Một thuở man ri mọi rợ
Ái Vân kể chuyện xuất ngoại lần đầu: sau khi tốt nghiệp Trung cấp Thanh nhạc, tôi được chọn đi Festival Thanh Niên và Sinh viên Thế giới ở Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1973(?). Tôi được chọn đi trong Đoàn Miền Nam vì tôi biết nói và hát giọng miền Nam… Với tôi lúc này nước ngoài là thế giới của giấc mơ, chỉ là giấc mơ thôi, không thể tin có ngày mình được xuất ngoại. Quả là chuyện thần kỳ.
Đoàn Miền Nam cũng có nhiều người miền Nam thật… còn đa số trong đoàn nghệ thuật là người miền Nam đã tập kết ra Bắc.
Số còn lại là dân Bắc 100% như tôi, vẫn nói đùa là “Giải phóng quân đóng thế”. Thế nên trên tầu hỏa sang Trung quốc, có ông phiên dịch người Trung quốc hỏi tôi: “Chị ở trong Nam thì ở đâu?”, “Ở Saigon”. “Chị có diệt được Mỹ không?”, “Có chứ. Tôi diệt được gần tiểu đội”. Tôi liều trả lời tỉnh bơ.
Chuyến tầu sang Bắc Kinh dừng lại 10 ngày để… vỗ béo, nhất là Đoàn Miền Nam. Anh hùng, dũng sĩ như Trần Dương, Tạ Thị Kiều đều gầy tong teo, đi ra thế giới khó coi. Người Tầu muốn biết đoàn này là Nam Bộ thật hay Nam Bộ giả, họ chỉ cần mở cuộc chiêu đãi món mướp đắng, tức khổ qua. Dân Nam Bộ thích ăn khổ qua lắm, hôm ấy chỉ có vài người đụng đũa, còn nguyên 2 dãy bàn đầy vun các món khổ qua. Mấy cô phục vụ người Tầu tủm tỉm cười, họ biết tỏng.
Đi thăm Tử Cấm Thành thấy thành phố Bắc Kinh xơ xác tiêu điều, ngạc nhiên lắm. Anh em trong đoàn rỉ tai nhau: "Ối giời ơi! Tưởng cách mạng văn hóa là thế nào, không ngờ nghèo thế này”.
“Trung quốc cũng nghèo như mình thôi, có khá gì hơn đâu”.
Lần đầu xuất ngoại giống như lần đầu từ làng ra phố vậy. Nếu không có ai chỉ bảo thì quê lắm. Nhớ lại bây giờ vẫn còn ngượng nữa.
... Đến Berlin, Đoàn chúng tôi được thu xếp ở trong ký túc xá sinh viên. Cứ 2 người một phòng. Đi đường xa lâu ngày, thấy buồng tắm, ai nấy lao ngay vào tắm gội. Nhiều người không chờ được nên gội đầu ngay trong bồn rửa chén ở bên ngoài'
Thấy chai nước xà phòng cứ thế gội đầu, ai cũng khen xà phòng tây nhiều bọt. Khăn trắng tinh 5, 6 cái, cái nhỏ lau mặt, cái lớn làm khăn tắm.
Cái nào cũng thơm, vừa lau vừa hít. Sáng hôm sau phục vụ đến dọn phòng, họ hỏi xà phòng rửa chén đâu rồi? Không dám khai mình đã lấy gội đầu, ngượng chết. Họ hỏi mấy cái khăn chùi chân đâu?
Té ra mấy cái khăn mình lấy lau mặt là khăn chùi chân.
Hôm sau biết rồi, mọi người thi nhau lấy khăn chùi chân ra lau bàn, chùi giầy dép. Phục vụ tới thấy khăn chùi chân đen xì ngạc nhiên lắm. Chắc họ nghĩ chân cẳng người Việt Nam sao bẩn thế này.
Khi vào nhà ăn… lần đầu ăn đồ ăn tự chọn.
Có đến mấy chục món. Chẳng ai dậy cả, cứ tưởng món nào cũng phải lấy. Mỗi người mỗi cái khay đựng hơn hai chục bát đồ ăn, đặt chồng lên nhau, bê ra nặng muốn gẫy lưng.
Ai nấy trợn mắt nhìn đoàn Việt Nam…Khổ.
Có ai ăn hết đâu, khi đoàn Việt Nam rời mâm, trên bàn còn la liệt đồ ăn dư thừa. Mấy anh đi phiên dịch cho đoàn phải kêu: “Giời ơi, cái này ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu thôi chứ”. Lại ngượng.
