Biển Lửa
Phan Việt Thủy
Chị Tám bước vào khỏi cửa, người chị muốn té xỉu xuống nền nhà, mặt mày choáng váng. Chị Tám nằm dài trên chiếc chiếu vẫn trãi sẵn hàng ngày cho mấy mẹ con nằm. Mấy đứa con mừng rỡ chạy lại:
- Mẹ có mua gì cho con không mẹ?
- Mẹ cho con một đồng con mua khoai đi mẹ, từ sáng tới giờ con chưa ăn gì cả.
Chị Tám không còn đủ sức giữ bình tĩnh dịu ngọt với con nữa:
- Hết rồi con ơi, không còn gì nữa hết. Ăn uống gì, chết rồi con ơi.
Những đứa con ngây thơ nhìn mẹ với cặp mắt sững sốt, im lặng sợ sệt. Chị Tám không còn gì nói được với con, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Chị ôm đứa con nhỏ vào lòng, sai đứa con gái lớn:
- Con cho mẹ ly nước, lấy một đồng đi ra ngoài mua gì về cho em ăn.
Đây không phải là lần đầu chị Tám bị bọn bò vang (công an) bắt lấy hàng hóa. Mấy lần trước chúng bắt người lấy của không ai dám hé môi, dám than van vì chúng không cho phép mua bán, vì sợ chúng cho là phản động. Đằng này, sau những lần ruồng bắt chỗ này, chợ lại mọc ra chỗ khác. Hết chợ ngồi đến chợ chạy, nhà nước mới hô hào “đăng ký đàng hoàng, ai muốm mua bán cứ việc đăng ký”, nhà nước chỉ việc đánh thuế mà thôi. Thông báo rõ ràng như vậy chị Tám cũng như mọi người đinh ninh mình đã thế chỗ, đã đóng thuế, mình được quyền buôn bán. Không ngờ chúng làm một mẽ khác, hốt sạch cả lại bắt người. Chúng dụ người ta bầy hàng ra để chúng lấy. Ôi thôi luật lệ gì đối với bọn chúng.Thông báo qui định rõ ràng một đàng, chúng lại làm một nẻo. Còn ai mà tin cái ông “nhà nước” đó nổi. Đến người chết mà chúng cũng lừa bịp mấy thước vải liệm, cái hòm để chôn huống chi người sống. Nhân đạo gì đối với chúng. Bao nhiêu ý nghĩ cay đắng hờn căm hiện ra trong óc chị Tám. Những lời nói của những người hai bên đường dội lại trong tâm hồn chị Tám như những lời an ủi sau cùng. Chị Tám cố tìm lời an ủi cho chính mình nhưng cũng đều thất vọng não nề. Tức quá đi mà, càng nghĩ càng tức, càng nghĩ đến càng bấn ruột. Chị muốn la hét lên thật lớn cho có trời có đất thấu nỗi tâm gan. Chị muốn chạy ra đường kéo mấy thằng bò vàng chửi một mẻ cho hả dạ. Nhưng trước mắt chị một đàn con nheo nhóc. Ai nuôi con chị. Anh Tám ở tù đã mấy năm nay. Một thân một mình chị Tám chống chạy cho qua ngày, cũng bởi chị Tám tìm cách nuôi con ngày hai bữa, chị bèn vơ quét bán hết đồ đạc trong nhà, không còn một cái giường cho con nằm, một cái áo lành lặng cho con mặc để lấy vốn ra chợ trời buôn bán.
Cả con đường Tôn Thất Hiệp sáng nay như giặc. Đám bò vàng chận hai đầu đường, các ngõ hẻm. Chúng cho một số giả dạng thường dân len lõi vào khu chợ. Khi những chiếc xe bịt bùng chở đám bò vàng có võ trang nhảy xuống, mọi người sửng sốt cứ nghĩ chúng ruồng bắt thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự. Những cuộc dằng co cải vã lúc đầu không đi đến đâu trước mũi súng. Chúng lùa ngườì, khiêng hàng lên xe. Thế là mọi người tóa hỏa, tìm đường thoát thân. Để cho chúng lấy của còn hơn để cho chúng bắt giam đày đi lao động. Những người trong chợ nhìn nhau ngơ ngác. Vài câu chửi đổng chẳng thấm vào đâu. Bọn bò vàng ngang nhiên khiêng của, ti- vi, tủ lạnh, máy radio lần lượt được chúng thu dọn sạch sành sanh. Những túp liều vải đều bị chúng đập phá. Ở hai đầu góc đường loa phóng thanh chan chát: “Nhân dân bình tĩnh, đây là lệnh của đảng và nhà nước” nhằm quét sạch “tàn dư Mỹ ngụy”.
