BÀN THỜ HAI MẶT
Tin Đại úy Mưa, Đại đội trưởng đại đội Thám sát Tỉnh (TST) bị VC ám sát, giết chết tại nhà, không tìm ra thủ phạm làm rúng động bên ngoài; dân chúng bàn tán sợ sệt tình hình trong tỉnh nhà sẽ không yên trong những ngày sắp tới.
Ông Tỉnh Trưởng xì nẹt, cạo sát ván các giới chức Ban Tham mưu Ủy ban Phượng Hoàng Tỉnh, để VC dám giỡn mặt hoạt động khủng bố ngay trong thị xã, giết chết một quan chức tình báo quan trọng của Tỉnh nhà.
Đây là lần đầu tiên địch len lỏi vào ngay trong Tỉnh để khủng bố, còn hạ sát một sĩ quan tình báo, chỉ huy đơn vị Biệt Kích Tỉnh không để lại dấu vết. Chương trình An Ninh Bình Định Phát Triển đã bị thách thức lớn, Chiến Dịch Phượng Hoàng bị địch tấn công…
Nói về cái chết của Đại úy Mưa, theo điều tra của bên Ty Cảnh Sát Quốc Gia và An Ninh Quân Đội, ông đã sơ hở đáng trách vì an ninh cá nhơn không cảnh giác trước:
Buổi chiều hôm đó, trời chạng vạng tối, ông vừa về tới nhà; người nhà không khoá trái cổng lại như thường lệ, cánh cổng chỉ khép hờ, cho con nít hàng xóm vào coi TV ké ồn ào, phim cao bồi bắn súng bùm bùm. Cái TV 23 inch vừa bự tổ chảng, phát hình màu, âm thanh nổi từ loa lớn tiếng, con nít hàng xóm thích lắm, nên người nhà để cổng, cho lủ trẻ vào coi thả giàn. Lúc này đâu phải ai cũng có truyền hình màu cở lớn như cái TV này, được bên cố vấn Mỹ tặng riêng cho ông, đổi lấy cây súng AK47 chiến lợi phẩm mà ông tịch thu được trong một trận đánh vào mật khu đám lá tối trời của VC.
Vì yêu thương con nít, ông vẫn để cổng không khoá cho chúng nó ra vào tự do. Con nít hàng xóm có đứa thấy một bóng đen nhỏ thó lẻn vào cổng, tưởng là đồng bạn nên không để ý. Bóng đen men theo vạt tối hàng rào cây trồng, bước vào nhà bếp phiá sau, cửa để mở cho có gió mát, nơi ông đang ngồi ăn cơm chiều một mình. Kẻ sát thủ chỉa súng ngắn vào thân hình đồ sộ, bắn 3 phát liền. Ông té chết dưới bàn ăn; tên giết trộm giắt súng vào lưng, chạy ra phía vườn sau, đạp hàng rào hàng xóm, biến vào bóng đêm mất dạng. Khi người nhà phát giác ra, đám trẻ con hoảng sợ, la ó chạy tán loạn, không ai thấy bóng dáng tên sát nhơn. Ba vỏ đạn súng colt còn nằm tại hiện trường.
Không ai chê trách Đại Úy Mưa, người sĩ quan có thâm niên công vụ lâu năm ở tỉnh, từ người lính Bảo An lên tới sĩ quan, phục vụ Phòng 2 Tiểu Khu nhiều đời Tỉnh Trưởng; vào sanh ra tử, chống Cộng khét tiếng, lập nhiều công trạng tận diệt du kích, triệt phá kinh tài. Chỉ huy trưởng đơn vị TST, ông đã đem lại nhiều thành tích triệt hạ cơ sở hạ tầng VC, huỷ diệt mật khu, phá hậu cần, kêu gọi, thâu nhận nhiều hồi chánh viên về với Quốc Gia.
Đơn vị TST được tổ chức đặc biệt không theo bảng cấp số của Quân Đội; có khi lính gọi họ là Trinh Sát Tỉnh, có khi dân gọi là Biệt Kích Tỉnh. Nhiệm vụ của TST nhằm tiêu diệt hạ tầng cơ sở VC trong vùng; áp dụng chiến thuật phản du kích, phá hoại cơ sở tổ chức kinh tài, mật khu huấn luyện, cơ sở tuyên truyền, thâu thập tin tức tình báo, kêu gọi hồi chánh viên về với chánh nghĩa quốc gia.
Trong chiến dịch Phượng Hoàng, một kế sách của chánh quyền VNCH đương thời, TST phối hợp đồng bộ với các đơn vị Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Biệt Chính Nhân Dân (cán bộ công chức, xã ấp địa phương được huấn luyện đặc biệt công tác theo phần hành chuyên môn, thâu thập thông tin tình báo). Hoạt động biệt kích nên những toán TST rất hữu hiệu trong hành quân đột nhập, phát giác mật khu, bắt sống cán bộ ban ngày; phục kích ban đêm hạ sát du kích, bắt kinh tài,thâu lượm tin tức bộ đội Bắc Việt xâm nhập vào Nam…
Là đơn vị biệt lập, hoạt động theo chiến tranh nhân dân, đơn vị TST đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng (Phòng 2 TK) thâu thập thông tin từ chiến trường, phân loại, đánh giá tin tức các trận chạm địch; BCH/CSQG Tỉnh lượng giá thông tin tình báo, gởi báo cáo về Tổng Nha CSQG/Saigon. Tổng Nha CSQG đánh giá tin tức tình báo chiến lược, khen thưởng, đề bạt; trả lương “lính TST” với sự giúp đở tài chánh của Cố Vấn Mỹ, ngân sách của CIA.
Ở mỗi Tỉnh/Tiểu Khu đều có một Trung Tâm Điều Hợp Hành Quân, gồm các phòng ban bên Hành Chánh và Tiểu Khu. Ông TT kiêm nhiệm TKT, dễ dàng điều động lực lượng cơ hữu, phối hợp hành quân với các đơn vị chủ lực bạn, hoặc tung những toán nhỏ biệt kích hoạt động sâu trong vùng mật khu địch với sự theo dõi của trung tâm điều hợp này.
