Tháng Tư, Kính Tiễn Cô Hạnh Nhơn
Như nhiều người quen biết và gần gũi với Cô, tôi gọi “Cô Hạnh Nhơn” và xưng là con.
Pháp danh “Thân Từ” khiến tôi nghĩ đến Cô là một Phật tử đã quy y với một vị Thầy nổi tiếng thường đặt Pháp danh cho các Phật tử bắt đầu bằng chữ “Thân”. “Tướng tùy tâm sanh”. Có lẽ vị Thầy đã nhìn thấy khuôn mặt thanh tú và phúc hậu của Cô toát ra tấm lòng từ bi nên đặt cho Cô pháp danh có ý nghĩa gần gũi và yêu thương: “Thân Từ”. “Từ” là tình thương, là lòng lân mẫn trước nỗi đau khổ của những người khốn cùng. Tình thương đã khiến Cô tận tụy với hàng chục ngàn hồ sơ thương phế binh, quả phụ, cô nhi và tử sĩ trong hai mươi năm qua từ các Hội Tương Trợ Tù Nhân Chính Trị và Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh. “Từ” còn là ý trong kinh Pháp Hoa “Từ nhãn thị chúng sinh” đem mắt thương nhìn cuộc đời.
Có người ví Cô như một vị Bồ Tát, nếu hiểu Bồ Tát là những người có đời sống bình thường và ở gần chúng ta chứ không ở trên cõi hay tầng trời nào xa xôi. Người ấy lao vào làm những việc khó khăn không ai dám làm và không làm nổi. Người ấy sáng mang niềm vui đến cho người, chiều giúp người bớt khổ. Người ấy hy sinh, quên mình, “làm dâu trăm họ” mà vẫn vui, nghe những lời thị phi, sái quấy mà không hờn giận. Tinh thần phục vụ của người ấy bền bỉ và kiên trì đối với tha nhân cho đến lúc sức tàn, hơi kiệt. Đó là hành trạng của một vị Bồ Tát. Nếu hiểu như thế, Cô là một vị Bồ Tát.
Có ai biết cô gái sinh ra từ đất Thần Kinh thơ mộng ấy là con gái của một vị quan đại thần thanh liêm, chức vụ “Đô Thống Chưởng Vũ Sự” dưới triều vua Khải Định. Tuy là con nhà võ nhưng thấm nhuần đạo lý Nho gia, ông bố đặt cho con gái một cái tên trong sách vở của người xưa “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời đức hạnh làm câu trau mình”.(1)
“Hạnh Nhơn”, người con gái đức hạnh. Cái tên hợp với tính tình và phong cách đạo đức của Cô. Cô dịu dàng, hiền hòa từ cách ăn nói đến đối nhân xử thế. Khi gặp hoàn cảnh ngặt nghèo như tù đày hay khó khăn, người con gái đức hạnh ấy vẫn giữ được phẩm chất của người phụ nữ Á Đông trong thời loạn, chung thủy, chịu đựng, kiên trì vượt qua mọi chướng ngại, thử thách.
Xuất thân từ một gia đình thấm nhuần Nho học, khi lớn lên, Cô tiếp nhận nền văn hóa và giáo dục phương Tây. Cô nữ sinh trường Đồng Khánh học tiếng Pháp. Cô gia nhập đoàn Nữ Hướng Đạo của trường Đồng Khánh. Thời của cô, con gái được bố mẹ cho đi sinh hoạt hướng đạo là một quan niệm mới và tiến bộ. Mục đích của hướng đạo là đào tạo những con người chân thật và kiên cường, tháo vát và mạnh mẽ, luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân, thích nghi với mọi hoàn cảnh, luôn luôn đặt danh dự và trách nhiệm trên hết. Nền giáo dục của ngành hướng đạo bổ túc cho nền giáo dục gia đình và nhà trường, “dẫn đường” cho người đi sau này trở thành người công dân tốt, toàn diện và hữu ích cho đất nước.
