Monday, April 24, 2017

Người Mỹ không biết nói tiếng... Mỹ.

Từ Sơn


Gia đình tôi đứng xếp hàng một; Người nọ nắm tay người kia, như kiểu đi "xuyên rừng ban đêm sợ lạc". Bà vợ tôi đứng đầu của toán ba người. Tôi bao chót-lâu lâu, lại quay đầu về phía sau, làm như phải kiểm soát cái giống gì, mà thật ra, chả có gì vì đằng sau tôi trống bóc. Tụi tôi là những người chót của dòng người chờ đợi bên ngoài, mong sớm được vào bên trong tòa nhà, uy- nghi và đồ-sộ đằng kia: Sở Di- Trú Seattle! Chẳng là hôm nay, gia đình tôi được gọi lên, "Phỏng vấn nhập Mỹ tịch".

Trấn ngay trước cửa, hai ông an-ninh mặc đồng phục: Áo mầu đất thó, quần mầu cứt ngựa sậm.

Mỗi ông, một khẩu súng lục sệ sệ bên hông. Ông nào ông nấy to lớn dềnh dàng. Một ông để râu chữ O quanh mép. Ông kia, mặt mày trụi lơ. Ngoài khẩu súng lục, các ông còn cầm thêm cây gậy ngắn, tựa như cây "dùi cui" của mấy thày Cảnh Sát Việt- Nam Cộng- Hòa thời xa xưa. Thỉnh thoảng lại thấy một ông, lấy cây gậy "huơ  huơ" quanh thân mình người khách nào đó, chắc là để dò tìm vũ khí hay là cái chi chi bất hợp pháp. Nét mặt các ông An ninh in hệt nhau, "nghiêm và...buồn"! Liếc nhìn mấy ổng, tôi sực nhớ hồi còn bé, mỗi lần ra Chùa làng, thấy mấy pho tượng ông Thiện, ông Ác trấn trước lối vào Tam Bảo mà sởn  tóc gáy!

Trời tháng Giêng xứ này, lạnh muốn nổ lỗ nhĩ, thêm mưa dầm, khiến bà con đứng ngoài trời, mặc sức  đua nhau run lẩy bẩy, cho dù đã mặc  ba bốn lần áo.

- Sáng ra, kêu năm lần, bảy lượt mà bố con không chịu dạy. Đi trễ quá, xếp hàng chót bẹt, lạnh chết cha!

Bà Xã nhà tôi nhỏ con mà lớn tiếng. Cự nự về việc tôi làm biếng dạy sớm, kề rề, cà rà nên mới xảy ra cớ sự này đây.Tôi làm bộ đả đớt:
- Rồi cũng tới phiên mình. Lo gì.
- Xí! Ông thì lúc nào cũng vậy. Trễ là do ông không!

Sự cằn nhằn của bà Xã tôi, xét ra cũng có lý. Bả luôn luôn là con nguời mau mắn- một người được bạn bè tặng cho mỹ từ "Uy tín số một". Uy tín gì không biết, chớ bả hẹn ai hay ai hẹn bả thì bả lúc nào cũng đến trước giờ hẹn, tối thiểu mười lăm phút. Chả vậy mà, hồi tôi mới quen bả, lần đầu hẹn "nàng" đi chơi. Theo kinh nghiệm có được từ  Sách vở, Cẩm Nang về "Tâm Lý bạn gái" của những Cao thủ lão luyện truyền đạt, tôi tính toán chi ly, rồi tà tà đến sau giờ hẹn  năm phút cho "phải đạo" thì hỡi ơi, nàng đã lù lù ở đó từ hồi nào, mặt mày bí rị. Tôi giục đại chiếc xe đạp cà tàng lên lề đường, chạy ào lại, rối rít năn nỉ, ỉ  ôi...

Bản tính của tôi hay nhường nhịn, mỗi khi vợ con rầy la, tôi chỉ việc cho hồn bay đi...chỗ khác, mặc ai nói gì thì nói, cho êm chuyện. Mà kể cũng lạ, thấy tôi làm thinh, không trả lời trả vốn  gì thì bả cũng thôi, không lằng nhằng tiếp.

