Thursday, March 7, 2024

Cách dùng dao nĩa và napkin trong nhà hàng

Đa số các bạn, có lẽ như tôi thời xưa, cảm thấy lúng túng khi dự các buổi tiệc sang trọng mà trong đó có nhiều dao nĩa.

Cái note này, viết ra từ 4 năm trước, mách cho các bạn cách dùng dao nĩa đúng cách.

Nhớ lần đầu đi dự một buổi dạ tiệc (tiếng Anh gọi là 'function') ở Hunter Valley tôi mắc phải vấn đề dùng dao nĩa. Hôm đó là tiệc do tổ chức gây quỹ cho nghiên cứu y khoa, nên ngoài các nhà khoa học cấp cao còn có các chánh trị gia và ông bà chủ của các tập đoàn thương mại Úc. Buổi dạ tiệc đó thu hút gần 10 triệu đô cho quỹ nghiên cứu!

Tôi ngồi trong bàn có ông bà Kerry Packer (chủ đài truyền hình số 9) và bên cạnh Giáo sư PS (người đã qua đời gần 10 năm). Nhìn vào cái dĩa lớn, 2-3 loại ly trắng toang lấp lánh, và một loạt dao nĩa làm tôi lúng túng. Nhìn qua là biết buổi tiệc sang trọng.

Hồi nào đến giờ chỉ thấy dao và nĩa thôi, sao bây giờ nhiều quá -- tôi hồi hộp tự hỏi trong bụng. Đến khi được phục vụ món bánh mì, tôi không biết dùng dao nào, nên tôi liếc sang bên cạnh xem Giáo sư PS dùng dao nĩa gì và tôi làm y chang. Nhưng đến khi ăn xong món chánh, tôi xếp chéo dao và nĩa trên dĩa. Thế là Giáo sư PS hỏi nhỏ tôi là bộ món ăn không ngon sao, tôi trả lời ngon lắm chớ. Thế rồi PS chỉ tôi cách xếp dao nĩa cho đúng cách để ra dấu hiệu khen món ăn ngon. Nếu không có PS chỉ dẫn thì đêm đó chắc tôi đã là một 'con cừu đen' trong bọn elite.

Sau này có dịp tìm hiểu về etiquette (nghi thức) ăn uống của người phương Tây tôi mới thấy họ cầu kỳ làm sao! Sự cầu kỳ đó hoá ra chỉ bắt đầu từ thế kỷ 18 hay 19 thôi, chớ trước đó thì không phải vậy. Theo sách sử thì dao đã được sáng chế từ rất xa xưa, nhưng nĩa thì chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ 16. Hình như người Ý dùng nĩa trong bữa ăn đầu tiên trên thế giới. Trước đó, người Âu châu dùng tay để bốc thức ăn.

Catherine de Medici(một trưởng giả từ Florence, Ý) là phu nhân của Vua Henry Đệ Nhị (1533). Khi bà sang Pháp làm dâu, bà rất ngạc nhiên về sự khiếm nhã của người Pháp lúc đó. Thời đó, người Pháp thích dùng tay để ăn thịt. Do đó, nhìn cách ăn của dân Pháp bà Catherine de Medici viết rằng: 'Ở Paris này, nhiều người vẫn cười cợt cái tánh gọn gàng của người Ý vì họ dùng nĩa. Còn họ ở đây thì nốc cả đống thịt với cái dao và ngón tay đầy mỡ.' Mãi đến thế kỷ 18 người Pháp mới bắt đầu chấp nhận và dùng nĩa trong các bữa ăn.

Desiderius Erasmus là một nhà nhân văn học người Hoà Lan từng soạn một cuốn sách về lối cư xử văn minh dành cho trẻ em. Trong sách, ông viết rằng 'có vài người mỗi khi ngồi xuống bàn ăn là thọc tay vào thức ăn. Đó là hành vi của chó sói. Thọc ngón tay vào tô súp là rất khiếm nhã. Bạn nên dùng dao và nĩa để lấy thức ăn.'

Từ thế kỷ 16 trở đi, dùng dao và nĩa trong bữa ăn trở thành một nét văn hoá của giới thượng lưu Âu châu. Họ muốn duy trì tánh thượng lưu đó và phân biệt với 'thường dân', nên họ đề ra những qui ước (hay 'nghi thức') trong ăn uống. Những nghi thức đó thay đổi theo thời gian, và cho đến nay thì gần như tất cả ai quen với văn hoá ăn uống phương Tây đều biết cách dùng dao và nĩa.

