Wednesday, April 26, 2017

Sỹ Quan Hải Quân Mỹ và Plan B



26
Người khôn ngoan thường có kế hoạch dự phòng cho mọi kế hoạch trong đời, người Mỹ gọi đó là Plan B. Xã hội Mỹ năng động và nhiều biến chuyển khiến con người ta đôi khi cũng có cảm giác bất an với một kế hoạch duy nhất trong đời mình.

Đêm nay là đêm trực cuối cùng trong chuyến huấn luyện tác chiến dài gần một tháng trên biển. Bộ sậu trực buồng lái chúng tôi nhân lúc rảnh rỗi nên buôn chuyện. Tôi đặt ra câu hỏi về Plan B của mỗi đứa sau khi rời Hải Quân Hoa Kỳ, dù đó là hồi hưu sau hai mươi năm hiện dịch, hay chỉ là chấm dứt hợp đồng có hạn định.

Tôi bắt đầu với James, sỹ quan tốt nghiệp từ Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ-U.S. Naval Academy- danh tiếng. James được tôi tặng một biệt danh là chàng thi sĩ triết gia. Hắn nổi tiếng với những vần thơ tình cảm tác trong những đêm biển tĩnh lặng như màu đen của vũ trụ. Những vần thơ của hắn đầy tính triết lý cuộc đời. Và khi đó, bóng dáng quân nhân đã biến mất, nhường chỗ cho một thi sĩ đi tìm chân lý của cuộc sống, của những xung đột có tính loại trừ nhau của nhân loại mà hắn và đồng đội có sứ mệnh phải bảo vệ mảnh đất của tự do này.

James nói:

- Tôi muốn làm giáo sư đại học môn lịch sử triết học, và muốn làm nghiên cứu về triết học trong văn chương.

Kế hoạch này có vẻ khả dĩ, vì James có bằng cử nhân lịch sử từ một viện đại học danh tiếng. Hắn còn tự nguyện làm tổng quản thư viện cho chiến hạm, có nhiệm vụ đặt mua sách hay cho toàn quân và hắn đã dựng nên một thư viện sách chất lượng cho chuyến viễn chinh sắp tới của tàu. Nói về khối lượng tri thức nhờ đọc sách của hắn thì có lẽ ít nhất là gấp mấy lần bình quân người Mỹ, và không biết gấp mấy chục lần thanh niên Việt bên kia bờ đại dương, nơi văn hoá đọc còn rất khiêm tốn. Đó là chưa kể nền xuất bản có kiểm duyệt của chế độ cai trị bằng ngu dân.

Khi nghe James tự giới thiệu mình là cử nhân chuyên ngành lịch sử học, thú thật tôi không tưởng tượng ra được giới hạn của kiến thức của một người có chuyên ngành này ở Mỹ, vì ở Việt Nam thì chuyên ngành lịch sử ra trường chỉ có làm giáo viên dạy sử nhai đi nhai lại chiến thắng Điện Biên Phủ và cái gọi là chiến dịch Hồ Chí Minh. Nếu không làm giáo viên thì cũng làm việc ở Bảo Tàng Lịch Sử Chiến Tranh. Lịch sử Việt Nam thời mạt vận được gói gọn trong những cái chiến thắng "xây xác quân thù" và máu lửa trên cái khăn quàng cổ đồng phục của học trò.

Thế nên, tôi ngạc nhiên về kiến thức lịch sử văn minh nhân loại và lịch sử triết học của James. Khi hắn nhắc tới Immanuel Kant, một triết gia người Đức, tôi liền chen vào cái tên Karl Marx để coi một cựu sinh viên từ nước Tư Bản "đế quốc" có hiểu gì về chủ nghĩa cộng sản hay không.

Ngoài sự tưởng tượng của tôi, James nói:

- Communism is a utopia. But more importantly it deprives human beings of their uniqueness. God creates a human being to be unique but the communists take it away from God.

Tạm dịch là, "Chủ nghĩa Cộng Sản là sự không tưởng. Nhưng quan trọng hơn là nó cướp đi sự riêng biệt của mỗi người. Thượng Đế tạo ra loài người để mỗi cá nhân là một tác phẩm riêng biệt nhưng những người cộng sản đã cướp đi sự sáng tạo này của Thượng Đế". 

Lặng người. Một cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử ở một học viện danh giá của Hoa Kỳ chỉ nói một câu về chủ nghĩa cộng sản mà đã đầy đủ ý nghĩa vô cùng.

Rồi tôi lại nghĩ tới hơn 80 triệu người bị cướp đi sự riêng biệt mà tạo hoá đã ban cho họ, nào là những em học sinh mang khăn quàng đỏ cùng là cháu ngoan của một người, nào là hàng triệu con cháu miền Nam mỗi năm lại nghỉ lễ ăn mừng ngày cha ông và người thân quen của mình bỏ mình trên biển cả trên đường vượt biên tìm tự do, nào là những dàn đồng ca gọi những tiếng nói chân chính vì tương lai dân tộc là "phản động"...

