VÀI CHUYỆN NHỎ CỦA XÓM TÔI
Đây là một chuyện vui nhè nhẹ có liên quan đến từ ngữ đồng thời có một chủ đích khác là nhắc lại một bài hát thiếu nhi của VNCH mà nếu không nhắc sẽ bị chìm dần vào quên lãng, và có vẻ như đang bị quên lãng!
Tôi sống trong một xóm nhỏ, dân trong xóm đa số là những người lao động chân tay hoặc buôn gánh bán bưng. Nhà trong xóm thì lưa thưa chứ không chen chúc như bây giờ vì ngày ấy nơi đây đất rộng người thưa. Gần nhà nhất là nhà thím Tám bán chuối chưng, buổi sáng thì thím lo nấu nồi chè chuối, chỉ đến đầu giờ chiều thì mới quảy gánh đi bán. Mỗi lần thím sắp đi bán thì thím hay nhờ tôi mua mở hàng và thím hay nói là cái vía của tôi hên. Chồng thím là chú Tám làm nghề tài xế, không biết chú lái xe gì chỉ thấy sáng thì chú đạp xe đến nhà chủ, tối mới đạp xe về. Chú có cái đặc biệt ngồ ngộ là mỗi lần ắt xì thì ắt xì liên tiếp đến tám lần thay vì chỉ hai lần như những người khác nên mỗi khi nghe chú ắt xì thì dù đang làm gì tôi cũng dừng lại để đếm coi đủ tám cái chưa.
Gần đó là nhà bác Tư Móm, vợ bác mất sớm bác vẫn ở vậy đạp xích lô mà nuôi ba đứa con. Mỗi khi bác đạp xe về nhà thì bên xe thường có treo một bó rau cải và một miếng thịt có khi là mấy con cá, bác tự nấu nướng bữa ăn cho mình và các con. Khi vô nhà bác thường la mắng mấy đứa con của bác: “Hừm, tụi bây không biết quét cái nhà nữa!” “Hừm, cái con Chuổi còn chưa giặt đồ nữa!” Trước mỗi câu la mắng thì bác hay bắt đầu bằng tiếng “Hừm, hừm…” với cái miệng móm của bác, con cái của bác thì sợ quýnh nhưng chúng tôi là hàng xóm thì thấy buồn cười. Thằng Hu con của bác hay lấy xe chở bọn trẻ trong xóm chạy chơi vòng vòng trong sân rất vui.
Xa một chút là nhà vợ chồng chị Tư Liễu, cũng là thứ Tư. Chị bán cá ở chợ Thiếc, sáng sớm thật sớm khi chúng tôi còn ngủ thì anh chị đã đi lấy cá ở Chợ Cá Trần Quốc Toản rồi về bán ở chợ Thiếc. Nói đến chợ Trần Quốc Toản thì bất cứ ai ở Sài Gòn chắc cũng biết đây là một cái chợ chuyên bán cá, thường là bán sỉ, người buôn bán ở các nơi khác đến đây mua cá rồi đem về bán cho dân ở nơi chợ của mình. Vì chợ chuyên là cá nên lâu ngày chợ có một mùi hôi thối do xác cá chết bốc lên khiến ai đi ngang cũng phải nghe thấy. Vào thời đó người dân sống hiền hoà, cái tôi nhỏ bé chẳng là gì đáng kể so với cái lợi ích to lớn của xã hội nên chẳng thấy ai thưa kiện chợ hôi thối gây ô nhiễm môi trường như bây giờ, nếu ai thường xuyên đi qua lại ngang đây thì chuẩn bị đưa tay bịt mũi với nụ cười rồi đi qua thế thôi. Tôi nhớ có lần đi ngang đây đồng thời cũng có một chiếc xe nhà binh GMC chở mấy anh lính Mỹ đi qua, mấy chàng lính Mỹ trên xe đẩy vai nhau và cười ha hả rất vui, chắc mấy anh cười vì giữa đô thành lại có một cái chợ bán gì mà thúi thế!
