“TRỌNG PHÁP BẢO HIẾN” TRIỀU BIDEN
Trong tháng hai này, Tối Cao Pháp Viện (TCPV) sẽ mang trọng trách xác định quyền đặc nhiễm miễn tố trong lúc thi hành nhiệm vụ cho một cựu tổng thống, sau khi mãn nhiệm, và điều 3 của Tu Chính Án XIV (TCA) có thể áp dụng cho cựu TT Trump hay không. TT Trump sẽ phải đối diện với hai phán quyết sinh tử của tương lai mình.
Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ, TCPV sẽ phải đương đầu với những thử thách trong việc diễn giải và bảo vệ Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ dưới sức ép của trào lưu cấp tiến và đảng Dân Chủ. Trong khi chờ đợi những phán quyết quan trọng này, xin mời bạn đọc tìm hiểu thêm về ngành Tư Pháp, tính độc lập trong vấn đề quản trị và quyền hạn của Hành Pháp dẫn đến việc xác định đặc tính tam quyền phân lập được viết trong Bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ.
Để câu chuyện có tính hấp dẫn, như thường lệ, mời quý độc giả tìm hiểu Bản Hiến Pháp đã gặp những thử thách lần đầu tiên vào thời lập quốc như thế nào qua phán quyết Marbury v. Madison (1803). Khác với những thêu dệt và mạ lỵ mà truyền thông dòng chính gán cho TT Trump là con người gian dối, độc tài, không chấp nhận kết quả bầu cử, từ thời TT Adams trở đi hầu hết những cuộc tranh cử chức tổng thống đều gay gắt, quyết liệt với những đòn chính trị bẩn thỉu. Tuy nhiên, sau thể thức bầu cử thì mọi người đều hoà hoãn, êm đềm; cựu tổng thống về vui thú điền viên. Obama và Biden là hai trường hợp ngoại lệ. TT Obama tiếp tục hoạt động chính trị, và Biden ra sức truy tố vị tiền nhiệm.
Thời gian đầu, Mỹ có hai đảng chính trị lớn là Federalist và Democratic-Republican. Ngoại trừ George Washington, hầu hết các tổ phụ lập quốc đều thuộc một trong hai đảng này. Federalist chủ trương phát triển ngành công nghiệp nặng với chính phủ trung ương mạnh và ngả theo đế quốc Anh. Democratic-Republican ủng hộ một nhà nước nhỏ, yểm trợ nông nghiệp và bài Anh.
Năm 1800, TT Adams (Federalist) tái tranh cử nhiệm kỳ 2 chống đương kim PTT Thomas Jefferson (Democratic-Republican)(1) và LS Aaron Burr (Democratic-Republican) (2). Jefferson đạt được nhiều phiếu nhất, trở thành tân tổng thống, Burr về hạng nhì làm phó cho Jefferson, TT Adams thất cử. TT Adams trả thù Jefferson bằng cách gây khó khăn cho chính phủ mới. Hai ngày trước khi mãn nhiệm, ngày 2/3/1801 (3) Adams đề cử 60 thẩm phán thân đảng Federalist vào các tòa án liên bang với dụng ý tạo vây cánh. Quốc Hội do đảng Federalist nắm đa số, phê chuẩn họ vào những vị trí này. Ngoại Trưởng John Marshall của Adams có nhiệm vụ đưa lệnh bổ nhiệm đến các tân thẩm phán; tuy nhiên vì chỉ còn một ngày, Marshall không thể bổ nhiệm tất cả. Ông William Marbury bị xui xẻo, nằm trong nhóm người không nhận kịp nhiệm vụ. Tân Ngoại Trưởng James Madison theo lệnh của TT Jefferson không đưa lệnh bổ nhiệm cho Marbury mặc dù vừa được TT Adams ký vài ngày trước đó. Ông Marbury kiện ông Madison đã không giao nhiệm vụ (commission) cho mình. Vụ kiện giằng co lên đến TCPV.
