Taylor Swift: giới trẻ Việt Nam chi đậm đi xem thần tượng
Tại thành phố Singapore hào nhoáng, những chiếc váy đính sequin lấp lánh trong các shop thời trang đang cháy hàng, khách sạn chưng biển hết phòng và những dòng người tấp nập chờ nhập cảnh ở sân bay Changi khi siêu sao nhạc pop Taylor Swift lưu diễn tại đảo quốc này.
Theo dự kiến, sân vận động quốc gia Singapore sẽ đón hơn 300.000 người hâm mộ từ Singapore và các nước lân cận, bao gồm rất đông bạn trẻ Việt Nam, tham dự sáu buổi diễn The Eras Tour từ ngày 2/3 đến ngày 9/3.
Cát Vân, từ Sài Gòn, đã đáp xuống sân bay Changi ngày 29/2. Cô nói: “đang tranh thủ thăm thú các địa điểm của Singapore trước khi tới xem thần tượng Taylor Swift biểu diễn vào ngày 3/3.”
Thúc Huy, nhân viên văn phòng ở Sài Gòn, thì đang chuẩn bị bộ áo dài tự thiết kế đặc biệt để đi “đu idol” cùng với một người bạn vào ngày 7/3, nhưng sẽ sang Singapore bốn ngày từ 5/3 đến 8/3. Sài Gòn “Tiền vé máy bay và khách sạn của mỗi người là trên 20 triệu đồng, chưa kể tiền vé xem Taylor đã mua vào giữa năm ngoái 5 triệu đồng và tiền ăn uống, đi lại tới đây,” Huy cho biết.
Đồng đô la Singapore - một trong những đồng tiền mạnh của châu Á - từ lâu đã là yếu tố cản trở du khách. Nhưng để có cơ hội được nhìn thấy thần tượng của mình, nhiều bạn trẻ Việt Nam như Huy và Vân sẵn sàng chi mạnh tay.
Việc kết hợp xem show ca nhạc và du lịch nước ngoài ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Họ sẵn sàng chi tiêu cao để có thêm các dịch vụ và trải nghiệm khác trong chuyến đi.
Trên các diễn đàn hàng chục ngàn thành viên, các fan Việt Nam liên tục hỏi vé vào giờ chót. Vì sát ngày diễn, vé tham dự The Eras Tour đang được giao dịch với giá cả ngàn đô la, vé gói VIP lên tới hàng chục ngàn đô la và rất khan hiếm.
Theo ghi nhận: hầu như các chuyến bay thẳng từ Hà Nội và Sài Gòn sang Singapore đã hết vé, giá vé máy bay nối chuyến cũng cao ngang ngửa đi châu Âu. Doanh nhân Michael Nguyễn Ngọc Minh cho biết anh đã tốn 17 triệu đồng để bay một chiều từ Hà Nội sang Singapore mà còn phải nối chuyến tại Đà Nẵng hôm 29/2.
Chiến lược bài bản nhưng gây chỉ trích của Singapore
Doanh nhân Michael Nguyễn Ngọc Minh, người đã sinh sống lâu năm tại đảo quốc này, cho biết anh chỉ “kêu ca theo kiểu Singapore” về số tiền 17 triệu VND mà anh so sánh vui là “cao hơn đi châu Âu” cho vé máy bay một chiều, vì mỗi cuối năm chính phủ nước này đều gửi thư cho các công dân nhận tiền chia thặng dư ngân sách (budget surplus sharing) cũng vài ngàn đô la Singapore (SGD) cùng các khoản hỗ trợ khác.
“Tôi cho rằng chính phủ Singapore, như nhiều lần khác, rất thực tế đối với các cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước và cơ hội thu lợi nhuận thông qua MICE - dịch vụ du lịch, tổ chức hội nghị quốc tế, triển lãm,” ông Minh đánh giá.