“Lính TST/BKT” đa số là hồi chánh viên VC về đầu thú, tình nguyện đi đánh trả lại các đơn vị hồi trước họ lỡ đi theo. Vì vậy hồ sơ lý lịch của họ được sưu tra cẩn thận, không để cài nội tuyến lọt vào phá hoại; tuy nhiên vì tì vết cũ, các “quân nhân” này luôn được theo dõi chặt chẽ. Sau này theo báo cáo của CIA, người hồi chánh về với QG trung thành, đáng tin cậy hơn vì họ hiểu rõ tổ chức, đường đi nước bước của VC, đụng trận ít bị tiêu hao lực lượng; vợ con họ được bảo đảm sanh sống, học hành không bị kỳ thị, lương lính hậu hỉnh… Họ không cần huấn luyện nhiều về quân sự; sẽ được gởi đi học ở trường Huấn Luyện (Cán Bộ) Xây Dựng Nông Thôn Vũng Tàu, cho một khoá học Chiến Tranh Đặc Biệt. Trong đơn vị TST cũng có những người dân địa phương xin vào vì gần nơi quê quán, không muốn chuyển đổi đi xa.
Sau khi nghe báo cáo, tường trình từ những giới chức hành chánh và bên quân đội liên hệ đến cái chết của Đại Uý Mưa, ông Tỉnh cắt người đi uỷ lạo gia đình, bàn bạc kế hoạch điều tra truy tìm thủ phạm, kẻ nằm vùng, tái phối trí các đơn vị trong vùng; lệnh cho Phòng 3 tổ chức hành quân truy lùng hang ổ VC, lấy lại lòng tin trong nhơn dân.
Ông Tỉnh giữ lại Ba Sảnh, người phụ tá đắc lực, cánh tay phải của Đại úy Mưa
- “Tôi chia buồn với anh em bên Thám Sát Tỉnh. Các anh mất một cấp chỉ huy tốt, tôi mất đi một cộng sự đắc lực; mong mọi người đừng giao động, cố gắng tìm ra thủ phạm càng sớm càng tốt. Tôi chỉ định anh tạm thời thay Đại úy Mưa, chỉ huy anh em phản ứng nhanh không để địch tiếp tục gây khủng bố, ám sát phá hoại nào thêm trong thị xã, làm cho mất an ninh, dân chúng sợ sệt!”
– “Trình ông Tỉnh, tôi sẽ cùng anh em hết mình tìm ra kẻ sát nhơn, trả thù cho ông thầy đáng kính của chúng tôi, làm mất mặt TST, làm phiền lòng ông và các giới chức chánh quyền.”
Ba Sảnh một nhơn vật đặc biệt nổi tiếng trong Tỉnh: từng đi theo VC lâu năm, trở về hồi chánh, rất căm thù VC; đã lỡ tay giết chết em ruột của mình theo VC; ông ăn chay trường, nhưng lính Biệt Kích Tỉnh không ai dám giỡn mặt, còn sợ ông một mực.
Một hồi chánh viên, trở lại đầu thú với quốc gia là chuyện bình thường khi cán bộ, du kích nằm vùng chán cảnh gian khổ đói khác, chết chóc rình rập mỗi ngày bị truy lùng, trốn núp trong bưng biền mật khu.
Nhơn nói về Ba Sảnh, có câu chuyện truyền kỳ:
Ông là cán bộ sống lâu năm lâu trong mật khu, thuộc ban quân sự của huyện ủy, hoạt động từ thời còn Việt Minh, sau Hiệp Định Genève 54 đình chiến, được cài ở lại miền Nam. Động lực ông ta ra đầu thú là vì nhìn thấy rõ bản chất không thiệt thà của chủ nghĩa CS tam vô (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo), không hợp với người miền Nam chút nào; miền Bắc theo chủ nghĩa xã hội, nghèo đói nhưng hay làm cao, dối gạt, không tự do dân chủ như trong Nam, mà đồng chí củ của ông đi tập kết lén nhắn tin về nói thiệt hết; dân chúng miền Nam sống giữa hai lằn đạn không yên: ban ngày quốc gia kiểm soát, ban đêm VC mò về, bắt dân công, thu thuế, đào đường đắp mô, ám sát mò tôm… làm người dân kiệt quệ, sống trong phập phòng lo sợ. Tên huyện ủy Tám Lôi khét tiếng, tàn nhẩn với kẻ thù: chặt đầu mổ bụng, ghim bản án thả xác chết trôi sông; với đồng chí áp đặt học tập thoát ly: căm thù giai cấp, nghi kỵ tư tuởng tư sản, cá nhơn chủ nghĩa, tình cảm ủy mị, phản động; lạnh lùng xử tử đồng chí của mình bằng cách tàn ác cho lệnh thủ tiêu, xử bắn, mượn tay địch giết bạn.Với nhơn dân hắn láo khoét tuyên truyền đầu độc chủ nghĩa CS, chống phá chánh quyền VNCH, cưỡng ép thanh niên phụ nữ thoát ly vào mật khu, lùa dân công đào đường đắp mô, bắt du kích vô bưng bổ sung bộ đội…
Ra đầu thú ông xin vào TST, thề một mất một còn với bọn VC trong khu, tìm bắt bọn nằm vùng, hạ sát tên Tám Lôi ác ôn. Trong thời gian ở TST, ông đã lập nhiều công trạng: kêu gọi nhiều đồng chí trong bưng ra đầu thú, triệt hạ mật khu, tiêu diệt du kích, phá ổ hậu cần thâu mua tiếp tế, giúp chánh quyền quốc gia phân loại các thành phần dân chúng…nên được cất nhắc lên làm phụ tá cho Đại Úy Mưa.
Trong lần về làng quê xôi đậu, dự đám giổ kỵ của bà mẹ, Ba Sảnh mang theo 5 tay súng thiện chiến; VC biết ông thế nào cũng về nên ngầm bố trí lực lượng du kích. Ông có 2 người em ruột tên Tư Sáng và Năm Cang; thằng Tư bỏ quê lên Saigon ăn học, thằng em út thoát ly theo bên kia.