Dòng người xếp hàng một dài như con trùng đất. Tôi chợt nhớ đến những con trùng đất dài lòong thòong ở Trại Tù Phú- Sơn 4, Tỉnh Thái Nguyên, Bắc VietNam. Có nhiều con đo được hơn nửa thước. Lâu thật lâu, cái đầu nhích lên một chút rồi cả... tháng sau, phần đuôi mới động đậy!

Nói nào ngay, chuyện xếp hàng ở xứ này, là một sinh hoạt bình thường, chẳng thấy ai "còm len, còm nỉ" gì hết cả.Vậy mà lác đác, cũng có vài "trự" ăn gian, chém vè, lấn lên vài chỗ. Đâu cũng thế- Sài- Gòn, Chợ lớn cũng là Sài- Gòn. Chả bù hồi năm 78-79 ở Việt-Nam, mỗi lần đi lãnh quà ở Tân- Sơn Nhứt hay tại đường Cô Giang, Sài Gòn. Giành chỗ đứng từ 1- 2 giờ  sáng. Đứng rục cả chân, chờ dài cả cổ đến tận 1,2 giờ chiều mới lãnh được gói quà do thân nhân từ ngoại quốc gởi về. Nhiều người từ dưới Tỉnh lên trễ, phải "mua chỗ". Người "bán chỗ" là những người tay trong có ăn, có chịu với nơi phát quà. Mỗi chỗ, tùy theo gần,  xa mà thỏa thuận giá cả. Thiệt hết biết!
- Go! Go!

Tôi giật mình đánh thót một cái vì tiếng gọi oang oang ngay lỗ tai.Tiếp theo là lời thông dịch, không ai khác hơn là bà Xã nhà tôi, hối hả:
- Đi lẹ lên ông!

May mắn gia đình tôi vào hết. Tôi nói:
- May quá nhà mình vào đủ, chẳng lọt ai.
- Còn ai đâu mà không lọt, cái ông này
- Hề...Hề...!

Ông Mỹ An ninh đứng chống nạnh, chờn  vờn như ông Thần nước mặn, sì  sồ, sì sào đưa cánh tay như cái dùi chuông Đại-Hồng của Chùa Vĩnh-Nghiêm ngoắc cho tôi đi qua cái khung dựng khơi khơi ngay lối đi, sau khi đã lột bỏ đồng hồ, chìa khóa, bóp vào cái rổ cho ông an ninh kia kiểm soát.

- È...È..È...!
Cái máy đột nhiên phát ra tiếng kêu, vậy là có chuyện chẳng lành rồi. Ông an ninh phẩy tay cho tôi lùi lại phía sau khung kiểm soát, làm dấu, bảo tôi moi hết túi quần, túi áo xem có gì còn sót không?

Tôi lính quýnh rà lại các túi... Không... sạch trơn. Không có  một tí gì.

Ông Mỹ lại ra dấu cho tôi chui qua cái khung quái ác... Và y  như lần trước:
- È...È...È...!

Quái lạ! Đó là cái gì? Hai bàn tay tôi múa loạn cào cào. Móc hết túi quần, móc đến túi áo. Ông ta bảo tôi cởi áo lạnh.Tôi cầm chiếc áo dơ cao khỏi đầu thì cũng là lúc, ổng thò tay vào cái  nhỏ-cái túi bé xíu nằm trên miệng túi quần "Jean", lôi ra cái muỗng xinh xinh bằng ngón tay út, đưa trả lại tôi và cho phép tôi, tiếp tục đi vào bên trong. Tôi đỏ mặt, lí nhí vài lời xin lỗi trong khi bà Xã tôi, nhăn  như khỉ ăn mắm tôm:
- Mang cái muỗng đi làm chi vậy?

Tôi chống chế:
- Hôm qua đi "Good will" thấy cái  muỗng hay hay mua về để... múc tương ớt. Lu bu quên cất, mang đi luôn.

Bà Xã tôi tính cự nự tiếp thì con Loan, con gái tôi cắt ngang:
- Thôi Mẹ. Mẹ thông cảm cho Bố đi. Lúc con chưa có, mẹ cự mấy, con cũng không dám cản. Bây giờ Bố già rồi, lâu lâu lẩm cẩm một chút mà Mẹ...