Hôm khai mạc Festival, khi giới thiệu đoàn Việt Nam, sân vận động mấy chục ngàn người đứng lên vỗ tay ào ào rồi vỗ nhịp và hô “Việt Nam!...Việt Nam”… Rời buổi khai mạc về khách sạn, đoàn văn nghệ Việt Nam vẫn trong niềm hưng phấn nên cứ con gái dắt tay con gái, con trai dắt tay con trai đi từng đoàn, chả hiểu sao người nước ngoài họ nhìn ghê lắm.
Thấy lạ. Vừa nẫy ánh mắt đang ngưỡng mộ giờ ánh mắt họ nhìn khang khác. Không hiểu sao họ thay đổi thái độ nhanh thế này.
Về sau mấy anh Sứ quán Đức bảo: “Giời ạ! Bên này họ kỵ nhất cùng giới khoác tay nhau”. Khổ. Có ai dặn dò gì đâu mà biết.
Chuyện buồn khó quên.
Xuống Leningrad, đoàn chúng tôi được nghỉ 10 ngày. Cuối tuần có tổ chức khiêu vũ. Lãnh đạo đoàn dặn: “Tối nay có khiêu vũ, nhớ phải ra nhẩy giao lưu với bạn. Bạn mời nhẩy là không được từ chối”. Dặn thế nhưng khi nhạc nổi lên, mấy người lớn tuổi theo cô B cứ đứng túm tụm vào một góc phòng, đẩy tôi và Thúy Hiền múa ra trước.
Hồi đó Thúy Hiền, Minh Thi và tôi trẻ nhất đoàn, mới 19 tuổi, ngớ nga ngớ ngẩn, có biết nhẩy nhót gì đâu, cứ ra nhún nhún cho các bạn chủ nhà Liên Xô vui lòng thôi.
Chẳng ngờ cuối đợt họp kiểm điểm, cô B bảo:
“Tại sao nhẩy với tây nhiều thế? Con gái Việt Nam, nhất là mình đang vào vai Giải phóng quân mà nhẩy nhót thế à?”. Mấy đứa mặt méo xẹo.
Sang Nga, có 2 anh phiên dịch của thông tấn xã Novoxti, một anh tên là Xa-sa, một anh tên là Lu-ra. Biết hai anh thích 2 em nhỏ tuổi nhất đoàn rồi nhưng chẳng biết anh nào thích em Vân, anh nào thích em Hiền.
Họ đi theo đoàn, mỗi lần lên tầu, xuống tầu lại xách vali cho 2 em.
Cô B ngứa mắt lắm, chúng tôi biết. Nhưng chả nhẽ lại thẳng thừng từ chối lòng nhiệt tình của hai anh, hay ra điều kiện với họ: Muốn giúp chúng tôi thì phải giúp cả đoàn? Khổ thế đấy.
Sau Festival, đoàn tách ra làm đôi. Đoàn nhỏ 12 người sang Thụy Điển diễn tiếp. Tôi theo đoàn lớn về nước. Khi về ngang qua Nga, 2 anh chàng phiên dịch đi đón … nhưng hụt vì nhầm giờ…
Khi đoàn nhỏ đi diễn ở Thụy Điển trở về qua Nga, anh Lu-ra có gửi chị Anh Đào mang về tặng tôi cái đồng hồ đeo tay, loại đồng hồ Poljot nữ của Liên Xô, thời đó bán ở cửa hàng tổng hợp Tràng Tiền giá 114 đồng.
Chị Anh Đào hẹn tôi đến khách sạn Thống Nhất, trực tiếp đưa đồng hồ cho tôi. Tin loan ra rất nhanh. Tôi chưa kịp đeo đồng hồ khoe với bạn bè thì cô B trong buổi họp tổng kết đoàn, lôi tôi ra xạc cho một trận.
Cô B trực tiếp chất vấn và kết luận tôi có 3 tội:
1/ Là rất hay nhẩy với Tây. “Quân giải phóng mà đi nhẩy với tây à?”
2/ Là tại sao hai anh phiên dịch Liên xô chỉ sách va li cho cô Vân và cô Hiền, chúng tôi là người lớn tuổi tại sao lại không xách?
3/ Là tại sao Ái Vân đã về Hà Nội rồi mà Lu-Ra còn gửi đồng hồ sang? Phải có cái gì người ta mới tặng món quà giá trị thế chứ…
Ở tuổi 19 lúc ấy tôi chỉ biết khóc sướt mướt và thầm hứa với mình từ nay phải cảnh giác với người lớn, họ nguy hiểm quá.
Nguồn: "Hà Nội tri thức"
No comments:
Post a Comment