Chị Tám vật vã lăn lóc, than trời than đất bên cạnh đứa con chưa đầy năm tuổi. Chị quay cuồng như con heo bị cắt tiết. Mấy đứa con quay chung quanh chị khóc liên hồi. Một bà lối xóm nghe tiếng khóc, chạy qua.
- Sao vậy chị Tám? Có sao không mà mấy mẹ con ầm ĩ lên thế này.
- Chết rồi bà ơi. Không còn gì để sống nuôi con nữa cả. Chúng cướp hết rồi…
- Bình tĩnh đã nào. Chị làm vậy tội nghiệp mấy đứa con. Còn người còn của, hơi đâu mà khóc lóc…
Chị Tám gắng gượng ngồi dậy, lau nước mắt.
- Bà xem, nhà cửa đâu còn gì, được bao nhiêu dồn vào buôn bán nuôi con. Chúng lại quét sạch một mẻ nửa rồi, làm sao mấy mẹ con tui sống nổi.
- Mẹ cha nó, nó ăn cướp giết người rồi trời sẽ hại chúng nó. Trước sau gì nó cũng chết. Chị lo sống mà nuôi con, đợi ngày anh Tám về đỡ đần cho chị. Ba vạn cũng bỏ, từ ngày giải phóng đến giờ, biết bao nhiêu người đau khổ, giàu có, nhà cao cửa rộng chẳng còn gì, ra đi nằm vỉa hè. Chị thấy trước mắt đó, như ông Sáu Quang bây giờ lất phất lơ phơ che miếng vải ở công viên mà sống.
Bóng đêm đã phủ trùm xuống căn nhà. Chị Tám sai con thắp cây đèn dầu lên. Dưới bóng đèn dầu leo lét, chị Tám vẫn ngồi than thở, ruột gan cào cấu. Hình ảnh anh Tám hiện ra trong trí óc chị Tám như một niềm tin chói sáng. Một người chồng giờ đây đang đau khổ, đang ngày đêm nghĩ đến cảnh vợ con đối rách. Lần đầu lên thăm anh Tám, chị Tám không cầm được nước mắt trước thân hình tiều tụy, ghẻ lở, gầy còm của anh Tám. Chị Tám đã hứa với chồng ”Anh cố giữ gìn mạng sống, anh đừng lo nghĩ gì, gia đình con cái đã có em. Em thay anh nuôi con đợi ngày anh về. Tình nghĩa vợ chồng, tình thương con là một sức mạnh giúp chị Tám qua khỏi những giây phút ê chề đau đớn. Ngoài đường, trời tối đen. Tiếng rao lanh lảnh của người bán bún bò về đêm. Chị Tám sai đứa con lớn ra gọi bà bán bún bò vào.
Người đàn bà thoăn thoắt để gánh xuống miệng niềm nở:
- Chị ăn mở hàng cho em, chắc tối nay em bán hết sớm.
- Mong chị bán đắt hàng, nhưng nói thiệt với chị, chị bán chịu cho mẹ con tôi. Từ sáng đến giờ mẹ con tôi chưa có tí gì trong bụng.
- Chị nói mĩa em hoài làm chi…
Người đàn bà bán bún bò hai tay liếng thoắng lấy bát muỗng, miệng vẫn nói liên tiếp cho vui khách hàng:
- Phố xá gì mà tối thủi tối thui. Điện cúp một tuần ba bốn
lần làm sao mà ai chịu được.
Chị Tám đếm lại từng đầu đứa con và nói với bà bán bún múc cho đủ số. Mấy đứa con mừng rỡ thấy rõ, hai mắt chăm chú vào gánh bún bò. Chị Tám bắt đầu kể lể câu chuyện bị giựt hàng hồi sáng. Bà bán bún bò thở ra:
- Khổ lắm chị ơi, buôn bán hồi nầy khổ sở, khó khăn quá trời. Em mà không nghỉ đến chồng con em thì em đâu đến nỗi nầy… Em cứ nghỉ anh “đi học tập” ít lâu anh về chứ em đâu ngờ mà lâu quá rứa.