Bà Xã tôi nguýt con gái một cái thật dài:
- Thì mày đã có đâu mà nói là không dám cản?

Lời loan báo được phát lên qua loa phóng thanh lê thê như gió mùa Tây Bắc át ngang cuộc đấu khẩu. Tôi nghe cái gì như "xích..xích". Bà Xã tôi nhanh nhẩu:
- Mình vào phòng số Sáu. Phòng số sáu ở đâu hả ông?

Cha mẹ ơi, tôi có đến đây hồi nào đâu mà rôi khi không bị hỏi ngang xương như vậy, nhưng cũng giải đáp kịp thời, cốt làm vừa lòng "bu nó":
- Nó ở kế phòng số năm.
- Thế phòng số năm ở đâu?

Tôi cà lăm nặng:
- Ờ...ờ.. để kiếm coi. Chắc nó đâu đó trong này thôi!
- Chớ không lẽ nó ở ngoài đường!

Nói thì nói thế, chư tôi cũng ùa theo đám người đi trước, riết rồi cũng tới. Đó là căn phòng lớn, người ngồi chật ních, đủ mọi sắc dân: Âu, Á, đen, trắng, nhờ nhờ sô cô la... già, trẻ, trai, gái... Người mập ú  ụ, kẻ ốm  tong teo... Ông cao, bà  thấp, nhấp   nhô, lố nhố... xì xào như chợ bán đồ lậu. Tôi đang dớn dác kiếm chỗ ngồi, bỗng nghe tiếng gọi giật giọng thật quen:
- Ê  Bốp! Lại đây nè!

Tuy không phải tên Bốp nhưng tôi cũng toét miệng cười:
- Chà! Đến sớm thế, còn chỗ không?
- Còn thì mới gọi chớ, Vớ vẩn! Trông ông mãi. Bộ ngủ trễ hả?
- Xuỵt!  Đừng có la. Bả mới cự nự nãy giờ, cha nội! Đêm qua làm "ghê síp" (1) dậy không nổi.
- Hèn chi! Vậy còn muốn "cái" gì nữa. Bộ không thuộc hả?
- Còn hơn "kéo cưa" chứ  ở đó mà không thuộc.

Tôi quay sang chỗ vợ tôi;
- Em này, Anh Tư dành chỗ cho  mình...

Nhưng họ còn nhanh hơn tôi tưởng, hai người đàn bà đang chụm lại rù rì, to nhỏ...Tôi hỏi Tư:
- Họ hẹn ông mấy giờ?
- Mười một giờ. Giờ mới hơn tám giờ. Sớm chán. Còn ông?

Tôi đáp:
- Sau ông nửa tiếng. Có ai vào chưa?
- Lai rai. Người Việt mình coi bộ ít quá. Không thấy ai quen để hỏi thăm. Ông chuẩn bị xong chưa?

Trong bụng tôi như có cả chục sòng lắc Bàu cua song vẫn làm ra vẻ bình tĩnh, cóc cần đời:
- Gì đâu mà phải chuẩn bị! Tới đâu thì tới. Lo chi bắt mệt!

Tư nheo mắt:
- Ngon hén! Lo thì lo trước, giờ này mà lo cái gì!

Vậy chớ tôi cũng thăm dò:
- Có nghe họ hay hỏi cái gì không?

Tư làm ra vẻ thông thạo:
- Đại khái, ai là Tổng Thống Mỹ đầu tiên? Có bao nhiêu Tiểu Bang? Cờ có bao nhiêu sao, bao nhiêu vạch? Sao,vạch tượng trưng cho cái gì? vân vân và vân vân...

Thằng chả làm một dây khiến tôi phục lăn:
- Cha chả, rành sáu câu! Ông có mang mấy câu "Tủ" đi không?

Tư trợn mắt:
- Nũa! Giờ mà còn học cái gì! Bộ tính làm "phim" copy hả?

Tôi cười cười:
- Tranh thủ! Tranh thủ! Trong khi chờ đợi. Được chữ nào hay chữ đó, Tám. "Có còn hơn không... có còn hơn không..." Tôi nhại theo một bài ca.