Nhơn ngày giổ mẹ, ông nhắn tin gặp Năm Cang, muốn nói lời hơn thiệt dụ thằng em út ra đầu thú, vì bên kia không ai tin cậy nhơn thân của nó, có hai thằng anh đang sống ngoài vùng quốc gia. Bên kia cũng muốn dịp thử thách này, bố trí cho Năm Cang, coi nó “xử lý” thằng anh phản bội tổ chức của nó ra sao?
Hai bên đồng ý lấy con đường làng làm mức ngưng chiến tại chỗ. Súng ống bỏ lại hết hai bên đướng, chỉ quyết đấu chánh trị (?), để tôn trọng linh hồn người khuất mặt (?), ăn thua lời giao, anh hùng mã thượng, không ai đánh lén ai. Hai anh em mặc sức tranh cải nhau ác liệt, không ai nhường nhịn ai, theo lý tưởng riêng của mình; làm bà con dự đám giổ sợ bỏ chạy về hết, xuống hầm núp tránh ăn đạn hai bên quyết chiến. Vì ăn thua lời giao kiểu dân chơi Nam Bộ, nên cuộc huyết chiến đã không xảy ra.
Nhưng sau này qua một cuộc đụng độ, lính của Ba Sảnh bắn Năm Cang bị thương nặng, hoi hóp sắp chết, thịt xương nát bấy; Ba Sảnh bắn phát súng ân huệ cho em mình không phải chịu thêm đau đớn phút hấp hối lìa đời!
Từ đó về sau anh Ba sợ thịt, ăn chay trường, lính thám sát sợ nhìn thẳng vào gương mặt lầm lì của sếp. Anh Ba còn ra lệnh “ác” cho nội bộ: nổ súng địch phải bỏ xác tại chỗ, thằng nào nổ súng bắn trật, về nhà bị phạt cạo đầu, giam trại 3 ngày không khiếu nại!
Sau cái chết của Đại Úy Mưa, Ba Sảnh càng thêm mặt lạnh như đồng; thế quyết trả thù: truy kích hang ổ, tìm cho ra tên VC nằm vùng, hoặc tên du kích nào dám từ trong mật khu mò về khủng bố.
Sáu Bảnh là anh nông dân nghèo, cha mẹ già yếu, anh chị bỏ đi tứ tán; anh chàng cũng bỏ xứ Thủ Thừa, chèo xuồng xuôi sông Vàm Cỏ, đưa cha mẹ về cất chòi bên sông quận Châu Thành, gần nhà Ba Sảnh. Hồi nhỏ anh ta là đứa trẻ thiếu ăn nên ốm còi nhỏ con, gần 20 tuổi mà trông như đứa trẻ tuổi 15. Con nhà nghèo, Sáu Bảnh quen chuyện đi làm công cho mấy ông chủ điền trong xóm; lúc không có việc đi mò tôm bắt cá, cắt bồn bồn, rau ruộng có thêm cái ăn qua ngày nuôi cha mẹ già, nhưng không may song thân qua đời để lại mình anh côi cút.
La cà sông rạch bến nước thế nào mà anh chàng mới nhổ giò này cũng làm quen được với một cô thôn nữ đất Tầm Vu. Cô Chín Mỵ, 18 tuổi, con gái nông dân miệt ruộng đất phèn, nhưng trông cũng đẹp đến. Lúc mới làm quen, cô Chín hỏi anh Tư:
- “Anh ở trên đó (Châu Thành), sao lội xuống miệt này mần ruộng?”
- “Hổng dám dấu, nói nào ngay, tui ở trên Thủ Thừa theo ông bà già, xuống dưới này lập nghiệp.”
- “Ủa, dân Thủ Thừa à? Nghe nói giàu có lắm mà ta; trên đó thiên hạ ai cũng giàu, nhiều ruộng, của ăn của để ăn không hết, sao không đi mần trên đó?”
- “Đâu có đâu, nhà tui ở sát mí Đồng Tháp Mười, đất phèn chua khó làm ruộng, nên mới chèo xuống miệt này kiếm đất, ngặt nổi chưa có tiền, mình phải đi làm công cho người ta!”
Sáu Bảnh cắc cớ hỏi lại, ghẹo gái:
- “Tui thấy mấy cô ở Tầm Vu ai cũng đẹp như cô, sao không lấy chồng trên tỉnh cho nó sướng tấm thân, lội ruộng chi cho khổ?”
- “Anh Tư định nói móc họng tui hả? Ý anh muốn nói:
“Con gái Tầm Vu một xu ba đứa”
“Con trai Thủ Thừa cưỡi ngựa xuống mua?”chớ gì?
Sáu Bảnh giả lả:
- “ Tui đâu có ý muốn nói như vậy. Tại người ta đặt điều nói vậy; chớ như cô, trên quê tui tiền muôn bạc vạn chưa chắc có ai mua được!”
Vậy là hai người có cớ làm thân, rõ ý tỏ tình. Trong mấy năm liền đời sống hai người ở vùng quê chiến tranh, cuộc sống làm công vẫn lầm than cơ cực; nhưng cuộc tình càng say đắm: trai mới lớn gặp gái khôn ngoan, nói gì dại gái là bệnh chung của đờn ông!
Ở gần xóm với Ba Sảnh, nên Sáu Bảnh kiếm chuyện làm quen với anh Ba, hay la cà với đám lính TST để nghe chuyện đánh giặc hấp dẫn. Có bữa, Sáu Bảnh làm gan xin đại anh Ba cho mình vô lính rằn ri cho nó oai! Ba Sảnh thấy thằng em dễ thương, nên xin với Phòng 1 TK cho nó đăng lính TST; thêm lý do nữa là anh Ba muốn nhận Sáu Bảnh làm đệ tử, vì thấy nó con nhà nghèo, muốn đi lính biệt kích lương cao để có tiền cưới vợ; cho nó đi theo làm thân tín, mình để sai bảo cũng tiện. Sáu Bảnh mừng lắm, về khoe với cô Chín Mỵ được sếp nói một tiếng, giúp cho anh tòng quân địa phương gần nhà, khỏi đi quân dịch chuyển vùng xa xôi. Ý cô Chín cũng muốn như vậy, có cớ lên tỉnh để sống, dưới quê thân gái như hoa lài mọc bãi cứt trâu!