Chị Tư Liễu thường thì tan buổi chợ mới về nhà, lúc đó thì đã hơn mười hai giờ, có một hôm anh chở chị về sớm với một bàn tay sưng phù vì bị cá trê nó chém, chị nằm la làng: “Đau quá… ui đau quá…” suốt buổi trưa, cả xóm ai cũng nghe. Cá trê có hai cái ngạnh hai bên mang nếu bắt không khéo nó quẫy mà đâm phải thì rất nhức nhối. Nhà anh chị là khá nhất xóm, nhà tường, gạch bông mái tôn, trong nhà có tủ chén dĩa, có máy hát dĩa, chiều chiều anh chị hay mở những tuồng cải lương, những bài hát vọng cổ cả những bài tân nhạc nữa. Thời đó dĩa ghi nhạc bằng nhựa, xài lâu thì dĩa sẽ cũ và trầy xước, khi dĩa quay đến chỗ bị hư thì âm thanh cứ lặp đi lặp lại nếu không đẩy cho cây kim đọc lướt qua. Có hôm từ nhà chị Tư vẳng lên câu hát: - Anh ơi bây giờ anh ở đâu… anh ở đâu… anh ở đâu… anh ở đâu… anh ở đâu… anh ở đâu…. Thiệt là mắc cười.
Ngoài đầu ngõ có nhà bà Mười Ngọt, bà bán rau ở chợ Di Cư gần nhà, chợ Di Cư thuộc xã Phú Thọ Hoà nơi chúng tôi ở. Danh từ Di Cư ở đây là để chỉ những người Việt miền Bắc vào đây năm 54. Và ở chợ này có người Việt lẫn người Tàu buôn bán chung với nhau, sau chợ là những dãy nhà của người Tàu. Bà Mười Ngọt ngoài bán rau cải ra bà còn là người lên đồng cốt. Khi có ai nhờ bà lên đồng gọi hồn thì nhà bà thắp nhiều nhang khói, bà đội một cái khăn đỏ phủ mặt, đầu lắc lư, khi hồn nhập thì bà ợ ợ lên như bị no hơi trong lúc phán chuyện này chuyện nọ, giọng nói thì the thé cao hơn lúc bình thường. Xem bà lên đồng tôi không tin là có vong có linh gì cả, chỉ là giả vờ nhưng cũng thấy rờn rợn.
Là người lên đồng nhưng bà yếu bóng vía và sợ ma! Buổi sáng bà bán ở chợ, trưa chiều thì bà mang giỏ và lưỡi liềm đi lang thang vào vườn rẫy tìm hái rau như rau dền, rau càng cua và sắn măng, một hôm tôi lấy chiếc áo cũ và cái mặt nạ đồ chơi hình khỉ đem treo ở bụi tre sau nhà mà tôi biết bà sẽ đi qua, buổi trưa xế trong vườn vắng vẻ yên tịnh bà lùi lủi đi tới bỗng thấy trong bụi tre như có ai bị treo cổ đầu nghẹo sang một bên, bà hoảng hồn la bài hải, quăng giỏ và liềm bỏ chạy. Chị em tôi núp trong nhà rình coi mà cười ngặt nghẽo.
Nhà bác Tý, người Bắc, bác thì nói giọng Bắc mà các con của bác lại nói giọng Nam, chúng tôi chơi với nhau không hề phân biệt Nam hay Bắc gì cả. Chị Gái con của bác làm phụ hồ, chồng của chị là thợ xây chính. Chị vì làm ngoài nắng nên tóc cứ vàng hoe và chẻ ngọn, dù chị có cột lại gọn gàng thì cái đầu vẫn cứ như xù lên to hơn bình thường. Năm đó anh chị làm việc cực khổ nhưng cũng sắm được chiếc xe Honda kiểu xe đàn ông màu đỏ, chị lấy xe chở chị em tôi cùng hai đứa em của chị, tống năm chạy xuống chợ Phố ăn mì và uống sinh tố để mừng xe mới, thuở ấy ai có xe Honda đi ra đường không hề lo sợ bị phạt vạ vì thiếu nón bảo hộ hay hạch hỏi bằng lái gì cả, muốn chở mấy người thì chở, ít khi nào bị công an nhảy ra chận đường như hỏi đố vồi mồ (nghĩa là hổ đói vồ mồi) miễn là không đi ngược hay vượt đèn đỏ thì thôi.
Còn vài nhà khác cũng có chuyện thú vị nhưng thôi sợ bạn đọc chê dài dòng.
Khu đất nhà tôi chung quanh có những bụi tre tầm vông, anh tôi trồng thêm một hàng tre toàn là tre tàu. Thân cây tre tàu thì to cao, màu xanh tươi, lá cũng lớn hơn tre tầm vông, mỗi lần có cơn gió thổi qua thì nghe xào xạc như mưa, cây măng tre tàu khi cao chừng một đến hai mét trên ngọn có màu vàng cam rất đẹp. Tôi thích lấy mũi đinh sắt khắc lên thân tre xanh những câu thơ đọc được trong các quyển truyện mà mình yêu thích ví dụ như câu: “Hãy là hoa xin hãy khoan là trái, hoa nồng hương mà trái lắm khi chua.” một câu thơ mà tôi đọc được trong một truyện nào đó của nhà văn Duyên Anh, hay bài thơ trong một truyện của nữ văn sĩ Quỳnh Dao.
