng nay.

Người đó là Nguyên Thủy.

Hạnh mĩm cười nghĩ đến những gì đang diễn ra giữa nàng và người đàn ông tài hoa. Một hôm Chúa Nhật không bận rộn, bạn bè không kêu réo, Hạnh lên internet dạo chơi trong mấy websites xem có gì lạ. Trong lúc đảo lượn, nàng tình cờ "chạm trán" Nguyên Thủy và làm quen. Từ việc làm quen Hạnh tìm tòi thêm về ông, và rất thích thú với lối viết sâu sắc của ông trong nhiều đề mục Hạnh quan tâm. Truyện ông viết rất lạ, rất phóng khoáng. Ông có lối viết mới, gọn gàng, đưa người đọc đến những tình tiết biến chuyển linh động tài tình. Hạnh thích lối viết không thừa chữ nhưng thừa sức truyền đạt của ông. Nguyên Thuỷ cũng là một nhà bình luận có tầm nhìn sâu sắc và lập luận vững vàng. Hạnh biết danh Nguyên Thủy vì ông đã nổi tiếng từ lâu. Nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Đơn giản là nàng không quen ai trong thế giới thơ văn.

Khi biết Nguyên Thủy vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết mới, Hạnh liền đặt mua. Nhận được sách, Hạnh đọc xong chỉ trong một cuối tuần. Rồi Hạnh email cho ông.

- Thưa ông, tôi là một "fan" rất hâm mộ cuốn Người Vợ ông vừa ra mắt. Kết cuộc buồn quá. Ông đã "giết" người chồng thay vì cho anh ta được sống phần cuối đời với mối tình vừa tìm lại. Đọc xong tôi buồn suốt ngày. Ông thích thê thảm hóa cuộc đời?

Nguyên Thủy trả lời:

- Cảm ơn cô đọc sách và cho tôi lời bình luận. Rất tiếc truyện làm cô buồn. Về kết cuộc của "Người Vợ", tôi thích tạo những cái bất thường, nhưng không phi thường. Nếu người chồng sống, thì chuyện quá bình thường, không có gì cho độc giả phải suy nghĩ. Cô sẽ không buồn suốt ngày và sẽ không có thư cho tôi. Mong cô cho phép tôi được tiếp tục trao đổi quan niệm với cô trong những ngày sắp tới.

- Tôi nhận xét là những người đẹp trong truyện của ông thường là những người phụ nữ có làn da trắng và đôi chân dài.

Hồi âm:

- Thưa cô, chưa ai nói cho tôi biết tôi bị "cầm tù" bởi những người? đàn bà như thế. Không ai thay đổi cảm quan của mình nhanh chóng, nhưng tôi hứa sẽ không lộ liễu những chi tiết này trong những tác phẩm sắp tới.

- Tôi không dám mong ông thay đổi cảm quan hoặc lối viết, vì đó là đặc tính rất quyến rũ của ông. Nhưng theo tôi, người đàn bà đẹp ngày nay ngoài đôi chân dài, nàng nên có một làn da rám nắng khỏe mạnh.

- Có lẽ tôi chưa gột bỏ được con người cũ kỹ của mình. Có quá khả ố không nếu tôi muốn được biết thêm về cô, một độc giả đã thực sự đọc tôi như lời cô nói?

Hạnh "mở đường":

- Tôi có một điều kiện. Khi ông tiết lộ một chi tiết cá nhân ông, tôi sẽ đáp lại một chi tiết tương tự.

- Xin khai lý lịch: Năm nay tôi 62 tuổi. Đã có vợ và hai con, một trai một gái. Nhưng bây giờ một mình.

- Đọc văn của ông, tôi nghĩ ông trẻ hơn.      

- Cám ơn cô, Xin cô "match" câu trả lời. Trò chơi của cô đang bắt đầu hấp dẫn, thưa cô.

- Tôi kém ông mười hai tuổi. Góa phụ. Sanh ở Sàigòn nhưng quê Hà Nam. Không phải Hà Đông.

- May quá! Tôi đang vẽ tranh Tố Nữ. Mong cô giúp tôi vẽ xong phần còn lại. Tôi vẽ nàng như một tiểu thư đài các, đôi mắt thoáng buồn mùa thu. Tố nữ đẹp như tiên, dù tôi chưa thấy tiên bao giờ.

Hạnh biết Nguyên Thủy đang tán, một sự tán tỉnh kín đáo khôn ngoan.

- Tôi cũng chưa thấy tiên bao giờ.

Sau đó, Hạnh không email cho ông một tuần lễ vì bận đi công tác xa. Hôm về nhà, nàng gửi ông một email, nhưng dùng sai font. Nguyên Thủy hồi âm:

- Cả một tuần lễ mong thư cô, lúc nhận thư thì cô lại viết tiếng Nga. Làm ơn viết lại thư khác. Tôi rất thích đọc thư cô, thưa cô Hạnh Phúc.

Hạnh thích thú được ve vãn.

- Ông thưa gửi làm tôi cảm thấy già.