Sau một khoá huấn luyện quân sự, học cùng với các cán bộ XDNT ngoài Vũng Tàu, anh về đi toán chung với sếp; được làm bạn với một chiến hữu tên Sáu Thang, là người hồi chánh bộ đội đặc công, chịu trách nhiệm kèm anh lính mới. Toán nhảy 6 người, Ba Sảnh cho Sáu Bảnh mang máy truyền tin đi theo bên cạnh để học nghề; Sáu Thang vừa là phó vừa là cận vệ trung thành, mấy người kia làm khinh binh tiền sát, hậu tập. Toán biệt kích có khi mặc quân phục rằn ri, đội mũ đi rừng rộng vành, trang bị súng ống của Mỹ; đi hành quân chung với các đơn vị bạn Địa Phương Quân, Nghĩa Quân trong vùng; làm nhiệm vụ thám kích xâm nhập, dọ thám mục tiêu trước. Có khi hoạt động biệt lập, chui sâu vào lòng địch, giả trang làm du kích, có lúc làm bộ đội chủ lực VC, bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, mang súng AK-47, B40 y như “lính trong bưng”.
Vì nhiệm vụ thám sát hơn là chạm địch, nhằm thâu thập tin tức tình báo cho Phòng 2 TK, cho CSQG; cho bên Cố Vấn Mỹ (được trả tiền thưởng công nếu tin tình báo có giá trị cao), nên những toán trinh sát nhỏ của Đại Đội Thám Sát Tỉnh, có khi gọi tắc là PRU (Provincial Reconnaissance Unit) hoạt động âm thầm, giữ bí mật, giấu tông tích, ít gây tiếng vang như các đơn vị quân đội.
Sáu Bảnh đã là lính, nhưng anh ta vẫn đi lại ăn mặc như thường dân, thường về nhà Chín Mỵ bàn bạc chuyện ăn ở vợ chồng, đưa nàng về Châu Thành, mua nhà xây tổ uyên ương. Mọi việc đều êm suôi, trót lọt…
……………………..
Tin tình báo của điệp viên 101 (sĩ quan tình báo chuyên nghiệp ẩn thân, đặt lưới hoạt động, thâu thập tình báo mọi giới, mọi vùng, đường giây báo cáo thẳng về Trung Ương Tình Báo Quốc Gia) cho ông Tỉnh Trưởng biết là huyện ủy Tám Lôi sẽ về hội họp với các Xã, báo cáo kinh tài, tại điểm X ngày N, cần phải theo dõi; xin cho thám báo đột nhập lấy thêm tin tức, hay loại trừ thành phần nằm vùng nguy hiểm này.
TT/TKT cho họp hành quân bí mật: Phòng 2 nghiên cứu tình hình địch bạn trong vùng, địa hình địa vật, thời tiết…, Phòng 3 tổ chức hai lực lượng địa phương quân: một đơn vị nghi binh, mở cuộc hành quân lục soát bình thường, một đơn vị làm trừ bị, túc trực chờ lệnh đi giải cứu, tiếp viện khi cần thiết; toán TST do đích thân Ba Sảnh chỉ huy, giả dạng VC xâm nhập vào sào huyệt VC, tùy nghi xử trí tình huống, tiết kiệm xương máu cho cả đôi bên, cố gắng bảo toàn lực lượng.
TKT và hai sĩ quan tham mưu P2, P3 giữ bí mật mục tiêu và nhơn vật quan trọng của VC đến giờ phút chót; TKT đích thân theo dõi máy truyền tin, ra lệnh và nghe báo cáo trực tiếp từ các đơn vị tham gia dưới hầm Trung Tâm Phối Hợp Hành Quân/TK.
Trước đó, vào ngày N-1, trong Tỉnh có chương trình văn nghệ địa phương, tổ chức tại Tòa Hành Chánh Tỉnh để các giới chức bên hành chánh và bên quân đội tham dự, cùng một số thân hào nhân sĩ được mời đặc biệt; trước để mừng thành tích xây dựng phát triển của Tỉnh nhà, sau là thưởng ngoạn buổi hát đặc biệt các ca sĩ nổi tiếng từ Saigon xuống trình diễn. Ông Tỉnh Trưởng và ông Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh đồng chủ toạ buổi hát ăn mừng, hát xướng có khiêu vũ; hết màn chào cờ, đọc diễn văn khai mạc, ca ngợi thành tích quân dân cán chính, đến màn ca nhạc, nhảy đầm suốt đêm thiệt là vui vẻ. Ngoài dân nghe tiếng đờn ca xướng hát, cho là tình hình trong Tỉnh hết căng thẳng, nên quan chức rảnh tay vui chơi.
Ông Quận Trưởng Châu Thành và cố vấn Mỹ cùng đoàn tuỳ tùng lính tráng kéo nhau về xã Tân Hưng để “ngủ ấp”, có chiếu phim cho bà con trong xã giải trí, cho đúng theo chánh sách Bình Định Phát Triển”quân dân cá nước”. Hằng tháng, các ông quận trưởng sở tại phải có lịch trình đi “ngủ ấp” ít nhứt một lần, để thể hiện chánh quyền không xa rời nhơn dân; giải quyết tại chỗ các mâu thuẩn, đơn từ thưa gởi, lắng nghe dư luận, ý kiến quần chúng; cũng nhằm công tác kỹ thuật đánh giá ấp A, B, C, D, cho “Bản Lượng Giá Ấp HES (Hamlet Evaluation System)”, nhằm thực hiện, làm việc khách quan đối nhiệm, đồng thuận tại chỗ giữa ông Quận và cố vấn Mỹ.