“Hoa phi hoa, vụ phi vụ
Dạ bán lai, thiên minh khứ
Lai như xuân mộng bất đa thời
Khứ tự triều dâng vô thoả xứ.”
Xa hơn xóm tôi một chút thì có xóm của người Việt tỵ nạn từ Cam Pu Chia về mà chúng tôi gọi là xóm Việt Kiều, Việt Kiều đây là Việt Kiều nghèo ở Cam Pốt chạy về Việt Nam lánh nạn năm 1970, cái năm người Việt ở Cam Pốt bị phong trào “ Cáp duồn” do ông Thủ tướng Lon Nol sau khi lật đổ Hoàng thân Norodom Sihanouk phát động, không phải Việt Kiều giàu là khúc ruột non ruột già gì đó của chính quyền hiện nay!
Nhân ở xóm này có những trẻ em Việt lớn tuổi chỉ biết nói tiếng Việt nhưng không biết chữ Quốc Ngữ, anh Phước, tên người anh của tôi, đứng ra cất một cái nhà nhỏ mái tôn vách lá, đóng chừng năm sáu cái bàn làm lớp học để dạy cho mấy em biết đọc biết viết. Lớp học nằm bên hàng tre tàu, ban đầu chỉ có chừng mười em lớn nhỏ không đều tuổi nhau nhưng cùng học một lớp vỡ lòng, dần dần người dân trong xóm thấy anh dạy cũng tốt nên đem gửi con em của họ đến học chữ trước khi xin vào lớp năm trường công. Từ đó lớp của anh dạy đông khoảng trên dưới 20 em. Nghiễm nhiên anh trở thành “Thầy”. Anh Phước chưa qua đại học cũng không có được sự đào tạo nào về sư phạm nhưng với nhiệt huyết và tình thương anh cũng dạy được cho các em biết đọc biết viết theo chương trình của nhà nước, chính quyền bấy giờ chắc biết việc làm này, cái việc anh ngang nhiên làm “Thầy” nhưng không ngăn cấm hay cản trở gì vì đây là việc thiện nguyện, chứ thời bây giờ mà coi! Nếu không chạy chọt được cái giấy phép của bộ “Dục” trên quận thì xin lỗi- anh hãy dẹp tiệm.
Lớp học của anh là một lớp học tự do, nên ngoài việc dạy cho các em biết chữ hay làm những phép toán đơn giản, thì anh cũng hay dạy các em hát, những bài hát phổ biến trên radio hoặc trên truyền hình để gây hào hứng cho lớp học, đó là những bài hát thiếu nhi như: Rước Đèn Tháng Tám, Ông Ninh Ông Nang, Tía Em Má Em. Tôi nhớ có một bài hát thiếu nhi lúc đó rất hay được phát thanh trên radio mà hiện giờ không thấy được nhắc tới dù tìm nhiều nơi trên internet đó là bài hát “Đoàn Thiếu Nhi Nông Thôn” bài hát có lời như sau:
“Em là đoàn thiếu nhi nông thôn
Cùng vui sống bên bờ tre ruộng đồng,
Em là đoàn thiếu nhi nông thôn
Biết mến yêu quê mình.
Em áo rách nhưng lòng không rách
Em biết thương cha mẹ khó nhọc,
Đổ mồ hôi cho nhà em vui sống
Đổ mồ hôi cho đồng thêm lúa thơm.”
Thời ấy những bài hát sáng tác cho thiếu nhi nếu có những lời dạy bảo, khuyên nhủ hãy biết yêu thương thì trước hết là biết yêu các đấng sinh thành trực tiếp nuôi nấng ta đó là ông bà cha mẹ chứ không có bài hát nào định hướng cho trẻ con hãy yêu thằng cha căng chú kiết nào khác dù đó là ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đi nữa, coi lại lời bài hát Em Yêu Ai của nhạc sĩ Hùng Lân thì thấy rõ. “ Nếu hỏi rằng: em yêu ai?
Thì em rằng em yêu Ba (nè).
Thì em rằng em yêu Má (nè).
Yêu chị, yêu anh.
Yêu hết cả nhà,
(Nhưng) nhất là yêu Má cơ…
Nếu hỏi rằng: em yêu ai?
Thì em rằng em yêu Ông (nè).
Thì em rằng em yêu Bà (nè).