Tư bật cười, lấy trong túi xách cho tôi xấp giấy:
- Đừng có lo. Họ hỏi theo nghề. Cậu chắc chắn sẽ "bát".

Tôi chụp liền:
- Hỏi theo nghề là sao?

Vẻ mặt của hắn bỗng nhiên trở nên nghiêm trọng,âm u:

- Hỏi theo nghề là, nếu ông là Luật- Sư hay Bác Sĩ họ sẽ hỏi nhiều và hỏi khó. Còn nếu ông đi rửa chén, rửa cầu tiêu, họ hỏi dễ hơn. Cỡ mình, chừng mười phút là tối đa. Họ dư biết tiếng Anh, tiếng "em" của mình tào lao nên chỉ hỏi loáng thoáng thôi.

Tôi bắt chước giọng nói trong phim Bao Công:
- Có chuyện đó sao?

Bây giờ đã hơn chín giờ. Công cuộc phỏng vấn nhập tịch vẫn tiến hành. Những người được gọi hân hoan khi vào, đôi người méo mó khi ra nhưng phần đông, tươi tỉnh, nòi cười rộn rã. Chốc chốc các phỏng vấn viên xuất hiện gọi tên. Họ không hoàn toàn  là Mỹ. Có người da nâu, tóc đen chắc gốc Nam Mỹ. Có người râu rậm mũi cao chắc thuộc vùng Trung Đông  và những người da vàng Á Châu.

Tuy có sẵn các câu "tủ" nhưng chữ nghĩa vốn đã mờ mịt thêm lúc này, biến đi đâu hết ráo. Nó như những trái "ping pong" nẩy ra còn xa hơn lúc đập vào! Tôi vốn là người tối dạ, không "khứng" với chuyện Văn Chương chữ nghĩa cho lắm. Bốn năm chục năm trước, tôi cũng được đi học, đi hành như ai nhưng văn bài là một cực hình đối với tôi. Trong lúc các bạn chăm chỉ nghe thày giảng bài và làm bài thì tôi chỉ lén lút đọc tiểu thuyết, đủ các loại: Xã hội- Võ hiệp- Trinh thám. Các môn Toán-Lý-Hóa, Sinh Ngữ, Quốc Văn chỉ là những liều thuốc đắng nghét nuốt không vô! Người ta thi một, hai lần. Tôi thi cả chục lần vẫn "Xôi hỏng bỏng không"! Những ngày trước khi đi Mỹ, bạn bè đua nhau đi học Anh Văn, tôi cũng bị trào lưu cuốn hút, cũng đêm đêm cắp sách đi học. Rốt cuộc đâu cũng vào đó "Chữ Thày lại trả cho Thày..." Và thế cho nên, đến giờ này, tiếng Anh tôi mù tịt!

Dường như Trời Đất cũng không nỡ tuyệt người nào, nên mới có câu: "Trời sinh voi, Trời sinh cỏ". Tôi may mắn có được bà vợ nhanh nhẹn, tháo vát. Chắc kiếp trước bả nợ tôi cái gì đó nên kiếp này kiếm tôi để trả. Tôi tin thế. Mọi chuyện giấy tờ "đi đứng" từ lúc còn ở quê nhà cho đến khi qua bên Mỹ này, một tay bả lo ráo! Tôi chỉ vác cái mạng mộc ra cho có Vị thôi. Cũng vì vậy, đôi khi bả "lên" thì tôi im lìm "xuống" một chút chả mất mát gì và... không lấy làm khó chịu cho lắm!
- "Nàm" cái gì mà mặt cứ "đực" ra vậy, Bốp? Tư chọc quê.
- Ậy! Ậy!...Đặt tên là phải mất nồi chè nghe bạn!
- Thì người ta tăng cho cái tên mới, trước khi vô "tét" lấy hên mà.
- Không biết có "bát" không đây chứ chả" bốp" với "chát".
- Không "bát" thì "pheo". Sáu tháng nữa, xào bài làm lại. Lo chi cho tổn thọ.
- Biết vậy. Nhưng mất công, mất thì giờ, tốn tiền nữa chớ bộ.

