Wednesday, March 13, 2024

Đèo Rù Rì

Ai cũng từng có những tháng ngày ấu thơ, những kỷ niệm khó quên gắn với một vùng đất, một địa phương, một tên gọi.

Nếu có anh chị nào không thể quên chợ Đông Ba, chợ Vườn chuối, Cầu Trương Minh Giảng, vỉa hè Tự Do, rạp xi nê Tân Định, phố núi mù sương, chiều nghiêng phố Huế, bãi cát trắng Nha Trang, v.v, thì tôi luôn bị ám ảnh bởi một địa danh chẳng giống ai. Đó là cái đèo. Bạn thấy lạ không?

Thuở ấy, từ Ninh hòa vào, vừa qua eo biển Vĩnh Lương, vượt qua cầu Giăng Dây, nếu đi về hướng Thành, bạn đã đi về hướng Cải lộ tuyến. Còn đi về hướng Nha Trang, bạn phải vượt qua cái đèo, đèo Rù Rì. Thuở ấy, chưa có con đường mới. Bạn phải qua đèo, và chỉ 1 cách qua đèo, mới vào Nha Trang.

Còn Cải Lộ Tuyến? Đây là con đường mới, được xây dựng trong thập niên 1960, Từ phía Bắc, khởi đầu từ chân Đèo Rù Rì, rồi chạy về hướng Thành. Chiều dài khoảng 10 km. Con đường này làm ra để giúp khỏi cảnh kẹt xe cho những chuyến xe liên tỉnh, tránh khỏi phải vòng qua Nha Trang trước khi ra miền Trung. Có 1 người bạn nói: lẽ ra phải gọi là Cải Tuyến Lộ. Nếu bạn thuộc diện "hán rộng", xin bạn cho biết cái nào đúng: Cải tuyến lộ hay Cải lộ tuyến.

Thỉnh thoảng tôi nằm mơ, mơ thấy mình đang dắt xe đạp, lên đèo, ngọn đèo của thời mới lớn. Thuở đó, những năm đầu 1980's, cơn đói của cả nước đã quật ngã nhiều gia đình. Xe chở khách, còn phải chạy bằng than, vì thiếu thốn dầu, xăng. Thỉnh thoàng, những chiếc xe "than" bò lên đèo một cách mệt nhọc, anh phụ xe cầm gậy sắt dập mạnh vào thùng than phía sau, bụi bay mù mịt. Ai ngồi phía sau, cạnh thùng than, coi như nhiều phần lãnh đủ: nóng và bụi. Tụi tôi dắt xe đạp thở không ra hơi, cũng lãnh đủ với bụi than.

Thỉnh thoảng, khi dắt xe lên đèo vào trưa nắng, chúng tôi may mắn đu theo xe hàng. Một tay cầm ghi đông, một tay nắm bên hông của chiếc xe hàng đang nặng nhọc lên đèo. Có khi cũng té chỏng gọng. Chỉ có đám con trai mới dám mạo hiểm thế nay.

Ba năm trời học trung học, tôi đạp xe từ Lương Sơn vào Nha Trang để học, gần như mỗi ngày. Vì thế, dắt xe lên đèo, lúc bấy giờ, là chuyện thường ngày ờ huyện. Qua lại hằng ngày, thành quen, nên hai chữ Rù Rì dường như chưa bao giờ, lũ mới lớn như chúng tôi, thắc mắc.

- Có bao giờ bạn xổ đèo một mình chưa?
- Có chứ
- Bằng xe máy phải không?
- Ừ
- Không, phải xổ đèo bằng xe đạp. Mà phải vào những chiều mưa, nhất là lúc chập choạng tối. Gió ù ù bên tai, đường chỗ lồi chỗ lõm, chỗ sáng và chỗ tối. Vừa hào hứng vừa lo sợ. Có như thế mới cảm được hết cái hấp lực của cái đèo.