“Cả châu Á chỉ có mỗi Nhật Bản và Singapore là nơi Taylor Swift chọn làm điểm dừng chân, để làm được việc này thì chính phủ Singapore mà đại diện là Bộ Văn hóa đã hành động rất sớm, có chiến lược bài bản chứ không phải là tình cờ,” ông nói thêm.
Tổng cục Du lịch Singapore thông báo một khoản tài trợ (không công bố số tiền cụ thể) đã được trao cho các buổi hòa nhạc của Taylor Swift vì chúng có khả năng "tạo ra những lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Singapore, đặc biệt là hoạt động du lịch như khách sạn, bán lẻ, lữ hành và ăn uống".
Thái Lan cũng ngỏ ý mời Taylor Swift về biểu diễn, nhưng Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói rằng chính phủ Singapore đã tài trợ cho nữ ca sĩ 2,8 triệu USD cho mỗi buổi diễn, với điều kiện cô sẽ biến đảo quốc này thành điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á.
Tiết lộ của Thủ tướng Thái Lan đã gây ra sự chỉ trích ở khắp khu vực. Tại Philippines, một nhà lập pháp đã chỉ trích động thái này, nói rằng "đây không phải là điều mà những người hàng xóm tốt bụng nên làm" và kêu gọi phản đối chính thức khoản trợ cấp này.
Philippines được cho là nơi có lượng người hâm mộ Swift cuồng nhiệt nhất - dữ liệu của nền tảng phát trực tiếp Spotify cho thấy Thành phố Quezon trực thuộc thủ đô Manila là nơi những bài hát của cô được nghe nhiều nhất vào năm ngoái.
Và cũng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Taylor Swift tại Đông Nam Á, nơi sinh sống của khoảng 700 triệu người – âm nhạc của nữ ca sĩ người Mỹ vang lên ở khắp nơi, từ những con hẻm ở SÀI GÒN đến trên những chiếc taxi ở Bangkok.
‘Hiệu ứng Swift’
Dù bị chỉ trích, Singapore cho biết chuyến lưu diễn của Swift sẽ mang lại những lợi ích kinh tế nhất định cho đất nước.
Khách sạn nổi tiếng của thành phố Marina Bay Sands đã bán hết gói Swift trị giá 50.000 SGD (tương đương hơn 900 triệu VND), bao gồm 4 vé VIP và 3 đêm lưu trú trong phòng hạng sang.
Ông Michael Nguyễn Ngọc Minh ước tính Taylor Swift sẽ đem về cho Singapore khoảng 500 triệu SGD tiền tươi, khoản thu từ dịch vụ du lịch khách sạn, mua sắm đi lại của các fan đến đảo quốc lần này. Ông nêu dẫn chứng trước đây Singapore đã tổ chức thành công các tour diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng như Coldplay (đóng góp 100 triệu SGD cho GDP Singapore), Ed Sheeran…
Tại Úc, điểm dừng chân của Taylor Swift trước Singapore, các quan chức cho rằng chuyến lưu diễn của nữ ca sĩ đã mang lại "sự gia tăng" chi tiêu của người tiêu dùng lên 145 triệu AUD. Hơn 570.000 vé đã được bán trong bảy đêm diễn ở Sydney và Melbourne, gần gấp đôi số lượng vé được bán cho sáu buổi biểu diễn ở Singapore.
Ngoài ra, ông Ngọc Minh đánh giá việc mời được Taylor Swift biểu diễn độc quyền cũng làm nổi bật giá trị và tầm vóc của Singapore trên thế giới.
“Sự kiện này sẽ làm tăng uy tín của Singapore như là một trung tâm vui chơi giải trí, khẳng định khả năng tổ chức các sự kiện lớn của quốc tế, quảng bá hình ảnh của Singapore là một đất nước thân thiện, hiếu khách, một quyền lực mềm của khu vực và thế giới," ông đánh giá.
Doanh nhân này nhấn mạnh rằng người dân Singapore cũng nhận được lợi ích.