- Bọn chúng nó ngu lắm chị ơi. Anh Tám nhà này chỉ có trung sĩ quèn thôi mà đến nay cũng chưa về. Chúng kết tội anh Tám là làm chiến tranh chính trị, chứ chúng đâu có biết, ảnh chỉ suốt ngày đi mua, phân phối ba cục đường, hộp sữa cho anh em trong đơn vị. Chúng cứ tưởng làm chiến tranh chính trị là cán bộ chính trị của chúng.
- Nhà em cũng đâu có gì. Hai vơ chồng cứ tưởng là đi dạy học trong quân đội thì chẳng có gì đáng nói với chúng. Ai nhè, chúng cho chồng em làm phụ khảo ở đại học là “phụ tá tra khảo”, nên chúng cứ bắt nhà em khai lên khai xuống hoài. Chúng hỏi nhà em đánh đập nhân dân bao nhiêu lần, dùng vũ khí nào tra khảo hạch tội nhân dân…Ôi chán lắm. Hôm em lên thăm ảnh, nghe kể lại vừa buồn cười vừa tức muốn ói máu.
- Chị nghĩ coi, mấy lần chúng mời lên phường họp, họp hoài tuần nào cũng họp. Nhiều người hỏi tại sao nhà nước chưa cho những người học tập cải tạo về. Chúng chỉ trả lời ba phải “chồng con mấy chị học tập chưa tốt, nhân dân chưa yêu cầu”. Nếu có ai hỏi nhân dân là ai chắc chúng cũng ngậm họng. Chúng mình không phải nhân dân là thứ gì chị. Ai mới là nhân dân kia chứ… trông bộ chị mảnh khảnh quá, sao mà chị cũng chịu khó.
Người đàn bà bán bún bò tự dưng khựng lại, như có cái gì nhắc nhở chị, mắt mày rầu rầu, thở dài.
- Nói thiệt với chị, hồi xưa em đi dạy học. Bọn chúng vô “giải phóng“ cho bọn em nghỉ việc ráo. Ai mà có chồng con đi học tâp cải tạo đều bị cho thôi việc hết. Thời buổi này đi làm cho nhà nước, lương làm sao đủ sống, thà vất vả một chút mà kịếm được bửa cơm bửa cháo cho con…
- Con cái chúng mình lớn lên cũng chẳng học hành được gì. Đã là con “Ngụy” chúng đâu có cho học lên đại học…
Hai người đàn bà cùng chung hoàn cảnh, một tâm sự có việc gặp nhau có dịp san sẽ nỗi nhọc nhằn, ấm ức trong lòng. Tình thương chồng thương con hết sức mãnh liệt, đã giúp cho những người đàn bà bất chấp mọi khổ cực, nhọc nhằn để giữ vững sự sống. Bà bán bún bò ra đi không còn hỏi han tiền bạc khi đã hiểu rõ hoàn cảnh chị Tám.
Chị Tám than thở trong căn nhà trống. Chị bồng đứa con mà tâm trí quay cuồng nghỉ đến ngày mai. Ngày mai đâu còn gì để nuôi con, lấy gì cho con ăn con sống. Chị Tám không thể bồng con đi ăn xin. Ý nghỉ thoáng đến trong đầu óc chị, chị còn căn nhà là gia sản cuối cùng. Ngày mai, chị Tám sẽ đi tìm người bán căn nhà. Chỉ còn tiền bán nhà mới có thể cứu sống chị Tám và bầy con.
Suốt một ngày chạy đôn chạy đáo, tơi tả vẫn chưa tìm ra người mua nhà. Đến chiều, chị Tám đành kiếm một cái áo còn lành lặn đem ra chợ An Đông bán. Chiếc áo cưới mà chị hứa mãi trong lòng cố giữ làm kỹ niệm cũng không còn cách nào giữ được. Số tiền bán chiếc áo đủ mua hai kilô gạo và một ít thức ăn mang về cho con đang đói ngồi mong mẹ ở nhà. Trên đường từ chợ về nhà, chị Tám gặp được một người đồng ý mua căn nhà của chị với giá sáu lượng vàng. Mang nỗi mừng vui về, mấy đứa con nhìn chị không khỏi vui lây. Suốt đêm chị Tám không ngủ được, cứ lẫn quẩn tính toán đến số tiền bán nhà.