- Cô" là danh xưng một người anh gọi em gái của mình. Tôi có được cái vinh hạnh "nhận vơ" một người em là cô hay không?

- Hạnh rất vui có người anh nổi tiếng như ông. Trong thư "tiếng Nga" Hạnh hỏi ông đã vẽ xong tranh tố nữ chưa?

- Tôi, à không, anh vừa vẽ xong. Tố nữ đẹp lắm. Khôn ngoan bảo anh cứ để nàng trong tranh, nhưng lòng tham lại bảo anh mời nàng ra khỏi tranh vẽ. Tham lam là "passion" bản chất con người trong lúc khôn ngoan chỉ là thái độ dè dặt, learned behavior, học được từ kinh nghiệm.

Hạnh thú vị với cái trò chơi internet giữa nàng và Nguyên Thủy. Không nhìn thấy nhau, không biết nhau là ai, người ta trở nên bạo dạn và buông thả hơn trong lúc diễn đạt tư tưởng. Nguyên Thủy khéo léo đi từ "tôi và cô" đến "anh và em" một cách trôi chảy. Cứ như vậy những giòng email con thoi đã đem Hạnh lại gần Nguyên Thủy hơn. Ông bảo từ ngày "quen" Hạnh, ông thấy như mình đi ngược thời gian mười năm. Ông tâm sự:

- Anh đang được hưởng những giờ phút rất thơ mộng tưởng không bao giờ còn tìm lại được. Anh mong và thèm thư Hạnh như người ghiền nhớ thuốc. Anh đang tán em nhưng lại lọng cọng như một anh giáo làng. Anh yêu tâm hồn nhạy cảm mong manh của em. Em đã cho anh thấy những rung động thầm kín của một thiếu phụ học thức.

Cứ như vậy, Nguyên Thuỷ dùng sợi dây chữ nghĩa cột cổ tay kéo nàng lại gần ông từng ngày.

Một hôm, Hạnh lên online tìm mua một cuốn sách tiếng Pháp nhưng không một website nào có sẵn. Buổi tối, Hạnh email cho Nguyên Thủy về cốt truyện, và khoe là nàng đang kiếm mua nguyên bản.

Ông trả lời:

- Anh cũng chưa đọc, nhưng quen một người bên Pháp. Để anh nhờ mua rồi mình cùng đọc.

*
Chiều cuối năm, Hạnh ra biển đi dạo. Nàng mặc quần jean đen, áo sweater mầu rượu chát. Mái tóc bồng bềnh phủ trên bờ vai thon gọn. Nhiều cặp mắt nhìn theo, nhiều cái đầu quay lại lúc nàng đi qua. Hạnh biết mình đẹp.

Mặt trời đang đắm mình xuống biển xanh từ chân trời ngũ sắc phía xa. Hạnh yêu vô cùng những khoảnh khắc ngắn ngủi của hoàng hôn lúc mặt trời vụt biến vào lòng biển, để lại một màn trời tím thẫm ửng đỏ. Theo Hạnh, đó là một bức tranh tuyệt vời của tạo hóa, giữa ngày và đêm, giữa sáng và tối, giữa mênh mông và sâu thẳm.

Đi ngang một hàng dừa Hạnh thấy ông Đạt ngồi đọc sách trên chiếc ghế đá. Nhìn thấy nàng, ông mỉm cười, gật đầu chào. Hạnh cười đáp lễ. Thấy cuốn sách ông vừa đặt xuống ghế, nàng đứng lại và nhìn ông bối rối. Đạt lên tiếng:

- Chào Meggie. Lâu quá không có dịp nói chuyện với cô. Cô vẫn khỏe?

- Cám ơn ông. Tôi vẫn thường. Sắp tết rồi, năm nay ông ăn tết ở đâu?

Đạt ngồi xích qua một bên nhường chỗ cho nàng. Mắt ông thoáng buồn, giọng ông ẩm ướt:

- Tôi sẽ ở nhà, chờ các con về thăm. Họ cũng vẫn phải đi làm bình thường. Còn cô?

- Tôi sẽ về Little Saigon ăn tết với thầy mẹ tôi.

Đạt nhìn Hạnh, vẻ ngạc nhiên thích thú:

- Cô vẫn gọi ông bà thân sinh bằng thầy mẹ? Tôi thích hai tiếng đó lắm. Nghe rất "Bắc", rất Hà Nội.

Thấy nàng liếc nhìn cuốn sách trên ghế, ông bảo:             

- Tôi đang đọc cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Pháp.

Hạnh bào chữa cho thái độ lộ liễu của mình:

- Tôi thấy hình bìa trình bầy khá lạ. Lâu quá tôi không đọc tiếng Pháp, không biết có còn nhớ gì không.

Đạt sốt sắng:

- Tôi có thể cho cô mượn. Tôi mua một cuốn cho người bạn, một cuốn cho tôi.

Tim Hạnh đập mạnh. Nàng cố giữ vẻ bình thản. Nàng tin chắc mình đã có chân dung của người đàn ông "không chân dung".