Cô đã từng là Trưởng cao cấp, dự những khóa huấn luyện trong phong trào hướng đạo, được nhận bằng “Rừng” (Wood Badge) là đẳng cấp cao nhất dành cho huynh trưởng hướng đạo với cái tên thật là ý nghĩa “Hạc Bác Ái”. Sau này khi sang Mỹ, Cô đã được phong trào Hướng Đạo Việt Nam tại Mỹ tặng huân chương “Bắc Đẩu” và “Bách Hợp” để vinh danh công lao đóng góp của Cô.
Ai đã đặt cho Cô cái tên của loài chim hạc? Chim hạc là loài chim quý. Chim hạc là hình tượng chính trên trống đồng Đông Sơn của Việt Nam. Chim hạc là biểu tượng văn hóa của nước Nhật. Chim hạc tượng trưng cho sự trường thọ, hạnh phúc và an hòa. Chim hạc còn tượng trưng cho sự khôn ngoan, sự cao sang và quyền lực. Bác ái là tình thương mở rộng đến muôn người. “Hạc Bác Ái” cũng như “Thân Từ” là sự hòa hợp của tình người từ trái tim yêu thương của Cô khi đến với những người cùng khổ không chút phân biệt.
Năm nay Cô đã ngoài chín mươi. Với cái tên có nhiều ý nghĩa, “Hạc Bác Ái” đã bay một đoạn đường dài hơn bảy mươi năm, là chứng nhân của những thăng trầm trong giòng lịch sử Việt, đã “khóc cười theo vận nước nổi trôi” của đất nước.
Đâu chỉ có việc ăn cơm nhà vác ngà voi” những chuyện đại sự ngoài đời, đối với việc nhà, tuy xuất thân từ một cô tiểu thư khuê các xứ Huế, người con gái giỏi giang và đảm đang ấy “ngộ biến tòng quyền”. Cô đã từng ôm những mâm khoai, rổ mía đi bán thời tản cư khốn khó để kiếm sống giúp gia đình. Gần năm năm tù đày dưới chế độ Cộng sản, cô đã viết những trang hồi ký “Chuyện Người Tù Cải Tạo” kể lại những ngày sống gian khổ, bệnh hoạn, tủi nhục và cay đắng trong tù khiến người đọc vô cùng cảm động và khâm phục. Bên cạnh trái tim yêu thương, hiền hòa ấy còn là một dũng lực phi thường, một ý chí vững mạnh, lòng tự trọng son sắt để đối đầu với những âm mưu của cán bộ Cộng sản.
Ở tù thời cộng sản, chỉ có các bà đi thăm nuôi các ông. Trường hợp Cô Hạnh Nhơn là một trong những trường hợp hy hữu. Ông đi thăm nuôi bà. Tráng Trưởng Tráng đoàn Hoa Lư Lý Nhật Hướng có tên “Đà Điểu Điều Độ”, người bạn đời lý tưởng, người đã cùng chen vai sát cánh với Cô từ thời thanh xuân, những ngày đổi đời ấy, ông phải đóng vai bà Tú Xương chạy hàng buôn bán nuôi bà vợ ở tù và đàn con chín đứa.
Được trả tự do, năm một chín chín mươi, gia đình Cô lần lượt qua Mỹ theo diện HO2 và đoàn tụ để rồi từ cơ duyên đó, sau này Cô lãnh chức vụ Hội Trưởng Hội Tương Trợ Tù Nhân Chính Trị, tiền thân của Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả phụ Việt Nam Cộng Hòa suốt hai mươi năm.
*
Tôi biết Cô Hạnh Nhơn từ phong trào “Một gia đình, một thương phế binh” của Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa tại nước Mỹ. Hội kêu gọi người Việt đồng hương tiếp tay với Hội bảo trợ một năm hai trăm bốn chục đồng cho những thương phế binh thuộc loại nặng như mù hai mắt, liệt hoặc cụt một hoặc hai tay và chân. Trường hợp thương phế binh nhẹ như mù một mắt hoặc bị nội thương, cụt một tay hoặc chân được bảo trợ một trăm hai chục đồng.
Tôi gửi thư xin được bảo trợ một thương phế binh. Cô chọn và gửi cho tôi hồ sơ và tấm hình của người thương phế binh tên Trần Văn Phụng. Anh bị mù hai mắt, khuôn mặt dị dạng, cánh tay trái bị gẫy, địa chỉ huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa.