Sáng hôm sau, chị Tám thức dậy sớm, lo cơm nước cho con, chị chuẩn bị giấy tờ mang lên “phòng nhà đất” quận. Chị Tám đợi cả hơn một tiếng đồng hồ mới có một cán bộ nhà đất ra tiếp chi:
- “Bà muốn bán nhà phải không”?
Chị Tám trong lòng phập phòng hồi hôp.
- “Dạ em muốn bán nhà”
Người cán bộ để lộ hàm răng đen, mặt mày sần sùi, trong chiếc áo trắng cháo lòng, chống tay lên bàn với vẻ đầy uy quyền.
- “Bà muốn đi kinh tế mới phải không?”
- “Dạ, đâu có. Em bán nhà để lấy tiền nuôi con.”
- “Chồng bà làm gì?”
- “Dạ, chồng em đi “học tập” chưa về.
Người cán bộ vừa nghe nói, vội quảng xấp hồ sơ về một bên.
- “Bà về đi, nhà bà bán không được. Nói cho bà rõ chồng bà thuộc “ngụy quân ngụy quyền’’ đi cải tạo. Nếu bà muốn đi kinh tế mới, nhà nước sẽ sắp sếp bà đi, còn căn nhà bà là của nhân dân chứ không phải của bà nữa. Bây giờ nhà nước chỉ cho bà ở tạm bợ khi chồng bà ăn năn hối cải “học tập lao động tốt” nhà nước sẽ cho về, khi đó nhà nước sắp sếp cho cả vợ chồng cùng đi kinh tế mới luôn và căn nhà sẽ do nhà nước quản lý.
- “Thưa ông, căn nhà này của tôi, tôi đứng chủ quyền. Ngày xưa cha mẹ tôi mua cho tôi, đâu có dính dáng gì đến chồng tôi”.
- “Của bà là của chồng bà, chồng bà không đi làm tay sai, đi giết nhân dân thì làm sao có tiền mua nhà. Đảng và nhà nước đã qui định như vậy rồi, bà về đi.”.
Chị tám không còn nói được lời nào. Tên cán bộ xua đuổi chị ra khỏi văn phòng. Hắn đứng dậy, đi vào trong dáng bộ như đang bận rộn chuyện gì. Chị Tám muốn khóc, chị cố nén lại cơn giận, chị đi ra hai chân nặng nề dặm xuống nền nhà “Trời ơi là trời, thế này làm sao mẹ con tôi sống được”.
Niềm hi vọng bán được căn nhà đã trở thành thất vọng ê chề. Ra khỏi trụ sở văn phòng nhà đất, chị nhìn thấy tấm bảng màu vàng kẽ chữ đỏ chị rùng mình như người bị cơn sốt rét kinh niên hành hạ.Trời mưa lất phất. Chị Tám không còn thấy được người đi đường, cả bầu trời mờ mịt hơi sương. Chị Tám nhớ lại câu thơ của Trần Dần “…Tôi đi…không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ…”.
Trước khi đi đến phòng nhà đất, chị Tám cũng đã biết đó là chỗ ăn tiền, chỗ ăn cướp nhà người ta. Ai muốn bán được nhà phải cho chúng ăn gần như một nửa. Nhưng làm thế nào, trong túi chị Tám không còn một đồng bạc thì làm sao đút lót cho nó, mà chị cũng quên, thiếu gì người trung gian, mai mối cho chúng ăn tiền. Đám người chuyên môn sống nhờ “chạy áp phe” thời nào cũng đầy rẫy. Bây giờ lại đông hơn từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, “cửa trước hậm hẹ, cửa sau nhẹ nhàng“. Giờ này chị không đủ sức để đi nói chuyện với họ. Chị Tám trở về nhà trong nỗi chán chường, thất vọng ê chề. Biết bao giờ xã hội mới trong sạch lành mạnh? Bọn chúng nói cho lắm, hô hào cho nhiều, nào là cách mạng, nào là độc lập … Ôi thôi, bọn nói nhiều thì càng tồi tệ hơn nữa. Ngày xưa, người ta cũng ăn tiền nhưng không có hậm hẹ, đe dọa như bọn này bây giờ, không có sừng sộ nạt nọ như buộc cổ thắt họng người ta như bọn này bây giờ. Chị Tám cố lắm vẫn không hình dung ra được một ngày mai cho xã hội Việt Nam. Chị nằm xuống chiếc chiếu mà thân hình không còn một chút cảm giác. Tiếng nhạc văng vẳng từ căn nhà bên cạnh sao mà thắm thía.