Nghi thức xếp dao và nĩa?
Trong các nhà hàng sang trọng, chúng ta thấy có cái dĩa lớn, cutlery (có nghĩa là dao nĩa), và 'napkin' (khăn trắng, mà nhiều từ điển dịch sai là 'khăn lau miệng'). Tựu trung lại, có 5 tình huống sắp xếp dao và nĩa, và cách mỗi tư thế gởi một tín hiệu đến người tiếp viên phục vụ:

• Nếu muốn thể hiện rằng bạn thưởng thức món ăn ngon, thì xếp nĩa và dao song song nhau (nĩa trên, dao dưới) theo chiều ngang 180 độ;

• Nếu muốn nói cho bồi bàn rằng bạn đã ăn xong, xếp nĩa vào dao song song nhau, nhưng chiều dọc;

• Nếu bạn chê món ăn quá dở, đặt nĩa và dao giao chéo nhau;

• Nếu bạn chờ món ăn mới, đặt nĩa và dao giao chéo 90 độ, nĩa theo chiều dọc và dao chiều ngang;

• Nếu bạn muốn gởi tín hiệu 'tôi ngừng một chút' thì sắp xếp nĩa và dao không giao chéo nhau nhưng bẹ ra.

Đó là vài nghi thức về dao và nĩa, thế còn napkin thì sao? Napkin cũng có một lịch sử khá lâu đời, bắt đầu từ thời La Mã, họ dùng napkin để lau mặt trước bữa tiệc (ngày nay thì điều này được xem là không văn minh). Nghi thức dùng napkin có thể tóm tắt như sau:

• Khi ngồi vào bàn, mở napkin và đặt lên vế;

• Nếu bạn đi khỏi ghế nhưng sắp quay lại, thì để napkin trên ghế;

• Nếu bạn đã ăn xong, thì nên để napkin bên trái của dĩa;

• Không bao giờ để napkin trên dĩa ăn xong (rất khiếm nhã);

• Không xếp napkin gọn gàng như lúc ban đầu;

• Không bao giờ dùng napkin để lau mặt;

• Không bao giờ dùng napkin để lau dao nĩa;

• Không bao giờ dùng napkin để ... phủi bụi.

Tất cả những nghi thức này đều phải học, và không thể chủ quan. Có người Việt có thể đã ở bên này rất lâu năm nhưng vẫn không biết sử dụng dao nĩa, vì họ chỉ quen với dao nĩa thông thường trong quán ăn. (Sợ nhứt là họ ăn xong và quăng cái napkin trên dĩa ăn đầy dầu mỡ, thấy rất dơ bẩn). Còn trong nhà hàng loại 'upmarket' đều có những nghi thức riêng, mà như tôi nói trên, là do họ đề ra để phân biệt họ (giai cấp elite) với giai cấp thấp hơn. Thành ra, nhìn cách họ dùng và xếp dao nĩa và napkin, người thông thạo biết ngay người này thuộc giai cấp nào và có 'educated' hay không.

Ở Úc, tôi thường hay khuyên các nhóm sinh viên gốc Việt tổ chức những lớp học kỹ năng giao tiếp như thế này cho các em chưa quen với văn hoá ẩm thực phương Tây. Một ngày nào đó mình sẽ có dịp đi dự 'function' như tôi trước đây thì mình cần phải biết cách sử dụng dao nĩa theo 'nghi thức' của người ta ('nhập gia tuỳ tục' mà), còn nếu dùng sai thì cũng chẳng 'chết' ai, nhưng người ta sẽ xem mình là kém protocol.

Thật ra, nhiều người phương Tây, đặc biệt là giai cấp lao động, cũng không am hiểu các qui ước mô tả trong cái note này đâu. Hi vọng rằng những mẹo trên đây giúp cho các bạn nào chưa quen với dao nĩa của Tây biết thêm một chút về văn hoá của họ.

Ông bà chúng ta có câu rất hay: ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Học ăn là học những phép văn minh lịch sự trong ăn uống. Học nói là học cách nói, cách chọn chữ để truyền đạt những điều hay, lẽ phải. Học gói là học cách tiết kiệm, giữ gìn, không lãng phí. Học mở là học tính rộng lượng, bao dung, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Đó là 4 cái học mà có lẽ chúng ta học hoài và học mãi trong khi chúng ta còn tồn tại trên cõi đời này.

• (Nguyễn Tuấn).





No comments:

Blog Archive