Bùi Bảo Trúc
Câu nhận định trên không biết có từ bao giờ và ai là tác giả của nó. Không ai biết, nhưng chắc phải lâu lắm. Mà cũng không ai dại gì mà nhận là tác giả của câu nhận định rất đúng nhưng lại rất thiếu những nét nhẹ nhàng, dễ nghe hay nể nang tối thiểu: Cả hai bên đều bị đề cập tới bằng những chữ, nếu không bằng “thằng”, thì cũng bằng “đứa”, bất kể một phía bề gì cũng tử tế hơn, tốt đẹp hơn: Phía “khôn”.
Những trường hợp “thằng (đứa) dại làm hại thằng (đứa) khôn” thì rất nhiều. Tháng trước, lại đã xẩy ra một trường hợp (rất có thể) những người rất đáng thương bị những đứa khùng điên ngộ dại làm hại đời.
Việt Nam sau 40 năm “giải phóng và thống nhất” và bất kể những thứ thống kê ngu xuẩn nói đó là một nơi thiên đàng của hạnh phúc, rất đáng để sống , hơn cả mấy nước Bắc Âu, Canada và Mỹ, ngưới dân vẫn muốn bỏ đi khỏi cái thiên đường ấy. Một số vẫn còn xuống thuyền đi tìm một miền đất hạnh phúc mới. Nhiều người muốn tới Úc để làm lại cuộc đời.
Hải Quân Hoàng Gia Úc đang chận bắt thuyền nhân Việt Nam – Ảnh BBC
Tất cả đều bị chặn ở ngoài khơi, không cho đổ bộ lên xứ của kangaroo, của koala, của boomerang và bị trả lại Việt Nam. Gần đây, chính phủ Úc đã bắt giữ 46 người Việt khi những người này tìm cách tới Úc. Tất cả đều bị giữ kín trên một chiến hạm của Hải Quân Hoàng Gia Úc đậu ngoài khơi từ ngày 20 tháng 3. Các nhân viên di trú Úc đã lên tầu để phỏng vấn những người Việt này, tất cả đều xin cho được tỵ nạn và ở lại Úc. Cuộc phỏng vấn 46 người kéo dài (mỗi người) khoảng 40 phút đến 2 tiếng đồng hồ, và đại diện chính phủ Úc đã bác yêu cầu xin tỵ nạn của tất cả. Những người này hôm 18 tháng 4 đã được đưa trở về Vũng Tầu.
Cơ Quan Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã bầy tỏ quan tâm và lo ngại về việc những người này được phỏng vấn ở ngoài biển, đồng thời cũng nêu thắc mắc quyết định bác yêu cầu xin tỵ nạn có được công bằng hay không. Bộ Trưởng Di Trú Michael Pezzullo tuyên bố tại Thượng Viện Úc rằng thời gian (tối thiểu) 40 phút để phỏng vấn là đủ, không quá ngắn và hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng thực ra, 40 phút có đủ không ?
Trừ đi những câu chào hỏi thông thường, những lời khai về tên tuổi, nơi sinh quán, ngày lên đường, bị chặn bắt hôm nào vân vân mà tất cả đều phải mất đi một nửa (thời gian) cho việc thông dịch, thì thời lượng dành cho những câu trả lời về lý do phải bỏ nước ra đi chắc chắn không còn được bao nhiêu. Cho nên khó mà có thể nói là những cuộc phỏng vấn đã diễn ra một cách thuận lợi cho các thuyền nhân người Việt. Đó là chưa nói tới chi tiết tâm lý không mấy bình tĩnh, lo sợ ảnh hưởng rất nhiều tới những câu trả lời của những người được phỏng vấn.
Bị bác đơn xin tỵ nạn ở Úc là chuyện dễ hiểu. Đại diện của chính phủ Úc rõ ràng là đã có sẵn những câu trả lời, những quyết định về yêu cầu xin tỵ nạn của 46 người Việt hồi tháng trước.
Không cho người cha hay người mẹ tỵ nạn thì cũng phải bác luôn yêu cầu xin tỵ nạn của những đứa con còn rất nhỏ. Thế là tất cả được đưa trở lại Việt Nam.
Những câu trả lời có sẵn của các nhân viên di trú và quyết định của bộ di trú Úc có thể đã bị ảnh hưởng của những “đứa dại” đã đến Úc trước đó. Thí dụ được cho vào Úc tỵ nạn thì chẳng bao lâu sau đó những “đứa dại” đó lại đâm đầu đi Việt Nam soành soạch. Có những “đứa dại” năm nào cũng về Việt Nam để bầy tỏ lòng thù ghét cộng sản…chơi. Việc làm đó làm mất hẳn ý nghĩa của hành động đi tìm tự do, bỏ trốn chế độ cộng sản. Bác yêu cầu tỵ nạn là phải.
Mà đó cũng mới chỉ là một chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn thì lại là những nguy hiểm cho nước Úc của một số những “đứa dại” khác. Gọi chúng là những “đứa dại” hay những “thằng dại” có thể cũng không đúng lắm. Chúng nó không dại chút nào. Chúng rất khốn nạn. Chúng nó đã làm phiền nước Úc rất nhiều. Nói rằng chúng làm phiền là còn quá nhẹ. Việc làm bất lương của chúng thực ra đã tạo ra những nguy hiểm đe dọa đời sống của quốc gia này không ít.
Năm 1995, một tài liệu của Thượng Viện Úc đã đem vấn đề phạm pháp của những người Việt ở Úc ra thảo luận và coi đây là một đe dọa nghiêm trọng cho an ninh nước Úc.
Các băng đảng người Việt như đảng T5 đã tiến vào các hoạt động trong các lãnh vực tội ác như ma túy, cờ bạc, cướp bóc, tống tiền… nhắm vào Cộng Đồng Người Việt và cả các Cộng Đồng Úc.
Cảnh Sát Úc cho hay các nhóm tội phạm Việt Nam võ trang võ khí nặng đang mở rộng địa bàn hoạt động tại Nam Úc, Tây Úc, New South Wales, Queensland, Victoria, tại Brisbane, Melbourne, Sydney… Nội trong hai năm 1992 và 1994 đã có 1.360 người Việt bị bắt trong các vụ mua bán heroine ở Úc. Một số tìm cách chuyển lậu bạch phiến từ Việt Nam sang Úc để đầu độc người Úc. Một số bị bắt trên đường trở lại Úc, một số bị bắt ở Việt Nam và chắc chắn một số đã trót lọt trở lại Úc. Những thành phần này thuộc đủ mọi loại, luôn cả những phụ nữ còn rất trẻ, một phụ nữ ngoài 70 cũng dính, một người dấu heroine trong chỗ kín thì thiệt mạng trước ngày trở lại Úc khi những bao nylon bị vỡ trong cửa mình…
Kể không sao hết được những hoạt động phạm pháp của chúng. Chỉ cần gõ mấy chữ “Vietnamese criminals in Australia” là thấy ngay rất nhiều bài viết của các báo chí tài liệu của Úc viết về việc làm của bọn lưu manh, vô ơn bạc nghĩa này để đền đáp lại sự tử tế của nước Úc khi mở cửa cho chúng vào “tỵ nạn”.
Làm thế nào có thể trách nước Úc đuổi những người Việt Nam về nước hồi tháng trước.
Lòng trắc ẩn (compassion) cũng còn có khi mỏi mệt nữa là!
Chỉ tội nghiệp cho những người quả thực lương thiện muốn tỵ nạn tại Úc.
Bùi Bảo Trúc - June 5, 2015
No comments:
Post a Comment