Năm 1803, lúc này cựu ngoại trưởng Marshall đã là Chánh Thẩm của TCPV bất đắc dĩ phải thụ lý nhiệm vụ bất thành của mình hai năm trước. Chiếu theo luật, Marshall cho rằng Marbury hội đủ điều kiện nhận nhiệm vụ vì ‘sự vụ lệnh’ đã ký. TCPV sẽ phải viết lệnh writ of mandamus yêu cầu chính phủ tuân theo lệnh của tòa. Tuy nhiên, Chánh Thẩm Marshall gặp phải trở ngại lớn: Điều 3 Hiến Pháp chỉ cho phép TCPV có thẩm quyền (jurisdiction) trong các tranh tụng giữa các tiểu bang hoặc với các chức sắc ngoại quốc, việc phân bổ nhân sự thuộc phạm vi điều hành guồng máy chính phủ của Hành Pháp. Chánh Thẩm Marshall viết phán quyết cùng với sự đồng thuận của 3 thẩm phán còn lại của TCPV rằng Toà Bảo Hiến không thể buộc Hành Pháp Jefferson phải bổ nhiệm nhân sự, ông William Marbury, vào bất cứ chức vụ nào vì TCPV ngang hàng với tổng thống và Quốc Hội. Các quyền chỉ huy và điều hành của tổng thống không thể bị phán xét bởi Toà Án và Quốc Hội.
Nói một cách khác, nếu Tư Pháp chỉ thị cho Hành Pháp trong cách điều hành guồng máy chính phủ, khác nào Tư Pháp là vai trên của tổng thống. Án lệnh Marbury v. Madison xác định tính độc lập và vai trò lãnh đạo của tổng thống trong công việc điều khiển cỗ máy hành chính, trở thành tiền lệ quan trọng nhất mà các phán quyết sau này phải dựa theo tạo nền móng phân định quyền lực của ba ngành chính quyền.
Truyền thống tôn trọng quyền điều hành và quyết định của ngành Hành Pháp qua tay tổng thống được duy trì từ 1789 đến nay. Vì khuôn khổ của bài viết chúng ta chỉ nhắc đến những chuyện sảy ra gần đây.
Án lệnh Nixon v. Fitzgerald (1982): Fitzgerald bị xa thải, kiện nhiều người trong bộ máy hành chính Mỹ, trong đó có TT Nixon khi ông đang làm tổng thống. TCPV xác nhận tổng thống được quyền đặc miễn tuyệt đối với những kiện tụng đòi bồi thường thiệt hại cấp dân sự khi còn tại chức.
Trong vụ Clinton v. Jones (1997): Paula Jones kiện Clinton sách nhiễu tình dục năm 1991 khi còn là thống đốc AR. TCPV phán quyết tổng thống có quyền đặc miễn truy tố tội hình sự khi đang tại vị. Nếu muốn truy tố phải chờ đến hết nhiệm kỳ. Trong phiên toà này năm 1998, nhân chứng Monica Lewinsky nói dối đã không có quan hệ tình dục với Clinton bị phát hiện khiến Clinton bị đàn hặc tại Hạ Viện nhưng Thượng Viện không truất phế TT Clinton vì không đủ túc số.
Nhưng với toà dân sự thì Clinton bị kết tội nói láo, bị phạt 2 lần 90,000đ và 25,000đ, chưa kể những đền bù tài chính khác cho Jones; đồng thời bị tước bằng hành nghề luật năm 2001. TT Clinton đã vi phạm pháp luật qua những hành động cá nhân không thuộc quyền điều hành chính phủ, bị phạt tiền và mất bằng hành nghề. Tuy nhiên, Bộ TP của TT Bush đã không lập văn phòng CTĐB đề truy tố những tội nói dối và cản trở pháp luật vì ông ta đã bị Hạ Viện đàn hặc và vì truyền thống tôn trọng chức vụ tổng thống có từ thời lập quốc.