Tư trấn an:
- Nhìn  mấy cái mặt vừa ra kia kìa.Mặt nào cũng tươi rói. Chắc không đên nỗi nào. Mà này nói chuyện khác đi.
- Ừ phải đấy. Chuyện gì bây giờ?Tôi ngớ ngẩn hỏi lại hắn.

Tư chậm rãi:
- Lẹ thật ông ạ. Mới ngày nào, tôi với ông đứng  lớ ngớ ở Phi Trường chờ làm "Ai nai ti pho" thế mà đã sáu năm, tám tháng rồi, mau thật mau...

Tự dưng máu hề lạ hoắc ở đâu chạy lạc vào tim, tôi lại đâm hơi "...Thời gian trôi đi nhanh quá... Tiếng Anh tôi chưa kịp ghép vần... Một đường binh, mậu thầu.. mậu lúi.. thì chết cha đời tôi còn gì...." Đang hứng chí, chân mình bị đạp một cái muốn ná thở:
- Này già rồi, chớ đâu còn lên năm, lên ba  gì nghe ông. Nó đuổi ra thì ê mặt cả lũ!
- Bà này hay xen vào "công việc nội bộ" của người ta...

Tư nhìn tôi lắc lắc cái đầu... thông cảm...

Đã nói, trong óc tôi không có loại "tế bào bút mực" nên khi đụng đến bài vở là tôi bị phản ứng mạnh. Âu cũng đành phó thác cho số mệnh, chuyện gì tới sẽ tới, thế thôi. Nghĩ thế chẳng phải là để tự an ủi nhưng đã đến nước này, có chạy đàng trời cũng không thoát.

Nhớ lại một lần, cách đây chừng 4,5 năm, tôi có dịp đi ăn cưới con của thằng bạn thân ở California. Không thân sao được khi hai đứa tôi chơi với nhau từ khi bắt đầu học Tiểu-Học, cùng lên Trung-Học. Ngày đi lính, nó chọn Hải Quân, còn tôi không muốn xa nhà,  nên chọn  Địa-Phương quân  cho tiện bề sổ sách. Thằng  này lại thầm thương con em gái thứ năm của tôi, do đó nó hết sức o bế, chiều chuộng tôi. Một tuần sau ngày "đứt phim" tôi thấy nó bèo nhèo đến tìm tôi-trong lúc tôi cứ đinh ninh nó đã đường hoàng ở Mỹ!

- Tao cứ tưởng giờ này mày ở Oa- sinh- tông mất đất. Sao còn ở đây? Bộ tàu chết máy hả? Tôi nói.
- Còn hỏi!
- Hỏi để coi  mày nói tại sao?
- Sao mày không hỏi con Năm, lại hỏi tao!

Con em tôi vì thương Ba Má tôi mà không đi với nó. Nó vì tình, cắn răng ở lại và cùng tôi dắt nhau đi tù...

Mấy năm sau, ra tù, nó được người ta móc nối, vượt biển và được định cư tại Mỹ. Hai vợ chồng có một con  trai duy nhất. Đám cưới thằng nhỏ, nó nằn nì vợ chồng tôi xuống dự, luôn thể, bạn bè gặp gỡ,tâm sự này nọ. Kẹt nỗi, nhà tôi chỉ có ba người, kéo đi hết thì không được vì con gái tôi đang trong kỳ thi cuối, để nó ở nhà một mình lại càng không ổn, do vậy, bà Xã tôi quyết định, cho phép tôi đi một mình.

Ngàn năm một thuở, vỗ cánh chim bay. Tôi khấp khởi mừng thầm. ngoài mặt vẫn làm ra vẻ rầu rĩ,bất đắc dĩ phải chịu cảnh "lẻ bóng" mà "vân du" tìm thằng bạn nối khố thuở nào... Tôi tả oán: "nào là lên máy bay, Mỹ nói không hiểu, sẽ đi lạc... Muốn đi tiêu, đi tiểu thì làm thế nào..."