Ám ảnh bởi đôi mắt mù của anh thương binh Trần Văn Phụng, tôi về Việt nam tìm đến thôn Phú Bình, xã Cam Tân gặp anh Phụng. Về Mỹ, tôi viết một bài về chuyến đi này. Bài viết được giải thưởng chung kết “Viết Về Nước Mỹ” năm hai ngàn mười sáu.
Khi bài viết được đăng trong mục “Viết Về Nước Mỹ”, cô em gái Hoa Lan trong nhóm Việt Bút đã mau mắn chuyển bài viết này đến Cô Hạnh Nhơn. Từ đó hai Cô cháu thành thân tình, cô thường gửi điện thư hoặc nói chuyện điện thoại với tôi. Tôi kể chuyện chuyến đi thăm người thương phế binh Trần Văn Phụng, về chị Nguyễn Thị Mai vợ của người anh hùng mũ đỏ Nguyễn Văn Đương mà có lần Cô gọi về Việt Nam hỏi thăm chị. Cô tâm tình về hoài bão mong có thêm nhiều tiền trong các chương trình Đại Nhạc Hội để việc giúp đỡ thương phế binh hữu hiệu và tích cực hơn. Cô nói bài viết của tôi làm cho Cô xúc động.
Nhiều bạn đọc Việt Báo Viết Về người Việt có lòng thương khi đọc bài viết này, họ gọi vào hỏi thăm và muốn gửi tiền về giúp đỡ. Tôi cho số phone và địa chỉ điện thư để họ trực tiếp nói chuyện với Cô. Cô gọi điện thoại lại: “Annie ơi. Bà con mình đọc bài của Annie gửi tiền về cho Hội nè. Cô vui lắm. Cô cảm ơn Annie”.
Cô cảm ơn tôi hay tôi phải cảm ơn Cô? Cô là người đã giúp tôi nuôi dưỡng thêm lòng từ bi và bác ái. Cô đã tạo cho tôi cơ hội để làm một việc có ý nghĩa. Cô đã cho tôi bài học phải biết cho đi và cách sống vị tha. Sự đóng góp của tôi thật là nhỏ nhoi so với việc lớn Cô đang làm.
Hôm ra mắt đặc san Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh- Người Thương Binh- VNCH”, Cô gửi cho tôi một quyển với những giòng chữ nắn nót thật đẹp. “Gởi tặng Annie Kim brochure Đại Nhạc Hội kỳ 10 vừa mới in xong. Trong này có đăng bài “Người thương binh và bóng tối còn lại” của Annie. Cô cháu mình còn gặp lại, sẽ nói chuyện nhiều hơn. Thân mến.”
Nhìn nét chữ cứng cáp, chân phương của người phụ nữ tuổi đã gần chín mươi mà vẫn còn làm việc, đầu óc vẫn minh mẫn, lúc nào cũng chu đáo, chân tình, tôi gọi cảm ơn Cô và hẹn gặp Cô trong buổi lễ phát giải thưởng “Viết về Nước Mỹ” vào tháng tám.
Vẫn mái tóc bạc trắng như một bà tiên, nét mặt phúc hậu và giọng Huế nhỏ nhẹ, nhưng lần này cô yếu nhiều và đi đứng chậm chạp hơn trước. Cô là khách mời quen thuộc hàng năm của giải thưởng “Viết Về Nước Mỹ” do Việt Báo tổ chức. Ngồi cạnh Cô là cô cháu gái cưng Hoa Lan. Tôi đến chào và chuyện trò với Cô một lát. Cô cười và nói nhỏ bên tai tôi “Cô chúc mừng Annie”. Có những người bạn của tôi nghe tiếng Cô đã lâu nhưng chưa biết mặt, lần này, trên sân khấu, tôi có dịp nhắc đến Cô, nhắc đến công việc lớn lao Cô đang làm và giải thưởng tôi đang cầm trong tay. Tất cả những gì tôi nhận được tối hôm ấy là những cái duyên trùng trùng nối kết với nhau bắt đầu từ sự quen biết với Cô và Hội.
