Mua Dùm, Ăn Dùm Và Để Nhớ...
Bạn chị Ngà thăm quê hương mới trở về, kể là “sao bây giờ họ giàu quá trời quá đất, giàu không thể tưởng tượng được. Nghe họ nói chuyện toàn bạc tỷ, xài đô la Mỹ, đeo hột xoàn lóng lánh… Dọc đường về lục tỉnh không còn thấy đồng ruộng ao hồ gì mà toàn là villa…
Chị Ngà cười, nói:
- Mà tôi cá với chị nghe, người nghèo thì vẫn nghèo như thường.
Bà bạn gật đầu nói:
- Ờ, đúng. Vô phía trong chút thì thấy mái lá xập xệ. Có khi một mái lá kẹt ngay chính giữa hai cái nhà lầu năm từng hai bên. Ngoài đường vẫn còn người buôn gánh bán bưng, lội bộ trên con đường có mấy cái siêu thị hay trung tâm buôn bán sang trọng, sang còn hơn nhiều cái Mall bên đây nữa.
Nghe bạn nói làm chị Ngà nhớ về dĩ vãng.
Vào khoảng năm 1966, một buổi sáng tôi đã bước trên con đường trơn trợt bùn, gần cầu Bình Triệu, ngang qua một nhóm chợ chòm hỏm nhà quê, tôi ngó quanh, thấy những gánh rau cải bí bầu xanh um, những nải chuối già chuối sứ chuối cao trên mấy tấm ni lông, nghe có tiếng ai mời: “Cô ơi mua dùm bà đi cô.” Tôi nhìn xuống. Xen giữa những gánh hàng là một cái mẹt và bà lão. Bà đang đưa lên cao, cái gì đó màu nâu nâu. Thấy tôi ngừng lại nhìn, bà cười, móm mém vì thiếu răng, bà tiếp: “Cô ăn dùm bà đi cô, củ chuối nè cô, còn nóng hổi, cô mua dùm bà đi cô, để bà lột cho cô ăn nghe, củ chuối ngọt lắm cô.”
Thiệt tình lúc đó tôi chưa từng biết củ chuối là củ gì, ăn ra sao, và đâu có đói bụng tới mức phải ăn ngoài đường ngoài xá như vậy, nhưng lỡ nhìn ngay ánh mắt của bà rồi, một ánh mắt tha thiết.
Ánh mắt này tôi thấy lần thứ nhì, hôm trên chiếc xuồng nhỏ xíu do hai chị em bé gái 8 và 12 tuổi, chèo đưa chúng tôi thăm cảnh trí trong hang Trinh Nữ, lúc về ngang qua một chiếc ghe đang núp dưới tảng đá de ra từ một trong hơn ba ngàn hòn, đang chòng chành theo cơn sóng biển của vịnh Hạ Long, mui ghe rách bươm có phơi vài con cá lớn giỏi bằng ba ngón tay chụm lại, và một cụ già ngồi trong ghe nhìn theo, bà bận áo thâm đầu chít khăn mỏ quạ, tôi bắt gặp ánh mắt bà. Bà đã nhìn tôi với ánh mắt buồn, ảm đạm, cô đơn.
Ánh mắt cứ theo tôi suốt bao nhiêu năm, không làm sao quên.
Ánh mắt của bà lão trên con đường đất bùn năm xưa như nói thêm câu nữa “cô làm ơn mua dùm bà đi, bà bán hết những món trên cái mẹt này thì mới có tiền đong lon gạo cho bữa cơm chiều”.
Tôi nhớ đã nhìn cái mẹt nhỏ xiú trước mặt bà lão. Trên ấy có vài nhúm ớt hiểm trái đỏ trái xanh cột thành chùm, vài bó hành lá, vài bó rau húng cây, rau dền, một trái bầu tròn tươi xanh, một trái đu đủ và một mớ củ mà bà đang đưa mời tôi ăn.
Tôi đã mua mà không trả giá và ánh mắt bà vui hẳn lên, vội vàng lột lớp vỏ sần bên ngoài, phiá trong có màu trắng trong trong và hơi thâm thâm. Tôi đón lấy củ chuối từ bàn tay nhăn nheo cằn cổi của bà, đưa lên miệng cắn một miếng, ăn dùm, cho bà vui lòng.
Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhứt tôi biết được cái vị lờ lợ của củ chuối.
Sau gần năm chục năm, nghe nói bây giờ vẫn còn những người gánh gồng bán dạo, tôi nhớ về bà lão bán củ chuối buổi sáng tinh sương ấy. Bà lão và cái mẹt nhỏ xíu với vài món hái trong vườn, chắc chắn là không dám ăn, gom góp lại cẩn thận để đem ra chợ bán, để đổi lấy nhúm gạo nuôi sống gia đình, mỗi ngày.
Khi qua Mỹ, trước cửa mấy chợ Việt Nam hay có những người, thường thường là người lớn tuổi, có những bó rau bó hành, vài loại trái cây, chắc chắn là từ sau vườn hái xuống đem ra bán dạo. Tôi thích mua những bó rau những trái cây ấy, như là mua dùm ăn dùm và để nhớ, để mãi mãi không quên những bà lão, như bà bán củ chuối của ngày xưa tôi đã từng gặp qua và giữ mãi trong lòng.
Bà lão ấy, giống như cái mái lá tả tơi ọp ẹp kẹt giữa hai ngôi nhà năm tầng lầu.
Bây giờ đọc tin trên mạng thấy bên nhà họ bắt đầu cấm bán vĩa hè. Rồi những gánh hàng rong những mẹt rau củ trái cây đi về đâu?
Trương Ngọc Bảo Xuân
No comments:
Post a Comment