“Thứ nhất, đây là biểu hiện của việc Singapore đã thoát ra khỏi những ngày tháng u ám của đại dịch Covid-19, với tâm thế 'vượt lên mạnh mẽ' mà chính phủ Singapore đã đề ra, do vậy là sự động viên về tinh thần rất lớn đối với người dân ở đây”.
“Tiếp theo là về vật chất, dựa trên các chính sách về cân bằng ngân sách và chia thành quả bội thu, người dân Singapore thường xuyên nhận được các trợ cấp để bù đắp cho giá cả leo thang, hay chi phí sinh hoạt tăng cao. Con số này trung bình là vài ngàn SGD cho mỗi hộ gia đình Singapore hàng năm,” ông nói.
‘Trông người mà ngẫm đến ta’
Singapore, đảo quốc nổi tiếng với sự ngăn nắp và có phần buồn tẻ, được cho là điểm đến rất tốn kém đối với nhiều người trong khu vực do tỷ giá hối đoái cao, chưa kể đến các gói khách sạn sang trọng.
Thúc Huy cho biết số tiền bỏ ra là xứng đáng để được gặp Taylor Swift, người mà anh đã thần tượng suốt 10 năm nay.
Để đầu tư cho chuyến đi, Huy đã thiết kế bộ áo dài xanh lấy cảm hứng từ album 1989 của nữ ca sĩ người Mỹ. Những hình ảnh được anh chia sẻ trên Facebook thu hút được hàng ngàn tương tác và bình luận, khi những bạn trẻ khác cũng tấp nập khoe những bộ cánh xúng xính đi xem concert.
“Sau lần này tôi thấy không có gì khó hiểu khi kinh tế Singapore đứng ở top đầu khu vực. Chính phủ của họ rất nhạy và thức thời," chàng nhân viên của một trung tâm dạy vẽ tại Sài Gòn nhận xét.
Khi được hỏi về Việt Nam, Huy cho rằng với tiềm lực hiện tại, Việt Nam chưa thể tổ chức được một concert "hoành tráng" như của Taylor Swift.
“Sức chứa của các địa điểm ở Việt Nam không bằng Singapore, chưa nói đến cơ sở vật chất hay vấn đề an ninh để phục vụ một lượng du khách khổng lồ đổ về tôi thấy chưa ổn lắm,” Huy nói.
Sân Mỹ Đình, nơi từng tổ chức biểu diễn của nhóm nhạc K-pop đình đám BlackPink vào cuối năm ngoái, có sức chứa hơn 40.000 chỗ, trong khi sân vận động quốc gia Singapore, nơi Taylor Swift trình diễn 6 buổi, có thể đón được 55.000 người.
Việt Nam, tuy đã khá thành công trong việc tổ chức các sự kiện chính trị và hội nghị quốc tế, tuy nhiên việc tổ chức các sự kiện thương mại như biểu diễn nghệ thuật quốc tế vẫn còn khá nhiều bất cập.
Ông Michael Nguyễn Ngọc Minh cho rằng Việt Nam có thể rút ra được nhiều bài học hữu ích từ cách tổ chức các sự kiện quốc tế của Singapore.
“Bản thân tôi thấy sự kiện tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore năm 2018 và sau đó là thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội năm 2019 là những nỗ lực và thành công quý báu của Việt Nam, nhưng để tổ chức các sự kiện thương mại vẫn còn khá nhiều chỗ cần hoàn thiện hơn,” ông nhận định.
Theo ông, việc tổ chức các sự kiện thương mại cần có một sự phối hợp tổng thể, một kế hoạch lâu dài giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cách tiếp cận, sự cởi mở, trọng thị, nỗ lực của cả người dân chứ không phải của riêng chính quyền.
Những bạn trẻ như Thúc Huy bày tỏ hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có cơ hội đón được các nghệ sĩ đình đám trên thế giới về Việt Nam tổ chức show.
“Lúc đó, tôi và nhiều người trẻ sẽ rất vui và sẵn sàng tham gia”.
No comments:
Post a Comment