Bà Xã tôi tuy là đàn bà nhưng mang mạng "Hỏa" sinh vào vai ông Hoàng Đế nên tính nóng như lửa, cương quyết như dũng tướng, bả phán:
- Anh không nhớ anh Thành kể chuyện, một bà già đi diện ODP, không biết một chữ tiếng Việt, thế mà cũng phom phom một mình,lên máy bay ở Tân- Sơn- Nhứt, xuống Phi Trường San Francisco  đúng không sai một giờ đó sao?
- Bà ấy là bà già.
- Còn anh là ông già chứ là cái gì?Anh cứ cầm cái vé ở tay. Gặp mấy "con" tiếp viên chìa ra cho nó coi, không cần nói gì cả. Tức khắc nó sẽ chỉ đường cho anh đi.

Tôi đành riu ríu theo vợ con ra Phi trường Seatac đi California.Vì là mùa hè, người đi du lịch đông như chảy Hội và các Hãng Hàng Không đều tăng thêm các chuyến bay. Có hai chuyến cùng cất cánh một giờ cùng đi về hướng California. Một chuyến bay thẳng từ Seattle đi Ontario không ghé trạm nào hết. Chuyến kia, cất cánh từ Seattle nhưng ghé Porland- Los Angeles hình như đi tiếp đến Mexico. Lịch bay ghi giờ khởi hành 12:00 am  cho cả hai chuyến nhưng không biết vì lý do gì, giờ bay cứ bị hoãn lại nhiều lần. Đến sáu giờ chiều, bà xã tôi phải về, bả dặn:

- Số ghế cua anh là "tu - i". Anh thấy không, bả chỉ tay về chỗ mấy đứa trẻ-mấy đứa con nít cũng đi một mình. Trên phi cơ họ lo hết ráo. Em về không tối rồi.  Chiều mai, em ra đón anh.

Một đỗi sau, trên loa phóng thanh, tiếng  cô gái Mỹ như chim hót mùa Xuân, líu lo, trường giang, đại hải những gì mà Trời Phật ơi, tôi không hiểu được một chữ! Mọi người đứng lên. Thoáng nghe ai đó nói bằng tiếng Việt:
- Đi  "lốt" đổi tàu.

Người ta xếp hàng ở hai cửa. Tôi phân vân không biết cửa nào đi Los Angeles, bèn bạo dạn hỏi ông Mỹ ngồi bên:
-  "Sơ...sơ..."  go... California?
- Ổng tròn mắt nhìn tôi một lúc rồi gật đầu.

Để chắc ăn,tôi đưa cái vé ra,hỏi thêm:
- Sơ...! Lốt  ăng giơ lết?

Vừa nói, tôi vừa chỉ tay vào chữ Los Angeles in trên vé, rồi lại chỉ vào ổng và thêm luôn một lèo: "Go with you, OK? Ông Mỹ mỉm cười gật đầu nhẹ nhẹ.

Vậy là được, chắc ổng cùng đường với mình,  theo ổng trúng phóc! Tôi hiên ngang xách va li lên tàu, theo sau ông Mỹ. Cô Tiếp viên thấy tôi cầm chiếc vé trên tay, lại là người ngoại quốc lớn tuổi nên lịch sự nhỏ nhẹ chào và dễ dàng nhường chỗ cho tôi đi qua.

Phi cơ khởi động và cất cánh. Tôi nhắm mắt lơ mơ nghĩ đến cuộc hội ngộ cùng người bạn thân sau nhiều năm xa cách. Hồn đang bay bổng theo chiếc phản lực cơ thì một bàn tay đập nhẹ vào vai tôi:
- Do  you speak  English, Sir?

Tôi bắt được chữ English nên lắc đầu.
- Can you speak Chinese, Japanese or Vietnamese?

Tôi mau mắn:
- Viet Nam... À...Vietnamese!
- Ticket please, Sir!

Cô gái vừa nói vừa làm dấu. Tôi " đoán" rất nhanh, móc túi đưa tấm vé cho cổ. Cô Tiếp viên liếc qua cái vé, lúc lắc đôi mông quay đi. Lát sau, dẫn theo một người thanh niên Á-  Châu trở lại chỗ tôi:
- Chú Việt Nam hả?
- Vâng, tôi người Việt Nam.

Mặt anh chàng nhăn như con khỉ đột:
- Bố già ơi! Bố đi lộn tàu rồi!