Ngược lại, sau lần đàn hặc thất bại thứ 2, Bộ TP của Biden đã lập ra văn phòng CTĐB hơn 2 năm sau khi Trump mãn nhiệm để tiếp tục truy tố các công việc điều hành chính phủ qua việc TT Trump bàn thảo với các thống đốc tổ chức các cuộc kiểm tra lại phiếu bầu, khám lại máy đọc phiếu, theo dõi những hoạt động tình báo của địch tác động vào kết quả bầu cử do tình báo Hoa Kỳ cung cấp,… Bộ TP đã liệt quyền điều hành chính phủ của Trump thành tội hình sự. Nghĩa là toàn thể nội các của Trump trong đó có Bộ TP, các thống đốc, CIA và FBI đều là đồng lõa phạm rất nhiều tội hình sự sau ngày bầu cử cho đến ngày 19/1/2021. Nếu TT Trump bị truy tố, e rằng BT Tư Pháp Bill Bar và GĐ FBI Wray cũng mang tội hình sự luôn. Tại sao chỉ có mình Trump bị truy tố? “Trọng pháp-bảo hiến” nằm ở đâu?!
Năm 2011, TT Obama ra lệnh cho máy bay không người lái (drone) phóng hoả tiễn triệt khủng bố nhưng lại giết chết hai cha con al-Awlaki mang quốc tịch Mỹ, tại Yemen khi Mỹ và Yemen không nằm trong tình trạng chiến tranh. Từ 2009-2011, cơ quan kiểm tra rượu súng đạn chất nổ và thuốc lá ATF dưới sự lãnh đạo của Bộ TP đã bán súng cho băng đảng Mexico dưới chiến dịch Fast and Furious hòng bủa lưới bắt cướp Mễ. Không nắm rõ tình hình, hàng trăm khẩu súng này đã lọt lưới quay trở lại Mỹ trong đó có hai khẩu súng đã giết chết cảnh sát biên thuỳ Brian Terry tại AZ. Quyền điều hành quốc gia của Obama đã không bị chất vấn hay lên án. Không một toà án hay biện lý nào của Trump truy tố những quyết định hành pháp của Obama. Ông Trump có “trọng pháp-bảo hiến” không?
Án lệnh Marbury v. Madison (1803) đã thiết lập sự an toàn, bảo vệ tổng thống tránh món đòn truy tố vì thù cá nhân hoặc bất đồng quan điểm sau khi mãn nhiệm để trả thù, hăm dọa hay áp đảo tinh thần vị quốc trưởng trong khi thi hành phận sự vì nó sẽ tạo những tiền lệ biến tổng thống Mỹ thành một tên bù nhìn, hèn nhát và thiếu quyết đoán vì sống trong tâm trạng trên đe dưới búa của Lập Pháp và Tư Pháp. Thay vào đó, Hiến Pháp trao cho vị tổng thống toàn quyền lãnh đạo với tất cả những quyền điều hành; sai hay đúng tổng thống sẽ phải chịu sự phán xét của quốc dân qua lá phiếu của họ sau nhiệm kỳ 4 năm hoặc qua thủ tục đàn hặc và truất phế tại lưỡng viện Quốc Hội. Các tổ phụ lập quốc đã có viễn kiến rất xa khi thành lập Hiến Pháp cho phép tổng thống có toàn quyền lựa chọn các chính sách quốc phòng, kinh tế, an ninh đối nội và quyền thiết lập ngoại giao trên trường quốc tế để tạo một sức mạnh đặc biệt cho Hoa Kỳ.
Đảng DC luôn miệng lập đi lập lại câu “no one is above the law”, và kết án TT Trump là con người độc tài. Nhưng xét lại quyền hạn ta thấy tổng thống là người duy nhất có quyền ân xá vô điều kiện cho những phạm nhân, có quyền phủ quyết những dự luật do Quốc Hội soạn thảo, đóng cửa toàn hệ thống hành chính liên bang, thay mặt Quốc Hội có thể ban hành sắc lệnh,… Rõ ràng tổng thống có rất nhiều quyền hạn được Hiến Pháp công nhận.
