Thursday, June 18, 2015

Người Đàn Ông Hoa Kỳ Mà Tôi Ngưỡng Mộ

hoanglanchi


 
Tôi thích bất ngờ quen biết ai đó chứ không thích bất ngờ ai đó đến thăm tôi!

Nói rõ là thế này, tuần qua, một cô em họ định gây bất ngờ cho tôi nhưng sau đó cô đổi ý và gọi điện thọai báo trước. Tôi bảo cô :

“Chị ghét ai bất ngờ lù lù đến trước nhà chị lắm nhen. Lý do, tớ là cô ký điệu. Tớ không thích người ở xa đến gặp lúc tớ chưa sửa soạn”.

Còn cái sau là tình cờ có thêm những “quen biết” mà tôi thú vị với mối quen biết mới đó.

2014, tôi bất ngờ gặp sư huynh Lê Anh Kiệt và từ sư huynh là Bạch Diện Thư Sinh. Hai người này là trong ban A17 của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.

Tháng 3/2015, không hẳn bất ngờ lắm nhưng cứ coi vô tình gặp trong nhóm nhỏ rồi thì thành thân thiết: Ts Phan Quang Trọng, Chủ tịch tổ chức cộng đồng San Antonio. TS Trọng là một trong bốn vị chủ tịch cộng đồng mà tôi “thương mến”. “Thương mến” vì …đồng tư tưởng khá nhiều, không phải tranh luận ỏm tỏi như tôi với vài cụ cao niên.

Thế rồi, từ Trọng, tôi bất ngờ quen Cựu Thiếu Tá TQLC Richard Botkin. Đây là người đàn ông Hoa Kỳ mà tôi rất “ngưỡng mộ”. Rất dễ cho bạn bè đoán được lý do tôi “ngưỡng mộ” ai đó. Đa phần lý do sẽ là người hùng , hay người đóng góp nhiều cho lý tưởng quốc gia.

Richard Botkin là chiến binh Hoa Kỳ phục vụ từ 1980 đến 1995. Ông chưa từng chiến đấu ở Việt Nam. Một tình cờ, ông có mặt trong buổi tặng huân chương Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc, do Tổng Thống Bush ký tặng để vinh danh Trung tá Lê Bá Bình,  trong một họp mặt trang trọng tại Thủ Đô Hoa Kỳ nhân dịp Lễ Độc Lập July 4, 2005 (tin Việt Báo).

Đây là định mệnh mà Richard gọi đó là một ơn kêu gọi. Ông bắt đầu tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến hiện nay đã được ghi vào lịch sử Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ như một cuộc chiến tiêu biểu mà cường quốc này đã tham gia trong thế kỷ 1900s. Càng tìm hiểu thì ông càng yêu mến. Cuối cùng ông đã dành hơn năm năm nghiên cứu và bốn lần đến Việt Nam cùng cựu Trung Tá Lê Bá Bình. Kết quả sau đó là sự chào đời của cuốn sách hơn 600 trang vào năm 2006, Ride The Thunder. Chín năm sau là phim Ride The Thunder xuất hiện tại thủ đô của người Việt tị nạn tháng 3, 2015.

Điều làm cho tôi xúc động hơn là vào cột mốc 40 năm, khi vài người hớn hở với việc thành công cá nhân khi đến được xứ tự do, hay vui mừng vì được chương trình gọi là H.O của Hoa Kỳ đón bằng máy bay; hay cảm động vì sự thành công trên xứ người và bày tỏ “Thank You USA” thì một người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã trình làng một bộ phim nhằm mục đích đòi danh dự cho người lính VNCH.

Sự trùng hợp là bộ phim ấy lại nói về mùa hè đỏ lửa 1972, dính liền với một địa danh mà tôi hằng yêu mến. Ba chục ngàn quân chính quy vc tấn công địa đầu Quảng Trị và tiến vào Huế. Tiểu đoàn 3 Sói Biển TQLC của Lê Bá Bình , với cố vấn John Ripley, được tăng cường thêm một trợ thủ là Jim Smock sau bốn giờ đồng hồ đã phá được cầu Đông Hà, chận vc. Sau đó, quân đội VNCH tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Thật ra, cho đến giờ phút này, nhạc phẩm luôn làm tôi xúc động là “Cờ bay trên thành phố Quảng Trị” . Có lẽ ít ai ngờ rằng, nhiều khi tôi hay hát bài này một mình trong phòng.

Để thực hiện bộ phim, Richard đã “I really do have all my life savings in the film, along with the help of a few friends.” *(Chỉ với cuốn phim này, tôi đã thật sự dùng hết tiền dành dụm cả đời cùng với sự tài trợ của vài người bạn).

Tại sao người đàn ông Hoa Kỳ ấy lại muốn làm điều đó? Hãy nghe ông bày tỏ 

I believe to my soul that God’s mission to me for the remainder of my life is to fight for the truth about the Vietnam War” * (Tôi tin rằng Trời đã trao cho tôi nghĩa vụ tranh đấu cho sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam cho tới cuối đời.)

Người đàn ông ấy hẳn có một tư cách như thế nào, một lý tưởng tuyệt vời ra sao, một niềm tin mãnh liệt chừng nào, để “We have been married nearly 33 years. She has never once complained about the time or the funding I have taken to do these projects. My children have likewise been very supportive. I think they also understand that there is a battle for our nation’s soul. America was correct to fight the communists in Vietnam . * (Chúng tôi đã lấy nhau được gần 33 năm. Chưa bao giờ bà ấy than phiền về thời gian và tài chánh tôi đã dùng để làm những công trình như thế này. Các con tôi cũng đồng lòng giúp đỡ tôi như vậy. Tôi nghĩ chúng cũng hiểu rằng đây là một cuộc tranh đấu cho tâm hồn của đất nước. Nước Mỹ đã làm một việc đúng đắn khi đương đầu với Cộng Sản tại Việt Nam.)



Vâng, bằng ấy cái tạo nên người đàn ông Hoa Kỳ mà tôi ngưỡng mộ. Ông đã dành mọi sinh lực, tâm huyết để gióng lên tiếng chuông, đòi lại danh dự cho quân đội VNCH của tôi. Ông đã can đảm xé toang màn mây mù bao phủ, thay đổi ký ức của thế giới về chiến tranh VN.

Ông quý trọng về “cái giá vô cùng to lớn mà người Việt phải trả cho sự tự do” , ông ngẩn ngơ về “những điều mà người Việt tại hải ngoại đã làm được” . * 

Còn tôi, tôi ngưỡng mộ và biết ơn ông vì qua công việc của ông, hình ảnh đích thực của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã được tái lập cho thế hệ trẻ biết rằng các em là giòng dõi của những con người can trường ấy. Niềm tự hào dân tộc sẽ được bùng thổi để các em vươn mình làm người Quang Trung.

Cuối cùng, tôi chỉ biết nói với người đàn ông mà tôi ngưỡng mộ đó rằng “Our duty is to be with you and your work”. *



Hoàng Lan Chi
6/2015

No comments:

Blog Archive