Có một buổi chiều trời mưa tầm tã, cô em Hoa Lan từ xa xuống Little Saigon ghé tôi chơi một lát rồi đi thăm Cô. Hoa Lan nói đó là lần gặp, được Cô hôn nụ hôn ấm áp cuối cùng trước khi Cô cháu chia tay từ giã. Được tin Cô mất, hai chị em bùi ngùi tâm sự. Tang lễ của Cô rơi vào những ngày cuối của tháng Tư đen. Cô sống khôn chết thiêng, ra đi vào những ngày lịch sử này để mọi người ghi nhớ.
Theo di chúc của Cô, đám tang sẽ không làm lễ phủ cờ, chỉ có hai lá cờ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Hoa Kỳ đặt trên quan tài. Tiền mua hoa phúng điếu xin được xung vào quỹ của Hội HO Thương Phế Binh Và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa. Cô ra đi nhưng vẫn nghĩ đến những người thương phế binh còn lại ở quê nhà.
Ngày viếng tang, đi từ xa, tôi đã thấy những chiếc mũ đỏ, những chiếc áo rằn ri, những chiếc xe “Jeep” treo cờ vàng và cờ Mỹ của tập thể anh em chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đậu trước cửa nhà quàn Peek Family Funeral Home phòng số một. Những chiếc pa-nô đầy những hình ảnh của Cô chụp với gia đình, cá nhân và hội đoàn dựng chung quanh sân. Bức ảnh lớn Cô cười thật tươi bên một lẵng hoa hồng đỏ dựng trước cửa ra vào. Tôi cùng với những người đến phúng điếu sớm nhất trong ngày đầu tiên dừng lại ghé xem. Những trang viết, tiểu sử, hình ảnh, lời di huấn, thông báo....là những kỷ vật mọi người sẽ nhớ mãi về Cô.
Cô nằm đó, an bình, tĩnh lặng. Cặp kính trắng gác trên sống mũi như Cô đang nằm đọc sách. Sau thời kinh tụng cầu siêu, một dãy người xếp hàng dọc theo lối đi, tuần tự vào thắp hương và đứng trước quan tài tưởng niệm Cô lần cuối.
Bên trái quan tài là một tấm pa-nô lớn với hình ảnh Cô giơ cánh tay phải lên chào. Bức ảnh này nếu tôi không lầm là bức ảnh mới nhất chụp trong ngày Đại Hội “Cám Ơn Anh- TPB- VNCH” kỳ 10, Cô mặc chiếc áo “vest” màu xanh. Cô cười tươi và đẹp quá với màu son môi hồng thắm. Mái tóc trắng phau như tuyết chải thành nếp gọn gàng. Còn cặp kính? Tôi nghĩ đến một đời sống mới sau khi chết đi. Chiếc kính này biết đâu sẽ cùng đi theo Cô sang bên kia thế giới lành thiện để rồi tái sinh ở cõi người, Cô sẽ tiếp tục đọc những hồ sơ còn dở dang của những người thương phế binh VNCH như ước nguyện của Cô khi còn sống?
Bốn mươi hai năm sau ngày miền Nam tự do bị bức tử, tháng Tư 2017, những lá cờ vàng trên đường phố Little Saigon góp phần thương tiếc Cô, người Nữ Trung Tá Việt Nam Cộng Hòa, vị Chủ Tịch Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phu, trọn đời tận tụy với đồng bào đồng đội.
Sau khi viếng tang cô, từ nhà quàn trên đường Beach, tôi thấy mình phải đi ra biển.
Chiều tháng Tư, nắng nhạt. biển Huntington Beach vắng. Nhìn sóng biển dào dạt trên bờ cát, rồi nhìn mây trắng lững lờ trên bầu trời, tôi nhớ Cô.
Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
...
Gần xa chiều xuống nào quê quán
Đừng dục cơn sầu nữa sóng ơi (2)
Thưa Cô Hạnh Nhân,
Cô là Hạc Bác Ái của Hướng Đạo Việt Nam. Mây trời và sóng biển nhắc con rằng từ đây, Cô cũng là Hạc Vàng.
Bài viết cho ngày 30 tháng Tư năm 2017. Kính tiễn Cô Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.
Cầu nguyện hương linh Cô vãng sanh Tịnh Độ.
Phùng Annie Kim
Chú Thích:
1 - Thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.
2 - Thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu- Bản dịch sau Tháng Tư 1975 của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương
No comments:
Post a Comment