Chiếu theo những quyền hạn này, TT Trump, Obama, hay bất cứ cựu tổng thống nào đều đã có quyền lưu trữ tài liệu mật vì họ đứng đầu Hành Pháp, có quyền đọc, phân loại và giải mật các tài liệu quan trọng mà không cần phải xin phép ai. Căn bản pháp lý rõ ràng như vậy, nhưng Bộ TP Biden và Jack Smith truy tố TT Trump lưu trữ giấy tờ mật tại nhà trái với luật của Sở Văn Khố, là một bộ phận rất nhỏ trong hàng nghìn cơ quan hành chính dưới sự chỉ huy của tổng thống. Ai là big boss của Sở Văn Khố? Nếu Obama phải xin phép và chờ một một viên quan lại hành chính nào đó đọc, phân loại và quyết định trước tờ nào được cất, tài liệu nào đem đốt, thì ông nào là tổng thống ông nào là dân?
Đây là điểm mấu chốt trong phán quyết Marbury v. Madison (1803) mà Bộ TP Biden không chấp nhận và cho phép quyền hạn này của TT Trump khi ông ta quyết định mang những thùng giấy tờ từ Toà Bạch Ốc về Mar-a-Lago. “Trọng pháp-bảo hiến” đi chơi đâu tại Florida?
Bộ TP của Biden nhất quyết săn lùng và sửa luật để truy tố Trump. Cuối năm 2023, Jack Smith nộp hai đơn lên TCPV: một xin TCPV ra writ of certiorari, phán quyết có tính chỉ đạo từ TCPV rằng cựu tổng thống có được quyền miễn truy tố hình sự sau khi mãn nhiệm và đơn xin TCPV loại các thủ tục kháng án ở các tòa giữa để cứu xét khẩn trong việc truy tố TT Trump. TCPV bác đơn xin cứu xét khẩn, trả lại xuống toà kháng án ở dưới.
Toà Kháng Án ở DC chắp nối kiếm ba bà thẩm phán cấp tiến Henderson, Childs và Pan ngồi xét thay vì một en banc [trong những vụ kiện phức tạp, tất cả các thẩm phán của tòa kháng án phải ngồi xuống cùng truy cứu và ra phán quyết chung. Trump không được en banc các thẩm phán mà chỉ có 3 người đại diện. Hiện tại Trump đang kháng án, đòi phải có đủ các thẩm phán cùng cứu xét kháng án của mình].
Tại Toà Kháng Án thuộc vùng DC (US Court of Appeals for DC District), ba TP Henderson, Childs và Pan ra phán quyết chung, tuy nhiên không dám ký tên vào lệnh, chỉ viết “so ordered” (4) rằng cựu tổng thống không được hưởng quyền đặc miễn truy tố những tội hình sự trong khi thi hành công vụ.
Phán quyết này đầy mâu thuẫn khi cho rằng tổng thống có thể bị truy tố trong lúc điều hành nhà nước trong quá khứ, nhưng án lệ Marbury v. Madison (1803) có từ hai thế kỷ nay xác định quyền điều hành tuyệt đối được dành cho tổng thống. Mặc kệ, Smith chụp phán quyết phe đảng này, lại nộp đơn cho TCPV một lần nữa yêu cầu toà ngưng viết chỉ thị, vì 3 TP kia đã quyết định Trump không có quyền miễn tố, để vụ kiện được tiếp tục diễn ra nhanh ở toà án dưới do TP Chutkan thụ lý.
Smith là luật sư, biện lý liên bang và của toà The Hague nhưng lại coi TCPV như một cái chợ. Thích thì đòi writ of certiorari, không thích thì phán Toà Bảo Hiến ngưng làm việc. Cựu BT Tư Pháp Ed Meese, và hai học giả Calabresi và Lawson nhận xét rất đúng về tính hợp hiến và tư cách con người Jack Smith, chỉ ngang hàng với Taylor Swift hoặc Jeff Bezos, không đáng đại diện cho bất cứ ai trước TCPV. “Trọng pháp-bảo hiến” ở đâu vậy?!
Xin được kết luận ngắn cho những ai muốn truy tố TT Trump. Hãy trả lời cho tôi dù chỉ một câu ngắn thôi trong các sự kiện tôi vừa nêu trên, chính phủ Biden có tôn trọng Hiến Pháp không?
Câu hỏi rất đơn giản.
Freedom Fighter
23/2/2024
No comments:
Post a Comment