Phải chăng có quá nhiều người Việt đã mất đi sự riêng biệt mà Tạo Hoá đã dành cho mình sau khi đã sống quá lâu với cộng sản?

James đã làm không gian cô quánh lại. Tôi hỏi thêm là có phải hắn sẽ rời Hải Quân Mỹ sớm để về miền Đông Bắc, thủ đô học thuật của nước Mỹ để lấy bằng PhD. Hắn gật đầu. Vậy là Hải Quân Mỹ sẽ mất đi một sỹ quan trẻ kinh thông lịch sử và thông thái về kiến thức. Một cảm giác mấtmát bỗng thoáng qua.

Người thứ hai tôi hỏi là Tony, sỹ quan Hoa Tiêu của chiến hạm. Tony có ông bà nội là người Ý di dân thế hệ đầu tiên sau Thế Chiến thứ hai. Mẹ Tony là người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan nên Tony mang trong mình 75% dòng máu Ý Đại Lợi. Tony giống người La Mã xưa với cái mũi cong và tóc quăn thời võ sĩ giác đấu Gladiator. Hắn tốt nghiệp từ một đại học danh tiếng ở New York chuyên ngành kỹ sư điện.

Tony là tín đồ Công Giáo rất ngoan đạo. Hắn sẽ là sỹ quan kỹ thuật hạt nhân nếu tốt nghiệp khoá chuyên sâu về hạt nhân trong hai năm tới.

Khoá học này là một trong những khoá học “chăm” nhất của quân đội Mỹ. Sỹ quan nào được chọn đi học ngành hạt nhân đều được phỏng vấn trực tiếp bởi sỹ quan mang cấp bậc từ Chuẩn Đô Đốc trở nên, vì ngoài sự đòi hỏi về sự thông minh còn là những cá tính và tính cách phù hợp với ngành nắm bí mật quân sự hàng đầu của quân lực Hoa Kỳ. Sỹ quan hạt nhân của Hải Quân Mỹ là kẻ được giới săn đầu người lùng rất kỹ, lương bổng cũng rất cao nên khả năng Tony rời Hải Quân trong vài năm tới cũng cao theo.

Tony nói là sẽ về New Jersey làm trong viện hạt nhân hay nhà máy điện hạt nhân. Tony thầm yêu người chị gái của bạn thân từ thời trung học hơn hắn hai tuổi. Trước chuyến viễn chinh này, hắn đã tỏ tình và cô chị kia đã đồng ý làm bạn gái của hắn. Đúng là tư duy kiểu Mỹ. Tony muốn về lại quê nhà để lập gia đình với người tình trong mộng kia. Và đây cũng là một động lực khiến Tony sẽ rời cuộc sống lênh đênh trên biển này. Nhưng đó vẫn chưa là điều chắc chắn, vì biết đâu chuyến viễn chinh sẽ làm hắn có cái nhìn khác về danh dự của bộ quân phục sỹ quan Hoa Kỳ mang trên người.

Tony còn nói thêm ước vọng là sẽ đi du lịch Châu Á trước khi kết hôn, và mong muốn được đối diện Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ. Nghe điều náy, tôi khá ngỡ ngàng vì Tony và gia đình nội ngoại đều là giáo dân Công Giáo sùng đạo ở khu Công Giáo Ý Đại Lợi ở tiểu bang New Jersey. Có lẽ lằn ranh tôn giáo không làm hắn bận tâm, vì hắn đã ngưỡng mộ vị lãnh đạo tinh thần khả kính này từ lâu.

Đến lượt tôi, tôi chỉ muốn có được một cái nhà vườn ở một miền quê nước Mỹ để trồng rau, trồng hoa, nuôi gà và nuôi một cặp chó bẹc-giê khi hồi hưu. So với hai người sỹ quan trẻ này thì tôi có lợi thế về hồi hưu hơn họ vì đã đi quá hai phần ba đoạn đường rồi.

Nếu mọi Plan B đều phải được thực thi thì cả ba chúng tôi sẽ đi theo ba hướng khác nhau. Nhưng trước hết là Plan A khi chúng tôi cùng nhau phục vụ quân lực Hoa Kỳ.

Chúng tôi đã thề trước Hiến Pháp Hoa Kỳ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ nền dân chủ và tự do của quốc gia và chiến đấu vì tự do dân chủ trên thế giới này. Chúng tôi phải giữ lời thề quân nhân như là danh dự của chính mình.

Nhiều quân nhân Mỹ có Plan B, nhưng Plan A luôn là tổ quốc, danh dự và trách nhiệm.

Trần Du Sinh

No comments:

Blog Archive