Cố giấu niềm vui, Hạnh nhìn Đạt qua ánh mắt ấm áp.

- Vâng, khi nào ông đọc xong vui lòng cho tôi mượn. Bây giờ xin phép ông cho tôi tạm từ giã. Hy vọng được gặp ông vào ngày đầu xuân để chúc tuổi và nhận tiền lì xì.

Hai người cùng cười, tiếng cười dòn tan.

Hạnh bước những bước chân chim về nhà, náo nức với một ý tưởng vừa đến trong đầu.

Tối đó, Nguyên Thủy email cho nàng:

- Sách đã về. Anh làm quà tết cho em. Tố Nữ cho địa chỉ để anh gửi tặng.

- Tố nữ sẽ đến nhận quà, anh không cần gửi.

- Hy vọng em không cho anh tranh vẽ.

- Em không phải họa sĩ nên không biết vẽ. Chỉ sợ Tố nữ sẽ làm anh thất vọng.

- Dù Tố Nữ có xấu như ma lem thì anh cũng đã bị nàng chinh phục từ lâu. Em thừa biết vì sao.

- Vậy Tố Nữ sẽ ra khỏi tranh để đón giao thừa với anh.

- Hạnh, em nói thật, hay anh mơ?

- Anh không mơ. Nhưng mơ cũng là một phần đời thật, phải không anh?

- Cứ cho là anh đang sống trong thế giới Bồ Tùng Linh. Nhưng Tố Nữ hóa thân thế nào?

Hạnh bảo Nguyên Thủy cho nàng số điện thoại cell rồi căn dặn:

- Em sẽ gọi anh khi em sẵn sàng.

- Em làm anh hồi hộp vô cùng. Từ đây tới giờ hẹn, bao nhiêu giây là bấy nhiêu lần anh van vái cho mộng thành thật.

*
Trong lúc chờ đợi, Nguyên Thủy như sống lại bốn mươi năm về trước. Ông dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, ông mua hoa về chưng. Ông chẳng viết được gì, vì đầu óc ông không còn chỗ trống cho chữ nghĩa.

Đêm ba mươi tết rồi cũng tới sau bao nhiêu khắc khoải mong chờ. Tim ông nhảy lỗi nhịp khi chiếc cell phone ông luôn mang trong người réo rắt điệu nhạc vui tươi. Một con số lạ hiện trên màn hình. Hồi hộp, ông lên tiếng, rất nhẹ nhàng:

- Nguyên Thủy.

Giọng Bắc thánh thót bên tai ông:

- Tố Nữ đang chờ anh.

Nguyên Thủy run giọng:

- Em ở đâu?

Hạnh thì thầm:

- Em đang ở gần anh. Rất gần. Anh xuống courtyard đón em. Em sẽ chờ anh bên hồ Vệ Nữ. Nhớ giữ cell phone để "nhận lệnh".

Không chậm trễ, chỉ vài phút ông đã xuống đến sân, cell phone bên tai như lời dặn. Mấy ngọn đèn đêm soi rõ hồ nước. Ông đảo mắt kiếm tìm. Hoàn toàn im lặng. Ông bước đến bên hồ Vệ Nữ như kẻ mộng du. Tiếng Hạnh êm ái:

- Anh nhìn ra hướng biển và quay lại khi em gọi.

Nguyên Thủy ngoan ngoãn nghe lời.

Ngoài kia, biển mù đen, thấp thoáng ánh đèn nhấp nháy của những con thuyền bồng bềnh xa xa. Ông lắng nghe và chờ đợi những bước chân. Mùi hương ngọc lan phảng phất đâu đây. Ông nhớ có lần Hạnh bảo nàng rất yêu loài hoa mộc mạc đó.

Tiếng Hạnh thỏ thẻ trong phone:

- Anh đang nghĩ gì?

- Anh nghĩ em lạ thường và thi vị.

- Tắt phone và quay lại với em.

Nguyên Thủy vội vã quay mình. Dưới anh đèn đêm mờ ảo, một dáng người mảnh mai trong chiếc váy dài mầu nhạt từ từ tiến lại phía ông. Ông bước nhanh về phía nàng.

Mùi hoa ngọc lan từ nàng bay đến quấn vào người ông như những giải lụa vô hình. Nàng dừng lại cách ông chừng bốn bước, đủ để cho ông nhìn rõ mặt nàng. Ông kêu lên nho nhỏ:

- Meggie?

- Tố nữ. Đừng gọi em là Meggie.

Hạnh lao đến vòng tay ông mở rộng.

Nguyên Thủy ôm chặt nàng trong tay, thì thào trong nhịp tim rộn ràng:

- Tạ ơn em, món quà quí báu nhất trên đời.

Hạnh ngước nhìn ông, đôi mắt lấp lánh niềm vui. Ông đặt lên môi nàng nụ hôn trân trọng. Mùa xuân vừa đến.

Trong lòng người.

Và không gian bao la.

Huyền Thoại Thịnh Hương

Blog Archive