Về đèo Rù Rì. Có hai giả thuyết. Một, cho rằng, lúc mới khai mở, xung quanh đèo có nhiều cây rù rì mọc hai bên núi, nên gọi là đèo Rù Rì. Hai, có nhiều người cho rằng, đèo quanh năm nắng gió. Lên hay xuống đèo, lúc nào cũng nghe gió bên tai rù rì, nên mới có tên như bây giờ.

Về lịch sử, đèo rù rì dược dùng làm ranh giới trong việc phân chia thị xã, và huyện, của lịch sử Khánh Hòa.

Trước năm 1930, huyện Ninh Hòa bây giờ, được gọi là huyện Tân Định. Huyện này chạy dài từ sông Dinh đến đèo Rù Rì. Sau 1930, người Pháp đổi Tân Định thành Ninh Hòa, Tiếp theo từ đèo Rù rì về phía tây-nam là huyện Vĩnh Xương, trên đường về Thành. Từ đèo Rù Rì chạy về phia Nam trực thuộc thành phố Nha Trang. Sau 1975, ranh giới đèo Rù Rì không còn dùng nữa, Nha trang dược mở rộng đến cuối làng Ngọc Diêm, bên này chân đèo Rọ Tượng (lại 1 cái đèo nữa, mà tên gọi khá lạ lẫm).

Nhiều người chưa bao giờ đặt chân đến đèo Rù Rì, thì mơ được đến. Người đi ngang qua, thì mơ được một lần ngủ lại trên đèo. Nhà thơ Cao Thoại Châu là một trong số những người đó, và đã sáng tác bài thơ "Mơ thấy ngủ trên đèo Rù Rì" đã viết một bài thơ bi hùng. Chép lại đây cho bạn thưởng thức, cũng như biết thêm về một địa danh “lạ kỳ” của quê tôi.

Mơ thấy ngủ trên đèo Rù Rì
Nửa đêm nằm ngủ trên đèo
Ta mơ thấy tiếng rất nhiều ngựa con
Gối đầu trên đá chon von
Ta đang nằm giữa sa trường ngàn năm
Giáo gươm cờ xí quá quan
Bao nhiêu binh tướng đã nằm lại đây
Nơi ta nằm ngủ đêm nay
Phế hưng mấy lớp xanh đầy cỏ non
Bao nhiêu mộng ước vuông tròn
Thuỷ chung mà hoá nên hòn Vọng Phu
Ta nằm nghe giữa cơn mơ
Tiếng lòng của những người xưa vọng về
Gió nào vừa mới đi qua
Nghe như tiếng hú trên bia mộ người
Chạnh lòng nghe cũng chơi vơi
Vọng về những tiếng rạc rời xa xa
Vọng Phu là một bài thơ
Những vần bi tráng bây giờ ở đâu
Gió đưa chinh phụ lên đèo
Bao nhiêu con mắt nhìn theo bóng người!
Ngàn năm sầu vẫn không nguôi
Còn nghe vó ngựa hí ngoài ải quan”
(Cao Thoại Châu)

Tôi chẳng mơ mộng gì như ông Cao Thoại Châu. Tôi đã đổ mồ hôi mỗi ngày qua đoạn đèo này. Thuở đó, tôi ghét nó lạ lùng. Nhiều bạn tôi đã té xe, đã đổ máu. Có dăm lần tôi rơi nước mắt vì nó, sau khi chứng kiến những tai nạn thương tâm. Bao nhiêu người đã nằm xuống ở quãng đèo này mỗi năm, trong đó có bạn tôi.

Giờ đây, xa quê hương đã nhiều năm. Ai hỏi tôi nhớ gì ở quê hương nhất. Lạ, tôi nghĩ ngay đến nó: Đèo Rù Rì.

Bây giờ, đèo Rù Rì không còn nữa. Từ Nha Trang ra Ninh Hòa (hay ngược lại), không còn ai phải vượt qua cái đèo này, để chứng kiến cái miếu thờ phía Nam luôn nghi ngút khói hương, nhất là vào những dịp đầu và giữa tháng.

Hôm nào tôi sẽ kể bạn nghe truyền thuyết về Đèo Rù Rì, từ gia phả mà ông Cố tôi để lại.

Đoàn Nhã-Văn

No comments:

Blog Archive