Bác, Dì, Cậu, Cô.
Yêu hết họ hàng,
(Nhưng) nhất là yêu Bà cơ…
Nếu hỏi rằng: em yêu ai?
Thì em rằng yêu Quê Hương (nè).
Thì em rằng yêu mái trường (nè).
Yêu Thầy, yêu Cô.
Yêu hết cả trường,
(Nhưng) nhất là Cô giáo cơ…
Có những buổi lớp học vang lên tiếng hò lơ hó lơ rất vui:
- Cả lớp: hò lơ hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ hò lơ hó lơ…
- Thầy: nhiễu điều phủ lấy giá gương,
- Cả lớp: a li hò lờ…
- Thầy: người trong một nước,
- Cả lớp: a li hò lờ…
- Thầy: phải thương nhau cùng.
- Cả lớp lặp lại: phải thương nhau cùng
- Rồi tất cả cùng nhau: hò lơ hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ hò lơ hơ lơ…
Cứ như vậy những câu ca dao tục ngữ có tình có nghĩa, có đạo lý, quen thuộc của Việt Nam được vang lên trong lớp học ấy. Anh Phước cũng có chút khả năng âm nhạc nên đã sáng tác một bản nhạc cho lớp học của mình với tựa là “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn”, bài hát có lời:
“Ngày đầu tiên em đến trường Thầy dạy em câu đầu, Tiên Học Lễ Hậu Học Văn, Tiên Học Lễ Hậu Học Văn rành rành. Nghe lời thầy đi em thưa về em trình ba má em rõ ràng….” .
Lời bài hát thì bình dị, giai diệu cũng đơn giản dễ hát nên bọn trẻ rất thích nhưng chỉ lưu hành trong lớp và vài em trong xóm mà thôi.
Con gái út của bác Tư Móm tên ở nhà là Bé, học ở trường công, là con gái nhưng lí lắc, nước da đen vàng vì thường thích bận quần đùi áo tay cộc chạy chơi dang nắng với tụi con trai trong xóm, buổi nào không đi học thì hay qua chơi đứng ngoài có khi vô ngồi hẳn trong lớp cùng học hát với những học trò của Thầy Phước, rồi chơi chung vì cùng xóm làng và có những đứa cùng trang lứa.
Một lần trong giờ ra chơi của lớp, đang chơi đùa trên sân thì con Bé khoe với mấy đứa khác:
- Ở trường tao cô giáo dạy viết chữ “Tay” này, (nó lấy tay phải chỉ vô cánh tay trái) là tay dài nên phải viết bằng y dài. Còn “Tai” này (nó đưa tay lên cầm lấy vành tai) là tai ngắn nên phải viết bằng i ngắn.
Đúng là một cách để nhớ chính tả của chữ tay hay tai thật thú vị.
Có lần nó nghêu ngao hát:
“Ngày đầu tiên em đến trường Thầy dạy em câu đầu…” đến chữ “câu đầu” thì nó lấy tay kẹp cổ con nhỏ đứng kế bên và ghì xuống rồi cười hì hì. Thầy Phước cũng thấy việc đó nhưng không rầy mà còn cười theo vì nó biết cách chơi chữ. (hai chữ “câu đầu”.)
Năm 1973 có Hiệp Định Hoà Bình Paris nhưng không mang lại hoà bình cho Việt Nam! Chiến sự mỗi ngày một ác liệt hơn, có lẽ quân đội cần nhiều binh lính hơn cho chiến trường nên tiêu chuẩn chọn lính cũng dễ dàng hơn. Cuối năm anh Phước bị đi lính sau vài năm đã được hoãn dịch vì lý do sức khoẻ, phải thành thật nói là anh “bị” đi lính vì anh đâu có muốn đi!
Lớp học của anh vẫn nằm bên hàng tre nhưng bỏ không, im lìm, hàng tre vẫn xanh, những lời thơ tôi khắc trên tre vẫn còn đây đó, lá thì rơi vàng dưới đất. Một buổi trưa vắng nọ tôi ngồi trong lớp học đó, cầm cây đàn của anh và khe khẽ hát bài “ Trường Làng Tôi” của Phạm Trọng Cầu, hát đến câu:
” …trường làng tôi nay không tiếng ê a, nay vắng bóng bao em nô đùa…”
tôi buồn quá! Buồn vì trong gia đình vắng một người anh, buồn vì một cảnh sinh hoạt vui tươi hằng ngày bỗng trở nên vắng vẻ tiêu điều và tôi đã khóc, thật sự tôi đã khóc.
No comments:
Post a Comment