- “…Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi, các anh đi biết bao giờ trở lại. Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong…”.
Những ngày dài vô tận, kéo lê tâm hồn chị xuống như chị đang đứng cheo leo trên bờ vưc thẳm.
Tiếng gõ cửa làm chị Tám giật mình. Chị Tám bước ra mở cửa. Người đàn ông lạ mặt, một tên bộ đôi đội nón cối bước thẳng vào nhà nhìn chung quanh từ cánh cửa, nền nhà, trần nhà không hỏi hang một lời. Chị Tám đâm ra hốt hoảng:
- Ông hỏi ai? Có chuyện gì không?
- Bà là bà Tám? Bà muốn bán nhà này phải không?
- Dạ, ông hỏi mua nhà mà nảy giờ làm mẹ con tôi sợ quá trời.
- Bà định bán bao nhiêu? Nhà có “nhà xí tự đông không bà”?
Người cán bộ đứng chống nạnh hai tay lên hông, mắt vẫn đảo qua đảo lại từng góc nhà.
Chị Tám nói:
- Ông cứ xem kĩ đi. Nếu ông đồng ý rồi sẽ hay. Có người đã đồng ý mua với giá sáu lượng vàng rồi đó.
- Nhưng mà chị đâu có bán được nhà. Nhà này thuộc diện nhà nước quản lí mà.
- Ông nói làm sao ấy. Nhà này là nhà của tôi mà.
- Nói thật với chị, tôi đã biết rỏ căn nhà này. Nếu chị đồng ý bán tôi với giá ba lượng vàng thì chị khỏi lo giấy tờ gì hết. Chị chỉ việc dọn ra khỏi nhà là được, mọi gấy tờ tôi sẽ lo hết. Chị suy nghĩ kĩ đi, tôi sẽ trở lại ngày mai.
Người cán bộ ra về, chị Tám ngẫn ngơ, ngơ ngẩn không biết tính ra làm sao. Chị Tám biết mà, có bọn chúng mới biết mách mối nhau, mới làm cho con người ta chán nản để chúng hùa nhau ăn cướp mà.
Chị Tám đau lòng đứt ruột bồng bế con cái dọn ra khỏi nhà. Chị đã chọn con đường ra đi tìm tương lai cho mấy đứa con. Biển cả mênh mông, bão táp, đói khát, hải tặc….kinh hoàng mà bao nhiêu người đã chấp nhận lao vào còn hơn sống với bọn cộng sản.
Biển lửa đã đốt bao nhịêu tâm hồn khao khát tự do. Nhưng bên kia ngọn lửa là vùng hừng đông. Ngọn lửa đã đốt cháy bao nhiêu năm nay “cái thiên đàng cộng sản”. Những người ra đi đã cho nhân loại biết được giữa cái chết và sự sống dưới chế độ cộng sản. Chỉ có ánh sáng mới nuôi sống con người đáng sống. Chỉ có hơi thở tự do, cuộc đời tự do mới đánh đổi được sự hi sinh vô biên của con người. Không còn con đường nào khác, phải lao vào biển lửa để tìm sự sống. Những ý nghĩ đến với chị Tám hết sức mãnh liệt. Trước khi ra đi, chị Tám để lại một bức thư cho anh Tám, nhờ một người bạn thân cất giữ và cố gắng trao tận tay cho anh Tám.
“Mình yêu quí,
Mình hãy tha lỗi cho em đã tạm rời bỏ mình đi. Xa mình là em xa tất cả. Nhưng chằng còn cách nào vì tương lai con cái. Ngày mai, em và các con sẽ tìm đường về ”quê ngoại”. Cầu mong trời Phật phù hộ cho em. Mình cứ nghĩ rằng em và các con hằng mong đợi và thương nhớ mình…” .
No comments:
Post a Comment