Cùng đêm ông QT về ngủ ấp, đoàn cán bộ XDNT tập trung họp dân, giới thiệu một cán bộ canh nông từ Saigon về giúp đỡ cho bà con hiểu biết thêm về cây lúa thần nông lùn; có thể trồng thay cho cây lúa cao ở địa phương, ít bị sâu rầy, còn cho sản lượng thâu hoạch cao. Tại cầu Ván, có hai cán bộ XDNT lén ém chìm 3 chiếc xuồng tam bản xuống lạch nước.
Trời vừa sụp tối vào ngày N, toán thám sát do Ba Sảnh chỉ huy, hoá trang thành du kích VC, trang bị nhẹ vũ khí AK, CKC, B40, âm thầm, lầm lủi đến điểm xuất phát cầu Ván; lật xuồng tát nước, nhẹ tiếng bơi dầm men theo lạch nước, chống qua mương rạch um tùm cây lá nhà vườn đến mục tiêu điểm hẹn. Mục tiêu là căn nhà lá, phía sau là vườn cây ăn trái, dừa, tre, trồng lẫn lộn trên những liếp mương, khe rãnh, nước đổ từ ngoài sông vào. Con nước lớn đang dâng lên, nên xuồng tam bản lướt nh ẹ qua bóng lá, kêu xào xạt như tiếng gió thổi. Những bóng ma nhẹ nhàng, trườn mình nằm phục trong lùm cây buội chuối; ai nấy đã vào vị trí ấn định, im hơi lặng tiếng, tiếng muỗi vo ve.
Dù hồi chiều hôm nay, sếp Ba Sảnh lập sa bàn, thuyết trình chi tiết bố trí, nhưng anh Ba cũng phải bò sát đến từng tổ, chỉ tay ra dấu nhắm hướng địch bạn phân minh. Riêng Sáu Thang phụ trách kéo dây hai quả mìn định hướng claymore, nên anh phải để súng lại cho Sáu Bảnh mang máy truyền tin giữ giùm, chỉ mang theo bên mình hai trái lựu đạn mini thủ thân. Anh ta bò ra sát gần đường, định hướng mìn về phía bên kia con đường, để ngăn chặn địch có thể tràn qua phía đội hình phục kích của lính biệt kích.
Căn nhà lá mục tiêu cũng chìm vào bóng tối đêm đen, cửa nẻo đóng kín, không thấy động tịnh bên trong. Trời tối hẳn, trong nhà bật sáng ánh đèn dầu leo lét. Vài phút sau một bóng phụ nữ, tay cầm đèn bão lắc lư, đong đưa theo gió; thị mở cửa bước ra, mắt trước mắt sau, ý chừng cảnh giác có người theo dõi. Trước sân nhà không có cổng rào, không nghe tiếng chó, gà qué kêu đêm; bầu trời thanh vắng dưới ánh trăng mờ tỏ mây che. Chủ nhà đứng giữa con lộ đất đấp, soi đèn trên đường như đang tìm kiếm vật gì thất lạc. Sau một hồi nghe ngóng động tỉnh, bà ta mới huơ đèn, đánh võng ánh sáng ba lần làm hiệu, đoạn cầm đèn bước vào trong. Trong đêm lặng tiếng, bổng nghe tiếng chim vạt đêm gọi bạn; mới đầu nghe vài tiếng, sau đó rộn ràng; sau cùng là tiếng người rì rầm từ con đường làng dẫn đến nhà; cả hai hướng đều có người nói chuyện râm ran chào hỏi.
Đèn trong nhà đốt lên vừa đủ sáng, nhưng cửa sổ vẫn đóng kín; làn ánh sáng từ trong nhà chiếu rọi ra từ cửa chánh, đủ sáng cho người ra vào không đi trật lối. Cán bộ VC đã vào nhà hội họp, nhưng chắc chắn họ còn để lại quân bảo vệ bên ngoài và những cận vệ canh gác quanh nhà.
Buổi họp đã bắt đầu nói chuyện trao đổi của cán bộ. Sáu Bảnh ra hiệu cho một biệt kích bò nhẹ, tiến sát đến tên du kích ngồi gác sau nhà, tay luôn đập muỗi chan chát. Chờ cho tên du kích sơ ý quay mình, người lính thám sát vung khăn tẩm thuốc mê vào mũi địch, hạ êm nó và thay vào vị trí lính gác.
Người đờn bà mở cửa sau bước ra làm anh lính gác hết hồn, nhưng anh trấn tỉnh lại ngay, hạch hỏi:
- ”Chị kia, đi đâu đó?”
- “Báo cáo đồng chí cảnh vệ: cho tui đi ngoài, mắc quá rồi, không nín được!”
Sợ lộ, anh lính gác đưa tay chặn lại, nhưng người đờn bà nhanh chơn đã thoát ra vườn sau. Bà ta vừa ra đến bụi cây thấp sau hè, tháo quần ngồi trịch xuống, xối xả! Một anh lính khác núp bụi xui xẻo, lãnh đủ một trận mưa lũ vào mặt, nhưng cố sức nín thở quay tránh. Nghe tiếng động bất thường, người phụ nữ nín tè, bật ngữa, té chỏng gọng, hoảng hồn la bài hãi có ma, có ma!!!
Ba Sảnh khoát tay cho ba đồng đội nhanh chơn chạy vào cửa sau nhà, do người lính thay gác đã mở cửa sẵn, chỉa súng trấn áp 5 ngưới đang ngồi bàn hội nghị. Bên ngoài súng của toán trinh sát đã nổ, hạ sát những du kích canh nhà; nhưng bên kia đường tiếng hô tiếp cứu vang lên, cùng lúc hai quả mìn claymore nổ ầm ấm, nháng lửa, tung bụi mù che nhiều thân xác gục ngã.
Trong nhà VC cũng phản ứng lại, chụp súng định bắn trả. Nhưng lẹ làng hơn, những loạt đạn bên phía biệt kích hạ sát toàn bộ những kẻ kháng cự. Máu đỏ văng tung toé, hơi thuốc súng ngập ngụa; nhưng là người kinh nghiệm Ba Sảnh để cho đàn em cướp súng, chiến lợi phẩm của địch. Riêng ông vội vàng lột sắc cốt còn đeo lủng lẳng bên hong, lấy cây súng ngắn K54, cùng lúc lục soát túi áo trong của tên cán bộ đầu dọc, lấy thêm giấy tờ, cuốn sổ tay dính đầy máu.