Tôi nhảy nhổm:
- Chết cha! Rồi làm sao?
- Chú đi "Lốt" đúng ra phải vào cửa "A". Chú đi lộn sang cưả"B". Tàu này đi thẳng Ontario. Sao lúc lên tàu chú không hỏi rõ?. Giờ lỡ rồi, chú phải xuống Ontario. Chú chịu khó chờ khoảng năm tiếng đồng hồ, sẽ có người hướng dẫn chú chuyển tàu về Los Angeles.

Tai hại bạc tỷ chớ chẳng chơi. Từ đó tôi cạch, không bao giờ dám đi xa một mình. Tôi ước gì mình có "phép lạ", học đâu nhớ đấy. Tiếng Anh hay tiếng gì...gì... cũng nói được ro ro... Trong thoáng chốc, tôi nói tiếng Anh văn chương, lưu loát... Rồi tôi được gọi vào phỏng vấn.  Phỏng vấn viên của tôi là cô gái Mỹ, tóc vàng như tơ nõn. Đôi mắt to xanh biếc da trời kèm  theo hai hàng mi cong  vút chân mây...
- EXcuse me... Excuse me... Do you hear me, sir...

Tôi giật mình trở về thực tại. Một cái mông như loại mông đô vật "Sumo" lù lù đưa ngay trước mặt. Người đàn bà thuộc sắc dân nào đó, được gọi tên, hối hả băng qua mặt tôi, bước vội ra khỏi hàng ghế. Cái khối thịt không có một tí ti thẩm mỹ nào, đã đè bẹp tất cả những hình ảnh xinh đẹp của tôi vừa có trong mơ. Tôi còn đang bàng hoàng thì chợt vợ và con gái tôi, từ hai phòng khác nhau, phơi phới bước ra:

- 7/- Anh ơi, em "bat" rồi. Chiều nay 3 giờ tuyên thệ.
- Con cũng thế. Bố chưa được gọi à?
- Chưa. Chúc mừng mẹ con mày.

Vừa đúng lúc, một ông Mỹ cầm giấy ra gọi tên tôi. Tôi lật đật đứng lên theo ông ta vào phòng.
- Good  morning! How are you, to-day?

Tôi đáp như cưởng học nói:
- Good morning, Sir! I am fine. And you?

Ông Mỹ nhìn tôi qua cặp kính trễ mũi, miệng nở nụ cười:
- Cám ơn  ông, tôi rất khỏe. Mời ông ngồi. Ông thấy đời sống ở Mỹ thế nào?

Tôi như trên trời rơi xuống:
- Dạ...dạ tuyệt vời. Tuyệt vời như giọng nói tiếng Việt của ông vậy!
- Không dám ông quá khen. Tôi đang trau dồi tiếng Việt và học thêm chữ Hán vì tôi nghĩ, hai thứ tiếng đó gần gũi với nhau. Chắc ông có đọc Lịch Sử và Địa Lý  của Hoa Kỳ?
- Thưa có nhưng không nhớ được nhiều.

Ông Mỹ gật gù:
- Thế là tốt. Miễn là có đọc. Ông hãy nói vài điều về một Quốc Gia  mà ông sẽ là công dân của nước đó đi.

*
*         *

Có phải vì tôi không dám làm những việc dữ? Có phải vì tôi hay cầu nguyện Trời, Phật phù hộ? Hay cũng có phải "Trời sinh voi, Trời sinh cỏ "? Cho nên những kẻ kém thông minh như tôi, may mắn  được hưởng "thái bình"?

Người Mỹ phỏng vấn tôi, từng sống ở Việt Nam nhiều năm, nói tiếng Việt sành sõi cũng như thấu đáo phong tục tập quán Việt Nam. Ông ta hiểu rõ hoàn cảnh của những người Việt  ty nạn lưu vong sau năm 1975 và thế là tôi cũng "bát".

Từ bấy giờ, tôi đã là công dân Mỹ, trong giấy tờ hộ tịch nhưng khuôn dáng vẫn thuần túy  Việt- Nam mũi tẹt, da vàng, sặc mùi nước mắm! Ngoài ra có  điểm đặc biệt hơn ai hết: Không biết nói tiếng Mỹ mà lại có tên Mỹ: Robert  Nguyễn!


Từ Sơn

 (1) Ghê- síp: grave shift.


No comments:

Blog Archive