Cuộc đột kích của toán TST coi như đã hoàn thành nhiệm vụ; họ rút êm xuống xuồng, bơi về vị trí tập trung bí mật, chỉ có vài giới chức tình báo trong Tỉnh tiếp đón, đưa về nơi an toàn, thay đổi quần áo thường dân. Địa Phương Quân, Nghĩa Quân đóng đồn gần đó lo thu dọn chiến trường.
Tỉnh Trưởng cùng Trưởng Phòng 2, 3 , Trưởng Ty CSQG, và Cố Vấn Trưởng Mỹ ngồi nghe Ba Sảnh báo cáo lại từng chi tiết cuộc đột kích, đếm chiến lợi phẩm làm bằng chứng. Nhưng có một chi tiết nhỏ mà Ba Sảnh không báo cáo, là nội dung quyển sổ ghi chép riêng của tên huyện uỷ; quyển sổ này ông giữ lại cho câu chuyện sắp kể sau đây:
………………………
Trong quyển sổ tay cán bộ, huyện uỷ Tám Lôi có phần ghi nhớ:
Ngày… Học tập và thi hành nghị quyết của Ban Lãnh Đạo Tỉnh Uỷ: tìm mọi cách, sơ hở để phá hoại chương trình BĐPT, chiến dịch Phượng Hoàng của địch làm suy yếu hạ tầng cơ sở của ta... Treo bản án tên M, đại uý nguỵ ác ôn; Ban Kinh Tài nghiên cứu bảng giá 500 ngàn đồng cho ai hạ sát được nó...
Ngày… Theo dõi bần nông 6B, mới di chuyển chỗ ở từ Thủ Thừa về Tân An: lý lịch trong sạch, con nhà nghèo, tá điền ba đời, tư tưởng lưng chừng, mê gái, ham tiền; cần tiếp cận để móc nối.
Ngày… 6B đang say nắng con 9M, cảm tình viên của ta, đang sống với cha mẹ trong vùng xôi đậu; cần tăng cường tình cảm ủy mị, để 9M lôi kéo 6B về với ta.
Ngày… 6B muốn hợp tác với ta, nhưng không thuận thoát ly, cha mẹ già vừa qua đời, muốn lấy 9M nhưng không có tiền bạc, làm đám cưới theo yêu cầu của nhà gái. Báo cáo cụ thể tình hình, đối tượng về Tỉnh Uỷ (ban tổ chức đảng)
Ngày… Tỉnh Ủy chỉ thị nghiên cứu phương án tuyên truyền, móc nối, xử dụng 6B ám sát tên M ác ôn.
Ngày… 6B chưa dứt khoát tư tưởng dân nội thành, sợ phạm luật, sợ giết người vô cớ; 9M không thuyết phục được hắn, cũng sợ liên luỵ, không dám hy sinh cho cách mạng. Tỉnh Uỷ hứa trích ngân khoảng bên kinh tài 500 ngàn đồng làm mồi câu 6B (ghi chú: 300 ngàn đồng tiền nguỵ là đủ để mua một căn nhà ngoài chợ); áp đặt, doạ dẫm gia đình 9M, thúc hối 6B đi cưới, không sẽ gả con gái cho người khác (!).
Ngày… Sau khi ta vận động tuyên truyền, thuyết phục có thưởng tiền, đối tượng bằng lòng kế hoạch ám sát. Nghiên cứu tình hình, điều nghiên thói quen của tên M, làm sa bàn cho 6B học tập nhuần nhuyển… chờ trên chỉ đạo sau cùng.
Ngày… Trên quyết định công tác: tiền mặt và súng lục colt của Mỹ, gói kỹ trong bao nhựa, chôn dấu dưới mộ bia số X, nghĩa địa Y; hành sự xong súng đem về chôn dấu lại chỗ cũ. Kiểm tra đối tượng nghiêm ngặt, báo cáo kết quả theo đúng qui định.
Ngày… Báo cáo công tác đã hoàn tất tốt đẹp, không để lại sơ hở; địch mất hướng, điên cuồng điều tra, nghi kỵ, cảnh giác, tăng cường bố ráp… nhưng không phát hiện được dấu vết. Kiến nghị lãnh đạo biểu dương anh hùng, ghi nhận công trạng, thành tích. Kiến nghị cho hai đương sự thoát ly, đảm bảo nhân tố cách mạng.
Ngày… Chỉ thị trên sau cùng: bố trí 6B ở nguyên vị trí, tìm phương án ám sát tiêu diệt tên 3S, kẻ lên thay tên M, tiếp tục làm nội gián trong lòng địch.
Ba Sảnh rủ Sáu Thang đến thăm nhà vợ chồng Sáu Bảnh, nhơn tiện chia tiền thưởng của Tỉnh cho toán công tác TST, vừa loại trừ được huyện uỷ Tám Lôi, triệt hạ Ban Kinh Tài của địch trong vùng.
Căn nhà không lớn lắm nhưng khang trang, có vườn sau, rào giậu kín đáo. Vợ Sáu Bánh khoe mua được nhà giá rẻ làm tổ ấm cho gia đình, nhờ tiền anh Sáu đi lính dành dụm lâu nay(?); tổ uyên ương cho cháu bé đang mang 3 tháng trong bụng mẹ. Sếp chúc mừng thằng em có phước: có nhà mới, sắp có con gia đình hạnh phúc.
Tiện đường về, hai ông ghé vào nghĩa địa Y; dọn sạch cỏ, đặt lại mộ bia, thắp hương cho ngôi mộ X, trước khi chia tay mạnh ai nấy về nhà.
Một hôm, Ba Sảnh vào TK gặp riêng ông TP2TK đề nghị một ý kiến riêng, nhằm ngăn chặn VC tổ chức vượt QL4, quãng đường miệt Cầu Vôi:
Ban hậu cần của chúng lùa dân công, khiêng tải đồ tiếp tế về mật khu trong vùng sâu. Đồn lính Nghĩa Quân có cho phục kích ban đêm, nhưng những cuộc chạm súng, gài mìn hay bắn pháo binh quấy rối, thường gây chết cho dân lành vô tội. Ông đề nghị cho một toán TST giả trang làm VC trà trộn vào dân công, để tìm bắt giao liên dẫn đường, triệt hạ đầu mối hậu cần, tránh sát hại nhơn dân. Thấy đề nghị hợp lý, Phòng 2 liền phối hợp hành quân với Phòng 3, lập kế hoạch và trình lên TKT xin chấp thuận.
Trời sập tối, toán giả trang VC từ trong đồn NQ men theo QL, những bụi rậm bóng đêm che khuất, len lỏi mò đến phục kích khu vực ấn định chờ đợi. Bóng mây vừa che khuất bầu trời, giao liên dẫn đướng qua trước, theo sau là những toán dân công lúp xúp gồng gánh bắt đầu vượt lộ. Một loạt súng bắn chỉ thiên, đường chấm xanh của làn đạn súng AK đốt pháo trên bầu trời, làm đoàn người hoảng loạn, vứt bỏ hàng hoá lăn lóc trên đường, mạnh ai nấy chạy thoát thân. Vài loạt súng giao tranh lẻ tẻ kế tiếp, trong đó có 3 phát ngắn, nếu phân biệt, không phải là tiếng nổ của súng liên thanh. Có lẽ vì không có đủ lực lượng bảo vệ phản kích, nên du kích VC cũng bỏ của chạy lấy người theo đám dân công. Khi pháo sáng từ trong đồn bắn ra, mặt trận trở lại yên tỉnh bình lặng.
Ba Sảnh cho lệnh rút quân, thúc hối Sáu Thang kéo xác Sáu Bảnh về đồn, đã chết vì loạt đạn đầu, sự thiệt hại đáng tiếc của quân bạn. Ba ánh chớp tắt của ánh sáng đèn pin làn dấu hiệu cho lính NQ trong đồn ra tiếp cứu.
Rạng sáng hôm sau lính trong đồn ra lục soát, thu lượm được nhiều túi, giỏ đựng hàng hoá: vải nylon, thuốc tây, đường cát, sửa hộp, thuốc lá, muối ăn… còn bỏ lại lăn lóc trên mặt lộ. Chiến lợi phẩm gồm một cây CKC và một khẩu súng colt bắn hết băng đạn, chắc có lẽ của một tên du kích hay của giao liên bỏ của chạy lấy người, không kịp mang theo.
Trong đám tang tiển đưa bạn đồng đội, Ba Sảnh thay mặt TST chia buồn với Chín Mỵ, bây giờ là goá phụ của tử sĩ Nguyễn Văn Bảnh, hy sinh tại chiến trường, được Tổ Quốc ghi ơn:
“Anh em TST chia buồn với gia đình thiếm, ông Tỉnh cũng phân ưu, hứa tặng huy chương anh dũng bội tinh, trợ cấp 12 tháng lương, cháu bé sanh ra sẽ được ghi nhận là nghĩa tử quốc gia, hưởng đủ quyến lợi cấp dưỡng và nuôi học thành tài, con của tử sĩ, quả phụ. Quan tài sẽ được phủ cờ, huy chương, bằng chứng nhận tử sĩ. Tôi cũng có một lời khuyên là thiếm nên ở lại quận Châu Thành cho có an ninh, đừng nghe ai xúi giục bỏ đi về dưới quê, không yên đâu!.”
Nghe những lời chí tình trọn nghĩa đó Chín Mỵ nhớ nằm lòng, nguyện thủ tiết thờ chồng nuôi con. Bởi thời buổi giặc giả này, không biết tin ai; chỗ nào yên thân, có người giúp đở tận tình, mới sống nổi.
Goá phụ trẻ lập bàn thờ chồng: mặc quân phục uy nghi, huy chương ngôi sao, bằng tưởng lục. Mỗi lần về thăm nhà cha mẹ trong đồng, chỉ đi ban ngày, ban đêm không ở lại. Gần ngày sanh nở, may mắn có vợ của Sáu Thang đến giúp, coi như chị em. Hôm thằng bé chào đời mẹ nó muốn xin anh Ba làm cha đở đầu, nhưng Ba Sảnh nói tôi không có vợ con, ăn chay trường, thôi để vợ chồng Sáu Thang có nhiều con, làm cha mẹ đở đầu thêm cho một đứa nữa tốt hơn.
Sau năm 1954 Hiệp Định Đình Chiến Genève ra đời, phân chia đất nước thành hai miền đối nghịch nhau: miền Bắc theo CNXH do đảng CSVN lãnh đạo, miền Nam thể chế tự do dân chủ VNCH. Trong khi miền Nam đón tiếp một triệu người miền Bắc di cư vào, thì cán bộ, bộ đội Việt Minh tập kết ra miền Bắc. Nhưng VM (CS trá hình) vẫn gài người ở lại miền Nam cho âm mưu chánh trị về sau.
Từ thập niên 60 về sau, CSVN từ miền Bắc chỉ đạo cho thành phần cán bộ trốn ở lại, nằm vùng trong miền Nam, bắt đầu gây dựng cơ sở hạ tầng quấy nhiểu vùng quê, theo mô hình chiến lược học theo Trung Cộng:” lấy thôn quê bao vây thành thị”.
Thời Đệ I VNCH, chánh phủ Ngô Đình Diệm áp dụng sách lược” Ấp Chiến Lược” dời dân lập ấp, nhằm cô lập du kích VC len lỏi vào dân quấy phá.
Thời kỳ Đệ II VNCH sách lược “Bình Định Phát Triển Nông Thôn” ra đời, thay thế ACL, chia làm 2 giai đoạn: 1/BĐNT 2/ANPT.
Năm 1965 lực lượng Cán Bộ BĐNT ra đời với những đoàn cán bộ được tung về xã ấp công tác tại chỗ. Ngoài các lực lượng quân sự ĐPQ, NQ, đóng đồn bót giữ an ninh diện địa, các đơn vị TST cũng được thành lập để song hành hổ trợ hoạt động an ninh tình báo. Đa số”lính TST” là hồi chánh viên, rời bỏ căn cứ hay mật khu về với QG, nên họ rất am tường quy luật hoạt động tuyên truyền, phá hoại khủng bố, nằm vùng mai phục của VC.
Chiến dịch Phượng Hoàng điều hợp, chỉ đạo các cơ quan hành chánh, quân sự ở mỗi tỉnh thành gia tăng tiêu diệt, quét sạch bọn nằm vùng hay manh nha tái tổ chức lại các htcs. Các cuộc hành quân của TST phản du kích rất có hiệu quả, ít bị thiệt hại, đánh phá đúng chỗ nhược, làm suy yếu hạ tầng cơ sở VC; sau trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm 1968, nhiều cơ sở hầu như bị tiêu diệt sạch, miền Bắc phải đưa cán bộ, bộ đội chánh qui vào thay thế (đây cũng là một âm mưu thâm độc trừ khử người miến Nam, MTGPMN, để đưa cán bộ lãnh đạo người Bắc vào thay thế)
Sau tháng 4-75, những người lính của các đơn vị bán quân sự TST này, chịu đựng một sự trả thù khủng khiếp, còn hơn”nguỵ quân nguỵ quyền bắt đi học tập cải tạo”; trừ những kẻ trá hàng làm nội tuyến, ”kẻ phản bội” bị xữ tử ngay tại chỗ, hay đày ải khổ sai không có ngày về.
CSVN giấu kín các thông tin sát hại người hồi chánh. Người Việt QG cũng ít có những tài liệu, thông tin về những người lính đặc biệt này, có lẽ cho là người của CIA, hồi chánh trá hàng?
Sau năm 1975, đời quay cuồng chóng mặt: Ông xuống thằng, Thằng lên ông; nhà giàu mất hết của cải xuống làm công nhân, bần cố lên làm ông chủ. Gia đình bà Chín Mỵ cũng có những thay đổi theo, cho phù hợp với tình hình hiện tại. Trước hết, hình thờ cũ của “tử sĩ Nguyễn Văn Bảnh, Tổ Quốc ghi ơn “bận quân phục rằn ri, huy chương ngôi sao, bằng tưởng lục lộng kiếng, mang đem cất giấu dưới ngăn tủ bàn thờ. Hình “liệt sĩ Nguyễn Văn Bảnh, Tổ Quốc ghi công”, bận áo bà ba quấn khăn rằn được lộng trong khung kiếng mới đặt lên, bên cạnh là bằng biểu dương công nhận liệt sĩ anh hùng, huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mới vừa được một cán bộ trên Tỉnh mang xuống, biểu phải làm bàn thờ đặt nơi trang trọng.
Trong lòng bà Chín ngổn ngang trăm mối, thấy hơi mắc cở cho việc thờ tự này: ai đời đạo đức ông bà, mới quốc gia đây, bây giờ thành cách mạng 30-4, thay đổi một sớm một chiều, trở mặt nhơn thân cách mạng? Người không biết, cho là bà Chín Mỵ thờ chồng, bàn thờ hai mặt, một dạ hai lòng, có người biết chuyện, nói rõ về ngọn nguồn:
“Ông Sáu Bảnh chỉ là người thường dân xấu trai, nhà nghèo cha mẹ mất sớm, anh chị em tứ tán, một mình tự lập nuôi thân, muốn có tiền đặng cưới bà Chín Mỵ, nên sập bẩy VC mua chuộc. Sáu Bảnh nhận tiền, nhận súng của huyện uỷ ám sát ông Đại Uý TST; chánh quyền thời đó không tìm ra thủ phạm.
Người lên thay chỉ huy TST là ông Ba Sảnh, thề quyết tìm ra thủ phạm trả thù cho ông thầy, cũng để đở mất mặt đơn vị. Trong một vụ đột kích hội họp của VC, huyện ủy Tám Lôi và đồng bọn bị giết chết; chính tay Sáu Bảnh là người nả đạn vào Tám Lôi, nhờ giữ cây súng của Sáu Thang, và rõ mặt tên huyện ủy đã từng móc nối công tác ám sát trước kia.
Sáu Bảnh rất căm hận tên huyện uỷ gian ác, muốn bắt Chín Mỵ thoát ly vô bưng để ép làm vợ hắn (?), không đưa đủ tiền hợp đồng, còn ép mình ở lại để sát hại thêm đồng đội Ba Sảnh; sợ bị tố cáo nên trừ khử nhơn chứng trước.
Nhưng Ba Sảnh lấy được quyển sổ tay cán bộ, biết được VC đã bố trí Sáu Bảnh là kẻ ám sát đang bị truy tìm, còn âm mưu giết thêm mình, nên tìm cách hạ thủ. Sau khi có đủ bằng chứng: vợ chồng Sáu Bảnh có tiền mua nhà, cây súng colt ám sát còn 3 viên đạn, chôn dấu dưới mộ bia trong nghĩa địa; Ba Sảnh bàn với Sáu Thang lập kế giết Sáu Bảnh trả thù và trừ hậu hoạn. Cuộc phục kích đánh dân công được dàn dựng, để có cớ giết chết Sáu Bảnh bằng ba phát đạn súng colt còn lại, báo cáo hiện trường do VC sát hại, chết vì công vụ, cho vợ con được hưởng tiền trợ cấp cô nhi tử sĩ. Hơn nữa, vì lòng nhơn đạo ông Tỉnh xin cho đứa nhỏ sắp sanh ra được nhận làm nghĩa tử quốc gia, được nuôi dưỡng học hành đến tuổi trưởng thành.”
Văn sỉ vườn, nghe sao chép vậy (do nhiều người kể tam sao thất bổn, thêm mắm dậm muối), đặng người đời sau biết chuyện này là có thiệt; có khi chuyện đời thiệt còn khủng khiếp hơn là tưởng tượng.
Trần Láng Biển
No comments:
Post a Comment